Wednesday, 29 January 2014

Mậu Thân trong lòng cuộc chiến - Hoàng Xuân Sơn, Tùy Bút / Tản Mạn

 cau_truong_tien_bi_gay

Có những cái tết xa nhà tuy cô đơn nhưng thật là cảm khái. Nhớ đến cái tết xa nhà đầu tiên năm nào ở CPS: Tất cả anh em bạn bè đều về quê ăn tết hoặc quay về vui xuân với mái ấm gia đình; chỉ còn Ngô Vương Toại và mình tôi trụ trì tất cả cơ ngơi vắng như chùa Bà Đanh của CPS. Chiều ba mươi tết, hai đứa lộn mãi túi quần, vơ bèo vớt tép, được mươi trự (đồng bạc, nói theo tiếng Huế) rủng rẻng, cũng quyết định đóng bộ thăm thú phố phường. Chập choạng tối. Trời vắng, lạnh như cõi lòng trống không. Hai chàng lang thang ở miệt Bùng Binh rồi trốn về Chợ Cũ (cóp-py bài học Việt sử – Gia Long Tẩu Quốc: lang thang ở vùng Cà Mau rồi trốn sang Xiêm). Hai đứa hẩu xực hai tô mì hoành thánh, sắm thêm được một chai vang đỏ thưởng xuân là cạn lán.
Về nhà, cũng bày rượu đỏ cúng giao thừa kiếm vận hên. Vỏ chai (sau khi đã cưa hết rượu) được vẽ vời cắt dán làm bình bông tuyệt đẹp. Bẻ tạm bông sứ nhà nàng (nhà cô bé Phương) cho có hoa có hòe chưng ba ngày tết. Và hai cu cậu máu văn chương nổi lên đùng đùng, cũng học theo tiền nhân làm câu đối tết. Như vầy:
Tối ba mươi, đói nghiêng khát ngửa, diện áo quần đi chơi, quên hết mọi sự 
(xuất: Toại)
Sáng mồng một, đứng lên ngồi xuống, trùm chiếu chăn nằm ngủ, nhớ cả một đời 
(đối: Sơn)
Và còn hai câu khác nghe cũng tự thán lắm ! Tự nhiên quên mất!
Cắt một manh chiếu rách, nắn nót viết câu đối cảm tác theo lối chữ Triện, treo hai bên cửa ra vào nhà. Cứ thế mà tống cựu nghinh tân. Vậy mà, sáng bảnh mắt mồng một tết, đã thấy cô Thái (em bà Thím của Toại) xông đất mang theo nào là hoa quả mứt bánh. Bọn tôi dĩ nhiên mừng hết lớn, trong cơn tụng niệm ở hiền gặp lành. Xế trưa, bầu đoàn thê tử CPS: các anh Toàn, Cát, Điểu, Phùng . . . lục tục ghé ngang trụ sở, đọc câu đối của hai thằng khố rách, thương tình lì xì chút đỉnh phong bao đỏ. Thế là tối hôm đó, từ kẻ hèn, bỗng đội lại lốt người sang, đủng đỉnh rượu chè bánh trái.
Năm Mậu Thân 68, tôi quyết định về Huế ăn Tết với mạ và gia đình. Giang ra Nha Trang vui xuân với gia đình chị tôi đang theo chồng (quân nhân) đóng trụ nơi đó. Không hẹn mà gặp, Trịnh Công Sơn, Phạm Nhuận cũng về Huế năm này. Tôi về tới Huế khoảng 25, 26 tết. Hơn 5 năm xa nhà, về nhìn lại sông nước vườn tược, lòng nao nao một khúc ruột, một chặng đời xa xứ. Huế vẫn muôn đời trầm lặng. Không có gì thay đổi lớn ngoài bầu không khí vẫn rất thiêng liêng gần gủi của những ngày cận tết ở Huế, có thể thấy được, đọc được trên dáng đi, trong mắt trên môi người.
Sau khi con cái đi xa, mạ quyết định rời khu Tòa Khâm/Hàng Me/Lê Lợi về cư ngụ trong căn nhà hương hỏa nhỏ bên Ngoại, nằm phía bên tê múi Đập Đá. Trong nhà có mệ ngoại tôi, lúc ấy đã ngoài 80 nhưng nom còn khỏe mạnh lắm. Và thêm gia đình chị Hoa với hai em Giêng/Hai, bà con xa, vẫn giúp việc cho nhà tự hồi tôi còn bé tí tẹo.
