Wednesday 9 October 2013

Vụ án Nguyễn Tấn Vinh và lập trường của nhân chứng Tạ Văn Tài

Lê Duy San
Năm 1965 ông Tạ Văn Tài còn là sinh viên Cao Học Luật và làm việc dưới quyền Kỹ Sư Trần Đỗ Cung. Vì ngoại ngữ khá nên ông được tuyển chọn cho sang Mỹ du học cùng với hai sinh viên khác. Ông Tài học tại Đại Học Virginia và tốt nghiêp Ph.D. Về nước ông xin tập sự luật sư tại văn phòng luật sư Tăng Thị Thành Trai ở số 9 Công Trường Lam Sơn. Vì có cấp bằng Ph.D ở Mỹ về, nên ông Tài chỉ phải tập sự có một năm và không phải thi tốt nghiệp. Ông được ghi tên vào Danh Biểu Luật Sư Đoàn Tòa Thượng Thẩm Saigon với tư cách là luật sư Thiệt Thọ vào ngày 26 tháng 1 năm 1970. 

Điều mà tôi muốn nói tới ông Tạ Văn Tài ở đây không phải là tư cách hay tước vị của ông mà là lập trường của ông và nhiệm vụ nhân chứng của ông trước tòa án.

Phiên tòa xử anh Nguyễn Tấn Vinh tại tòa Liên Bang Immigration Court không phải là phiên tòa xử tội anh Vinh. Tội anh Vinh là tội khủng bố, đã được xử tại Phi Luật Tân và anh đã thụ án xong. Nay anh trở về Mỹ sinh sống. Luật Sư Phạm Đức Tiến, hiện đang hành nghề tại Vùng Washington DC, chuyên về luật di trú và quốc tế cho biết: “Theo luật Di Trú, những người sống tại Mỹ và không phải là công dân Mỹ, có thể bị đưa ra tòa xử trục xuất nếu bị kết án về tội đại hình (felony) hay những tội có tính cách xấu xa (crime involving moral turpitude). Vì thế anh Vinh đã bị đưa ra tòa Liên Bang Immigration Court để xử trục xuất anh.

Cũng theo Luật Sư Phạm Đức Tiến thì người bị đưa ra tòa có thể xin được hưởng 3 khoan miễn sau:

A/  Khoan miễn thứ 1: Xin tỵ nạn (Asylum)

Muốn được hưởng khoan miễn thứ 1, người bị trục xuất phải là những người hoạt động chính trị tức các chính trị gia hoặc là những người bất đồng chính kiến, không muốn sinh sống tại quốc gia mình nữa. Thí dụ như chúng ta, không thích sống dưới chế độ Cộng Sản, chúng ta là những người bất đồng chính kiến với chính quyền Công Sản nên chúng ta được Hoa Kỳ cho hưởng quy chế tỵ nạn.

Anh Nguyễn Tấn Vinh là người không chấp nhận chế độ Công Sản Việt Nam nên anh có thể được coi là người bất đồng chính kiến. Anh cũng có thể coi là chính tri gia vì anh là thành Viên Chính Phủ Việt Nam Tự do của ông Nguyễn Hữu Chánh, anh cũng là thành viên của đảng Dân Tộc. Nhưng vì hoạt động của anh tại Phi Luật Tân bị tòa án Phi Luật Tân kết án về tội khủng bố. Đây là một tội hình sự với trường hợp gia trọng (aggravated felony) nên anh không thể được hưởng khoan miễn thứ 1, tức được hưởng tỵ nạn (Asylum).

B/ Khoan miễn thứ 2: Xin đình chỉ/tạm hoãn trục xuất (Withholding of Removal)

Đối với khoan miễn thứ 2, thì án phạt mà can phạm bị kết án phải dưới 5 năm. Tội của anh Nguyễn Tấn Vinh là tội hình sự với trường hợp gia trọng và án phạt là 5 năm.  Nên  anh Nguyễn Tấn Vinh cũng không có thể được hưởng khoan miễn thứ 2.

