Mầm móng nổi dậy của người dân chống nhà cầm quyền CS ở Trung Quốc và Việt Nam trên không gian tin học đã bắt đầu. Nó đang đâm chồi nẩy lộc trong lòng dân chúng và phát triễn trong xã hội như truyền thông, thương mại qua mạng, như chiến tranh điện tử, máy bay không người lái, v.v... của thời đại tin hoc hiện giờ. Các chế độ độc tài đảng trị toàn diện như CS rất lo sợ, họ tìm đủ mọi cách chống đỡ - nhưng rất vô vọng trước đà tiến hoá của Con Người và tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật.
Báo Le Monde của Pháp ngày 19/9/’13, trong một bài xã luận nói Chủ Tịch Đảng Nhà Nước và Quân Uỷ Trung Ương của Trung Công là Tập Cận Bình lo sợ những «mầm móng nổi dậy» của người dân bị trị sinh sôi nẩy nở trên Internet. Nên Ông huy động Đảng Nhà Nước và guồng máy truyền thông là vũ khí tuyên truyền của Đảng Nhà Nước chống blogger. Và thầy sao trò vậy, TT Nguyễn tấn Dũng của Việt Cộng cũng lo sợ cuộc nổ bùng và nổ chụp xảy ra cho chế độ CSVN độc tài đảng trị toàn diện xuất phát từ Phong trào blogger VN yêu nước thương dân sử dụng vũ khí của thời đại như blog trên Internet; nên Nguyễn tấn Dũng ra Nghị Định 72 toan bịt miệng người dân Việt, trên không gian tin học.
Tập Cận Bình ở TC tuyên chiến với blogger vì sau cuộc thử nghiệm để cho bloggers tiếp tay phanh phui tham nhũng thấy blogs là một vũ khí vô cùng lợi hại. Tiến bộ khoa học kỹ thuật này giúp cho những nhà báo công dân, những người trí thức, những người yêu nước thương dân đem ánh sáng sự thật, ánh sáng của tự do, dân chủ, và quyền sống lại cho dân chúng và kết hợp quần chúng thành lực lượng. Điều đó làm cho tuyên truyền dối gạt của Đảng bị bể và làm cho dân hết sợ đòn khủng bố của CS để củng cố tuyên truyền của Đảng. Nếu đà nầy tiếp diễn chắc chắn sẽ có một vận động chiến, một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện của người dân chống đảng, nhà nước CS trên không gian tin học, châm ngòi cho thùng thuốc súng bất mãn của người dân bùng nổ trong không gian thực là xã hội Trung Quốc.
Tập Cận Bình nhận thấy làng dân báo, lực lượng bloggers của TQ làm việc rất hữu hiệu, đã phanh phui ra nhiều vụ tham nhũng, nhiều vụ bê bối của cán bộ, đảng viên CS khiến dân chúng công phẩn, công khai đòi hỏi, biểu tình đấu tranh, tạo áp lực làm cho Đảng Nhà Nước không trừng trị không được, như một bài báo Le Figaro nhận định trong thời điểm báo Le Monde ra xã luận noi trên.
Vì lẽ đó Đảng lo sợ, Nhà Nước cảm thấy bị nguy hiểm, ra tay ngăn chận. Một mặt trong nước, TC và VC trấn áp, bắt bớ hàng mấy chục bloggers chỉ trong mùa hè năm 2013, và ra lịnh cho ‘báo đài” của Đảng Nhà Nước tập trung chống «tung tin đồn thất thiệt». Mặt khác đối với quốc ngoại, Đảng Nhà Nước CS đổ tội cho lực lượng thù địch và một số cơ quan truyền thông Tây Phương không muốn nhìn thấy Trung Quốc phát triễn thịnh vượng nên đã điều khiển từ xa các tin đồn thất thiệt nhầm gây bất ổn cho Trung Quốc, như giám đốc của thông tấn xã của Đảng Nhà Nước TC là Tân Hoa Xã đã rêu rao.
Chưa đủ TC còn dùng những biện pháp hành chánh độc đoán, triệt để để triệt tiêu lực lượng blog của dân chúng, khỏi không gian tin học, khỏi môi trường tự do tin hoc trên Internet mà giới blogger đã lần lượt xây dựng. Đảng Nhà Nước ra “pháp lịnh” phạt tù 3 năm nếu ai trên mạng có một trang nhựt ký với thông tin nghị luận được hơn 5.000 người xem hay hơn 500 lần tweet. Đây là một hình thức kiểm soát và trừng phạt những ý kiến khác hay chống CS.
