Tuesday, 17 December 2013

Đè đầu bóp cổ dân đúng nghĩa đen - Văn Quang

LamCamThienHaSu.jpg
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn, ngày 16.12.2013
Những hình ảnh “phản cảm” cuối năm đang loan truyền ầm ỹ trên báo và trong các quán cà phê từ vỉa hè đến cà phê cao cấp, cà phê cá độ bóng đá trong kỳ Seagames 27 này là chuyện xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật giữa Thành phố Sài Gòn. Gọi là “phản cảm” theo chữ nghĩa của báo chí và của giới truyền thông ở VN thường dùng, thật ra nếu nhìn vào từng chuyện và từng hình ảnh thì người ta phải gọi một số từ ngữ bình dân quen thuộc khác như “tàn nhẫn, dã man, ác ôn, côn đồ…”
Nếu bạn nhìn thấy những hình ảnh sau đây, bạn cũng sẽ phải thốt lên một từ ngữ khác chứ không chỉ gọi… chung chung là “phản cảm” được nữa.
Một kiểu đè đầu bóp cổ dân giữa đường phố
Kiểu đè đầu bóp cổ dân ở đây là nghĩa đen, không còn là nghĩa bóng. Đó là kiểu của các ông được gọi là “lực lượng dân phòng” thuộc phường 25, quận Bình Thạnh, Sài Gòn vừa “phát minh” ra. Hầu như tất cả các báo ở VN, từ báo mạng đến báo lớn, báo nhỏ và kể cả báo Công An TP cũng đã đăng tải nguồn tin cùng những hình ảnh này.
Nạn nhân là một anh nông dân chính hiệu, đã bị lực lượng dân phòng khóa tay, đè đầu, bóp cổ đưa lên xe và tịch thu hàng hóa.
Có hàng ngàn lời bình, không còn là nỗi “bức xúc” mà là những lời lẽ từ trong đáy lòng vô cùng cay đắng, phẫn uất của độc giả khắp nơi.
Chuyện xảy vào buổi sáng ngày 06 tháng 12 vừa qua, tại khu chợ nằm trên đường D1 thuộc phường 25, quận Bình Thạnh, TP Sài Gòn. Toàn bộ câu chuyện được người dân trình báo đến nhà chức trách địa phương và họ cũng tự quay clip gửi cho các báo.
Theo những người dân chứng kiến vụ việc kể lại, sáng đó anh Tình đang đứng tại khu vực chợ với xe ba gác có chứa rau củ quả để bán – Đây là khu chợ được gọi là “chợ tự phát”, tức là chợ do những người dân thấy thuận tiện thì tự họp lại buôn bán với nhau, không phải là chợ chính thức do địa phương cai quản.– Lúc này có gần chục người thuộc các lực lượng dân phòng, trật tự đô thị, bảo vệ dân phố… đi kiểm tra, dọn dẹp lòng lề đường, có lẽ để đón Giáng Sinh 2013 và Năm Mới 2014.
Chạy loạn hè phố
Lúc này anh Tình chưa kịp đẩy xe rau củ quả chạy đi thì bị lực lượng trên chặn lại để xét hỏi và có thể tịch thu – ở đây lại gọi chung chung là “xử lý”.– Đấy là nhiệm vụ và trở thành cái quyền hành lớn của các anh dân phòng được phường xã giao cho. Người dân khắp TP đã từng chứng kiến những cảnh mấy bà, mấy chú bán hàng trên các hè phố, thấy bóng dân phòng đến như thấy tử thần, bèn ôm đồ đạc chạy nháo nhào hơn là chạy giặc, chạy cướp. Có bà lề mề, ôm thúng rau, vài chục cành hoa, lúng túng với mẹt hoa quả, rớt tùm lum trên hè phố mà không dám quay đầu lại nhặt. Đó là những món hàng vừa hái trong vườn nhà hoặc mua của hàng xóm, mang bán, kiếm chút tiền đong gạo cho con. Họ không có tiền thuê hè phố của đám anh chị hoặc không có tiền nộp thuế cho bọn “bảo kê” nên cứ đành ngồi bán liều ở hè phố, có khi bán theo kiểu “di động”, nay bán hè này, mai kiếm hè khác. Khi bị bắt về phường có nghĩa là toàn gia bữa đó sẽ nhịn đói, chỉ còn biết khóc lóc, lạy lục, van xin cũng không xong.

