Friday, 23 August 2013

Đã đến lúc “phá xiềng”! Phản hồi về cuộc phỏng vấn Ông Hồ Ngọc Nhuận của phóng viên Mặc Lâm, đài RFA.

Đã đến lúc “phá xiềng”!
Mặc Lâm- RFA
2013-08-17
ho-ngoc-nhuan
Cựu DB/VNCH đối lập Hồ Ngọc Nhuận
Sau khi ông Lê Hiếu Đằng nguyên Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt nam Tp.HCM tung ra liên tiếp ba bài viết tuyên bố cần phải thành lập một đảng đối lập tại Việt Nam mà ông là người sáng lập, để làm đối trọng với chế độ độc đảng hiện nay, ông Hồ Ngọc Nhuận, một trí thức nổi tiếng từng hoạt động công khai trong chính phủ Sài Gòn với vai trò của một dân biểu đối lập và sau năm 1975 ông tiếp tục giữ nhiều chức vụ quan trọng của chính quyền mới, đã tung bài viết mang tên Phá Xiềng đang tạo sôi nổi trong dư luận. Mặc Lâm phỏng vấn đặc biệt với ông để tìm hiểu thêm vấn đề quan trọng này.
Mặc Lâm:
"Thưa ông sau khi ông Lê Hiếu Đằng viết liên tiếp ba bài nói về sự bức thiết phải thành lập một đảng đối lập với cái tên gợi ý là Đảng Dân chủ Xã hội. Ngày hôm nay ông cũng có bài viết với tên gọi “Phá Xiềng” chẳng những ủng hộ quyết định của ông Lê Hiếu Đằng mà còn bổ túc thêm nhiều ý tuởng cho sự hình thành đảng này. Xin ông cho biết lý do chính của việc cần thiết phải thành lập đảng đối lập này là gì?"

"Chế độ này không dân chủ"

Ô. Hồ Ngọc Nhuận:
"Chế độ này không có dân chủ. Anh thấy không, người ta lấy dân chủ người ta làm độc trị, độc quyền, độc đoán, đủ thứ hết trọi! Nhưng không có dân chủ thì không thể có lối thoát được. Và điều này thật sự ra những người nào yêu nước, những người có lòng, họ đã khổ sở đề nghị lâu rồi nhưng không ai nghe. Nếu mà dân chủ thì người ta sợ người ta mất. Ông Đằng đặt vấn đề cũng từ lâu rồi vì đây là lối thoát. Lối thoát cho những người đương cầm quyền mà còn là lối thoát cho dân mình, không còn cách nào khác. Hơn nữa, cái này cũng lâu đời rồi. Từ xưa đến giờ tất cả những nước đã phát triển thì tốt nhất là áp dụng dân chủ. Khi mà dân chủ được thì mọi người đều có dân chủ, mọi người mới hợp lực lại. Đâu có ai cản lại được đâu, có ai nói ngược lại đâu, có ai nói phải nói trái được đâu mà  nói phải nói trái thì tối thiểu là bị ém, bị trù, bị dập. Tức là nói nôm na có dân chủ mà không có đối lập thì  kể như là cụt chứ không phải cuội nữa mà nó là độc tài."
Mặc Lâm:
"Ông đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền hiện nay ông nhận thấy nền dân chủ của nuớc Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có gì đáng để phân tích hay không và đặc biệt vai trò của Đảng Cộng sản đối với nền dân chủ pháp trị mà chính phủ luôn hô hào vận động có điều gì cần phải bàn luận hay không?"
Ô. Hồ Ngọc Nhuận:
"Họ cứ nói là còn đảng còn mình nên quyết bảo vệ đảng. Một ngày nào đó, không sớm thì muộn, có thể họ ở lâu lắm, nhưng một ngày nào đó họ cũng ra đi nhưng là một sự tan nát ê chề bởi vì dân đâu có chịu! Nhiều đời lắm rồi, từ thời còn vua chúa kìa, dân mình không phải là dân không có tiếng nói. Luôn luôn có tiếng nói. Vua chúa ngày xưa cũng để cho dân nói. Cái chế độ cũ cũng để cho dân nói. Còn giờ đây không cho người ta nói thì làmsao mà góp ý và xây dựng đất nước được? Cho nên điều tâm đắc nhất của tôi từ xưa đến giờ là dân chủ mà muốn dân chủ là phải có 2,3 đảng. Người ta đâu có đòi phá mấy ổng, người ta đòi nói chuyện với mấy ổng một cách rất là tử tế và mấy ổng tử tế nói chuyện với người ta. Mà nói chuyện thì phải bình đẳng, bình quyền."