Về phương diện kỹ thuật, TC sử dụng hệ thống «Tencent’ (tiếng Hoa là "Đằng Tấn") để kiểm soát, kiểm duyệt thường xuyên bloggers từng phút, từng giờ. Đảng Nhà Nước bắt các tổ công tác của Tencent phải gắn những phương tiện kiểm duyệt vào các ứng dụng hay diễn đàn thảo luận mà họ phát triển. Đây là điều kiện để công ty có thể khai thác được thị trường 591 triệu khách hàng internet ở TC. Tencent và các nhà mạng khổng lồ bị TC ép buộc ở TQ “năng nổ” kiểm duyệt ngay trong trứng nước những ý kiến của người sử dụng, phải loại bỏ các bài đăng trên blog của những người dám tỏ ra chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc, lịch sử sóng gió của Đảng này hay những nhà lãnh đạo.
Còn ở VN, đệ tử của TC, phương tiện và kiến thức của Đảng Nhà Nước không được dồi dào như của TC. TT Nguyễn tấn Dũng của Việt Cộng ngày 15 tháng 7 rồi ký Nghị Định 72, ngày 01/09/2013 có hiệu lực. Cấm blog không được “đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp".
Những trương chủ trên các trang mạng xã hội như Facebook sẽ “chỉ được đăng thông tin của riêng cá nhân đó mà thôi, không được dẫn thông tin tổng hợp, tức là không được trích dẫn thông tin từ các cơ quan báo chí hay các trang web của cơ quan nhà nước". Nghị định cũng cấm luôn các công ty cung ứng dich vụ internet không được cho những điều mà Đảng Nhà Nước coi là “[thông tin] phá hoại an ninh quốc gia, trật tự xã hội và đoàn kết dân tộc, hoặc xuyên tạc thông tin, vu khống và bôi nhọ uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân."
Nghị định đòi hỏi các trang web lưu trữ nội dung để cung cấp các địa chỉ IP của người sử dụng vi phạm pháp luật của VNCS. Nó buộc Facebook và Google, muốn làm ăn ở VN phải theo điều kiện của nhà cầm quyền CSVN.
Cũng như quyết định của Tập cận Bình, nghị định của Nguyễn tấn Dũng bị cả thế giới phản đối. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF «yêu cầu toàn thể cộng đồng quốc tế lên án một cách nghiêm khắc Việt Nam, nếu chính quyền Việt Nam thực thi nghị định 72.” Tổ chức Human Rights Watch chỉ trích Nghị định 72 của Việt Nam là nhằm tăng cường trấn áp bất đồng tại quốc gia cộng sản độc đảng.
Toà Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam ra thông cáo có câu “Nghị định 72 dường như trái với nghĩa vụ của Việt Nam trong Công Ước Quốc Tế Về Các Quyền Dân Sự Và Chính Trị, cũng như những cam kết của Việt Nam trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Về Nhân Quyền”..
Hãng tin CNN dẫn lời ông Phil Robertson từ Human Rights Watch gọi Nghị định 72 là cái "vòng kim cô mà Việt Nam đặt lên đầu đám đông trong vấn đề kiểm duyệt internet".
Giới blogger Việt Nam lập thành tổ chức Mạng lưới Blogger Việt Nam, ra Tuyên bố 258 về nhân quyền Việt Nam, chống lại điều 258 Luật Hình Sự của VNCS. Tổ chức này đã cử người qua tận Thái Lan vào văn phòng đại diện Liên Hiệp Quốc và vào toà đại sứ Thụy Điển tại Hà Nội để trao. Đây là một hiện tượng dấu tranh mới, lần đầu tiên những người dân Việt dùng blog, facebook, Twiter kết họp lại chống CS qua một tổ chức quốc tế vận.
Trừ những người CS đang ở trong Bộ Chánh Trị như ban hội tề đầu óc bình vôi, ngồi trong đình làng luỹ tre bao bọc, nghĩ là có thể dùng một cái nghị định phản tiến hoá, phản nhân quyền để siết Internet, siết blog như cá nước chim trời. Chớ con người của thời đại tin học, kinh tế toàn cầu, dân chủ hoàn vũ, không ai tin như thế cả.
Những hành động và lịnh lạc của TC và VC cho thấy mầm mống nổi dậy của dân chúng đang sinh sôi nẩy nở như “cái quay búng sẵn trên trời”, còn CS thì như “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” trong Cung Oán Ngâm Khúc trong văn học Việt Nam
Vi Anh