Tự Điển Hán Việt của Đào Duy Anh định nghĩa chữ “hóa” như sau: “Thay đổi một cách tự nhiên – Vật thay đổi hình thể hoặc tính chất”- Thật ra, không phải chỉ có vật mới “hóa”. Ngay cả con người cũng “hóa”. Xưa nay vẫn thế.
Thay đổi là do ngoại cảnh. Câu chuyện Án Anh, tể tướng nước Tề, thời Xuân Thu, đi sứ nước Sở, thuật lại như sau:
“Sở Vương đang tiếp Án Anh thì lính dắt một người tù đi ngang qua. Sở vương hỏi người kia là người nước nào. Một tên lính tâu rằng người tù nguyên là người nước Tề, phạm tội trộm ngựa. Sở Vương hỏi Án Anh: “Người nước Tề hay trộm cắp vậy sao?”
Án Anh đáp: “Cây quít trồng ở Giang Bắc thì ngọt, nhưng khi đem trồng ở phương Nam thì chua. Đó là do phong thổ. Người nước Tề xưa nay vốn không trộm cắp, khi sang làm dân nước Sở lại sanh tật xấu. Ấy là do phong thổ vậy”.”
Chuyện “Cá hóa rồng” cũng kể rằng: Trời cần có rồng để làm mưa nên mở cuộc thi cho tôm cá vượt Vũ Môn: Tôm nhảy qua được hai đợt, râu mọc gần hóa rồng, đến đợt ba, té nặng nên bị còng lưng. Cá chép vượt được cả ba kỳ Vũ Môn nên hóa rồng. Nó không còn hình dạng con cá nữa mà thành hình rồng.
Có người nói đùa: Người Bắc di cư năm 1954, giống như “cam Bố Hạ”. Vào Nam sinh sống, “đất lành chim đậu” nên hóa thành “bưởi Biên Hòa.”
“Hóa” có hai cách: Chỉ “hóa” cái bên ngoài, còn cái bên trong, – bản chất – thì không đổi. Con người “tệ” hơn, có khi “hóa”cả trong lẫn ngoài. Điều đó cũng là sự thường.
Tần Thủy Hoàng, sau khi “tóm thậu lục quốc” mà dựng nên nhà Tần, là “đế quốc đầu tiên” của người Hán, thì bành trướng ra phía Đông, lại xâm lăng vùng Giang Hạ, – Giang Hạ thường có nghĩa đất của Tôn Quyền, phía Nam Dương Tử Giang – người Hán đồng hóa 99 Việt tộc ở vùng nầy.
99 Việt Tộc, vốn không phải là người Hán, nhưng họ bị “Hán hóa” vì sống dưới chính sách cai trị “đồng hóa” của người Hán. Chỉ có “Lạc Việt”, định cư ở lưu vực sông Nhị Hà, giữ được bản chất của dân tộc mình, không bị “Hán hóa”, dù bị người Tàu cai trị một ngàn năm. Sử gọi là “ngàn năm Bắc thuộc.”
Khi bị “Hán hóa”, 99 giống Việt đánh mất cái bản chất của dân tộc mình.
Năm 1905, để vận động “Phong Trào Đông Du”, cụ Phan Bội Châu sang Nhật, gặp Thủ Tướng Nhật là Khuyển Dưỡng Nghị. Sau cuộc “bút đàm”, Khuyển Dưỡng Nghị có ý thán phục cụ Phan. Sau đó, gặp Tôn Văn, “Quốc phụ” của người Tàu, Nghị hỏi thăm xem thử người Việt Nam là dân tộc như thế nào. Tôn bảo rằng, người Việt là một dân tộc hèn yếu, không đáng được giúp. Nghe vậy, Khuyển Dưỡng Nghị hỏi lại, bảo rằng họ là người Lạc Việt, là dân tộc độc nhất không bị “Hán hóa” trong số 100 tộc Việt (bách Việt) ở Hoa Nam. Tổ tiên của Tôn Văn chính là một giống Việt đã bị “Hán hóa”. Thật là “tẻn tò” cho ông “Quốc phụ” của nước Tàu.