Cảnh đuổi bắt giữa trật tự phường và các gánh hàng rong 
Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều cảnh “chạy loạn hè phố” như thế. Nhìn những bác nhà quê lam lũ khốn khổ cắm đầu chạy thục mạng, mặt mũi tái xanh, thở không ra hơi, quả thật trong lòng cảm thấy bất nhẫn lắm. Có lẽ những người dân quanh đó cũng mang cái cảm giác ấy mà không nói ra được, không làm gì được.
Bị dân phòng đánh tơi tả vì “tội” bán hàng rong
Trở lại chuyện anh Tình bị dân phòng chặn bắt và bị đánh. Nạn nhân được xác định là anh Trịnh Xuân Tình (34 tuổi, quê Thanh Hoá, tạm trú ở tỉnh Bình Dương), là người bán rau quả dạo.
Chiều 6/12 vừa qua, sau khi bán dạo khắp các ngõ hẻm, anh Tình chạy xe đến khu “chợ tự phát” tại Cư xá 30/4, phường 25, quận Bình Thạnh và dừng xe trước nhà số 11B5 để bán. Đến 16h30 thì có một nhóm gần 10 người mặc đồ cơ quan trật tự đô thị, dân phòng của UBND phường 25, quận Bình Thạnh đi xe công vụ đến khu vực trên dọn dẹp lòng lề đường. Nhiều người ngồi buôn bán nháo nhào gom hàng hóa tháo chạy, anh Tình chưa kịp chạy thì có khoảng 5-6 người đến vây kín.
Những người chứng kiến cho biết, lúc tổ công tác của phường 25 lập biên bản, yêu cầu anh Tình đưa chiếc xe rau củ quả buôn bán về trụ sở UBND phường để “xét xử”. Tuy nhiên anh Tình không đồng ý nên đôi bên xảy ra cãi cọ. Những người trong tổ công tác đã dùng tay đánh anh Tình làm anh này té lăn xuống đường. Sau đó, năm sáu anh dân phòng xông vào “đánh hội đồng”. Thậm chí họ còn dùng còng số 8 còng tay anh Tình rồi tiếp tục đánh, dùng roi điện dí vào người nạn nhân 4 lần. \
Anh Tình bị khóa trái tay, ép lên xe áp giải về phường
Sau khi đánh anh Tình bò lê bò càng, nhóm các ông “cán bộ chức năng” còn thúc ép anh này lên xe để đưa đi. Không đồng ý với cách hành xử như vậy, anh Tình kháng cự nhưng vẫn bị tóm cổ, thậm chí bị còng tay, đè đầu, bóp cổ, đưa lên xe của đoàn công tác. Lúc này, trước sự kháng cự của anh Tình, lực lượng chức năng liền đánh tiếp người bán hàng rong đến ngất xỉu.

Nạn nhân bị còng tay ngất xỉu bỏ mặc giữa đường
Khi anh Tình ngất xỉu, họ bỏ mặc nạn nhân nằm lê lết trên đường với 2 tay bị còng ra phía sau. Rất nhiều người dân chứng kiến thấy cảnh tàn bạo này đã la lối phản đối quyết liệt, xông vào can ngăn nhưng không thể ngăn được “lực lượng chức năng” quá hùng hậu và hung dữ. Một số người đành dùng điện thoại di động ghi lại sự việc.
