Monday 26 August 2013

Tính anh vẫn thế - Những kỷ niệm với Nhà báo Lê Thiệp - Vũ Đăng Khuê

LTS: Lê Thiệp, nhà báo, nhà văn, nhà viết ký sự số một, đã ra đi. Cuộc chiến vậy là ngã ngũ. Bạo bệnh đã mang anh về chốn vĩnh hằng, để lại thật nhiều thương tiếc cho tất cả những người đã từng gặp mặt, quen biết và cộng tác với anh. Khi làm việc với anh, mọi người đều khó có thể quên các tố chất đặc biệt trong con người của Lê Thiệp. Bất cần, bạt mạng nhưng lại sôi sục tâm huyết, nhanh nhẹn trong tác nghiệp nhưng bền bỉ trong lý tưởng và đặc biệt nhất là cuộc sống chan hòa tình cảm bạn bè. Cho nên dẫu văn đàn Việt Nam đã mất đi một ngòi bút tài hoa, làng báo mất đi một ký giả uyên bác, vẫn không lớn hơn được nỗi mất mát trong lòng những người bạn đã được anh trải lòng ra, ấm áp thân tình. Bài viết sau đây của một người bạn đã được viết từ tâm trạng ngổn ngang dồn dập đó. Những kỷ niệm đầy ân tình và rực lửa từ 35 năm trước như đã đẩy ngòi bút đi trong hồi tưởng miên man khiến bài viết mang nhiều tính chất của một đối thoại với người đã khuất, trong đó, những câu nói rất thật của Lê Thiệp mang chúng ta đến gần với anh hơn, hiểu anh nhiều hơn và qua đó tri ân hơn nữa những cống hiến của anh. Cách đây hai tháng, trong khi Lê Thiệp còn đang phải “đánh nhau” với căn bệnh ngặt nghèo, chúng tôi đã cầu chúc anh bình phục. Lần này xin cầu chúc anh bình yên. “Thác là thể phách còn là tinh anh”. Xin anh bình yên ngon giấc ngàn thu trong niềm tưởng tiếc và biết ơn sâu đậm của chúng tôi, những bạn bè, những hậu duệ đã được anh dắt dìu từ buổi chập chững vào nghề.


Tính anh vẫn thế - Những kỷ niệm với Nhà báo Lê Thiệp
Vũ Đăng Khuê
Mẽo hay nói: No news is good news, không thấy quân ta liên lạc, như vậy là động đất và tsunami vẫn không làm quân ta hề hấn?
Hoặc là
Gửi ông bài tôi viết đọc cho vui, không thích thì cứ thẳng tay vứt vào thùng rác
Hay
Đã lâu quá rồi, thấy ông cứ ru rú trong xó, làm một chuyến Mỹ du, thăm dân cho biết sự tình đi. Có cần thì cậu Thiệp chi tiền vé cho.
Mail của anh đại loại là như vậy, vẫn cái giọng bất cần khinh khỉnh, tưng tửng, dao to búa lớn…nhưng đầy tình cảm.

Biết tin anh mắc chứng bệnh nan y đang ở giai đoạn cuối, tôi liên lạc, anh oang oang: chuyện đâu còn có đó, lo gì cho mệt.  

Cũng chỉ mới đây 1 tháng, anh mail cho tôi:
Kính ông
Tôi vẫn đang đánh nhau với bệnh nhưng xem ra tình hình không đến nỗi bi thảm
Ông vào Người Việt kiếm mục sổ tay và tên Vũ Ánh có viết một bài. Đọc thì ông sẽ rõ hơn. Mong vui khỏe cả nhà
Thân
Thiepmai

Đọc xong bài viết Cuộc Chiến Vẫn Chưa Ngã Ngũ, tôi bớt lo và tin như tác giả….
Cuộc chiến giữa Lê Thiệp và bệnh ung thư là một cuộc chiến vẫn còn chưa ngã ngũ như bao nhiêu cuộc chiến tương tự. Nhưng sẽ có lúc nó phải ngã ngũ và tôi tin rằng phần thắng sẽ về bạn tôi.

