Monday, 26 August 2013

Về Môt Người Bạn Đã Hy Sinh

Trần Đức Huy
Câu hát quen thuộc văng vẳng vang lên:
Vì hòa bình là ước mơ chung
Phải kiên gan chiến đấu không ngừng
Để lịch sử giở qua trang mới
Trang bắt đầu cho cuộc phục hưng * 

đã đưa tôi trở về những ngày xưa cũ. Hình ảnh của anh cũng chợt hiện ra nơi đây như để chia xẻ với tôi. Thân xác thì ở Nhật Bản nhưng tâm hồn thì dành trọn cho những người đã lên đường chiến đấu và đã hy sinh, đặc biệt cho người bạn có tên: Ngô Chí Dũng



* * *

Tôi đã gặp

Vào cái tuổi của thời còn non trẻ, tuổi đầy ắp những mơ ước đầy háo thắng, tôi gặp anh qua những sinh hoạt của sinh viên tại Nhật.
Anh hơn tôi một tuổi, học trên tôi một lớp, anh có khuôn mặt trắng hồng, dáng vẻ của một cậu công tử xuất thân từ một gia đình sung túc và nề nếp. Khoảng 1972, anh là một thành viên của nhóm thực hiện tờ “Tin Việt Nam”, tờ báo duy nhất của nhóm sinh viên quốc gia thời đó. Sau đó, anh là Trưởng Ban Báo Chí của Hội Sinh Viên Việt Nam tại Nhật Bản. Tôi là trưởng ban văn nghệ, một thành viên của Hội nhưng sau anh một nhiệm kỳ nên sự giao tiếp với anh chỉ ở mức độ chào hỏi, xã giao bình thường. Với những lần tiếp xúc ít ỏi thì dưới mắt tôi: anh là một công tử bột chăm chỉ thích chuyện chính trị. Những gì tôi biết về anh chỉ có thế. Sự giao tình với anh cũng chỉ ở mức bình thường nếu không có biến cố 30/4/75. 


Sau cuộc đổi đời đau đớn, tập thể sinh viên du học tại Nhật có khoảng trên dưới 800 người, ngoại trừ một số nhỏ thuộc thành phần thiên tả là tỏ vẻ vui mừng, số còn lại mặc dầu có tinh thần quốc gia không chấp nhận cộng sản nhưng tất cả đều rơi vào tâm trạng hoang mang, chán nản vì không còn nơi nương tựa. Hơn nữa, nhìn về quá khứ, Nhật Bản vốn là nước không có những chính sách tiếp nhận người lưu vong một cách mặn mà nên hầu như ai cũng tính chuyện phải tìm một chỗ để an tâm sống cuộc đời còn lại. Muốn như thế thì cũng phải có một tư thế, có nghĩa là phải có tổ chức, ủy ban đại diện thì những nguyện vọng, yêu sách mới may ra có kết quả. Cái khó là ai cũng mang tâm trạng bất an, lo sợ, nên chẳng có mấy ai dám nghĩ đến chuyện dấn thân “ăn cơm nhà vác ngà voi” đầy bất trắc như vậy. Đúng lúc đó, anh xuất hiện. Tôi còn nhớ mãi câu nói của anh trong một buổi họp tại cư xá sinh viên vào những ngày giữa tháng 5/1975: “Tôi xin là người trách nhiệm đại diện anh em nếu mọi người đồng ý”. Mọi người vỗ tay, anh nói tiếp: “Thế thì xin tất cả im lặng để Ủy Ban làm việc”. Hội trường với mấy trăm con người đang xì xào bỗng im phăng phắc. Tổ chức có tên “Ủy Ban Tranh Đấu Cho Tự Do người Việt tại Nhật Bản” mà anh là người “đứng mũi chịu sào” đã ra đời vào những tháng ngày cực kỳ khó khăn đó.

