Thursday 2 January 2014

TT Obama: Tính sổ cuối năm

 
Đấng Tiên Tri đã lộ rõ mất hết phép màu rồi...

Không cần phải là chuyên gia chính trị hay sử gia gì, ai cũng có thể nhận định năm 2013 đã là một năm đại họa chưa từng thấy cho TT Obama, đưa đến việc tỷ lệ hậu thuẫn của TT Obama xuống thấp hơn cả tỷ lệ của ông tổng thống “cao bồi đáng ghét” Bush. Từ tổng thống tái đắc cử xuống thấp hơn ông cao bồi trong chưa tới một năm: chuyện khó tin nhưng có thật. Chỉ vì quá nhiều chuyện xẩy ra đã phơi bày ra khả năng thực của Đấng Tiên Tri. Nói chung, 5 biến cố lớn trong năm qua đã định vị lại thế đứng của TT Obama.

VỤ SNOWDEN

Anh chuyên gia tình báo NSA Snowden bất ngờ đào ngũ, mang năm cái laptop chứa đầy tin bí mật về việc cơ quan an ninh quốc gia NSA theo dõi cả triệu người, đi bán cho Trung Cộng và Nga. Trên thực tế, an ninh theo dõi dân là chuyện bình thường, cho dù là trong các chế độ tự do dân chủ Mỹ và Tây Âu, không có gì lạ. Cái đáng nói là tầm mức quy mô vĩ đại chưa từng thấy dưới chế độ Obama, vượt xa gấp trăm gấp ngàn lần dưới thời Bush.

Với khả năng tân tiến cực kỳ của tin học Mỹ, Nhà Nước Obama đã có thể nghe lén bất cứ cuộc điện đàm nào của bất cứ ai từ bất cứ nơi nào, ghi lại tên của bất cứ người nào lên trang mạng nào, và đọc được bất cứ i-meo nào của bất cứ ai. Mỗi ngày hàng tỷ mẫu tin được ghi lại, lưu trữ trong các dàn máy chứa dữ liệu trong các nhà kho lớn hơn các sân đá banh của NSA.

Trên căn bản, đó là cách Nhà Nước theo dõi và ngăn chặn mọi tấn công của khủng bố để tránh một 9/11 thứ hai. Đây là chuyện tất cả chúng ta cần tri ân Nhà Nước đã tích cực bảo vệ chúng ta. Bin Laden chỉ vì một sơ xuất nhỏ của một cận vệ, nói chuyện điện thoại chỉ trong vòng vài phút cách nơi trú náu của Bin Laden cả chục cây số, là đã bị thu thanh và Mỹ đã truy ra ngay chỗ trốn và bị giết chết.

Nhưng vấn đề là Nhà Nước đã lợi dụng nước đục thả câu, bành trướng một chương trình theo dõi khủng bố thành một chương trình theo dõi cả nước. Làm như thể cả nước, cả ba trăm triệu dân Mỹ đều là khủng bố đáng nghi, cần theo dõi. Khi mà cả nước trở thành tình nghi thì quả là nước Mỹ đã có vấn đề lớn.

Không những vậy, cả các nhà báo cũng bị theo dõi rất kỹ. Rõ ràng đây không còn là chuyện đề phòng khủng bố nữa. Ngày xưa, TT Nixon cho thiết lập một danh sách vài nhà báo không có thiện cảm với chính quyền để theo dõi, và vấn đề trở thành một xì-căng-đan, biểu tượng cho tính mánh mung độc tài của Nixon. Bây giờ lịch sử tái diễn, TT Obama theo dõi nhà báo, nhưng lạ lùng thay, câu chuyện đã không thành xì-căng-đan vì được các cơ quan truyền thông lớn giúp khỏa lấp rồi ém nhẹm luôn.

Vụ Snowden còn đưa ra ánh sáng chuyện Nhà Nước Obama theo dõi dân và chính quyền của cả chục quốc gia khác, kể cả các nước đồng minh truyền thống như Anh, Pháp, Đức,... Rồi còn đặt máy nghe lén các quốc trưởng hay thủ tướng các nước đồng minh lớn và cấp lãnh đạo của không biết bao nhiêu nước khác.