So sánh hai chế độ

Mặc Lâm:
"Trong chế độ cũ ông từng là một dân biểu chọn vai trò đối lập, đồng thời cũng là giám đốc chính trị của nhật báo Tin Sáng có từ trước năm 1975. Giữa hai chế độ thì trong thâm tâm ông, ông có nhận xét như thế nào về nền dân chủ pháp trị trước đây và nền pháp trị của chế độ mới, nếu so sánh một cách công bằng, thưa ông?"
Ô. Hồ Ngọc Nhuận:
"Thật sự cái luật của chế độ mới bây giờ đâu phải là pháp trị mà là đảng trị. Họ thâu tóm tất cả trong tay họ hết. Chế độ này họ muốn cai trị nhưng họ không có luật. Họ không có luật thì làm sao ra luật được. Cái ông đảng này ổng thâu tóm hết rồi ổng “úm ba la” nay ổng làm cái luật này, mai ổng làm luật kia. Còn những cái mà ổng cho là quyền của dân thì ổng ghi trong hiến pháp thì ổng để đó. Ổng không dám làm luật vì nếu ổng làm luật, dẫu cho họ có nắm hết quyền hành từ Quốc hội cho đến đủ thứ đi nữa thì một ngày nào đó tối thiểu cũng mở cửa chút đỉnh. Còn cái này cũng không phải pháp trị mà cũng không pháp quyền nữa mà nó là đảng trị. Đảng trị từ đầu đến cuối. Đảng ta là đảng cầm quyền. Cầm quyền một mình nên đi tới độc quyền. Vậy thôi.
Còn chế độ cũ, tôi là một dân biểu đối lập trong chế độ đó. Tại sao ở chế độ cũ người ta cho đối lập? Từ hồi mới 75, mấy ổng nói với tôi là đây là kiểu thực dân mới nên nó mới áp dụng như vậy để nó coi là có dân chủ".
Đã có dân chủ thì phải có đa nguyên, có người này người khác chẳng hạn, không phải là tốt tuyệt đối đâu. Nó cũng có mặt này, mặt khác nhưng dưới chế độ cũ, tôi là dân biểu đối lập nhưng tôi làm báo được, mặc dầu tôi bị đóng cửa tới đóng cửa lui, rồi tôi bị tịch thâu tới, tịch thâu lui và sau cùng tôi bị đóng cửa hẳn năm 72. Đóng tờ này tôi lại làm tờ khác. Nói với anh Mặc Lâm, ngay cả bậc thầy của chúng ta trong làng báo là ông thầy Nguyễn An Ninh chẳng hạn, ổng từ Pháp về và viết những bài bằng tiếng Pháp. Hồi xưa dưới cái thời cai trị của thực dân nó cũng để cho người mình nói chuyện. Mặc dầu nó cũng bắt nhốt ổng và sau cùng ổng phải chết ở Côn đảo.
Thú thật ra bây giờ chế độ dân chủ ở M, ở Anh, ở Pháp hay ở Âu châu chẳng hạn, nó cũng có những đàn áp...bởi vì đây thật sự là đấu tranh mà! nhưng đấu tranh dân chủ ít ra phải có tiếng nói của dân, ít ra phải có tiếng nói của báo chí. Còn đằng này ổng tóm thâu hết. Cả cái suy nghĩ, cái tình cảm ổng cũng muốn làm chủ.
Anh Đằng ảnh nói đúng đó. Dưới chế độ cũ mấy ông làng văn cũ vô trong này hồi sau 75 chẳng hạn tôi còn tặng sách của mấy ổng mà ở ngoài đó mấy ổng không in được. Còn ở trong này in thả giàn. Tất cả những  sáng tác của thời gọi là thực dân, gọi là đủ thứ... tại sao những sáng tác đó có giá trị để đời còn bây giờ thú thật mấy ổng tặng thưởng này, tặng thưởng kia mà dân có ai đọc đâu?
Học sinh thì bị bắt học, thật tội nghiệp cho con cháu chúng ta quá. Nó bị nhồi nhét, nó bị một chế độ ngu dân. Cho nên nói thì nhiều lắm, anh Mặc Lâm ơi nhưng mà nói thì đâu có phải đả phá hay tranh đấu với mấy ổng đâu. Mấy ổng mạnh quá mà. Bao nhiêu lực lượng ở trong tay, còn lâu lắm nhưng nhất định mấy ổng không chịu, mấy ổng sợ."

Sẽ đàn áp đảng viên Cộng Sản?

