Le Nguyen (Danlambao) - Giáng sinh đến có nghĩa rằng vài hôm nữa là hết năm cũ để nhân loại chào đón một năm mới dương lịch trải dài trước mắt. Theo lẽ thường người ta có thói quen kết toán công việc cuối năm lên kế hoạch hành động cho năm mới, nói ngắn gọn văn hoa bóng bẩy là “tống cựu nghinh tân” tức là xua ra cửa xui xẻo của năm cũ để chào đón may mắn vào nhà trong năm mới. Thiết nghĩ phong trào dân chủ, lực lượng đấu tranh cho dân chủ cũng không phải là ngoại lệ, là cũng cần phải xem xét lại trong năm qua đã làm được gì và những gì chưa làm được để điều chỉnh những hạn chế tồn tại nhằm hoạch định đường hướng hoạt động cụ thể cho những ngày tháng sắp tới, có hiệu quả hơn trong tương lai.
Nhìn lại một năm vừa qua đã có một số sự kiện đấu tranh nổi bật đáng ghi nhận, từ đấu tranh mang tính cách cá nhân tự phát đến đấu tranh mang tính tập thể có tổ chức và từ đấu tranh tập thể dưới hình thức “xin cho” như gởi đơn kiến nghị của 72 vị trí thức góp ý sửa đổi hiến pháp đến chuyển sang chủ động đấu tranh khẳng định quyền làm người, quyền dân sự, quyền chính trị phù hợp với luật pháp của nhà nước cộng sản ban bố cũng như các công ước Việt Nam ký kết, cam kết với quốc tế, qua hình thức tuyên bố của các công dân tự do, tuyên bố 258 của mạng lưới blogger Việt Nam, công bố sự ra đời của hội anh em dân chủ, diễn đàn xã hội dân sự, tuyên cáo thành lập hội phụ nữ nhân quyền Việt Nam..
Những sự kiện xảy ra trong năm là sự cố gắng vượt bực của một số nhỏ dũng cảm vượt qua sợ hãi lên tiếng mang tính chất thách thức độc quyền quyền lực của bạo quyền cộng sản Việt Nam và còn lại số đông quần chúng giữ im lặng, chưa ra mặt tỏ rõ thái độ với chế độ bạo tàn cộng sản. Như thế không có nghĩa rằng người dân chấp nhận chế độ, là họ không nhận ra tội ác cộng sản gây ra cho họ, xa hơn là cho đất nước dân tộc này và tuyên bố gán ghép xã hội chủ nghĩa là sự chọn lựa của toàn dân như hệ thống loa đài của đảng tuyên bố sai sự thật họ đều biết!
Để biết được tâm tư tình cảm thật sự của mọi tầng lớp nhân dân, cách tốt nhất là nếu có ai đủ điều kiện đi đây đi đó tiếp cận, thăm dò dư luận xã hội Việt Nam hiện nay như tiếp xúc với các nhân viên phục vụ khách sạn nhà hàng, dịch vụ giải trí, các tài xế taxi, xe honda ôm, các hướng dẫn viên du lịch, các bạn chung tour du lịch, các cán bộ đảng viên hưu trí cùng với các cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên tình cờ các thành phần nghèo buôn bán sinh sống trên vỉa hè, trong lòng đường phố đô thị... sẽ nghe được tâm tư tình cảm lẫn bức xúc của họ đối với nhiều bất cập, bất công trong chế độ độc tài cộng sản mà người làm dân không có quyền chọn lựa này.
Chắc chắn khi làm cuộc thăm dò dư luận cách khoa học và nghiêm chỉnh, chúng ta sẽ thấy hầu hết những người dân làm việc kiếm sống ngoài khu vực nhà nước đều có nhận xét về các vấn đề kinh tế xã hội khá sâu sắc cũng như nhận định chính trị ở một tầm cao hơn hẳn quan trí cộng sản cả một cái đầu. Chính tôi trong những lần “thỏng tay vào chợ” cận cảnh, tiếp xúc với nhiều thành phần xã hội đã mắt thấy tai nghe rất nhiều điều ta thán về chế độ cộng sản, trong đó ấn tượng nhất là hoạt cảnh hỗn loạn của các em, cháu học sinh tiểu học gây ồn ào mất trật tự trong bảo tàng chứng tích chiến tranh, bảo tàng lập ra chỉ nhằm mục đích “lên án tội ác Mỹ Ngụy” ở Sài Gòn khiến một cho chị lao công của bảo tàng thốt lên trống không với giọng khá bức xúc: “Con nít biết cái gì mà đem nó vô đây?...”
