Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, lương thực hiếm hoi. Gia đình tôi quanh năm ăn cơm độn: khi thì độn bắp, khi thì độn khoai lang, khi thì độn sắn mì. Và cả làng Song Mỹ, không mấy gia đình ăn cơm trắng ! Cũng bởi vì cái đói gặm nhấm bao tử và tư tưởng của con người ta quanh năm suốt tháng, nên nông sản ở ngoài ruộng, trên rẫy rất cần được canh giữ đề phòng ăn trộm, cho tới khi gặt hái xong, đem về nhà, cất vào bồ…
Năm đó trời ít nắng, lạnh sớm nên lúa ngoài rẫy chậm chín. Đêm Giáng Sinh mà tôi vẫn phải lên rẫy giữ lúa. Mẹ tôi biết là tôi sẽ buồn lắm, cô đơn lắm, nên bà chuẩn bị cho tôi một "bữa tiệc Giáng Sinh" khá là thịnh soạn, thịnh soạn hơn bữa tiệc của gia đình nhiều ! Đó là một gói mì tôm, hai con cá khô nhỏ bằng hai ngón tay, một xị rượu đế, một gói trà ướp lài và ba tán đường. Được vậy, tôi cảm thấy thiệt thòi của mình cũng được bù đắp xứng đáng.
Đêm tối đã lâu mà nửa đêm chưa đến, những bài hát đã cạn, tôi quay ra sáng tác nhạc. Thần hứng lên cao, tôi bắt đầu dệt nhạc đặt lời: "Đêm êm êm, trôi vào giấc ngủ mềm. Thế nhân yên giấc say, đâu biết đêm nay, Con Trời đến đây…"
Chợt nghe tiếng chân rụt rè đi bên ngoài chòi. Tôi vội quăng cây đàn qua một bên, chụp lấy cây rựa, gồng mình thủ thế. Ở ngoài có tiếng phụ nữ giọng miền Trung: "Có ai trong chòi không ?" Tôi trả lời: "Ai đó ?" Tôi vừa dứt tiếng thì ở cửa chòi hiện ra một phụ nữ, sau lưng mang chiếc balô, trước ngực địu một trẻ sơ sinh, một tay cầm nón, một tay chống cây gậy dài, đầu đội nón tai bèo. Người phụ nữ nói: "Em từ bến xe đi về nông trường, ngang đây thấy có đốt lửa nên vào xin nghỉ nhờ một lát. Có được không ạ ?" Tôi trả lời hơi miễn cưỡng: "Ừ, vào đi !"
Ngồi yên trên sạp, tôi lặng lẽ theo dõi người phụ nữ. Cô ta bỏ cái nón lá và cây gậy ở ngoài cửa, rún người xuống để chui vào chòi, rồi đứng thẳng lên, tụt cái balô sau lưng xuống, giật cái nón ra, quăng lên cái ba lô, rồi cởi tay nải phía trước ra, bồng ngửa em bé, nhún nhẹ mấy cái như sợ em bé thức giấc. Lúc này nhờ ánh lửa trong chòi, tôi mới nhận ra cô ta còn trẻ lắm ! Khoảng mười chín, hai mươi… Cô ta có khổ người đậm đậm của nông dân, gò má cao, mũi hếch. Cô ta bồng em bé đi vào góc chòi, ngồi xuống đất, cười cười, nói: "Đây đúng là Trời đãi người hiền, có anh cho nghỉ nhờ trong chòi có lửa ấm, chứ không thì mẹ con em cũng phải ngồi ngoài gió nghỉ thôi. Mệt quá ! Mà lạnh nữa…"
Tôi vẫn lặng thinh, ngồi yên trên sạp, nhìn ngọn lửa nhưng để tâm theo dõi nhất cử nhất động của cô gái. Nông trường ở đây, người dân Song Mỹ chúng tôi gọi là nông trường Sông Cái. Nông trường viên là các thanh niên nam nữ được chiêu mộ từ các tỉnh miền ngoài, từ Quảng Bình trở ra. Nông trường Sông Cái nằm rất xa khu dân cư và khu rẫy của dân địa phương. Các nông trường viên cần di chuyển, phải đi xe đạp hoặc đi bộ mười mấy cây số, xuống bến xe Ninh Bình mới có xe đò. Rẫy nhà tôi gần con lộ này. Vì đất rẫy bằng phẳng nên đi ngoài đường lộ cũng nhìn thấy căn chòi giữ rẫy của chúng tôi. Tuy nhiên, người dân Song Mỹ chúng tôi tự cách ly mình với các nông trường viên vì lời đồn đãi về lối sống buông thả, thiếu nền nếp của nhóm thanh niên xa nhà này. Và vì vậy mà bản thân tôi cũng không muốn dây dưa với họ.
Lúc này, ngồi trong chòi tôi đây là một cô gái nông trường và đứa con nhỏ chừng hai tháng tuổi. Tôi cũng cảm động vì hoàn cảnh hai mẹ con lội bộ trong gió lạnh, nhưng tôi có phần ngại ngần trong việc tiếp đón họ như họ không phải là “người mình”. Tuy nhiên, cô gái nông trường thì bắt đầu cười nói tự nhiên. Cô kể chuyện cô nghỉ hộ sản, về quê Hà Tĩnh để sanh. Nay đưa con vào để tiếp tục lao động. Rồi cô kể những nghèo khó của miền Trung, và cả những chuyện vui ở ngoài làng. Dần dần tôi cũng thấy vui lây và khoảng cách xa lạ ban đầu cũng rút ngắn theo. Đang cô đơn một mình trên nương rẫy mà bỗng dưng có người trò chuyện nên vui cũng phải. Tôi bước xuống khỏi sạp mời cô gái uống trà nhấm đường tán, rồi ngồi dưới đất tiếp chuyện cô gái. Có chút nước trà ấm người và chút đường tăng sinh lực, cô gái càng nói chuyện nhiều hơn.
