Lê Văn Ngọc
August 22, 20130 Bình Luận
Một vài ý nghĩ nhân chuyến du lịch Nhật Bản
Theo Duy vật sử quan thì Hà Nội, thủ đô nước Cộng Hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Độc lập-Tự do- Hạnh phúc) đã bỏ xa thủ đô Đông Kinh của Nhật, một nước đang ở thời kỳ “Tư bản dẫy chết”. Như thế là cách nhau hai thời kỳ, vì trước khi lên đến Xã hội chủ nghĩa, Nhật Bản còn phải kinh qua “Thời kỳ quá độ”, với những cuộc đấu tranh giai cấp và cải cách ruộng đất long trời lở đất nữa mới được.
Trong chuyến đi, tôi có hỏi một bà đồng hành, vừa đi du lịch Đại Hàn, đúng lúc ở đó đang có những căng thẳng về chính trị, về người dân Đại Hàn, bà cho biết là họ chẳng có gì lo âu; còn tâm lý thì tỏ ra có hạnh phúc. Có thể bề ngoài thì như thế, vì thật sự, những người đi du lịch, với thời gian quá hạn hẹp, chỉ thấy được phần nào cuộc sống cũng như thái độ của người dân.
Người đi du lịch, chủ yếu vẫn là đi thăm và thưởng ngoạn những cảnh đẹp của thiên nhiên, cùng là những công trình tạo tác tuyệt vời trường tồn qua thời gian. Như qua Paris thì thế nào cũng phải xem Tháp Eiffel, lâu đài Versaille, cùng là ngồi tàu du ngoạn sông Seine; Đi thăm thác Niagara để thấy vẻ hùng vĩ của thác nước. Tôi đi Nhật Bản cũng là để thỏa mãn một hiếu kỳ, đến tận xứ sở hoa anh đào vào mùa anh đào nở. Tháng Tư là mùa Xuân của Bắc bán cầu.
Lúc đầu chỉ là vì một chút hiếu kỳ. Thế mà không ngờ lại được gẫm câu tục ngữ: “Đi ngày đàng, học sàng khôn” với ý nghĩa chân thực của nó. Tôi nghe bà người Mỹ, qua chuyến đi chơi Đại Hàn 4 ngày, tức là cũng “cưỡi ngựa xem hoa” nói rằng người dân Đại Hàn rất hạnh phúc, có phần còn hơn người Nhật. Không có con số thống kê, hay bằng chứng cụ thể nào cả, tức là chỉ căn cứ vào những người và cảnh bà gặp trong chuyến du lịch. Tôi cũng vẫn không thích những con số thống kê của các nhà kinh tế để đánh giá sự giàu nghèo của một nước. Nếu cứ so sánh số GDP của Việt Nam ngày nay, gọi là hơn 1000 Đôla, thì ai cũng phải bảo người dân VN ngày nay giàu có hạnh phúc hơn người VN trong chế độ VNCH ngày trước với chỉ có 160 Đôla. Cái lối chia bình quân lợi tức ấy, không thể nói lên thực trạng của xã hội. Ngoài ra, nếp sống của con người trong một xã hội gọi là có văn hoá, không chỉ căn cứ vào mấy yếu tố về tài chính và kinh tế. Cũng vậy, cuộc sống của người dân Trung Quốc không thể tốt đẹp đáng sống như người dân Nhật Bản. Nói gì đến Việt Nam.
Vấn đề tỏ rõ là không chỉ làm cho người dân no bụng mà phải đặt trọng tâm nơi văn hoá. Con người không phải là con vật lao động như con trâu con bò để mà cho ăn đầy bụng rồi lao động tốt. Cộng Sản đã đối xử với người dân như thế. Người lao động, tức là thứ dân, mà theo ngôn ngữ của nhà nho trong xã hội cũ là bọn “thất phu” của Nhật, ngay từ đầu thế kỷ 20, tức là Nhật Bản mới duy tân được mấy chục năm, đã là một so sánh thèm muốn cho nhà nho cách mạng Viết Nam Phan Bội Châu: “Những ngày đầu tiên tiếp xúc với đất nước Nhật, Phan Bội Châu đã rất phục thái độ và cách cư xử của những người dân lao động ở đây. Ông cho rằng vì họ được độc lập, họ hiểu được tư cách một dân tộc văn minh, nếu so sánh với người nước ta, thì thật là một trời một vực.”(1)
Một sự so sánh đơn giản thế thôi, nhưng là một quyết định có tính chất định hướng cách mạng quan trọng của hai nhà cách mạng chân chính: Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Đến bây giờ người ta mới thấm thía bài học mà hai chí sĩ họ Phan rao giảng.
