Thursday 2 January 2014

Tản mạn đầu năm - Phạm Khắc Trung

        Đề tài "Để hấp dẫn chim mái? Hót hay!", được đăng trên mục Đời Sống của                   đài Tiếng Nói Hoa Kỳ − VOA, ngày 31.12.2013 (Trích):

           "Muốn hấp dẫn một con chim mái ? Hót! Nhưng phải biết chắc rằng tiếng hót thích                hợp!

Đó là một trong những phát hiện của một cuộc khảo cứu mới về các con chim hoàng yến, có tiếng hót hay và thay đổi luôn theo mùa. Kích thích tố nam (testosterone) đóng một vai trò trong sự thay đổi trạng thái này, và các nhà khảo cứu tại Trường Đại Học Johns Hopskins muốn biết sự gia tăng mức kích thích tố trong não bộ của chim sẽ ảnh hưởng tới tiếng hót như thế nào.

Các nhà khảo cứu sử dụng ba nhóm chim. Một nhóm nhận được testoterone chích vào POM - khu vực của não bộ kiểm soát động lực tính dục nơi nhiều thú vật cũng như con người. Nhóm thứ hai nhận được testoterone trên khắp não bộ. Nhóm thứ ba không được chích gì hết.

Nhóm thứ nhất hót … nhưng không hay lắm. Các chim yến trong nhóm thứ nhì có giọng hót rất hay.

Nhà nghiên cứu Beau Alward, tác giả chính của cuộc khảo cứu này giải thích, “điều đó gợi ý rằng testoterone cần hoạt động tại  nhiều khu vực khác nhau của não bộ để điều chỉnh những thành tố cụ thể của hiện tượng phức tạp này.” Những thành tố đó bao gồm phẩm chất của giọng hót cũng như tiến trình hấp dẫn một chim mái.

Bởi vì những kích thích tố nơi chim yến đồng nhất với những kích thích tố nơi con người, kết quả của cuộc khảo cứu này có thể giúp giải thích testoterone hoạt động như thế nào trong não bộ để điều chỉnh lời nói và việc sử dụng kích thích tố ảnh hưởng tới hành vi tính dục ra sao.

Cuộc khảo cứu này được công bố trong tạp chí chuyên ngành Proceedings of the National Academy of Science
". (Ngưng trích)

 
"Để hấp dẫn chim mái? Hót hay!Tôi không đồng ý với kết luận của cuộc khảo cứu này, khi các nhà khoa học đem những kích thích tố nơi chim yến mà đồng nhất với những kích thích tố nơi con người.

Để chứng minh cho lập luận này, trước hết, tôi xin nhắc đến câu truyện cổ tích là "Trương Chi Mỵ Nương". Truyện kể rằng, có ông quan thừa tướng sinh được người con gái nhan sắc tuyệt trần, đặt tên là Mỵ Nương. Nàng sống trong ngôi lầu cao cạnh bờ sông. 

Bấy giờ có một chàng trai con nhà thuyền chài tên là Trương Chi, ngày ngày đến thả lưới kiếm ăn trên khúc sông đó. Chàng vừa buông lưới, vừa cất tiếng hát du dương, khiến cho Mỵ Nương ở trong lầu cao nghe được, đem lòng xao xuyến say mê tiếng hát.

Một dạo, Trương Chi đi đánh cá ở khúc sông khác. Vắng tiếng hát, Mỵ Nương sinh ra sầu não, nàng bồn chồn trông đợi nhưng tiếng hát vẫn biệt tăm. Nhớ nhung, nàng ngả bệnh.

Thừa tướng cho mời các lương y đến xem mạch, bốc thuốc, chữa bệnh mà bệnh tình của Mỵ Nương vẫn không thuyên giảm. Sau có người hầu bẩm báo sự việc, thừa tướng mới biết con mình mắc bệnh tương tư, nên cho người đi đòi Trương Chi đến.

Trương Chi vào thăm Mỵ Nương, chàng đội chiếc nón lá che khuất mặt. Mỵ Nương năn nỉ không được nên ra lệnh, Trương Chi mới ngả nón ra. Vừa nhìn thấy mặt Trương Chi, Mỵ Nương vỡ mộng vì Trương Chi xấu xí quá. Nàng bèn thả cho chàng về, và từ đó không còn thiết tha gì đến tiếng hát của chàng ta nữa.

"Mỵ Nương vỡ mộng vì Trương Chi xấu xí quá", câu này có thể ám chỉ đến dung mạo, có thể chỉ về tiền tài, có thể nói đến danh vọng, sự nghiệp..., nghĩa là tất cả cái bề ngoài tạo thành Trương Chi.

