Monday 30 September 2013

Chủ nghĩa cộng sản, đói nghèo và lạc hậu - Phạm Khắc Trung

Marx chủ trương tiêu diệt tư hữu, yếu tố mâu thuẫn đối kháng của vô sản, nghĩa là đã tiêu diệt định luật căn bản của sự phát sinh và diễn tiến của thực tại. Tiêu diệt yếu tố đối kháng là cha đẻ ra chế độ độc tài, là nguyên nhân đã biến chủ nghĩa xã hội thành giáo điều mệnh lệnh, là động lực dẫn đến một uy quyền cấm đoán mọi phê phán... Cho nên, ngay từ trong căn đế, nó đã mâu thuẫn với yếu tính của chủ nghĩa Marx là tinh thần phê phán triệt để.         
Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc cách mạng dân chủ Pháp, cộng thêm với tư tưởng của triết học Hegel, Marx thấm nhuần những tình tự nhân loại, ông mong ước tự do, ông thù ghét bất công, ông yêu quí công chính, ông dạt dào xúc động trước những tình cảnh phi nhân, vong thân của con người, ông tha thiết với công cuộc giải phóng con người... Lý tưởng "phục vụ nhân loại" đã là lẽ sống, và cũng là nguyên nhân mọi cơ cực lầm than của Marx.
    

Phục vụ như thế nào? Trong ý hướng nhân bản, nhằm giải thoát con người, Marx biết rằng vong thân là sự thua thiệt hoàn toàn của con người. Nhưng chính Marx, Marx cũng chưa vùng thoát ra được, Marx vẫn bị đắm chìm trong cái hố vong thân, khi ông đã đi từ duy tâm sang duy vật, từ bờ cực đoan này sang bờ cực đoan khác, chứ chưa tạo được thế quân bình năng động của yếu tố trung hòa. Có nghĩa là ông vẫn ngụp lặn trong nền triết học triệt tam cố hữu của hệ thống triết học Âu Tây: duy thiên hoặc duy địa, không có yếu tố thứ ba là con người. Một nền triết học thiếu nền móng nhân bản, coi con người là nô lệ. Những thuyết của Aristote, Platon chủ trương chế độ nô lệ là cần thiết cho xã hội vẫn được tiếp tục bảo vệ và truyền bá cho đến thời mới.
Chính vì thế, với hướng vọng giải phóng con người, Marx lại vô tình xử tệ với con người. Thay vì cứu thoát con người ra khỏi hố vong thân, Marx lại giản lược con người vào yếu tố vật chất để nền nhân bản vẫn bị đổ khuôn theo kiểu sự vật. Cái lầm chí tử cho số kiếp của tư tưởng nhân bản thế kỷ 19 là đã đưa ra làm mẫu cho văn hóa một con người được hiểu hoàn toàn theo hình thức của một hữu thể biết suy lý, hiện diện nơi mọi người y như nhau, mẫu người cộng sản của Marx.
Chính vì thế, thay vì xây dựng một cơ chế công bằng, phân chia tư liệu sản xuất theo thể chế Bình Sản, khiến ai cũng có sự tư hữu như nhau, đã không những chỉ bảo đảm quyền tự do, duy trì sự bình đẳng, bình quyền giữa mọi người, mà còn là động lực thúc đẩy để phát huy những quyền tự do khác, bảo đảm phẩm giá của con người, phát triển những đức tính tốt để làm nên con người toàn vẹn, khai thác được mọi khả năng tiềm ẩn ở mỗi người, là một bước tiến quan trọng trên con đường kiện toàn nhân tính, để con người thực sự là con người, có khả năng phát huy được đầy đủ những chức năng cao cả, linh thiêng của mình, Marx lại tiêu diệt quyền tư hữu, hủy diệt mọi khả năng tiềm ẩn ở mỗi người, biến con người thành một tĩnh vật có thể trao đổi, mua bán hay hủy diệt.
Chính vì thế, Marx đã hô hào ủng hộ cuộc chiến tranh chống Nga năm 1848 vì ông không cho chiến tranh là xấu, ông nhận định rằng chiến tranh có thể là một động cơ mãnh liệt của cách mạng và đôi khi là một yếu tố tiến bộ lịch sử.
Chính vì thế, Marx không phân biệt người với lý thuyết để chỉ phê bình, đả kích lý tưởng. Ông cũng không chủ trương đối thoại, tìm hiểu, chẳng hạn cố gắng giải thích quan điểm của mình mong thuyết phục được đối phương hay cố gắng tìm hiểu quan điểm của đối phương để hiểu họ, tha thứ cho họ... Thái độ của Marx là thái độ chiến tranh: ngòi bút là khí giới và viết là chiến đấu. Trong một cuộc giao tranh, bạn thù đã phân định rõ rệt. Không có vấn đề tìm hiểu hay biện hộ, mà chỉ có vấn đề làm sao diệt được đối phương để thắng lợi như Marx đã nói: "Đối tượng của phê bình là một kẻ thù không phải để bắt bẻ về lý luận nhưng để tiêu diệt... Một phê phán như thế là một phê phán trong lúc hỗn chiến, và trong lúc hỗn chiến, vấn đề không phải là tìm xem kẻ thù là kẻ thù đúng hạng, kẻ thù cao cả hay đáng tiền, nhưng là nhằm đánh nó mà thôi".
Chính vì thế mà Marx hết sức cực đoan, nên trên con đường tranh đấu, Marx cũng chỉ phân biệt bạn và thù một cách dứt khoát, hoặc đứng về phía ông, hoặc là đứng về phía thù địch của ông. Ngay cả những người bạn đồng chí khi đã đi lệch đường, Marx cũng không ngần ngại tố cáo, đả kích, làm nhục không chút thương hại. Đối với đồng chí đã ly khai cũng như với kẻ thù, thái độ của Marx là thái độ nhằm tiêu diệt bằng châm biếm, chế giễu chua cay tàn nhẫn hay bằng lý luận đanh thép.
Chính vì thế mà Marx rất cực đoan trên bình diện tranh đấu, Marx tin rằng ông có một lý tưởng để phụng sự: lý tưởng cộng sản vô thần. Ông đã dùng suy nghĩ và nhận thức để đi tới lý tưởng đó mà không phải trải qua những chiến đấu khủng hoảng tinh thần. Lý tưởng đó khi ông đã tìm ra, ông cũng không bao giờ thắc mắc, không hoài nghi hay thử đặt lại vấn đề, ông tin nó đúng và sau cùng ông sẽ thắng. Ông chỉ thắc mắc và bận tâm suy nghĩ về phương thức thực hiện lý thuyết cộng sản vô thần mà thôi.
           
Lúc cuối đời, Marx nhìn nhận những thất bại của phong trào Cộng Sản ở những nước kỹ nghệ, ông đã duyệt lại quan điểm cách mạng vô sản của mình, hy vọng cuối cùng của ông nơi khả năng cách mạng của các đảng xã hội Nga, ông không còn tin tưởng rằng cuộc cách mạng vô sản phải trải qua giai đoạn tư bản kỹ nghệ và do thợ thuyền lãnh đạo, mà có thể bùng nổ ra ở một nước bán phong kiến, do tầng lớp nông dân lãnh đạo. Marx lúc này đã tự mâu thuẫn với chính lý luận, chủ trương và đường lối của Marx trước kia!
Có lẽ Marx đã quá già, đã kiệt sức để mong mỏi nhìn thấy một Đảng cộng sản giành được chính quyền?
Thực ra, các phong trào cộng sản chưa bao giờ có một chiến thắng thật sự, nó giành được chính quyền là nhờ ở những cuộc đấu tranh khác, nó chiến thắng được là nhờ vào chiến thắng của người khác. Chủ nghĩa cộng sản, khi nó đứng một mình, chưa chắc nó đã là đối thủ của chủ nghĩa phong kiến lạc hậu, chứ đừng nói chi đến chủ nghĩa tư bản. Cho nên, khi đã nắm được chính quyền, bản thân nó còn tệ hại hơn cả chủ nghĩa phong kiến lạc hậu nữa.
Rất tiếc là Marx đã không sống đủ lâu để thưởng thức đoạn tiến quân của Nhậm Ngã Hành trong việc giành lấy chính quyền từ tay Đông Phương Bất Bại (Hồi 169, 170, 171, Tiếu Ngạo Giang Hồ):
Nhậm Ngã Hành nói:
− Đông Phương Bất Bại ra lệnh tróc nã Đổng Bách Hùng, trên Hắc Mộc Nhai nhốn nháo phi thường. Vậy chúng ta nhân cơ hội này lên núi thì hay biết mấy?
Hướng Vấn Thiên nói:
− Chúng ta hãy mời cả Thượng Quan huynh đệ bàn tán xem sao.
Nhậm Ngã Hành gật đầu đáp:
− Phải lắm!
Hướng Vấn Thiên trở gót ra khỏi phòng, lát sau dẫn Thượng Quan Vân vào. Thượng Quan Vân vừa ngó thấy Nhậm Ngã Hành đã khom lưng thi lễ nói:
− Kẻ thuộc hạ là Thượng Quan Vân xin làm lễ tham bái. Kính chúc giáo chủ trường trị thiên thu, thống nhứt giang hồ!
Nhậm Ngã Hành cười hỏi:
− Thượng Quan huynh đệ! Ta thường nghe huynh đệ là một trang hán tử cứng cỏi, không ưa những lời ton hót, mà sao bữa nay mới hội diện lần đầu đã nói toàn chuyện phĩnh phờ?
Thượng Quan Vân cũng ngạc nhiên đáp:
− Thuộc hạ ngu muội, xin giáo chủ minh thị.
Doanh Doanh thấy phụ thân nghi ngờ thái độ Thượng Quan Vân liền hỏi:
− Gia gia! Phải chăng gia gia nghe Thượng Quan thúc thúc chúc câu "trường trị thiên thu, thống nhất giang hồ" có vẻ đường đột?
Nhậm Ngã Hành đáp:
− Đúng thế! Cái gì mà trường trị thiên thu, thống nhất giang hồ? Dường như ta là Tần Thủy Hoàng không bằng.
Doanh Doanh mỉm cười giải thích:
− Đây chính là Đông Phương Bất Bại dở trò ra đó. Hắn muốn giáo chúng thuộc hạ khi gặp hắn đều tung hô câu này. Ít lâu nay các anh em bản giáo lúc vào ra mắt đều hô thế cả. Thượng Quan thúc thúc quen miệng thành ra vào yết kiến gia gia cũng đọc thuộc lòng ra vậy.
Nhậm Ngã Hành gật đầu nói:
− Té ra là thế! Những từ ngữ "Trường trị thiên thu", "Nhất thống giang hồ" nghe có hay thật, nhưng mình không phải thần tiên thì làm gì có chuyện muôn kiếp ngàn thu? Thượng Quan lão đệ! Nghe nói Đông Phương Bất Bại ra lệnh tróc nã Đổng lão, chắc trên Hắc Mộc Nhai đang nhốn nháo lắm. Chúng ta định đêm nay lên núi thì lão đệ tính sao?
Thượng Quan Vân đáp:
− Giáo chủ là bậc anh minh, kế hoạch không còn thiếu sót, khác nào cây đuốc rạng soi bốn biển, tạo phúc muôn dân. Cờ ra đắc thắng, mã đáo thành công. Thuộc hạ nghiêng mình khép nép tuân theo lệnh dụ cốt sao giữ vẹn lòng trung, xá quản thân này muôn thác?