Lịch sử chỉ chú ý đến chính trị và quân sự, mà lơ là với văn hoá. Phong trào Duy tân mà người ta vẫn nói là các nhà nho VN chịu ảnh hưởng nơi các tân thư của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi là phong trào vận động đổi mới về văn hoá. Hai cụ Phan đã đọc những sách ấy và vì muốn thấy cụ thể thành quả, cùng đường lối hữu hiệu duy tân dã dẫn đến thành công, nên phải sang Nhật.
Trong thời đại của các nhà nho Duy Tân, việc tranh thủ độc lập cho nước Việt Nam đã được nhìn một cách toàn diện, chứ không chỉ là độc lập về chính trị. Người ta đã biết nói “dùng người Nhật để đuổi người Pháp là (dĩ nô dịch chủ- vẫn là nô lệ, chỉ đổi chủ thôi) thì mục đích của cuộc Đông du với Phan Bội Châu và “Tây du” (sang Pháp) với Phan Châu Trinh cũng phải kể là theo một chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” (mở mang dân trí, khơi dậy tinh thần dân chúng và làm cho cuộc sống của dân giàu). Ai cũng biết VN bị thua trận và mất nước về tay người Pháp, hoàn toàn là do sự hủ bại của triều đình Huế đã để cho xã hội VN lạc hậu; cũng giống như vua quan nhà Mãn Thanh đã để cho xã hội Trung Hoa thua sút các nước Tây phương, mà việc duy tân của Nhật Bản thành công đã là tiếng chuông cảnh tỉnh.
Sự so sánh người dân nước ta với nước Nhật dưới con mắt của Phan Bội Châu (có thể là vẫn còn đúng với ngày nay dù đang sống trong thiên đường XHCN) là có cơ sở từ một nhận định của Phan Châu Trinh. Cứ theo như Phan Tây Hồ thì có 10 điều bi ai của dân tộc Việt Nam:
1. - Trong khi người nước ngoài có chí cao dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước, thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đọa đầy. (Thật sự cũng vẫn có nhiều nhà nho hiên ngang lãnh chịu cái chết hay tù đầy, để mưu đồ phục quốc; tuy nhiên nhìn chung, đại đa số người dân vốn là nền tảng của xã hội, đất nước, thì quả chí khí có kém cỏi).
2. – Trong khi người ta dẫu sang hèn, nam hay nữ, ai cũng lo học lấy một nghề, thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.
3. -Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc, thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con. ( Điều này không đợi tới Phan Châu Trinh mới báo động. Cao Bá Quát, ngay từ đời Minh Mệnh, đã nói trong một bài thơ cảm hứng khi đi theo sứ bộ tới Tân Gia Ba:
Nhai văn nhá chữ buồn ta,
Con giun còn biết đâu là cao sâu.
Tân Ba từ vượt con tàu,
Mới hay vũ trụ một màu bao la.
Giật mình khi ở xó nhà,
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi
Con giun còn biết đâu là cao sâu.
Tân Ba từ vượt con tàu,
Mới hay vũ trụ một màu bao la.
Giật mình khi ở xó nhà,
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi
4. -Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì lợi.
5. -Trong khi họ bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân, bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng. ( Phan Châu Trinh còn nói nhẹ đi. Dân ta còn lừa đảo và bất tín cả với thần thánh. Tục ngữ có câu “Giả lễ bà chúa Mường” –có lẽ xuất phát từ việc những con buôn đi làm ăn cầu khấn với “Ông Hoàng Mười, hay Cô Bơ” cho buôn may bán đắt; nhưng rồi quên lời hứa tạ lễ hậu hĩ, mà chỉ cúng cho lấy có; Những chuyện dân thường kể về nhân vật Trạng Quỳnh, chỉ bày tỏ một lối khôn vặt, bất nhân, bất nghĩa, lưu manh. Điển hình như chuyện Trạng Quỳnh thuê đất, vay mượn của Bà Chúa Liễu Hạnh rồi quỵt, lại còn chửi tục hạ cấp với thần thánh.)(*).
6. - Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết, thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng, hết trâu.
7. -Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc càng ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
8. – Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm; thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc. (Nhận xét này của PCT có tính cách tiên tri cho dân Việt ở thời Xã hội chủ nghĩa hiện đại, qua đó người ta thấy rõ khả năng yếu kém về quản lý kinh tế, xã hội của Cộng Sản.)
9. – Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân, thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu Trời khẩn Phật.
10. – Trong khi họ làm việc “quan”cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm, thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng. (Ở Việt Nam ngày nay chỉ khác có một chữ “quan” là “cán bộ” mà thôi.)
Do đấy vấn đề chính vẫn là văn hoá. Mà văn hoá thì chỉ còn dạy dân để mà nâng cao văn hoá của họ. Dân đây là toàn thể mọi người không phân biệt giai cấp. Có lẽ chương trình duy tân của Phan Bội Châu bước đầu là do gợi ý của Lương Khải Siêu: “Muốn giải phóng mình, nước ông phải làm sao cho có thực lực. Thực lực là dân trí, dân khí và nhân tài. Còn sự viện trợ về vũ khí, về mặt quân sự thì không khó lắm. Nhưng có viện trợ mà không có thực lực, thì không chắc chắn đâu”(2)
Trong thời gian ở trên đất Nhật, tiếp xúc với mọi tầng lớp dân chúng, vấn đề dân trí càng nổi lên thành mối ưu tư cho những nhà cách mạng Duy tân VN. Vấn đề Phan Bội Châu nhìn đúng, nhưng khả năng thực hiện lại kém. Muốn chấn hung dân khí, mở mang dân trí phải cần đến một chương trình giáo dục để thay đổi nếp sống văn hoá lạc hậu cũ. Khi dân trí còn quá thấp, thì chẳng thể có một chương trình duy tân nào thực hiện được. Đó là lý do mọi đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ đều vấp phải bức tường bảo thủ của văn hoá cũ. Cho dù ở triều đình có thiện chí áp dụng chương trình cải cách, cũng khó lòng mà thực hiện với một đại chúng nhân dân thấp kém, hủ lậu, bạc nhược được.
Trong chuyến đi du lịch Nhật Bản vừa rồi, điều đập vào mắt tôi là tinh thần kỷ luật và trách nhiệm của người dân Nhật. Trách nhiệm thì báo chí đều đã đăng tải nhiều. Chỉ đơn cử một việc người tài xế taxi có trách nhiệm với khách là làm tròn trách nhiệm đúng với số tiền thù lao mà khách đi xe phải trả, không hề thấy có một kỳ kèo nào của chủ và khách cả. Dù sao tinh thần trách nhiệm còn trải rộng, khó quan sát hết được. Chỉ riêng tinh thần kỷ luật là dễ dàng nhận thấy nơi sinh hoạt của cộng đồng trong xã hội. Điều đập vào mắt tôi là trật tự ở nhà ga, dù là rất đông, nhưng không có ai chen nhau để đi trước. Có lẽ vì thời gian đã được sắp xếp đúng chương trình, nên không ai thấy mình phải vội vã hơn người khác, để làm mất trật tự của đám đông di chuyển. Điều này cho người ta tin là thật, câu chuyện khiến cả thế giới khâm phục là trong trận sóng thần năm 2011 người Nhật cũng rất trật tự để di tản.
Vấn đề là làm sao để người dân có tinh thần trật tự và cách mạng? Không có ai sinh ra đã hội đủ tinh thần để sống hoà hợp trong xã hội. Chỉ có giáo dục mới tạo nên được con người xã hội. May mắn cho nước Nhật là sống riêng rẽ trong một quần đảo, tuy có ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa, nhưng vẫn duy trì được văn hoá bản địa, nên tạo được sắc thái Nhật Bản.
Những người Nhật duy tân đã hiểu rất rõ nhu cầu giáo dục cho công cuộc đổi mới, và họ đã định được mục đích của giáo dục để đào tạo một con người sống trong một xã hội nhân bản. Mẫu mực nhân bản ấy họ đã thấy được ở tinh thần dân chủ Tây phương như Anh, Pháp, Mỹ.
