Saturday 1 June 2019

Chín mươi triệu dân VN khom lưng, hèn nhát?

Hiện nay, với 90 triệu dân Việt Nam ở trong nước và khoảng bốn triệu dân gốc Việt ở hải ngoại, không mấy người không đồng ý chế độ mệnh danh là “xã hội chủ nghĩa” hiện nay tại VN là một chế độ chó má, cổ lỗ, bán nước, hại dân, man rợ, một con quái thú lạc loài, không phải cộng sản mà cũng chẳng ra tư bản, đã gây ra bao nhiêu tội ác không kể xiết với dân với nước.
 
Vậy mà tại sao nó vẫn tồn tại và tiếp tục gây tội ác với dân với nước đã qua hai thế kỷ?
 
Mới đây, trong “Lời kêu gọi hàng tuần” đi “biểu tình chung với 28 hội đoàn và các phái đoàn Âu Châu” vào ngày Chủ Nhật 19.5.2019 tại Paris, ông Nguyễn Mạnh Hà đã viết như sau: “Qua 2 cuộc tổng biểu tình trên toàn quốc, ngày 05/03/2017 và 10/06/2018, Cộng đồng hải ngoại nhận thấy rng 90 triu đồng bào quốc nội gồm các vị lãnh đạo các tôn giáo, các vị lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự, các nhà dân chủ nỗi tiếng đấu tranh hay trí thức khoa bảng, tất cả đều hèn nhát vô cãm không đồng lòng xuống đường cùng các nhóm thực hiện 2 lần tổng biểu tình trên toàn quốc này, tất cả đều ngồi nhà nhìn kẻ khác làm thay hay bị đánh đập, bị bắt, mặc kệ nó, chỉ trích, viện cớ lý do che dấu sự hèn nhát, toan tính...

Hai cuộc tổng biểu tình trên và các cuộc đấu tranh hải ngoại yểm trợ đang thất bại đều do những vị lãnh đạo này và các nhà dân chủ này và 90 triệu người dân hèn nhát này, thờ ơ này, viện cớ lý do che dấu sự hèn nhát, những kẻ du lịch vui chơi tiếp tay nuôi sống chế độ csvn, những kẻ đem ngoại tệ tiền về giúp từ thiện dùm cho chế độ đưọc tồn tại, và những kẻ ngồi chờ hải ngoại giúp thoát thân để tỵ nạn ra hải ngoại và cho tiền.”
 
Đoạn trên đây tuy viết luộm thuộm với nhiều lỗi văn phạm và lỗi chính tả nhưng nói chung là kết tội “90 triệu dân Việt Nam ở trong nước là hèn nhát, vô cảm” không dám đứng lên đấu tranh, tự cứu. Lời kết tội này đã bị một số người cho là hồ đồ, lớn lối.
 
Mới đây, trong bài tạp ghi “Gù lưng mà sống” Nhà báo Huy Phương cũng  đã viết ra những sự thật như sau: 

Trong tháng vừa qua, Notre Dame de Paris vừa bị hỏa hoạn lớn, do đó rất nhiều người đã nhắc lại đại tác phẩm của Victor Hugo và nhân vật Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà. Bây giờ ở Việt Nam, rất ít người bị gù lưng vì cố tật mà thảy đều bị gù lưng vì thời đại, chẳng qua là vì cúi lưng, lom khom quá độ, lâu ngày biến thành tật, mà không ai biết mình đang bị gù lưng.

Cô Nguyễn Phương Mai là phó giáo sư tiến sĩ chuyên ngành giao tiếp và quản trị đa văn hóa, hiện đang giảng dạy tại Đại Học Khoa Học Ứng dụng Amsterdam, Hòa Lan, cho rằng cô chưa mất niềm tin vào tương lai của chính mình ở Việt Nam, nhưng cô lại nói: “Nếu quay trở lại Việt Nam sống và hàng ngày phải đối mặt với những cái khó khăn, những điều chướng tai gai mắt, phải gù lưng mà sống thì chưa chắc tôi đã về, nghĩa là tôi cũng lại mất niềm tin!”
Vậy ai là những người phải “gù lưng mà sống” trong xã hội này? Dù không sợ, người ta phải khom lưng xuống để tỏ ra mình biết sợ, để được sống còn và sống yên.

Trong đoản văn “Người việt nam hèn hạ” của một người trẻ tuổi có tên Phan Hân (chữ việt nam không viết hoa), đã mô tả xã hội bây giờ là một “cuộc chiến đó là rình mò, là theo dõi, là cấm cản, là kiểm duyệt, là vu cáo, là bắt bớ, là dùi cui, là tù đày, là chết không lý do, là bị bịt miệng tại tòa, là con cháu theo lời lãnh đạo cầm gậy gộc ra ngoài đồng ức hiếp ông bà cha mẹ chòm xóm của mình vì họ đang giữ đất!”

Ai cũng mong có “một ngày yên ổn làm ăn, không bị cán bộ thuế đến nhũng nhiễu, không bị cảnh sát giao thông thổi phạt kiếm ăn, không bị đội dân phòng rượt đuổi, không bị ông chủ đẩy vào toa-lét để sờ soạng, không bị cắt tiền tăng ca, không bị cho ăn cơm thiu ngộ độc, không bị bệnh đột ngột phải vào bệnh viện nằm gầm giường chờ chết…

Vậy thì còn ai dám đứng thẳng?

Cũng có người không biết mình còng lưng, vì nhìn chung quanh, lưng ai cũng còng. Ở đâu cũng nhìn thấy thái độ của kẻ đi xin (dân) và người có quyền ban phát (đảng-chính quyền.) Cái đáng là mình được quyền làm, quyền có thì lại là một thứ ân huệ, mà trong đất nước này ân huệ ban từ trên xuống, cũng không bao giờ ai cho không mà được trả bằng tiền, quà cáp, sức lực và cả nhân cách của con người. Nhất nhất điều gì người dân cần làm đều phải qua tay chính quyền, cũng phải xuống xã xin con dấu, như người dân cần vay tiền ngân hàng, trẻ con sinh ra làm giấy khai sinh, hồ sơ đi làm ăn xa, gia đình hộ nghèo đi bệnh viện giải phẫu, xuống xã nhận tiền “hộ nghèo…”

Có hai thứ “còng lưng,” một là còng lương để tồn tại, như lời Nguyễn Tuân: “Tôi sống được là nhờ biết sợ!”  Hai là còng lưng vì “sưu cao thuế nặng.” Không khác gì thời thực dân, phong kiến mà ông Lê Văn Cuông – cựu đại biểu Quốc Hội cũng xót xa: “…Mùa sưu thuế hãi hùng ở Hậu Lộc cho thấy đang có sự xuất hiện trở lại của bộ phận cường hào, ác bá thời phong kiến ở nông thôn trong thời kỳ văn minh.”

Nông dân tên Dương, ở Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cho biết trong vụ thu hoạch Hè Thu vừa qua gia đình anh phải nộp tất cả 20 loại thuế, trong đó có những loại thuế, phí nhà nước cũng như tỉnh không quy định mà chính quyền huyện, xã lại đề ra và bắt dân phải nộp kiểu “phép vua thua lệ làng.” Nặng nhất là khoản xây dựng nông thôn mới, mỗi người phải đóng gần 1 triệu/1 năm. Đó là đóng góp nghĩa địa, thu thủy lợi, trả công bảo vệ hoa màu, quỹ thiếu niên nhi đồng, quỹ văn hóa làng-thể thao, quỹ khuyến học, quỹ điện sáng nhà văn hóa, quỹ an ninh xã hội, quỹ an ninh thường xuyên làng, quỹ chữ thập đỏ… Nhiều thứ đóng rõ ràng là phi lý. Báo chí Việt Nam kể một câu chuyện người dân khốn khổ: “…do không đóng đủ tiền giao thông nông thôn, một chị nông dân đã bị chính quyền thôn, xã đến cưỡng bức bắt con bò mới mua để cày ruộng, sau đó bán cho người khác. Con chị đó đến ngăn thì bị họ đánh, phải đi bệnh viện.”

Ở Hải Lộc, Hậu Lộc “có gia đình còn bị ‘tổ công tác đặc biệt’ bốc mất mấy tấm ván canh.” Tấm ván canh là gỗ mua sẵn dành cho người già chết thì đóng quan tài. Cái thời 31 năm về trước, trương tuần của “Cái đêm hôm ấy… hôm gì?” chỉ trấn lột thóc, để lại cái áo quan cho mẹ nhà văn Phùng Gia Lộc, xem ra vẫn còn nhân đạo hơn bọn cường hào mới bây giờ lấy cả tấm ván canh lo hậu sự của người già.

Thời này trâu bò ra đồng ăn cỏ, vịt xuống ao rỉa cá cũng phải thuế. Bọn cầm quyền nghĩ cách thu thuế, “nhổ lông sao cho vịt khỏi kêu.” Rồi đây đến cái điện thoại cầm tay cũng phải đóng thuế. Việt Nam hiện có 72,300,000 cái cell phone, đứa nào nghĩ ra chuyện “nhổ lông vịt” này quả là siêu đẳng.

Ra đường thì có công an giao thông thổi còi kiếm ăn mỗi ngày, tài xế đi xa thì có B.O.T. chặn đường thu “mãi lộ,” lưng thằng dân chất chồng bao nhiêu thứ thuế, không gù mới là chuyện lạ. Có con đi học, xin còng lưng thêm tí nữa! Cho con đến trường là một nỗi khổ của cha mẹ phải đóng hàng chục thứ “phí.” “Mức đóng góp đầu năm dành cho khối học sinh lớp 1 hơn 7.5 triệu đồng với 22 khoản thu: tiền bán trú, tiền ghế, tiền áo đồng phục, tiền sách mua nhà trường, tiền kỹ năng sống, tiền chữ thập đỏ, tiền quỹ đội, tiền học tiếng Anh, tiền quỹ hội cha mẹ học sinh, tiền xã hội hóa giáo dục, tiền ngoại khóa, tiền vệ sinh nhà trường, tiền trông trẻ (dạy buổi chiều,) tiền hỗ trợ nhà bếp, tiền giấy kiểm tra, tiền vệ sinh lớp học, tiền quỹ lớp, tiền phô tô, tiền máy chiếu, tiền điều hòa, tiền bảo hiểm y tế…”

“Lên đến lớp 4, lại thêm các loại tiền đóng: Tiền xã hội hóa, tiền bảo trì máy tính, tiền quỹ hội cha mẹ, tiền thuê trực nhật, tiền vệ sinh trường, tiền nước uống, tiền giấy vệ sinh, tiền hoạt động ngoại khóa, tiền bổ sung đồ dùng bán trú, tiền học buổi chiều và hỗ trợ trông trưa, tiền học kỹ năng sống, tiền quỹ lớp, tiền chữ thập đỏ, tiền quỹ đội, tiền giấy thi… Nhiều gia đình không chịu nổi phải cho con nghỉ học.”

Không biết chính phủ sinh ra để làm gì, và thu thuế để phục vụ ai? Thu thuế để xây dựng đảng, như thế đảng càng mạnh, thì dân càng phải gù lưng hơn nữa! Những ai làm ăn, kinh doanh dưới chế độ Cộng Sản chắc đã biết chuyện nhịn nhục, nói cười cho qua chuyện để chúng ta cùng có lợi, đôi khi phải quên cả nhân cách của mình, có tiền bạc rủng rỉnh, nhưng đêm nằm nghĩ lại có hổ thẹn hay không?

Trong một xã hội, buổi sáng ra khỏi nhà, gặp thằng công an khu vực, trong lòng khinh nó, mà cũng phải chào hỏi. Đến sở làm việc với thằng thủ trưởng dốt nát, tham ô, phe cánh, kinh tởm mà cũng phải thưa dạ, bác cháu, anh em. Buổi chiều không muốn đi nhậu mà cũng phải làm ra vẻ sốt sắng, chén chú, chén anh, cho ra phe mình. Cái thời buổi “thẳng thắn, thật thà, thưng thua thiệt,” ai mà dám đứng thẳng lưng, đôi khi phải sống giả dối, quên mình, nên cái lưng gù xuống lúc nào không hay! (ngưng trích)

Nghĩ cũng oan cho 90 triệu dân Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh những bạo chúa hay độc tài sắt máu không bao giờ bị lật đổ, hay phải thay đổi để nới lỏng kìm kẹp, chỉ vì dân chúng xuống đường bất bạo động, ôn hòa nói lên nguyện vọng, hay thỉnh nguyện chính đáng.

Độc tài Cộng sản lại càng khẳng định “chân l‎ý” ấy rõ rệt hơn. Chắc ít ai quên những gì đã xảy ra tại Thiên An Môn, Bắc Kinh, đúng 30 năm trước, trong gần một tháng khoảng giữa tháng 5 tới đầu tháng 6 năm 1989, hàng triệu người dân đã tập họp, nòng cốt là sinh viên thanh niên, để ôn hòa nói lện nguyện vọng khao khát tự do, dân chủ. Họ không bạo động, nhưng quyết tâm tạo một “Mùa Xuân Bắc Kinh” trước sự kinh ngạc và khâm phục của thế giới bên ngoài. Những người đại diện của họ đã gặp các viên chức chánh quyền Tàu cộng để trao đổi quan điểm và “đàm phán”, nhưng Thủ Tướng Lý Bằng đã trả lời bằng bạo lực. Giữa đêm 3 rạng ngày 4.6.1989, hàng đoàn xe tăng hạng nặng đã được lệnh di chuyển vào Bắc Kinh.

“Mùa Xuân Thiên An Môn” đã biến thành “Biển máu Thiên An Môn” với hàng ngàn người tay không bị xe tăng cán nát thây chỉ vì “tội” ước mơ được sống như con người tự do và nghĩ rằng người cộng sản cũng có một trái tim như họ, có một khối óc như họ, và sẽ bị thuyết phục trước lý lẽ hợp tình hợp lý của họ mà chấp nhận nguyện vọng của người dân.

“Biển máu Thiên An Môn” là bài học lịch sử sống chết cho người dân đang sống dưới một chế độ cộng sản, hay cộng sản giả hiệu nhưng cũng độc tài sắt máu như nhau. Họ không bao giờ nên quên bài học ấy khi muốn thoát khỏi gông cùm, xiềng xích của chế độ cộng sản.

Chắc có người sẽ đặt câu hỏi: “Thế tại sao chỉ sau ‘Biển máu Thiên An Môn’ vài tháng, cả Khối Cộng sản Đông Âu đã theo nhau sụp đổ trong vài tuần lễ khi dân chúng đứng lên làm những cuộc cách mạng  đẹp như mơ, rồi tiếp theo là Liên Sô, ‘cái nôi’ của mọi đảng cộng sản trên thế giới, cũng tan rã trong một cuộc cách mạng không đổ máu do nhân dân xuống đường, tập họp hàng trăm ngàn người tại Công trường Đỏ ở Mạc-tư-khoa phản kháng, thách thức bạo lực?” 

Đúng mà không...đúng! 

Đúng là 30 năm trước người dân tại các nước Đông Âu và Liên Sô đã dũng cảm đứng lên, nhưng... không đúng vì không phải những người dân tay không tấc sắt ấy đã lật đổ các chế độ cộng sản hung bạo độc quyền ngự trị trên đất nước họ...dưới chiêu bài gọi là “chuyên chính vô sản”.

Chính những người cộng sản giác ngộ đã đứng lên lật đổ những chế độ độc tài hại dân phản nước mà mọi người oán ghét. Họ đã giác ngộ sau nhiều năm tháng ở trong hàng ngũ cộng sản, leo cao trong nấc thang quyền lực, nhúng tay vào những tội ác nhân danh “chuyên chính vô sản”, chứng kiến sự đau khổ của người dân, những đàn áp, tù tội, lắng nghe những tiếng nói can đảm trung thực thốt lên từ những con người ưu tú trong xã hội – trí thức, nhà tu, văn nghệ sĩ...

Khi xảy ra biến động lớn với hàng trăm ngàn người dân tập họp để phản kháng hay chống đối một việc gì, hay một quyết định nào đó của quyền lực cộng sản, những đảng viên giác ngộ và can trường đã nắm lấy thời cơ để hành động,  đứng về phía nhân dân, làm nên lịch sử. Từ Ba Lan tới Hungary, Đông Đức, Tiệp Khắc, Bulgari, Romani và cuối cùng là Liên Sô.

Cộng sản Tàu, Cộng sản Việt và gần đây nhất, Cộng sản cuối mùa tại Venezuela đã thiếu vắng những con người giác ngộ đáng khen ấy.

Riêng chuyện Việt Nam, chính bốn triệu đảng viên CSVN mới là những kẻ hèn nhát, cong lưng, cúi đầu. Từ tên tổng bí thư đảng cho đến bọn cán bộ làng xã tép riu. Bọn người gù lưng mãn kiếp đáng ghê tởm! Bao giờ mới có kẻ mở mắt và giác tội?

Ký Thiệt
(Đời Nay ra ngày 31.5.2019 - online: http://doinayonline.com)