Cũng như những chuyện theo dõi dân, việc theo dõi các chính phủ đồng minh thật ra cũng không phải là chuyện mới lạ vì đã có từ ngàn xưa. Nhưng dưới thời Obama, đã bành trướng đến mức thu lén điện thoại riêng –chứ không phải điện thoại trong văn phòng- của những nhân vật như bà Merkel, thủ tướng Đức. Bà có thủ thỉ tâm sự gì với chồng con, hay gọi cho bác sĩ xin thuốc táo bón cũng bị Obama nghe hết. Đã vậy Nhà Nước Mỹ không biết “chùi mép” cho kỹ, lại còn để lộ cho cả thiên hạ biết. Từ trước đến giờ, các nước đồng minh đều hiểu ngầm là có theo dõi lẫn nhau, nhưng im lìm, hiểu ý nhau, không quá lộ liễu, không ai mất mặt quá đáng. Bây giờ bà Merkel bị đặt trong cái thế hết sức mất mặt, chứng tỏ an ninh Đức rất tồi tệ, đồng minh soi mói đời tư của mình, và bà không thể nào không lên tiếng phản đối.

Mối quan hệ giữa Mỹ và đồng minh chưa bao giờ sứt mẻ trầm trọng như bây giờ. Hơn xa thời TT Bush là người thường bị truyền thông phe ta tố cáo là cao bồi một mình một ngựa không coi đồng minh ra gì.

Vụ Snowden cũng phơi ra ánh sáng quan hệ ngày càng tồi tệ với các “đối tác chiến lược” Trung Cộng và Nga. Bất chấp mọi phản đối, áp lực, vận động hậu trường của chính quyền Obama, TC và Nga đều bất hợp tác với Mỹ trong vụ Snowden. TC giữ anh này tại phi trường Hồng Kông một thời gian, đổi lấy không biết bao nhiêu tin bí mật an ninh Mỹ, rồi cho anh ta lên máy bay đi Nga. TT Putin đi xa hơn nữa, cho anh ta tỵ nạn chính trị tại Nga. Không còn gì mỉa mai hơn là ông KGB Putin cho một công dân Mỹ tỵ nạn chính trị tại Nga để “bảo vệ quyền tự do ngôn luận” của anh này.

Cái nguy hại là không ai biết rõ anh Snowden này có bao nhiêu bí mật trao cho Nga đổi lấy quyền tỵ nạn. Bất cứ người nào đã từng xài laptop đều biết khả năng lưu trữ dữ liệu của một laptop không phải là nhỏ, mà laptop của anh Snowden là laptop của NSA chứ không phải loại bán ở chợ trời. Mà anh mang theo tới 5 cái. Báo Anh The Guardian, là báo đã xì hàng loạt tin bí mật của anh Snowden cho biết những tin họ xì ra là chưa tới 10% những tin họ đã được anh Snowden cung cấp. Hơn thế nữa, họ cũng không biết những tin họ có là bao nhiêu phần trăm của những tin anh Snowden đang có, và có thể cung cấp cho Nga.

Vụ anh Snowden đã có những hậu quả cực kỳ tai hại trong phạm vi an ninh tình báo, liên hệ đối ngoại với đồng minh cũng như với các nước ít thân thiện hơn, nhưng quan trọng nhất, đã phá tan lời hứa và khẩu hiệu “một Nhà Nước trong sáng” –transparent- của TT Obama, cũng như khiến cả nước lo sợ chuyện mất hết quyền bảo vệ chuyện riêng tư –privacy right- của mỗi người, một ưu tư không nhỏ của người dân Mỹ.

VỤ IRS

Sở thuế IRS trên nguyên tắc là một cơ quan của Nhà Nước, nhưng tuyệt đối không dính dáng vào các chuyện chính trị phe đảng, từ hồi nào đến giờ. Chỉ có nhiệm vụ thu thuế theo đúng luật thôi.