Hồi nhỏ lúc mới vào Trung Học, tôi từng nghe mấy chị lớn kháo nhau rằng: "Thà làm bé ông lớn còn hơn làm lớn ông bé!"

Gần đây một số ca sĩ trong nước thẳng thắn tuyên bố: "Không ngu đi yêu trai nghèo!"

Và điển hình là lá thư của một cô gái đăng trên mạng (Trích):

 "Những gì tôi viết sau đây đều thật lòng cả.

Tôi 25 tuổi. Tôi rất đẹp, tôi có phong cách và khiếu thẩm mỹ cao, tôi muốn cưới một anh chàng có thu nhập từ 500,000 đô mỗi năm trở lên. Bạn có thể nói tôi là người tham lam nhưng với thu nhập mỗi năm 1 triệu đô thì chỉ được coi là tầng lớp trung bình ở New York.

 Yêu cầu của tôi không cao. Có ai trong forum này có thu nhập hàng năm là 500 nghìn đô không? Trong số các bạn có ai lập gia đình chưa? Tôi muốn hỏi: "Tôi phải làm gì để lấy một ông chồng giàu như các bạn?" Trong số những anh chàng tôi hẹn hò, anh giàu nhất thu nhập chỉ là 250 nghìn đô mỗi năm, đối với tôi mức lương này là quá ít. Nếu như ai đó có ý định chuyển đến 1 căn hộ ở phía tây New York Garden thì mức lương này không đủ để chi tiêu.

Tôi có vài câu hỏi cho các bạn:

1)- Những anh chàng giàu có thường lui tới những địa điểm nào? (làm ơn liệt kê ra tên và địa chỉ các quán bar, nhà hàng, phòng tập thể dục ...)

2)- Tôi nên nhắm những độ tuổi nào?

3)- Tại sao mấy bà vợ của các đại gia chỉ có nhan sắc trung bình? Tôi từng tiếp xúc với vài người trong số họ, họ chẳng xinh đẹp và chẳng thú vị gì cả, nhưng tại sao họ cưới được những ông chồng giàu có?

4)-  Các bạn dựa vào những tiêu chuẩn nào để chọn vợ, và những người nào chỉ có thể là bạn gái của các bạn thôi? (Mục tiêu của tôi bây giờ là lấy chồng)

Ms. Pretty" (Ngưng Trích)

Lá thư trên đã được CEO thuộc tập đoàn J.P.Morgans thẳng thắn trả lời (Trích):

"Dear Ms. Pretty:

Tôi đã đọc bài viết của bạn và cảm thấy rất thích thú. Tôi đoán có rất nhiều cô gái cũng có những câu hỏi như bạn. Xin cho phép tôi được phân tích tình huống của bạn với tư cách của một nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Trước hết, mức thu nhập của tôi là hơn 500 nghìn đô một năm, đáp ứng được yêu cầu của bạn, vì thế hy vọng mọi người không nghĩ rằng tôi đang phí thời gian ở đây. Đứng dưới góc độ là một doanh nhân, tôi nghĩ cưới bạn quả là một quyết định thiếu sáng suốt. Câu trả lời rất đơn giản, hãy để tôi giải thích cho bạn hiểu, gạt qua những chi tiết linh tinh khác thì rõ ràng bạn đang cố gắng trao đổi "nhan sắc" lấy "tiền", có nghĩa là: A có nhan sắc và B có tiền để mua nó, công bằng và sòng phẳng.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt ở đây là nhan sắc có thể phai tàn theo năm tháng nhưng tiền đầu tư thì không như vậy. Thực tế phũ phàng là thu nhập của tôi tăng dần qua năm tháng, còn bạn thì không thể ngày một đẹp hơn lên. Vì thế nếu xét dưới góc độ kinh tế mà nói, tôi là một tài sản luôn luôn tạo ra giá trị gia tăng, còn bạn chỉ là một tài sản hao mòn. Hơn nữa không phải hao mòn bình thường mà là hao mòn theo cấp số nhân. Nếu đó là tài sản duy nhất mà bạn có, thì giá trị của nó sẽ bị giảm rất nhiều sau 10 năm nữa.

Nếu so sánh với các phiên giao dịch trên phố Wall thì việc tôi hẹn hò với bạn cũng như một phiên giao dịch vậy. Nếu giao dịch bị giảm giá thì chúng tôi sẽ bán, chẳng ai ngốc giữ nó trong một thời gian dài - cũng như việc kết hôn vậy. Có thể bạn nghĩ tôi thật dã man khi nói ra điều này, nhưng một tài sản mà có giá trị khấu hao lớn như vậy, thì tốt nhất là nên bán nó đi hoặc cho thuê.