Đầu tiên thì hoạt động của Ủy Ban này chỉ có mục đích là đi tìm những quốc gia hay những nơi có qui chế tỵ nạn cởi mở tiếp nhận số sinh viên nào không chấp nhận chính quyền việt cộng. Vài tháng sau, mục đích cuộc đấu tranh cho người Việt tại Nhật đã mở rộng hơn thành cuộc đấu tranh đòi hỏi tự do cho dân Việt. Ngày 1/11/1975 tại Tokyo, một tổ chức có tên là Nhóm Người Việt Lưu Vong mà tiền thân là “Ủy Ban Tranh Đấu Cho Tự Do người Việt tại Nhật Bản” đã ra một bản minh định lập trường, gồm những điểm chính như: chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi cuộc chiến đấu chống cộng sản của cha anh chúng tôi dù đã thất bại - chúng tôi chiến đấu không vì mặc cảm, mà vì lòng tự trọng của những người trẻ muốn đóng góp sức lực của mình vào cuộc chiến đấu giành lại tự do – nhân bản - chúng tôi mong mỏi mọi người và thế giới ủng hộ chúng tôi. Sau đó thì nhóm người Việt lưu vong được đổi thành Tổ Chức Tranh Đấu Cho Tự Do của Người Việt và cuối cùng là Tổ Chức Người Việt Tự Do. Tôi tâm phục anh từ đó. 


Những kỷ niệm khó quên


* Khi đã “kết” nhau, tôi và anh đã có nhiều dịp trao đổi hơn về mọi mặt. Nói anh sinh ra để “làm chính trị” cũng không ngoa, vì bất cứ chuyện gì từ vui hay buồn khi nói chuyện với anh, cũng “bị” anh kéo về chuyện chính trị hay là chuyện Việt Nam. Xin kể một câu chuyện về anh mà tôi nghe được. Một hôm, tôi cùng anh và một số bạn đến thăm đồng bào tại một trại tị nạn để hỏi thăm về tình hình Việt Nam, nói chuyện được một lúc thì trời đổ mưa tầm tã, một cô trong nhóm “than thở”: “Thấy mưa nhớ Việt Nam quá anh Dũng ạ”, anh cười cười và đáp ngay: “Nói đến mưa mới nhớ đến chuyện ở bên Ý, kỳ rồi đảng cầm quyền đã mất ghế vì đã không có đối sách kịp thời khi mưa lớn khiến có vài người thiệt mạng” (đại khái tôi nhớ là như vậy). Mắt cô gái tròn xoe tỏ vẻ ngạc nhiên, có lẽ là vì cô tưởng câu trả lời của anh phải mang một ý nghĩ chia sẻ thông thường.

* Nhớ có lần trong một buổi tối mùa đông ngồi đóng, gói báo Người Việt Tự Do để gửi đi, cạnh cái lò sưởi nhỏ, bên ngoài còn nghe rõ tiếng gió rít qua khe cửa, anh hỏi tôi: “Ông có thấy là mình kỳ cục khi làm những chuyện mà có người cho là chuyện dễ ợt không?” Tôi hỏi lại: “Ông muốn nói chuyện gì?”, “Chuyện mình đang làm nè, chuyện đóng báo gửi đi nè”. Câu chuyện bỏ lửng ở đó, nhưng sau đó tôi hiểu ý anh muốn nói: “Dễ thì dễ thật, nhưng mà có mấy ai dám bỏ tất cả để đi làm chuyện dễ ợt hay không”, vì ban chiều có một vài người bạn ghé nhà, thấy anh đang cắm cúi, cắt dán từng địa chỉ, có người phán một câu: Mấy chuyện này thì dễ ợt, ai làm chả được.
Những người học cùng năm với anh, sau khi ra trường đã chạy đôn chạy đáo tìm việc để ổn định cuộc sống, để giúp đỡ gia đình, toàn là những lý do chính đáng, nhưng anh lại đi ngược dòng, anh đã rất “tiêu cực” trong việc tìm cho mình một đời sống an định, anh chỉ làm những công việc parttime không bó buộc giờ giấc, vừa đủ trang trải cho một cuộc sống đơn giản nếu không nói là đạm bạc để dành thì giờ hoạt động. Anh không thụ động ngồi yên nhìn những ước mơ của mình trôi theo năm tháng, anh đã đi đây đi đó, kết hợp vận động để mưu tìm cho mình những điều mà lúc đó có thể chỉ là những ước mơ ngoài tầm tay: Mai này chúng ta cùng về Việt Nam.

* Trong những lần công tác tại Hoa Kỳ, khi về lại Nhật, lúc nào anh cũng có quà cho tôi; khi thì khoanh giò lụa, lúc thì cái bánh chưng, lúc thì vài quả hột vịt lộn.... và lần nào anh cũng nói: Định mang về cho ông nhiều hơn, nhưng sợ tụi phi trường nó lấy hết. Nhưng có món quà mà tôi thích nhất là những “bài nhận định”. Khi làm tờ Người Việt Tự Do, bài nhận định là bài khó nhất vì phải nói lên được quan niệm, nhận định của Tổ Chức về thời cuộc Việt Nam cũng như thế giới; thường thường thì đã được chia phiên (ngoại trừ tôi), nhưng nếu người đến phiên bận chuyện không viết được thì rất ư là kẹt. Nếu anh không bận công tác thì chuyện giải quyết dễ dàng, nhưng nếu anh bận công tác xa thì báo lại phải phát hành trễ vì phải chờ phải đợi. Tôi nhớ có vài lần, đúng vào lúc đang “bứt tai vò trán” thì thư của anh đến cùng bài nhận định kèm theo vài chữ: “Tôi gửi để phòng hờ nếu có kẹt bài”. Vì thế đối với tôi, đây là những món quà mà tôi thích nhất vì đã nhận được những gì mà mình muốn lại đúng ngay thời điểm.

* Anh có lối nói chuyện giống người Mỹ, hay nhún vai, khi nhắc đến một tên nhân vật ngoại quốc anh thường thêm chữ “thằng” đằng trước, một lối nói không lấy gì làm thiện cảm đối với người Việt Nam nếu người nói chuyện không ở mức thân tình, điều này anh bị anh em “chỉnh” không ít, nhưng khi giao tiếp với người ngoại quốc như Nhật hay Mỹ thì anh lại được rất nhiều người quí mến. Có lần, một giáo sư người Nhật cho biết là sẽ giới thiệu cho Tổ Chức một nhân vật có thế giá, đầy quyền lực trong giới tài phiệt - chính trị Nhật. Hôm gặp gỡ, vị giáo sư rất trang trọng, đem theo bà vợ cũng là người Nhật mặc áo dài Việt Nam cho cuộc gặp thêm ý nghĩa. Khi hai bên giáp mặt, vị giáo sư ngạc nhiên khi thấy anh bước tới tươi cười bắt tay vui vẻ nói chuyện rất tự nhiên với nhân vật đó. Vị giáo sư thắc mắc hỏi, anh cười nói: ông này tôi gặp mấy lần rồi mà!
Thời đó, việc nhập cảnh Mỹ rất khó dù chỉ đi du lịch, nhưng chỉ cần anh viết một giấy giới thiệu ký tên anh dưới danh nghĩa Tổ Chức “Người Việt Tự Do” là được cấp visa ngay không cần phải chờ đợi. Hỏi anh thì anh nói: chuyện đó mà làm không được thì làm sao làm chuyện lớn. Nhỡ có nhu cầu đấu tranh phải kết hợp phải di chuyển mà không có những cái tối thiểu đó thì làm sao mà tranh mà đấu?

* Những vận động không ngừng nghỉ của anh, của những anh em trong tổ chức khắp nơi đây đó, nhất là qua chuyến triển lãm hình ảnh tị nạn xuyên nước Mỹ vào năm 1979 đã đưa tới kết quả: vào một ngày của tháng 6/1981, anh báo tin là sẽ có một phái đoàn gồm đại diện 3 tổ chức: Lực Lượng Quân Dân Việt Nam, Tổ Chức Phục Hưng, Người Việt Tự Do sau chuyến công tác Đông Dương sẽ đến Nhật để bàn tính chuyện mở lối về quê mẹ, nâng cuộc đấu tranh lên một tầm vóc cao: trực diện với quân thù. Sau những phiên họp tại Nhật, vào tháng 12/1981,Tổ Chức NVTD đã chính thức giải thể để gia nhập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam do tướng Hoàng Cơ Minh lãnh đạo. Đường về Việt Nam đã được khai thông từ đó. Khi toán tiền phong từ khắp năm châu trở về đất mẹ vào năm 1981, anh đã có mặt cùng những người bạn khác mà tôi đã gặp. Việc anh trở về chẳng qua chỉ là một tiến trình suy luận hợp lý. Cái lý đó thật giản dị: anh đã tìm được môi trường thích hợp nhất để anh sống chết với quê hương.

