Thursday 2 January 2014

Sách - Song Thao

ebook_and_books

Cuối năm 2013, anh em viết lách tại Montreal sung một cách bất thường. Ông Trang Châu cho ra lò tập truyện ngắn “Người Ăn Trưa Trong Xe”. Ông Hoàng Xuân Sơn trình làng cuốn phóng bút “Cũng Cần Có Nhau”. Ông Luân Hoán in tập thơ “Thơ Thơm Từ Gốc Rễ Tình”, tiện tay in luôn cuốn sách của nhiều tác giả “Đọc Nhịp Thở Luân Hoán”. Tôi rỉ rả cho in cuốn “Phiếm 14”. Hai cuốn của hai ông Trang Châu và Hoàng Xuân Sơn đã có bày bán tại nhà sách. Cuốn “Phiếm 14” của tôi đã in xong, đang đóng bìa. Hai cuốn của ông Luân Hoán đã lên máy in. Tính ra chỉ trong vòng hai tháng cuối năm, anh em viết lách Montreal đã chơi một cú ngoạn mục với năm đầu sách mới tinh. Chưa hết, ông Trang Châu hứng chí cho tái bản lần thứ 8 cuốn bút ký “Y Sĩ Tiền Tuyến” đã được giải thưởng “Văn Học Nghệ Thuật” năm 1969 và tập truyện “Dì Thu”. Tiện thể, chắc cũng nên nhắc lại, là  bốn tập truyện “Bỏ Chốn Mù Sương”, “Đong Đưa Cuộc Tình”, “Còn Đó Bóng Hình” “Chân Mang Giầy Số 6” của tôi cũng đã được tái bản thành hai tập “Tuyển Tập Truyện Ngắn Song Thao”. Ba cuốn còn lại trong số những tập truyện đã tuyệt bản từ lâu là các cuốn “Cuối Ngày, Một Lần Ngồi Lại”, “Bên Lưng Những Con Chữ” và “Chốn Cũ” sẽ lần lượt được tái bản trong thời gian sắp tới.

Tôi nói đây là một hiện tượng bất thường vì bây giờ in sách là một hành động quả cảm. Kinh tế suy thoái, độc giả thường là các bậc cao niên nay vị thì về với ông bà, vị thì mắt mờ, vị thì tay run, vị thì không còn đủ sức khỏe và minh mẫn để cầm tới cuốn sách. Lại nữa bây giờ máy móc tràn lan, nào computer, nào laptop, nàotablet, nhà nhà đều có năm bảy chiếc, người người ôm chiếc máy gọn nhẹ đọc trên tàu trên xe, mỗi chiếc máy chứa được cả chục ngàn cuốn sách đọc mút mùa lệ thủy, lại cho không biếu không, hoặc nếu có phải mua thì cũng rẻ rề. Vì vậy nên đọc sách trên các máy móc điện tử này là một cái mốt văn minh hết biết. Sách in chịu phận hèn, bị năm ba chưởng đánh cho tối tăm mặt mũi nên mai một dần.

In sách bây giờ, chết thì chẳng chết, nhưng chắc chắn bị thương từ nhẹ tới nặng. Vậy có thể liệt các người viết tại Montreal là loại cà cuống chết đến…bàn tọa vẫn còn cay chăng? Tôi không nghĩ vậy. Chúng tôi là những tên bốc đồng, khoái in sách thì cứ in. Có mang thương tích thì có thể tự coi như những chiến sĩ ngoài mặt trận, khi cần là cứ a la xô tiến về phía trước. Nghe có vẻ…y sĩ tiền tuyến nhưng quả thực tính toán không phải là nghề của chúng tôi. Miễn văn nghiệp của mình, nếu có thể gọi được là văn nghiệp, có thêm những cái dấu cộng.