Vụ việc giằng co diễn ra khá lâu người dân mới trình báo lên Công an phường 25. Khi quan chức phường đến nơi thì người bán hàng rong mới được “giải cứu” và đưa đến Bệnh viện Gia Định cấp cứu. Chiếc xe ba gác dùng để mưu sinh và toàn bộ trái cây trị giá chừng 1 triệu đồng trên xe của anh Tình đã bị thu giữ.
Bất chấp hoàn cảnh của người lao động nghèo
Hiện nay anh Tình đã được người thân đưa về nhà trọ ở Bình Dương để chăm sóc. Tuy nhiên, người nhà anh Tình cho biết, sức khỏe của anh có chiều hướng xấu đi.

Đơn tường trình của người nhà nạn nhân được nhiều nhân chứng ký xác nhận
Ngay trong đêm, anh Lê Văn Trường (em vợ anh Tình) đã có đơn tường trình toàn bộ sự việc anh Tình bị đánh đến cơ quan chức năng để mong muốn làm rõ. Những người dân chứng kiến sự việc cho biết, họ rất phẫn nộ trước cách hành xử côn đồ của một số cán bộ phường trong sự việc này và đã đứng tên ký xác nhận trong đơn với người nhà nạn nhân gửi đến chính quyền.
Anh Tình được vợ đưa về nhà chăm sóc sau một trận đòn “thừa sống thiếu chết”
Đến khoảng 21h đêm 6/12, người nhà anh Tình tìm đến bệnh viện và đưa anh về nhà, vì không có tiền nên không dám nằm lại điều trị vết thương. Sáng 7/12 anh Tình phải vay mượn 200 ngàn đồng đi mua thuốc uống vì thấy đau. Hiện tại trên lưng anh Tình vẫn còn nhiều vết thương bầm tím do bị lực lượng trật tự đô thị, dân phòng đánh chiều hôm trước.
Được biết hoàn cảnh của anh Tình rất khó khăn. Hằng ngày anh Tình thức dậy từ 4h sáng chạy xe ra chợ Đầu Mối Thủ Đức lấy trái cây rồi đi bán dạo khắp thành phố Sài Gòn để mưu sinh.
Ông chủ tịch phường hay người dân làm chứng bịa đặt?
Ngày 9/12 ông Nguyễn Văn Quý – Chủ tịch UBND P.25, Q.Bình Thạnh đã có văn bản báo cáo Quận ủy, UBND Q.Bình Thạnh về vụ việc. Trong báo cáo, ông Quý nêu:
“Tổ công tác phường đã lập biên bản tạm giữ phương tiện và mời ông Tình về trụ sở UBND làm việc. Lúc này ông Tình có uống rượu say, nhảy vào đạp ngã xe gắn máy ra đường, dùng chân đá vào người của tổ công tác…
Trước thái độ chống đối của ông Tình, tổ công tác đã dùng còng số 8 còng tay ông Tình lại và đưa lên xe của UBND phường…
Văn bản của ông Quý đề cập. “Khi lên xe ông Tình nhảy xuống đất và cố tình nằm ra đường ăn vạ và có dấu hiệu bị trúng gió. Công an phường đã phối hợp kêu taxi đưa ôngTình vào khoa cấp cứu của bệnh viện Nhân dân Gia Định để khám”.
Trong khi đó, như trên đã nói, có nhiều lá đơn của những người dân, đa số là dân buôn gánh bán bưng ở khu chợ tạm cư xá 30/4 đều xác nhận: họ là nhân chứng trực tiếp chứng kiến lực lượng của UBND P.25 hành hung ông Tình đến ngất xỉu. Những người làm chứng cho rằng ông Tình bị bóp cổ, còng tay, đánh vào mặt, bóp hầu, chích roi điện đến ngất xỉu…chứ không ngất vì trúng gió như ông chủ tịch UBND phường nhận định.
