Saturday, 8 February 2014

Một nhà từ thiện phải đột ngột rời VN sau khi bị đe dọa và sách nhiễu - Trọng Khiêm/Hồ Quì

Lời mở đầu: " Hội từ thiện Măng Non (tên tiếng Pháp là Association Avenir (http://www.mangnon.free.fr/) thành lập tại Pháp hoạt động từ năm 1994 với mục đích giúp đỡ các sinh viên và học sinh nghèo tiếp tục theo học. Một cách đều đặn từ 18 năm qua cứ hai năm một lần hội tổ chức những chuyến du lịch Việt Nam để tặng quà cho các trường học và để các nhà hảo tâm có dip thăm viếng Việt Nam và gặp các em mà họ giúp đỡ. Cho tới nay các chuyến du lịch này diễn ra môt cách bình thường dù bị công an theo dõi rất sát nhưng lần này công an đổi thái độ và ra mặt sách nhiễu. Bà Lương Thị Hồ Quì, vợ ông Nguyễn Gia Kiểng, một trong những sáng lập viên của hội và cũng là chủ tịch hội trong những năm đầu, đã phải rời Việt nam đột ngột sau khi bị công an đe dọa an ninh nhân thân. Phái đoàn sau đó cũng bị sách nhiễu. Trọng Khiêm đã liên lạc với bà Hồ Quì sau khi bà về Pháp. Sau đây là phần chính cuộc phỏng vấn. 

Trọng KhiêmChào chị Quì, tại sao chị về Pháp cắt ngang cuộc thăm viếng Việt Nam? 

Bà Hồ QuìTôi bị buộc phải rời Việt Nam vì bị công an đe dọa. Người chỉ huy công an nói với tôi rằng họ không trục xuất tôi nhưng nếu tôi không rời ngay Việt Nam thì họ sẽ không bảo đảm an ninh cho tôi và phái đoàn Măng Non đi đến đâu họ cũng không để yên. 

Trọng Khiêm- Chị nghĩ rằng họ có thể bạo hành? 

Bà Hồ Quì- Tôi hỏi tòa lãnh sự Pháp xem phải ứng xử như thế nào sau lời đe dọa này. Vị lãnh sự Pháp hỏi tôi cơ quan nào đưa ra lời đe dọa, tôi nói rằng tôi chỉ biết đây là một cơ quan công an nhưng không biết danh xưng chính thức là gì, chỉ biết địa chỉ công an là 242 đường Nguyễn Trãi. Vĩ lãnh sự nói rằng nếu như thề thì nghiêm trọng lắm, bà nên trở về Pháp ngay đi. Tôi điện thoại hỏi anh Kiểng, chồng tôi cũng nói rằng nên rời Việt Nam bởi vì công an Việt Nam có thói quen dùng bọn lưu manh hành hung những người mà họ không ưa. Đã có rất nhiều phụ nữ bị công an giả dạng côn đồ hoặc thuê bọn côn đồ hành hung. Một lý do khác khiến tôi quyết định về Pháp ngay là họ nói rằng nếu tôi còn ở lại Việt Nam thì phái đoàn Măng Non đi đến đâu họ cũng không để yên. Tôi không muốn vì tôi mà các bạn trong phái đoàn bị sách nhiễu, làm hỏng chuyến du lịch của họ.
 
Trọng Khiêm- Thành phần phái đoàn Măng Non như thế nào và về Việt nam với mục đích nào? 
Bà Hồ Quì- Tổng cộng có 20 người, đa số là người Pháp, phần còn lại là những người Việt sinh sống tại Pháp và có quốc tịch Pháp. Tất cả đều là hội viên hội Măng Non và tích cực giúp đỡ học sinh sinh viên nghèo tại Việt Nam, thí dụ như nhận một hay nhiều học sinh Việt Nam làm con nuôi và trợ giúp để các em có thể tiếp tục đi học. Các chuyến du lịch có mục đích để các cha mẹ nuôi gặp các em mà họ đỡ đầu và thăm viếng các cơ sở giáo dục mà họ giúp đỡ, đồng thời để thăm viếng đất nước Việt Nam. Mỗi lần thăm viếng các trường và các nơi có cô nhi chúng tôi đều đem quà tặng, như bút, quần áo, đồ chơi, hay tiền v.v. 

