Thursday 2 January 2014

Tưởng niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa

Danlambao - Chúng ta hãy tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa, tưởng niệm 40 năm ngày quần đảo thân yêu của đất mẹ mất vào tay quân thù, tưởng niệm linh hồn 74 người lính đã chết, bằng cách của chúng ta. 

Hãy tìm đến với gia đình, thân nhân của các binh sĩ tử trận để giúp đỡ họ, tỏ lòng tri ân họ, và hãy viết về họ - những mảnh đời không thể bị lãng quên. 

Hãy viết về Hoàng Sa và cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của đất nước. Hãy vạch ra những điều mà hàng chục năm nay, chúng ta không được biết, không được nghe nói, không được đề cập, vì chúng “nhạy cảm”, về quốc phòng, về quan hệ Việt-Trung trên mọi khía cạnh chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, lịch sử... 

Các bạn hãy viết và cùng chia sẻ những suy nghĩ, tâm tình của các bạn, những thông tin, câu chuyện các bạn có được liên quan đến hải chiến Hoàng Sa 1974, với Dân Làm Báo. Xin gửi về địa chỉ: lienlacdanlambao@gmail.com

*

Vào những ngày tháng giêng của 40 năm về trước, Biển Đông đã dậy sóng trong một biến cố giữa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, mà không một người Việt yêu nước nào có thể quên. 

Đó là trận hải chiến Hoàng Sa, kéo dài từ ngày 17 đến ngày 19/1/1974, cũng là những ngày sát Tết Nguyên Đán Giáp Dần. 

Tư tưởng Đại Hán, đầu óc tham lam của Trung Quốc khiến chính quyền Trung Hoa dòm ngó biển đảo của nước láng giềng từ rất lâu. Lịch sử còn ghi lại, ngay cả khi còn các cố vấn Trung Cộng còn đang sát cánh bên “đàn em” Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để chỉ đạo cuộc cải cách ruộng đất “long trời lở đất”, thì Trung Quốc đã có dã tâm xâm chiếm Hoàng Sa và đã cướp được một phần Hoàng Sa, tranh thủ khi quân đội thực dân Pháp rút khỏi quần đảo này (năm 1956). 

Ngày 11/1/1974, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc và tố cáo Việt Nam Cộng Hòa chiếm đóng lãnh thổ Trung Hoa. Sau đó, Việt Nam Cộng Hòa ra tuyên bố bác bỏ những cáo buộc đó, đồng khởi khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Để củng cố và bảo vệ chủ quyền, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa quyết định thiết lập một sân bay trên quần đảo Hoàng Sa. 

Nhưng ngày 16/1/1974, khi một phái đoàn của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thăm dò một số đảo của Hoàng Sa, thì khám phá ra sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc. 

Giao tranh khốc liệt nổ ra vào buổi sáng và trưa ngày 19/1. Bầu trời Sài Gòn u ám chiều 19 và những ngày sau đó khi hay tin Hoàng Sa thất thủ, 74 người lính Việt Nam Cộng Hòa hy sinh vì chủ quyền đất nước. 

Đó đã là cuộc chiến không cân sức của Việt Nam Cộng Hòa trước một kẻ thù hung bạo, với một đồng minh Hoa Kỳ quay lưng, ngoảnh mặt, và một nửa đất nước khi ấy - tức là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - im lặng, không phản ứng. Họ đã chiến đấu trong cô đơn. 

Sự cô đơn sẽ tiếp tục và còn nặng nề hơn trong những năm sau ngày 30/4/1975, khi hai miền thống nhất và Việt Nam Cộng Hòa được gắn nhãn “ngụy quyền”. Lịch sử bị viết lại hoặc bị tẩy xóa. Tên tuổi những người từng chiến đấu và hy sinh cho chủ quyền đất nước bị cố tình đẩy vào lãng quên, bởi lẽ họ thuộc về “phía bên kia”. 

Và cũng chẳng phải chỉ riêng họ. Cùng với việc Việt Nam-Trung Quốc bình thường hóa quan hệ và đảng cộng sản Việt Nam chọn con đường dựa dẫm vào “bạn vàng” phương Bắc để “gìn giữ chủ nghĩa xã hội” hay là lợi ích của đảng, đến cả chiến tranh biên giới 1979, rồi hải chiến Trường Sa 1988 cũng có nguy cơ bị xóa nhòa. 

Tấm màn bưng bít, cuối cùng, chỉ bị xé bỏ nhờ Internet. 

Bạn đọc Dân Làm Báo thân mến, 

Chúng ta hãy đừng chờ đợi những buổi lễ tưởng niệm hoành tráng của nhà nước Việt Nam, nơi mà giới chức giữ một thái độ thậm thụt, vừa tưởng niệm người đã khuất, vừa rón rén quan sát thái độ của “bạn vàng-đồng chí tốt”. 

Chúng ta hãy đừng chờ đợi những diễn văn theo mẫu của các quan chức nhà nước, mà chúng ta đều đã biết trước là sẽ chẳng chứa đựng thông tin gì song nếu có tờ báo nào “xé rào” đăng tải được, thì cả báo giới lẫn người đọc đều xuýt xoa như thể đó là một hành động anh hùng! 

Chúng ta hãy đừng chờ đợi những phong trào “tri ân” rầm rộ do các cơ quan Nhà nước tổ chức, mà sự tôn trọng và giúp đỡ thực chất cho thân nhân những người đã khuất không biết được bao nhiêu. 

Chúng ta hãy tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa, tưởng niệm 40 năm ngày quần đảo thân yêu của đất mẹ mất vào tay quân thù, tưởng niệm linh hồn 74 người lính đã chết, bằng cách của chúng ta. 

Hãy tìm đến với gia đình, thân nhân của các binh sĩ tử trận để giúp đỡ họ, tỏ lòng tri ân họ, và hãy viết về họ - những mảnh đời không thể bị lãng quên. 

Hãy viết về Hoàng Sa và cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của đất nước. Hãy vạch ra những điều mà hàng chục năm nay, chúng ta không được biết, không được nghe nói, không được đề cập, vì chúng “nhạy cảm”, về quốc phòng, về quan hệ Việt-Trung trên mọi khía cạnh chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, lịch sử... 

Các bạn hãy viết và cùng chia sẻ những suy nghĩ, tâm tình của các bạn, những thông tin, câu chuyện các bạn có được liên quan đến hải chiến Hoàng Sa 1974, với Dân Làm Báo. Xin gửi về địa chỉ: lienlacdanlambao@gmail.com

Dân Làm Báo sẽ đăng tải các bài viết của các bạn trong chuyên đề “Tưởng niệm 40 năm hải chiến Hoàng Sa” của thôn ta, bắt đầu từ hôm nay cho đến hết ngày 20/1/2014. 

Cảm ơn các bạn.