Monday 30 September 2013

tôn thất tuệ - tu giữa chợ

tu giữa chợ
tôn thất tuệ
Cách nay đã hơn mười bốn năm, khi còn đứng bán rau cải cho một farmer market phía bắc Atlanta, một hôm xe hư, tôi phải nhờ ông bạn đồng hương chở về nhà. Câu chuyện hôm nay hầu quí vị bắt đầu từ một ngã tư với bốn bản stop.
Khi chúng tôi stop thì phía kia có một chiếc xe ngừng chừng hai giây chậm hơn. Đến phiên xe chúng tôi thì tài xế nầy đưa tay “mời đi”. Ông bạn tôi vừa nhấn ga thì đã chưởi thề bằng tiếng Đức, nếu qua tiếng Mỹ thì nhiều chữ F. Đại để tôi cứ tưởng tượng nguyên văn như sau.
Xe mình đến trước mà nó còn đạo đức giả nhường cho mình đi. Cái thứ ân huệ rẻ tiền cướp dựt đầy rẩy trên xứ Mỹ. Bọn lưu manh dạy cho con nít lúc nào cũng trả lời OK, tuy gần chết. Sau một cuộc đi xa đầy tai ách như xe nổ lốp gần chết, bị móc túi, bị hotel lột sạch ví  v.v… mà vẫn nói là chuyến đi tuyệt diệu chưa từng có, một khi có ai hỏi. Bọn nầy quả là trí trá, rẻ tiền làm sao qua mặt được tôi. Tôi đi guốc trong bụng chúng nó.
Tử ngã tư stop bốn phía nầy đến nhà tôi chừng mười năm phút. Thời gian đó ông bạn đồng liêu phát thanh đều trên một đề tài duy nhất về những thứ bịp bợm như rút thăm, free cái nầy, free cái kia. Những thư mời credit card có những chữ thật to đều rỗng tếch, những chữ nhỏ xí không đọc ra là những cái thòng lọng siết cổ mình.
Thính giả duy nhất ngồi kề là tôi. Những điều ông vừa nói kê khai ở đoạn ngay trên là những điều đúng, nhất là lối viết quanh co trong các văn tự pháp lý để nói những điều rất đơn giản, đầy tính cố ý đẩy người vào nợ nần vô lối. Nhưng mấy điều ông ta nói về người tài xế ngẫy tay ở ngã tư làm tôi suy nghĩ. Tôi đã tìm mọi cơ hội nói cho ông bạn biết cảm nghĩ riêng của tôi. Nhưng không có. Mãi cho đến hôm từ giả để đi làm một nơi gần nhà tuy ít tiền, tôi can đảm nói vì nghĩ rất khó gặp lại, vã lại lúc ấy ông cũng đầy cảm khái của cảnh chia tay.
Câu chuyện tuy đơn giản chỉ có thế nhưng nó có thể mở đầu cho những lời bàn dài dòng, kéo theo những lý thuyết và những quan điểm tôn giáo liên hệ. Tôi cũng có vài suy nghĩ trong phạm vi nhỏ hẹp của một người – không khiêm nhượng giả dối mà nói là vô học, không dốc phách nói là học giả - một người tròm trèm dăm ba chữ của Thánh Hiển. Nhưng tôi chỉ nói rất ít với ông bạn. Từ lúc chia tay đến nay đã 12 năm, từ lúc ngừng ở bản stop đến nay đã 15 năm. Tôi không dám  - cũng như không có thì giờ - luận bàn. Đại để tôi chỉ nói tóm lược như sau.
Trừ phi khi bạn có khả năng đi guốc trong bụng người  (read the mind…) đoan chắc người kia nghĩ ra sao; người kia đưa tay mời đi để nói với bạn: thưa ông, tôi công nhận quyền ưu tiên tới trước của ông, tôi cho ông biết rằng tôi ngừng chờ, không như nhiều kẻ khác dành đường gây tai nạn. Xin ông chuyển bánh (proceed), tôi sẽ không đưa xe ra giữa đường để hai xe của chúng mình hôn nhau. Chào bình an.
 
tranh Degas
còn o bán rượu anh còn say sưa
Một người ngồi tham thiền dưới gốc cây lớn. Xuất định, ông đứng dậy. Việc làm êm ả ấy vẫn khiến cho con chim trên cành bay lên vì sợ hãi. Trong lúc ấy một người đứng quanh vùng đưa súng bắn chết con vật có cánh. Người kia cảm thấy mình có lỗi, nên ngồi trở lại suy nghiệm về nhiều thứ nhưng chú ý đến sự tương hệ, liên hệ giữa các yếu tố, giữa thời gian, không gian, nghiệp quả v.v…

Những sự việc rời rạc như một kẻ ngồi rồi đứng dậy, con chim từ đâu bay đến đậu rồi cất cánh, một người đứng chơi chưa hẵn với ý định săn bắn nhưng có tâm thức muốn sát sanh v.v… Những thứ ấy tạo nên một chuổi nguyên nhân, kết quả, hổ tương, lui tới. Người và vật đều dự phần vào những sinh thành ấy, ít hay nhiều.

