Tuesday, 26 November 2013

CUỘC KHỦNG HOẢNG VỀ GIÁN ĐIỆP GIỮA ÚC VÀ NAM DƯƠNG

Trong hai tuần qua, chúng ta đã được nghe nói rất nhiều đến tình trạng căng thẳng xảy ra giữa các nước đồng minh Tây phương, một bên là Hoa kỳ và một phần nhỏ hơn là Úc, còn bên kia là các nước Đức, Pháp ở Âu châu và Nam dương, Mã lai ở Á châu.

Tất cả bắt nguồn từ những tài liệu mật của Sở An Ninh Quốc Gia Hoa kỳ NSA bị một nhân viên khế ước là Edward Snowden tiết lộ, cho thấy Hoa Kỳ đã cài đặt những dụng cụ nghe lén các cơ quan và nhân vật đầu não của những quốc gia thân thiện.
Riêng đối với Úc, vấn đề đưa đến một loạt những thử thách về an ninh quốc phòng cho chính phủ Tony Abbott bao gồm: gián điệp trên mạng, công bố các tài liệu mật, sự quan tâm về chi tiết cá nhân, hiện tượng ồn ào về chính trị và tất cả những sự tế nhị và phức tạp của mối liên hệ giữa Úc và Nam Dương.

Nói theo kiểu những người điểm phim, trước hết, xin được …
Sơ lược cốt chuyện.
Edward Snowden là một nhân viên khế ước của Sở An ninh Quốc gia Hoa kỳ. Anh ta đào tỵ, đem theo một số tài liệu mật rất lớn và hiện nay đang sống dưới một hình thức tỵ nạn ở Nga sô, nơi trú ẩn của những “nhà dân chủ anh hùng” đang trên đường đào tẩu. Anh ta tiếp tục nhả ra những bí mật về hoạt động tình báo trên mạng của Hoa kỳ. Cao điểm gồm có việc NSA nghe lén điện thoại của bà Thủ tướng Đức Angela Merkel. Một cao điểm khác là việc Hoa kỳ nhận được hàng tấn dữ kiện về các cú gọi điện thoại vả điện thư ở Âu châu.
Edward Snowden
Edward Snowden
Anh Snowden bắt đầu mang rắc rối đến cho nước Úc khi anh tiết lộ một vài toà đại sứ (trong đó có Jakarta) và lảnh sự (trong đó có Bali) của Úc ở Đông Nam Á đã hợp tác với Hoa kỳ để ngăn chận những cú điện thoại và điện thư liên quan đến cấp lãnh đạo các quốc gia này. Anh ta tiết lộ thêm rằng tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Bali năm 2007, Úc đã hợp tác với Hoa kỳ để nghe lén tin tức của nhiều nhà lãnh đạo tham dự.
Điều này dẫn đến những sự phản đối theo thủ tục thông thường của các quốc gia Đông Nam Á liên hệ, trừ Nam Dương với những hàng tít lớn trên trang nhứt của báo chí và một phản ứng bài Úc. Đặc biệt, Ngoại trưởng Marty Natalegawa, trong một sự can thiệp ngày càng có vẻ như muốn leo thang, nói cuộc tranh luận này có thể khiến Jakarta phải xét lại xem có nên tiếp tục hợp tác với Úc nữa hay không trong vấn đề chia sẻ các tin tức tình báo về khủng bố và nạn buôn người. Ông cũng muốn Úc phải cam kết từ nay không được làm như thế nữa, một cam kết mà ngay chính ông ta cũng biết là không một chính phủ Úc nào có thể nói ra.
Để hiểu rõ câu chuyện, chúng ta hãy thử …
Mổ xẻ ngọn ngành.
Đầu tiên là vấn đề gián điệp. Hoa Kỳ không có làm điều gì mà các nước khác trên thế giới có khả năng đã không làm, từ Trung cộng sang đến Nga sô cũng như các quốc gia Đông Nam Á. Chuyện quốc gia này “nghe lén” quốc gia kia là chuyện cơm bửa.
Tuy nhiên, Hoa kỳ đã phạm tội nghiêm trọng khi đã không bảo vệ được những bí mật.
