Tuesday 26 November 2013

Nhân Mùa Lễ Tạ Ơn Làm Chuyện Ân Đền Nghĩa Trả Trương Sĩ Lương, Hình:Phạm Giao



Lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ bắt đầu từ lúc con tàu May Flower chở di dân Thanh Giáo từ Anh quốc đi Tân Thế Giới vào ngày 6 tháng 9 năm 1620 với một số gia đình di dân chỉ vỏn vẹn có 44 người. Con tàu lịch sử này lại được yểm trợ đông đảo bởi hơn 60 thành viên thuộc thủy thủ đoàn. Họ theo hải lộ mà các nhà thám hiểm tiền phương đã mở đường từ trước, vượt Đại Tây Dương 65 ngày để đến bờ biển miền Đông Hoa Kỳ.

Khi đến miền đất mới, đám di dân đã trải qua một mùa đông đầu tiên vô cùng khắc nghiệt, giá buốt, đã lấy đi mạng sống 47 người trong số hơn 100 thành viên của con tàu May Flower. Qua mùa Xuân, với sự giúp đỡ của thổ dân da đỏ thuộc một bộ lạc hiền lành kế cận, di dân bắt đầu canh tác và vị Thống đốc là William Bradford đã tổ chức Lễ Tạ Ơn vào năm 1621. Di dân và thổ dân đã có một lễ Thanksgiving đầu tiên tại Hoa Kỳ với các món gà rừng, đậu, bắp của năm đầu gặt hái được mùa. Tất cả các thực đơn chế biến pha trộn theo kinh nghiệm từ các món ăn quê hương Âu Châu phối hợp với các thức ăn của thổ dân da đỏ ở Mỹ châu.

Lịch sử ghi lại là gần 100 di dân tỵ nạn đã cùng với 90 thổ dân tham dự một lễ hội hòa bình suốt ba ngày. Sau mỗi bữa ăn còn có các cuộc thi tài giữa hai bên. Buổi Lễ Tạ Ơn đầu tiên dù đã mở đầu nhưng rồi tiếp theo nhiều năm sau vì những khó khăn, thiên tai, chiến tranh nên chưa chính thực tạo thành truyền thống. Cho tới năm 1789, Tổng thống Washington mới ra tuyên ngôn ngày 26 tháng 11 là Ngày Tạ Ơn, nhưng cũng chỉ có một ngày.

Thế rồi suốt 240 năm tiếp theo, Hoa Kỳ có tổ chức nhiều Lễ Tạ Ơn trong các dịp ký hòa ước, tuyên ngôn hòa bình, mừng chiến thắng trên chiến trường nhưng vẫn chưa có một ngày Thanksgiving với ý nghĩa thuần túy dâng lời cảm ơn về cuộc sống lên Thượng đế. Do đó Hoa Kỳ vẫn chưa có một ngày Thanksgiving thống nhất.

Năm 1830, một nhà báo phụ nữ lên tiếng đòi hỏi chính phủ phải chính thức ra tuyên ngôn một ngày lễ Tạ Ơn cho toàn quốc, bà tiếp tục đòi hỏi như vậy suốt 30 năm. Cho đến năm 1863, sau khi chiến thắng miền Nam, thống nhất đất nước, Tổng thống Lincoln mới có cơ hội tuyên bố ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 hàng năm là Ngày Lễ Tạ Ơn.

Từ 1863 đến năm nay 2013 là đã trải qua 150 năm, Hoa Kỳ đã làm gì với những ngày Thanksgiving? Xin thưa, một mặt họ giữ truyền thống văn hóa gồm các thực đơn căn bản và đốt ngọn lửa tâm linh trong tinh thần sum họp gia đình. Mặt khác nước Mỹ hùng cường đã có dịp thương mại hóa để ngày Lễ Tạ Ơn trở thành tuần lễ mở đầu cho mùa lễ hội cuối năm, kích thích cả guồng máy kinh tế quốc gia mạnh mẽ.

Khác với Lễ Giáng Sinh, Thanksgiving vượt lên trên các tập tục tôn giáo. Hầu như mọi gia đình đều có thể tổ chức ngày Lễ Tạ Ơn theo các tôn giáo khác nhau đúng như 3 ngày Lễ Tạ Ơn của tiền nhân Bắc Mỹ vào năm 1621. Lúc đó các di dân và thổ dân không hề có một lễ nghi tôn giáo nào khác ngoài việc ăn uống, vui chơi.

Ngày Lễ Tạ Ơn hiện nay ấn định vào ngày thứ Năm đã cho Hoa Kỳ có cơ hội dành luôn 4 ngày cuối tuần được coi là tuần lễ bận rộn nhất trong năm. Các xa lộ, phi trường, trạm xe đều tấp nập. Các tiệm ăn, chợ thực phẩm phải chuẩn bị nhiều ngày cho người dân mua sắm. Những hàng trái cây, gà tây nhồi thịt được đặt trước, các siêu thị tấp nập khách ra vào. (Trích nguồn Internet).

Mặc dù người Việt không có lễ Thanksgiving, nhưng sau hơn ba mươi tám năm (38) định cư ở Hoa Kỳ, ngày Lễ Tạ Ơn đã trở thành một thói quen trong mọi gia đình chúng ta, một ngày ghi dấu nhiều kỷ niệm trong bước đầu tị nạn lưu lạc xứ người, một ngày hạnh phúc gia đình đoàn tụ, một ngày ngập đầy nhớ thương bên kia trời quê hương còn lắm người đói rách, đọa đày dưới một chế độ không có nhân tính.

Ân Đền Nghĩa Trả

Đặc biệt năm nay, trong dịp Lễ Tạ Ơn, tập thể người Việt hải ngoại lại có cơ hội thực hiện ân tình cao đẹp đối với người bạn Philipines (Phi), bởi trên bước đường tỵ nạn cộng sản 38 năm về trước, chính phủ và người dân Phi đã mở rộng vòng tay, cứu khổ chúng ta trong cơn nguy biến, thập tử nhất sinh, trên khốn khổ đi tìm tự do sau khi cộng sản cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, ngày 30-4-1975. Những địa danh như Subic Bay, Bataan, Palawan... đã trở thành thân quen rất khó phai nhạt trong lòng những ai từng trải qua những ngày tạm trú ở Phi. Người dân Phi hiền lành, chất phác, giàu lòng từ bi bác ái, đã giúp đỡ cưu mang chúng ta từ thập niên 70, 80, 90 cho đến ngày nay, thử hỏi ai có thể làm ngơ trước thiên tai kinh hoàng của trận bão Haiyan vừa qua. Nó đã tàn phá, bình địa miền trung Phi, làm vạn người chết, mất tích, triệu triệu người đói rách, màn trời chiếu đất, mà người dân Phi đang gánh chịu.

Trước những nỗi thống khổ đó, cộng cuộc cứu trợ nạn nhân Philippines đã và đang được cả thế giới dồn nỗ lực hành động ngay sau khi trận bão khủng khiếp Haiyan (Quái phong) tan biến vào không gian. Từ Á châu sang Âu châu, từ Úc châu tới Mỹ châu... lòng nhân đạo được thể hiện rõ ràng: thuốc men, thực phẩm, vật gia dụng, chăn mền, nhân sự v.v... hàng ngày đã vận chuyển nhanh chóng bằng những chuyến bay khẩn cấp tới thủ đô Manila, rồi từ đó phân phối bằng trực thăng tới vùng bị bão tàn phá. Song song với công tác khẩn cấp, vì đường bộ bị hư hỏng nặng nề, một số trực thăng khác, xuất phát từ hạm đội số 7 của Mỹ, và của Anh, Nhật..., đã túa ra như những đàn chuồn chuồn bay lượn tới các vùng bị tàn phá nặng nề để cứu người lâm nạn. Hình ảnh của những người lính Mỹ, Anh, Nhật, Phi... y như những chàng hiệp sĩ hành hiệp cứu người, đã đập vào mắt nhân loại, qua những thước phim, làm cho ta cảm động, bái phục.

Đồng cảm với thế giới đang cứu khổ, dân Việt hải ngoại, đông nhất là tại Hoa Kỳ, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia khắp các tiểu bang, nơi có đông người Việt cư ngụ, đều đứng ra tổ chức vận động kêu gọi cứu trợ người bạn Phi.

Vâng, bà con người Việt với bản chất hào hiệp và truyền thống biết ơn đúng nghĩa của “Ân Đền Nghĩa Trả” đã đáp lời kêu gọi, nhín bớt chút tiền chợ cho người bạn Phi ở bên kia Thái Bình Dương: “Một miếng khi đói, bằng gói khi no”. Từ tiểu bang California nơi có người Việt đông nhất, các tổ chức cứu trợ nhân đạo đã xuống đường và gặt hái kết quả rất khả quan. Chỉ riêng đài SBTN, nguồn tin cho biết, đã thu được trên $350,000. Dollars sau 2 tuần tung chiến dịch cứu trợ nạn nhân bão Haiyan. Tại Houston, Texas Ủy Ban Hỗn Hợp Cứu Trợ Philippines cũng đã thu được gần $120,000. Dollars.