Lebos, một người Pháp chỉ viết tiếng Anh, trong một cuốn sách đã ghi lại sự ngạc nhiên của Tây Âu trong việc nầy: Hảng xe hơi Toyota đã xây một cái chùa, có sư sải tụng niệm, hương khói hằng ngày để cầu siêu cho những ai đã chết liên quan đến xe Toyota: ngồi trên xe hoặc bị xe kẻ khác đụng, cầu nguyện cho mọi nạn nhân từ những xế hộp mình chế ra.

Người Thái Tây cho đó là chuyện ruồi bu. Toyota không nên bị mặc cảm tội lỗi ám ảnh. Họ đã xong trách nhiệm, các tiêu chuẩn ethique đã hội đủ: không nói dối, xe ra thị trường đã được kiểm phẩm; nếu có hư sót thì thâu hồi, hoặc đã bồi thường đầy đủ cho nạn nhân theo lệnh tòa hay thương thuyết đôi bên. Tai nạn có vô số lý do: người lái xe cẩu thả, xe khác chạm vào xe mình, thời tiết, tình trạng đường sá, ngoài sự kiểm soát của kẻ làm ra xe.

Lập luận trên thật đúng, và rất đúng trên quan điểm pháp lý. Nhưng nếu đi lên một vài cấp nữa, có tính chất hoàn vũ thì sẽ thấy hãng Toyota có tham dự vào sự cấu kết tương duyên; vì có cái xe ấy, hoặc vì dùng cái xe ấy v.v…Nếu sự việc là một bức tranh thì nó cũng mang hình ảnh của Toyota, dù rất nhỏ, một chấm trên khung vải to lớn.

Đây không đề cập đến hình thức tôn giáo là ngôi chùa; nạn nhân đa số có thể không ở trong tín ngưỡng nầy.

Điểm chính yếu là sự tương quan mật thiết giữa các yếu tố. Triết học Đông phương nhấn mạnh đến nhân và duyên; lắm lúc duyên thành nhân. Đang lúc nóng giận mà có cây súng trong tay thì bóp cò. Người Pháp nói “muốn là được” (vouloir c’est pouvoir) trong trường hợp nầy ngược lại làm được gây nên ý muốn làm. Chừng mười năm trước tại Mỹ có sự nghịch thường về tội phạm. Thống kê cho biết các vụ sát nhân có chủ mưu thuyên giảm rất nhiều nhưng chuyện giết người ngẫu hứng gia tăng phi tiển: bắn nhau trên freeway khi kẹt xe mà bóp còi chửi nhau, dành nhau một chỗ đậu xe, một câu nói bị hiểu lầm trong quán tạp hóa… Đó là những chuyện mà quá lắm là đấm nhau vài cú, thế nhưng có sẵn súng thì ông bắn cho mà coi. Đối với bây giờ thì chẳng có nghĩa lý gì nhưng chừng đầu thập niên 1960, cái váy ngắn (mini jupe, mini skirt) đã gây nhiều vụ tấn công tình dục.

Tâm thức độc ác là một yếu tố lớn đưa đến những sự việc đáng buồn, tâm thức ấy đã điều kiện hóa sự nhận biết, thúc đẩy con người hành động theo chiều hướng sai lệch. Khổng Tử, tuy nhấn mạnh đến việc trị dân, yêu cầu “quân tử thận kỳ độc”, khi ở một mình riêng rẻ huân tập suy nghĩ nhân ái.

Chừng nào chưa ra đến ngoại tầng không gian, mọi vật từ con muỗi cho đến boeing vĩ đại vẫn theo sự điều dẫn của trọng lực trong một tập hợp liền lạc. Sự phung phí giấy vệ sinh trong phòng tắm góp phần trong việc tạo nên cái nóng kinh khủng, bây giờ gọi là hiệu ứng nhà kính (green house effects).
Ca dao VN thì bình dân hơn, nó nằm giữa chợ:

Còn trời còn nước còn non
Còn o bán rượu anh còn say sưa
.
 
ngọt bòng chớ mua

Ra đi mẹ có dặn lòng
Chanh chua mua lấy, ngọt bòng đừng mua
.

Ra đi có thể là đi chợ, ra đi khỏi nhà mẹ về nhà chồng sống riêng, đi vào dòng đời. Nếu có sự ra đi khác quan trọng hơn đi chợ, thế nào mẹ cũng dặn nhiều. Nhưng dặn lòng thì chỉ vài điều thôi. Chanh chua mua lấy ngọt bòng đừng mua.

Về thực vật, có nghe nói trái bòng dòng họ chanh (citrus), rất chua, không có ý vị như chanh giấy, hay chanh vỏ dày. Đến ngày Tết, người ta đi hái lá bứa, trái bòng, khế chua chà xác bộ lư đồng cho sáng vì không có dầu chùi láng (brass polisher).

Còn chanh thì chua ai cũng rõ, mà đi chợ mua chanh trộn xà lách hay làm thuốc ho; vị chua và trái chanh là hai mặt của bàn tay, mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai. Do đó mua vị chua là mua trái chanh.