Nhậm Ngã Hành nghĩ thầm trong bụng:
− Trên chốn giang hồ thường đồn đại Điêu hiệp Thượng Quan Vân võ công đã cao cường, tính tình lại trung thực, mà sao nay miệng nói toàn lời xiểm nịnh, óc nghĩ những chuyện vu vơ, chẳng khác lòng dạ tiểu nhân, không hơn những phường vô sỉ. Chẳng lẽ tiếng đồn sai trật, thực ra chỉ có hư danh...
Lão nghĩ tới đây không khỏi chau mày.
Doanh Doanh liền cười nói: 
− Gia gia! Nếu chúng ta định trà trộn lên Hắc Mộc Nhai thì điều cần nhất là nên thay đổi hình dạng đừng để đối phương biết mặt. Thứ hai là phải học lấy những sáo ngữ trên Hắc Mộc Nhai, nếu không thì mở miệng ra là nói trật.
Nhậm Ngã Hành hỏi:
− Những sáo ngữ trên Hắc Mộc Nhai thế nào?
Doanh Doanh đáp:
− Tỷ như Thượng Quan thúc thúc vừa nói "...cốt sao giữ vẹn lòng trung, xá quản thân này muôn thác..." gì gì đó. Những câu này đều do Dương Liên Đình nghĩ ra để tâng bốc Đông Phương Bất Bại. Hắn càng nghe càng vừa dạ. Thậm chí về sau ai không biết nói những câu sáo mép này là phạm vào tội đại nghịch. Còn những kẻ nói năng thiếu vẻ khiêm cung liền rước lấy thảm họa sát thân.
Nhậm Ngã Hành hỏi lại:
− Khi ngươi gặp Đông Phương Bất Bại cũng phải đưa ra cái giọng thúi tha ấy hay sao?
Doanh Doanh cười đáp:
− Hồi hài nhi ở Hắc Mộc Nhai cũng chẳng có cách nào làm khác được, nên hài nhi thường ở Lạc Dương nhiều hơn và ít được nghe những câu khiến người ta phải hổ thẹn.
Nhậm Ngã Hành nói:
− Thượng Quan lão đệ! Từ nay trở đi chúng ta có điều gì nói với nhau, xin miễn thốt ra những lời như vậy, nghe!
Thượng Quan Vân đáp:
− Đã là những lời huấn thị thánh thần của giáo chủ, thì dù trải qua trăm năm vẫn còn mới mẻ, sau muôn thuở vẫn không người vượt mức. Kẻ thuộc hạ dĩ nhiên phải nhất khâm tuân.
Doanh Doanh chỉ nhếch mép chứ không dám cười lên tiếng.
Nhậm Ngã Hành lại hỏi:
− Theo ý Thượng Quan lão đệ thì chúng ta nên làm thế nào?
Thượng Quan Vân đáp:
− Trong lòng giáo chủ đã có định kiến. Những kế hoạch của giáo chủ đều là thần cơ diệu toán, người đương thời chẳng ai bì kịp trong muôn một. Trước tòa giáo chủ, thuộc hạ đâu dám đưa ra đề nghị kém cỏi?
Nhâm Ngã Hành hỏi:
− Thế ra trong bản giáo khi hội nghị việc lớn, Đông Phương Bất Bại nói sao nên thế, không một ai dám dị nghị hay sao?
Đấy, độc quyền chính là cha đẻ của độc tôn, độc chiếm, độc tài. Chính những cái "độc" đó đã làm "xơ cứng" nhận thức và trí tuệ của con người, gây băng hoại lương tri, tạo suy đồi đạo đức xã hội... Đông Phương Bất Bại là hình ảnh của nền Quân chủ chuyên chính, phong kiến quan liêu, độc tài lạc hậu. 
Doanh Doanh nhìn Lệnh Hồ Xung vẫy tay. Hai người chạy ra cửa lớn nhà khách sạn thì thấy mấy chục tên kỵ mã giơ cao ngọn đuốc áp giải một lão già tầm vóc cao lớn ruổi ngựa lướt qua.
Lão già đó râu tóc bạc phơ, mặt đầy những máu. Hiển nhiên đã trải qua một phen kịch chiến. Hai tay lão bị trói quặt ra sau lưng. Cặp mắt lão loang loáng dường muốn toé lửa tỏ ra lão căm hận đến cùng cực.
Doanh Doanh khẽ nói:
− Năm sáu năm về trước hễ Đông Phương Bất Bại gặp Đổng bá bá là một điều "Hùng huynh" hai điều "Hùng huynh" ra chiều rất thân thiết. Ngờ đâu ngày nay hắn lại trở mặt, vô tình đến thế!
Chuyên chính đã làm thay đổi mức thang giá trị của con người!
Dọc đường bọn giáo chúng Triêu Dương Thần Giáo canh giữ rất là nghiêm mật. Nhưng chúng giáo vừa thấy Thượng Quan Vân đều đã tỏ ra rất cung kính.
Chuyên chính đòi hỏi một sự phục tùng vô điều kiện.
Đoàn người đi qua ba khúc đường sơn đạo thì lại tới phía trước thác nước. Thượng Quan Vân liền bắn ra một mũi tên hiệu rít lên veo véo.
Lập tức ở bên kia thác nước có ba con thuyền nhỏ lướt sóng sang qua để đón tiếp mọi người.
Lệnh Hồ Xung nghĩ bụng:
− Cơ nghiệp Triêu Dương Thần Giáo trải mấy trăm năm quả nhiên không phải tầm thường. Nếu không có Thượng Quan Vân làm nội ứng cho thì bọn mình ở bên ngoài đánh vào đâu phải chuyện dễ dàng?
Sang qua thác nước rồi lại đến một đường sơn đạo dốc ngược.
Chuyên chính đã thiết lập một chế độ trại lính trong xã hội.
Lão đứng dậy phóng tầm mắt nhìn ra chớp nhoáng đã thấy bao nhiêu giáo chúng trong Tổng Đàn đứng cả dậy không nhúc nhích như những kẻ vừa bị ma làm.
Tiếng nhạc từ trên cao đi xuống thấp rất mau chóng.
Tiếng nhạc vừa dứt, mọi người mới cử động trở lại.
Một tên đồ đệ mình mặc áo vàng tiến ra hai tay mở một cuộn vải vàng tuyên đọc:
− Triêu Dương Thần Giáo, văn thành võ đức, nhân nghĩa anh minh, Đông Phương giáo chủ xuống lệnh: Giả Bố cùng Thượng Quan Vân tuân lệnh phụng chỉ. Nay thành công trở về được đặc cách đưa tù binh lên núi bái kiến.
Thượng Quan Vân khom lưng tung hô:
− Giáo chủ muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ!
Lệnh Hồ Xung thấy tình trạng này không khỏi cười thầm, miệng lẩm bẩm:
− Đúng là một viên thái giám tuyên đọc thánh chỉ trò hề trên sân khấu.
Thượng Quan Vân lại lớn tiếng hô tiếp:
− Giáo chủ ban ân cho thuộc hạ được lên bái kiến. Ơn cao đức cả này vĩnh viễn ghi lòng tạc dạ.
Bọn thuộc hạ của Thượng Quan Vân đều đồng thanh hô to:
− Giáo chủ ban ân cho thuộc hạ được lên bái kiến. Ơn cao đức cả này vĩnh viễn ghi lòng tạc dạ.
Bọn Nhậm Ngã Hành, Hướng Vấn Thiên cũng mở miệng máy môi như người chúc tụng mà thực ra trong bụng mắng thầm.
Đoàn người theo bậc đá đi lên phải qua ba tầng cửa sắt. Cứ đến trước mỗi tầng cửa lại có người quát hỏi khẩu lệnh và kiểm tra thẻ bài.
Khi đến trước một khuôn cổng đá lớn thì thấy hai bên cổng đều có hàng chữ lớn. Bên tả là bốn chữ "Văn thành võ đức". Bên trái là bốn chữ "Nhân nghĩa anh minh". Trên tường cổng khắc bốn chữ đỏ "Trung hưng thánh giáo".
Chuyên chính gắn liền với kiêu căng, duy ngã độc tôn...
Qua tầng cửa đá này đã thấy một cái cũi tre rất lớn để dưới đất. Cái cũi này có thể chứa được đến tám chín thạch gạo.
Thượng Quan Vân hô lớn:
− Bỏ tù binh vào trong cũi mà khiêng lên.
Rồi hắn cùng Nhậm Ngã Hành, Hướng Vấn Thiên, Doanh Doanh khom lưng khiêng cáng bỏ vào trong cũi.
Bỗng nghe tiếng nhạc vang động. Cái cũi tre từ từ lên cao.
Nguyên bên trên đã có đầu giây buộc vào để kéo cũi lên.
Cái cũi tre từ từ đưa lên, Lệnh Hồ Xung ngảnh đầu nhìn ra thì thấy trên đầu có mấy điểm sáng.
Tòa Hắc Mộc Nhai này thật cao quá chừng. Doanh Doanh đưa tay phải ra nắm lấy tay Lệnh Hồ Xung.
Trong đêm tối có thể nhìn thấy từng đám mây lướt qua trên đầu.
Một lúc sau mọi người biến vào trong lớp mây mù, cúi đầu nhìn xuống đáy chỉ thấy tối đen. Đèn lửa cũng không trông rõ nữa.
Sau một hồi rất lâu chiếc cũi tre mới dừng lại.
Bọn Thượng Quan Vân khiêng Lệnh Hồ Xung ra khỏi cũi tre đi về mé tả mấy trượng lại bỏ vào trong một cái cũi khác.
Nguyên đỉnh núi này cao quá, trung gian phải có ba chặng thay cũi mới lên được đến đỉnh núi.
Lệnh Hồ Xung bụng bảo dạ:
− Đông Phương Bất Bại ở trên cao thế này thì bọn giáo chúng muốn được gặp mặt hắn thật khó khăn vô cùng.
... xa rời quần chúng!
Trong gian thạch mé hữu có bốn người đi ra. Người nào cũng mặc áo bào tía. Lão đứng đầu lên tiếng:
− Kính mừng Thượng Quan sứ đã lập được công lớn. Sao Giả tả sứ lại không thấy lên?
Thượng Quan Vân đáp:
− Giả tả sứ đã bỏ mình trong cuộc đại chiến để báo đáp ơn sâu của giáo chủ.
Người kia nói:
− Té ra là thế. Vậy Thượng Quan hữu sứ sẽ được thăng chức ngay.
Thượng Quan Vân đáp:
− Nếu tại hạ được đội ơn cất nhắc của giáo chủ, quyết không quên hảo ý của lão huynh.
Người kia nghe Thượng Quan Vân có ý đút lót liền cười híp mắt lại đáp:
− Bọn ta cám ơn hữu sứ trước.
Để gây nên những hậu quả tai hại như: Cát cứ, dựa dẫm, móc ngoặc...
Hắn đưa mắt nhìn Lệnh Hồ Xung rồi cười hỏi:
− Nhậm đại tiểu thư vừa lòng thằng lỏi này ư? Ta cứ tưởng dong mạo gã phải đẹp như Phan An, Tống Ngọc. Té ra chỉ có thế này. Thượng Quan tả sứ! Tả sứ đi về mé này!
Thượng Quan Vân đáp:
− Giáo chủ chưa cất nhắc. Xin lão huynh đừng nói vậy mà câu chuyện đến tai ngài sẽ bị tội nặng.
           
Người kia thè lưỡi ra rồi đi trước dẫn đường.
... lộng quyền...