Đây là một sự hoàn toàn trớ trêu. Cuối thập niên 1940’s, Hoa kỳ đã cắt đứt gần như hoàn toàn việc chia sẻ tin tức tình báo với Úc vì nước sau này đã không giữ mật được tin tức. Đã có lúc cơ quan KGB của Sô viết đã có một tổ hoạt động trong lòng Bộ Ngoại giao Úc.
Bây giờ thì tình thế đổi ngược. Canberra không thể tin tưởng Hoa kỳ với các tin mật. Lý do từ đâu ?
Có nhiều động thái cùng xảy ra một lúc. Sau cuộc khủng bố 11/9, cơ quan tình báo Hoa kỳ bị chỉ trích là đã không chia sẻ tin tức đầy đủ. Họ có nhiều đầu mối nhưng không ai liên kết chúng lại với nhau.
Như thường lệ, Hoa kỳ đã phản ứng quá mức. Hậu quả là quá nhiều người biết quá nhiều tin tức.
Rồi, với cuộc chiến ở Iraq và Afgahnistan và các chiến dịch chống khủng bố ở những nơi khác trên thế giới, các nhà chỉ huy quân sự cần tin tức nóng hổi. Từ đó, thay vì nhận báo cáo từ các cơ quan tình báo, càng ngày họ càng có nhiều “chuyên viên” thu lượm những dữ kiện đó cho họ.
Và từ đó, những người như Snowden mới có chỗ đứng. Tóm gọn, anh ta là một tên phản quốc, một kẻ vịn vào “sự chống đối ý thức hệ” với quốc gia đã sinh dưỡng anh ta. Là chuyên viên quản trị hệ thống của NSA, Snowden thuộc nhóm người nguy hiểm nhứt trên thế giới vì họ là những người khó kiễm soát nhứt. Cần phải có luật lệ thật chặt chẻ, áp dụng triệt để và kiểm soát gắt gao cho những người như thế. Điều này đã không xảy ra với Snowden.
Sau khi đào tỵ, anh ta đến Hồng Kông và sau đó sang cư trú ở Nga sô. Không cần phải là một Sherlock Holme chúng ta cũng có thể hình dung được là các nhà chức trách của Trung quốc và Nga sô đã lục soát các máy tính của anh này không chừa một khe hở. Nhưng anh ta dường như còn một kho tàng dữ kiện chứa ở đâu đó. Trong tương lai chắc chắn sẽ còn những tiết lộ giựt gân nữa.Hy vọng tốt nhứt của NSA là đến một lúc nào đó, những tiết lộ này sẽ trở nên nhàm chán đối với công chúng, tương tự như Wikileaks.
Có điều là những tiết lộ của Snowden cho đến nay cũng không có gì quá đặc sắc. Điện thoại của bà Merkel nổi tiếng là không an toàn và có thể được hầu hết các cơ quan tình báo Âu châu lắng nghe. Hàng tấn dữ kiện về các cú gọi và điện thư ở Âu châu thực sự là do chính các nước này thu nhận và trao cho Hoa kỳ cất giữ và phân tích.
Nguyên tắc ngoại giao cổ điển.
Một mối nguy lớn là Barack Obama và/hoặc quốc hội Hoa kỳ vì quá bẻ mặt với các tiết lộ này lại sẽ phản ứng quá mức và sẽ đặt ra những giới hạn cho NSA cùng các cơ quan khác của Mỹ, những giới hạn mà các gián điệp Trung cộng, Nga sô, Ba Tư hay bất cứ nước nào khác cũng không bị ràng buộc.
Chính quyền Obama cần phải áp dụng một phương châm cổ điển của ngành ngoại giao: chỉ đứng đó, đừng làm gì hết. Gật đầu một cách nghiêm trọng, lắng nghe, mĩm cười khi thích hợp, biểu tỏ sự thông cảm nhưng không làm điều gì để tự trói tay chúng ta ra sau lưng.
Tương tự, Thủ tước Úc Tony Abbott và bà Ngoại trưởng Julie Bishop cũng nên đối xử như thế. Không có điều gì mà họ có thể làm hay bình luận về những hoạt động tình báo của Úc trong quá khứ mà sẽ mang lại lợi ích gì trong giai đoạn này. Cũng như họ không thể hứa hẹn với Nam Dương là họ sẽ không “tái phạm” ! Một cách căn bản, họ phải dịu ngọt để cho sự kiện này trôi qua êm thắm.