Chỉ cần nghe ông chủ tịch Phường trả lời, ai cũng có thể thấy ông đang mưu toan che đậy, bênh vực cho những hành động của đám dân phòng mà hàng trăm lời phát biểu của người dân gọi là “côn đồ”.
Vậy ông chủ tịch phường bịa đặt hay những người dân làm chứng bịa đặt?
Được biết hiện công an P.25, Q.Bình Thạnh đang lập hồ sơ điều tra về việc này.
Lời kể của vợ chồng nạn nhân
Chiều 8.12, Phóng viên báo Thanh Niên đã tìm gặp anh Tình tại thị xã Dĩ An, Bình Dương để nghe anh tường thuật chi tiết vụ việc anh bị đánh.
Nằm trên giường với những vết bầm tím, anh Tình gắng gượng thuật lại câu chuyện. Như mọi ngày, 2 giờ sáng ngày 6.12, anh Tình lên chợ đầu mối Thủ Đức (TP.Sài Gòn) lấy hàng rồi bắt đầu rong ruổi đi bán. Đến trưa, anh với mấy người bạn cùng nhau lên chợ Văn Thánh cũ. Vừa đến chợ không được bao lâu, lực lượng đô thị đến, tất cả đều hốt hoảng bỏ chạy. Còn anh đứng ở đầu đường nên không chạy kịp.
Anh Tình kể lại: “Lúc đó đô thị đến đòi mang xe tôi về phường. Tôi giật xe lại, rồi cố năn nỉ, van xin họ, nhưng không được. Đôi bên giằng co rồi cả nhóm lao vào đánh tôi. Đến lúc đó thì tôi không còn nhớ gì nữa”.
Nhiều người chứng kiến vụ việc cho biết cả nhóm người lao vào đánh, đấm, kè cổ, và dùng cả dùi cui điện để khống chế anh Tình. Sau khi anh Tình bị đánh và còng tay thì nhóm người này bỏ anh nằm bất động dưới đất gần cả tiếng đồng hồ. Sau đó anh Tình được một người trong lực lượng của phường đưa lên taxi, chở tới Bệnh viện Gia Định cấp cứu.
Bệnh viện chẩn đoán “say rượu”
Chị Thương (vợ anh Tình) cho biết: “Lúc đó tôi đang làm ở công ty thì nhận được tin. Tôi hoảng sợ không muốn làm việc nữa. Lập tức tôi một mình chạy lên bệnh viện để xem tình hình của chồng”.
Cũng theo chị Thương khi đến bệnh viện, chị thật sự bất bình khi nghe bác sĩ nói “Người ta nói thấy anh ấy say rượu nằm ở ngoài đường nên thương tình mang vào”. Cũng vì lý do đó mà các bác sĩ đo nồng độ cồn, truyền nước cho anh Tình và chẩn đoán… “say rượu”.
Chắc chắn đây là lời khai của các ông cán bộ phường khi mang anh Tình đang bất tỉnh vào bệnh viện. Không lý lại khai với bệnh viện là bị dân phòng phường tôi đánh bỏ mặc giữa đường. Phải tìm cách “chạy tội” cho “anh em nhà” ngay từ đầu. Mấy vụ này, các ông cán bộ phường đều kinh nghiệm đầy mình nên thông minh hơn tiến sĩ.
Chị Thương bất bình: “Bác sĩ bảo tôi ra đóng tiền viện phí (gần 100 ngàn đồng) thì tôi ra đóng chứ không để ý tới tờ giấy khám bệnh. Sau đó tôi nhìn lại thì thấy trong phần chẩn đoán chỉ ghi có mỗi chữ “say rượu”. Rõ ràng là chồng tôi bị người ta đánh, sao lại chẩn đoán say rượu?”.
Chị Thương trình bày rõ ràng với bác sĩ và vị bác sĩ này thu lại tờ giấy, cấp một tờ giấy khác, ghi trong phần chẩn đoán: “Chấn thương phần mềm”.
