Tuesday 26 November 2013

Hiến pháp mới chỉ kéo Việt Nam xuống hố - Phạm Trần


Phạm Trần (Danlambao) - Việt Nam chưa biết đi về đâu sau khi Hiến pháp 2013 được Quốc hội Khóa 13 chấp thuận ngày 28/11/2013 mà không có trưng cầu ý dân là hình ảnh tồi tệ lịch sử mà 500 Đại biểu của “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” phải mang theo suốt đời.

Đó là hậu quả của hai năm nhà nước tiêu phí tiền bạc của dân từ 2011 để “bày” ra các cuộc thảo luận “bánh vẽ dân chủ” giữa các tổ chức và cơ quan của đảng với vài cuộc họp của Quốc hội chưa bao giờ làm tròn nghĩa vụ là “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân”.

Được tiếp sức bằng lời tự khoe của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có 26 triệu lượt người dân góp ý với Hiến pháp mới, nhưng không đồng ý là chuyện người dân phải tuyệt đối tránh để an thân, Hiến pháp có chủ tâm “diệt dân chủ để duy trì độc tài” đã đạt mục đích bảo đảm cho đảng Cộng sản Việt Nam được tiếp tục “lãnh đạo nhà nước và xã hội” bằng mọi giá mà không cần biết có thuận lòng dân hay không.

Ông Nguyễn Sinh Hùng đã tự an ủi cho hành động “một chiều” của Quốc hội rằng: “Chúng ta đã làm việc với một tinh thần trách nhiệm rất cao... Chúng tôi làm việc với tinh thần rất cần mẫn, rất khiêm tốn và rất cầu thị để tiếp thu cho được tinh hoa trí tuệ của nhân dân.”

Nhưng thế nào là “tinh hoa trí tuệ của nhân dân” khi những ý kiến không hợp lòng đảng, khuyên đảng từ bỏ độc quyền lãnh đạo, bỏ lấy Chủ nghĩa phá sản Cộng sản làm nền tảng xây dựng đất nước để xây dựng một nhà nước thật sự của dân qua lá phiếu bầu cự tự do đã bị lên án là hành động chống đảng, chống nhà nước của các “thế lực thù địch”?

Ban Chấp hành Trung ương đảng cũng đã tự dối lòng mình khi tự đề cao những việc làm “dân chủ giả hiệu” tại Hội nghị Trung ương 8 từ ngày 30/9 đến ngày 9/10/2013: “Trong thời gian qua, chúng ta đã phát huy cao độ tinh thần dân chủ và ý thức trách nhiệm, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia ý kiến xây dựng Hiến pháp; việc đóng góp ý kiến xây dựng Hiến pháp thực sự là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị...”.

Điều đáng bị lên án nhất đối với Quốc hội là trong suốt Kỳ họp 6, từ 21/10 đến 29/11/2013, họ đã không dám tổ chức các cuộc thảo luận dân chủ với nhân dân về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, mặc dù đã nhận được Kiến nghị của nhóm 72 Trí thức và hàng ngàn người khác; của các Tổ chức Tôn giáo lớn gồm Công giáo, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy, Tin Lành và hàng ngàn Công dân tự do.

Ngược lại Quốc hội đã đóng cửa bảo nhau làm theo chỉ thị của Bộ Chính trị bác bỏ tất cả mọi ý kiến xây dựng một Hiến pháp dân chủ thật sự để mở ra một kỷ nguyên mới đoàn kết toàn dân, hòa hợp hòa giải dân tộc, đổi mới tư duy, chôn vùi quá khứ chính trị độc quyền tù túng và lỗi thời để đưa đất nước tiến lên hạnh phúc, phú cường cho toàn dân.

Nổi bật của sự lệ thuộc vào đảng của Quốc hội là không ai trong số 500 Đại biểu dám chống lại Điều 4 dành độc quyền lãnh đạo toàn diện cho đảng mà không do dân bầu, dù ai cũng biết như thế là trái với Khoản 1, Điều 2 viết rằng: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.” 