Trọng Khiêm- Đây là lần đầu tiên phái đoàn và cá nhân chị bị làm khó? 

Bà Hồ Quì- Cá nhân tôi thì không phải lần đầu nhưng phái đoàn thì gần như vậy. Năm 2006 tôi vào tới Sài Gòn thì được đưa giấy mời ra sở công an “làm việc”, tôi hỏi người sĩ quan công an đây là giấy mời hay lệnh triệu tập và được trả lời rằng đây đúng là một giấy mời. Tôi đáp lại rằng nếu là giấy mời thì có nghĩa là tôi không sai phạm gì cả và có quyền từ chối lời mời. 

Sau đó sở công an gọi điện thoại cả chục lần đòi tôi đến sở công an nhưng tôi vẫn không đến, cuối cùng tôi bằng lòng để công an đến nhà gặp tôi trong vòng nửa giờ. Năm 2008 họ lại đưa giấy mời và tôi cũng vẫn từ chối đến sở công an, sau cùng hai sĩ quan công an đến gặp tôi tại khách sạn, khoảng một giờ. Năm 2010 không có gì xảy ra, phái đoàn và tôi được yên ổn. Nhưng năm nay thì khác hẳn. 

Trọng Khiêm- Chị nói khác hẳn là khác như thế nào? 

Bà Hồ Quì- Kể từ năm 1996 khi hội chúng tôi bắt đầu tổ chức những chuyến về thăm Việt Nam lúc nào họ cũng theo dõi rất sát, đi đâu họ cũng đi theo để quay phim, chụp ảnh nhưng họ vẫn để chúng tôi yên và chúng tôi cũng không phiền gì vì mình có làm gì lén lút đâu mà sợ. Nói chung hội Mang Non cũng như cá nhân tôi không có quan hệ trực tiếp và công khai với công an. Chỉ từ năm 2006 trở đi họ mới đòi gặp tôi nhưng hội thì họ vẫn để yên và cũng chỉ tiếp xúc tại Sài Gòn, nghĩa là giai đoạn chót của chuyến thăm viếng thôi chứ ở ngoài Bắc và ngoài Trung họ không làm gì ngoài quay phim và chụp ảnh. Như tôi đã nói năm 2006 sau khi đưa giấy mời và điện thoại rất nhiều lần yêu cầu tôi đến sở công an làm việc nhưng tôi không đến, họ đã đến nhà chị tôi để gặp tôi. Người gặp tôi xưng tên là Phan Trung chắc là một sĩ quan cao cấp vì có mấy sĩ quan công an đi theo. Ông này nói năng lịch sự. Sau vài lời xã giao ông ấy đề nghị hội Măng Non gia nhập Mặt Trận Tổ Quốc như các hội từ thiện khác để dễ hoạt động. 

Tôi đáp lại rằng Mặt Trận Tổ Quốc là một tổ chức chính trị, hội chúng tôi là một hội từ thiện thuần túy chúng tôi không thể tham gia Mặt Trận Tổ Quốc được, còn các tổ chức từ thiện khác có tham gia hay không tùy họ. Ông Trung không nói thêm và xoay qua nói về anh Kiểng. Ông ấy nói rằng anh Kiểng là một người yêu nước, nhưng thái độ của anh ấy với chính quyền cứng rắn quá. Anh Kiểng nên về Việt Nam thăm quê hương để biết rõ thực tại đất nước. Tôi đáp lại rằng nếu các anh muốn anh Kiểng về Việt nam thì cứ liên lạc trực tiếp với anh ấy; tôi không làm chính trị nên không thể biết anh ấy nghĩ gì để có thể làm trung gian. Ông ấy vẫn nói anh Kiểng nên về nước và suốt phần còn lại của buổi tiếp xúc xoay quanh vấn đề này một cách lịch sự. Năm 2008 khi tôi vừa vào tới Sài Gòn thì đã nhận được ngay giấy mời lên sở công an và tôi cũng từ chối. Sau cùng thì hai sĩ quan công an đến gặp tôi tại khách sạn. Tất cả cuộc nói chuyện kéo dài hơn một giờ, ngoài những thăm hỏi xã giao, chỉ xoay quanh việc đề nghị anh Kiểng về Việt Nam. Lập trường của tôi vẫn như trước nghĩa là họ nên trực tiếp liên hệ với anh Kiểng trong khi lập trường của họ vẫn là tôi nên chuyển lời đề nghị của họ. Có một lúc họ nói rằng tại sao các ông Nguyễn Cao Kỳ và Thích Nhất Hạnh về nước được mà anh Kiểng lại không chịu về. Tôi chỉ biết đáp lại rằng mỗi người có một cương vị riêng và buổi tiếp xúc kết thúc một cách nhã nhặn. 