C/ Khoan miễn thứ 3: Xin khoan miễn trục xuất vì sợ bị tra tấn nếu bị trả về nguyên quán (Relief under Convention Against Torture).

 Vậy thì chỉ còn chiếc phao cuối cùng mà các luật sư của anh Vinh hy vọng đó là khoan miễn thứ 3 tức khoan miễn vì sợ sẽ bị tra tấn nếu bị trả về Việt Nam.

Luật sư Joseph Sandoval, luật sư của anh Vinh qủa là một luật sư giỏi, đã nhìn thấy rõ vấn đề và đi thẳng vào vấn đề này. Ông đã đưa ra rất nhiều nhân chứng quan trọng và có tên tuổi như:

1/ Cựu Quốc Trưởng Việt Nam Cộng Hòa, Đại Tướng Nguyễn Khánh,
2/ Cựu tù cải tạo Cộng Sản Việt Nam, Linh Mục Phan Phát Huồn,
3/ Thủ Tướng chính phủ Việt Nam Tự Do Nguyễn Hữu Chánh,
4/ Hai người Mỹ là ông Dennis Catron, cựu chủ tịch đảng Cộng Hòa của tiểu bang California, ông Arron Cohen, một nhân vật hoạt động chống tệ nạn  buôn bán nô lệ tình dục trẻ em và bà Bùi Kim Thành, một luật sư hành nghề tại Việt Nam mới tỵ nạn tại Hoa Kỳ.

Nếu phía Công tố không mời nhân chứng là Luật Sư Tạ Văn Tài hay Luật Sư Tài từ chối lấy cớ là mình có liên hệ với Cộng Sản Việt Nam, sợ lời chứng không được vô tư, thì chắc ông Chánh Án Richard D. Walsh đã tìm nhân chứng khác. Nhưng ông Tài đã không từ chối và lời chứng của ông đã khiến ông Chánh Án Walsh phải nghị án từ 2 đến 4 tuần lễ để suy nghĩ cho kỹ càng hơn mới có thể ra phán quyết. 

Ông Tạ Văn Tài đã làm chứng những gì và đã khai thế nào trước toà?

Chúng ta biết, ra trước tòa, các nhân chứng cũng như hai bên nguyên bị đều phải giơ tay tuyên thệ sẽ nói sự thật và tất cả sự thật. Toà đã hỏi gì và ông Tài đã trả lời ra sao? Ông Tài có nói đúng sự thật không ?

Ông Tài cho biết Tòa chỉ yêu cầu ông trình bày một điểm là liệu có  triển vọng (probability or not) có sự tra tấn (torture) những người bị trả về Việt Nam hay không?   Ông Tài đã trả lời là: “Tôi ước đoán là có một triển vọng khá cao là không có sự tra tấn anh Vinh”. 

Ông Tài là một expert witness, ông lại là một giáo sư Luật học và ông cũng đã nghiên cứu kỹ luật pháp của Việt Cộng. Chẳng lẽ ông không biết là dưới chế độ Cộng Sản, luật pháp không phải là để bảo vệ người dân mà là để bảo vệ chế độ. Chẳng lẽ ông không biết Luật Sư dưới chế độ Cộng Sản cũng không được tự do hành nghề nhất là trong các vụ án có liên quan đến chính trị. Chẳng lẽ ông không biết rằng Việt Công thù ghét những người  chống đối chúng với mục đích lật đổ chế độ như thế nào hay sao, mà lại cho rằng Việt Cộng sợ những người bất đồng chính kiến hơn những người như anh Vinh cho nên ông đã ước đoán là có triển vọng khá cao là không có sự tra tấn Anh Vinh nếu anh bị trả về Việt Nam. Là một expert witness, chẳng lẽ ông không biết ngụy quyền Cộng Sản Việt Nam đã bắt hai nhà Phật học thông thái là Thượng Tọa Trí Siêu và Thượng Tọa Tuệ Sĩ ở chùa Già Lam, rồi lên án tử hình ngày 30-9-1988 về tội “âm mưu lật đổ chính phủ” ?
Lời chứng của ông Tài như vậy có đúng sự thật không? Một câu nói chết người như vậy mà thư gửi cho tôi, ông Tài còn giám nói với tôi là ông có lòng từ bi, bác ái với những người như anh Vinh?  Trong một đoạn khác, ông Tài nói: “Tuy tôi không đồng ý với việc bạo động để đạt thành quả Dân Chủ cho Việt Nam, nhưng tôi coi anh Vinh là người trẻ tuổi, non dạ và bị kẻ lừa đảo, lợi dụng sự hăng say của tuổi trẻ, họ đứng đằng sau giật giây cho nên rút cục anh Vinh phải nhận trước tòa Phi Luật Tân và Mỹ là lầm lẫn.

