Monday, 7 October 2013

BBC: Có nên thưởng cho đàn áp ở Việt Nam?

Phiên xử Luật sư Lê Quốc Quân
Chính quyền VN tuyên án phạt luật sư Lê Quốc Quân 30 tháng tù giam
Hoa Kỳ có vẻ tỏ ra chưa thực sự cương quyết với các hành xử được cho là đàn áp nhân quyền và các nhà bất đồng chính kiến ôn hòa ở Việt Nam, theo quan điểm của tờ Washington Post.
Liệu các quan chức cao cấp đại diện cho chính quyền Washington có nên nói thẳng với Việt Nam rằng chính quyền cộng sản nên chấm dứt các hành vi đàn áp, trong khi Việt Nam có nhu cầu tham gia vào các thỏa thuận kinh tế, thương mại ở Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là thỏa thuận Đối tác Thương Mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn đề cao nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế.

"Trong lúc thế lực của Trung Quốc gia tăng, Việt Nam nỗ lực làm việc để xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Chủ tịch nước Việt Nam đã đến thăm Nhà Trắng vào tháng Bảy."Câu hỏi này được tờ báo Mỹ đặt ra trong bài xã luận hôm Chủ Nhật. Bài báo mở đầu với nhận định về quan hệ song phương Mỹ - Việt:
"Sự kiện này đã khuyến khích sự tham gia của Mỹ vào các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và một số nước châu Á, bao gồm Việt Nam, và đang có đề xuất Việt Nam gia nhập cơ cấu Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại tự do với Hoa Kỳ và 11 quốc gia khác."
Bài báo nói chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã 'khuyến khích' động thái này như một phần của chiến lược "xoay trục" của Mỹ tới châu Á, nhằm 'cân bằng ảnh hưởng' của Trung Quốc.

'Bắt chước Trung Quốc?'

"Như Trung Quốc, Việt Nam đã mở cửa kinh tế cho đầu tư nước ngoài và thị trường tự do. Song cũng giống lãnh đạo mới của TQ, VN siết chặt giới bất đồng chính kiến trong năm qua"
The Washington Post
Tờ báo Mỹ cho rằng giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có điểm tương đồng trong hành xử với tự do nhân quyền:
"Nhưng không giống như hầu hết các nước láng giềng, Việt Nam đang làm rất ít để tự phân biệt với chế độ cộng sản ở Bắc Kinh.
"Như Trung Quốc, Việt Nam đã mở cửa kinh tế cho đầu tư nước ngoài và thị trường tự do. Song cũng giống lãnh đạo mới của Trung Quốc, Việt Nam đã siết chặt giới bất đồng chính kiến trong năm qua."
Bài báo hôm Chủ Nhật nêu con số thống kê cho thấy trong năm nay, ít nhất 46 nhà hoạt động ở Việt Nam đã bị bỏ tù vì chỉ trích đảng Cộng sản cầm quyền hoặc vì vận động cho nhân quyền.
Và nạn nhân mới nhất của chế độ cộng sản Việt Nam, theo Washington Post là một trong những nhà vận động 'nổi tiếng nhất và dũng cảm nhất' cho tự do rộng rãi hơn, ông Lê Quốc Quân.
Bài báo cho rằng luật sư Quân, 'một luật sư 42 tuổi, giáo dân Công giáo và blogger thẳng thắn,' đã gặp sự đàn áp có hệ thống trong một thời gian dài trước khi bị bắt và tin rằng lý do của việc này là ông Quân thách thức vai trò độc tôn của Đảng Cộng sản.
"Năm 2007, ông bị bắt ngay sau khi trở về từ khóa tu nghiệp theo học bổng ở Mỹ với Quỹ Quốc gia vì Dân chủ ở Washington, ông đã được chính quyền thả ra ba tháng sau đó sau khi có các phản đối từ Washington.
"Năm 2011, ông bị bắt một lần nữa vì quan sát phiên tòa của một nhà bất đồng chính kiến khác. Năm 2012, ông bị tấn công và bị hành hung bởi những người mà ông nói là nhân viên an ninh nhà nước.
"Đối mặt với tất cả những điều này, ông Quân vẫn tỏ ra kiên định, tiếp tục đăng tải trên trang blog của ông nhiều vụ lạm dụng nhân quyền và đưa ra các đề xuất cho tự do hóa chính trị."

'Câu hỏi trên bàn'

Biểu tình đòi thả ông Lê Quốc Quân
Người dân biểu tình trước phiên tòa xử luật sư Quân với cáo buộc trốn thuế
Tờ báo Mỹ trong phần kết của mình đưa ra một chỉ trích về thái độ được cho là 'thiếu mạnh mẽ' và 'thiếu nhất quán' của chính quyền Obama với việc 'đàn áp nhân quyền' của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam:
"Mặc dù ông Quân từ lâu đã là một người bạn của Hoa Kỳ, phản ứng của chính quyền Obama với bản án của ông Quân có vẻ không thực mạnh mẽ," bài báo viết và viết nhắc lại tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội sau phiên xử nhà bất đồng chính kiến:
"Việc sử dụng pháp luật về thuế của chính quyền Việt Nam bỏ tù các nhà chỉ trích chính phủ, bày tỏ quan điểm chính trị của họ một cách ôn hòa là đáng lo ngại."
Tuy nhiên, bài viết cho rằng tuyên bố này có thể là chưa đủ mà cần nhấn mạnh thêm rằng cách hành xử với nhân quyền ở Việt Nam đã đặt nước này 'mâu thuẫn' với Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị và tin rằng chính quyền của ông Obama cần phải có phản ứng thích đáng hơn nữa:
"Một câu hỏi đặt ra là liệu Hoa Kỳ sẽ không đặt Việt Nam ra ngoài vòng một liên minh thương mại tự do vốn dựa vào sự tôn trọng các quy định của pháp luật?
"Và liệu tuần tới đây khi các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ gặp gỡ các đối tác Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh châu ở Á, câu hỏi có nên được đặt lên bàn thảo luận hay là không," tờ Washington Post đặt câu hỏi.