Trọng Khiêm- Còn lần này thì sao? 

Bà Hồ Quì- Lần này thì ngay khi tôi mới tới Hà Nội đã nhận được giấy mời lên sở công an làm việc. Tôi không tới gặp họ. Vả lại tôi rất ít thời giờ vì chỉ ở Hà Nội vài ngày lại còn dự định đi thăm nhiều nơi. Trước khi rời Hà Nội tôi gọi điện thoại cho họ theo số điện thoại trên giấy mời. Họ cho biết là tôi không sai phạm gì, họ chỉ muốn gặp tôi để biết thêm về hội Măng Non và phái đoàn du khách. Tôi nói rằng tôi không còn là chủ tịch hội nữa, trong phái đoàn có anh trưởng đoàn và cô tổng thư ký của hội sẵn sàng gặp họ, nhưng họ cho biết chỉ muốn gặp tôi thôi chứ không muốn gặp hai người kia. Tôi biết là có chuyện không bình thường rồi nhưng vẫn từ chối gặp họ. Họ nói rằng nếu tôi không gặp họ tại Hà Nội thì cũng sẽ phải gặp họ ở Sài Gòn. Sau đó đoàn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình, đi đâu cũng có người theo sát, quay phim chụp anh một cách rất lộ liễu. Tại Huế họ khám xét rất kỹ những món quà chúng tôi tặng cho học sinh. Không khí bắt đầu căng thẳng nhưng cũng không quá gay go. Chỉ có từ khi vào đến Sài gòn là mới thực sự căng thẳng và cuối cùng tôi phải rời Việt Nam một tuần lễ trước dự định. 

Trọng Khiêm- Cuộc đụng độ giữa công an và chị diễn ra như thế nào? 

Bà Hồ Quì- Họ kiếm chuyện với tôi chứ tôi đâu có đụng độ gì với họ. Tôi chỉ ứng xử một cách bình thường. Ngay khi tôi tới Sài Gòn công an thường phục đã đợi sẵn tại khách sạn và liên tục quay phim, khách sạn đã có sẵn giấy mời tôi đến sở công an làm việc. Cũng như tại Hà Nôi hôm sau tôi gọi họ để biết lý do tại sao họ mời tôi. Một công an tên là Tạ Xuân Vũ cho biết giấy mời này không liên quan gì tới hội Măng Non, nhà nước hoan nghênh công việc từ thiện của hội. Tôi được mời tới làm việc là để nói chuyện về chồng tôi. Theo họ chồng tôi có lập trường “không thân thiện” với chính quyền. Tôi trả lời họ là tôi không làm chính trị nên không biết gì về hoạt động của chồng tôi cả, vả lại tôi rất ít thời giờ nhưng nếu họ muốn gặp cũng được, với điều kiện là họ đến khách sạn gặp tôi. Họ đồng ý nhưng buổi chiều không thấy họ đến. Ngày hôm sau tôi cùng đoàn đi thăm viếng miền Tây đúng như chương trình. 

Trọng Khiêm- Phản ứng của công an ra sao? 