Người Tàu thường tự coi mình cao hơn các dân tộc chung quanh, như người Việt. Họ gọi dân tộc ta là “ Nam man”, gọi các bộ tộc ở phương Bắc nước họ là “Rợ” – Rợ Hồ”. Người Mãn Châu, không phải là người Hán, cũng bị coi khinh. Tuy nhiên, có ba đời vua bên Tàu, gốc gác là từ những thứ “rợ” mà ra.
Tổ tiên nhà Đường là “rợ Hồ”. Nhà Đường cai trị nước Tàu ba trăm năm. Câu trong Chinh Phụ Ngâm: “Nước thanh bình ba trăm năm cũ” là từ cái ý nầy. Vì gốc là rợ Hồ nên An-Lộc-Sơn được trọng dụng. Từ đó mà có cái loạn An-Lộc-Sơn. Nhà Nguyên, tức Mông Cổ cũng cai trị nước Tàu một trăm năm. Nhà Thanh, người Mãn Châu, cai trị nước Tàu ba trăm năm. Người Hồ, người Mông, người Thanh thường bị gọi là “ngoại tộc”.
Sơ lược một chút, ba ngoại tộc nầy cai trị người Hán (nước Tàu) khoảng gần một ngàn năm. Đế quốc Tần Thủy Hoàng hình thành năm 221 trước Công Nguyên, tính đến nay mới hơn hai ngàn năm mà ba ngoại tộc (1) đã “ngốn” hết gần ngàn năm, chưa kể các thời kỳ loạn lạc. Vậy thì người Tàu có vẻ vang gì không?
Tuy nhiên, khi nhà Thanh cai trị nước Tàu thì họ bị “Hán hóa”, có nghĩa là cách ăn mặc, nói năng, tác phong, v.v… cái gì cũng muốn cho giống như người Hán, y như người Hán, ngoại trừ cái “đuôi chuột” trên đầu tóc họ.
Mỹ hóa
Không riêng gì người Việt hải ngoại mà cả người Việt trong nước, cũng như nhiều người khác ở các nước trên thế giới đang bị “Mỹ hóa”. Dĩ nhiên, việc “Mỹ hóa” trước hết là ở trong cách ăn mặc: Quần jean, áo da, mũ cao bồi, cũng như trong cách ăn nói, thói quen, tiêu khiển, văn chương, âm nhạc… Ở nước ta ngày trước – ngày trước chứ không phải bây giờ – khi có khách đến nhà, hỏi đứa bé “Bố mẹ đâu?” Đứa bé vòng tay lễ phép: “Cháu không rõ!” Bây giờ trẻ em Việt Nam ở Mỹ, có em không trả lời như thế. Có thể nó nhướng mắt nhìn khách, nhún vai, lắc đầu, trả lời rất Mỹ: “I don’t know!”
Saigon-hóa
Sau khi chiếm miền Nam, nhiều “chú bộ đội” chưa quen với văn hóa miền Nam, gọi cách pha cà-phê bằng “Cái nồi ngồi cái cốc”, hay “Một ly sữa Honda”. Chỉ một thời gian ngắn sau, các “chú bộ đội”, “cán bộ”, “đảng viên” bị “Saigon-hóa” rất nhanh: Cũng quần jean, giày Adidas, quên mất “cái khăn rằn”, đôi “giép râu”, mũ “tai bèo”.
Tình hình người Bắc vào Nam không khác chi người Thanh vào Bắc Kinh.