Abbott & Bishop in Parliament
Thủ tướng Tony Abbott và Ngoại trưởng Julie Bishop của Úc
Trên một vài phương diện, đây chính là sở trường của Thủ tướng Abbott. Ông đã và đang chịu đựng hàng loạt tấn công từ chu kỳ truyền thông 24 tiếng cũng như các mạng lưới xã hội. Các mạng lưới này đồng nghĩa với chuyện mỗi nhóm thiểu số, mỗi tay cực đoan và mỗi quan điểm cấu kết phe đảng có thể gây ổn ào nhiểu hơn vài năm trước đây rất nhiều.
Phản ứng với những sự ồn ào đó dễ đưa đến những chính sách sai lầm. Sự thách thức của giới lãnh đạo chính trị hiện nay là sự phân biệt giữa các tiếng nói hiếm hoi đòi hỏi những hành động khẩn cấp và các tiếng động ồn ào rộng rãi cần phãi được bỏ ngoài tai.
Trở lại với Jakarta, phản ứng của Nam dương có vẻ hơi quá đáng. Chúng ta chấp nhận mỗi nước đều có tinh thần tự ái dân tộc. Nhưng thử thách với chính quyền Jakarta là đừng đi quá trớn, vì quyền lợi của chính họ hơn là quyền lợi của nước Úc. Khó mà biết được phản ứng chính thức của Nam Dương xuất phát từ Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono, người cần cho thấy một chính phủ có tinh thần quốc gia cao độ, hay từ Ngoại trưởng Natalegawa, người muốn có một hình ảnh ở mức độ cao hơn sau kỳ bầu cử vào năm tới.
SBY & Natalegawa
Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono và Ngoại trưởng Marty Natalegawa của Nam Dương
Tuy nhiên, theo bỉnh bút Greg Sheridan của nhật báo toàn quốc The Australian, có vài điều mà Úc có thể làm được để xoa dịu tình hình.
Thứ nhứt, đừng quá chú trọng về vấn đề viện trợ. Viện trợ luôn luôn tạo ra sự bất bình. Nó gần như không bao giờ tạo nên tình hữu nghị. Hãy nhìn Hoa Kỳ viện trợ bao nhiêu cho Ai cập và Pakistan rồi xem hữu nghị giữa Mỹ và các nước này đi đến đâu.
Viện trợ đem lại ảo ảnh là chúng ta có quyền kiểm soát. Nhưng chúng ta không kiểm soát được. Ông Sheridan không đề nghị cắt đứt viện trợ nhưng muốn Úc hãy ngưng nói về chuyện đó vì nó càng gia tăng tự ái dân tộc của Nam Dương.
Thứ nhì, chính sách cứng rắn của chính phủ Abbott về người tầm tỵ dần dần sẽ được Nam Dương hổ trợ và tôn trọng. Nhưng điều này cần đòi hỏi thì giờ.
Một số lời tuyên bố của các chính trị gia Liên đảng trong thời gian vận động bầu cử không giúp ích cho chuyện này. Nhiều người dân Nam Dương đã chán ngấy với sự thiếu nhất quyết của chính phủ Úc trong sáu năm qua. Tony Abbott không nên đi vào vết xe đó.
Thứ ba, sự thiếu vắng về đầu tư và thương mại giữa hai quốc gia khiến cho mối liên hệ không có những tiếng nói mạnh mẽ với chính trị gia hai nước. Tuy Úc nay đã có Thủ tướng Abbott và Ngoại trưởng Bishop chủ trương hợp tác chặt chẻ với Jakarta nhưng Úc cần có nhiều người như thế hơn nữa.
“Thuyền to thì sóng lớn”, đây là một thử thách lớn lao cho chính phủ Abbott trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ. Nhưng mọi chỉ dấu cho thấy con tàu đang đi đúng hướng với số lượng tàu tầm tỵ hiện nay chỉ còn ở mức độ nhỏ giọt.

HƯNG VIỆT (Brisbane)