Bà Hồ Quì- Xe chúng tôi đi được một đoạn đường thì công an goi cho công ty du lịch bắt quay trở lại và đưa tôi tới sở công an đường Nguyễn Trãi. Tôi vào gặp họ, anh trưởng đoàn và cô tổng thư ký hội đi theo, còn những bạn khác ngồi trên xe chờ. Họ để anh trưởng đoàn và cô tổng thư ký ngồi chờ ngoài sân còn tôi thì vào văn phòng làm việc với họ. 

Trọng Khiêm- Buổi làm việc diễn ra như thế nào? 

Bà Hồ Quì- Anh Tạ Xuân Vũ và một sĩ quan công an khác tên là Đạt làm việc với tôi. Anh Tạ Xuân Vũ đã thay đổi hẳn, mới hôm qua anh ta còn nói nhỏ nhẹ từ tốn với tôi qua điện thoại, hôm nay anh ta tỏ ra rất cộc cằn. Chắc anh ta vừa nhận một lệnh mới. Họ đặt những câu hỏi về lý lịch cá nhân và về chuyến đi. Đây là những điều họ đã biết rồi nhưng vẫn hỏi. Ngày và nơi sinh, nghề nghiệp, cha mẹ, anh em, chồng con v.v. Có những câu hỏi rất vô duyên như “chị vào chùa để gặp ai” tôi trả lời là để gặp Phật, hay “chị vào thăm các trường để làm gì?” và tôi trả lời là để thăm các cháu học sinh và các thày cô v.v. 

Trọng Khiêm- Theo chị tại sao họ cần hỏi những câu hỏi như thế? 

Bà Hồ Quì- Theo tôi mục đích của họ là để gây cho tôi cái cảm tưởng mình là người sai phạm đang bị hỏi cung để sau đó họ dễ trấn áp tinh thần khi bắt đầu những câu hỏi thực, nghĩa là những câu hỏi về anh Kiểng. 

Trọng Khiêm- Họ hỏi những gì về anh Kiểng? 

Bà Hồ Quì- Anh Kiểng làm gì trong ngày? Hay đi đâu? Thường gặp những ai? Tôi có biết là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phát hành trái phép tờ báo Tổ Quốc ở trong nước không? v.v. Tôi chỉ trả lời qua loa những câu hỏi này. Về những người thường đến gặp anh Kiểng tôi nói là có nhiều người lắm nhưng tôi không thể nêu tên họ ra vì không được phép của họ. Rồi họ nói là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chống nhà nước vì chủ trương đa nguyên trong khi nhà nước Việt Nam chủ trương độc đảng và tôi cũng tham gia nấu ăn cho những bữa cơm gây quỹ của THDCĐN như vậy là tôi cũng hoạt động chính trị. Tôi xác nhận là tôi có nấu ăn cho những bữa ăn gây quỹ của THDCĐN và nếu họ nghĩ rằng như thế là làm chính trị thì quả nhiên tôi có làm chính trị, làm chính trị nhiều lắm và sẽ còn tiếp tục làm. Phần sau này khá căng thẳng vì họ xấc xược quá. Họ luôn luôn nhắc đi nhắc lại rằng đất nước này là của họ, họ muốn làm gì cũng được. Sau cùng họ đưa tôi tờ biên bản buổi làm việc. Họ bảo tôi đọc và ký tên. Tôi trả lời là tôi không cần đọc họ muốn viết gì tùy ý và tôi viết vào biên bản rằng “tôi rất không vui vì bị làm phiền”. Lúc đó người chỉ huy mới ra, anh ta đọc biên bản rồi xừng xộ đả kích anh Kiểng là làm chính trị xa lông, không biết gì về thực trạng đất nước v.v. Tôi nói với anh ta rằng nếu thấy anh Kiểng nói sai sự thực sao không tranh luận với anh ấy. Anh ta hùng hổ chỉ tay vào mặt tôi nói rằng tôi cũng tiếp tay cho anh Kiểng chống nhà nước. Tôi nhắc nhở anh ta rằng ở những nước văn minh người ta ăn nói lịch sự, không chỉ tay vào mặt người nói chuyện, nhất là đối với phụ nữ.
 
Trọng Khiêm- Anh ta tên gì, cấp bậc nào? 