Từ cổng lầu đi vào là một con đường lớn lát đá thẳng tắp. Vào qua cổng rồi lại có hai tên mặc áo tía khác dẫn vào nhà hậu sảnh. Một tên bảo Thượng Quan Vân:
− Dương quản gia muốn gặp hữu sứ. Vậy hữu sứ hãy chờ đây!
Thượng Quan Vân dạ một tiếng rồi thõng tay đứng chờ.
Sau một lúc lâu vẫn chưa thấy Dương quản gia ra. Thượng Quan Vân cứ đứng hoài chứ không ngồi xuống.
Lệnh Hồ Xung nghĩ thầm:
− Thượng Quan hữu sứ đã có địa vị không phải thấp hèn trong Triều Dương Thần Giáo, vậy mà y lên đến đây chẳng ai coi vào đâu cả. Họ xem thường y như bọn nô bộc mà thôi. Gã Dương quản gia là người thế nào, chắc gã là Dương Liên Đình rồi. Té ra gã chỉ là một tên quản gia mà đến chức Quang minh hữu sứ tiếng tăm lừng lẫy cũng phải kính cẩn gã như vậy là Đông Phương Bất Bại là khinh người quá đáng.
... quan liêu, cửa quyền...
Dương Liên Đình đáp:
− Đổng Bách Hùng cùng Nhậm Ngã Hành lén lút gặp nhau, bàn soạn hàng mấy giờ. Lại còn một tên phản giáo đại nghịch là Hướng Vấn Thiên cũng đi kèm. Đó là có người trông thấy rồi. Đổng Bách Hùng cùng hai tên đại nghịch Nhậm Ngã Hành và Hướng Vấn Thiên còn có chuyện gì mà bàn, nếu không phải là việc mưu phản giáo chủ?
Thượng Quan Vân lại hỏi:
− Chuyện đó có thật chăng?
Dương Liên Đình đáp:
− Đổng Bách Hùng vừa đến Hắc Mộc Nhai, ta đã hỏi có việc này không thì lão đã thừa nhận rồi.
Thượng Quan Vân nói:
− Nếu lão thừa nhận thì dĩ nhiên không phải là oan uổng nữa.
Dương Liên Đình nói:
− Ta hỏi lão: "Lão đã gặp mặt Nhậm Ngã Hành mà sao không báo cáo với giáo chủ?" Thì lão trả lời: "Nhậm lão đệ coi rất trọng Đổng mỗ, nói năng cực kỳ cung kính. Y đáng là bạn với ta và ta cũng nên kết bạn với y. Giữa tình bằng hữu nói chuyện mấy câu có chi là lạ?" Ta lại hỏi: "Nhậm Ngã Hành trở lại giang hồ tất có ý phản loạn giáo chủ, điều đó tưởng đường chúa đã biết rồi. Hắn đã chẳng tử tế gì với giáo chủ thì còn kết bạn với hắn sao được?" Thế rồi lão ăn nói một cách bừa bãi phản đối ta: "Đổng mỗ e rằng giáo chủ đối với người chẳng ra gì chứ không phải người đã không tử tế giáo chủ".
... cục bộ, độc đoán, bè phái...
Thượng Quan Vân nói:
− Lão ăn nói như vậy thật là bậy bạ. Giáo chủ đạo nghĩa ngất trời, đối với bạn hữu cực kỳ hậu đãi sao lại bảo là không ra gì?
Thượng Quan Vân nói mấy câu này, Dương Liên Đình nghe ra có ý trỏ vào Đông Phương Bất Bại. Nhưng đồng thời bọn Lệnh Hồ Xung cũng tưởng hắn muốn lấy lòng Nhậm Ngã Hành.
... gian manh...
Thượng Quan Vân liền thò tay vào bọc móc ra mười mấy hạt trân châu khẽ nói:
− Dương Tổng Quản! Chuyến này thuộc hạ đi công vụ lấy được mười tám hạt trân châu xin dâng hết để tỏ lòng hiếu kính Tổng Quản và mong rằng Tổng Quản cho thuộc hạ được tham kiến giáo chủ. Không chừng giáo chủ vui mừng thăng chức cho thuộc hạ cũng nên, khi đó thuộc hạ còn tạ ơn Tổng Quản rất nhiều.
Dương Liên Đình nhếch mép cười nói:
− Đã là chỗ anh em trong nhà, sao hữu sứ còn bày vẽ như vậy? Đa tạ hữu sứ.
Gã hạ thấp giọng xuống nói tiếp:
− Trước mặt giáo chủ ta sẽ gắng sức nói tốt cho hữu sứ và khuyên ngài thăng lên chức Quang minh tả sứ cho.
Thượng Quan Vân xá lia lịa mấy cái nói:
− Việc này mà thành thì Thượng Quan Vân suốt đời không dám quên ơn đức của giáo chủ cùng Tổng Quản.
Dương Liên Đình nói:
− Hữu sứ hãy chờ đây để ta vào coi xem giáo chủ có được rảnh sẽ kêu hữu sứ lên.
Thượng Quan Vân dạ luôn mấy tiếng, đồng thời nhét trân châu vào tay Dương Liên Đình đoạn khom lưng lùi lại.
... tham nhũng...
Dương Liên Đình đứng dậy bệ vệ đi vào hậu điện.
Sau một lúc lâu một tên thị bộc áo tía đi ra, đứng chính giữa dõng dạc xưng hô:
− Văn thành võ đức, nhân nghĩa anh minh. Giáo chủ ban lệnh: Cho Thượng Quan Vân đem tù binh lên tham kiến.
− Bái tạ ơn điển của giáo chủ. Cầu nguyện giáo chủ muôn năm trường trị nhất thống giang hồ.
Gã xòe tay trái ra để gã áo tía đi trước rồi mới theo sau.
Nhậm Ngã Hành cùng Hướng Vấn Thiên và Doanh Doanh khiêng Lệnh Hồ Xung lóc nhóc theo sau. Qua mấy dẫy hành lang đều có võ sĩ cầm kích đứng sắp hàng.
Sau khi qua ba tầng cửa sắt lại đến một dẫy hành lang nữa. Tại đây mấy trăm võ sĩ giàn hàng đứng hai bên. Tên nào cũng cầm trường đao sáng loáng đưa ngang ra.
Bọn Thượng Quan Vân khom lưng cúi đầu đi qua, chỉ sợ trong mấy trăm thanh trường đao này chỉ một thanh chém xuống là người bị đứt làm hai đoạn.
... phản dân chủ, khinh miệt thiên hạ...
Bọn người đi hết đao trận thì đến trước một khuôn cửa. Ngoài cửa treo một bức màn rất dầy.
Thượng Quan Vân dơ tay lên vén màn tiến vào thì đột nhiên ánh hào quang lấp loáng. Tám cây thương từ hai bên đánh lẹ tới. Bốn cây lướt qua trước ngực và bốn cây lướt qua sau lưng chỉ khe chừng mấy tấc.
Lệnh Hồ Xung thấy thế giật mình kinh hãi, đưa tay nắm lấy thanh trường kiếm buộc ở dưới đùi.
Bỗng Thượng Quan Vân đứng sững lại không nhúc nhích, dõng dạc hô:   
− Thuộc hạ là Quang minh hữu sứ xin tham kiến giáo chủ văn thành võ đức, nhân nghĩa anh minh.
Trong điện có tiếng nói ra:
− Cho vào!
Tám tên võ sĩ liền lùi lại mở đường.
Bây giờ Lệnh Hồ Xung mới hiểu là tám cây thương kia phóng ra cốt để hăm người. Nếu người vào yết kiến mà trong lòng có ý mưu đồ chuyện bất pháp vừa thấy tám cây thương đâm vào lập tức lấy binh khí ra đón đỡ là âm mưu đã bị bại lộ. 
... ngờ vực hết thảy mọi người...
Vào đại điện rồi, Lệnh Hồ Xung lẩm bẩm:
           
− Tòa điện này dài quá!
Nguyên tòa điện rộng không đầy ba chục thước mà bề sâu có đến dư ba trăm thước.
Đầu kia điện đường có đặt một tòa rất cao. Trên tòa một lão già râu dài ngồi đó. Hắn là Đông Phương Bất Bại.
Trong điện không có cửa sổ. Cửa điện có thắp nến sáp ánh sáng lập loè.  
Bên mình Đông Phương Bất Bại cũng có hai đĩa đèn khi tỏ khi mờ.
Người đứng xa mà ánh sáng lại lờ mờ nên không nhìn rõ tướng mạo người này.
Nên phải tạo nên những phương thuật huyền hoặc, những ma thuật lập lòe để phỉnh gạt người đời...
Dương Liên Đình đứng bên Đông Phương Bất Bại lại hỏi:
− Giả tả sứ chiến đấu bị tử nạn thế nào? Hữu sứ trình bày cùng giáo chủ đi!
Thượng Quan Vân đáp:
− Giả tả sứ cùng thuộc hạ vâng lệnh chỉ của giáo chủ từng bảo nhau "Hai chúng ta chịu ơn đức của giáo chủ tài hồi, cất nhắc. Chuyến này giáo chủ lại đem việc lớn giao phó cho chúng ta, chúng ta nhớ lời giáo chủ dạy bảo hàng ngày, bầu nhiệt huyết sủi lên sùng sục..."
Lệnh Hồ Xung nằm trên cáng mắng thầm:
− Đồ khốn! Ngoại hiệu của Thượng Quan Vân đã mang chữ "hiệp" mà còn thốt ra câu này mặt không hồng, tai không đỏ, thì thật không còn biết đến liêm sỉ ở đời là gì nữa.
Mà che đậy những hành vi vô liêm sỉ...
Giữa lúc ấy, bỗng nghe phía sau có tiếng người la:
− Đông Phương huynh đệ! Phải chăng đúng là huynh đệ đã phái người đi bắt ta?
Người này tiếng nói khàn khàn đúng tiếng một ông già, nhưng nội lực đầy dẫy. Mỗi câu lão nói ra vang dội cả đại điện. Hiển nhiên lão là con người uy mãnh phi thường! Lệnh Hồ Xung đoán chắc lão là đường chúa Phong lôi đường tên gọi Đổng Bách Hùng.
Dương Liên Đình hỏi:
− Đổng Bách Hùng! Trong Thành đức điện này không để cho ngươi la ó om xòm đâu. Ngươi đã thấy mặt giáo chủ sao lại không quỳ? Ngươi còn lớn mật không một lời xưng tụng văn võ thánh đức của giáo chủ nữa ư?
Đổng Bách Hùng ngửa mặt lên trời cười rộ đáp:
− Ta cùng Đông Phương huynh đệ lúc kết bạn với nhau làm gì đã có thằng lỏi con ở đây? Ngày trước ta cùng Đông Phương huynh đệ vào sinh ra tử, cùng chia hoạn nạn. Lúc đó thằng lỏi chưa ráo máu đầu, có lẽ chưa ra đời, mà bây giờ đến thứ ngươi đối lời với ta ư?
Lệnh Hồ Xung ngoảnh đầu trông lại, bây giờ chàng mới nhìn rõ râu tóc lão đứng dựng cả lên. Da mặt chuyển động, cặp mắt tròn xoe. Máu tươi trên mặt đã đóng lại. Hình thù coi rất khủng khiếp. Chân tay lão đều bị xiềng khóa. Lão vừa nói vừa phẫn nộ, cử động hai tay. Xiềng khóa sắt bật lên những tiếng loảng xoảng.
... những hành động bất nhân...