Những hạn chế và vi phạm


Thứ hai, dù biết có nhiều điều viết mới đã cố tình hạn chế “Quyền con người, Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của Công dân”, cho phép nhà nước “tự ý suy diễn” để cưỡng chế và “giải thích tùy tiện” để đàn áp nhưng Quốc hội vẫn đồng ý mà không hề tham khảo với các chuyên viên về Nhân quyền, Pháp luật và Hiến pháp.

Tỷ dụ như điểm 2 của Điều 14 viết rằng: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.”

Đến quyền của dân muốn thực thi những “quyền tự do căn bản” của mình thì lại bị hạn chế trong điểm 4 của Điều 15: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.”

Những ràng buộc mơ hồ này đã cho phép nhà nước được tự do hạn chế các quyền của công dân để chà đạp nhân quyền theo cách biện giải vô trách nhiệm của mình mà vẫn không bị lên án vi phạm Hiến pháp.

Trong lĩnh vực Tôn giáo, Điều 24 viết:

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Nhưng trong thực tế các quyền này đã bị “hạn chế” và “kiểm soát tối đa” đến gần như “vô hiệu hóa” Hiến pháp bởi Nghị đinh 92/2012/NĐ-CP về “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 08/11/2012.

Nội dung Nghị định 92 quy định nhiều điều kiện nghiêm ngặt nhằm kiểm soát các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng từ nhân sự đến quyền hành đạo, tu hành và truyền đạo.

Các mánh lới phá đạo được thi hành dưới nhiều hình thức bằng biện pháp hành chính và gây khó khăn cho tín đồ theo đạo qua việc ngăn cấm tổ chức các buổi lễ cầu nguyện bên ngoài những địa điểm cố định đã được cho phép.

Việc bổ nhiệm, thăng chức trong nội bộ Tôn giáo phải có phép, nhất là các bổ nhiệm, thăng chức có “yếu tố nước ngoài” như trường hợp quan hệ giữa Giáo hội Công giáo với Tòa thánh Vatican.

Đến các quyền tự do khác ghi trong Điều 25 (sửa đổi, bổ sung Điều 69 của Hiến pháp 1992) cũng chỉ ghi ra cho có lệ để đánh lừa Quốc tế. Điều này viết: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”

Nhưng nhà nước lại cấm tư nhân ra báo và bắt buộc 800 tờ báo, 67 đài phát thanh-truyền hình của đảng và của các tổ chức đảng và 17,000 phóng viên phải phục vụ đảng và tuyên truyền cho chủ trương, chính sách của đảng.

Các cơ quan báo đài này từng được sử dụng để chống các quan điểm không phù hợp với lập trường của đảng như đã diễn ra trong thời gian tranh luận về Hiến pháp mới.

Như vậy thì Hiến pháp viết ra để phục vụ ai, ngoài đảng cầm quyền thì Bộ Luật cao nhất của quốc gia chỉ có lợi cho 3 triệu rưỡi đảng viên và các nhóm lợi ích ầm quyền. Nó không có bất cứ giá trị nào đối với số dân khổng lồ 87 triệu người còn lại.

Nhưng khi nhóm người thiểu số dùng quyền lực và võ lực để áp đặt và cưỡng chế khối đa số phải thi hành Hiến pháp của họ thì hậu quả tai hại đến với đất nước và người dân sẽ là điều tất yếu.

Hiến pháp mới đã tước bỏ quyền tư hữu đất đai của dân để cho Nhà nước độc quyền “đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” dù không có ủy thác của dân qua bất cứ hình thức nào.

Nền kinh tế quốc gia tuy mang danh nghĩa “nhiều hình thức sở hữu” nhưng không thuộc về toàn dân mà lại do đo nhà nước “chủ đạo” để nắm dạ dầy của dân.

Nhưng không phải chỉ một mình Quốc hội Khóa 13 mà cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XI cũng phải gánh chịu trách nhiệm lịch sử về Hiến pháp không do dân quyết định.

Vì vậy nếu ngày 28/11/2013 được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng coi là một “ngày đẹp” để thông qua Hiến pháp mới thì đằng sau vẻ đẹp ấy là những con mắt tuyệt vọng của hàng triệu người dân Việt Nam đang sống trong lo âu cho tiền đổ Tổ quốc. 

(11/2013)