Nhưng giữa chợ vẫn có kẻ trưng trái bòng mà nói là ngọt như quýt đường, con đừng nghe nó dụ dỗ; bòng làm sao mà ngọt, con muốn ngọt thì mua xoài, cam, sầu riêng. Trái bòng không có giá trị thực phẩm mà kẻ ấy muốn bán như cam Xã Đoài, mít Lái Thiêu. Ai nghe thì cứ việc mua; còn con, con chớ dại mó vào. Nhớ giữ nằm lòng.

Trên chợ đời, loại người bán bòng ngọt thì vô số kể, ở mọi lãnh vực, kể cả những nơi linh thiêng. Bọn tuyên truyền xỏ lá, chính trị xa lông được báo chí đưa lên mây xanh; bộ máy tuyên truyền nhà nước biến những tay sát nhân thành đấng nhân từ, cha già của dân tộc. Mỗi mùa bầu cử ở các cấp, dân chúng đều được uống nước đường từ quả bòng.

Người Mỹ có lối nói giống như câu ca dao nầy. Họ dùng hai động từ “sell” và “buy”. Người đưa ra chính sách, lập luận v.v…làm hành động bán và người nghe theo là mua.

Lẫm rẫm, nghĩ lại nhiều khi mình đã uống nước ngọt bòng mà không rõ. Mình đã tiếp nhận những điều không đúng, từ vui đùa cho đến tủy não. Vui đùa thì: con ơi giữ lấy lời cha, một đêm ăn trộm bằng ba năm làm. Mà cũng không đùa chi mấy, thụt két thì khỏe ru, nói láo ăn tiền v.v…

Ở lớp ba ngày xưa 60 mươi năm trước, học sinh đã biết bài tập đọc Trí khôn của con người. Một con cọp nghe nói người rất khôn; nó gặp một nông dân đang cày ruộng và hỏi ông ta trí khôn con người ra mần răng. Ông đáp trí khôn ta để ở nhà. Chúa rừng năn nỉ muốn xem và yêu cầu ông ta về lấy cho coi. Ông đáp: Được nhưng khi ta đi thì chú mi thịt con trâu, vậy chú mi hãy để ta trói lại, trở lui ta sẽ mở ra. Con vật đồng ý. Nhưng khi trói xong, tay cày nầy dùng dao rựa thịt con cọp sau khi nói cho nó biết đấy là trí khôn của con người.

À ra, như vậy trí khôn con người chỉ là sự lừa đảo, mà còn tệ là lừa đảo con vật thuộc loài hạ đẳng. Con cọp uống nước đường bòng thì đã rõ, nhưng đầu óc non trẻ của học sinh đã khoái chí, còn nguy hiểm hơn trẻ con Mỹ ngày nay thích Coca Cola để mập phì bệnh hoạn.

Trước đây tôi dự tính gởi biếu đài Public TV mươi lăm đồng tượng trưng mỗi tháng. Nhưng tôi không những đã bỏ ý định nầy mà còn không xem nữa. Lý do: họ đã chiếu một phim dạy cách bắn nai trong mục thể thao ngoài trời. Để hạ một con thú ngơ ngác, họ dùng tất cả những thứ súng tân tiến nhất, những máy dò tinh vi, những ống kính hữu hiệu nhất như trong chiến tranh. Con thú đã vào ngay tụ điểm, như phi công đã đưa mục tiêu màn nhắm (to zero in).

Thời không xa lắm, những kẻ mà tây phương cho là những thằng mọi đen đã mã thượng tay đôi với các con thú. Trong cuộc chạy đua, nếu ta mệt thì mi sống thoát; nếu mi mệt nằm xuống ta sẽ bỏ mi vô nồi.

Văn minh ư? Mọi rợ ứ? Bán khai ư?
người khách lạtôn thất tuệ
Mây hạ thấp đưa người qua phố vắng
phố xa xăm phố ngắn khách đứng chờ
mua một cõi lòng đời sương tạnh
mua một thời vắng bóng nét trầm kha.

Trái bí đỏ vàng tươi giờ tan học
khấc khổ qua xanh ngọc ngón tay lành
lũ cà tím áo ai ngày nắng mới
thoảng hương trà vương vấn khối tình ngâu.

Người khách lạ xin mua ngàn thứ
nhét cho vừa túi nhạc lưng trời
bình mực cạn đong đầy mùa giao hưởng
thả rêu phong mái ngói xa vời.

Người khách lạ mời mua hành lý
ai mua giúp chiều mưa ngày cát bụi
đổ trên thây phấn nhạt hoa lài
xin bày bán những giờ chiêm nghiệm
bút dư thừa như dáo mác lãng du
lúc Hạng Võ vào đường bí tử.
Người khách lạ bán đứt dòng tâm cảm.
Không người mua, ai mấy thiết tha.

Mua rất nhiều bán chẳng được chi
người khác lạ cười tươi trong khối óc
nở thành hoa trên vũng bùn sình
ôm thế sự ngàn mây trong kẻ tóc
ngửa bàn tay hứng hết cả dòng đời
.-
xứ lạ cô đơn 1985