Nhưng sáng nay (6/7/2013) vừa thúc dậy, nhận mail từ người cháu Lê Thiệp:
Chú ơi,
Cậu đã vừa đi rồi Chú à … gan suy sụp hoàn toàn nên tim ngừng hoạt động …  không đau đớn gì nhiều, còn tỉnh táo cho đến ngày cuối …

Tôi giật bắn cả người, dù biết trước sau gì cũng sẽ đến. Tự nhiên tất cả những suy nghĩ thường ngày vớ vẩn của đời thường đã mau lẹ chuồn ra khỏi óc khiến đầu óc tôi chỉ nhớ mỗi đến anh. Tôi nhớ anh có tiếng cười sang sảng luôn luôn đi trước câu chửi thề chắc nịch. Mỗi lúc gặp nhau qua điện thoại, anh thường hỏi tôi sống thế nào, tôi hỏi lại anh sống ra sao, rồi tôi than thở về chuyện quê nhà và anh cũng thở than về chuyện đất nước, cuối cùng là: Mẹ, dù chưa ra ngô ra khoai gì sất nhưng có cái đéo gì đâu mà ông phải nghĩ, bữa nào sang đây chơi! Rồi chúng tôi mới bắt đầu vào câu chuyện…..
……………..
Tôi gặp anh lần đầu vào khoảng giữa năm 1978 tại trại tạm cư Misono (thị xã Fujisawa), một nơi tiếp nhận người tị nạn do cơ quan công giáo Caritas bảo trợ, nhóm của anh, tạm gọi là nhóm Sun Swallow được tàu Đại Hàn tên Sun Swallow vớt đưa vào Nhật. Nói theo kiểu “sách vở” thì sự hiện diện của nhóm anh lúc đó đã nâng cuộc đấu tranh của người Việt tại Nhật lên một tầm vóc cao hơn: trực diện với kẻ thù. Thật vậy, cho đến lúc nhóm anh có mặt, hình thức đấu tranh ở Nhật lúc đó rất đơn giản, chỉ là họp báo, ra báo, cũng có biểu tình nhưng chỉ lai rai.
Dù bị Cao Ủy Tị Nạn LHQ, Caritas “khuyến cáo” không nên làm…. “chính trị”, nhưng với quyết tâm sẵn có, cộng với những “dẫn lối đưa đường” của các anh em thân hữu, Người Việt Tự Do như anh Huỳnh Lương Thiện và một vài người khác ….đang “nằm vùng” trong Cao Ủy, Caritas, chỉ một thời gian ngắn sau ngày nhập trại (khoảng 6/1978), Lê Thiệp đã cùng già-trẻ lớn bé của nhóm Sun Swallow và nhóm của Phùng Tấn Hiệp ở Kamakura bên cạnh, mở cuộc bao vây bất thần vào sứ quán việt cộng, mở đầu cho những buổi biểu dương tuyệt đẹp, như buổi “đón tiếp” thứ trưởng Phan Hiền, 3 ngày rượt đuổi Nguyễn Duy Trinh, ngoại trưởng việt cộng nhân các chuyến đi xin viện trợ.
(Trái) 2/9/1978 Chít khăn tang đòi tự do cho dân Việt.
(Phải) Cuộc đột kích rước sứ quán Việt cộng tháng 7/1978
Lê Thiệp (trái) và thầy Thích Trí Hiền trước sứ quán việt cộng

Đáng nhớ nhất là vào ngày 2/9/1978, lúc sứ quán việt cộng mở tiệc ăn mừng ngày độc lập thì ngay từ dưới chân dốc đường dẫn vào sứ quán đã xuất hiện một đoàn người già trẻ lớn bé dẫn đầu bởi Lê Thiệp, Ngô Chí Dũng, Phùng Tấn Hiệp, từng bước một, với vành khăn tang trắng lừng lững tiến đến trước cửa sứ quán vì “ngày 2/9 chỉ là ngày độc lập với tình thương, với nhân quyền”. Sáng kiến “đeo khăn tang” nhân ngày “lễ lớn của dân tộc” là của ban tham mưu gồm Ngô Chí Dũng, Lê Thiệp và cha người Mỹ Martin của cơ quan Caritas, người giúp phe ta chỉnh lại khẩu hiệu tiếng Anh. Buổi tiếp tân rộng lớn 1 tuần sau đó, đã đánh động bản tính e dè của dân Nhật. Các hội đoàn, báo chí …. liên tiếp muốn thu tin, làm phóng sự về người tị nạn. Anh cười hả hả: Ông thấy tụi tôi ngon lành không?