Sách sẽ trở thành một thứ đồ cổ khó tồn tại. Chúng tôi ai cũng biết vậy. Còn sống được ngày nào chúng tôi cứ sống cái đã, chuyện ngày mai để tới ngày mai. Lo lắng chẳng ích lợi chi. Thích cầm cuốn sách mới, lật đi lật lại coi từ loại giấy, loại mực tới cái bìa, cách đóng dán sách, nhưng tôi phải thú nhận là tôi cũng đang đọc sách điện tử. Chỉ một cái tablet, loại mini, có thể đút vào túi áo lạnh (ông Luân Hoán còn sắm luôn cả mớ quần có túi ở đầu gối rộng cỡ có thể nhét được cả con gà để đút tablet vào!), vậy là tha hồ đọc, đọc nơi đâu cũng đặng, trên xe buýt, trên máy bay, tại tiệm cà phê, hay ngồi đồng chờ bạn bè hoặc vợ con ở bất cứ một nơi nào đó. Đầu tiên cũng khó chịu nhưng dần dà cũng quen. Thôi thì gặp thời thế thế thời phải thế!

Thời nay là thời của điện tử. Cái chi cũng phải điện tử mới đúng chỉ số. Đọc sách điện tử tôi đã từng, xuất bản sách điện tử tôi cũng đã qua. Cuốn Chốn Cũ của tôi đã được bán theo dạng e-book trên trang Da Màu và Amazon. Amazon.com là cửa tiệm bán online hoạt động từ tháng 11 năm 2007. Tới nay đã có khoảng một triệu đầu sách điện tử. Họ làm ăn trên mạng rất khấm khá. Đầu năm 2011, số sách điện tử bán ra đã vượt quá số bán sách in. Vậy là sách điện tử đã thắng thế. Thắng là thắng với thị trường sách tiếng Anh chứ với sách tiếng Việt thì còn lâu. Độc giả của chúng tôi là những người có tuổi, (con cháu chúng ta ở hải ngoại đâu có mấy em rờ tới sách tiếng Việt!) việc dùng computer không phổ biến, đọc sách điện tử càng hiếm hơn, vậy nên sách điện tử tiếng Việt, dù bán trên Amazon, vẫn cứ là một thứ hàng ế ẩm. Để bán là bán cho vui vậy thôi.

Ham vui như tôi mà cũng chỉ để bán trên mạng (nói là bán chứ có ai mua đâu mà bán!) độc nhất có một cuốn vì muốn xuất bản một cuốn sách online cũng mất nhiều công lao. Bản đánh máy có sẵn nhưng khi tạo thành một cuốn sách điện tử còn nhiều công lao vất vả mà các tác giả sách ít khi làm được. Phải có những chuyên viên điện tử uốn nắn chán chê mới hoàn thành. Đó cũng là một trở ngại lớn. Trở ngại này lại mới được khắc phục. Thời đại điện tử như có ma, chuyện gì cũng là chuyện có thể hoàn thiện được. Tác giả Nguyễn Vạn Phú ở trong nước vừa viết một bài mang nhan đề khá hấp dẫn: “Tôi Tự Xuất Bản Sách”. Hóa ra chuyện xuất bản sách điện tử bi chừ lại giản dị như vậy, chẳng cần chuyên viên chi cho rắc rối cuộc đời!

Hiện có hai nơi giúp các tác giả tự xuất bản: Amazon và Smashwords. Ông Nguyễn Vạn Phú truyền nghề cho các tác giả Việt Nam: “Với Amazon hay Smashwords, quá trình xuất bản là hoàn toàn tự động, các bạn không phải gửi e-mail liên lạc với ai, không cần nói chuyện bằng tiếng Anh với ai cả. Dĩ nhiên sách của bạn phải đáp ứng một số điều kiện do các nơi này đặt ra”. Điều kiện nói ở đây không phải là nội dung cuốn sách mà là hình thức. Trước hết là định dạng(format) cuốn sách. Máy dùng để đọc sách có nhiều kiểu, nhiều kích cỡ và nhiều dạng khác nhau. Đại khái có epub dùng cho iPad, mobi hay prc cho Kindle, rồi dạng pdf hay html. Tôi chẳng bàn sâu vào những thứ có thể gọi là chuyên môn này cho bạn đọc đỡ điên cái đầu. Đứng trước các rắc rối này, các tác giả tự xuất bản sách phải làm chi? Chẳng làm chi cả. Chúng sẽ tự động được chuyển đổi hết. Nghe mà khỏe cái bụng. Ông Phú mách nước tiếp: “Sau khi đã chuẩn bị xong bản thảo, đăng ký tài khoản ở Smashwords hay Amazon, bạn vào và thao tác theo hướng dẫn trên màn hình. Lần lượt từ gõ tên sách (cứ gõ tiếng Việt có dấu), miêu tả tóm tắt sách, định giá bán, tỉ lệ cho phép tải về để đọc miễn phí trước, các định dạng muốn chuyển đổi. Sau khi tải lên hình bìa và file bản thảo, bạn chỉ cần chờ ít phút cho phần mềm của họ chuyển đổi và ô là lá, sách của bạn đã được xuất bản!”.