Một phát ngôn khác cũng làm tôi khá bất ngờ là một hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài, nói tiếng ăng lê giọng Mỹ khá lưu loát “thao thao bất tuyệt” về tội ác chiến tranh, kể lể công lao anh dũng đánh thắng... có đoạn diễn giảng ông Nguyễn Ái Quốc lấy tên Hồ Chí Minh của ông tàu nào đó làm tên ông ta, là để trả ơn sự giúp đỡ “to lớn” trong thời ông Quốc hoạt động cách mạng ở Trung Hoa. Vụ việc này đã không “bịt mồm” được một thanh niên việt kiều trong đoàn du lịch đứng bên nói với cha cậu ta rằng: “Con biết họ nói không đúng... con không muốn nghe nữa...” Câu chuyện nếu dừng ở đó thì cũng bình thường không có chuyện chi để bàn, điều làm cho tôi thật sự bất ngờ là sau câu nói của cậu thanh niên Việt kiều là người hướng dẫn viên du lịch bất ngờ bật tiếng Việt nói: “đừng nghe những gì cộng sản nói(?)...”
Qua những diễn biến tư tưởng lẫn nhận thức sâu sắc về xã hội của số đông quần chúng thầm lặng, chính mắt tôi chứng kiến và kể ra một mảng nhỏ, đủ cơ sở để kết luận rằng lực lượng đấu tranh cho dân chủ đang có nhiều thuận lợi để tổ chức khối quần chúng đã nhận biết cộng sản là tội ác, là nguyên nhân của khổ đau chết chóc, của đói nghèo lạc hậu làm cản trở phát triển của đất nước nhưng chưa được hướng dẫn cho biết về những quyền tự do căn bản của một con người, những quyền lợi thiết thân, sát sườn của chính họ để họ tự đứng lên đấu tranh giành lấy những quyền, lợi ích hợp pháp mà lẽ ra chính họ phải được hưởng.
Chẳng hạn như quyền lợi, điều kiện làm việc của người công nhân Việt Nam quá kém, quá tệ so với mặt bằng của công nhân khu vực lẫn thế giới và sự khác biệt, thiệt thòi của giai cấp công nhân Việt Nam, giai cấp được đảng cộng sản ra rả đề cao ca ngợi là giai cấp nồng cốt của đảng lãnh đạo không được cải thiện đúng mức mà ngày càng tồi tệ hơn so với chuẩn mực quốc tế, chỉ cần tính kể từ ngày cộng sản Việt Nam đổi mới kinh tế, thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Điển hình như người công nhân làm việc toàn thời ở các xứ “tư bản bóc lột” cụ thể là Úc ngay thời điểm này có mức lương khởi điểm hay lương tối thiếu $18 một giờ, làm việc 8 giờ một ngày, 40 giờ một tuần và một ngày làm hơn 8 giờ sẽ được trả lương gấp rưởi cho 3 giờ đầu, lương gấp đôi cho những giờ kế tiếp... ngoài ra một năm làm việc người công nhân Úc còn được hưởng 10 ngày lễ, 10 ngày bệnh, 4 tuần lễ nghỉ thường niên được trả lương và những quyền lợi của người công nhân Úc được hưởng không phải tự nhiên họ có mà phải qua một quá trình đấu tranh dài có tổ chức (công đoàn) được luật pháp bảo vệ mới có được.
Còn người công nhân Việt Nam làm việc trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa sau giai đoạn đổi mới mấy mươi năm qua như thế nào?
Cụ thể là 10 năm trước, lương khởi điểm của công nhân giày da Mỹ Phong Trà Vinh, một công ty có chủ đầu tư nước ngoài, là trên dưới $1 triệu/tháng và lương của công nhân giày da Mỹ Phong sau 10 năm làm việc đã thành thạo công việc được tăng lên trên dưới $2 triệu. Nhìn vào con số $1 triệu với $2 triệu thì thấy công nhân được tăng lương khá nhiều nhưng thật ra lương công nhân Việt Nam không được tăng gì cả bởi 10 năm trước $1 triệu đồng Việt Nam là $100US và bây giờ $2 triệu đồng Việt Nam cũng chỉ là $100US. Cũng như 10 năm trước với 10 năm sau, quyền lợi của người công nhân giày da Mỹ Phong không có nhiều thay đổi đáng kể, chỉ có mỗi thay đổi nhỏ là công nhân được trả thêm tiền làm tăng ca và bọn cai (chủ quản) được thuê mướn từ Trung Quốc không còn vô cớ chưởi bới hạ nhục rằng “...không có tụi tao, tụi bây đi làm gái hết rồi...”vi phạm nhân phẩm người nữ công nhân Việt Nam đã thay đổi sau biến cố đình công quy mô dài ngày do Hạnh, Hùng, Chương lãnh đạo.