Mặc Lâm:
" Như ông vừa nói, đảng Cộng sản còn đang rất mạnh, có biết bao nhiêu lực lượng trong tay, như vậy khi một đảng đối lập mới được hình thành với cái tên Đảng Dân chủ Xã hội chắc chắn sẽ bị chính quyền chống phá mãnh liệt và sự mãnh liệt ấy có thể dẫn đến đổ máu. Ông có dự báo câu chuyện có thể dẫn đến mức độ tồi tệ như vậy hay không?"
Ô. Hồ Ngọc Nhuận:
"Thât sự ra đâu có ai làm gì mấy ổng đâu mà đổ máu? Tất nhiên là mình bất bạo động mà. Vả lại tôi bây giờ, như anh Mặc Lâm có hỏi hồi nãy đó là vấn đề sức khỏe. Những ông già như chúng tôi thì làm cái gì mà đổ máu? Tất nhiên là bịt miệng thôi. Tôi chỉ làm đảng đối lập thôi chứ có làm gì đâu và không như các  đảng đối lập ở các nước làm loạn để họ đàn áp đẫm màu được?
Nếu họ đàn áp đẫm máu thì chuyện này rất là lạ lùng, quái dị nhưng tôi hy vọng ở tuổi trẻ. Thời nào cũng vậy hết, không có tuổi trẻ thì không làm ăn gì được hết. Và tôi hy vọng cả những ông đảng viên, thật sự như ông Đằng ổng nói đó, có nhiều người  chuyển sinh hoạt đảng đâu đó thì cũng không thèm. Con số âm thầm đó là bao nhiêu? Số đó đông lắm vì họ uất ức, họ nghẹn ngào, buồn tủi vì bị cấy lý tưởng thời còn trai trẻ. Họ vì dân vì nước mà bị người ta phản bội. Con số nguời đó thật tình đấu tranh, dấn thân, vào tù ra khám. Đó là thật sự những người đảng viên Cộng sản yêu nước  họ cũng là những người đấu tranh kiên cường".
Mặc Lâm:
"Ông có cho rằng vì không thể im lặng nhìn một lực lượng nổi lên chống lại sự độc đảng của mình nên đảng cộng sản sẽ ra tay đàn áp, bắt bớ những người tham gia vào đảng Dân Chủ Xã Hội hay không?"
Ô. Hồ Ngọc Nhuận:
"Có thể là bắt bớ người nhưng có ai làm gì đâu mà bắt bớ. Thật sự ra là họ bắt những người trong nội bộ đảng vì họ đã đứng ra không chấp nhận đảng nữa và lập cái đảng mới. Điều này tôi rất mong từ lâu rồi. Nói cách này thì họ ngại nhưng không có gì đáng ngại đâu, không phải là diễn tiến tự sụp đổ đâu mặc dù đúng là một hình thức đó, tự sụp từ bên trong.
Nếu họ bắt một người đảng viên cộng sản ly khai thì họ tự đục một cái lỗ hổng. Bắt nhiều người cộng sản ly khai thì họ đục thêm nhiều cái lỗ như vậy. Bắt nhiều người như vậy trong cùng một cái đảng của họ mà không còn chấp nhận họ nữa thì cứ cho họ tự phá con thuyền của họ".
Mặc Lâm:
"Để bắt đầu xây dựng một đảng đối lập trong bối cảnh hiện nay ông nghĩ bộ phận nào trong xã hội sẽ được kêu gọi và gây dựng làm thành phần nòng cốt?"
Ô. Hồ Ngọc Nhuận:
"Tôi tin rằng với nòng cốt của đảng mới này như ông Đằng hô hào và kêu gọi. Ông ấy hỏi tại sao chúng ta là những người đảng viên cảm thấy mình hổ thẹn với tiền nhân, với con cháu vì bị phản bội; Nếu mình cứ tiếp tục làm thêm như vậy thì chính mình cũng là người phản bội. Ổng có kêu gọi những người bạn đó và tôi cũng kêu gọi những người đó. Bởi những người đó, đúng ra là một bộ phận của người cng sản muốn công khai đấu tranh ôn hòa, đấu tranh dân chủ để mà xây dựng đất nước, thế thôi."
Mặc Lâm:
"Nếu vượt qua được bước đầu thành lập đảng mà không bị bắt bớ hay đàn áp vì theo như ông nói Đảng Cộng sản sẽ không dại gì mà tự đục thuyền của mình bằng cách bắt bớ đảng viên ly khai, như vậy buớc kế tiếp Đảng Dân Chủ Xã hội mà cốt cán là thành phần đảng viên ấy sẽ làm điều gì với đảng Cộng sản hiện nay?"
Ô. Hồ Ngọc Nhuận:
"Nếu họ không làm chuyện đó vì họ nghĩ như vậy là tự đục thuyền thì chỉ còn một cách là ngồi lại với nhau, thử nói chuyện. Ông Đằng có nói rất rõ là ổng thách mấy ổng nói chuyện thẳng với ổng. Ổng thách cả ông đầu sỏ của tuyên huấn của đảng Cộng sản về lý luận nói chuyện với ổng. Chứ đâu có nói đấu võ đâu! Nói ra điều này ai cũng ngại nhưng mà đối với đảng Cộng sản thật sự mà thấy tình hình thực tế dân tình không cho phép mấy ổng làm chuyện cũ nữa. Không chuyên quyền nữa thì mấy ổng phải nghe."
Mặc Lâm:
"Xin cám ơn ông Hồ Ngọc Nhuận đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn này."

Phản hồi về cuộc phỏng vấn Ông Hồ Ngọc Nhuận của phóng viên Mặc Lâm, đài RFA.