Cuốn sách bạn vừa tự xuất bản trên mạng sẽ chìm lẫn vào cả triệu đầu sách khác, ai biết đâu mà mò vào mua. Phải quảng cáo. Quảng cáo trên Facebook, Twitterhay các mạng xã hội khác, hoặc trên các blog cá nhân hay website. Một cách quảng cáo khác là tặng sách cho bạn bè để nhờ họ a lô cho bà con dùm.Smashwords cho phép tạo ra những phiếu coupon giảm giá. Ngon nhất là giảm 100%, tức là tặng không. Cho bạn bè biết mã số để họ download sách về đọc…chùa. Nhưng đừng lạc quan thái quá. Sách Việt trên mạng chưa mang lại lợi lộc gì cho các tác giả đâu. Không nên nghĩ tới chuyện làm giầu. Cứ có người mua là quý rồi!

e-roll
Máy e-reader màn ảnh cong.

Sách điện tử là thứ mà các độc giả cứng tuổi rất kỵ. Cầm trên tay cuốn sách in thấy mềm mại êm tay. Cầm cái tablet cứng ngắc ngay đơ cán cuốc không thấy đã. Cứng ngắc nên việc bỏ cái tablet vào túi là một điều khó khăn. Sự bất tiện đó cũng sẽ không còn nữa. Tháng 10 vừa qua, công ty LG đã cho ra mắt chiếc điện thoại thông minh G Flex. Thứ mới ra lò này hết cứng ngắc mà cong cong có thể cuốn lại được hoặc, ngon lành hơn, gấp nhỏ lại được như chúng ta gấp những tờ giấy. Tôi chưa được nhìn hoặc sờ vào cái thứ cong cong này nhưng nghe đã thấy khoái. Từ nay khỏi phải vướng víu tay chân. Chắc ông bạn Luân Hoán của tôi sẽ buồn. Những chiếc quần có cái túi chứa được cả con gà mà ông khoái chí nay trở thành vô dụng!

Điện tử với lại điện tử. Thời buổi ngày nay cứ như bị điện giật. Chẳng còn đâu được cái thư thái khi ngả lưng trên chiếc ghế xếp đọc cuốn sách mềm mại trên tay. Độc giả buồn một phần, các tác giả buồn trăm lần hơn, những người chơi sách chắc phải buồn ngàn lần hơn nữa. Cụ Vương Hồng Sển là người chơi sách nổi tiếng. Thực ra ông thầy dậy môn “Văn Minh Việt Nam” của tôi ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn là một tay chơi ngoại hạng. Thứ chi cụ cũng chơi. Toàn là những cái thú phong lưu. Nhưng chơi sách là cái thú số một của cụ. Cụ thường cho biết: trong thú chơi sách vừa có tính cách tài tử là chơi sách, vừa có tính cách bác học là đọc sách. May mà cụ đã quy tiên từ năm 1996 chứ sống tới ngày tàn của sách in như ngày nay chắc cụ sẽ khóc mùi mẫn!