Biết là anh Vinh bị lợi dụng, biết là anh Vinh lầm lẫn, lại có lòng từ bi bác ái, sao ông Tài không trả lời đúng với sự thật và lương tâm của mình trước tòa là: “Tôi ước đoán là có một triển vọng khá cao là có sự tra tấnanh Vinh nếu anh bị trả về Việt Nam”Tôi nghĩ rằng câu này, nói theo kiểu ông Tài, có triển vọng khá cao là có sự tra tấn mới thật sự là đúng với tình trạng nhân quyền ở Việt Nam hiện nay. Rất tiếc, không hiểu vì lý do gì ông Tài đã không trả lời Tòa như vậy. Phải chăng ông đã quên là ông đã trưởng thành trong chế độ Việt Nam Cộng Hoà, cấp bằng Ph.D mà ông đã có và nhờ đó mà ông mới có cái danh vị giáo sư Đại Học Luật Khoa và Quốc Gia Hành Chánh là nhờ ở học bổng mà chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cấp ? Và ông đã quên luôn cả một người anh đã chết trong lao tù Cộng Sản ? Hay là ông muốn nói rằng chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là một chế độ tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền ?

Thật đáng tiếc !

Tôi không biết chính phủ Việt Nam Tự Do của ông Nguyễn Hữu Chánh là chính phủ gì. Tôi không biết đảng Dân Tộc là đảng gì. Nhưng dưới mắt tôi, hành động anh Nguyễn Tấn Vinh là hành động của một thanh niên yêu nước, muốn lật đổ chế độ Cộng Sản Việt Nam là một trong những chế độ độc tài, dã man và tồi tệ nhất thế giới. Tôi xin ngả nón chào anh Nguyên Tấn Vinh và chúc anh may mắn.

Nhà đấu tranh Nguyễn Tấn Vinh vẫn chưa biết có bị trục xuất không Tuesday, October 08, 2013 8:25:48 PM 


Bài liên quan
PASADENA, California (NV) - Nếu bị trục xuất về Việt Nam, liệu ông Nguyễn Tấn Vinh, một thành viên của đảng Dân Tộc Việt Nam, có bị nhà cầm quyền nước này hành hạ, tra tấn không?

Ðó là câu hỏi then chốt mà Tòa Kháng Án Khu Vực 9 ở Passadena phải trả lời, trong vụ xử cuối cùng liên quan đến nhà đấu tranh đòi dân chủ này.

Nếu nguy cơ ông sẽ bị chính quyền Việt Nam tra tấn, hành hạ cao hơn là không bị, và chỉ trong trường hợp này thôi, thì tòa mới có thể cho phép ông được ở lại Mỹ theo một diện gì đó.
alt
Ông Nguyễn Tấn Vinh (trái) cùng một số thành viên của đảng Dân Tộc Việt Nam, tuần hành trước cửa Tòa Kháng Án Khu Vực 9 (Apellate Court, Ninth Circuit) ở Passadena, trước phiên xử quyết định có trục xuất ông hay không, vào ngày 8 tháng Mười, 2013 (Hình: Hà Giang/Người Việt)
Tòa Kháng Án Khu Vực 9 là tòa án liên bang có thẩm quyền cao nhất nước Mỹ (chỉ dưới Tối Cao Pháp Viện) và phán quyết của tòa sẽ định đoạt thân phận của ông.