Nhậm Ngã Hành nguyên vẫn quỳ không nhúc nhích. Bây giờ lão nghe tiếng xiềng xích lại nhớ tới tình cảnh đau khổ khi bị giam ở dưới đáy Tây Hồ. Cơ hồ lão không kềm chế nổi cơn xúc động. Người lão run lên những muốn động thủ. Nhưng lại nghe Dương Liên Đình xẳng giọng:
   
− Trước mặt giáo chủ mà ngươi dám vô lễ như vậy thật là cuồng vọng quá nỗi! Ngươi lại ngấm ngầm cấu kết với tên đại nghịch đồ của bản giáo là Nhậm Ngã Hành. Ngươi đã biết tội chưa?
Đổng Bách Hùng đáp:
− Nhậm giáo chủ là vị giáo chủ tiền nhiệm của bản giáo. Vì người lo trong mình bị chứng bệnh bất trị nên đi ẩn cư, mới giao công việc bản giáo cho Đông Phương huynh đệ. Sao lại bảo người là nghịch đồ được Đông Phương huynh đệ! Nhậm giáo chủ phản bạn ở chỗ nào? Huynh đệ nói rõ ra đi!
... những hành vi bất chính...
Dương Liên Đình nói:
− Sau khi Nhậm Ngã Hành bị tật bệnh khỏi rồi, đáng lý y phải về ngay bản giáo. Nhưng y lại đi cấu kết với chưởng môn các phái Thiếu Lâm, Võ Đương, Tung Sơn. Như vậy không phải là mưu cuộc phản loạn thì còn là gì nữa? Tại sao y không đến tham kiến giáo chủ để nghe lời chỉ thị của ngài?
Đổng Bách Hùng cười ha hả nói:
− Nhậm giáo chủ còn là cựu thượng ty của Đông Phương huynh đệ. Võ công cùng kiến thức của cựu giáo chủ chưa chắc gì đã kém Đông Phương huynh đệ. Đông Phương huynh đệ! Ta nói  vậy có đúng không?
... vô kỷ luật, vô tổ chức...
Dương Liên Đình lớn tiếng quát:
− Ngươi đừng ỷ mình già nua tuổi tác mà nói càn nữa. Giáo chủ đối với ai cũng đạo nghĩa ngất trời không thèm tranh khôn với ngươi đâu. Nếu ngươi tự biết trách mình lo bề hối cải thì sáng mai ở giữa tổng đàn, ngươi phải nói rõ những hành vi bất pháp của ngươi trước mặt anh em. May ra giáo chủ còn có thể mở đường sinh lộ tha mạng cho. Bằng không thế thì hậu quả ra sao ngươi cũng tự biết rồi.
Đổng Bách Hùng cười nói:
− Đổng mỗ gần tám chục tuổi đầu, sống đã quá đủ rồi thì còn sợ gì hậu quả nữa?
Dương Liên Đình quát:
− Dẫn người lên đây!
Tên hầu áo tía dạ một tiếng.
Tiếp theo những tiếng xiềng xích loảng xoảng vang lên. Mười mấy người bị áp giải vào đại điện, có nam có nữ và cả mấy đứa con nít độ bảy tám tuổi.
Đổng Bách Hùng thấy bọn người này tiến vào. Lập tức lão biến sắc quát hỏi: 
− Dương Liên Đình! Bậc đại trượng phu mình làm mình chịu. Ngươi bắt cả con cháu ta đến đây làm chi?
... lưu manh...
Dương Liên Đình cười hỏi:
− Điều thứ ba trong bảo huấn của giáo chủ là gì? Ngươi thử đọc lại ta nghe!
Đổng Bách Hùng hừ một tiếng chứ không trả lời.
Dương Liên Đình lại hỏi:
− Trong những người nhà Đổng gia có tên nào thuộc điều thứ ba trong bảo huấn của giáo chủ thì đọc ra cho mọi người nghe!
Một thằng nhỏ chừng mười tuổi cất tiếng đọc:
− Văn thành võ đức, nhân nghĩa anh minh. Điều thứ ba trong bảo huấn của giáo chủ là: Đối với kẻ thù nghịch cần phải tàn độc. Nhổ cỏ trừ rễ. Già trẻ gái trai, giết cho kỳ hết, đừng để một mống.
... tàn ác...
Dương Liên Đình khen:
− Giỏi lắm! Giỏi lắm! Nhỏ kia! Mười điều bảo huấn của giáo chủ ngươi đều thuộc lòng cả ư?
Thằng nhỏ đáp:
− Tiểu tử thuộc hết. Hàng ngày không đọc đến bảo huấn của giáo chủ là ăn không ngon miệng, ngủ không yên giấc. Hễ đọc bảo huấn của giáo chủ là luyện võ tiến bộ rất mau, đấm đá thêm phần khí lực.
Dương Liên Đình cười hỏi:
− Đúng l¡m! Ai dạy ngươi nói câu đó?
Thằng nhỏ đáp:
− Gia gia của tiểu tử dạy thế.
Dương Liên Đình trỏ vào Đổng Bách Hùng hỏi:
− Lão kia là ai?
Thằng nhỏ đáp:
− Đó là tổ phụ của tiểu tử.
Dương Liên Đình hỏi:
− Tổ phụ ngươi không đọc bảo huấn của giáo chủ, không nghe lời giáo chủ. Trái lại y còn phản đối giáo chủ thì ngươi tính sao?
Thằng nhỏ đáp:
− Nếu vậy thì tổ phụ lầm lỗi. Bất cứ ai cũng phải đọc bảo huấn của giáo chủ và nghe lời giáo chủ truyền dạy.
... vô luân...
Dương Liên Đình quay lại hỏi Đổng Bách Hùng:
− Tôn nhi ngươi là đứa nhỏ lên mười còn biết rõ đạo lý. Ngươi đã bấy nhiêu tuổi đầu, sao lại hồ đồ đến thế?
Đổng Bách Hùng đáp:
− Ta có nói chuyện với hai vị họ Nhậm và họ Hướng. Bọn họ bảo ta phản đối giáo chủ nhưng ta không nghe. Đổng Bách Hùng này nói một là một, hai là hai, quyết chẳng làm việc gì phạm lỗi với người.
Lão thấy mười mấy người trong nhà từ già đến trẻ bị bắt đưa vào, nên giọng lưỡi không khỏi mềm nhũn một phần.
Dương Liên Đình nói:
− Nếu ngươi nói trước như vậy thì đâu đến nỗi phải phiền lụy. Bây giờ ngươi đã biết tội chưa?
Đổng Bách Hùng đáp:
− Ta không có lỗi gì hết, không phản nghịch bản giáo mà cũng không phản đối giáo chủ.
Dương Liên Đình thở dài nói:
− Ngươi đã không chịu nhận tội thì ta không thể cứu ngươi được. Tả hữu đâu? Đem bọn này xuống đi! Bắt đầu từ hôm nay, không được cho chúng ăn một hạt cơm, uống một giọt nước.
... bại hoại!
Mấy tên hầu cận mặc áo tía dạ rân, toan lại áp giải mười mấy người ra ngoài.
Đổng Bách Hùng la lên:
− Hãy khoan!
Rồi quay lại bảo Dương Liên Đình:
− Được rồi! Ta nhận tội là xong. Đổng mỗ yêu cầu giáo chủ mở đường cho!
Dương Liên Đình cười lạt hỏi:
− Vừa rồi ngươi bảo sao? Có phải ngươi đã nói cùng giáo chủ vào sinh ra tử, phân chia hoạn nạn từ khi ta chưa ra đời. Đúng thế không?
Đổng Bách Hùng cố nhịn đáp:
− Đổng mỗ biết lỗi rồi.
Dương Liên Đình hỏi:
− Ngươi biết lỗi rồi ư? Có lỗi mà chỉ nói một câu như vậy là xong chẳng hóa ra dễ dàng lắm ư? Trước mặt giáo chủ, sao ngươi không quỳ xuống?
Đổng Bách Hùng đáp:
− Giữa Đổng mỗ và giáo chủ ngày trước đã kết nghĩa chi lan cùng dâng tám lạy. Mấy chục năm nay ngồi đứng ngang hàng.
Đột nhiên lão cất cao giọng:
− Đông Phương lão đệ! Lão đệ thấy ca ca bị hành hạ đủ điều mà sao không mở miệng nói lấy một câu? Lão đệ muốn ca ca phải quỳ xuống ư? Cái đó dễ lắm! Chỉ cần lão đệ nói một câu thì ca ca có phải chết vì lão đệ cũng quyết chẳng cau mày.
Đông Phương Bất Bại vẫn ngồi yên không nhúc nhích.
Trong nhà đại điện yên lặng như tờ. Ai cũng đợi Đông Phương Bất Bại mở miệng. Nhưng sau một lúc lâu, thủy chung hắn vẫn không lên tiếng.
Sự suy sụp của chế độ độc tài phong kiến bắt nguồn từ ngay chính trong lòng chế độ, ngay từ những người hằng tha thiết quan tâm đến chế độ đó, nhưng đã tiến hóa đủ cao để nhận ra thực chất xấu xa của chế độ.
Đổng Bách Hùng la lên:
− Đông Phương lão đệ! Mấy năm nay ta muốn gặp lão đệ lấy một lần cũng khó. Lão đệ ẩn cư, khổ công tu luyện Quỳ Hoa Bảo Điển, có biết đâu những người cố cựu phải lìa tan mà đại họa đến trước mặt rồi không?
Đông Phương Bất Bại vẫn lặng thinh.
− Chỉ cần lão đệ nói lấy một câu là ta quỳ xuống ngay. Lão đệ giết ta hay hành hạ ta cũng chẳng lo gì, nhưng để Triêu Dương Thần Giáo oai danh trấn động giang hồ mấy trăm năm nay mà bị hủy diệt là kẻ có tội muôn đời. Sao lão đệ chẳng nói chẳng rằng? Có phải lão đệ luyện công đã bị tẩu hỏa nhập ma rồi không?
Thế là họ phải đứng lên tranh đấu bênh vực cho quyền lợi con người, cho lợi ích của người dân.
Dương Liên Đình quát lên:
− Ngươi đừng nói nhăng nói càn nữa. Quỳ xuống đi!
Hai tên thị bộc áo tía phóng cước đá vào đầu gối lão.
Bỗng nghe binh binh hai tiếng.
Tiếp theo là hai tiếng la rùm. Hai tên thị bộc bị gẫy xương chân, ngã ngửa người ra. Miệng phun máu tươi.
Nội lực Đổng Bách Hùng quả nhiên không phải tầm thường. Hai tên hán tử mặc áo tía bị sức phản chấn của lão hất ngược lại gây thành trọng thương, nằm thẳng cẳng dưới đất, hơi thở chỉ còn thoi thóp.
Dĩ nhiên là họ gặp những phản kháng, chống đối...
Đổng Bách Hùng lại kêu lên:  
− Đông Phương lão đệ! Lão đệ chỉ mở miệng nói một câu thì tiểu huynh có phải chết cũng cam lòng. Hơn ba năm nay, lão đệ không nói một tiếng khiến cho anh em trong bản giáo, ai ai cũng sinh lòng ngờ vực...
Dương Liên Đình tức giận hỏi:
− Ngờ vực điều chi?
Đổng Bách Hùng lớn tiếng:
− Ngờ vực giáo chủ bị người ám toán cho uống thuốc cấm khẩu? Vì lẽ gì mà y không nói được? Vì lẽ gì mà y không nói được?
