Thursday 25 July 2013

Thư Gửi BẠN TA (July 26, 2013)


     








 "Thư Gửi BẠN TA" là một trang nhà gồm các bài viết của nhà báo Bùi Bảo Trúc dành riêng cho các độc giả trên mang lưới toàn cầu, xuất hiện đều đặn trên các báo Việt tại hải ngoại trong nhiều năm qua. Các báo Việt ngữ khác muốn phổ biến xin liên lạc trực tiếp với tác giả qua địa chỉ"tgbt@yahoo.com". Bản quyền thuộc tác giả, cấm ngặt trích đăng bừa bãi, cắt xén hoặc sửa đổi, xin trân trọng cám ơn.




Các Bài Viết Cũ có thể Download tại các LINK sauBaiCuTGBT.rar
CHUNGHIACHUNGTA.rar
TAPGHI.rar




Xin Các Bạn Đừng Chuyển Các Bài Viết TGBT cho các báo chí khác để tránh việc cắt xén  đăng tải bừa bãi không có sự đồng ý của tác giả. Xin cám ơn. (Bu`i Bảo Sơn)

How to view Unicode in your mail: For Mozilla Firefox, from VIEW go to CHARACTER ENCODING then choose Unicode(UTF-8) or Western (ISO-8859-1) until you can read in Vietnamese. If you use Microsoft Explorer: From VIEW go to ENCODING to MORE then choose Unicode (UTF-8) or You can click the blue LINK on top of each article to go to the main source or download the Attach Files (BBS)

"Thư Gửi BẠN TA" là một trang nhà gồm các bài viết của nhà báo Bùi Bảo Trúc dành riêng cho các độc giả trên mang lưới toàn cầu, xuất hiện đều đặn trên các báo Việt tại hải ngoại trong nhiều năm qua. Các báo Việt ngữ khác muốn phổ biến xin liên lạc trực tiếp với tác giả qua địa chỉ "tgbt@yahoo.com".