Nguyễn văn Thái, Ph.D
Bài phản hồi này không được sắp xếp theo một quy pháp hành văn nào cả mà chỉ là một nỗ lực phân tách kí hiệu ngôn ngữ, tức kí hiệu có mục đích biểu đạt (the signifier) trong tương quan với điều hay những điều được biểu đạt (the signified). Đây không phải là một nỗ lực phê bình mà là một nỗ lực đi tìm ý nghĩa có thể có bên trong ngôn từ. Trình tự trình bày sẽ theo diễn tiến của cuộc phỏng vấn để giữ tính khách quan và để tránh sự hồ đồ của sự xếp đặt.

Để trả lời câu hỏi đầu tiên của phóng viên Mặc Lâm về lí do tại sao Ông Hồ Ngọc Nhuận thành lập đảng đối lập, Ông Hồ Ngọc Nhuận trả lời như sau:

“Chế độ này không có dân chủ. Anh thấy không, người ta lấy dân chủ người ta làm độc trị, độc quyền, độc đoán, đủ thứ hết trọi! Nhưng không có dân chủ thì không có lối thoát được. Và điều này thật sự ra những người nào yêu nước, những người có lòng, họ đã khổ sở đề nghị lâu rồi nhưng không ai nghe. Nếu dân chủ thì người ta sợ người ta mất. Ông Đằng đặt vấn đề cũng từ lâu rồi vì đây là lối thoát. Lối thoát cho những người đương cầm quyền mà còn là lối thoát cho dân mình, không còn cách nào khác. Hơn nữa, cái này cũng lâu đời rồi. Từ xưa đến giờ tất cả những nước đã phát triển thì tốt nhất là áp dụng dân chủ, mọi người mới hợp lực lại. Đâu có ai cản lại được đâu, có ai nói ngược lại đâu, có ai nói phải nói trái được đâu mà nói phải nói trái thì tối thiểu là bị ém, bị trù, bị dập. Tức là nói nôm na có dân chủ mà không có đối lập thì kể như là cụt chứ không phải cuội nữa mà nó là độc tài.”

Một người thiết tha với dân chủ đích thực có thể hiểu câu trả lời này theo sự hiểu biết chủ quan về dân chủ của mình, nghĩa là hiểu câu trả lời của Ông Hồ Ngọc Nhuận có nghĩa là chính thể của đảng cộng sản Việt Nam hiện nay là một chính thể độc tài toàn trị không có dân chủ, tức là người dân không được quyền tự do lựa chọn những người lãnh đạo tự do ứng cử trong một thể chế tam quyền phân lập với một Hiến Pháp được soạn thảo bởi một quốc hội lập hiến do dân bầu ra và được quốc hội lập pháp củng cố và xác lập. Do đó, câu trả lời của Ông Hồ Ngọc Nhuận nếu có nghĩa đó thì thật đáng ca ngợi và cổ võ hay ít nhất cũng rất đáng được tán thưởng, vì chứa chất đầy hứa hẹn cho tương lai của đất nước.

Tuy nhiên, câu trả lời này cũng có thể được hiểu một cách khác: ông Hồ Ngọc Nhuận nói là “Chế độ này không có dân chủ”, nhưng người cộng sản hiểu từ “dân chủ” khác với những người không cộng sản. Lãnh đạo cộng sản Việt Nam thường tự cao là dân chủ của họ còn tốt đẹp hơn gấp nghìn lần nền dân chủ tây phương, như thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn đã từng tuyên bố. Dân chủ của người cộng sản là đảng chọn người lãnh đạo rồi dân bầu, nghĩa là dân chỉ có quyền xác định lại quyết định của đảng ai là người cai trị dân. Ông Hồ Ngọc Nhuận cũng nói là: “người ta lấy dân chủ làm độc trị, độc quyền, độc đoán, đủ thứ hết trọi!” Câu này có thể hiểu là dân chủ không đi đôi với độc trị, độc quyền, độc đoán. Nhưng không độc trị, độc quyền, độc đoán chỉ là điều kiện cần cho dân chủ chứ không phải là điều kiện đủ, vì một chính thể có thể xác quyết là không độc trị, độc quyền, độc đoán, nếu chính thể này đồng ý nói chuyện với một thành phần gọi là đối lập, nhưng cả hai phe thoả thuận đồng đều chia sẻ quyền lực và quyền lợi trên đầu dân chúng, thì đâu có dân chủ. Ông Hồ Ngọc Nhuận dùng từ “người ta”. Cũng có người lạc quan hiểu từ “người ta” ở đây là đảng cộng sản Việt Nam, nhưng cũng có người khác hiểu là phe cầm quyền không chịu chia sẻ quyền lực mà chỉ ra lệnh đối lập. Một lí do khác cho việc thành lập đảng đối lập mà Ông Hồ Ngọc Nhuận đưa ra là “…không có dân chủ thì không thể có lối thoát được”. Và trước tiên lối thoát này là “lối thoát cho những người đương cầm quyền mà còn là lối thoát cho dân mình, không còn cách nào khác”. Câu này phản ánh sự bế tắc và sự than vãn của người trong cuộc và lối thoát cho những người cầm quyền là ưu tiên một. Dân chủ theo Ông Hồ Ngọc Nhuân (thực sự chắc là ý nghĩ của chính trị bộ) thì chỉ cần đối lập ở cấp chính quyền thì chế độ sẽ không còn hụt hẫng (Ông Hồ Ngọc Nhuận dùng từ “cụt”) nữa và không còn là dân chủ giả dối nữa (ông dùng từ “cuội”; hình như ý niệm “cuội” có khả năng ám ảnh tâm tư Ông Hồ Ngọc Nhuận). Để tìm lối thoát, theo Ông Hồ Ngọc Nhuận (thực ra là ý đồ của bộ chính trị) , thì  có một phe đối lập ở cấp chính quyền là xoá đi vết tích của nền dân chủ “cuội”, một chính quyền mà tam quyền lập pháp, hành pháp, và tư pháp đều nằm trong tay 14 người của bộ chính trị mà đa phần then chốt được người ta nghĩ là do Trung cộng lựa chọn và chuẩn y. Ý nghĩ này có thể đúng cũng có thể sai lầm; đúng hay sai thì chỉ có bộ chính trị mới biết.