Dương Liên Đình cười lạt nói:
− Có lý đâu kim khẩu của giáo chủ lại nói với tên nghịch đồ phản giáo như ngươi một cách dễ dàng? Tả hữu đâu! Đem hắn xuống kia!
Nhưng họ vẫn không lùi bước, vẫn tiếp tục tìm cách đánh thức anh em để khỏi phải mang thêm cái ách nặng vô lối.
Tám tên hán tử mặc áo tía đồng thanh "dạ" một tiếng rồi tiến lại.
Đổng Bách Hùng lại lớn tiếng la lối:
− Đông Phương lão đệ! Tiểu huynh muốn coi xem đã bị kẻ nào ám hại đến nỗi cấm khẩu?
Lão vung hai tay, xiềng sắt tung lên. Hai chân bị xích, lão cũng cứ nhẩy xổ về phía Đông Phương Bất Bại.
Mấy tên hán tử áo tía thấy lão thần oai lẫm liệt, không dám sấn gần vào.
Dương Liên Đình hô: 
− Bắt lấy hắn! Bắt lấy hắn!
Những võ sĩ đứng dưới điện ở ngoài cửa chỉ lớn tiếng reo hò chứ không dám lên điện.
Nguyên Triêu Dương Thần Giáo có giáo quy rất nghiêm ngặt. Giáo chúng mình đeo khí giới mà bước vào Thành đức điện một bước là phạm tội thập ác sẽ bị tử hình.
Và rõ ràng, chính những công cụ mà chế độ độc tài dùng để đàn áp nhân dân, lại là vũ khí tối hậu đập thẳng vào mặt bọn độc tài.
Đông Phương Bất Bại đứng lên trở gót đi vào hậu điện.
Dù ngoan cố đến mấy, rốt cục rồi chế độ độc tài phong kiến cũng không ngăn cản nổi trào lưu lịch sử!
Đổng Bách Hùng gầm lên:
− Đông Phương lão đệ! Đừng đi nữa! Đừng đi nữa! 
Lão muốn tăng gia cước bộ nhưng vì chân bị xiềng xích không thể bước nhanh được. Trong lòng nóng nảy, lão nhảy chúi về phía trước. Lão quả là người võ công cực cao, chúi đầu xuống thừa thế lăn lộn mình đi mấy vòng rồi lại nhảy xổ tới chỉ còn cách Đông Phương Bất Bại không đầy trăm thước.
Dương Liên Đình hô:
− Quân phản nghịch lớn mật! Định hành thích giáo chủ!
Trong sự vẫy vùng tuyệt vọng của những thế lực lạc hậu.
Nhậm Ngã Hành thấy Đông Phương Bất Bại né lánh một cách mập mờ, Đổng Bách Hùng lại rượt không kịp hắn liền thò tay vào bọc lấy ra ba đồng tiền. Đoạn lão vận nội công vào bàn tay, nhằm Đông Phương Bất Bại liệng ra đánh "vù" một tiếng.
Doanh Doanh vội hô lên:
− Động thủ đi!
Lệnh Hồ Xung nhảy vọt lên rút trường kiếm ra.
Hướng Vấn Thiên cũng rút binh khí dấu ở trong cáng ra chia cho Nhậm Ngã Hành và Doanh Doanh. Đoạn y dùng sức mạnh kéo cái cáng. Nguyên dây buộc dưới cáng là một cây nhuyễn tiên. Y cũng lấy ra nốt.
Bốn người thi triển kinh công vọt vào.
Bỗng nghe Đông Phương Bất Bại "ối" lên một tiếng. Trán hắn bị trúng một đồng tiền. Máu tươi rươm rướm chảy ra.
Trước xu thế mới của thời đại đang lên.
Lúc Nhậm Ngã Hành phát xạ cả thảy ba đồng tiền và đứng cách rất xa. Đồng tiền trúng vào trán Đông Phương Bất Bại thì đường lực đạo đã vừa hết nên hắn chỉ bị thương ngoài da một chút.
Tuy nhiên Đông Phương Bất Bại là người võ công cao cường bậc nhất hiện nay mà không tránh thoát để đồng tiền liệng trúng cũng là chuyện phi lý.
Nhậm Ngã Hành cười ha hả reo lên:  
  
− Đông Phương Bất Bại này là đồ giả!
Hướng Vấn Thiên quất cây nhuyễn tiên đánh véo một cái quấn lấy hai chân Dương Liên Đình rồi dựt mạnh cho gã té nhào.
Đông Phương Bất Bại bưng mặt mà chạy như người điên.
Lệnh Hồ Xung dơ mũi kiếm ra quát: 
− Đứng lại!
Dè đâu Đông Phương Bất Bại chạy hốt hoảng không kịp dừng chân, người hắn nhào vào mũi kiếm.
Lệnh Hồ Xung vội rụt kiếm về. Nhậm Ngã Hành nhảy xổ lại túm lấy sau gáy Đông Phương Bất Bại lôi vào đến cửa điện rồi lớn tiếng tuyên bố:
− Các vị hãy nghe đây! Tên này giả mạo Đông Phương Bất Bại làm loạn Triêu Dương Thần Giáo ta. Các vị hãy nhìn cho rõ mặt mũi hắn.
Một xu thế : Độc Lập − Dân Chủ − Tự Do − Công Bằng − Hạnh Phúc:
"Đây ngưỡng cửa bình minh,
Loài người ngóng đợi!"
(Trên ngưỡng cửa bình minh, Tạ Ký)
Hướng Vấn Thiên điểm lẹ vào mấy huyệt đạo của Dương Liên Đình, rồi lôi gã đến cửa điện quát hỏi:
− Người kia tên họ là gì?
Dương Liên Đình ngang nhiên đáp:
− Ngươi là cái thá gì mà chất vấn được ta? Ta chỉ biết ngươi là tên nghịch đồ phản giáo tên gọi Hướng Vấn Thiên. Triêu Dương Thần Giáo đã cách chức và đuổi ngươi ra khỏi bản giáo và ngươi chẳng còn tư cách gì để trở lại Hắc Mộc Nhai nữa.
Hướng Vấn Thiên cười lạt nói:
− Ta lên Hắc Mộc Nhai để thu thập tên gian đồ là ngươi đó!
Tay phải hắn phóng chưởng ra đánh "cắc" một tiếng. Cẳng chân bên trái Dương Liên Đình đã bị chém gẫy.
Ngờ đâu Dương Liên Đình võ công tầm thường mà lại là người rất quật cường. Gã quát lên:
− Ngươi có giỏi thì giết lão gia đi! Hành hạ lão gia thế này thì đâu có phải anh hùng hảo hán.
Hướng Vấn Thiên cả cười:
− Đâu có chuyện dễ dàng thế được? 
Tay hắn dơ lên bổ xuống. Lại một tiếng "cắc" vang lên. Xương đùi bên phải Dương Liên Đình lại bị chặt gẫy. Hắn rung tay trái một cái đẩy Dương Liên Đình ngã khụy xuống đất.
Hai chân Dương Liên Đình khụy xuống. Xương ống chân đâm ngược lên khiến cho gã đau đớn không biết đến thế nào mà nói. Sắc mặt gã lợt lạt mà không một tiếng rên.
Hướng Vấn Thiên chìa ngón tay cái lên khen rằng:
− Hảo hán tử! Ta không hành hạ ngươi nữa.
Hắn đánh nhẹ một quyền vào bụng Đông Phương Bất Bại giả và hỏi:
− Tên họ ngươi là chi? 
Người rú lên một tiếng: "Úi chao!" Rồi ấp úng:
− Tiểu nhân là... Bao... Bao... 
Hướng Vấn Thiên hỏi:
− Ngươi họ Bao phải không?
Người kia đáp:
− Tiểu nhân là Bao... Bao... 
Hắn lập đi lập lại chữ "Bao" hàng nửa ngày mà không thốt ra được tên là Bao gì.
Nhưng "trên ngưỡng cửa bình minh" ngời sáng đó, "từng thế hệ đã khai đường mở lối" bằng tranh chấp, bằng cấu xé, bằng lừa đảo, bằng hận thù...
Bọn Lệnh Hồ Xung bỗng ngửi thấy mùi hôi thúi ghê gớm. Đoạn thấy ống quần hắn có nước chảy xuống. Hiển nhiên là phân lẫn nước tiểu.
nhơ nhuốc, dơ bẩn...
Nhậm Ngã Hành nói:
               
− Chúng ta phải đi kiếm Đông Phương Bất Bại là việc khẩn yếu không thể chần chờ được.
Lão nhắc hán tử họ Bao lên lớn tiếng tuyên bố:
− Các anh em hãy coi cho rõ! Người này mạo xưng Đông Phương Bất Bại để gây rối trong bản giáo. Việc này chúng ta phải điều tra cho rõ nội vụ. Ta là tiền nhiệm giáo chủ bản giáo, anh em có nhận ra không?
Và đây xu thế mới! Anh em không nhận ra sao? Nhậm Ngã Hành chính là hiện thân của phong trào cộng sản!
Bọn võ sĩ đều là thanh niên mới ngoài hai chục tuổi, chưa từng gặp Nhậm Ngã Hành bao giờ, dĩ nhiên là không biết.
Từ ngày Đông Phương Bất Bại lên tiếp nhiệm chức giáo chủ, bọn thủ hạ thân tín đã biết ý hắn không nhắc tới việc tiền nhiệm giáo chủ, vì thế mà bọn võ sĩ này chẳng những chưa từng biết mặt mà cũng không được nghe danh của Triêu Dương Thần Giáo sáng lập đã mấy trăm năm mà dường như từ trước đến nay chỉ có một mình Đông Phương Bất Bại là giáo chủ mà thôi.
Bọn võ sĩ ngơ ngác nhìn nhau không biết nói thế nào.
Và dĩ nhiên là bọn võ sĩ không biết gì về cộng sản, không những chúng không biết mặt, mà ngay danh xưng, chúng cũng chưa từng nghe nói đến. Thế thì... còn biết nói gì hơn trong tình huống oái oăm này, chúng chỉ "ngơ ngác nhìn nhau không biết nói thế nào!"
Thượng Quan Vân lớn tiếng: 
− Chắc Đông Phương Bất Bại bị Dương Liên Đình mưu sát rồi. Nhậm giáo chủ đây mới chính là giáo chủ bản giáo. Từ nay trở đi hết thẩy chúng ta phải tận trung với Nhậm giáo chủ.
Hắn nói xong quỳ xuống trước mặt Nhậm Ngã Hành làm lễ tung hô:
− Thuộc hạ tham kiến Nhậm giáo chủ. Cầu chúc giáo chủ muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ!
Khổ nỗi! Những hạng nông nổi như Thượng Quan Vân thì thời nào chẳng có. Hạng này lại rất nhạy bén về đường vật chất, có khả năng so đo hơn kém sâu xa, họ dễ dàng bỏ mất cái lòng tín ngưỡng và sự sùng bái Tổ Tiên, sẵn sàng thọc thủng lũy tre làng xã, làm hỏng mất cái phần tinh túy đã giữ cho xã hội được bền vững hằng mấy nghìn năm...
Bọn võ sĩ thấy Thượng Quan Vân làm Quang minh hữu sứ trong bản giáo, là một nhân vật quyền vị rất cao đã làm lễ tham bái Nhậm Ngã Hành, lại biết rõ Đông Phương giáo chủ bị kẻ khác mạo danh, còn kẻ quyền thế hiển hách là Dương Liên Đình đã bị gẫy cặp giò nằm lăn dưới đất, không còn chút sức lực nào để chống chọi, chúng liền nhất tề quỳ mọp cả xuống đồng thanh hô:
− Cầu nguyện giáo chủ muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ!
Bắt chước là tính tự nhiên của loài người, dẫu ở nước nào cũng thế. Than ôi! Phải chi người ta biết hàm dưỡng cái tinh thần cho tinh túy rồi mới bắt chước những điều hay bổ ích thêm cho cái tinh thần ấy thì hay biết dường nào, đàng này lại vội vã mà phá hủy cái tinh thần dân tộc đi để mong bắt chước sự hành động của người ta, thì sự bắt chước ấy lại là cái độc gây các thứ bệnh tật cho xã hội mình, làm loạn tính tình, tư tưởng và phong tục của mình, bởi vì, đã gọi là bắt chước tức là chỉ bắt chước được cái hình thức bề ngoài, còn cái tinh thần ở trong phi lâu ngày nhiễm lấy được mà hóa đi thôi.
           
Sau một lúc, ý chí mọi người đều thỏa mãn, Nhậm Ngã Hành mới ra lệnh:
− Các ngươi hãy canh giữ nghiêm mật hết mọi nẻo đường thông lên Hắc Mộc Nhai, không cho bất cứ người nào lên núi hay xuống núi!
Bọn võ sĩ răm rắp tuân lệnh.
Thế là họ đã tự mình xiềng khóa tay chân mình, xiềng khóa tay chân bạn hữu mình !
Cay đắng nào hơn khi mình đã tận tụy vì loài người ngóng đợi mà xả thân cho ngưỡng cửa bình minh, giờ mới thắng được tên Đông Phương Bất Bại "giả" thôi, chứ chưa phải là cái thắng lợi thật, Nhậm Ngã Hành đã ra lệnh canh giữ nghiêm mật hết mọi nẻo đường thông lên Hắc Mộc Nhai, không cho bất cứ người nào lên núi hay xuống núi!
Đấy, cái thứ tự do mà bọn chúng thường rêu rao là gấp triệu lần tư bản, hóa ra chỉ là thứ tự do của con chim được quyền bay nhẩy trong lồng! Trường Chinh đã chẳng từng sửng sốt khi một người nhà báo hỏi ông rằng có phải cách mạng đã cấm tự do ngôn luận chăng? Ông trả lời độc đáo: "Anh nói sao? Các anh được tha hồ tự do chửi đế quốc đó thôi?"
Còn dân chủ ư? Thì ông Nguyễn Văn Trấn đã chẳng kể lời giải thích của cụ Hồ ở trường Đại Học Chính Trị là:
" Như các cô, các chú có đồ đạc, tài sản gì đó thì các chú các cô là chủ, đó là dân chủ. Các cô các chú không biết giữ, tôi giữ dùm cho. Tôi tập trung bỏ vào rương. Tôi khóa lại và bỏ chìa khóa vào túi tôi đây. Đó là tập trung! "
           
Nhậm Ngã Hành nhìn bọn thị tộc áo tía nói:
− Ai biết Đông Phương Bất Bại lạc lõng nơi đâu báo cáo ngay đi sẽ được trọng thưởng.
Lão hỏi liền ba câu, không một ai trả lời, bất giác động mối thê lương.
Nguyên lão bị cầm tù mười mấy năm trời ở dưới đáy Tây Hồ, trừ việc luyện công lão lại nghĩ tới chuyện Đông Phương Bất Bại hạ mình cực nhục và quyết ý báo thù. Ngờ đâu bữa nay đến Hắc Mộc Nhai lại phát giác Đông Phương Bất Bại lại là của giả. Xem chừng Đông Phương Bất Bại thật khó lòng còn sống ở trên thế gian nữa. Nếu không, con người với võ công cao siêu, cơ trí minh mẫn như Đông Phương Bất Bại khi nào lại để cho Dương Liên Đình làm càn làm bậy, và sai một người khác để mạo xưng mình được.
Nhậm Ngã Hành ngó mấy chục tên quân hầu đứng tần mặt chung quanh điện thì trong bọn này có kẻ ra chiều khiếp sợ, có người lộ vẻ nghi ngờ, lại có hạng ẩn hiện kỳ bí.
Lão đang cơn thất vọng, trong lòng vừa phiền não, vừa nóng nảy, liền quát mắng:
− Các ngươi đã biết hắn là Đông Phương Bất Bại giả, lại về hùa với Dương Liên Đình lừa gạt anh em giáo chúng, tội thật đáng chết.
Lão lạng người đi tiến gần lại, khẽ đánh ra bốn chưởng.
Chưởng lực đến đâu, tiếng kêu oai oái vang lên tới đó. Bốn tên quân hầu chết ngay lập tức. Kỳ dư kinh hãi bật tiếng la hoảng lùi lại phía sau.
Nhậm Ngã Hành nổi lên tràng cười dữ tợn quát hỏi:
− Các ngươi muốn trốn chăng? Trốn đâu cho thoát?
Lão lượm khúc xích sắt xiềng Đổng Bách Hùng vừa cởi ra bỏ đó quăng mạnh vào đám người kia. Phát liệng này mãnh liệt phi thường! Lập tức máu rơi thịt nát tan tành! Lại bảy tám tên quân canh mất mạng.
Nhậm Ngã Hành cười ha hả nói:
− Kẻ nào còn theo Đông Phương Bất Bại là nhất định phải giết!
Mới chỉ thắng được Đông Phương Bất Bại "giả" thôi đó, Nhậm Ngã Hành đã thổ lộ cái bản tính tàn bạo của mình, đã thẳng tay đàn áp, tiêu diệt những quyền tự do của con người, trả thù tàn nhẫn đối tượng trước đó. Ông Nguyễn Văn Trấn tâm sự (Trích):
"...Tôi tâm tình, như tôi đã viết trước lúc về Nam. Đổi lại anh em nói "Nam Kỳ khởi nghĩa tan Công Lý. Đồng Khởi vùng lên cướp Tự Do". Họ coi miền Bắc vào là một cuộc Nam phạt. Họ cho biết tiệm café Saigon đã tổng kết luân lý của cộng sản đi chiếm đất, là "nói vậy chớ không phải vậy". Ngày nào, từ đất Bắc chính anh (họ nói tôi) đã nhơn danh chánh sách hòa hợp dân tộc, đoàn tụ gia đình mà kêu gọi đồng bào miền Nam hay kêu gọi con em mình hãy sớm rời bỏ hàng ngũ địch mà về với gia đình.
Vậy mà khi các anh vào thì lập tức "bắt đi học tập cải tạo". Việc trở trái làm mặt ấy cũng là nhẹ so với việc, anh coi cái miền Nam, tức người dân miền Nam này là "ngụy". Nói một chuyện nhỏ là chuyện đá banh. Anh đã động viên đội anh là "ta nhất định không để thua ngụy".
Anh em trong nhà đóng cửa nói với nhau như vậy nghe rất đau xót.
Người ta còn nói: (coi như là tôi nói đi)
− Thừa chiến thắng quân sự, người ta đã đưa nền kinh tế gọi là xã hội chủ nghĩa miền Bắc vào miền Nam.
Tâm linh của người Việt Nam bấy lâu nay yêu nước coi đó là sự thống nhất đất nước. Đó là bề ngoài mà thôi.
Còn ở bên trong? Từ thuở xưa ông Trường Chinh đã chửi Tây, nó chia rẽ đất nước ta nó làm cho kinh tế của mỗi miền đất nước ta phải què quặt. Vậy nên dưới sự lãnh đạo của người Bắc Hà − cũng là cộng sản, đã có sự nhanh chóng cưỡng bức thống nhất giữa hai miền.
Tôi để sự lo âu của Hà Nội về sự cứng đầu của chánh phủ gì đó ở miền Nam, ra ngoài. Mà đây chỉ nói sự trị què quặt đã làm cho bại liệt hết hai chân.
Bây giờ ta coi lại, trong khói hương nghi ngút làm bộ cúng bái sự thống nhất đất nước, những pháp lệnh dở ẹt từ 1955 ở miền Bắc bây giờ đem xài ở miền Nam đã đem lại kết quả thực sự là phá hoại đại bộ phận kinh tế của miền Nam, mà miền Nam không được thay thế đền bù.
Tầng lớp trung lưu, l'intelligentsia trí thức của miền Nam ra đi như nước chảy từ lu bể thình lình. Và mấy bà con người Hoa từ giã cột đèn mà đi làm cạn đi nguồn nhân lực chủ chốt.
Chánh sách nông nghiệp và sự kiểm soát kinh tế của Hà Nội làm cho nông nghiệp miền Nam khó phát triển.
Tai hại ghê gớm nhứt là chánh sách quân bình kinh tế (Tôi đã "bắt" được Võ Nguyên Giáp tự bộc lộ: trong xây dựng kinh tế không nên để miền Nam lên mạnh, miền Bắc, Miền Trung tụt lại sau. Nếu tôi khuyên Đồng bằng Sông Cửu Long đừng đi vượt miền Đông... thì tôi có phải là một thằng ngu hôn anh Giáp?) Chánh sách ấy muốn tháo gỡ bệnh viện Chợ Rẫy đem về miền Bắc... chuyển "của" (chớ chưa phải là sự giàu sang) miền Nam sang cho miền Bắc. Chánh sách này đã dùng nhiều biện pháp làm rối loạn nền kinh tế và khiến cho nó trì trệ và làm được việc mà đàng ngoài mong ước, miền Nam nghèo để đuổi kịp miền Bắc.
Ngay từ ngày đầu thống nhất, sự điều hành kinh tế theo chánh sách bất lương và bởi những kẻ thừa hành tồi bại cho nên biểu sao nó chẳng thất bại, nếu không mỉa mai là thắng lợi trong sự cùng ăn độn" (Ngưng trích).  
Rất tiếc là Marx đã không sống đủ lâu để nghe ông Nguyễn Hộ bày tỏ (Trích):
"Chủ nghĩa xã hội trong thực tiễn của nhiều thập kỷ đã phơi bày đầy đủ bản chất của nó: độc tài về kinh tế và độc tài về chính trị − bằng độc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản, tước đoạt tất cả sở hữu về tư liệu sản xuất của cá thể, tư nhân, tư bản chủ nghĩa và tước đoạt mọi quyền dân chủ tự do của nhân dân như: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, đình công. Từ đó, chế độ XHCN tồn tại chủ yếu dựa trên cơ sở bạo lực (công an, quân đội là công cụ của Đảng cộng sản, chứ không phải là công cụ của nhân dân), để đàn áp, bắt bớ, giam cầm những ai không ăn cánh với Đảng, thậm chí bắn giết tàn bạo, diệt chủng dã man (ở Liên Xô cũ trước đây, trong những thập kỷ 30−40−50, Xtalin đã từng giết hại, tra tấn, tù đày hàng triệu người dân Xô Viết và cán bộ Đảng viên vô tội; ở Trung Quốc trong những năm 50−60, khi tiến hành công cuộc cải tạo XHCN đối với nông nghiệp, công thương nghiệp tư bản tư doanh, thành lập công xã nhân dân (đại nhảy vọt), cách mạng văn hóa vô sản, Mao Trạch Đông − Giang Thanh và lũ tay sai khát máu đã giết hại, tra tấn, tù đày hàng chục triệu người dân Trung Quốc lương thiện và cán bộ Đảng viên vô tội. Đặc biệt càng kinh ngạc là nhiều nhà lãnh đạo kỳ cựu của Đảng cộng sản Trung Quốc, cùng hoạt động một thời với Mao Trạch Đông như: Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài, La Thụy Khanh, Hạ Long... cũng bị hành hình, giết hại một cách thê thảm, và càng kinh khủng hơn nữa là cuộc tàn sát đẫm máu đối với cuộc biểu tình đòi dân chủ, chống tham nhũng của hàng ngàn, hàng vạn sinh viên, trí thức và các tầng lớp nhân dân Trung Quốc ngày 04/06/1989 tại Thiên An Môn (Bắc Kinh); đó là điển hình của một chế độ phát-xít tàn bạo. Cũng như ở Campuchia trong những năm 70, Pôn-Pốt, Lêng-Sarry nhân danh những người lãnh đạo Đảng cộng sản và Nhà nước Campuchia đã bắt bớ, giam cầm, tra tấn, giết hại bằng nhiều cách rất dã man hàng triệu người dân Campuchia và cán bộ đảng viên vô tội).