Bà Hồ Quì- Tôi không biết, anh ta chỉ xưng tên là Minh và mặc thường phục, khoảng ngoài 40 tuổi, chức vụ của anh ta chắc phải cao lắm mới có quyền bắt một công ty du lịch buộc một xe chở du khách đang trên đường đi phải quay lại Sài Gòn. Sau khi tôi đã về Pháp rồi anh ta còn ra lệnh cho các công an tỉnh sách nhiễu đoàn du lịch, khám xét hạch hỏi một số người trong đoàn. Họ còn hăm dọa đoàn là sẽ bị phạt vì làm việc từ thiện bất hợp pháp. 

Trọng Khiêm- Chính anh ta ra buộc chị phải rời Việt Nam? 

Bà Hồ Quì- Đúng thế anh ta nói “đất nước này là của chúng tôi, chúng tôi muốn cho ai đến thì cho, muốn cấm ai ở thì cấm, chúng tôi khuyên chị nên rời Việt Nam ngay đi”. Tôi hỏi lại anh ta như thế có phải là chính quyền trục xuất tôi không, anh ta trả lời rằng anh ta không trục xuất tôi nhưng anh ta khuyên tôi nên về Pháp ngay vì nếu tôi ở lại an ninh của tôi sẽ không được bảo đảm và đoàn du lịch sẽ không đi đâu được cả. Chiều hôm đó tôi lấy máy bay về Pháp. Sau khi về Pháp tôi được công ty du lịch cho biết rằng chuyện hăm dọa này xảy ra chỉ vì buổi làm việc căng thẳng quá. Nhưng tôi không hề nổi nóng và cũng không nói gì xúc phạm cả. Tôi chỉ không chấp nhận để bị mất thể diện thôi. 

Trọng Khiêm- Chị Quì có cảm nghĩ gì sau chuyến đi này? 

Bà Hồ Quì- Tôi rất buồn. Những người công an quả là một loại người rất đặc biệt. Đáng lẽ công an phải bảo vệ an ninh thì lại gây mất an ninh. Họ không hề nể nang những người làm việc từ thiện giúp đỡ các cháu nghèo khổ, họ làm như được họ cho phép giúp các cháu là một ơn huệ. Họ cũng không ngần ngại gây thiệt hại cho ngành du lịch khi đối xử thô lỗ với du khách. Hình như họ nghĩ chức năng của họ là để làm phiền và làm hại và lấy đó làm vinh dự. Họ gây thiệt hại nhiều lắm cho đất nước. Cách đây không lâu một anh bạn của chồng tôi được một trường đại học mời về dạy. Anh ấy bằng lòng và chấp nhận dạy không lãnh lương, cũng không đòi chi phí vé máy bay và khách sạn. Anh ấy tự lo lấy hết, chỉ dạy học để giúp thanh niên Việt Nam thôi vì anh ấy đã về hưu và có lương hưu khá lớn. Nhưng ngay khi về liền bị công an mời lên làm việc. Họ giữ passport của anh ấy ba ngày liền để thẩm vấn như một người có tội. Họ hạch sách, quát tháo hỏi anh ấy quen anh Kiểng như thế nào, làm gì cho anh Kiểng, biết những ai trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên v.v. Rồi sau cùng nói bằng lòng cho anh ấy về Viêt Nam và đề nghị anh ấy làm chỉ điểm cho họ. Tôi thực không thể hiểu họ là loại người gì mà có thể làm như thế. Dĩ nhiên anh này chán ngán và bỏ ý định về Việt Nam dạy học. Thật đáng tiếc vì anh ấy là một chuyên gia lớn. 

Trọng Khiêm- Chuyến về Việt Nam lần này như thế là không vui? 

Bà Hồ Quì- Cũng có những niềm vui. Thí dụ như tôi và các bạn đã tới ăn cơm trưa ở “Quán Cơm 2000″ của hội Người Tôi Cưu Mang (http://www.nguoitoicuumang.com/). Mỗi bữa ăn chỉ có 2000 đồng Việt Nam, nghĩa là chưa tới 10 cent vì một USD đổi ra được hơn 20.000 đồng VN. Quán cơm được tổ chức để giúp đồng bào nghèo có bữa ăn. Chỉ có 2000 đồng một bữa cơm thôi nhưng rất sạch sẽ, lịch sự, tình cảm, cơm ăn đủ no. Các sinh viên phục vụ rất chu đáo và ân cần. Thật là tuyệt vời. Nước ta vẫn còn nhiều hy vọng vì vẫn còn những người tốt. Thật đáng kính phục và đáng được ủng hộ nồng nhiệt.