Bạn cần phải hiểu rằng bất kỳ một gã đàn ông nào có mức thu nhập 500,000 đô mỗi năm đều không phải là những gã ngu. Chúng tôi chỉ hẹn hò với bạn nhưng chúng tôi sẽ không cưới bạn. Tôi khuyên bạn hãy quên chuyện tìm cách lấy chồng giàu đi. Thay vào đó hãy tự kiếm cho mình khoản thu nhập 500,000 đô mỗi năm để trở thành đại gia. Việc này có nhiều cơ hội thành công hơn so với việc tìm một thằng giàu mà ngu đấy.

 Thân ái

 Sumit Kishanpuria - Tổng giám đốc ngân hàng JP Morgan" (Ngưng trích)

Thế thì sự thực ra sao?

Và tình cờ tôi lại tìm đến một câu truyện cổ tích khác, "Truyện Đầm nhất dạ" (Trích):

         "Hùng Vương truyền ngôi đến vua cháu ba đời, có sinh được một người con gái tên là          Tiên Dung Mỵ Nương, tuổi vừa mười tám, dung mạo tú lệ, nguyện không lấy chồng,             chỉ thích ngao du thiên hạ. Vương chìu mà nghe theo. Mỗi năm khoảng tháng hai,                 tháng ba, nàng sửa soạn thuyền ghe, lênh đênh ngoài biển, vui chơi quên cả ngày về.

Lúc bấy giờ ở làng Chử Xá có người tên là Chử Vy Vân sinh được một người con trai tên là Chử Đồng Tử, hai cha con vốn tính hiền lành, nhà nghèo lại gặp nhà cháy, của cải khánh tận chỉ còn một cái khố vải, cha con ra vào thay đổi nhau mà mặc. Bị bệnh già, cha bảo con rằng:

− Ta chết thì chôn lộ thể cũng được, để cái khố lại cho con mặc kẻo xấu hổ.

Cha chết, người con không nỡ làm thế, cứ để cả khố mà chôn. Chử Đồng Tử bấy giờ thân hình trần truồng, đói rét khôn xiết, mới cầm cần câu đi kiếm bờ sông câu cá, trông thấy thuyền buôn đi qua, đứng dưới nước mà xin ăn. Nào ngờ thuyền của Tiên Dung bỗng đến đó; nghe thấy tiếng chuông trống đàn sáo, thấy những nghi tượng cờ xí, Đồng Tử sợ hãi, không biết trốn vào đâu, trông thấy trong bãi phù sa có chùm lau sậy, lơ thơ năm ba gốc, bèn ẩn thân vào đó, đào cát thành huyệt để giấu mình, lại lấy cát vùi lên trên.

Giây lát, thuyền của Tiên Dung ghé vào đó; nàng dạo chơi trên bãi cát, truyền lấy mùng màn vây kín cả chỗ lau sậy để tắm.

Tiên Dung vào trong màn, cởi áo múc nước dội tắm; cát chảy, thân hình Đồng Tử lộ ra, hồi lâu Tiên Dung biết là con trai. Tiên Dung nói:

 − Ta đã không thích lấy chồng, nay lại gặp người này cùng lộ thân với nhau trong một huyệt cát, có lẽ trời khiến thế chăng? Thôi người hãy dậy mà tắm rửa đi.

 Rồi ban cho áo quần, cùng nhau xuống thuyền ăn uống hoan lạc; người trong thuyền đều cho là một sự gặp gỡ tốt lành xưa nay chưa từng có.

Đồng Tử nói rõ sự tích cho Tiên Dung nghe; Tiên Dung thương xót, bảo làm vợ chồng..." (Ngưng trích)

Nhờ cát chảy, thân hình Đồng Tử lộ ra, Tiên Dung thấy biết là con trai nên bảo làm vợ chồng. Điều đó có phải ý nghĩa của câu: "Đẹp trai không bằng chai mặt" mà tôi thường nghe các cô bạn học kháo với nhau?

Cách đây khá lâu, lúc đó tôi còn tham gia một diễn đàn văn nghệ rất vui. Sau khi một người post lên bài "Cũng vẫn là một chuyện tình", một chị khác viết (Trích):

           "Đọc bài viết này tôi lại nhớ đến câu chuyện một người bạn đã kể:

Hai ông bà cụ tuổi đã gần chín mươi, đưa nhau ra tòa ly dị sau gần bảy mươi năm gắn bó. Ông bà có với nhau sáu mặt con sau bằng ấy năm chung sống.