Bây giờ, dưới chính quyền Obama, sở thuế đã trở thành công cụ chính trị, hay nói cho đúng hơn, công cụ tranh cử tổng thống để bảo đảm tổng thống đương nhiệm được lợi thế trong cuộc bầu tổng thống.

Trên nguyên tắc theo luật pháp, một số các tổ chức chính trị có mục đích vận động tiền bạc để giúp các ứng viên tranh cử các chức vụ chính trị phải ghi danh và được sở thuế IRS nhìn nhận thì mới được hoạt động, tức là đi thu tiền vận động mà không bị đóng thuế, và những người góp tiền có thể khấu trừ tiền đóng góp mà không phải công khai hoá tên tuổi cũng như được quyền khấu trừ thuế cá nhân của mình.

Dưới chính quyền Obama, sở thuế IRS làm đủ cách để không cho các tổ chức chính trị bảo thủ, đặc biệt liên quan đến phong trào Tea Party có cơ hội hoạt động gây qũy. Các tổ chức này bị tra hỏi đủ chuyện, bị bắt khai báo những người đóng tiền, đơn xin bị ngâm tôm cả mấy năm trời, và dĩ nhiên không hoạt động được, không thu tiền và vận động chống TT Obama được khi ông ra tái tranh cử năm 2012.

Một vi phạm Hiến Pháp và luật pháp không thể lộ liễu hơn. Xì-căng-đan nổ ra, một vài viên chức hạng hai, hạng ba bị làm con thiêu thân, mất chức, nhưng chỉ là thuyên chuyển qua việc khác, chẳng mất quyền lợi gì đáng kể. Chẳng ai ra tòa, chẳng ai đi tù.

Quan trọng hơn nữa, dân Mỹ nhìn thấy Obama còn nguy hiểm hơn xa Nixon ngày xưa. Dù sao Nixon chưa bao giờ dám nghĩ đến dùng IRS làm công cụ tranh cử.

VỤ SYRIA

Trong chính trị Mỹ, đảng Dân Chủ từ xưa đến giờ vẫn nổi tiếng là đảng rất yếu trong các vấn đề quốc phòng và quân sự. Khi nào ta yếu hay nhát thì địch sẽ đánh, đó là bài học chính trị của lớp mẫu giáo. Các cuộc chiến lớn trong lịch sử Mỹ do một nước địch phát động đều xẩy ra dưới các thời tổng thống Dân Chủ. Từ Đệ Nhất Thế Chiến (TT Wilson) đến Đệ Nhị Thế Chiến (TT Roosevelt), chiến tranh Cao Ly (TT Truman), chiến tranh Việt Nam (TT Kennedy, TT Johnson). Đôi khi vì nhu cầu thực tế, tổng thống Dân Chủ cũng bắt buộc phải đánh trước, nhưng chỉ dám đánh bằng hoả tiễn hay máy bay từ trên mấy chục ngàn bộ không chết một anh lính nào (TT Clinton ở Bosnia, Sudan, và Afghanistan, TT Obama ở Yemen và Pakistan), hay đánh mà chết độ một chục anh lính là tháo chạy ngay (TT Carter ở Iran, TT Clinton ở Somalia).

Hình ảnh đó lại một lần nữa đã được TT Obama tô đậm cho rõ nét thêm qua cuộc thử lửa tại Syria. Khi TT Assad đàn áp dân chống đối bằng xe tăng, đại pháo, chết hàng chục ngàn người, dư luận thế giới bất bình, áp lực các cường quốc Mỹ và Tây Âu phải có thái độ, như đã từng làm ở Libya. Nhưng Syria không phải là Libya. Syria có quân lực hùng hậu và thiện chiến, với dầy dặn kinh nghiệm chiến trường đánh nhau với Do Thái từ mấy chục năm nay. Mỹ và các cường quốc đứng ngoài viện cớ, viện lẽ đủ kiểu.