Rõ ràng, chính bản chất độc tài cả về kinh tế và chính trị, đi ngược qui luật khách quan mà chế độ xã hội chủ nghĩa tự bản thân nó tất nhiên đã giam hãm đất nước, nhân dân trong cảnh đói nghèo, lạc hậu triền miên, do nó không tạo ra được một năng xuất lao động cao, một sự phồn vinh sống động và ấm no hạnh phúc cho nhân dân (thu thập bình quân đầu người rất thấp: Việt Nam − 200 đôla, Trung Quốc − 360 đôla... trong khi ở các nước tư bản chủ nghĩa: Nam Triều Tiên − 5.500 đôla, Đài Loan − trên 10.000 đôla, Singapo − trên 12.000 đôla, Nhật Bản − 23.000 đôla, Thụy Sĩ − 27.000 đôla...)" (Ngưng trích).
Rất tiếc là Marx đã không sống đủ lâu để bày tỏ thái độ về những vấn đề thế giới hiện đại, những vấn đề chưa đặt ra trong thời Marx như: vấn đề những nước chậm tiến, vấn đề bom nguyên tử và chung sống hòa bình, ..., vấn đề tin học, và nhất là vấn đề kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hòa Thượng Thích Quảng Độ viết (Trích):
"Sau khi đã thanh toán những kẻ thù "có nợ máu" với nhân dân rồi, đảng cộng sản Việt Nam hứa với nhân dân sẽ xây dựng một xã hội công bằng, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng như ai, không có kẻ giàu người nghèo, không còn nạn người bóc lột người, không ai phải làm thuê làm mướn cho ai, nông nghiệp sẽ được cơ giới hóa toàn quốc; các cụ già sáu mươi tuổi trở lên, không còn sức lao động, sẽ có "An dưỡng đường", mỗi cụ một căn phòng khang trang đẹp đẽ, có người phục vụ chu đáo. Xã hội cộng sản sẽ không có ăn mày, trộm cướp, đĩ điếm, nghiện ngập, hút xách, ai cũng có công ăn việc làm, không có nạn thất nghiệp, tóm lại là một thiên đường trên mặt đất. Và sau này trên mặt đất nếu dân số tăng lên đông quá, không đủ chỗ ở, thì sẽ đưa bớt lên mặt trăng!!
Để thực hiện lời hứa lấy ruộng của địa chủ chia cho nông dân, đảng cộng sản đã chia ruộng cho dân một cách đồng đều và cấp bằng "Sở hữu chủ" hẳn hoi. Bằng sở hữu chủ phải được cắm ngay trên thửa ruộng của mình để chứng tỏ quyền sở hữu của mỗi người. Và để thực hiện không ai làm thuê làm mướn cho ai, đảng bảo dân thành lập Tổ đổi công (một loại Hợp tác xã nhỏ), nghĩa là mỗi Tổ năm nhà hoặc hơn tùy ý, hợp lại với nhau, rồi hôm nay cày cấy cho nhà này, ngày mai cày cấy cho nhà khác, cứ như thế cho đến hết lượt. Thuế nông nghiệp lúc này rất nhẹ, nhân dân vui mừng lắm, nói theo danh từ thời thượng là rất ư "hồ hởi phấn khởi". Từ bao đời nay, bây giờ "ơn Bác ơn Đảng", người nông dân mới thực sự có được mảnh ruộng và làm chủ mảnh ruộng của mình. Đời sống nông dân trong giai đoạn ấy tương đối sung túc, cho nên dân rất tin yêu đảng. Nhưng tiếc rằng sự hồ hởi phấn khởi ấy chẳng được bao lâu, vì đến năm 1960, đảng bắt dân phải góp hết ruộng vào Hợp tác xã lớn để "làm chủ tập thể" chứ không sở hữu riêng nữa. Nông dân có gì đem góp hết vào Hợp tác xã: trâu bò, cày bừa, cối xay, cối giã, trục lúa v.v... tóm lại tất cả các nông cụ riêng trước đây đều xung vào Hợp tác xã. Người nông dân bỗng nhiên thấy mình hoàn toàn là người vô sản, chỉ còn hai bàn tay để đi làm thuê lấy điểm, có khác là trước kia làm thuê cho "bọn địa chủ tàn ác bóc lột", nó cho ăn ngày hai bữa cơm no, tối về nó trả công đấu gạo; còn bây giờ thì làm thuê cho Hợp tác xã không cơm, tối lại được trả cho tám lạng hay một cân thóc đựng vào cái mo cau mang về (một cân thóc bằng sáu lạng gạo, người khoẻ ăn một bữa không no). Bởi thế người dân đã nói với nhau là "Hợp tác lên to lấy mo đựng thóc". Một ông cắc cớ nào đó lại nói "Hợp tác lên to đói hết rồi", bị gọi ra Ủy ban nhân dân xã. Xã bảo: "Anh nói thế là nói xấu cách mạng, bôi nhọ chế độ đấy hả?". Ông cắc cớ trả lời: "Đâu dám! Ý tôi muốn nói là Hợp tác xã lên to hết cái đói rồi, nghĩa là không còn ai đói nữa, ai cũng no đủ cả". Thế rồi ông cắc cớ thong thả ra về. Lại một nhà thơ nào đó làm mấy câu thơ như sau:
Sáng bước chân ra bụng đói rồi
Trưa về lưng lửng tối ta thôi
cũng bị gọi ra Ủy ban và gán cho tội bôi bác chế độ. Nhà thơ phủ nhận và bảo bài thơ tôi có bốn câu tứ tuyệt, nhưng nhân dân chỉ truyền tụng có hai câu đầu mà bỏ hai câu cuối của tôi đi. Làm cho bài thơ không trọn nghĩa. Ông xã hỏi thế hai câu cuối của anh như thế nào? Nhà thơ đọc:
Đói no chi quản đời chinh chiến
Mỹ cút đi rồi bác với tôi.
Ông xã nói: "Ừ, vậy thì hay quá chứ còn gì!". Thế là nhà thơ thung dung ra về. 
Đến năm 1980, Đảng cộng sản thấy cách làm ăn tập thể kiểu Hợp tác xã bết bát quá, vì chẳng ai chịu gắng sức làm, lại còn lãng phí, có khi phá ngầm nữa, bởi lẽ họ có làm mà không được hưởng, không đúng như lời đảng đã nói "làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu", nên họ chẳng thiết tha gì, chỉ làm qua loa cho xong việc rồi về nhà chăm lo con lợn con gà là chính. Do đó, sản lượng nông nghiệp mỗi ngày mỗi giảm sút nặng nề, đảng bèn đưa ra chính sách khoán sản phẩm, hy vọng cải thiện tình hình. Nhưng vì Hợp tác lấy sản quá nặng nên nông dân cũng chẳng còn được bao nhiêu thóc và đói vẫn hoàn đói. Còn các cụ già hơn sáu bảy mươi tuổi, không làm được ruộng thì sung vào đội trồng cây theo khẩu hiệu của Bác Hồ "Trăm năm trồng người mười năm trồng cây". Loại cây chính được trồng ở hai bên lề đường là cây bạch đàn, xà cừ và phi lao. Hợp tác xã dùng chúng làm củi đốt nung gạch hoặc làm nhà kho.
Một hôm, có bảy tám cụ ông cụ bà vác cây đến trồng ở hai bên con đường đi vào chùa Vũ Đoài, các cụ vào chùa nghỉ giải lao, tôi hỏi các cụ đi đâu thì các cụ cho biết đi trồng cây lấy điểm. Tôi tò mò hỏi các cụ trồng như vậy được bao nhiêu điểm, các cụ cho biết cứ năm cây được một điểm bằng một lạng thóc. Tôi nói: "Nghe đâu các cụ đã có An dưỡng đường, có người phục vụ cho chu đáo rồi mà, thế sao các cụ còn phải đi trồng cây lấy điểm?" Các cụ trả lời: "Chả biết sau này thế nào, chứ hiện giờ thì chúng tôi đang còn 'ăn đứng đường'". An dưỡng đường mà các cụ nói chệch ra là ăn đứng đường thì cũng lạ thật. Đã vậy, những cây các cụ trồng xong, chỉ ít ngày sau là người ta đã bẻ hoặc nhổ hết vào ban đêm, bởi vậy các em bé chăn trâu cho Hợp tác xã (trước kia thì chăn trâu cho địa chủ bóc lột) mới làm vè hoan hô các cụ:
Hoan hô các cụ trồng cây 
Mười cây chết chín một cây gật gù !
Các cụ cũng chẳng vừa, cũng làm vè "phản pháo" lại:       
Các cháu có mắt như mù
Mười cây chết tiệt gật gù ở đâu?
Nghĩa là trong con mắt các cháu thì mười cây còn sống sót được một cây, nhưng dưới mắt các cụ thì mười cây chết hết cả mười! Thực ra thì các cụ chỉ trồng chúng xuống để lấy điểm sống qua ngày thôi, còn chúng sống hay chết cũng mặc, các cụ đâu có quan tâm. Còn những người bẻ hoặc nhổ cây đi thì lại nghĩ chúng có lớn lên mình cũng chẳng được dùng, thôi thì nhổ phứt đi cho khuất mắt.
Nạn tham ô ở nông thôn cũng rất phổ biến. Nông dân phải trả sản nặng, thiếu phải bù lỗ, bởi thế phải nói khó với các ông lái máy cày máy bừa làm kĩ ruộng để cấy cho tốt lúa, bởi vì các ông máy cày hay cày lỏi; hoặc hợp đồng bừa ba lượt thì các ông chỉ bừa hai lượt thôi. Làm như vậy sẽ dôi số dầu xăng mà hãng máy cày cấp cho mỗi máy. Các ông lái máy cày lấy dầu xăng dôi ra ấy đem đi bán chợ đen, mà cày bừa như thế thì ruộng không kĩ, lúa sẽ xấu. Bởi vậy nông dân phải nói khó với các ông cày bừa cho kĩ. Nhưng muốn thế thì phải luộc gà nấu xôi cho các ông ăn mới được, vì thế trong dân gian mới có câu: "Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà". Trâu đen là con trâu thật, trâu đỏ là cái máy cày vì nó được sơn màu đỏ cách mạng. Thật cũng trớ trêu, ngày xưa phải biếu gà cho địa chủ bóc lột, còn ngày nay thì phải đút lót gà cho máy cày. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa! Nhưng sau máy cày nghĩ, ăn gà chỉ ăn được một mình thôi, không vui, nên máy cày bèn lấy tiền và gạo đưa về nhà cùng vợ con ăn cho vui.