Chẳng cứ cụ Vương, chơi sách từ xưa tới nay vẫn là một thú vui tao nhã. Ngày nay vẫn còn những cửa hàng chuyên mua bán sách cũ. Đã chục năm nay, kể từ khi bố mẹ tôi quy tiên hết, tôi không về Việt Nam. Trước đó, mỗi lần về Sài Gòn là tôi mải miết đi lục lọi trong các cửa tiệm chật hẹp chuyên mua bán sách cũ. Đó là cái thú của tôi, từ xưa. Không biết có bạn đọc nào còn nhớ tới cái giá sách nhỏ chút xíu dựng trên bờ tường ngăn giữa hai cửa tiệm trên đường Lê Lợi xưa của anh Tư Thực mà khách hàng thường gọi thân mật là anh Tư không? Người đàn ông lùn tì này là một pho tự điển sống. Hỏi tới sách gì anh cũng biết. Còn hay hết anh cũng nằm lòng. Nghe hỏi tên sách là anh nói vanh vách tên tác giả, bao nhiêu lần xuất bản, in những năm nào. Nếu anh có, anh sẽ mở cánh cửa gỗ ọp ẹp, chui vào cái kẹt tối tăm nằm ngay sau cái giá sách nhỏ xíu lấy sách ra. Tùy theo tình trạng rách nát của sách mà anh tính giá nhưng bảo đảm giá nào cũng rất phải chăng. Trí nhớ của người đàn ông ít học này thật phi thường. Có những lần tôi hỏi một cuốn sách, anh không có, hẹn sẽ để dành cho tôi khi anh có. Vậy mà nhiều tháng sau, đi chơi ngang qua chỗ anh bán sách, chưa kịp hỏi, anh đã gọi lại trao sách!

Ngày nay có bà Hai Huế. Cái tên thân mật này là một sự nhầm lẫn. Bà người Quảng Bình nhưng nghe giọng miền Trung, dân miền nam không phân biệt rạch ròi được nên cứ cho là giọng Huế. Vậy là bà chết tên! Bà là một giáo viên ở Quy Nhơn, chồng chết trong cuộc chiến, bà một mình bồng con nhỏ trôi giạt vào Sài Gòn và hành nghề mua bán sách cũ. Khởi nghiệp bằng cách mang sách của chính bà tích cóp được mang ra bày bán ở vỉa hè đường Kỳ Đồng và Hồng Thập Tự. Ngày nay cửa hàng của bà ở số 150 đường Trần Huy Liệu là nơi mà những người chơi sách ai cũng phải biết tới. Đam mê sách vở đã trở thành máu thịt của bà. Bán sách nhưng, với bà, sách không phải là một món hàng. Bà tâm sự: “Sách tức là văn hóa, không như những việc buôn bán khác. Tôi bán giá rẻ cho khách hàng, đặc biệt là học sinh, sinh viên để mong những quyển sách quý đến được với nhiều người”. Ngày nay, với số tuổi trên bảy chục, bà vẫn tận tụy với sách.

tiem_sach_cu
Hiệu sách cũ ở 150 Nguyễn Huy Liệu mấy chục năm nay
trở thành nơi lui tới của người mê sách ở Sài Gòn. Ảnh: Lê Phương

ba_hai_hue
Bà Hai Huế cẩn trọng dán lại gáy những cuốn sách cũ mới mua gom về. Ảnh: Lê Phương

Sách quý như vậy mà đang mai một dần. Trong một bài viết trước đây, tôi đã ngậm ngùi cho ngày tàn của sách. Nhưng sách hình như có hồn, dễ chi mà mai một. Giới xuất bản sách đã tìm được con đường mới cho sách in. Coi bộ con đường này sáng choang! Đó là con đường mang tên “In Theo Yêu Cầu” (Print on Demand)!

Như chúng ta thừa biết, một cuốn sách in thường được tác giả hoặc nhà xuất bản in ra một số lượng nào đó tùy theo dự đoán bán được nhiều hay ít. Có cuốn in hàng triệu ấn bản nhưng cũng có những cuốn chỉ in vài trăm cuốn. Sách Việt Nam tại hải ngoại thường chỉ ngấp nghé con số ngàn bản, đặc biệt lắm mới in được nhiều hơn. Nhưng đó đã là chuyện quá khứ. Ngày nay không được như vậy. In bằng cách đoán chừng số bán như vậy sẽ có giá thành cao và thường số sách đọng lại không bán được cũng là một vấn đề. Một nhà sách ngày nay phải là một cửa tiệm rộng rãi để bày sách và một nhà kho phải lớn hơn cửa tiệm để chứa sách.