Cũng vào thời gian đó, anh thường có mặt với anh em Người Việt Tự Do trong các buổi hội thảo về nhân quyền, buổi báo cáo về tình hình Việt Nam tại các khuôn viên trường đại học, tại các nghiệp đoàn lao động. Rồi cứ đến chiều thứ bảy, tại trại Misono, rất đều đặn trong suốt một vài tháng những cuộc tâm tình đã được mở ra giữa người mới tới như Lê Thiệp, Trịnh Ngọc Bằng. Nguyễn Hữu Hiệu v.v.. và người ở đã lâu như tôi, Bùi Bằng Đoàn, Huỳnh Lương Thiện, Ngô Chí Dũng, giáo sư Tonooka… để cùng nhau bàn luận tìm cách làm một điều gì đó cho quê hương đất nước.

Tính anh vẫn thế!

Quen và biết nhau khá lâu, từ hơn 35 năm trước nhưng mãi đến ngày anh mất, tôi mới biết tuổi thật của anh: 69 tuổi, anh hơn tôi cả 8 tuổi, nhưng khi nói chuyện với ai đó về tôi anh thường “thổi” tôi lên. Có lần tôi nhớ Nguyễn Khanh, trưởng ban việt ngữ đài RFA có chuyện gì đó, lần đầu tiên khi liên lạc với tôi, cứ mở miệng ra là dạ vâng ngọt sớt…. rất ư là trịnh trọng, tôi e dè:
-        Ông Khanh ơi, tôi và ông cùng một thời mà, ông nói vậy tôi tổn thọ chết.
-        Không, anh là bạn Lê Thiệp, đàn anh của em, cách xa em mấy lứa, phải kính trọng anh chứ,
Tôi ngại quá cứ phải đẩy ra. Sau đó, gặp anh, tôi hỏi:
-        anh nói gì mà ông Khanh lại “lễ phép” với tôi quá vậy?
Anh cười xòa:
-        Có nói gì đâu, sợ thần thì phải nể cây đa chứ!

Tính anh vẫn thế.

Đầu năm 1979, anh sang Mỹ định cư, tụi tôi vẫn giữ liên lạc với anh với mức độ… nhát gừng. Có lần, bất ngờ anh thư cho tôi, chỉ vài hàng trên 2, 3 mảnh giấy thuốc lá ghép lại, đại khái: Ngày đó…., ngày đó sẽ có bạn tôi sang (ông này người Mỹ), cậu Thiệp có nói: cứ liên lạc với Vũ Đăng Khuê, với Ngô Chí Dũng là sẽ có chỗ ăn chỗ ở. Câu Thiệp đã lỡ phét lác rồi, các ông cố giúp tôi đừng để tôi mất mặt nhà binh nhé.

Thế là tôi và anh Dũng phải tất bật lo toan cho người bạn quí, và cũng nhờ người bạn này, sau này đã giúp chúng tôi rất nhiều trong những chuyến Mỹ du.
Tính anh vẫn thế!