Rồi đến điện lực cũng vậy. Điện ở nông thôn chỉ được dùng để bơm nước vào đồng để cày bừa. Đến thời vụ, Hợp tác xã nào muốn có nước vào đồng trước để cày bừa, thì phải đưa thịt và gạo nếp đến "lót tay" mấy ông cán bộ coi trạm điện bật cầu dao cho điện, nếu không thì cứ chờ, quá thời vụ cũng mặc. Nhưng Hợp tác xã sợ quá thời vụ lúa sẽ xấu, không đủ thóc đóng thuế cho nhà nước cũng nguy, cho nên đành phải mang gạo thịt đi, chứ không thể chờ được. Bởi vậy, dân gian lại có câu tiếu lâm thời đại: "Có kí lô oét mới có kí lô oắt". Oét là tiếng kêu oen oét của con lợn, còn oắt (watt) là chỉ đơn vị điện lực. Hoặc câu nữa cũng không kém phần hóm hỉnh, như: "Có cầu thớt mới có cầu dao". Cái thớt dùng để thái thịt luôn luôn đi với con dao, còn cầu dao là cầu dao của công ty điện, hễ có gạo thịt thì nó bật lên, không thì nó cúp xuống! Lại trong làng xóm, nhà nào khá giả muốn có ngọn đèn điện thắp sáng trong nhà, nhất là vào ba ngày tết, hoặc đám cưới, đám ma v.v... thì xin ông cán bộ trạm điện cho phép câu điện vào, dĩ nhiên, cũng phải có gà lợn và gạo nếp chỉ đường dẫn lối. Cho nên người dân lại có câu ca dao:
Muốn cho điện sáng về nhà
Ruột lợn ruột gà phải nối đến nơi !
Thật cũng buồn cười, trước kia cộng sản lên án tư bản là nắm lấy các phương tiện sản xuất để thao túng bóc lột dân lao động, thì giờ đây cộng sản có máy cày, có trạm điện cũng có tha dân đâu! Những câu tiếu lâm, ca dao về nạn tham ô ở nông thôn còn nhiều lắm, như:
Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho cán bộ mua đài (radio) mua xe
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho cán bộ xây nhà xây sân...
và những tiếu lâm về các lãnh vực khác cũng khá nhiều, nhưng ở đây tôi không chủ trương nói về điều đó, chỉ nêu mấy câu làm điển hình thôi.
Cuối cùng, chính sách khoán sản phẩm cũng thất bại, đến năm 1985 thì đảng cho khoán trắng. Nghĩa là cho dân thuê ruộng rồi đóng thuế cho nhà nước, hệt như chính sách phát canh thu tô của "địa chủ bóc lột và bị giết" trước kia, chỉ khác trước kia là địa chủ cá thể, bây giờ là địa chủ tập thể đảng hoặc nhà nước. Thế là mèo lại hoàn mèo. Rồi bắt đầu phá Hợp tác xã: nào nhà kho, sân kho, nhà nuôi lợn, nhà chăn tằm, nhà thuốc, vườn ươm cây, cửa hàng hợp tác xã, ao cá Bác Hồ, vườn cây Bác Hồ v.v... phá hết, bán đấu giá hết. Một hôm, có người trong xóm ra chùa rủ tôi đi xem chỗ máy bay B52 của Mỹ bỏ bom, tôi hết sức ngạc nhiên. Tôi hỏi bỏ bao giờ, ông ta bảo mới vài hôm nay, tôi lại càng ngơ ngác không hiểu ra sao. Sau một lát ông ta mới nói dân chúng mua nhà nuôi lợn của Hợp tác xã, họ đang đập phá lấy gạch, trông y như B52 bỏ bom. Lúc đó tôi mới vỡ lẽ. Mấy hôm trước có người ở thành phố Nam Định sang thăm và cho tôi một món quà hiệu Liên Xô, bên ngoài hộp có mấy chữ CCCP, không hiểu, tôi đưa ra hỏi ông ta là nghĩa gì, ông ta bảo đó là chữ viết tắt của các câu: Các cha cứ phá, các chú cứ phá, các cô cứ phá, các cậu cứ phá, các con cứ phá, các cháu cứ phá, các chắt cứ phá, các chút cứ phá, các chít cứ phá,... nói xong ông ta cười sằng sặc.Tôi nghĩ bụng, thật là mấy chữ quái ác, đây là định mệnh của dân tộc chăng? Thảo nào mà đình chùa miếu mạo họ cũng phá, và bao nhiêu thế hệ mà cứ phá như thế thì liệu đất nước sẽ còn gì? Tôi nhớ lại thời "tiêu thổ kháng chiến". 
Bao nhiêu công của sức lực, mồ hôi và cả nước mắt của nông dân đổ ra suốt một phần tư thế kỷ để xây dựng, gom góp hết vào Hợp tác xã, bây giờ tan thành mây khói, và số tiền bán đấu giá các tài sản ấy chui vào đâu, người dân không biết.
Tổ tiên Việt Nam qua bao nhiêu đời, bằng kinh nghiệm sống của mình đã đúc kết thành những câu ngạn ngữ, ca dao ngắn gọn rất hay rất đúng để dạy con cháu đời sau về mọi lãnh vực. Như về luật nhân quả thì các cụ nói "Đời cha ăn mặn đời con khát nước", nghĩa là những kẻ làm điều ác thì sớm muộn gì cũng phải chịu quả báo ác. Về số phận thì các cụ nói "Số giàu của đến dửng dưng, số nghèo con mắt tráo chưng vẫn nghèo". Đúng vậy, như thời cải cách, những địa chủ và cường hào bị tịch thu hết nhà cửa ruộng vườn, thóc gạo đồ dùng và tiền bạc họ lấy sạch, chỉ để cho cái chuồng trâu cho con cái ở, giường chiếu không có, phải nằm đất, không còn gì ăn, phải đi mò cua bắt ốc sống qua ngày. Vậy mà bây giờ họ lại giàu có, nhà xây sân gạch, dư thóc lúa tiền bạc. Trái lại, những người ngày trước lấy của họ chia nhau ăn, chỉ sau ít lâu là ăn hết, rồi người được chia nhà thì bán nhà, người được đồ đạc thì bán đồ đạc, rút cuộc nghèo vẫn hoàn nghèo. Có điều mỉa mai là sau ngày cải cách, thân nhân con cái địa chủ, cường hào bị gọi là thằng nọ con kia, khi gặp họ phải cúi đầu chào ông nông dân bà nông dân, thì bây giờ lại chính những người ấy đến nhà các thân nhân con cháu của địa chủ, cường hào vay tiền vay thóc và gọi bằng cụ hoặc ông bà tùy tuổi tác, chứ không dám gọi thằng nọ con kia nữa.
Nhưng không lãnh vực nào mà các cụ dạy bảo con cháu kĩ như lãnh vực làm ăn tập thể theo kiểu cộng sản. Các lãnh vực khác thì thường chỉ có một câu hay hai câu là cùng, riêng lãnh vực làm ăn tập thể thì có tới ba câu, đó là: "Cha chung không ai khóc; nhiều sãi không ai đóng cửa chùa; nhiều thầy rối ma nhiều cha con khó lấy chồng". Ngày nay những người cộng sản Việt Nam đã không chịu học bài học của tổ tiên ông cha, mà lại đi học ông Karl Marx, ông Lê-nin, tin rằng các ông ấy nói đúng hơn, hay hơn, nên mới bắt dân làm ăn tập thể, hao tiền tốn của phí công mà chẳng nên việc gì. Rồi đến lãnh vực chính trị cũng thế, tổ tiên Việt Nam thiếu gì đường lối chính sách hay, như vua Thánh Tôn (1054-1072) đời Lý, một hôm ngồi xử án tại điện Thiên Khánh, có công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh. Vua chỉ vào công chúa mà nói với các quan: "Lòng trẫm yêu dân cũng như yêu con trẫm vậy, chỉ hiềm trăm họ dại dột, làm bậy phải tội, trẫm thương lắm. Từ nay về sau tội nhẹ thì tha, tội nặng thì giảm bớt đi". Hoặc như Nguyễn Trãi: "Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, đem trí nhân trừ cường bạo". Những giá trị nhân bản cao quí đầy nhân tính như thế, tại sao người cộng sản Việt Nam không học, lại đi học chính sách hận thù đấu tranh giai cấp, tố khổ nhân dân khiến hằng trăm nghìn đồng bào vô tội phải chết oan?!
Trở lại vấn đề khoán trắng sau khi tập thể Hợp tác xã thất bại. Nghĩa là bây giờ (1985) ruộng đem khoán trắng cho dân, nhưng khốn nỗi trâu bò cày bừa và tất cả nông cụ khác trước đây đã góp hết vào Hợp tác xã, khi Hợp tác xã giải thể, tài sản bán đấu giá, nông dân không được trả lại một món gì, bây giờ lại phải mua sắm đồ mới. Nhưng khó nhất là trâu bò, hàng trăm nghìn đồng một con trâu, dân lấy tiền đâu mà mua; xăng dầu lại đắt, không đủ sức thuê máy cày. Vả lại, trước kia, khi vào Hợp tác xã thì các bờ ruộng phải phá hết đi để làm thành "ruộng đồng cò bay thẳng cánh chó chạy cong đuôi" để cày máy. Bây giờ ruộng khoán trắng, mỗi nhà vài ba sào (một sào Bắc bộ bằng 366m vuông), dân lại phải đắp bờ lên để đánh dấu và giữ nước, thì dù người có khả năng thuê máy cày cũng chẳng cày được. Cho nên đa số nông dân dùng cuốc và mai để cuốc và bẩy ruộng, và cứ mỗi nhát cuốc dơ lên bập xuống, họ lại nói "Cơ giới hóa toàn quốc!" Họ bảo "đảng ta" nói nông nghiệp sẽ được cơ giới hóa toàn quốc mà! Trẻ em bảy tám tuổi cũng phải cơ giới hóa toàn quốc. Cuốc xong, nhà nào có nhiều người trẻ khoẻ thì bừa lấy. Cứ hai người kéo, một người cầm bừa, mấy người đi trên đường thấy thế khen: "Gớm, hai con trâu khỏe nhỉ!" rồi họ cười với nhau thông cảm.     
Cảnh ấy làm tôi nhớ lại năm 1975 được xem cuốn phim chiếu trên Tivi ở Saigon kể lại cuộc đời của cụ Hồ Chí Minh (lúc đó trong phim cụ được gọi là anh Ba), từ bến Nhà Rồng Saigon cụ xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước, mà một trong những nguyên nhân khiến cụ phải ra đi là cụ thấy người dân phải làm thân trâu kéo cày. Bây giờ đây, sau gần nửa thế kỷ cách mạng thành công xây dựng chủ nghĩa cộng sản, thì người dân lại phải kéo bừa thay trâu! Ở Vũ Đoài tôi chỉ thấy người kéo bừa chứ không ai kéo cày, vì nặng lắm. Cuộc đời thật là cái đèn cù, quay hết vòng thì lại trở lại. Còn các tệ nạn xã hội như trộm cướp, trấn lột, ăn mày, ăn hối lộ, nghiện ngập v.v... thì vẫn nhan nhản.
Thế là từ sau ngày cải cách đấu tố giết chết bảy trăm nghìn người, đảng cộng sản đã hứa hẹn với nhân dân miền Bắc xây dựng một xã hội thiên đường trên mặt đất, đến nay đã ba mươi sáu năm (1956-1992) mà vẫn chưa thực hiện được, có lẽ nó chỉ là cái bánh vẽ chăng?" (Ngưng trích)
Phạm Khắc Trung