Câu hỏi thoạt nghe thì đơn giản, nhưng câu trả lời cho vụ án kéo dài nhiều năm không dễ dàng chút nào.

Không khí trong phòng xử có lúc căng thẳng đến nặng nề. Khác với những vụ án trước đó, mà luật sư mỗi bên chỉ được trình bày từ 10 đến 15 phút, vụ xử ông Nguyễn Tấn Vinh kéo dài gần hai tiếng đồng hồ.

Trên tòa, ba vị thẩm phán Harry Pregerson, Kim McLane Wardlaw và Richard C. Tallman, lúc thì chăm chú ngồi nghe, lúc hỏi lại cho cặn kẽ phần trình bày của luật sư hai bên.

Ở phía dưới, người đến chứng kiến phiên tòa, đa số là người Mỹ gốc Việt, cũng chăm chú nghe, dù có thể không thấu hiểu hết được những điều đang được thảo luận.

Ngồi trong chiếc xe lăn, ở hàng ghế đầu, cụ bà Nguyễn Thị Tìm, thân mẫu của ông Nguyễn Tấn Vinh, năm nay 87 tuổi, thỉnh thoảng lại sốt ruột quay hỏi người bên cạnh: “Nghe như vậy thì có cơ hội không cháu?”

“Khó biết lắm bác,” một người với nét mặt trầm ngâm trả lời.

Trước đó vài giờ, gần 100 đồng hương Việt Nam thuộc mọi lứa tuổi, mang biểu ngữ, cờ vàng, tuần hành trước cửa tòa để tỏ bày quan điểm về vụ án này.

“Do not deport Vinh Nguyen to communist country,” một tấm biểu ngữ viết.
Và một tấm khác: “Mr. Nguyen Tan Vinh's fighting for Democracy of Vietnam, do not deliver him to communist VN.”

Một phần lớn thời gian được các thẩm phán và luật sư hai bên duyệt lại các sự kiện khiến ông Vinh bị nhiều tòa dưới quyết định nên trục xuất.

alt

Biểu ngữ kêu gọi tòa đừng trục xuất ông Nguyễn Tấn Vinh về Việt Nam. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Vào dịp kỷ niệm Ngày Quân Lực 19 Tháng Sáu, 2001, ông Vinh và nhiều thành viên khác của đảng Dân Tộc Việt Nam, hậu thân của Chính Phủ Việt Nam Tự Do, một tổ chức từng do ông Nguyễn Hữu Chánh lãnh đạo, đồng loạt tổ chức các vụ đặt bom trước hai tòa Ðại Sứ Việt Nam tại Manila và Bangkok để “gióng lên tiếng nói phản đối chế độ độc tài toàn trị và việc đàn áp nhân quyền của nhà cầm quyền Hà Nội,” theo lời của các thành viên đảng Dân Tộc Việt Nam.

Dự tính không thành, ông Vinh, một thường trú nhân Hoa Kỳ, qua Mỹ định cư từ năm 1985, bị bắt giam tại Manila, Philippines, và sau đó được đưa về Hoa Kỳ để xử tội, bị chuyển hết từ nhà tù này qua nhà tù khác, rồi cuối cùng được tại ngoại hậu tra để chờ tòa quyết định xem có trục xuất không.

Ðầu đuôi của nguy cơ trục xuất là khi bị bắt tại Philippines, ông Vinh dùng giấy thông hành (passport) của ông Võ Ðức Văn, em trai và là đồng chí của ông. Sự việc đổ bể trong cuộc điều tra của Interpol, nên ông bị FBI đòi Philippines dẫn độ về Hoa Kỳ.