Cái đại bất hạnh cho Việt Nam chúng ta (Mặc dầu cụ Phan Châu Trinh đã báo động và cảnh cáo Nguyễn Tất Thành là “tư tưởng Cộng sản do Lénin đem áp dụng ở Nga; kể cả Phan Bội Châu khi tiếp xúc với Đại sứ Nga ở Bắc Kinh với ý định đưa người sang Nga học, cũng đã mau lẹ nhận ra quan niệm xây dựng xã hội của Cộng Sản là không dùng được, nên cắt đứt quan hệ (3)), là những người Cộng Sản đã đem áp dụng một cách nô lệ cái gọi là “văn hoá Marxist-Leninist” cho dân tộc Việt Nam. Đúng như Nguyễn Mạnh Tường đã cay đắng nhận xét về cuối đời của mình:”… Phải công nhận là nền giáo dục Cộng Sản đã thành công, thuyết phục được những người, dường như đầu óc vẫn minh mẫn, nhưng lại không tin vào những gì mắt thấy tai nghe, mà ngược lại còn tôn xưng tôn chỉ của Đảng, để tăng thêm niềm tin vào những gì Đảng quyết định và ra lệnh như kẻ duy nhất nắm giữ sự thật và là nhà tiên tri Phúc âm Marxist-Leninist. Loại cuồng tín biến sự đa dạng thành ro-bot, biến con người thành những cỗ máy chỉ biết cử động khi có lệnh đến từ bên ngoài thật sự làm những cái đầu biết suy nghĩ lo ngại.”(4)
Tiếng bình dân gọi là “bỏ bùa mê thuốc lú” khiến người ta không còn phân biệt phải trái hay dở nữa. Thực tế thì có rất nhiều trí thức đã tuyên truyền không công, cổ vũ cái “Thiên đường Cộng sản” ấy; nhưng còn chính mình thi không dám tới Nga để sống thử trong Thiên đường. Ta cũng không thể loại trừ tính thơ ngây hay cũng có thể gọi là ấu trĩ của trí thức đã góp công nhiều cho tổ chức lãnh đạo lưu manh để đào tạo ra quần chúng Cộng sản. Việc tự giáo dục và giáo dục quần chúng làm nên vai trò cần thiết của trí thức trong việc cải thiệnxã hội. Một nền giáo dục đúng và tốt là nền tảng của văn hoá nhân bản dẫn đến chế độ dân chủ pháp trị hoàn hảo.
Sở dĩ giáo dục Cộng sản thành công, một phần cũng là do công lao của những trí thức có lẽ “ăn phải bùa mê thuốc lú” này, mà tiêu biểu đáng được vinh danh là Đào Duy Anh và Đặng Thai Mai. Công lao đưa chủ nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam về phương diện ý thức hệ phải kể đến hai vị này; còn Hồ Chí Minh chỉ là người hành động đã tạo cơ hội cho ý thức này phát triển.
Hiện tượng ù lỳ về trí thức và thụ động về hành động là một hiện tượng có thật và phổ quát trong xã hội Cộng Sản Việt Nam hiện tại, theo nhận xét của Nguyễn Mạnh Tường: “Tại sao giờ đây họ như đã chết, không còn sinh khí, bất động trong sự thờ ơ? Tại sao họ chịu đựng ngồi khóc một cách thụ động, hay có thể khóc vì tuyệt vọng như thế? Họ không tin mình còn sức gì trong trí óc và hai cánh tay nữa? Họ, những người đã viết nên những trang sử rực rỡ.
Tôi không thể thấy cái gì ngao ngán hơn cảnh sáu mươi triệu người trôi dật dờ không chút nghị lực như những xác người trên biển cả. Họ đã bị lừa bịp, phỉnh gạt, phản bội và điều không thể hiểu nổi là người ta chỉ biết kêu than đói khổ trong khi tài nguyên thiên nhiên đầy dãy và đang chờ khai thác.” (5)
Cũng thì là trật tự trong mọi hành động, người ta không thấyngười Nhật dành nhau mua vé đi xe lửa; cũng chẳng thấy có cảnh người sắp hàng để bán chỗ cho những ai cần đi trước. Theo lời tác giả Nguyễn Mạnh Tường thì quả thật người Việt Nam đã rất trật tự “như những xác người trôi trên biển cả”.