Ngoài cái “Saigon-hóa” bề ngoài, họ còn “Saigon-hóa” cả bên trong tâm hồn họ. “Lý tưởng Cộng Sản”, nếu có thì cũng đã bị họ “đánh rơi” mất rồi, chẳng ai thèm tìm lại. “Chủ Nghĩa Thực Dụng” làm cho “Chủ Nghĩa Cộng Sản” bị đại bại, biến “cán bộ Cộng Sản” thành “tiểu tư sản”, “tư sản” cả. Chẳng ai còn thấy “Người Cộng Sản” ở đâu. “Chủ Nghĩa Cộng Sản”, “Chế Độ Cộng Sản” bây giờ chỉ còn là phương tiện bảo vệ tài sản của họ. Khi cái tác dụng bảo vệ đó không còn, chính “cán bộ Cộng Sản” sợ Cộng Sản” hơn ai hết.
Ngược lại, miền Nam cũng không phải là không có người bị “Cộng Sản hóa”. Rõ ràng nhất là trong “ngôn ngữ”, cái mà nhiều người gọi là “từ Việt Cộng” hay “từ Cộng Sản”. Đại khái thì có “đảm bảo”, “bức xúc”, “cự ly”, v.v…
“Chế Độ Phong Kiến”
Ngày nay, trong cũng như ở hải ngoại, hễ nói tới chế độ quân chủ nước ta ngày trước thì hay dùng hai chữ “Phong kiến”. Ấy là cách Việt Cộng nói theo Tàu Cộng.
Nói như thế, so với lịch sử nước ta là sai.
Bên Tầu mới có “chế độ phong kiến”, ngày xưa cũng như bây giờ. Lịch sử Tây phương cũng có một “thời kỳ phong kiến”. Ai coi tuồng “Roméo – Juliette” thì biết. Ấy là mối tình ngang trái giữa các con của hai lãnh chúa thù địch nhau. Nước ta không có “chế độ phong kiến” như thế.
“Phong kiến” là nói tắt mấy chữ “Phong tước, kiến địa”. Một vị vua “ở trung ương”,phong cho các “lãnh chúa” mỗi ngưòi một vùng đất, mỗi người một tước hiệu (công, hầu, bá tử, nam). Mỗi lãnh chúa tự cai trị lãnh thổ của mình, lập quân đội riêng, thu thuế (thường là đất đai, ruộng rẫy). Người dân trong lãnh địa biết tới lãnh chúa, có nhiệm vụ với lãnh chúa nhiều hơn với vua.
Tổ chức xã hội phong kiến, Tầu hay Tây cũng gần giống nhau.
Trong lịch sử nước ta, chưa bao giờ có chế độ “Phong tước, kiến địa” như thế, ngoại trừ một mình Trần Quốc Tuấn. Vì ông là Đại Công Thần, sau khi chết được phong tước vương: “Hưng Đạo Đại Vương. Khi còn sống, ông được phong lãnh thổ, tức vùng Thái Hà Ấp ngày nay, và được có quân đội riêng. Hịch tướng sĩ của ông, là nhắm vào tướng sĩ của ông.
Chế độ nước ta ngày xưa là “Chế Độ Quân Chủ”, tức là “Vua làm chủ”, không phải “lãnh chúa làm chủ”. Lãnh thổ chia thành “Tỉnh”, có khi gọi là “thừa tuyên”, cũng có khi gọi là “trấn”, v.v… chưa bao giờ là “lãnh địa” của “lãnh chúa” như bên Tàu.
Tàu? Chệt, Ngô, Chú Ba?
Trong suốt hai tập “Việt Nam Sử Lược”, cụ Trần Trọng Kim chỉ dùng có một chữ “Tàu” để nói về “người Tàu”, “nước Tàu”.
Người Tàu đến nước ta, đến buôn bán hay định cư bằng “tàu” (hay “tầu”, giọng Bắc) nên người Việt gọi họ là “Người Tầu”. Đơn giản chỉ có vậy. Bọn cướp biển Tầu thì gọi là “giặc Tầu Ô”. Ô là con quạ đen, vì tàu cướp biển của Tàu thường giương cờ đen. Lính Lư Hán qua Việt Nam năm 1945, sau khi Nhật đầu hàng thì người Việt ta gọi là “Tàu phù” vì anh nào cũng bị phù thủng, thiếu ăn, thiếu thuốc.