Nhắc đến quyền lợi của người công nhân Úc và người công nhân Việt Nam, không nhằm mục đích so sánh vì mọi so sánh đều rất lố bịch, chỉ thêm đau lòng bởi rất ít người không hiểu nguyên nhân khác biệt ấy đến từ đâu? Nhắc đến công nhân Việt Nam chỉ là một trong nhiều mảng rời rạc cần quan tâm tuyên truyền vận động, hướng dẫn cho họ tự tổ chức, tự đứng lên đấu tranh giành lấy nhiều quyền lợi chính đáng lẽ ra phải thuộc về họ mà bọn “tư bản bóc lột” bản chất không thay đổi, là chỉ thấy có lợi nhuận càng nhiều càng tốt nếu tập thể công nhân không kiên quyết đấu tranh đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình?
Trở lại với lực lượng đấu tranh dân chủ ở trong nước tuyên bố thành lập một số tổ chức trong năm qua, có lẽ chúng ta ai cũng đều nhận ra là chỉ mới tạo được tiếng vang ở chiều rộng chứ chưa đi vào chiều sâu nhưng cũng đã là một cố gắng vượt bậc đáng ghi nhận không có điều gì để chê trách. Việc đấu tranh cho dân chủ trong nước còn nhiều “khoảng trống” rất cần sự tiếp sức tích cực của các tổ chức đấu tranh cho dân chủ ở hải ngoại, không chỉ ở mặt trận ngoại vận, không chỉ hỗ trợ tài chánh mà mặt trận đấu tranh dân chủ trong nước còn cần đến việc lực lượng đấu tranh hải ngoại đưa người về nước thực hiện tổ chức hoạt động đấu tranh.
Phải nhìn nhận rằng so với vài thập niên trước, các tổ chức đấu tranh vũ trang, kháng chiến phục quốc lập chiến khu dọc biên giới Thái – Lào, Thái – Kampuchea phải băng rừng vượt suối về nước chiến đấu với nhiều bất trắc hiểm nguy rình rập đến sự an toàn của các chiến sĩ đấu tranh của chúng ta, là có thật. Ngày nay các chiến sĩ đấu tranh của các tổ chức đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền ở ngoài biên giới Việt Nam, có thể đàng hoàng về nước bằng máy bay và vũ khí chủ lực, chính yếu là tư tưởng, một loại vũ khí nằm trong đầu của mỗi chiến sĩ đấu tranh không có gì cụ thể như súng ống đạn bom để bạo quyền cộng sản khám xét bắt quả tang cầm tù!
Do đó thời cơ đã đến trong thời điểm hiện tại, thời điểm có nhiều diễn biến thuận lợi cho lực lượng đấu tranh cho dân chủ, rất cần lắm những chiến sĩ bàn phím đứng lên, rời bỏ màn hình nhập cuộc và tình hình đấu tranh thực tiễn hiện nay rất cần lắm những tổ chức đấu tranh chống cộng từ xa, từ nơi chốn an toàn ngoài biên giới nước Việt Nam trở về nước tiếp sức với lực lượng đấu tranh trong nước cho trận “đánh” quyết định sắp diễn ra trong một ngày không xa.
Hy vọng Giáng Sinh và năm mới Dương lịch năm này sẽ là khởi điểm của sự chuẩn bị một thay đổi tích cực trong tư duy các cá nhân, các tổ chức đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền Việt Nam hầu hoạch định được chương trình hành động thông minh, hiệu quả trong đấu tranh dân chủ, giải trừ độc tài cộng sản và xa hơn nữa là dẫn dắt dân nước theo kịp các biến chuyển nhanh nhạy của nhân loại, hội nhập vào thế giới thời đương đại, thời toàn cầu hóa trong tương lai Việt Nam không cộng sản.