Nói về việc “bỏ trốn” khỏi bệnh viện, anh Tình cho biết: “Khi đó bác sĩ kê đơn thuốc rồi bảo vợ tôi ra đóng tiền viện phí, tôi cứ tưởng như vậy là xong rồi, nên mới cùng vợ ra về, chứ tôi không bỏ trốn”.
Về đến nhà lúc nửa đêm, đến sáng hôm sau (7.12), anh Tình thấy đau nhói khắp người nên mới đến Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng (Dĩ An, Bình Dương) khám lại.
Tại đây các bác sĩ cũng chẩn đoán anh bị chấn thương phần mềm. Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại trên người anh Tình có nhiều vết bầm tím, ở cổ tay có hai vết cứa mà theo anh đó là do vết cắt từ còng số 8. Vậy mà ông chủ tịch Phường lại bào chữa là anh Tình say rượu trúng gió nên nằm dưới đất. Vậy là anh Tình tự còng tay mình?
Tiền đâu đi kiện… củ khoai
Từ trước tới nay, không có một người hàng rong nào đủ sức, đủ thời gian để “bắt đền” nếu chiếc xe hàng của họ bị trật tự đô thị bắt về phường và nó đã bị ném bể nát khi họ quăng nó lên xe. Sẽ không một người hàng rong nào – như anh Tình – biết phải làm gì sau khi ngất xỉu – ngoài việc nhanh chân rời khỏi bệnh viện vì họ thừa biết không có đồng nào trả đủ thứ tiền gọi là “viện phí”.
Và ở vào trường hợp của anh Tình thì chẳng có tiền đâu đi kiện và có thể là kiện cáo “ông Phường” như thế thì chẳng khác nào kiện củ khoai.
Nhưng có rất nhiều người dân đã làm đơn chứng thực toàn bộ sự việc và họ sẵn sàng đứng ra làm chứng. Lác đác trên mạng cũng có một số độc giả đề nghị nhà báo cho biết địa chỉ của anh Tình để giúp đỡ. Nhưng giúp đỡ người cơ nhỡ và giúp người đi kiện “ông nhà nước” lại là chuyện khác hẳn. Cần có thời gian, cần rủng rỉnh mới đi kiện được, dù cho có môt ông luật sứ nào đó cãi cho không, nhưng liệu các thư ký tòa, các quan tòa có “tha không” cho không?
Mời bạn đọc lời bình của một người dân trên báo Dân Trí:
Bạn Hải Yến: damhaiyen2013 viết: “Tôi đã có lần chứng kiến mấy “bác” dân phòng ít học xông vào giằng co, đạp đổ xe hàng của anh bán ổi rong, kết quả là 2 sọt ổi Đông Dư đổ tung tóe ra giữa đường. Mặc kệ cho dân lên tiếng phản ứng hành vi côn đồ, họ vẫn quyết tâm bắt xe của anh bán ổi. Cũng thấy rõ là chẳng phải để dẹp lấn chiếm vỉa hè đâu (các ổng mà làm đúng trách nhiệm thì đã tốt), chỉ để phạt người ta rồi lấy tiền chia nhau. Tôi nói vậy là có căn cứ, bởi đã có lần tôi nhờ người bạn chở từ chỗ làm ra bến xe chỉ chừng 200m, sơ suất không đội mũ. Thế mà mấy “bác” ở đâu đã nhảy xổ ra chặn đầu xe như sợ chúng tôi bốc hơi, dong như giải tù binh về trụ sở bắt nộp phạt. Họ bắt tôi kí vào giấy tờ (cho hợp lệ nhưng thực ra tờ giấy đó chẳng có tý giá trị gì), khi tôi đòi mang giấy đó lên kho bạc nộp tiền thì họ không đồng ý. Chẳng qua là họ làm trò để nhét tiền vào túi riêng thôi.