Trả lời câu thứ hai của phóng viên Mặc Lâm về việc phân tích nền dân chủ của nước Cộng hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam thì trọng tâm câu trả lời của Ông Hồ Ngọc Nhuận là: “…điều tâm đắc nhất của tôi là dân chủ mà muốn dân chủ là phải có 2,3 đảng. Người ta đâu có đòi phá mấy ổng, người ta đòi nói chuyện với mấy ổng một cách rất là tử tế và mấy ổng tử tế nói chuyện với người ta. Mà nói chuyện thì phải bình đẳng, bình quyền”.

Khi nghe Ông Hồ Ngọc Nhuận nói dân chủ là điều tâm đắc của ông thì ai mà không thích. Nhưng nền dân chủ mà Ông Hồ Ngọc Nhuận tâm đắc không khẩn thiết là nền dân chủ mà những người yêu dân chủ đích thực hiểu. Hai hay ba đảng cũng chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ của dân chủ. Điều kiện đủ là quyền lực phải thực sự nằm trong tay người dân và các giới chức trong ba ngành độc lập: tư pháp, lập pháp, và hành pháp chỉ là những người thừa hành luật pháp, do chính người dân thiết lập, đề phục vụ quyền lợi của người dân. Khi nào những người này không còn phục vụ đúng đắn quyền lợi của người dân nữa thì người dân sẽ phế bỏ họ và bầu người khác phục vụ đúng đắn hơn, chứ có hai hay ba đảng đâu phải phải là dân chủ. Trước đây đảng CSVN cũng đã từng có hai ba đảng rồi mà vẫn không có dân chủ. Hai, ba đảng chỉ là bản cũ sao lại nếu người dân không có thực quyền. Nếu người dân không có thực quyền của ông chủ và giới chức chính quyền không chịu là những người đầy tớ (civil servants) của dân; nếu quyền lực bị đảo ngược thì chính thể đã tiếm (usurp) quyền và hoàn toàn bất hợp pháp, đáng bị lật đổ, dù dựa trên quan điểm dân chủ pháp trị hay dựa trên quan điểm văn hoá lễ trị của Á đông cũng thế, vì chính thể hoàn toàn không có chính danh: danh nghĩa dân chủ không hàm chứa những yếu tính của thực thể dân chủ.

Câu hỏi của phóng viên Mặc Lâm về sự đối chiếu khách quan giữa chế độ cũ của miền Nam Việt Nam và chế độ mới của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa đã gây lúng túng cho Ông Hồ Ngọc Nhuận. Có những câu nói của ông không có ý nghĩa gì cả, như: “Ổng không dám làm luật vì nếu ổng làm luật, dẫu cho họ có nắm hết quyền hành từ Quốc hội cho đến đủ thứ đi nữa thì một ngày nào đó tối thiểu cũng mở cửa chút đỉnh”. Đoạn đầu của câu phát biểu không phải là một câu văn trọn vẹn và cũng không có một sự liên hệ nào cả với đoạn sau, khiến cho người đọc có cảm tưởng ông đang độc thoại với nhiều điều phức tạp làm cho ông hoang mang, phản ánh cái bế tắc của đảng cộng sản độc tài toàn trị nay phải gặp khó khăn trước những biến chuyển của thế giới nên đang tìm lối thoát, và lối thoát đó là “một ngày nào đó cũng mở cửa chút đỉnh” và cái mở chút đỉnh đó là đảng đối lập của ông được lệnh thành lập, như là một cái soupape (safety valve) cho chế độ độc tài toàn trị cộng sản.

Còn về sự đối chiếu thì ông không dám chê chế độ mới nhưng cứ trôi theo dòng tư tưởng miên mang là nên “mở chút đỉnh”. Đối với chế độ cũ thì ông không dám khen, nhưng hình như cũng thấy hối tiếc thời vàng son của mình là một dân biểu đối lập thực sự qua việc ông gián tiếp chấp nhận là chế độ Miền Nam có tự do dân chủ hơn khi ông nói là những tác phẩm của những nhà văn ngoài Bắc không được in trong lúc đó lại được lưu hành “thả giàn” ở miền Nam. Điểm chót này được nêu lên nhưng cũng phải kéo thêm Lê Hiếu Đằng vào chung để tránh bị cô đơn hay bị trừng phạt. Điều này chứng tỏ Ông Hồ Ngọc Nhuận rất sợ những người “đang nắm quyền”. Sự sợ hãi này còn được chứng minh qua câu nói đứt quãng chứa chất nhiều ý nghĩ hỗn độn: “Mấy ổng mạnh quá mà. Bao nhiêu lực lượng trong tay, còn lâu lắm nhưng nhất định mấy ổng không chịu, mấy ổng sợ”. Câu “Mấy ổng mạnh quá mà. Bao nhiêu lực lượng trong tay” thì ý nghĩa đã rõ ràng. Nhưng câu “còn lâu lắm nhưng nhất định mấy ổng không chịu, mấy ổng sợ” thì cũng khó mà phanh phui được ý nghĩa của nó. Mỗi người có thể cắt nghĩa theo ý nghĩ chủ quan của mình và trong số những lối cắt nghĩa đó, hi vọng cũng có lối cắt nghĩa đúng. Nhưng có đúng hay không thì chỉ có Ông Hồ Ngọc Nhuận mới biết được. Tác giả bài phản hồi này cũng muốn đề xuất một lối cắt nghĩa, nếu sai thì xin Ông Hồ Ngọc Nhuận bỏ qua cho: vì Ông Hồ Ngọc Nhuận nhận định là những người đang cầm quyền còn quá mạnh nên, theo ông, còn lâu lắm chế độ mới sụp đổ, nhưng cũng theo ông Hồ Ngọc Nhuận nghĩ thì những người đang cầm quyền không chịu tin như vậy và vẫn lo sợ sự sụp đổ của chế độ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên đã bắt ông làm cái soupape, đối lập “cuội”, một công tác mà ông rất run sợ khi nhận lãnh nhưng phải thực hiện.

Đóng vai trò này dĩ nhiên là nguy hiểm vì rất dễ bị làm vật tế thần. Do đó, rất có thể là Ông Hồ Ngọc Nhuận đóng vai trò đối lập “cuội” do lệnh của những người cầm quyền đưa ra; và mặc dù phải thi hành nhhiệm vụ, nhưng ông vẫn rất lo sợ. Sự sợ hãi này được thấy rõ khi ông trả lời phóng viên Mặc Lâm về khả năng đàn áp đảng mới do ông thành lập: “Thật sự ra đâu có ai làm gì mấy ổng đâu mà đổ máu? Tất nhiên là mình bất bạo động mà. Vả lại tôi bây giờ, như anh Mặc Lâm có hỏi hồi nãy đó là vấn đề sức khoẻ. Những ông già như chúng tôi thì làm cái gì mà đổ máu? Tất nhiên bịt miệng mà thôi. Tôi chỉ làm đảng đối lập thôi chứ có làm gì đâu và không như các đảng đối lập ở các nước làm loạn để họ đàn áp đẫm máu được? Nếu họ đàn áp đẫm máu thì chuyện này rất là lạ lùng, quái dị…”

Câu phát biểu này là một độc thoại của Ông Hồ Ngọc Nhuận, phản ánh một sự hoài nghi của ông ta đối với công tác mà ông phải nhận lãnh. Sự hoài nghi này phát xuất từ sự hiểu biết sâu sắc của ông về bản chất lường gạt cố hữu của chế độ cộng sản mà ông là một thành viên trung thành. Sự hoài nghi này phát sinh ra những vấn nạn như là (1) mình có sẽ là vật tế thần hay không, (2) chắc không lẽ nào (ông dùng từ “lạ lùng” và “quái dị” để tự minh chứng là không lẽ nào) vì ông thừa hành nhiệm vụ công tác cơ mà, (3) mặc dù tư duy luận lí của ông đưa đến kết luận là không lẽ nào, nhưng kinh nghiệm đảng tịch thâm niên của ông và những thực tế đàn áp khắc nghiệt và đẫm máu đối với người dân bình thường -- chứ nói chi đến những cán bộ cao cấp như ông -- xảy ra hằng ngày đã không thuyết phục được ông là chuyện đàn áp đẫm máu không xảy ra cho ông. Cho nên ông đã co rúm lại trong sợ hãi bằng những tự biện minh nghe sao thống thiết và thảm thương như những lời van xin: nào là tuổi đã cao, sức khoẻ kiệt quệ, ông chỉ muốn được nói chuyện tử tế mà thôi, ông chỉ “bất bạo động”, chứ ông đâu có làm loạn như những đối lập ở các nước khác để đáng bị đàn áp đẫm máu.