Tại Dallas - Ft Worth, tiểu bang Texas, do Đài phát thanh 1600am & SBTN-Texas chủ động chiến dịch cứu trợ, có Tạp chí Thế Giới Mới, Cộng đồng NVQG Hạt Tarrant yểm trợ góp tay, đã thu gần $80,000. Dollars. Khi báo đến tay quý độc giả, chắc chắn con số đóng góp của đồng hương DFW sẽ lên tới $100,000. dollars.
Buổi Văn Nghệ Khai Trương Của TeleTron Đã Góp vào Việc Cứu Trợ Gần $24,000. Dollars

Đặc biệt chiều Chủ Nhật ngày 17-11-2013 một buổi văn nghệ “Mừng Khai Trương” đã được tổ chức lộ thiên, ngay trước công ty TeleTron, vừa mới khai trương, tọa lạc tại Asian Times Square, vùng Grand Prairie, Texas.

Buổi văn nghệ “mừng khai trương TeleTron” hôm đó quá đông người tham dự, đến nỗi City Grand Prairie phải đưa xe cứu hỏa tới để đề phòng chuyện bất trắc này nọ có thể xảy ra khi bãi đậu xe đã không còn chỗ trống.

Từ 12:00 giờ trưa, bà con làng xóm đã kéo nhau tới trứơc sân khấu lộ thiên để giành chỗ ngồi. Một điều lạ là hôm đó bỗng dưng trời nắng chang chang như mùa hè, thay vì mưa lạnh như mấy hôm trước đó và cũng mưa lạnh tơi bời suốt cả tuần qua, sau ngày show. Đúng như vậy, có nhiều người nói: “Dân Arlington, Grand Prairie hôm ấy hên thật, vừa được mua hàng ”On Sale" của TeleTron, vừa được tắm nắng cuối thu và vừa được thưởng thức chương trình văn nghệ miễn phí với một giàn ca sĩ thượng thặng từ Trung Tâm ASIA và các ca sĩ độc lập khác trình diễn: Vàng Anh, Đặng Thế Luân, Ngọc Minh, Phượng Liên, Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan, Thiên Kim, Quốc Khanh, Lưu Viêt Hùng và nhất là 2 danh hài Bảo Liêm và Bảo Vy đã tạo được những tràng cười thoải mái. Đặc biệt show nhạc có tới ba MC của TT ASIA hiện diện như Việt Dzũng, Nam Lộc và Leyna Nguyễn (cô Leyna Nguyễn còn là xướng ngôn viên của đài truyền hình CBS)."

Có người nói rằng bà con vùng DFW, vừa được coi show nhạc miễn phí lại vừa được phước vì có dịp đóng góp tiền cứu trợ cho người bạn Phi của chúng ta ngay tại chỗ, khỏi cần phải gởi check đi đâu xa cho mệt. Bởi công ty TeleTron đã dành cho đài 1600AM/SBTN và cộng đồng một gian lều cứu trợ bão Haiyan ngay góc trái sân khấu lộ thiên. Do đó, bà con dễ dàng nhét tiền, nhét chi phiếu vào thùng cứu trợ.

Vừa mới mở màn, MC Việt Dzũng đã nhanh nhẹn mời gọi đồng hương hãy mở rộng lòng từ bi, bác ái, giúp cho người bạn Phi của chúng ta đang lâm nạn. Thảm cảnh của người dân Phi sau trận bão Haiyan đã làm cho cả thế giới rơi lệ qua những hình ảnh trên truyền hình cũng như hệ thống youtube. Thế là các thiếu nữ của cộng đồng, của đài 1600AM, trong những chiếc áo dài truyền thống, mang thùng tiền xuống tận những hàng ghế trước sân khấu xin cứu giúp. Những chiếc máy ảnh của báo chí săn hình bấm lia lịa, ống kính của đài SBTN zoom khẩu độ tối đa, bắt ngay những động tác nhét tiền vào thùng lạc quyên từ những đứa bé, theo bố mẹ coi show, với những nụ cười rất dễ thương. Có lẽ hàng ngàn trẻ thơ, người Phi đang đói rách trong mưa lạnh, có thể đồng cảm, hay là thần giao cách cảm, đang cám ơn nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng người Việt, nơi mà mấy chục năm trước những bà mẹ Phi, giàu lòng từ bi, đã mở rộng đôi tay nhân ái tiếp trợ những người dân Việt Nam bơ vơ nơi xứ lạ quê người.