Về nhà với mạ nhưng không quên những cái hẹn đàn đúm ở nhà bạn. Đó là cái nết, cái tật (dễ thương?) của bọn trẻ chúng tôi. Cần bạn như cần hơi thở. Mấy ngày trước Tết, tôi hay ghé nhà anh TCS ở đường Nguyễn Trường Tộ, gần cầu Phủ Cam. Mặc dù hai gia đình đã là thân thuộc, đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc, kề cận mọi người trong nhà anh Sơn. Ai nấy đều hiếu khách, dễ mến, gây ấn tượng sâu đậm, quá tốt đẹp trong buổi đầu gặp gỡ. Má anh TCS lịch thiệp, niềm nỡ, hay nhắc hay kể chuyện đời xưa. Anh Hà, Tịnh đã quen mặt, rành rọt nhau tự chốn ăn chơi. Và mấy người em gái TCS: Thúy/Tâm/Ngân/Diệu/Trinh xinh xắn, hồn nhiên, dễ thân thiện. Chị em líu ríu quấn quít bên nhau như chim. Có đôi khi cãi lẫy nhau nhưng vẫn yêu thương nhau cùng cực tấm lòng rà ruột. Tôi chưa thấy một gia đình nào có sự đoàn kết chặt chẽ như vậy: một đại gia đình sát cánh đùm bọc yêu thương nhau, liền lạc như chuỗi hạt kim cương bồ đề.
Đôi khi anh ngỡ mình là gió
gió tình cờ trở lại nhà em
gió đến rất thầm sau khung cửa
đón các em về buổi học tan
Nhớ Huế êm đềm mưa nghiêng sợi
thương màu áo dạ phố đông sang
buổi sáng em cười mắt ngái ngủ
đêm qua lạnh quá giữa mưa phùn
. . . . . .
Bước chân phiêu lãng còn trên phố
buổi chiều tà có mắt ai trong 
bàn tay năm tháng mềm như lụa
ngồi đây thương nhớ cũng tang bồng
Những hội ngộ thơ mộng. Đẹp. Và buồn. Và rồi cũng mong manh như cơn mưa phùn tan trong lạnh sớm.
Vâng! Có bao giờ niềm thương được trọn vẹn mãi mãi nơi chốn an lạc vĩnh hằng?
Gặp gỡ hôm này, chia tay hôm mai . . .
Lần về quê ăn tết này, tôi còn gặp được nhiều bạn bè cũ mới tại nhà anh TCS, thường là nơi tụ hội đông đủ. Nào là Lê Hữu Bôi (trước, sinh viên tranh đấu – nay là công chức của Phủ Đặc Ủy Tị Nạn Cộng Sản) cùng vài người bạn dân sự có, quân nhân có đến từ Sàigòn. Nào là Ngô Kha, Bửu Chỉ, Đặng Ngọc Vịnh, Hoàng Trang . . . dân Huế . Có Đinh Cường nữa thì phải? Hình như Cường đang dạy học ở Huế . Rồi Sơn lớn (TCS), Sơn nhỏ (HXS), Trịnh Xuân Tịnh, Hoàng Thi Thao, Phạm Nhuận . . .từ Sàigòn về. Vậy mà trong cuộc gặp gỡ ấy có người bên này, bên kia khi giờ cuối ngả ngũ mới rõ ràng xanh đỏ. Có cả Lê Văn Tài (LVT), một họa sĩ trẻ tuổi tài cao chuyên về thủy thái họa. Tài vẽ rất đẹp. Và lạ. LVT là người trân qúy bạn bè. Mỗi một cuộc họp mặt, gặp gỡ bằng hữu đều được anh ghi lại một cách trang trọng đầy đủ tên tuổi bạn bè trên những tờ bích họa màu sắc, treo la liệt khắp nhà, xưởng vẽ . . . LVT hiện nay đang định cư ở Úc Đại Lợi, tiếp tục vẽ và làm thơ (xin xem bài giới thiệu của Nguyễn Hưng Quốc trên Tạp Chí Thơ số mùa Xuân năm 2007). Sau những gặp gỡ tiền trạm ở nhà TCS, Tài hẹn anh em tụ lại nhà Tài tối 29 tết ăn nhậu và xem những họa phẩm mới. Nhà Tài ở gần cửa Thượng Tứ.
Chiều hôm đó, tôi đi phà từ Đập Đá qua chợ Đông Ba; thả bộ dọc phố Trần Hưng Đạo hướng về nhà Tài. Tết năm nay người ta ở đâu mà đông đúc lạ kỳ. Thiên hạ ngược xuôi, xôn xao mua bán chật cả phố Huế. Có những khúc đường phải chen lấn mới đi lọt. Chợ hoa trước Ty Thông Tin kín nghịt người. Hóa ra sau này mới vỡ lẽ: Bắc quân và lực lượng nằm vùng cộng sản đã chuẩn bị cài người, chuyển tải ngầm vũ khí trước tết, để sẵn sàng cho cuộc tổng công kích Mậu Thân 68. Chẳng hiểu vòng đai an ninh thành phố Huế làm chi mà lỏng lẽo đến độ buông thả như vầy?!