Trước cổng công ty tôi cũng có dãy hàng hoa quả bán rong, bán nước lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nên đã kẹt đường lại càng kẹt hơn. Nhưng ngày nào xe dân phòng đi qua cũng chỉ gọi là nhắc nhở xua đuổi cho lấy lệ, chắc là “há miệng mắc quai”? Được nộp tiền hàng tháng hết rồi…??? Nhưng “bức xúc” cũng chỉ để đấy, vì dân thấp cổ bé họng nói sao lại được với chính quyền…”
Chủ tịch xã “chỉ đạo” phá ruộng dân
Trên đây chỉ là một số hình ảnh quá đau lòng cho những cái được gọi là lập lại trật tự hè phố trong những ngày cuối năm này ở thành phố. Còn ở nông thôn, ngoài những vụ kiện cáo vì bị các quan làng quan xã xử ép, chiếm đất, mới đây cũng những ông “kẹ” miệt vườn lại vừa có hành động kỳ lạ “tàn sát lúa” của dân.
Sự việc xảy ra vào khoảng 8h sáng ngày 27/11, khi đoàn cán bộ xã Tùng Lộc gồm Chủ tịch xã, Bí thư cùng đại diện các ban ngành đoàn thể xã đi ra cánh đồng Nhà Hường để dùng cào phá mạ của nhà nông dân Nguyễn Chỉ Nhụ (64 tuổi, ở xóm 2 Bắc Tân Dân).
Ngay lúc đó, chủ ruộng mạ và một số nông dân đang có mặt trên cánh đồng đã phản đối và chạy đến ngăn cản, có người quá phẫn nộ đã bốc bùn dưới ruộng ném và dùng thau múc nước hắt vào đoàn cán bộ.
Ông Nhụ cho biết, nguyên nhân ruộng mạ bị cán bộ phá là vì ông gieo giống lúa 1820, loại giống lúa này xã đã cấm không cho nông dân đưa vào sản xuất.
Nhiều nông dân xã Tùng Lộc phản đối chủ tịch phá mạ của dân
Trong khi đó, ông Nhụ cho biết, loại giống 1820 mà ông đã gieo mạ vẫn cho năng suất cao, trung bình 3,5 tạ/sào.
Còn một số giống lúa khác, trong đó có giống mới Ấn Độ mà xã đang vận động làm thì mùa vụ trước năng suất thấp, trung bình chỉ được 1,8 tạ/sào.
Ngoài ra, để làm giống Ấn Độ, người dân phải mua từ nguồn giống của xã với giá 91.000đ/1 gói 0,8 kg là quá cao.
Nhiều nông dân có mặt đều khẳng định sẽ tiếp tục gieo mạ để cấy giống lúa 1820 vào vụ mùa này, vì năng suất rất cao, gạo lại bán được giá.
Một nông dân đã lên tiếng: “Ai đời cán bộ lại tập trung lực lượng đi phá mạ của dân. Có luật nào cho phép như thế không?”
Câu hỏi này xin dành cho Bộ Nông Nghiệp VN trả lời.
Từ thành phố đến nông thôn, người dân VN còn phải chịu biết bao điều cay đắng, bất công nữa mà đành câm miệng hến! Người dân chỉ còn nhờ vào sự xét xử công minh của chính quyền. Còn nhiều vụ khác như dân phòng liên quan đến các vụ đánh chết người từng xảy ra ở Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An. Các vụ án này cho thấy, dân phòng quá lạm quyền và đến lúc phải có biện pháp mạnh để chấn chỉnh.
Bước sang năm 2014, nhà nước VN sẽ làm gì để ngăn chặn tình trạng này cho người dân được nhờ. Xin đừng đưa ra những “đề án trên trời, cuộc đời dưới đất”, hãy giải quyết những chuyện rất nhỏ nhưng thật ra đó lại là một thực tế rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống của toàn xã hội. Đừng hỏi tại sao niềm tin và đạo đức ngày một sói mòn.
Văn Quang