Mỗi đợt thu tiền, là các thiếu nữ đếm “mệt nghỉ”, để báo cáo lên ban tổ chức.
Sau khi chương trình bắt đầu vài mươi phút, ông Nguyễn Uy (CEO) Tổng giám đốc của công ty TeleTron, có nhiều chi nhánh ở Mỹ, đã lên sân khấu chào mừng bà con người Việt đã ủng hộ, mua sắm, viếng thăm sở sở thương mại của ông; đồng thời ông cũng tâm sự: “Hôm nay, mừng ngày khai trương chi nhánh TeleTron tại DFW, nhưng cũng là dịp để chúng ta đóng góp giúp cho nạn nhân bão Haiyan ở Philippines, đây chính là sự trùng hợp ngẫu nhiên, chúng tôi xin chia sẻ nỗi khổ của những người bạn Phi. Vì thế, để góp chung với đồng hương trong việc cứu trợ chiều nay, tổng số tiền mà đồng hương đóng góp hôm nay, chúng tôi tuyên bố sẽ tặng bằng tổng số tiền đó. Một tràng pháo tay dài dường như không muốn dứt. Nhiều tiếng huýt sáo và hoan hô ông chủ TeleTron vang dội.

Các ca sĩ khi lên trình diễn, ngoài việc quảng bá các sản phẩm đặc biệt của TeleTron, đều nhắc nhở đồng hương nhịn chút quà vặt để giúp cho người bạn Phi đang lâm vào tai trời ách đất. Các MC như Nam Lộc, Leyna Nguyễn cũng nói về thảm trạng của dân Phi trong cơn nghiệt ngã, mà chúng ta tại sao cần giúp đỡ họ, ngoài tình nhân loại, người bạn Phi đã giúp người Việt chúng ta rất nhiều qua những cuộc vượt biển vĩ đại sau biến cố năm 1975.

Đợt cuối cùng trước khi chương trình văn nghệ hạ màn, bà Thu Nga, Giám Đốc đài 1600AM và SBTN, cùng với ông Nguyễn Bá Thanh, Giám đốc Marketing của TeleTron cùng lên sân khấu đa tạ đồng hương trong vùng đã ủng hộ TeleTron trong tuần qua; và đồng thời cũng đã đóng góp rất có ý nghĩa cho công cuộc cứu trợ nạn nhân bão Haiyan. Ông Nguyễn Bá Thanh cũng lập lại là sẽ giúp chương trình cứu trợ như đã hứa.

Trong khi đó, Leyna Nguyễn, một lần nữa lại mang thùng cứu trợ xuống từng đồng hương để xin thêm tiền. Bà con có dịp nhìn tận mắt Leyna Nguyễn, người thiếu nữ xinh đẹp trên hệ thống truyền hình CBS.

Tổng số tiền thu được từ đồng hương sau 3 tiếng đồng hồ là $11,878. Công ty TeleTron góp $11,878. = tổng thu $23,756. Xin đa tạ đồng hương, đa tạ công ty TeleTron đã đóng góp số tiền lớn, xin đa tạ ACE Cộng đồng, ACE đài 1600AM/SBTN đã hăng hái “xông pha” trong công tác vác thùng tiền và đếm tiền “mệt nghỉ”, xin cám ơn tất cả các nghệ sĩ, các MC đã khàn cổ vì hô hào bà con giúp người lâm nạn đến toát mồ hôi hột trong buổi chiều Thu với cơn nắng cháy trái mùa.

Tạ ơn

Nhân dịp lễ Thanksgiving, Thế Giới Mới xin tạ ơn quý độc giả, quý thân chủ các cơ sở thương mại, quý văn hữu, quý mạnh thường quân luôn luôn giúp đỡ chúng tôi về mọi mặt để sinh tồn trong suốt 25 năm qua. Những ân tình đó, chúng tôi biết rằng vĩnh viễn rất khó đền đáp, nhưng sẽ nhớ mãi mãi.

Từ lộ đồ mà chúng ta đã chọn, đang bước, bước tới vững niềm tin; từ ý thức chính trị đến thái độ chính trị đối với sự chuyển mình -- tác động tới Tự Do Dân Chủ --, chắc chắn sẽ bùng lên tại quê nhà. Họ chính là giới trẻ, là những anh hùng tuổi trẻ Việt Nam đang hiên ngang đứng dậy, dựng nước và giữ nước như dân tộc, tổ tiên chúng ta đã hy sinh trong quá khứ. Xin hãy Tạ Ơn!

Trương Sĩ Lương
Hình ảnh: Phạm Văn Giao