Tới nhà Tài lúc sẫm tối, đã thấy có mặt đông đủ anh em . Mỗi người một ly rượu cầm tay, xúm xít xem LVT vẽ một bức tranh mới. Kỳ gặp gỡ này có tay Quân bên Biệt Động Quân hay Lực Lượng Đặc Biệt gì đó lái xe Jeep từ Đà Nẵng về Huế với hai đàn em; áo quần mặt mũi tóc tai còn dính bụi đường. Quân gạ Tài đổi bức tranh đang vẽ lấy hai vò mỹ tửu lớn. Tài chịu ngay, và vật rượu ra cùng bằng hữu đánh tiếp. Thương ơi, nghĩa cử của dân giang hồ hảo hớn !
Gần rạng ngày 30 mới tan cuộc. Tôi say nhừ tử, phải nhờ bạn đèo về nhà. May mà mạ thông cảm tết nhứt nên không la rầy. Tỉnh rượu lúc mặt trời đã lên vài ba sào, đã lại nghe thèm . . . bạn. Nhớ có cái hẹn tối mồng một Tết lên nhà TCS gặp anh em bạn đánh bài chơi. Thôi thì 30 Tết ở nhà với mạ lo giúp đón rước ông bà, cúng quảy giao thừa rồi mồng một xuất hành cũng được. Về thăm mạ mà bỏ đi chơi hoài cũng tội. Nhưng rồi chứng nào vẫn tật ấy. Gia đình và bằng hữu: vẫn muốn ôm tất cả trọn vẹn vào vòng tay thân thương ! Đêm giao thừa và ngày đầu xuân nguyên đán trôi qua trong tĩnh lặng. Đã hết rồi những háo hức đón tết của thời nhỏ nhít xa xưa. Mấy ngày tết ở Huế trời nặng và buồn. Không gian như có độ chì trĩu xuống phố xá, sông đồi. Hình như một nỗi lo âu không tên gọi khởi đi từ tiếng vọng xa xăm, mơ hồ của tai ương và hệ lụy. Đó chỉ là tâm cảm. Chẳng mấy chốc mà thành điềm báo dữ của sự thật . Một sự thật kinh hoàng và tàn khốc: Biến Cố Mậu Thân Tang Tóc tràn đầy huyết lệ !
Tối mồng một tết Con Khỉ mới ra lò. Cơm nước xong, khoác vội chiếc blouson ngắn, tay thọc túi quần, tôi tà tà cuốc bộ lên nhà TCS theo lời hẹn. Sương khuya bắt đầu thấm lạnh. Qua hết con đập, đi thêm một đoạn ngang tới ngõ Hương Mỹ, tôi như linh cảm một điều gì không hay; vội vã quay trở về. Về nhà nói với mạ con thấy trong người sao sao, thôi không lên nhà bạn nữa. Mạ bảo thôi đầu năm đầu tháng đừng ở lại nhà người ta, sợ phiền hà kiêng cử. Thôi ở nhà đợi cúng quải mâm cơm đầu năm xin tài lộc, cầu xin ông bà Trời/Phật phù hộ cho toàn gia. Tôi ngồi nhà nhâm nhi ly rượu ngọt, rồi thiếp ngủ lúc nào không hay. Giao thừa đã qua non một ngày rồi mà sao tiếng pháo vẫn còn nổ ran khắp bốn hướng đánh thức tôi dậy. Nửa mơ nửa tỉnh tự hỏi không biết năm nay thiên hạ ăn tết lớn sao đốt pháo quá chừng chừng. Nhưng hòa lẫn tiếng pháo là tiếng súng nổ cắc-cù đó đây. Chừng một chốc sau là tiếng súng lớn, moọc chê đại bác dội ầm ầm. Mẹ con sợ quá vào nhà đóng cửa cài then, chui xuống hầm tạm trú ẩn. Ở Huế thời điểm này nhà nào cũng làm tạm một cái hầm tránh đạn bằng bao cát vây quanh những giường phản gỗ cứng. Và cũng tạm cho là yên lòng. Nhưng tránh đâu cho được bom đạn vô tình không mắt !!?? Chị Hoa, Giêng/ Hai cũng rời căn phòng nhỏ đàng sau lên nhà trên tụ tập. Tất cả mọi người đều nhớn nhác, lo sợ. Tiếng pháo, tiếng súng rồi vẫn rơi đều trên giấc ngủ chập chờn của những sinh phần nhỏ bé. Tờ mờ sáng mồng hai tết, mạ thức sớm ra sau bếp, thấy ông Bốn hàng xóm mặc áo dài đen ngồi lù lù một góc. Mạ quở: Nì cái ông Bốn ni lạ đầu năm đầu tháng răng mà bận áo đen qua ngồi thù lu nhà người ta rứa, xui chết ! Ông Bốn đưa tay lên môi ra dấu nói khẽ, và thì thào: chị ơi, họ về rồi chị ơi, đi đầy cả ngoài đường đó tề (Ông Bốn là cảnh sát viên, nghe động tịnh đã khôn hồn tìm đường lánh trước) .