Với lối in theo yêu cầu, việc in sách và chuyện nhà sách sẽ qua một chương mới. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, người đầu tiên có sách in theo yêu cầu do báo Người Việt ở California cộng tác với nhà xuất bản Amazon thực hiện, cho biết:

“Thật ra, tôi đã gặp chữ “In theo yêu cầu ” ấy khá nhiều lần trên báo chí Úc và Mỹ cách đây khoảng năm, bảy năm, lúc một số người tiên đoán những tiệm sách bình thường như những gì chúng ta nhìn thấy hiện nay trên các đường phố sẽ dần dần biến mất. Thế vào đó sẽ là những cửa tiệm chỉ có kệ mà không hề có sách (bookless bookshelf). Không có cuốn nào được bày ra cả. Trừ vài cuốn làm mẫu, dĩ nhiên. Nhưng vẫn là tiệm sách. Vẫn có người mua và kẻ bán. Vẫn có thu nhập. Hơn nữa, ở đó, người ta có thể mua đủ các loại sách. Bất cứ cuốn nào mình thích dù nó được xuất bản ở bất cứ nơi đâu và vào bất cứ năm nào. Người mua sẽ không bao giờ nghe câu “hết hàng” hay “tuyệt bản” quen thuộc.

Tiệm sách mà không có sách, vậy nó sẽ có cái gì? Chỉ cần hai thứ: một chiếc computer và một cái máy in nhanh (Espresso Book Machine). Vậy thôi. Khi có khách muốn mua một cuốn nào đó, nhân viên bán hàng sẽ tìm cuốn ấy trong computer rồi ấn vào nút “In”.Chỉ mất vài phút, khi khách hàng trả tiền xong, cuốn sách cũng vừa được in và được đóng bìa cẩn thận. Có khi ngay cả nhân viên bán hàng cũng không cần có mặt. Khách sẽ tự chọn sách trên màn ảnh computer. Muốn mua thì trả tiền bằng thẻ tín dụng. Rồi tự bấm vào nút “In”. Xong. Sách, từ máy in nhanh, sẽ y như mọi cuốn sách bìa mềm bình thường mà chúng ta vẫn thường thấy hiện nay. Tuyệt đối không có gì khác”.

amazon_primeair
Chiếc trực thăng không người lái của Amazon sẽ giao sách
tới tận nhà trong vòng 30 phút từ khi khách đặt mua. (Hình: Getty Images)

Nghe mà mát ruột! Sách in vẫn có đường sống.  Đường sống này thêm thênh thang khi mới đây, nhà xuất bản và phát hành sách Amazon vừa trình làng một clip video trình bày cái máy giao sách tận nhà cho độc giả. Họ nói cái máy như một máy bay trực thăng nho nhỏ đi giao sách nhưng tôi nghĩ tới hình ảnh con chim bồ câu đưa tin mà ngày xưa nhân loại dùng để liên lạc với nhau hơn. Theo những gì tôi coi được trong clip do hệ thống truyền hình CBS phát hình vào một tối Chủ Nhật đầu tháng 12 vừa qua thì cái máy quý hóa này trông như một chiếc xe đổ bộ trên mặt trăng của cơ quan NASA. Nó có thể ôm một gói sách nặng tới 2.3 kí giao trong vòng 30 phút miễn là từ kho chứa sách tới nhà thân chủ nằm trong vòng bán kính 16 cây số. Tổng Giám đốc công ty Amazon, ông Bezos hãnh diện tuyên bố: “Tôi biết sẽ có người nghĩ đây là chuyện khoa học giả tưởng, nhưng thực sự không phải vậy. Hệ thống giao hàng này rất tốt cho môi trường, tốt hơn là các xe vận tải”. Máy giao sách sẽ được áp dụng trong vòng bốn hoặc năm năm nữa.

Vậy là tương lai của sách in sáng choang. Bán tới đâu in tới đó. In xong có máy giao hàng tới tận nhà độc giả trong vòng tối đa nửa tiếng đồng hồ. Nhanh như điện! Điện tử mà làm chi!

Tôi muốn hét lớn cho mọi người biết để ăn ngon ngủ yên. Sách in của chúng ta vẫn còn đường binh! Thiệt khỏe re con bò kéo xe!

Song Thao
12/2013
Website: www.songthao.com