Anh nguyên là ký giả cột trụ của nhật báo Chính Luận, Sóng Thần, của làng báo Việt Nam, nhưng tôi chỉ thực sự biết “thực lực” của anh khi gặp anh 1 tháng sau. Hôm đó (đã lâu tôi quên ngày tháng), tôi nhớ rất rõ, lúc mọi người của nhóm Sun Swallow và nhóm Kamakura (nhóm Phùng Tấn Hiệp) được Nghiệp Đoàn Lao Động Đồng Minh ưu ái tổ chức cho đi thăm viếng Tháp Tokyo và lúc đến chân tháp chuẩn bị lên trên, anh khều tôi ra nói nhỏ:
-        Ông đã lên trên đó bao giờ chưa?
Tôi trả lời:
-        Chưa.
Anh tiếp:
-        Lên làm mẹ gì, ông ở đây lâu thì thế nào chả có dịp, tôi chưa đi nhưng cũng chả ham, vô đây nói chuyện vui hơn
Rồi anh rủ tôi vào một quán nhậu dưới chân tháp nhấp vài ly vừa đủ để đỏ mặt. Lúc đó, chỉ còn 1 hay 2 ngày nữa là ngày ra báo Người Việt Tự Do, tôi vắn dài:
-        Báo còn thiếu mấy bài.
Anh gạt ngay
-        Uống đi cái đã, sẽ có ngay cho ông mà. Yên chí đi
Tối hôm đó, anh trốn trại đến ngủ nhà tôi nhậu tiếp, tôi cũng chẳng mong gì bài và vở từ anh nữa, vì cả 2 đã “hoắc” cần câu, vì sáng hôm sau nghe nói anh phải về trại sớm để lãnh tiền. Trong hơi men, tôi làm một giấc, gần tới sáng mở mắt ra thấy anh cười cười:
-        Thôi, tôi dzọt, bài tặng ông tôi để đây.
Thì ra anh đã thức trước tôi khoảng 3 hay 4 tiếng để trám vào những bài tôi cần, đầy đủ cả: nào là tin Việt Nam, tin sinh hoạt và truyện ngắn “Cá hũm hĩm”, rất độc đáo mà tôi còn giữ đến bây giờ.  
Tính anh vẫn thế

Tôi gặp anh 2 lần ở Mỹ, lần đầu vào năm 1980, lần sau vào năm 1993.
Lần đầu anh ở Connecticut, lúc đó anh như cái mền rách, việc cũng không và tiền cũng trắng. Anh và tôi rong ruổi từ Connecticut đến DC bằng cái xe cũ rích. Anh đưa tôi ghé nhiều nơi Philadelphia, Pittsburgh, Virginia, MaryLand…, chỗ nào anh cũng được nhóm bạn bè rủ rê làm báo, và chỗ nào anh cũng hứa vung hứa vít:
-        Ông làm báo à? OK Tôi sẽ giúp ông mục này mục nọ.
Rất ngạc nhiên, tôi hỏi:
-        Sao chỗ nào anh cũng hứa mà anh có làm không?
Anh cười:
-        Hứa là hứa vậy thôi, chứ tụi nó dư biết là tôi hứa cuội. Nhưng nếu khi cần tôi sẽ cầm bút nghiêm chỉnh
Và anh nghiêm chỉnh thật. Từ chiến khu, Ngô Chí Dũng sang Hoa Kỳ liên lạc và đề nghị anh về Cali phụ giúp tờ Kháng Chiến. Anh không ngần ngại về ngay, và dạo đó (1982-1984), tờ Kháng Chiến rất khởi sắc vì qui tụ khá nhiều tay bút chuyên nghiệp của làng báo Việt Nam dạo trước.
Tính anh vẫn thế

Vì một trục trặc gì đó, anh trở lại DC mở tiệm phở, lúc đầu thì “khổ như con chó”, (lời của anh) nhưng sau đó từ từ anh phất, lần thứ 2 vào tháng 7 năm 1993, qua anh tôi gặp được nhiều người thuộc loại đàn anh mình như họa sĩ Ngọc Dũng, Hà Thế Ruyệt, Hoàng Xuân Trường, Đinh Hùng Cường, Ngô Vương Toại v.v…, và nơi nào tôi cũng được đối xử rất nồng hậu vì anh ân cần giới thiệu…. “Đây là bạn tôi”. Với ai khác, tôi không biết, nhưng đối với tôi anh rất chân tình.
Tính anh vẫn thế.