Cả nhà hí cửa dòm ra, thấy « phía bên kia » lố nhố từng toán người, lũ lượt đi lui đi tới. Họ không vận sắc phục đồng nhất mà mặc áo quần đủ loại. Băng đỏ đeo tay. Súng ống trang bị tận răng. Đấy là lực lượng du kích CS nằm vùng, chưa phải là bộ đội chính quy Bắc quân. Cũng may họ đang loay hoay tìm nơi an toàn đóng chốt nên chưa có thời giờ lục soát, sục sạo từng căn nhà một.
Tôi có phần lo sợ. Không biết mình đi học đi hành ở xa về thăm nhà có việc gì không hay xãy ra không ? Chắc sinh viên học sinh thì không sao ! Vậy mà nhờ Giêng còn nhỏ tuổi, chạy luồn trong xóm dò la tin tức, và biết được xóm dưới gần Vỹ Dạ du kích CS đã lùa tất cả thanh niên ra khỏi nhà, trói ké và dẫn đi về phía Ngọc Anh, Tây Thượng mất dấu. Thế là tôi bàn với cả nhà, quyết định đào tẩu. Nhớ hay không nhớ lời dạy cổ nhân: trong ba mươi sáu chước, « phú lỉnh » chiếm phần tiện nghi ? Suốt cuộc đời tôi, đây là một quyết định thập phần đúng đắn liên quan tới sinh mệnh. Giữa lằn ranh sống/chết, định mệnh là gì nếu không bắt đầu bằng một dấu chấm hỏi (?). Bắt đầu bằng một giả dụ . Một chữ NẾU.
Nếu tôi vẫn tiếp tục ghé chơi và ngủ lại nhà TCS tối mồng một tết, biết đâu chẳng bị thảm sát như Lê Hữu Bôi dưới chân cầu Phủ Cam ? Nếu tôi không nghe lời em Giêng tìm phương lánh nạn, biết đâu không bị lùa đi nơi vắng vẻ, bị đập đầu thủ tiêu như chú Bửu Tương (con ông Ưng Hồi) giữa đồng mông Vỹ Dạ ? Hỡi ơi! Tai họa và ý trời. Biết đâu mà lần tràng hạt . . .Nam Mô A-Di-Đà Phật. Biết đâu mà cầu cứu Phật bà Quan Thế Âm linh ứng bồ tát !
Tôi khoác vội chiếc áo veston nỉ xám (chiếc áo mà Khánh Ly đã chọn mua cho lúc anh em la cà ở Khu Dân Sinh Sàigòn), chẳng kịp mang giày, xỏ đại dép, không kịp nói câu từ biệt với gia đình, tất ta tất tưởi, bôn ba tìm đường . . . . cứu lấy mình !!!!!!
Vì ăn phải đạn VC một lần, tôi như con chim bị ná, cắm đầu cắm cổ chạy mà hồn vía bay bỗng lên mây. Chao ơi cái Đập Đá thân thương ngày nào lê la tụng bài thi dưới mấy cột đèn sao nay bỗng dài lê thê, trùng thẳm đến thế ! Hình ảnh một tôi bấy giờ chắc là bi thảm nhất trong cuộc đời: Hai tay xỏ hai chiếc dép, giơ cao khỏi đầu trong tư thế đầu hàng (đầu hàng ai ?), chạy bán mạng qua đập đá hướng về phía Tòa Khâm. Gió sông lạnh buốt hồn. Đong đưa những đường đạn nheo nhắm rập rình đâu đó. Trời ơi đập dài, chân quíu, sợ quá muốn . . . ướt đẫm quần. Chạy gần tới mút bên kia mới hoàn hồn khi nhìn thấy chiếc nón sắt và màu áo trây-di thân quen (Ôi sắc phục này mà một thời những kẻ trốn lính trong thành phố phải thuộc nằm lòng câu nhìn xa trông rộng và kính nhi viễn chi !). LêThế, bạn học cũ, nhập ngũ sớm, đứng đó, cầm súng gác đầu cầu như ông thần hộ mệnh. Chao ơi là mừng hết lớn. Như vậy là có cơ thoát rồi. Như vậy trong tâm tưởng đã rạch ròi đâu là bạn đâu là thù .
Bạn Thế chỉ cho tôi tìm sinh lộ bằng cách hòa nhập vào dòng người tạm lánh cư ở Trường trung học Kiểu Mẫu gần Tòa Khâm. Bảo thêm: Theo đường lộ lớn mà đi. Đừng đi tắt qua ngõ hẻm gặp binh sĩ Đại Hàn, có thể bị nghi là VC, bắn bỏ! Trời Phật ạ! Như vầy là từ bên ni múi Đập Đá trở lên phía Ga Huế, phe đồng minh vẫn còn trấn đóng khu vực này.
Vào tới trường Kiểu Mẫu đã thấy đông đảo đồng bào tị nạn. Hầu như tất cả phòng ốc đều được chiếm ngụ. Quá đỗi vui mừng gặp lại Phạm Nhuận ở đây! Nhuận cũng nhất thân nhất bộ chạy giặc như tôi từ hướng Vỹ Dạ lên. Kỳ này chàng ta về Huế mang theo nhiều bộ đồ vía. Nhưng hỡi ơi, tất cả áo quần này đã bị một đường đạn lạc xuyên táo thủng từ đầu này sang đầu nọ (áo đi thay người). Chiếc áo Nhuận mặc trên người còn mang dấu lỗ đạn. Nhuận và tôi kiếm được một góc phòng nhỏ tá túc qua cơn hoạn nạn. Năm nay tiết đông xuân lạnh nhiều. Không ai trang bị đủ đồ lạnh trong cuộc lánh cư hỗn loạn. Mọi vật dụng đều được tận dụng để làm phương tiện sưởi ấm. Bàn ghế gỗ được chẻ ra thay củi nhóm bếp lửa. Sách vở, báo chí, tài liệu . . . thay gối chăn đắp đỗi tạm thời. Và vật thực chi dùng cho bữa ăn thật là hiếm hoi trong mấy ngày đầu lánh nạn. Ai nấy đói meo!
An vị tạm thời xong, một nỗi lo sợ lớn lao khác lại tràn ập tới: vì mấy ngài du kích VC núp bên tê Đập Đá (phía nhà tôi) rập rình bắn sẻ qua phía bên ni trường Hạ Sĩ Quan (nơi trú đóng của lực lượng quân sự Hoa Kỳ & đồng minh), tin dữ đưa tới tối hôm đó là tất cả súng ống lớn nhỏ của phía đồng minh sẽ trực xạ san bằng múi đập Đá bên tê thành bình địa. Trời ơi! Không biết số phần mệ, mạ và gia đình ra răng? Chắc tiêu tùng hết quá?! Ôi may thay, nhờ có một người tên Thư (em ruột chuẩn Tướng Thiện, mất tích) làm thông dịch viên cho Mỹ cố gắng thuyết phục lực lượng đồng minh nã súng, rót đạn vào sâu hơn phía những cánh đồng xa tận Lò Trâu, nơi có thể là hậu cần lớn của cán binh CS. Chẳng qua anh Thư cũng có mẹ già và gia đình ở ngay múi Đập Đá cách nhà tôi không xa.
Ngày hôm sau gặp lại mệ, mạ, mẹ con chị Hoa chạy giặc lên khu Kiểu Mẫu. Mừng mừng tủi tủi. Ôm nhau khóc ròng. Tội nghiệp mệ ngoại đã gần 80 mà vẫn rán chạy lếch thếch theo đoàn người lánh nạn. Hôm ấy, gia đình Trịnh Công Sơn cũng từ Phủ Cam chạy xuống sau khi đã lội qua vài trạm núp lánh như Thư Viện Huế, Kho Bạc . . .Trịnh Quang Hà (em trai kế anh TCS) là quân nhân trực thuộc Quân Vụ Thị Trấn Huế được cắt gác coi sóc an ninh thường xuyên vòng rào trường Kiểu Mẫu, nên tin tức tình hình chung quanh cũng được thông báo nhậm lẹ. Sinh hoạt ở trại tạm cư dần ổn định. Thực phẩm được tiếp tế đều đặn hơn. Nhưng cái khó khăn nhất vẫn là vấn đề vệ sinh cá nhân. Tất cả nhà cầu đều tắt tị! Mọi người đều ùa ra bãi sân cỏ sau lưng trường, làm một trong những công tác gọi là « Tứ Khoái » của nhơn loại. Khi ấy không còn phân biệt già- trẻ- lớn- bé, nam thanh nữ tú. Tất cả mọi người đều bình đẳng. Chỉ cần một tấm giấy (tùy thân?) che lại bộ mặt trần tục là . . . xong (mình không thấy ai mà cũng nỏ ai chộ mình!). Chỉ có anh TCS và tôi là không chịu hòa mình vào tập thể: cắn răng, bấm bụng được một tuần thì cũng phải lần mò về nhà cũ (số 9 kiệt 1 đường Lê Lợi, cách trường Kiểu Mẫu 1, 2 quãng đường) để giải quyết bầu tâm sự!