* Trước khi lên đường, anh đưa tôi một túi xách và dặn dò đủ thứ: đây là hồ sơ những nhà báo hay liên lạc, kia là túi đựng những giấy tờ tùy thân cũ như: thẻ căn cước, sổ thông hành v.v.... còn có một cái túi được gói nhiều lớp thật kỹ bên ngoài có ghi rõ: “những thứ không nên xem”, tôi tò mò nhưng không dám hỏi, và tôi cũng quên hẳn có cái túi như thế. Sau lúc vào khu chiến, anh có thư cho tôi và “tiết lộ”: đó là túi đựng những lá thư của gia đình mà không bao giờ anh trả lời và yêu cầu tôi giữ kỹ”.

* Khi gặp lại anh trong một vài lần công tác tại hải ngoại, tôi có cảm tưởng anh như là một người khác, tinh anh, sáng suốt, nhanh nhẹn, sắc bén hơn khi trước. Tôi hỏi: ông có thấy ông thay đổi so với trước không? Anh trả lời ngay: “khác nhiều chứ, vào đó thì chỉ có một chuyện phải làm là: đặt hết tâm trí vào nỗ lực phải giải phóng Việt Nam càng sớm càng tốt cho dân mình bớt khổ thôi”.
Chưa hết, ngoài ra, anh rành rọt một cách quá chuyên nghiệp về những gì mà trước đây anh chưa bao giờ đụng tới, anh giải thích chuyện chuyên môn về cách làm đài phát thanh, cách edit, cách thu thanh, sao cho tiếng không ồn. Anh dặn khi đọc bài thì phải thế này, thế nọ. Những thư từ trao đổi giữa tôi và anh có khi biệt tăm có khi mấy tháng mới nhận được nhưng lúc nào cũng thòng thêm một câu nửa đùa nửa thật: “Ông nhớ làm cho đều đặn, tránh trường hợp có cũng được, không có cũng không sao như thời sinh viên đâu đấy nhé”.

Khoảng cuối năm 1992, tôi được thông báo là anh mất tích.

* * *

Nguyễn Thái Học, Tháng 12/1927, khi còn là sinh viên 27 tuổi đã là lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng can cường đứng lên chống giặc Pháp. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị lên đoạn đầu đài vào tháng 6 năm 1930 khi được 30 tuổi.
Phùng Tấn Hiệp, 22 tuổi (1977) cầm súng ở Đồng Bò, 25 tuổi (1980) vượt biên tìm đường cứu nước. 30 tuổi (1983) đã hy sinh trên bước đường khai mở lối về.
Ngô Chí Dũng, 24 tuổi (1975), lãnh đạo Tổ Chức Người Việt Tự Do, 30 tuổi (1981) về nước chiến đấu. Mất tích (1992).

Tôi, hãnh diện được đứng chung hàng ngũ với Phùng Tấn Hiệp, với Anh, những nối dài của tuổi trẻ dấn thân trong lịch sử cứu nước.

Hôm nay ngồi ghi lại những giòng tâm sự về anh, tôi nhớ anh vô cùng. Không biết thân xác anh bây giờ phiêu bạt nơi đâu, nhưng tôi vẫn tin rằng anh vẫn còn hiện diện đâu đây bên cạnh để hỗ trợ đồng bào anh, bè bạn anh trong trận chiến đấu cuối cùng này để mãi mãi chấm dứt khổ đau trên quê hương yêu dấu. ** 
Tạm biệt anh.

Nhật Bản
Trần Đức Huy
Tháng 8/2011
---------------------------------------------
* Một đoạn của “Bài Ca Đại Việt” thơ Bắc Phong trong tập thơ Chính Ca, Huỳnh Vi Sơn phổ nhạc
**Lời kêu gọi của Chủ Tịch Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam Hoàng Cơ Minh tuyên đọc tại chiến khu vào ngày công bố cương lĩnh chính trị 8 tháng 3 năm 1982.