Ngày 22 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Thời gian này là lúc hay xẩy ra cháy rừng tại miền tây nước Mỹ. Trời nắng, không mưa, không khí khô chỉ cần một tia lửa nhỏ của một điếu thuốc quăng xuống đường, một cú sét nháng lửa là có thể gây ra ngay một trận hỏa hoạn. Cuối tháng 6 bắt qua tháng 7, các tiểu bang California, Arizona, Colorado đã bị liên tiếp nhiều trận cháy.
Không chỉ xe vòi rồng được huy động để chữa cháy mà luôn cả các phi cơ vận tải được cải biến để rải hóa chất cũng được dùng để cứu hỏa. Một hai loại trực thăng cũng được đem dùng để lấy nước ở các hồ, hay rải các chất kỵ hỏa để kiểm soát các trận hỏa hoạn. Vài chiếc trực thăng kiểu Huey UH 1B, kiểu dùng để chở quân và cứu thương hay làm gun-ship hồi chiến tranh Việt Nam cũng thấy bay xẹt xẹt, tiếng cánh quạt rất dễ nhận ra làm tôi nhớ tới âm thanh của nó hồi mấy chục năm trước ở Việt Nam.
Khi dùng để chở quân, những chiếc trực thăng HU 1B này có thể chở được tới 13 binh sĩ võ trang không kể 2 phi công chính và phụ.
Trong những hoạt động chữa cháy, những chiếc trực thăng này có thể vận chuyển một lượng nước đáng kể để rải xuống những nơi xe cứu hỏa không tới được. Nói tóm lại, nó là loại trực thăng rất mạnh. Nhấc được 15 người lính có võ trang thì nó phải mạnh lắm. Có lần nó đã được dùng để di chuyển một con tê giác tới một khu công viên dành riêng cho thú rừng ở Phi châu như trong một cuốn phim của National Geographic.
Vậy mà có một người đàn ông đã dùng hai tay ghì lấy cái càng của nó khiến nó không cất cánh lên được và người đàn ông ấy sau đó đã dùng súng bắn vào phòng lái khiến viên phi công chết ngay trên ghế lái và chiếc trực thăng lao xuống đất nổ tan.
Tôi nghĩ ngay cả Hercules tái sinh cũng không thể làm nổi công việc đó. Hercules chắc chỉ nặng bằng hai người lính là cùng. Sức nặng đó thì trực thăng HU 1B nhấc khỏi mặt đất một cách rất dễ dàng. Nếu Hercules tự trói mình vào một tảng đá lớn để dùng sức nặng của tảng đá giữ chiếc HU 1B thì với động cơ turboshaft của nó cũng thừa sức xé xác của Hercules để cất cánh khỏi mặt đất.
Người đàn ông dùng tay ghì chiếc trực thăng Huey của quân đội Mỹ không cho nó cất cánh là một người Việt Nam. Theo một bài báo trong nước thì ông ta là một du kích ở miền Trung, trong một trận đụng độ với lính Mỹ, một mình ông đã phá được một chiếc Huey và được trao huân chương anh hùng. Ông tên là gì, nơi ông ghi chiến công là ở đâu tôi đọc lướt qua và không nhớ.
Chỉ một vài chi tiết nhỏ về khả năng của loại trực thăng này cũng thấy ngay chuyện không thể nào có thật. Nhưng bài báo còn chụp hình ông ngồi ở nhà, ôn lại chiến công với con cháu.
Như vậy thời đánh Pháp thì có Lê Văn Tám, chú bé tẩm xăng vào người, châm lửa rồi chạy vào một đồn binh cho nổ một kho xăng của Pháp. Nhưng gần đây, nhà sử học Phan Huy Lê cho biết đó là chuyện bịa đặt của Trần Huy Liệu để động viên lòng yêu nước của người dân. Các y sĩ mà nhà viết sử Phan Huy Lê tiếp xúc đã khẳng định rằng cây đuốc sống đó không thể chạy quá được 10 mét thì làm sao chạy được từ ngoài cổng trại vào tận kho xăng của Pháp để đốt kho xăng của Pháp cho được.
Người anh hùng dũng sĩ diệt máy bay lên thẳng của quân xâm lược Mỹ tuy có thật, nhưng được đổ cho cái chiến tích lẫy lừng như thế thì ai lại dại dột phủ nhận. Phải nhận cho oai chứ.
Một cụ già 90 bị đổ cho tội làm phiền một lúc 10 phụ nữ trẻ thì tại sao lại phải lắc đầu chối phắt bao giờ? Nhận cho con cháu nó mừng chứ!
Cứ nhìn chiếc trực thăng Huey bay đi cứu hỏa là tôi lại phục ông du kích nọ không biết bao nhiêu mà kể. Phục tài nói phét của ông chứ còn phục gì nữa!

Ngày 23 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Như vậy là cuối cùng cậu bé dùng giờ cao su cũng phải xuất hiện. Cậu đã làm cho rất nhiều người hồi hộp ở trước bệnh viện St Mary’s ở Luân Đôn, đứng ngồi không yên chờ đợi suốt hơn một tuần lễ.
Với sự ra đời của cậu, người ta cũng biết cậu là một thằng cu. Chuyện đó cũng khiến cho khá nhiều người thua cá cược vì đoán lầm phái tính của cậu. Chắc suốt mấy hôm trước đó, cậu nhẩn nha nằm tiếp trong cái ổ êm ấm cậu đã chiếm giữ suốt 9 tháng, hai tay che lấy khu vực giữa hai đùi và thỉnh thoảng lại cười tủm tỉm một mình.
Và hôm nay thì cậu cũng đã có tên, và được ghi nhận là tuổi Bắc Giải. Muộn một ngày thì là tuổi Sư Tử mất.
Vậy ra tôi cũng lại là người thắc mắc không ít về cậu trong khi đầu tôi thì cứ muốn nhắc tôi là "who cares!" Mà tôi quả thực muốn có thái độ đó. Thắc mắc làm quái gì!
Cậu cũng chỉ là 1 trong 1 triệu em bé ra đời trong ngày. Trong số đó, khoảng trên 1 trăm ngàn em đã chết khi được sinh ra. Một con số đông đảo sẽ lớn lên trong cảnh thiếu thốn, trong những môi trường nguy hiểm. Khá nhiều sẽ không sống qua được sinh nhật đầu tiên. Một số khác sẽ không qua được 5 tuổi. Rất nhiều sẽ không sống được tới năm 30 tuổi. Tuổi thọ của một số sẽ là khoảng 40. Nhiều đứa bé sẽ lớn lên với siêu vi khuẩn HIV do cha mẹ truyền lại. Nhiều đứa sẽ bị đem bán để thành nô lệ, lao động, tình dục. Một số sẽ cầm súng học nghề giết người như ở Phi châu.
Sẽ chỉ có một mình George Alexander Louis là đứa duy nhất sẽ được hưởng một gia tài 1 tỉ đô la, và sẽ không bao giờ phải cầm cái resume đi xin việc, lo lắng làm sao nuôi vợ con.
Vậy thì để tâm tới chuyện của cậu bé đó làm gì? Đã có lúc tôi nghĩ như vậy. Nhưng rồi tôi lại nghĩ khác. Tại sao không lấy chuyện ra đời của cậu là một niềm vui chứ? Ở một cái thế giới càng ngày càng độc ác, hung hiểm như thế giới ngày nay, chúng ta thỉnh thoảng cũng cần vài ba chuyện vui như thế. Trong thế giới này lúc nào cũng có người sẵn sàng ôm một lượng chất nổ trong người để lúc thì cho nổ giữa chợ, trong giáo đường để cướp đi mạng sống của rất nhiều người, lúc thì âm mưu chuyện này, có lúc âm mưu một hành động tàn ác khác, thì thỉnh thoảng được nghe một câu chuyện cổ tích như hồi những năm còn ngồi trong lòng bà nội, bà ngoại mà không thích sao?
Chúng ta đã bao nhièu lần mơ lấy được cô vợ cóc, hay nàng tiên trong trái thị, hay người đẹp bước ra từ bức tranh? Chúng ta cũng có người muốn được hoàng tử đẹp trai cưỡi con ngựa câu đến rước về dinh. Cho nên sự ra đời của George Alexander Louis cũng là một chuyện cần thiết. Cứ xem những bức ảnh chụp người dân Luân Đôn trong mấy ngày qua là thấy ngay. Họ vui sướng một cách thật lòng. Tin cậu ra đời là một nguồn vui lớn tại một nước cũng đang gặp không ít khó khăn trong nhiều chuyện.
Thôi thì cứ tạm gác những chuyện ấy sang một bên, vui một chút cái đã. Như ông Bùi Giáng có lần nói "buồn quá, giả bộ vui" vậy mà.
Nhưng chú bé George Alexander Louis cũng gợi lại trong chúng ta những kỷ niệm khi đón đứa con đầu lòng về nhà mà gần như ai trong chúng ta cũng đã có.
Cái mùi thơm của đứa con mới sinh, cái bàn tay nhỏ sờ vào mặt chúng ta, cái mùi hơi thở của nó, tiếng nó khóc đòi ăn, những tiếng cười đầu tiên của nó…
Những thứ ấy đều làm chúng ta nhớ lại chính chúng ta, và người đàn ông đón chúng ta về nhà hôm ấy.
Vì thế, có vui một chút với George Alexander Louis cũng được!
Vả lại, cái đứa bé chúng ta đón về cũng là một cậu hoàng tử của chúng ta đấy chứ. Và luôn cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đã có lần là hoàng tử của cặp vợ chồng trẻ mấy chục năm trước vậy. Đâu có chỉ riêng George Alexander Louis là hoàng tử !

Ngày 24 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Mỗi lần nghĩ về cái giọng nói của mình, cái giọng mà tôi đã dùng để nuôi thân mấy chục năm qua, từ công việc dậy học hồi còn ở trong nước qua đến những năm làm phát thanh ở hải ngoại, tôi vẫn cho là trong chuyến đi khỏi Hà Nội năm 1954 sau ngày đất nước chia đôi, tôi chỉ mang theo được hai cái dấu "hỏi" và dấu "ngã".
Bao nhiêu năm sống ở miền Nam, rồi lại lưu lạc qua nước Mỹ, tôi vẫn giữ được chúng, những thứ mà dùng theo ngôn ngữ ngày nay, phải gọi chúng là những "đặc sản" của Hà Nội. Tôi có thể nói sai những âm khác, tôi có thể lẫn lộn "CH" với "TR", "G" và "D", với "R". Nhưng hai cái dấu hỏi và ngã thì không bao giờ. Nghi ngờ một chút thì đi hỏi ngay các cụ trong Khai Trí Tiến Đức, các cụ Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ, cùng với mấy cuốn từ điển chính tả là những nghi ngờ được đánh tan ngay lập tức.
Tôi vừa nhận được qua internet một bài viết không biết của ai với mấy dòng viết thêm ở đầu bài nguyên văn như thế này:
"X" LÀ HÌNH ÃNH ĐẸP CŨA MỘT CÔ GÁI GIÀ. "Y" LÀ HÌNH ÃNH ĐẸP CŨA BÀ MẸ VN VỚI NẾP RĂN GIÀ NUA CŨATHẾ KỸ THỄ HIỆN CÁI ĐẸP CŨA CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỮ DÂN TỘC VIỆT NAM.
Chỉ trong có mấy dòng vừa kể tôi thấy ngay được một điều: người viết mấy dòng chữ đó đã lấy cái dấu "hỏi" tôi mang theo trong người, cố gắng gìn giữ từ mấy chục năm nay, cẩn thận không làm mất và quăng đi không thương tiếc. Người viết đã thay tất cả những chữ có dấu "hỏi" và thay chúng bằng dấu "ngã" một cách không thương tiếc.
Thế là tất cả những chữ có dấu "hỏi" trong tiếng nói của tôi, của những người mất quê hương miền Bắc bị vứt đi hết. Tôi nhớ trong cuốn sách dậy đánh vần tiếng Việt của tôi hồi ấy có một câu đọc qua một lần là nhớ ngay để dậy cho bọn trẻ những cái dấu của tiếng Việt: "dao sắc, vòng huyềnhỏi nhau, ngã đau, vác nặng".
Bây giờ những cái dấu "hỏi" của tôi bị quăng đi mất rồi thì làm sao tôi nói tiếng Việt?
Những cái email như thế mỗi ngày tôi nhận được khá nhiều. Có những cái được người gửi dặn dò cẩn thận: "rất hay, phải đọc". Một số thì kèm theo những lời dặn dò không mang tính cách bó buộc như thế, nhưng cũng vẫn là "cần đọc". Đến lúc đọc thử vài ba hàng thì thấy cũng không có gì ghê gớm lắm. Sau vài ba lần như thế, tôi phải gửi lại mấy dòng đại khái xin đừng gửi cho tôi nữa.
Thì giờ không nhiều mà cứ dặn với dò như thế thì mệt quá, lại còn phải mất công delete chúng đi. Trước khi cho chúng biến mất máy còn hỏi là có thực sự muốn xóa chúng đi vĩnh viễn không nữa chứ.
Nhưng cái email nhất định bỏ cái dấu hỏi yêu quí của tôi thì quả là quá đáng. Mất cái dấu hỏi, tôi sẽ có thể gây ra những hiểu lầm có khi tai hại và rất đáng tiếc.
Những người quen cũa tôi sẽ không thễ hiễu được cơn gió độc nào vừa thỗi qua, làm bay đi cái dấu hõi cũa tôi, khiến cho tôi ăn nói nghe lẫn thẫn quá chừng, nghe chã hiễu gì hết Khỗ cho tôi quá. Tự nhiên tôi thấy buồn không thễ tãđược. Đó là nỗi buồn hõi ngã, nỗi buồn chính  cũa tôi mà tôi cố tránh né , nay đến tuỗi này bỗng dưng bị đỗ vào tay thì có khỗ sỡ cho tôi không.
Trong khi đó, tôi có thể tin chắc rằng người lấy cái dấu hỏi của tôi vứt đi và thay thế chúng bằng những cái dấu ngã thì chính ông ấy hay bà ấy, cô ấy lại cứ viết dấu ngã nhưng lại quay ra phát âm thành dấu hỏi thì có tức không cơ chứ.