Ba cái sai lầm lớn trong suy luận do sự sợ hãi đem lại là (1) “đấu tranh bất bạo động” mà nhân dân yêu nước và yêu dân chủ đích thực đang phát động ở trong nước không phải là chỉ muốn ăn nói tử tế với tập đoàn CSVN ác với dân, hèn với giặc mà là một phương sách có chiến lược giải thể chế độ cộng sản, vì như Boris Yeltsin, Tổng thống Nga, người đã sinh ra, trưởng thành trong cái “nôi” của lí thuyết Mác-Lê, đã từng tuyên bố là “Cộng sản không thể sửa đổi được mà cần phải được loại bỏ đi mà thôi”. Cái sai lớn thứ hai (2) là tự biện minh, nài nỉ, van lơn vì sợ hãi cũng không tránh được những gì sẽ xảy ra, vì điều gì xảy ra chỉ là một hệ luận của bản chất lường gạt của chế độ cộng sản. Ghép thêm Lê Hiếu Đằng và giới trẻ cũng không thể làm cái áo giáp cho ông được, vì giới trẻ có con đường cách mạng của giới trẻ; Lê Hiếu Đằng có con đường của Lê Hiếu Đằng: Lê Hiếu Đằng cũng có thể là con cò mồi nhữ Hồ Ngọc Nhuận; Lê Hiếu Đằng cũng có thể chỉ là một con thiêu thân. Theo văn hoá truyền thống của Á đông, mưu mô chỉ là phương sách của Bá đạo. Chỉ có lương tri trong sáng mới là đạo của đại nhân quân tử (xin xem Vương Dương Minh). Cái sai lớn thứ (3) là đối lập ở những nước dân chủ có bao giờ làm loạn để bị đàn áp đẫm máu đâu. Đàn áp -- đừng nói gì là đàn áp đẫm máu – không có lí do để hiện hữu trong một thể chế dân chủ. Đối lập ở các nước dân chủ là những tranh luận thẳng thắn, bộc trực phản ánh quyền lợi của dân và người dân là trọng tài quyết định vận mạng của những nhà lãnh đạo qua lá phiếu của mình. Nếu có một cuộc nổi dậy là nổi dậy của nhân dân bất mãn vì bị độc tài bóc lột đứng lên đòi lại quyền bẩm sinh của người dân và đã có lúc bị đàn áp đẫm máu bởi những nhà độc tài, nếu Ông Hồ Ngọc Nhuận muốn nói đến Ai cập và Syria. Sự nỗi dậy này chỉ xảy ra ở những chính thể độc tài chứ không xảy ra ở các nước dân chủ. Dĩ nhiên là Ông Hồ Ngọc Nhuận không có can đảm nổi dậy (mà ông đánh đồng với từ “đối lập”) như thế mà chỉ tỏ vẽ kinh sợ vì e ngại là đã đến lúc mình bị đòi hỏi phải phục vụ quyền lợi của đảng đồng thời có lẽ sẽ phải bị hi sinh. Sự sợ hãi này có nền tảng ở sự kiện ngay cả  Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mà cũng đã bị giải thể một cáh chớp nhoáng vì không còn cần thiết nữa huống chi Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận là những thành phần đã từng hưởng thụ ơn mưa móc của chính quyền “nguỵ” và đã tiêm nhiễm ý niệm dân chủ “lệch lạc”, không thể nào tin tưởng được, cho nên có lẽ chính sách “thà giết nhầm, còn hơn bỏ sót” sẽ được áp dụng. Chắc là đến phiên mình rồi đó!

Lý do nào cho phép tác giả bài phản hồi này hiểu là Hồ Ngọc Nhuận rất có thể chỉ là một cán bộ cộng sản thừa hành lệnh làm soupape cho đảng CSVN. Vì nếu ông thực sự yêu nước, yêu dân chủ đích thực, và có can đảm lập ra một đảng độc lập đối lập chính hiệu thì ông không có lí do gì để tỏ ra hoài nghi và sợ hãi đến thế. Nếu ông có lập trường dân chủ, tự do đích thực và ông không thể chấp nhận được việc đảng cộng sản Việt Nam độc tài đàn áp, bóc lột nhân dân thì ông chỉ cần đơn giản phát biểu là vì lí tưởng tự do, dân chủ và độc lập của đất nước đối với Trung cộng, ông đã đứng ra thành lập một đảng mới để nói lên quyền lợi của người dân và ông sẽ sẵn sàng nhận lãnh tất cả những hệ quả của hành động mà ông nghĩ là đúng của ông. Hành động như thế mới có tính khả tín đối với nhân dân. Ông đã không làm như thế. Ngược lại, ông tuyên bố là cũng giống như Lê Hiếu Đằng, ông sẽ kêu gọi “những đảng viên [tại sao lại chỉ là những đảng viên mà thôi: đảng viên có 3 triệu người, còn 90 triệu người dân thì sao?]”, vì theo ông “Bởi những người đó, đúng ra là một bộ phận của người cộng sản muốn công khai đấu tranh ôn hoà, đấu tranh dân chủ [dân chủ theo lối cộng sản] để xây dựng đất nước, thế thôi”. Nghĩa là ông là tự nhận ông vẫn là một bộ phận của đảng cộng sản. Còn ông xây dựng đất nước như thế nào? Theo Ông Hồ Ngọc Nhuận tóm tắt lại thì: “…chỉ còn một cách là ngồi lại với nhau, thử nói chuyện”. Nghĩa là cũng mấy anh cộng sản làm “dân chủ với nhau” chứ không “bỏ đảng”, “phá xiềng” gì cả, nghĩa là xin xỏ cho tôi được phát biểu ý kiến với, thưa ngài. Và như vậy là xây dựng đất nước?!