Hồi mạ dọn về Đập Đá, ngôi nhà ở Kiệt 1 Lê Lợi được nhường lại cho vợ chồng Thúy/Thiệu bà con gần. Bác ruột tôi, thi sĩ Ngư Xuyên Hoàng Xuân Vịnh, vẫn có một phòng riêng trong nhà, ở chung với Thúy/Thiệu. Mệ ngoại, mạ ở trung tâm Kiểu Mẫu độ dăm ngày, thiếu thốn phương tiện, lại phải quay về nhà cũ điều đình với Thúy/Thiệu xin tạm trú. Vòng tay họ hàng quyến thuộc sẵn sàng rộng mở. Tôi vẫn còn ở Kiểu Mẫu. Thỉnh thoảng chạy đi chạy lại. Cuộc chiến sôi sục vẫn tiếp diễn hàng ngày đây đó. Phía Tả Ngạn Huế cộng quân hầu như chiếm đóng khắp nơi; từ An Hòa, Mang Cá, Đại Nội qua Gia Hội, Bãi Dâu . . . và đóng nhiều chốt ngay trong từng căn nhà của hai con lộ chính Phố Huế là Phan Bội Châu và Trần Hưng Đạo. Bên này trường Kiểu Mẫu nhìn qua bên kia sông, trông rõ mồn một từng đợt tác chiến của quân đồng minh, hoặc bằng phi cơ chiến đấu, hoặc bằng phi pháo xuống vùng địch chiếm đóng. Trong khuôn viên nhà trường, thỉnh thoảng tên bay đạn lạc cũng tìm kiếm đôi người vắn số. Đại bác (vẫn) đêm đêm dội về thành phố. Và đau lòng hơn hết cả là một hôm nửa đêm về sáng, mọi người nghe một tiếng nổ long trời lở đất: sáng ra nhìn thấy một vai cầu Trường Tiền đổ gục xuống lòng sông Hương Giang. Việt cộng tháo chạy giựt sập cầu!!! Ôi đau lòng xót dạ xiết bao! Hỡi ơi, cây cầu thơ mộng biểu tượng an lành thân thương của thành phố Huế, của một thời học trò ríu rít chân qua, rồi cũng có ngày tai ương gánh chịu.
Một ngày vào thuở xa xưa trên đất thần kinh
Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh
Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời
Khắp cố đô dân lành an vui ca điệu Nam Bình
. . . . .
Cầu đưa ta đi sớm trưa tìm trong nắng mưa niềm vui ngày mùa
Hết lòng gìn giữ nhịp cầu nối liền tình người đẹp đời mai sau 
. . . . .
Ngày nào cầu đã đưa anh qua phố tìm em
Cầu đã đưa ta sang chỗ hẹn nhau . . . .
. . . . .
Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui
Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi
Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài
. . . . .
Cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã chia sẻ nỗi đau thương Huế của anh của em của chúng ta bằng những lời ca não nuột như thế đó trong Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy.
Tình hình chiến sự phía hữu ngạn Huế dần yên ắng. Đã thấy bóng dáng đoàn quân tiếp viện từ trung ương, những chiến sĩ Dù, Thủy Quân Lục Chiến, kể cả cán bộ xây Dựng Nông Thôn đóng chốt nhiều nơi. Tôi cũng rời trưòng Kiểu Mẫu trở về nhà Kiệt 1 Lê Lợi đoàn tụ với gia đình. Một hai tuần sau đó, lực lượng các binh chủng Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa và Đồng Minh đã lần lượt tái chiếm Nội Thành, đẩy lui Bắc quân và du kích VC khỏi các vị trí tạm chiếm đóng trong và ngoài Thành Phố Huế. Toàn bộ cố đô Huế đã được giải thoát sau gần hơn hai tháng trời chìm trong lửa đạn tang tóc.
Trong khoảng thời gian này, tôi rất ngạc nhiên khi thấy Đinh Bá Ái, một thành viên của Quán Văn, theo chân đoàn cứu trợ nạn nhân chiến cuộc từ Sàigòn vào đến Huế; tìm được ngay chóc địa điểm nơi tôi và gia đình lánh nạn (có lẽ do Hoàng Xuân Giang chỉ dẫn). Ái khuyên tôi nên gia nhập các toán thiện nguyện làm công tác vệ sinh thành phố để sớm tìm phương tiện trở lại Sàigòn. Tôi xung vào toán công tác trú đóng thường trực ở Bệnh Viện Huế. Trong toán chỉ có nhạc sĩ Miên Đức Thắng là người quen biết cũ. Những người bạn mới cũng rất dễ thương, cùng nhau công tác trong tinh thần chia sẻ và đùm bọc. Có những bạn như Hoàng Công Hối (Trung kỳ), Khanh (Nam kỳ), Bảo Hạnh (Bắc kỳ, dược sĩ, về sau là bà Miên Đức Thắng) v.v. đã kết nên thân tình bằng hữu, lúc trở lại Sàigòn.
Huế sau Mậu Thân, cả một trời hoang tàn đổ nát. Không khí tang tóc u uẩn bao trùm khắp nơi. Xác người còn nằm vướng vất đó đây dưới mương rạch, bên ghềnh đá, trên đầu thành quách . . .; tứ chi không còn nguyên vẹn!