Trên đây là chuyện NMT nói hồi thập niên 90. Bây giờ thì dân khí càng xuống thấp. Hãy cứ so sánh dân Việt trong thời Pháp thuộc, khi cụ Phan Bội Châu bị tòa án Thực dân Pháp tuyên án tử hình, thì cả nước “xuống đường, từ học sinh tiểu học cũng bãi khoá để đấu tranh, khiến Thực dân phải hủy án tử hình, nhưng cô lập cụ ở Huế. Những năm 60 của thế kỷ 20 trong chế độ VNCH, Phật giáo hăng thế, học sinh, sinh viên Phật tử hăng thế, theo lệnh thầy xuống đường đấu tranh không sợ tù đầy. Thế mà bây giờ chính quyền ngang ngược đàn áp nhân dân, công an đánh chết người rồi vu cho là tự tử; sinh viên tranh đấu biểu tình chống Tàu Cộng xâm lấn biển đảo, cướp ngư trường của dân đánh cá VN, bị “Nhà nước nhân dân” ngang ngược bỏ tù, mà học sinh, sinh viên nín khe. Thế mà kéo nhau cả vạn người đi đón một ca sĩ Đại Hàn đến Saigon biểu diễn. Nhân dân khắp nơi chỉ lo kiếm miếng cơm. Nhất là từng lớp trí thức là những người tốt nghiệp Đại học và hậu Đại học (kể cả những người mua bằng) vẫn ngoan ngoãn “không nghe, không nghĩ, không nói, mà lãnh đồng lương chết đói của chính quyền Cộng Sản.”
Sở dĩ những năm 60 mà nhân dân xuống đường, nhất là Phật giáo là vì có lãnh đạo tổ chức… Giả sử không có Thích Trí Quang cùng một số đại đức, thượng tọa tổ chức tranh đấu, thì chưa chắc đã có cuộc sụp đổ của Chính phủ Ngô Đình Diệm, dù người Mỹ có nhúng tay vào.
Một điều nữa là dân khí ở miền Nam hồi trước vẫn còn tồn tại, dù phải sống trong chế độ Thực dân; hay vừa mới được tự do ít năm, nó càng nói lên tầm mức quan trọng của giáo dục. Cái giáo dục thời Thực dân, hay thời VNCH, dù chưa được hoàn hảo, nhưng cũng vẫn là ước mơ của ông NMT sống trong chế độ Cộng Sản VN: “Giáo dục phải dạy về những giá trị, lòng trung thực và sự biết tôn trọng. Mục tiêu của giáo dục nhằm dạy cho con người nên người. Nên người là cái mục đích duy nhất và tối hậu của giáo dục. Vì vậy muốn xứng đáng mang danh “nên người”, phải được tô điểm bằng những đạo đức -chỉ riêng chúng-đã nâng cao và tán dương nhân tính con người. Trường học dạy nguyên tắc, đạo đức ứng dụng trong gia đình và ngoài xã hội.”(6)
Cộng Sản đã dùng giáo dục để làm cho quần chúng của họ thành một cộng đồng sinh vật phản xạ có điều kiện (*). Cái cộng đồng ấy lúc phải dùng cho chiến tranh thì húc đầu vào nguy hiểm như “con trâu Điền Đan” thì mới có ăn; Lúc thời bình thì chỉ biết chờ chủ khiển dụng mà “sáng tai họ điếc tai cầy”. Đó cũng là thứ giáo dục nhằm mục đích nô lệ hoá con người: “Con người sẽ trở nên loại người mà trường học muốn tạo ra. Thứ giáo dục kiểu Spartan (*) chỉ dành cho việc đào tạo những người lính, đẩy tuổi trẻ vào cái cối xay người đen tối và những bài tập quân sự.”(7)
Chẳng gì rõ hơn cứ nghe trẻ con phải đọc kinh nhật tụng “Năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi” thì thấy chủ trương tạo nên cộng đồng sinh vật này:
Yêu tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt.
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.
Giữ gìn vệ sinh thật tốt.
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.
Học tập tốt, lao động tốt.
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt.
Giữ gìn vệ sinh thật tốt.
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.