Khi trở về Hoa Kỳ, ông bị kết án dùng giấy thông hành giả để hỗ trợ việc khủng bố. Và theo luật pháp Hoa Kỳ, khi một thường trú nhân phạm pháp thì không được ở lại đất nước này. Các luật sư biện hộ đã dùng Công Ước Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Về Chống Tra Tấn (UN Convention Against Torture) để xin tòa không trục xuất ông, nhưng yêu cầu này đã bị các tòa dưới từ khước. 

alt
Ông Võ Đức Văn, em trai và là ngừơi đảm trách việc hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Tấn Vinh, (trái) nói chuyện với Luật Sư Gary Silbiger. (Hình: Hà Giang/Người Việt)


Luật Sư Gary Silbiger, đại diện cho ông Vinh, lập luận rằng Công Ước Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc Về Chống Tra Tấn (UN Convention Against Torture) được áp dụng với tất cả mọi người hiện đang có mặt tại Hoa Kỳ, bất kể có hợp pháp hay không.

Luật Sư Lior Jentzer, đại diện cho Bộ Tư Pháp Mỹ, trình bày tóm tăt rằng ông Vinh là một người phi pháp, không có diện để ở lại Hoa Kỳ, và cũng chưa chứng minh được là nếu trở về Việt Nam ông sẽ bị tra tấn.
Ðơn cử một bản tường trình của tổ chức Human Rights Watch, Luật Sư Gary Silbiger nói rằng nhà cầm quyền Việt Nam thường hay tra tấn các tù nhân chính trị bằng cách đánh đập và cho điện giật.

Thẩm Phán Kim McLane Wardlaw yêu cầu Luật Sư Gary Silbiger chỉ vào trang nào trong bản tường trình có câu đó, vì các vị thẩm phán không tìm thấy đoạn này.

alt

Cụ bà Nguyễn Thị Tìm, thân mẫu ông Nguyễn Tấn Vinh, ngồi xe lăn đến ủng hộ con trai. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Các vị thẩm phán, có vẻ tỏ ra muốn được thuyết phục là nếu trở về Việt Nam, xác suất ông Vinh sẽ bị tra tấn rất cao, đã quyết định cho phía luật sư của ông Vinh thêm hai ngày để nộp thêm những chứng cớ này, kể cả chứng cớ ông Vinh từ 20 năm nay là thành viên của đảng Dân Tộc Việt Nam, và vẫn thường đi đó đây để đấu tranh đòi dân chủ nhân quyền cho Việt Nam.

Khoảng gần 1 giờ trưa, phiên tòa kết thúc, sau khi Thẩm Phán Harry Pregerson cho biết rằng sự việc sẽ được mang ra bàn luận với một số thẩm phán khác của tòa theo thủ tục “En Banc,” nghĩa là quyết định không chỉ do ba vị thẩm phán ngồi nghe trình bày kết luận, mà sẽ được thảo luận chung.

Ông Philip Koebel, một luật sư có văn phòng ở Pasadena, đến tham dự phiên tòa vì “rất thích ngồi nghe Thẩm Phán Harry Pregerson xử,” bày tỏ: “Vụ án hết sức thú vị. Tôi cho rằng bên luật sư của Bộ Tư Pháp không công bằng và không thật thà khi nói rằng không có chứng cớ nhà cầm quyền Việt Nam sẽ tra tấn ông Vinh khi trở về nước.”

Ðược hỏi cảm tưởng trước và sau phiên xử, ông Nguyễn Tấn Vinh trả lời: “Tôi rất vui là các vị thẩm phán có vẻ am hiểu tình hình Việt Nam, và tỏ ra thông cảm với mình. Còn kết quả thế nào chưa biết, vì đây là một vụ án mà kết qủa có thể bị ảnh hưởng về tình hình chính trị.”

Cụ bà Nguyễn Thị Tìm tâm sự rằng “chỉ biết cầu nguyện,” và khẳng định “đồng ý với chọn lựa đấu tranh cho đất nước của các con.”

Luật Sư Gary Silbiger cho biết khi một vụ án tại Tòa Kháng Án Khu Vực 9 được đưa vào thủ tục “En Banc” thì có thể từ ba tháng đến một năm mới có kết quả.