Như khúc phim thời sự nóng bỏng
Đ trở về một chuyến đi thật xa
buốt tê từng ngách kỷ niệm
vũng nước đọng có nằm yên trong đêm xuân lửa bừng bừng?
trăng hóa điên một tầng xạ ảnh
có T có X hung hăng nhảy xuống đường
em thơ vùi chôn đáy dầu cặn
màu trời đục mắt cá ươn
người cụt đầu trên tháp canh già hơn đại thụ
xin để yên
xin để cho Huế muôn đời thầm lặng
Bọn tôi hàng ngày trang bị dụng cụ thuốc men đầy đủ xông vào các hang cùng ngõ hẻm làm công tác cứu trợ. Có rất nhiều mồ chôn tập thể được khai quật. Chúng tôi đã chứng kiến tận mắt những xác người bị chôn sống bị trói ké dính chùm với nhau bằng đủ mọi thứ dây nhợ, có khi bằng cả kẽm gai. Xác này nối xác kia được lôi ra khỏi lòng đất tăm tối. Những chiếc sọ người còn thủng lỗ lớn sau những cú nện bất ngờ bằng chày vồ/xẻngcuốc của phường sát nhân! Kinh hoàng khiếp đảm quá!!!!!!!
tim_xac-mau_than
nan_nhan_cs-mau_than
Lúc cộng quân rút đi, và ngay cả thời gian chiếm đóng Huế, họ đã thủ tiêu hàng ngàn người dân vô tội. Những nơi có mồ chôn sống tập thể vĩ đại phải kể đến Nam Hòa, Phú Thứ, Bãi Dâu, Nam Giao và vùng hẻo lánh phụ cận Huế [1]. Có người thuật lại ở các vùng này đêm đêm còn nghe tiếng kêu khóc rền rĩ vọng từ lòng đất . Đó là những thân người non yếu, trong tay không một tấc sắt, bị lùa xuống mồ chôn tập thể mà vẫn còn thoi thóp nuối vọng chút hơi thở trần gian ??!!! Có phải đây là một trong những tộc ác chiến tranh ghê tởm và có tầm vóc nhất trong lịch sử tội ác nhân loại?
Vì đâu hàng ngàn người dân Huế vô tội bị thảm sát trong cuộc chiến Mậu Thân? Lúc cộng quân tiến chiếm thành phố Huế, họ đã sử dụng những mũi nhọn xung kích toàn là đám người bất mãn, mang lòng thù hận cá nhân (hoặc bị mê hoặc bởi tuyên truyền mật ngọt bỏ theo về phía bên kia), tạo thành một lực lượng chỉ điểm hùng hậu cho công cuộc tố giác giết chóc không ngừng.
Là người con dân Huế nói riêng và Việt Nam nói chung, ai mà không đau lòng xót dạ cho tấm thảm kịch nhuốm đầy máu và nước mắt này! Nhưng: liệu những khuôn mặt trí thức Huế trở cờ, một thời được nuôi nấng bởi cây trái Kim Long/Nguyệt Biều, bởi hồn thiêng sông núi Hương Bình có đứng trong hàng ngũ điềm chỉ viên xung trận của cộng quân? Và liệu những kẻ này còn được sự bình tâm trước lịch sử, sự thật và lương tri con người? Toàn là kẻ sĩ tăm(tai) tiếng của thời đại cả đấy. Những kẻ sĩ ném đá giấu tay, ngụy tạo thông tin, chối tội đây đẫy trong khi tay đã nhúng chàm, máu và nước mắt. Ôi! Đâu mất rồi đức “Liêm Khiết Của Trí Năng”?! Nhắc đến bọn người chơi với quỷ này không thể nào không nhớ một bậc tự xưng và thậm xưng trong pháp giới tu hành. Vị này cũng mắc cái bệnh huyênh hoang. Đã một đời đi với bụt rồi mà còn lóng ngóng theo ma bận áo giấy, bởi vì tu tập với lòng tà; còn tham sân si đầy mình. Ôi cùng sinh quán với kẻ này đấy. Xấu hổ làm sao. Và xấu hổ cho chính mình đã có hồi ngưỡng mộ thần tượng (dỏm).
Chiến tranh gây nên chết chóc, mất mát, tang tóc là điều hiển nhiên. Nhưng chiến tranh cũng làm thất điên bát đảo kẻ sống còn. Ai tỉnh ai điên giữa lòng đau thương ngút ngàn. Như một chứng nhân, Trịnh Công Sơn đã viết được những ca khúc từ kinh nghiệm bản thân trong lòng cuộc chiến, sẽ mãi là tư liệu cho cuộc chiến Mậu Thân thảm khốc. Lời và nhạc chuyên chở nhiều hình ảnh và âm sắc mạnh mẽ:
Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người
Tôi đã thấy tôi đã thấy trên con đường người ta bồng bế nhau chạy trốn
Chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người
Tôi đã thấy tôi đã thấy bên hố hầm một người mẹ ôm xác đứa con

Mẹ vỗ tay reo mừng xác con – Chị vỗ tay hoan hô hòa bình
Người vỗ tay cho thêm thù hận – Người vỗ tay xa dần ăn năn . . .
(Hát Trên Những Xác Người)
Xác người nằm trôi sông – Trôi trên ruộng đồng – Trên nóc nhà thành phố – Trên những đường quanh co
Xác người nằm quanh đây – Trong mưa lạnh này – Bên xác người già yếu – Có xác còn thơ ngây
Xác nào là em tôi – Dưới hố hầm này – Trong những vùng lửa cháy – Trên những vồng ngô khoai . . .