Có khi người ta gọi người bằng Tầu là “Chệt”. Trong Nam thì gọi là “Chiệc”. Trong văn chương cũng gọi là “Chiệc”. Trần Tế Xương viết như sau:
Ba mươi thết, tết lại ba mươi
Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú khách
Một tay cầm cái dù rách
Một tay xách cái chăn bông
Em đứng bờ sông
Em trông sang nước người:
“Hỡi chú chiệc ơi là chú chiệc ơi”
Một tay em cầm quan tiền,
Một tay em xách thằng bù nhìn
Quan tiền nặng thì quan tiền chìm
Bù nhìn nhẹ thì bù nhìn nổi,
Ới ai ơi, của nặng hơn người …
Chỉ mấy câu thơ mà Trần Tế Xương gọi người Tàu bằng nhiều cái tên khác nhau: Khi thì “Thằng Ngô”, khi thì “chú Khách”, khi thì “Chú Chiệc”. Ngô là người Tầu phía Nam sông Trường Giang, “Tam Quốc” gọi là “Đông Ngô”. Gọi là “khách” là vì họ từ ngoại quốc đến, người Việt là chủ. Tôi không rõ tại sao gọi là “Chệt” hay “Chiệc”. Dân Saigon gọi người Tàu là “Chú Ba”, gọi người Ấn là “Chú Bảy” (hoặc “Bảy Chà”). “Ba Tàu” còn có thêm cái đuôi là “Ba Tầu Chợ Lớn”, “Ba Tàu HồngKông”, “Ba Tàu Đài loan”, v.v…
Vì người Tầu xâm lăng nước ta nên dân ta gọi họ là “Giặc Tàu”. Trong bài “Gia Tài Của Mẹ”, Trịnh Công Sơn viết là “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu.” Sau 1975, Trịnh Công Sơn “giấu biệt” bài nầy vì nhiều lý do, trong đó cũng vì hai tiếng “Giặc Tàu”. Việt Cộng rất “kính cẩn” Tàu nên không cho dân chúng dùng hai tiếng “giặc Tàu”. Cấm tiệt!
Vậy mà bây giờ “đám trẻ” đấu tranh trong nước, “cả gan gọi, viết, hát “giặc Tầu”. Việt Khang viết “Mà giặc Tầu ngang tàng trên quê hương ta”. Phương Uyên thì mang tấm bảng “to tổ bố” có hai chữ “Tàu khựa” mà đi biểu tình.
Dĩ nhiên là mấy “chú Ba ở Bắc Kinh” phán với đám Việt Cộng ở Hà Nội rằng “Cái lày là không được dzồi! Các lị phải bỏ tù chúng ló.”
Khựa là cái gì? Có phải “khựa” cũng giống như “bựa”?
“Bựa” là cái chất dơ, còn dính trong miệng người ta. Ăn xong, người Việt hay xỉa răng, là xỉa cái “bựa” trong răng. Bựa nầy có khi rất hôi thối nếu nó dính trong miệng lâu ngày. Súc miệng là súc cái chất bựa nầy ra mà nhổ đi.
Có lẽ “khựa” cũng na ná như thế. Đó là thứ hội hám, dơ dáy, tham lam, nhỏ nhen, bần tiện, ích kỷ, lằng nhằng, phá đám…. Khựa là bao gồm tất cả những gì xấu xa của người ta, mà người Tàu “ôm” về cho họ hết!
Tất cả những cái tên gọi đó, chẳng có cái tên nào được coi là không có cái ý coi thường người Tàu.