Khoảng năm 2002, lúc còn phụ trách Nguyệt San Hiệp Hội (tờ báo của người Việt tại Nhật) tôi nhận từ anh cả chục bài viết từ nhiều tác giả. Anh viết: “Tôi gửi ông một số bài, thích bài nào ông đăng bài đó, thuận mua vừa bán, xin tùy hỉ mở lòng… tùy theo thịnh tình. Sau này tôi mới biết là anh đã chạy đôn chạy đáo để giúp ông anh cả Uyên Thao (chữ của anh) mở nhà sách Tiếng Quê Hương đúng với ước nguyện của anh cả tâm sự với Lê Thiệp
“Tao chỉ cần 300 độc giả là đủ.  Cái quan trọng là phải có phương tiện cho anh em có chỗ tập trung, có chỗ trao đổi.  Mày có tin rằng trước sau gì Cộng Sản cũng thua, và nếu tao với mày còn sống thì đem về Việt Nam được những gì?” *1
…….
Cộng sản bằng mọi giá muốn lịch sử phải được viết dưới lăng kính, dưới nhãn quan Lê-Nin-Nist.  Họ phải tìm đủ mọi cách xóa bỏ những thực tại của lịch sử, nếu không thì bóp méo mọi dữ kiện trái với quan điểm của họ.  Điều này rõ ràng không cần chứng minh gì nữa.  Vấn đề còn lại là của tao, của mày, của những anh em mình.” *1
Tính anh vẫn thế.

Mới đây, năm ngoái, nhận thư từ anh Uyên Thao: “có người đặt tiền trước để Khuê mua sách cả năm, nhưng yêu cầu tôi không nói tên”. Tôi chỉ biết vậy, nhưng sau đó tôi biết “tác giả” món tiền chính là anh, như anh thố lộ rất nhẹ nhàng trong buổi tâm tình hồi tháng 3 năm nay nhân buổi ra mắt sách của Tiếng Quê Hương:
Đấy là chưa kể lâu lâu những đứa như tôi, như Hoàng Xuân Trường lại cầm lòng không đậu. *1
Tính anh vẫn thế

Anh có cái độc đáo mà tôi thấy ít người có, anh nghe chuyện từ người rồi anh viết lại, nói như anh là “luộc lại”. Anh vung bút múa may chữ nghĩa, nói lên những sự thật bằng ngòi bút độc đáo có một không hai. Có lần anh kể lại cuộc gặp gỡ với anh Nguyễn Văn Tuệ trong nhà thương, một trong những nhân vật còn sống sót qua chuyến vượt biển kinh hoàng 9 chết 1 sống, lúc còn đang ngất ngư trông giống như xác chết trên giường bệnh, rồi bài viết « 40 ngày trên biển chết » ra đời, đăng trên nguyệt san Người Việt Tự Do tháng 11 năm 1981 đã làm nhiều người đọc rùng mình bật khóc.
Rồi Anh viết « Chuyện Người Đỗ Lệnh Dũng » qua lời kể của nhân vật chính trong truyện, anh « luộc » thật tài tình, anh phối hợp, rút tỉa đầy đủ những kỹ xảo của ngòi bút mà tất cả đều dựa vào sự thật.
Tôi hỏi :
-        Có thật như vậy không ?
Anh cười :
-        Trí tưởng tượng con người thì có bến có bờ, không thật thì làm sao mà phóng bút từ trang này sang trang khác được.
Tính anh vẫn thế

Cứ miên man thế này thì đến bao giờ mới chấm dứt? đành phải kết luận. Hôm nay, trước khuôn mặt gầy gò của anh chụp hồi tháng 3, tôi thấy vẫn y như lần gặp gỡ đầu tiên 35 năm trước. Hy vọng nơi cõi ấy, anh sẽ không còn là « người đứng bên lề cuộc sống ở đây » 2 và không còn mang tâm trạng « Chân ướt Chân Ráo » 3 và anh ung dung tự tại « Lững Thững Giữa Đời » 4  rũ bỏ được tất cả những ưu tư phiền muộn.
Cũng hy vọng nơi cõi ấy, xin anh để mắt đến thằng em của anh, phù hộ cho thằng em anh sống sao cho xứng đáng.

Vĩnh biệt anh.
Vũ Đăng Khuê
Tháng 7/2013

*1 trích trong bài nói chuyện của Lê Thiệp nhân ngày Tủ sách Tiếng Quê Hương ra mắt sách 24/3/2013
*2 trích trong « Chân ướt Chân ráo »

*3 & *4 hai tác phẩm của anh do Tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản.