91/ Đúng vào chiều ngày Giáng Sinh năm 2007 một tai nạn xảy ra tại sở thú San Francisco. Môt con cọp cái đã vượt hàng rào chấn song sắt cao 4m ra tấn công ba cậu trai. Cậu Carlos 17 tuổi bị cắn chết. Hai anh em nhà Dhaliwal (19 và 23 tuổi) bị thương nặng dù đã bỏ chay gần 300m. Nhân viên võ trang của sở thú đã bắn chết con cọp để cứu sống hai anh em này. Nguyên nhân không thật rõ nhưng cuộc điều tra cho rằng ba cậu này đã chọc phá khiến cọp tức giận thoát chuồng tấn công. Bây giờ chấn song sắt nhọn đã được nâng cao hơn và có thêm một lớp kính nữa để hội đủ tiêu chuẩn an toàn.Mùa hè tôi thường hay vác máy ảnh lang thang trong sở thú vì cách nhà không xa. Kích thước sở thú cũng vừa phải, không quá rộng như sở thú San Diego. “Mẫu ảnh” lại đa dạng, đủ loại từ lông mao đến lông vũ, dáng điệu tự nhiên không ngượng nghịu trước ống kính. Điều cần nhớ là phải tới đây trước giờ ăn của chúng, khoảng 11 giờ sáng. Sau khi ăn no chúng sẽ chui vào hang hay tìm bóng râm để ngủ. Tôi mải lo chụp hươu cao cổ nên khi tới chuồng cọp thì bị trễ. Chụp cọp đang ngủ thì trông chán lắm, không có dáng oai phong của chúa sơn lâm chút nào. Phải kiên nhẫn chờ chúng thức dậy thôi. Cũng không dám gây ồn ào khiến chúng thức giấc và nổi giận như năm nào thì khổ. Khá lâu sau thì cọp tỉnh giấc, mắt nhắm mắt mở, thè dài lưỡi há ngoác miệng ra ngáp. Thế là tôi chớp được mấy tấm hình trước khi cọp ta ngáp xong và ngủ lại. Phải lẹ tay lanh mắt mới kịp. Máy ảnh luôn ở tư thế sẵn sàng, chỉ giương lên rồi bắn liên thanh thôi. Mất một buổi lội bộ, bấm được tấm ảnh này kể như… huề vốn! 😀 VCH
Hãy Để Cọp Ngủ
Khói Lửa Chiến Tranh
93/ "Chinh phục" đỉnh Fansipan.
Đã leo 140 bậc thang ở cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) để đến cực bắc VN, sát biên giới nước Tàu. Cũng đã đi ca-nô để đến cực nam VN (mũi Cà Mau). Cũng đã chụp ảnh bình minh ở cực đông bờ biển VN. Còn cực tây VN, biên giới của ba nước Việt, Lào, Tàu thì kể như không hy vọng vì đường quá xa và xuyên rừng trắc trở.
Nay muốn lên đỉnh Fansipan cao nhất Đông Dương (3143m), cho tạm đủ những địa đầu của đất nước.
Không đủ tự tin để theo đám thanh niên leo núi đường bộ mất hai ba ngày đêm, tôi nhờ cáp treo giúp vượt chín tầng mây, qua được một đoạn cáp dài 6292m (dài nhất thế giới) tới độ cao khoảng 3000m, chỉ còn 143m nữa thôi! Không biết 143m là bao nhiêu bậc thang nhưng nghĩ nếu lần này mà không leo lên được thì sẽ chẳng còn cơ hội. Quan sát những người đồng hành tôi thấy họ thuộc đủ mọi lứa tuổi, từ teen cho đến U60. Tất cả đều thở phì phò và lấp xấp mồ hôi dù trời khá lạnh.
Lên được chừng 100 bậc thì tôi gặp một ông cụ chống gậy với bà vợ và cô con gái dìu hai bên. Vừa leo cụ vừa lầm bầm. Tôi tò mò hỏi, cụ năm nay bao nhiêu? Ngoài bảy mươi rồi bác ạ, tuổi Dậu. Ất Dậu hả? Vậy thì cụ cùng tuổi với tôi, năm đói. Bà vợ nghe vậy quay sang ông chồng. Đấy, ông thấy không? Người ta cũng bằng tuổi ông mà leo phom phom như thế… Tôi mỉm cười, bà ấy không biết tôi cũng mệt lắm rồi, bước chân cũng nặng dần... Một lúc sau phải cởi bớt áo khoác cho đỡ nóng. Nhìn ngược lên không thấy đỉnh đâu, chỉ thấy cầu thang và du khách mờ mờ trong mây. Hỏi thăm mấy thanh niên đang đi xuống còn bao nhiêu bậc nữa thì tới nơi. Sắp tới rồi bác ạ, chỉ còn chừng 500 bậc nữa thôi. Nghe con số 500 mà ớn lạnh và chỉ mong họ đếm sai, nhưng làm sao bỏ cuộc nửa chừng được. Thế là đành hít sâu, thở đều cho đủ oxy vì không khí loãng dần và bước từng bước cho hết bậc thang thứ 630 để có tấm ảnh chụp đứng trên đỉnh Fansipan với hai tay giơ cao hình chữ V như mục đích ban đầu. Mây vẫn là đà bay xung quanh... VCH
Vượt Mây
94/ Văn Miếu được xây dựng từ đời vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử, và Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Đến đời Vua Trần Minh Tông, Chu Văn An được cử làm hiệu trưởng và thầy dạy trực tiếp các hoàng tử. Sau khi mất, ông được cho thờ bên cạnh Khổng Tử. Sang thời Hậu Lê, Vua Lê Thánh Tông cho dựng bia của những người thi đỗ tiến sĩ, mỗi khoa một tấm bia đặt trên lưng rùa.
Trước đây dăm sáu năm, Văn Miếu thường được các sĩ tử đến cầu may mắn trước mỗi kỳ thi, bằng cách vuốt đầu rùa tại các bia tiến sĩ khiến đầu các chú rùa đen bóng. Ngày nay, để bảo tồn di tích lịch sử một hàng rào được dựng xung quanh và các sĩ tử không còn vuốt đầu rùa cầu may như trước nữa. Tuy nhiên vào mỗi cuối năm học, các sinh viên tốt nghiệp đại học cũng rủ nhau tới đây chụp ảnh kỷ niệm với áo mão xênh xang. Truyền thống trọng việc học vẫn còn.
Vào dịp Tết ở cửa Văn Miếu vẫn có vài chục cụ đồ ngồi viết câu đối với nghiên bút và giấy đỏ, hình ảnh mà nhà thơ Vũ Đình Liên đã tả trong bài thơ Ông Đồ:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người quạ…
Những năm gần đây, ngoài mấy cụ đồ đẹp lão, còn có mấy cô đồ xinh đẹp ngồi viết thư pháp nữa. Cũng là một thay đổi cần thiết khi:
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa…
Nếu có mặt ở Hà Nội vào dịp Tết, tôi thường ghé Văn Miếu. Chỉ có điều đáng tiếc là trong số hàng ngàn người đi lễ, du xuân tôi không hề thấy bóng dáng một tà áo dài nào. Phụ nữ Hà Nội ngày nay thích mặc trang phục tây phương hơn. Áo dài chỉ còn để cho mấy cô tiếp tân đứng chào khách ở những nhà hàng sang và một số văn phòng thôi.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
VCH
Ngàn Năm Bia Đá
95/ Cứ vào cuối năm khi mùa đông đến và mặt trời di chuyển về phía nam thì ánh sáng buổi chiều rọi xuyên qua lỗ hổng của một tảng đá lớn nằm sát bờ biển Pfeiffer Beach của vùng Big Sur, California. Đây là cơ hội tuyệt vời lôi cuốn hàng ngàn dân nhiếp ảnh khắp nơi tới chụp cảnh trí hiếm thấy này.
Tảng đá này có thể nằm trong sương mù hay dưới nắng đẹp, ánh sáng sớm mai hay chiều tà nhưng dù trong điều kiện nào thì trông cũng rất sống động. Nhưng tuyệt vời nhất là cảnh hoàng hôn khi mặt trời hiện qua hốc đá. Cần phải tới đây vài ba giờ trước hoàng hôn để còn chỗ đậu xe khá giới hạn.
Việc đầu tiên khi tới bãi biển này là tìm một chỗ tốt để dựng chân máy ảnh (tripod). Công dụng của chân máy là để giữ chỗ và đỡ mỏi tay trong khi chờ mặt trời lặn. Mặc dù đã dựng chân máy sát mé nước để đừng ai đứng chặn ngay trước ống kính của mình khi họ tới sau, nhưng bạn đừng ngạc nhiên sẽ có dăm ba người tỉnh bơ làm việc đó. Và tôi dám đoan chắc đó là những người gốc Á châu. Chưa bao giờ thấy người Mỹ làm cái việc kém lịch sự và thiếu tế nhị như vậy.
Thế rồi thời điểm “vàng” cũng tới. Mọi ngươi thi nhau bấm cảnh sóng đánh tung tóe qua hốc đá với ánh sáng trời chiều rọi xuyên bụi nước đỏ rực lên như lửa… Tuy nhiên tôi cũng không bỏ qua cảnh sóng đánh vào tảng đá lớn khác gần đó, tạo thành một bức tranh kỳ diệu với màu sắc hoàng hôn chiếu xuyên qua bụi sóng mà không thể gặp lần thứ hai. Cảnh này thì “một mình một chợ”, không phải giành giật. Đi chụp hình đôi khi cũng cần phải rời bỏ đám đông để tìm sự sáng tạo và cá biệt.
Năm 1965 phim Sandpiper đã được quay tại đây với cặp tài tử danh tiếng lẫy lừng, Elizabeth Taylor và Richard Burton. Vậy thì ra nơi này đã nổi tiếng từ hơn nửa thế kỷ trước. Năm đó, 1965, bạn đang ở đâu? VCH
Những Giọt Nước Trong Đại Dương
96 - 97 - 98/ Hồ Inle Myanmar
Inle là một trong hai hồ nước ngọt lớn nhất Myanmar (Miến Điện). Tuy chỉ có vẻ đẹp bình dị nhưng Hồ Inle lại là một nơi thu hút du khách ngoại quốc rất đông. Người dân Miến thường nói là nếu tới Myanmar mà chưa ghé Hồ Inle thì kể như là chưa biết Myanmar. Do đó mỗi lần sang Myanmar thì tôi đều đến Hồ Inle, không phải để ngắm cái nét hoang sơ của hồ mà vì muốn chụp ảnh những ngư dân. Cái kiểu đánh cá bằng cách đứng một chân đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của hồ này. Tôi đã từng chụp vô số ảnh quăng chài, kéo vó, đẩy xiệp, thăm dớ… từ miền Nam ra miền Trung của Việt Nam nhưng không khỏi thích thú với cảnh đánh cá trên Hồ Inle. Các ngư dân như các diễn viên của đoàn xiếc, biểu diễn với đủ động tác đẹp mắt.
Từ thủ đô Yangon muốn tới Hồ Inle phải ngồi xe đi xuyên qua đêm 600km để kịp chụp cảnh đánh cá dưới ánh bình minh. Ngủ giường nệm rộng rãi ở nhà còn trằn trọc, nói chi ngồi vật vưỡng trên xe van chật chội. Mệt ghê gớm lắm! Cực hình lớn nhất trong 6 ngày săn ảnh. Vậy mà khi xuống thuyền chạy mươi phút trên hồ thì gió mát làm tỉnh hẳn người, cái mệt biến mất hồi nào không hay. Thấp thoáng là những ngư dân đang đánh cá một chân dưới nền trời đầy sắc màu của bình minh. Máy ảnh được lấy ra khỏi ba-lô chuẩn bị bấm đủ góc độ, đủ kiểu dáng. Thuyền nhỏ, tròng trành, không được đứng dậy hoặc di chuyển nên chụp được tấm ảnh để hài lòng về dáng điệu, ánh sáng, bố cục cũng là một thử thách thú vị. Mỗi lần tới Myanmar tôi đều chụp khoảng trên 2000 tấm ảnh, và dự tính sẽ đi Myanmar lần thứ ba trong vài tháng tới theo một lộ trình khác để khám phá cái xứ dân thì thật hiền và chó thì không biết sủa này. VCH
Vũ Điệu Trên Hồ
Ngư Dân Hồ Inle
Mây Trời Mênh Mông
99/ Thác Bản Giốc là một thác nước cao hùng vĩ và đẹp nhất của Việt Nam, nằm ở địa phận tỉnh Cao Bằng. Thác gồm có hai phần, phần chính phía bên phải nằm giữa hai nước Việt-Hoa với dòng sông Quây Sơn là ranh giới hai nước. Mỗi nước làm chủ một nửa thác và sông. Còn phần thác nhỏ hơn phía trái thì thuộc hoàn toàn chủ quyền của Việt nam. Có nghĩa là Việt Nam sở hữu trên 50% Thác Bản Giốc. Thú thực tôi cũng không biết gì về cái thác lớn nhất Đông Nam Á này cho tới khi có những tin đồn trên mạng là thác đã mất vào tay người “anh em láng giềng phương Bắc”. Bản tính tò mò muốn mắt thấy tai nghe nên quyết định làm một chuyến đi đến tận nơi với máy ảnh đầy đủ.
Từ Hà Nội lúc 9 giờ tối chạy xe xuyên qua đêm thì sẽ đến Thác Bản Giốc lúc tờ mờ sáng. Tiếng thác nước đổ ầm ầm, bụi nước bay khắp không gian. Từ lối vào, tôi dùng ống kính rộng bấm vài tấm để thấy toàn cảnh của thác. Sau đó dùng nhiều thời giờ hơn để chụp phần thác nhỏ. Đa số dân nhiếp ảnh đều thích chụp thác nhỏ để “phơi sáng” với tốc độ thật chậm cho thấy dòng thác mịn. Đây là mốt mới của dân nhiếp ảnh chưa đầy chục năm nay. Góc độ chụp thác nhỏ cũng dễ đẹp hơn thác lớn. Tuy nhiên khi chụp thác này, luôn luôn phải đậy nắp ống kính lại cho khỏi ướt, và chỉ mở nắp ra khi đã sẵn sàng bấm máy. Cũng đừng quên mang theo khăn lau ống kính trước mỗi lần bấm. Tôi đã chụp 114 tấm ảnh ở mọi góc độ và cao độ trước khi cất máy vào ba-lô. Đứng giữa cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, nghe tiếng thác đổ, và cảm nhận cái mát của bụi nước bay ướt mặt không dễ chịu sao? VCH
Mơ Nghe Thác Đổ
100/ Nếu có ai hỏi tôi thích chụp loại người nào nhất thì tôi xin trả lời là người già với rất nhiều lý do. Điều này lại càng đúng khi đi chụp ảnh ở Hà Nội dịp đầu năm. Ra Văn Miếu ngày Tết, giữa ông đồ ngồi viết câu đối và phụ nữ không mặc áo dài thì chọn chụp ai bây giờ? Tìm được một ông đồ đẹp lão với mực Tàu câu đối đỏ cũng hơi khó vì một phần bị các cậu đồ, cô đồ cạnh tranh; một phần trời Tết lạnh nên các ông đồ thường mặc thêm cái áo jacket kiểu mới trông không hợp với áo dài khăn xếp tí nào. Nhưng tìm được một bà cụ áo the vấn khăn đang thắp hương thì còn khó khăn hơn rất nhiều. Vào ngày Tết năm 2016 tôi mất cả buổi đi tìm các cụ bà ở khắp đền Ngọc Sơn, Chùa Trấn Quốc… mà không thấy một cụ nào. Người đông như trẩy hội nhưng đa số là giới trung niên. Đàn ông mặc com-lê, cà-vạt cũng nhiều lắm. Tôi đoán có lẽ sắp có sự thay đổi nhân sự trong cơ quan chăng? Ở trong Nam tôi ít thấy đàn ông mặc đồ lớn thắp nhang bao giờ nên hơi thấy lạ.
Miền Bắc còn nhiều thay đổi đáng ngạc nhiên. Có lần tôi ra Hồ Tây tìm lại món bánh tôm Cổ Ngư mà hồi nhỏ được thưởng thức vài lần. Nhưng sao hôm nay người đi lễ phủ Tây Hồ chen chúc đông thế. Cái mâm cúng không chỉ là hoa quả và bó hương, mà là một mâm lớn với đầy đồ ăn, nguyên con gà luộc vàng ươm nằm ngửa giữa mâm. Thấy lạ tôi hỏi một thanh niên, hôm nay lễ gì mà đông thế cháu? Cậu ta trả lời, bác là Việt kiều hả? (Có lẽ vì thấy tôi hỏi ngớ ngẩn). Hôm nay là ngày rằm. Ngày rằm và mồng một nào cũng đông như vậy bác ạ. Thì ra “tam vô” chỉ còn thấy trong sách vở của thế kỷ trước.
Không tìm thấy bà cụ vấn khăn nào nhưng tôi vẫn còn giữ được môt tấm ảnh bà cụ đang lâm râm khấn vái chụp từ mấy năm trước ở đền Ngọc Sơn để gửi các bạn xem cho đỡ nhớ nhà. Ôi, những người muôn năm cũ… VCH
Cầu Nguyện