Nếu chỉ nhìn vào mặt nổi của những điều gọi là “Bác Hồ dạy thiếu nhi”, người ta cũng thấy thiện chí của giáo dục. Nhưng bản chất của Cộng Sản là dối trá, nên không bao giờ họ thi hành những điều họ nói. Nói là thật thà, nhưng mọi hành vi đều là dối trá; nói là khiêm tốn, nhưng luôn luôn “một tấc đến trời”. Đứa bé được trui rèn để không còn yêu cha mẹ gia đình, anh em nữa, mà chỉ yêu đoàn thể. Cái lầm của sự xây dựng văn hoá Cộng Sản là không đặt trên căn bản cá nhân, mà là tập thể chỉ có lý trí và bản năng. Chưa có một nền giáo dục nào, một triết lý giáo dục nào khinh miệt con người đến thế.
Đoàn thể đó không có chỗ phát triển cho cá nhân, nên mọi hoạt động đều phải do lãnh đạo. Người ta chỉ có tự do khi ý thức được trách nhiệm và hành động của mình. Giáo dục Cộng Sản thủ tiêu tự do để cho quần chúng mất hết tinh thần tự chủ, dù rằng Cộng Sản vẫn nói tới “tinh thần làm chủ” một cách bịp bợm để nâng cao năng xuất lao động. Một đằng nô lệ hoá trí thức, để người dân không còn ý thức được điều gì ngoài lãnh đạo rao giảng; Một đằng nô lệ hoá nhu cầu hạ đẳng của con người, khiến người dân chỉ còn trông chờ miếng cơm manh áo nơi Đảng ban cho. Có như thế mới dễ dàng cho Đảng sai khiến. Người dân chỉ biết có Đảng, vâng lời Đảng. Không phải vì có tinh thần giác ngộ cách mạng, mà chỉ vì những lợi ích thiết thân.
Có lẽ cần phải xem lại nhận xét của một nhà báo người Pháp từng viết bài ca tụng dân tộc Việt Nam thời chiến thắng Đ.B.P. , vừa rồi quay lại Việt Nam đã viết: “Giờ đây sự ngu dốt và bất tài đã được dối trá và ích kỷ xông vào nhập cuộc”(8) Việc làm nên chiến thắng Đ.B.P. nếu đừng kể công lao của Trung Quốc góp vào (*) thì sự hăng say chiến đấu đó phát huy từ lòng yêu nước tiềm tàng của dân tộc V. N. vốn có từ lâu, và đó cũng là điều mà sau này giáo dục Cộng Sản tiêu diệt nó để thay thế bằng tinh thần Quốc tế vô sản. Đừng đánh giá những người lãnh đạo Đảng ngày nay là ngu dốt và bất tài; Họ thực sự là những người ích kỷ, dối trá và rất có khả năng trong sự lừa bịp và bạo lực của họ.
Những người cầm quyền hiện tại củng cố giai cấp của họ để theo chính sách “cha truyền con nối”: Một đằng họ đẩy trí thức ra ngoài rìa xã hội, khiến những trí thức này lâm cảnh cực khổ phải làm công việc hạ đẳng, nếu không thì với thu nhập thường càng khiến họ đau đớn với thân phận bị tước bỏ chức năng cao quý mà họ đã đầu tư cả đời người. Một đằng họ gửi con cái đi du học nước ngoài (không cần học thật, chỉ cần có cái “mác” học ở nước ngoài, nhất là Tây phương để ngày nào đó sẽ quay về VN, thay chỗ, thay quyền cho họ trong các chức vụ cao một cách danh chính ngôn thuận.
Sự sai lầm trong việc đặt nền tảng cho văn hoá, mà bước quyết định là giáo dục, không thể thấy kết quả nhãn tiền như đối với chính trị. Thí dụ một ý tưởng rồ dại về đấu tranh giai cấp, khi đem ra thi hành đã đem lại kết quả chớp nhoáng là cả nửa triệu người bỏ mạng tức tưởi. Nhưng hậu quả văn hoá Marxist-Leninist thì phải nhiều chục năm sau mới phát tác cái tệ hại của nó, để muốn thay đổi nó cũng phải cần có thời gian lâu dài vài ba thế hệ, với điều kiện là có ý thức và quyết định để thay đổi nó không.
Cũng phải nói đến nỗi oan khiên của lịch sử, đã đặt nước Việt Nam luôn luôn vào hoàn cảnh “trễ tàu”. Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cùng một tập thể nhà nho muốn duy tân, kể cả vua Tự Đức (*), nhưng hoàn cảnh lịch sử đã đổi khác rồi, không còn may mắn như Nhật Bản đã quyết định đổi mới đúng lúc nền văn hoá của mình.
Lê văn Ngọc