Ngày 26 tháng 7 năm 2013
Bạn ta,
Hôm nay, tôi vào internet và được xem mấy bức ảnh chụp cuộc thi hoa hậu Việt Nam toàn cầu năm 2013 vừa diễn ra mấy hôm trước ở San Diego . Bài viết đi kèm nói là cuộc thi đã diễn ra một cách thành công tốt đẹp.
Nhưng xem những bức ảnh thì tôi thấy những nhận định đó có nhiều phần không đúng.
Người ta không chờ đợi cuộc thi đó được tổ chức theo những tiêu chuẩn của những cuộc thi hoa hậu của Mỹ. Lý do dễ hiểu là phương tiện của một cuộc thi hoa hậu Việt Nam không thể sánh ngang với những cuộc thi tầm vóc quốc tế của Mỹ.
Những hình ảnh về cuộc thi mà người ta thấy được chỉ làm hạ giá cuộc thi hoa hậu này đi rất nhiều.
Đập ngay vào mắt những người được xem những bức ảnh chụp ở cuộc thi là tấm phông lớn, làm nền cho buổi trình diễn. Hình như cuộc thi chỉ có một tấm phông đó vì tất cả các thí sinh dự thi đều xuất hiện trước nó.
Tấm phông không có lấy được một nét thẩm mỹ nào. Tấm phông có vẽ silhouette của một phụ nữ với bộ ngực lớn dáng điệu như đang uốn éo nhẩy múa, tóc bay bay. Phải nói đó là một tấm phông rất xấu. Rất xấu và thô tục. Tội nghiệp các thí sinh từ nhiều nơi đến tham dự cuộc thi đã phải trình diễn trong những trang phục đẹp nhất của họ trước tấm phông rất xấu và thô tục đó.
Chắc nhiều người cũng phải thấy điều đó. Hình vẽ người đàn bà được mô phỏng theo một hình vẽ khác mà người ta thấy bán ở các tiệm bán phụ tùng xe hơi. Hình người phụ nữ khỏa thân cũng mái tóc bay bay đó và một bộ ngực to khác thường ấy được dùng để trang trí cho những cái chắn bùn gắn ở bánh sau xe. Thường đó là những xe pick up hay những xe vận tải lớn.
Cái đẹp của những thành phần red neck phải là như thế. Phải có bộ ngực lớn. Chân phải dài, bụng như bụng búp bê Barbie.
Những người đàn ông râu ria rậm rạp, cái bụng bia thè lè vượt mặt, chiếc sơ mi không cài khuy, chiếc mũ baseball lúc nào cũng ở trên đầu và mặt mày đỏ ké, hơi thở toàn mùi bia lái những chiếc xe 18 bánh chạy với tốc độ điên cuồng trên xa lộ mà chúng ta chắc đã phải thấy nhiều lần. Những cái xe đó đều gắn những cái chắn bùn với hình ảnh phụ nữ "lý tưởng" của họ ở sau xe.
Cứ mỗi lần họ qua mặt chúng ta, chúng ta lại một phen hết hồn phải nép sang một bên.
Hình ảnh người phụ nữ đẹp theo kiểu lạ lùng đó đã được sao chép lại, phóng lớn lên để làm phông nền cho cuộc trình diễn của các thí sinh hoa hậu Việt Nam.
Cũng mái tóc bằng mấy nét vụng về đó. Cũng bộ ngực to khác thường đó. Khác chăng là trong tấm phông, người phụ nữ được cho đứng với gợi ý là đang mặc một chiếc áo dài che lấy đôi chân, thay vì ngồi duỗi chân.
Có thể ban tổ chức cố tình vẽ khác đi để tránh khỏi bị kiện tụng lôi thôi về bản quyền. Nhưng mặc dầu có vẽ khác đi một chút, người ta vẫn nhìn ra những nét giống nhau đó.
Người ta cũng thấy hình người phụ nữ trong dáng ngồi đó được gắn trên những cầu tiêu dành cho phụ nữ ở tại những nơi nghỉ dọc theo các xa lộ xuyên tiểu bang.
Toàn là những nơi chốn không có được bao nhiêu nét đẹp đẽ văn hóa.
Than ôi, thi hoa hậu mà có tấm phông làm nền như thế thì có tội nghiệp cho những người phụ nữ Việt dự tranh chức hoa hậu toàn cầu không cơ chứ! Phụ nữ Việt Nam nào lại có thứ nhan sắc tục tĩu và dâm đãng như vậy!
Tấm phông chỉ mang một hình ảnh thô tục và rất rẻ tiền chứ không hề đẹp một chút nào hết. Nó làm cho cuộc thi hoa hậu mất đi bao nhiêu giá trị và bôi bẩn những thí sinh tham dự.
Bộ đó là văn hóa của Việt Nam, và nét đẹp của phụ nữ Việt hay sao?
Bùi Bảo Trúc