TT Obama cũng bị áp lực nặng, nghĩ ra kế hay: vạch lằn ranh đỏ, hăm dọa nếu Syria sử dụng vũ khí hoá học thì Mỹ mới trừng phạt, hy vọng Syria sẽ không dám làm gì. Không ngờ Syria coi như pha, sử dụng vũ khí hoá học giết hàng ngàn dân. TT Obama loay hoay, luống cuống, tiến thoái lưỡng nan, đánh không dám, không đánh không được. Thế giới chứng kiến tận mắt cảnh bối rối, với những câu tuyên bố trống đánh xuôi kèn thổi ngược, nay thế này mai thế khác. Chẳng ai hiểu Mỹ sẽ làm gì, hay không làm gì. Đưa thế cờ vào tay cáo già KGB Putin để anh này cầm cờ hoà bình phất lên, trở thành người hùng cứu thế giới khỏi một cuộc chiến đẫm máu nữa, trong khi giữ được cái ghế tổng thống cho anh tà lọt trung thành Assad. TT Obama vớ được cái phao: Mỹ không cần phải đánh vì Syria sẽ hủy tất cả vũ khí hoá học, dưới sự kiểm soát quốc tế.

Mọi người hoan hỷ. Chỉ có dân Syria tiếp tục bị đàn áp và giết mà không ai dòm ngó tới nữa. Rồi chuyện kiểm soát và phá hủy vũ khí hoá học thì... chẳng ai biết có đang diễn ra hay không nữa. Truyền thông phe ta đã âm thầm chôn dấu chuyện Syria dùm cho TT Obama rồi. Không ai còn thấy tin tức gì về Syria trên mặt báo hay trên tin tức truyền hình nữa.

Dù sao, thiên hạ cũng đã nhìn thấy rõ bộ mặt thật và khí phách của người hùng Obama khi đụng phải lửa.

VỤ NHÀ NƯỚC ĐÓNG CỬA TIỆM

Ứng viên Obama ra tranh cử với chiêu bài đại đoàn kết dân tộc, không phân biệt Cộng Hoà hay Dân Chủ, trắng hay đen, cấp tiến hay bảo thủ, nghèo hay giàu. Không bao lâu sau khi đắc cử, người ta đã thấy một tổng thống Obama huyênh hoang tuyên bố “Chúng tôi thắng” để rồi sau đó, ông được báo phe ta Washington Post nhận xét là “tổng thống tạo phân hoá nhất lịch sử hiện đại Mỹ”.

Chỉ hai năm sau khi chiếm được Tòa Bạch Ốc, Thượng Viện, và Hạ Viện, đảng Dân Chủ đã mất ngay thế đa số tại Hạ Viện, đưa đến bế tắc toàn diện của guồng máy chính quyền Mỹ. Từ năm 2011 sau khi Hạ Viện lọt vào tay Cộng Hoà, không còn một luật lớn hay một chương trình, kế hoạch lớn nào được ra đời.

Phe chính quyền đổ lỗi cho đối lập phá đám. Mà quên rằng vai trò của đối lập chính là “phá đám” chứ không phải là “gọi dạ bảo vâng” như trong các chế độ “đỉnh cao trí tuệ loài người”. Và trong cái chế độ dân chủ của Mỹ đó, vai trò của lãnh đạo là phải khôn khéo tìm được giải pháp đủ ôn hoà để tạo được đồng ý và hợp tác của đối lập. Và trong vai trò đó, TT Obama đã thất bại hoàn toàn.

Lần đầu tiên từ gần hai chục năm qua, Nhà Nước lại bị “đóng cửa tiệm” mất mấy tuần vì không tìm được thoả thuận về ngân sách, tốn mất sơ sơ có gần nửa tỷ đô trong vài tuần đó.