Trên mặt giấy tờ, trước 1975, về quan hệ ngoại giao thì chính quyền Việt Nam Cộng Hòa gọi là Trung Hoa, rõ hơn thì gọi là “Trung Hoa Quốc Gia”, tức “Tàu Đài-Loan” của Tưởng. Tòa đại sứ Trung Hoa Quốc Gia ở trên đường Hai Bà Trưng”. Dân Saigon nghe cái tên dài dòng quá nên gọi tắt là “Tòa đại sứ Tầu” cho nó gọn.
Tại sao người Việt có ý coi thường người Tàu như thế?
Một là vì truyền thống. Việc người Tầu đô hộ người Việt một ngàn năm, xâm lăng nước ta mấy lần, đời nhà Lý, đời Trần, đời Lê, đời Tây Sơn, không dễ làm cho người Việt quên đi cái hận cũ.
Thứ hai là tại vì việc người Tàu định cư ở nước ta.
Khi mới đến, người Tàu không xa kẻ “khố rách áo ôm” bao nhiêu. Họ làm đủ nghề để sinh nhai. Thuở hàn vi thì buôn ve chai, mua bán đồ cũ. Ở miền Tây thì họ làm ruộng. Nhờ cần cù chăm chỉ làm ăn, buôn bán, đầu cơ tích trữ, buôn gian bán lận, cho vay cắt cổ, chẳng bao lâu họ giàu có, nắm lấy việc buôn bán, thao túng thị trường.
Giàu đã bị người ta ghét rồi, huống chi giàu bằng những nghề chợ đen, chợ đỏ, bất nhân như thế.
Từ giàu có, họ có thế lực với kẻ cầm quyền. Thời Quân chủ, thời Tây còn đô hộ, họ “vào ra” nhà Tây, nhà quan rất dễ, đầy đủ “lễ nghĩa Xuân Thu nhị kỳ”. Thời Cộng Hòa, khi bị đảo chánh, ông Diệm, ông Nhu chạy trốn vào nhà Ba Tầu Mã Tuyên là ý làm sao? Lý Long Thân vô ra dinh Độc Lập “dễ như đi chợ” là ý làm sao?
Họ đi với giai cấp thống trị. Người dân bị trị “thương” họ sao được? Vì vậy, khi tướng Kỳ bắn Tạ Vinh “hạm gạo” ở bùng binh chợ Bến Thành, có lẽ không ít người “hoan hô”.
Ngược lại, người Tàu có “tôn trọng” dân Việt ta hay sao?
Mãi đến khi người Tây phương phổ biến khoa học, thiên văn sang Tầu, người Tầu mới biết rằng quả đất tròn, gọi là “thuyết địa cầu”. Trước đó, cũng như trong kinh thánh đạo Thiên Chúa La Mã, người Tầu tin rằng đất vuông, theo thuyết “Địa tâm”.
Đất vuông thì người Tàu, tức Hán tộc ở giữa, văn minh, giỏi giang. Chung quanh là các giống dân mọi rợ, Tàu gọi là “man, di, nhung, địch”.
Họ gọi nước Việt ta là “Nam man”.
Sử chép:
“Năm 1637, Giang Văn Minh cùng với hơn 50 người nhận lệnh vua đi sứ sang “Trung Quốc”. Họ đến kinh đô nhà Minh vào một buổi chiều tà. Sau mấy ngày nghỉ ngơi, Giang Văn Minh vội vào yết kiến vua Minh. Ông ung dung bước vào sân rồng dõng dạc tâu-rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! Thần sứ giả Nam bang xin bái kiến.
Vua Minh thấy dáng điệu uy nghi và có vẻ ngạo mạn của ông,
liền quát lớn:
- Ngươi là sứ giả man di, vào sân rồng của ta chưa đúng lễ.
- Thưa bệ hạ, thần là sứ giả Nam bang, một nước có nền văn hiến đã lâu, chứ đâu có phải sứ giả man…
(Trích lại của “Đặc Trưng”.
Đi sứ không làm nhục mệnh nước).
Dưới cái đất vuông ấy là “Thiên hạ” (dưới trời), vua Tàu là vua thiên hạ, cai quản hết mọi nước. Nước Tầu ở giữa thì gọi là “Chung Côốc” tức là Trung Quốc (nước ở giữa). Các nước chung quanh như Cao Ly, Nhật Bản, Mãn Thanh, Tân Cương, Tây Tạng, Việt Nam là phiên ly (rào, dậu) của Tầu, canh giữ cho nước Tàu bình an ở giữa.
Tại những nước chung quanh Tầu, ai lên làm vua phải qua triều cống cho Tầu và “xin phong”. Vua Tầu có phong cho mới được gọi là vua. Có khi vua Tầu muốn làm khó, đòi thêm của triều cống, thêm “hối lộ” mới phong vương: An Nam Quốc Vương. Không ưa thì chỉ phong “tiết độ sứ”, tức là mới chỉ là “sứ” của vua Tàu, thay vua Tàu cai trị mà thôi!
Cách gọi như thế là người Tầu rất ngạo mạn!
Triều cống hay xin phong chỉ là một hình thức ngoại giao vào thời kỳ ấy, còn như người Tàu xâm lăng thì người Việt Nam đem quân đánh lại. Đánh theo cách của vua Quang Trung thì:
“Đánh cho để dài tóc
“Đánh cho để đen răng
“Đánh cho nói chích luân bất phản
“Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
“Đánh cho sử tri Nam Quốc Anh Hùng chi hữu chủ”
Người Việt Nam có niềm tự hào về Dân tộc, Tổ tiên của họ, về lịch sử chống Tàu vẻ vang của họ, nên không mấy khi họ gọi Tàu là “Trung Quốc”.
Gọi Tàu là Trung quốc tức là chấp nhận nước ta là “phiên ly” của Tàu. Dân tộc ta ngồi ngoài canh gác, để các các Chú Ba nằm ở trong mà hưởng tứ khoái hay sao???!!!
Tự ái Dân tộc không cho phép ta có cách gọi như thế!
Năm 1945, khi Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về Hà Nội “cướp chính quyền”, y ra lệnh cho đám cán bộ của y từ nay không được gọi là nước Tàu, dân Tàu là Tàu mà phải gọi là Trung Quốc.
Để làm chi?
Để tỏ lòng tôn kính nước Tàu, người Tàu!
Ấy là khác, là đi ngược lại với tâm tình người Việt. Thậm chí, sách sử xưa gọi “Người Tàu xâm lược” thì Việt Cộng, các sử gia Việt Cộng, sách giáo khoa Việt Cộng không dám gọi là người Tàu, nước Tàu, sợ “phạm húy” mà gọi trệch là “Bọn phong kiến phương Bắc”. “Phong kiến phương Bắc” không phải là Tầu hay sao? Gọi như thế không thấy mình là hèn hay sao?
Bây giờ thì “bọn trẻ” trong nước, như Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha mới 20 tuổi, cả gan gọi Tàu là “Tàu khựa”.
Trong khi người Việt tỵ nạn hải ngoại “kính cẩn” gọi Tầu là “Trung Quốc”.
Độc giả cứ mở ra mà xem, mà nghe, bất cứ một đài Truyền hình Việt Nam nào, bất cứ một đài phát thanh nào ở hải ngoại, đều gọi nước Tàu, người Tàu là Trung Quốc.
Những người ở trong nước chống Tàu Cộng và Việt Cộng sẽ nghĩ gì khi họ gọi Tàu là “Tàu khựa”, còn người Việt hải ngoại gọi là “Trung Quốc”. Họ có thấy “cô đơn” khi nhìn ra người Việt ở ngoài nầy?!
“Người ta” thiếu cái khăn xếp, cái áo dài, vòng tay, đứng bên cạnh Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, hân hoan đón mừng Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường hay sao?
Họ chống Việt Cộng và Tàu Cộng bằng cách nào vậy hà?
hoànglonghải
(1) Nhà Đường (618-907), Nhà Nguyên (1271-1368), Nhà Thanh (1644-1912)