Lúc chuông Nhà Thờ ở làng vọng lên báo hiệu Lễ Nửa Đêm, tôi hứng chí lục gùi lôi rượu và cá khô ra mời cô gái nông trường. Chúng tôi cụng ly hai lần thì hết xị rượu. Hai con cá cũng hết, mà câu chuyện của cô gái nông trường thì vẫn nổ như bắp rang ! Chợt em bé trở mình khóc. Bà mẹ trẻ tự nhiên vạch áo cho con bú. Tôi tế nhị bước ra ngoài bê thêm củi vào để tiếp lửa. Em bé đang bú, cô gái không nói chuyện nữa, cô ư ử hát những bài ru con, dặm vào đó là những câu nựng nịu khe khẽ với con…
Tôi ngồi dựa cây cột giữa chòi, nhìn ra cửa chòi. Hơi rượu bắt đầu thấm vào máu, và giọng ru con trầm bổng của cô gái đã dìu tôi vào giấc ngủ lúc nào tôi không hay. Lúc tôi giật mình thức giấc thì thấy mình vẫn ngồi dưới đất, dựa cây cột. Lửa đã lụn, nhưng còn nhiều than hồng. Mẹ con cô gái đã ra đi. Cái balô, chiếc nón và cây gậy cũng không còn. Trời vẫn còn tối nhưng ở một góc trời đã hưng hửng. Tôi chuẩn bị về làng để kịp đi Lễ Rạng Đông.
Tôi khơi ngọn lửa, chất thêm củi vào thì thấy đống củi đã vơi gần hết. Tôi nấu ấm nước rồi lục gùi kiếm gói mì tôm thì không thấy nữa. Thôi rồi ! Cho mẹ con cô gái nông trường nghỉ nhờ một chút mà họ lại trả ơn cho tôi như vậy ! Tôi nhớ trước khi chiến tranh kết thúc, những khi bịnh nặng thì mẹ cho ăn mì tôm. Bao nhiêu năm rồi, không được ăn mì tôm, nhưng tôi nhớ mãi cái mùi thơm của tô mì, cái vị béo của nước dùng và những cọng mì bùi ngậy. Cô gái nông trường lấy cắp gói mì tôm, tôi tiếc lắm ! Tôi nhìn quanh chòi xem thử còn mất món gì không. Cây đàn ghita vẫn còn nằm trên sạp. Mùng mền vẫn còn nguyên. Cây rựa và cái gùi vẫn còn đó. Vậy là chỉ mất mỗi gói mì thôi !
Một thoáng thắc mắc đi vào suy nghĩ: Tại sao cô gái nông trường không lấy mùng mền, cây rựa và cái gùi là những thứ có giá trị gấp trăm lần gói mì tôm ? Có phải cô ta đói ? Có phải cái cơ thể bé nhỏ trong tay cô ta đang cần chút dinh dưỡng ? Có lẽ như vậy thật, vì không có lý do gì cô ta lại quý gói mì hơn các thứ kia. Nếu thế thì tôi không tiếc gói mì nữa. Vả lại, cô ta đã thức suốt đêm để đốt lửa cho tôi ngủ. Coi như cô đã trả giá cho gói mì rồi.
Tôi dọn đồ đoàn vào cái gùi rồi về làng đi Lễ với tâm trạng rất vui. Tôi có cảm giác của một mục đồng đang trên đường đi đến máng cỏ, thờ lạy Con Chúa giáng trần. Tôi thấy ngôi sao Mai nhấp nháy trước mặt như mời gọi, dẫn đường. Tôi thấy trời đêm trong thật trong như chuẩn bị cho muôn vạn thiên thần xuất hiện, hợp xướng Gloria, Gloria… Quãng đường thường ngày tôi đi mất một tiếng đồng hồ sao hôm nay ngắn lạ !
Tôi về đến Nhà Thờ lúc chưa có ai. Đèn đuốc tối thui ! Chỉ có một bóng đèn nhỏ trong hang đá đủ sáng để tôi viếng Chúa Hài Đồng. Tôi dâng cho Chúa Hài Đồng và Mẹ Maria niềm vui của tôi, vì trong đêm Giáng Sinh, tôi đã tiếp đón một bà mẹ và em bé sơ sinh vào chòi, tôi đã mời bà mẹ uống rượu với cá khô, tôi đã không tiếc gói mì tôm cho em bé, tôi đã chia sẻ niềm vui Giáng sinh của tôi với họ.
Trong ánh sáng mờ mờ, tôi thấy Mẹ Maria bồng Chúa Hài Đồng giống hệt như cô gái nông trường bồng con cô ta. Và người đàn ông chăn cừu đứng lấp ló trong góc hang đá giống hình ảnh của tôi quá. Và ánh sáng nhập nhoạng của bóng đèn nhỏ giống ánh sáng đống lửa trong căn chòi của tôi. Rồi hình ảnh đêm hôm qua sống lại, tôi với tay ôm cây đàn và viết nốt bản nhạc dang dở:
Đêm êm êm, trôi vào giấc ngủ mềm.
Thế nhân yên giấc say, đâu biết đêm nay, Con Trời đến đây…
Xin dâng lên Ngài hồn tôi,
Xin dâng lên Ngài niềm vui,
Và xin dâng Ngài những em bé đêm nay không nhà.
Tôi viết xong bản nhạc thì vừa lúc Nhà Thờ giật chuông nhất…