VỤ OBAMACARE

Đây là câu chuyện của năm 2013. Không có chuyện nào lớn hơn và cũng không có chuyện nào thảm hại hơn. Ngay từ đầu thì đã hơn một nửa dân Mỹ không ủng hộ luật đổi đời này rồi. Khi luật bắt đầu chập chững những bước đầu tiên thì “trục trặc kỹ thuật” đã phá ngay huyền thoại của một tổng thống và ê-kíp chuyên gia trẻ, tài giỏi, sẽ mang nước Mỹ vào kỷ nguyên tin học tân tiến nhất. Một đòn nặng, nhưng lại chỉ là món điểm tâm nhẹ. Món ăn chính là việc cả triệu người bật ngửa ra khi thấy mình mất bảo hiểm đang có, phải mua bảo hiểm mới đắt hơn, với điều kiện khó khăn hơn, có khi phải đổi nhà thương, bác sĩ và thuốc luôn.

Tổng thống đã cam đoan là không ai bị mất bảo hiểm đang có mà? Một là tổng thống không biết mình đang nói gì. Hai là tổng thống đã nói láo. Cả hai giả thuyết, chẳng cái nào nghe được hay chấp nhận được. “Bộ máy diễn giải và bào chữa” hoạt động toàn thời, nhưng cũng chẳng có tác động gì. Lần đầu tiên đa số dân Mỹ cho rằng tổng thống không còn đáng tin cậy được nữa.

Một tờ báo ở Tampa có một mục nổi tiếng trong làng báo Mỹ: mục “Politifact”, chuyên lật tẩy những lời nói láo của các chính khách bất kể thuộc đảng nào hay khuynh hướng nào. Tờ báo này đã “tuyên dương” câu tuyên bố của TT Obama “Nếu bạn thích chương trình bảo hiểm y tế của bạn, thì bạn có thể giữ nó” là “Câu Nói Láo Của Năm”, The Lie of the Year! Báo phe ta Washington Post cũng có một mục tương tự, tặng hình anh chàng Pinocchio mũi dài cho mỗi câu nói láo của chính khách, 1 Pinocchio cho lời nói láo nhẹ, 4 Pinocchio cho lời nói láo nặng. Câu tuyên bố của TT Obama được tặng 4 anh Pinocchio, hạng nhất. Không hiểu làm sao TT Obama có thể giữ uy tín của một tổng thống sau những giải thưởng này được? Mà đây là những giải thưởng dựa trên thành tích có thật, chứ không giống như giải Nobel Hoà Bình có tính kỳ vọng, chẳng dựa trên thành quả thực tế nào.

Thành quả để đời của TT Obama đã trở thành bộ luật bị chống đối nhiều nhất lịch sử Mỹ. Theo thăm dò của CBS, trong 100 người, chỉ có 7 người muốn giữ luật y nguyên như TT Obama đề xuất. Người ta cũng không nhớ nổi chính TT Obama đã thay đổi cũng như dời hạn áp dụng Obamacare không biết bao nhiêu lần nữa. Một chuyện hy hữu trong lịch sử lập pháp Mỹ. Một chứng tích hiển hiện cho khả năng thực của Đấng Tiên Tri.

Ở đây có một câu chuyện đáng nghe. Bà Barbara Walters là một nhà báo kỳ cựu, nổi tiếng trên các đài truyền hình lớn của Mỹ. Năm 2008, bà công khai lên tiếng ca tụng và ủng hộ ứng viên Barack Obama, tăng uy tín của ông này lên vài chục bực. Cách đây vài tuần, bà lên truyền hình phân trần đại khái “tôi đã lầm, trước đây tôi tin Obama quả là một Đấng Tiên Tri, -a messiah- đến cứu độ nước Mỹ, nhưng bây giờ mới thấy tổng thống với khả năng thật kém”.

Điều lạ lùng là bà Walters đã dám công khai và rõ ràng nhận sai lầm, nhưng điều lạ lùng hơn nữa là một người có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm chính trị như bà lại có thể đã có lúc tin Obama là một Tiên Tri được. Thế mới hiểu được cái tài thôi miên thiên hạ của chính khách Barack Obama. Và năm 2013, Đấng Tiên Tri đã lộ rõ mất hết phép màu rồi. (29-12-13)

Vũ Linh