 Trong nghề đã lâu, và chứng kiến biết bao nhiêu vụ ly dị, những thành phần bỏ nhau đa số là giới trẻ. Vì vậy, nhìn cặp vợ chồng lưng còng tóc bạc này quan tòa ngạc nhiên lắm, ông hỏi:

 Tại sao đã sống với nhau một thời gian quá dài như vậy mà chẳng có chuyện gì xảy ra. Thế lý do gì bây giờ ông bà lại muốn ly dị trong khi tuổi đã cao?

 Bà trả lời trước:

 Lấy nhau được mấy năm, lúc đó mới có đứa con đầu chúng tôi đã muốn bỏ nhau vì tính nết khác biệt. Nhưng rồi suy đi tính lại, sợ quyết định của người lớn làm khổ cho đứa nhỏ, nên cứ dần dà cố đợi nó lớn. Chúng tôi cả hai chỉ vì thương con, cứ dần dà níu kéo nên hậu quả là năm đứa nữa lần lượt ra đời. Thế rồi vì một đứa không bỏ nhau được, thì làm sao sáu đứa bỏ cho đành, chúng tôi lại phải tiếp tục cố gắng chịu đựng chín bỏ làm mười ở với nhau để nuôi đàn con và đợi chúng khôn lớn rồi hãy tính. Nhưng theo thời gian, đến khi chúng nó khôn lớn, trai có vợ, gái có chồng, rồi nhìn chúng nó hạnh phúc, chúng tôi lại không nỡ làm vỡ đi cái hạnh phúc của chúng nó đang có, nên đành tiếp tục hy sinh cho con cho cháu...   

Quan tòa tò mò muốn biết ngay mà bà cụ cứ từ từ kể làm ông sốt ruột, ông ngắt hỏi:

 Thế thì lý do gì làm ông bà thay đổi?

Nghe giọng ông quan tòa có vẻ hơi gay gắt, ông cụ vội trả lời:

 Thưa quan tòa. Chẳng dấu gì ông, sở dĩ chúng tôi có mặt ở đây ngày hôm nay là tại đứa con cuối cùng trong sáu đứa cũng vừa qua đời cách nay ba tháng. Nên bây giờ chúng tôi chẳng còn gì ràng buộc và phải trả tự do cho nhau thôi.

Ông quan tòa hết ý, không hỏi nữa, đành để cho ông bà tự ý." (Ngưng trích)

Lúc đó tôi có đưa ý kiến thế này:

Lúc đọc câu chuyện cảm động “Cũng vẫn là một chuyện tình”, tự dưng tôi lại thấy vui vui, bởi nó làm tôi nhớ tới lời nói của một anh bạn vườn Nam bộ, gặp nhau ở London - Ontario, đã nói từ 30 năm về trước rằng: “Thấy vợ người ta chết đông chết tây mà bắt thèm”.

Hôm nay đọc chuyện vui chị VCS kể, làm tôi suy nghĩ đôi chút về việc ly dị của ông bà cụ tuổi đã gần chín mươi này:

Không biết dùng chữ “phú quý sinh lễ nghĩa” có thích hợp không, chứ tôi thấy cuộc sống càng thoải mái thì cơ hội vợ chồng ly dị nhau càng nhiều hơn, hay nói một cách khác, sự nghèo khó ràng buộc người ta gắn bó với nhau hơn.

Ở đây, tôi chỉ bàn về một lý do đơn giản nhất là “xa mặt cách lòng” thôi.

Sóng chén úp chung còn gây ra tiếng cọ xát, con người ăn ở chung sao tránh được tiếng bấc tiếng chì? Vợ chồng ăn ở với nhau có chuyện gây gỗ giận hờn là lẽ tự nhiên trong trời đất.

Nếu 2 vợ chồng ở trong căn nhà rộng lớn nhiều phòng. Khi giận nhau, mỗi người ôm gối áng ngữ một phòng riêng cố thủ, thì cơ hội làm huề khó hơn là bắt buộc phải nằm chung trong một chiếc giường bé xíu, quay qua quay lại cũng đụng nhau, nửa đêm vờ vịt choàng tay qua ôm ngực vợ..., nhất là dùng chiêu thức “thả em ra chiêu dụ” là chắc ăn như bắp, bởi vậy mà dân gian vùng đồng bằng Nam bộ mới có câu hò hữu tình như sau:

Hò... ơi...
Mù u hai trái mù u
Vợ chồng cãi lộn...
Hò... ơi...
Vợ chồng cãi lộn,
Con cu giảng hòa!

Thế thì, lý do hai vợ chồng tuổi gần 90 dắt nhau ra tòa ly dị, chính vì không còn ai đứng ra giảng hòa nữa.

Phạm Khắc Trung