(Bài Ca Dành Cho Những Xác Người)
Ngày ngày bọn tôi đi kiểm chứng thi hài. Tối tối về bệnh viện giải trừ cơn xung động bằng những cơn say tít mù. Toàn là rượu đế thứ thiệt. Mấy anh bạn người Nam tửu lượng cao, uống khiếp! Đế hàng chục lít, đong bằng chén ăn cơm. Cứ thế quay đều quay đều quay đều . . . quay tít thò lò. Sức tôi chỉ vài ba chén là hoắc cần câu, nằm quay cu lơ. Ngoài nhậu nhẹt ra còn tụ tập hát hò đủ các loại nhạc từ TCS, Phạm Duy . . . tới nhạc lính, nhạc sến, nhạc chế. Ôi thôi cũng gượng vui cho qua ngày đoạn tháng. Bảo Hạnh hay bày trò chơi tập thể. Như vỗ tay đánh chuyền, miệng gọi tên nhau thân ái. Bởi vậy mà nên duyên vợ chồng với Miên Đức Thắng sau này. Tôi cũng dần dà kết thân với Hối, Khanh. Các bạn này lúc trở lại Sàigòn cũng gia nhập vào đại cái bang Quán Văn đã tới hồi chung cuộc.
Tôi mày mò trở lại thành đô bằng một chuyến bay nhỏ ghé qua Đà Nẵng. Trên máy bay có Thượng Tọa Mãn Giác và một phái đoàn Phật Tử. Cùng đi với tôi có Tâm (tóc) Quăn, một bạn Huế bên Nông Lâm Súc, đã biết nhau từ thời trung học. Có bạn đồng hành cũng đỡ nghe lạc lỏng (Tâm ơi Tâm ơi chừ ở mô?). Tới Đà Nẵng bọn tôi tháp tùng Thầy Mãn Giác và chúng Phật Tử vào một ngôi chùa nhỏ thọ trai và tá túc qua đêm. Thượng Tọa Mãn Giác người trắng trẻo, đôn hậu và rất hoạt bát. Người rất được giới Phật Tử hâm mộ. Vài năm trước đây hay tin người đã viên tịch về chầu Phật Tổ. Xin thắp một đóa sen lòng tiễn đưa người về Tây Phương Cực Lạc!
Sáng hôm sau mọi người ra phi trường, được chuyển tiếp sang máy bay quân sự lớn bay về Sàigòn .
Ôi Mậu Thân tan tác muôn đời là một ám ảnh khôn nguôi trong tâm thức người chạy nạn, trong đó có tôi dự phần.
Hoàng Xuân Sơn
Trích đoạn phóng bút Cũng Cần Có Nhau
Nguồn: Tác giả gửi
[1] Phụ đính:
TỔN THẤT NHÂN MẠNG TẾT MẬU THÂN 1968 Ở HUẾ
• Tổng số dân sự tử vong: 7600 người chết lẫn mất tích
• Chiến trường: 1900 bị thương vì chiến cuộc, 944 thường dân chết vì chiến cuộc
• Nạn nhân của những vụ giết tập thể:
- 1173 tử thi tìm thấy trong đợt đầu sau cuộc chiến 1968
- 809 tử thi tìm thấy trong đợt nhì, kể cả tìm thấy trong đụn cát tháng 3&7 – 1969
- 428 tử thi tìm thấy trong đợt ba, trong Khe Đá Mài khu Nam Hòa (tháng 9-69)
- 300 tử thi tìm thấy trong đợt thứ tư ở vùng Phú Thứ (tháng 11-69)
- 100 tử thi tìm thấy nhiều nơi khác trong năm 1969
- 1946 người mất tích, tính đến năm 1970
(Tuệ Chương Hoàng Long Hải, theo Douglas E . Pike – Trích dẫn từ Wikipedia)
bia_cung_can_co_nhau
ĐÃ PHÁT HÀNH trong tháng 10-2013: CŨNG CẦN CÓ NHAU
phóng bút của Hoàng Xuân Sơn – Nhân Ảnh xuất bản
Viết về thời kỳ sinh hoạt thanh niên sinh viên từ CPS, Du Ca, Quán Văn (Trịnh Công Sơn/Khánh Ly . . .) tại Sài Gòn (1965/1975)
Sách dày 380 trang, gồm nhiều hình ảnh xưa; hiếmGiá bao gồm cước phí:- Gia Nã Đại và Hoa Kỳ: 25 Mỹ kim- Mỹ châu, Âu châu: 35 Mỹ kim- Á châu, Úc châu: 40 Mỹ kim
Liên lạc: son_hoang42@yahoo.com
Điện thoại: (450) 689-8291
Chi phiếu (Cheques) & lệnh phiếu (International Money Order) xin đề Hoang Xuan Son, gởi về địa chỉ:
Hoang Xuan Son
813 Etienne-Lavoie
Laval, Quebec H7X 4H8
CANADA