Hai ông Lê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận đều là những người “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản”, đã hưởng tất cả những tự do, mặc dù là có giới hạn vì hoàn cảnh chiến tranh và sự thẩm nhập của cộng sản vào trong hàng ngũ quốc gia. Sự thẩm nhập này cũng là bằng chứng của tự do ở miền Nam Việt Nam cũ. Trong lúc hưởng thụ những ân sủng, lợi nhuận và sự tự do của chế độ Cộng hoà miền Nam, hai ông được “no cơm ấm cật” lại tích cực đóng góp đưa nhân dân của quốc gia tự do này vào làm nô lệ cho chế độ hà khắc, đàn áp khắc nghiệt và đẫm máu của chế độ cộng sản Việt Nam. Ngày hôm nay, hai ông tuyên bố lập đảng đối lập với những người đang cầm quyền chứ không khẩn thiết là đối lập với đảng cộng sản, vẫn không chấp nhận cái sai lầm của đảng cộng sản và nhất là cái sai lầm quá tai hại của hai ông. Thế mà hai ông không ăn năn hối lỗi mà vẫn tự cho phép đặt mình vào vai trò lãnh đạo nhân dân làm cách mạng “cuội”, hành sử như những anh hùng của dân tộc, trong lúc tội lỗi đối với nhân dân trong quá khứ thì hình như, đối với hai ông, không có gì đáng nói vì hai ông tự nghĩ là hai ông đã chân tình với đất nước nên hai ông đã tự tha thứ hay quên lãng tội lỗi của mình một cách quá dễ dãi. Trong trường hợp các ông thuyết phục được dân chúng là các ông thành thực tố cáo cái sai của chế độ cộng sản Việt Nam thì chỉ vì có những người quốc gia chân chính, nhẹ dạ, ngây thơ hoặc có lòng quảng đại hay không có kinh nghiệm bản thân hay kiến thức lịch sử mới có thể tin là các ông chân thành. Còn những người hiểu biết thì có khuynh hướng cho các ông là đối lập “cuội” chính hiệu [như sự ám ảnh của ông đã phản ánh]. Không những lối nhận thức này đặt cơ bản trên kinh nghiệm bản thân và kiến thức lịch sử mà còn phát sinh từ những kí hiệu ngôn ngữ mà Ông Hồ Ngọc Nhuận đã sử dụng. Ngôn ngữ được sử dụng để chuyên chở một thông điệp và thông điệp mà những người quốc gia yêu tự do, dân chủ đích thực, và đòi hỏi độc lập với Trung cộng nhận được từ kí hiệu ngôn ngữ của ông là cả hai ông đều là hiện thân của cái bình phong trá nguỵ của đảng cộng sản Việt Nam ác độc đang tranh thủ bằng tất cả mọi phương tiện để tồn tại. Thông điệp nhận được có thể không đúng với lương tri (nếu có) của các ông và có thể oan cho các ông; nhưng ngôn ngữ đã phát biểu thì nội dung không còn là “tài sản” của tác giả nữa mà là của người nhận kí hiệu ngôn ngữ.

Nếu thực sự nhận định này, nghĩa là cách nhận ý nghĩa của thông điệp, không phản ánh lương tri (nếu có) của hai ông -- điều có thể xảy ra, nhưng xác suất xảy ra không lớn -- thì nhân dân vẫn có thể chờ đợi là những phát ngôn tiếp theo của các ông đúng với thực chất của dân chủ, tự do, và độc lập đích thực cũng như chờ đợi hành động của các ông phản ánh thực chất của dân chủ , tự do, và độc lập nếu các ông hiểu được chính xác ý nghĩa của chính danh đối với thực thể khi sử dụng những từ này trong tư duy cũng như trong hành động. Được như thế thì các ông mới chiếm được sự tin cậy của người dân và chắc hẳn người dân cũng rộng lượng không tính sổ tội lỗi của các ông. Nhưng điểm cuối này là ý nghĩ riêng tư của tôi: có tính sổ hay không là quyền của toàn dân, tôi chỉ có quyền đóng góp ý kiến mà thôi.

Nguyễn văn Thái, Ph.D.
Pennsylvania
Ngày 22 tháng 8 năm 2013