Trọng Khiêm- Câu hỏi cuối cùng, sau vụ này hội Măng Non và cá nhân chị có còn tiếp tục công tác từ thiện tại Việt Nam nữa không? 

Bà Hồ Quì- Dĩ nhiên là vẫn tiếp tục. Chúng tôi làm việc cho học sinh sinh viên nghèo ở Việt Nam chứ có làm việc cho công an đâu mà bỏ cuộc vì công an thô bạo? Dĩ nhiên là nhiều bạn Pháp trong chuyến đi này rất thất vọng và không muốn đến Việt Nam nữa trong một thời gian dài, nhưng hoạt động của hội vẫn phải tiếp tục và càng phải tiếp tục mạnh hơn nữa khi đất nước bị quản trị một cách vô lý. Chúng tôi hiện có hơn 400 con nuôi. Hy vọng rằng hè năm tới con số này sẽ là 500 hay nhiều hơn ■ 

Góp ý của Siêu Phong

Đã sáng mắt ra chưa? 

Những nhà từ thiện mà không chịu chi cho công an thì chắc chắn là bị làm khó dễ rồi. Muốn làm từ thiện thì phải gia nhập vào "Mặt trận tổ quốc" và chắc chắn là phải đóng góp hàng năm. Hơn nữa đi đến địa phương nào hội từ thiện cũng phải khai báo và làm thủ tục "đầu tiên" với công an quận, phường xóm cho phải phép. Chúng ta thấy những vidéo quảng cáo của các "công ty" từ thiện trên TV Việt-Nam tại Huê Kỳ, trưng bầy nhiều xe camion chở gạo đến cho đồng bào rồi chủ công ty cầm loa ra lệnh ngon ghê lắm mà.
 
Bà Hồ Quì tưởng rằng là "Tổ Quốc đã ăn năn", dễ dàng "hoà hợp hoà giải"; hơn nữa bà tưởng quốc tịch "đầm xoè Pháp Quốc" của bà ngon lành nên Công An không dám làm khó dễ. Xin lỗi chứ ở một nước mà chỉ biết sài luật "rừng", chúng làm gì mà chả được. Chúng chỉ lấy cớ bà là vợ ông Gia Kiểng để "hành" bà chơi cho bõ ghét thôi, nhưng sự thật vẫn là vì bà không chịu "bôi trơn", "bắt tay bằng phong bì" với công an mọi nơi phái đoàn măng non đến nên đều bị chúng hè nhau làm khó dễ cho biết tay. 

Hỏi Bà có về VN nữa không? Bà trả lời ngon lành: "có chứ"

Hoan hô lòng can đảm của bà. Chúc bà may mắn sẽ được Toà Đại Sứ VC tại Paris cấp visa dễ dàng lần tới và đi đâu cũng được an toàn tính mạng, vì công an không bao giờ ra tay cả, họ là "bạn dân" mà, chỉ có tụi "xã hội đen, quần chúng tự phát" (mà một nữ dân biểu Hoa Kỳ là Loretta Sanchez gọi là "goons") sẽ ra tay hỏi thăm bà bằng gậy gộc, giáo mác, có khi có cả chó săn và súng AK nữa, hoặc dàn dựng gây ra tai nạn giao thông, rồi có thể đưa bà vào nhà thương luôn không biết chừng. Cùng lắm họ chỉ có lời phân ưu "parce que" với toà đại sứ Pháp và nói là bà tự xử trong đồn công an thì ai mà biết. Chẳng nhẽ ông Kiểng phải bay về từ Paris để vào nhà thương thăm bà hay sao?
 
Họ chẳng cám ơn ông Kiểng và Thông Luận về cái công reo hò "hoà hợp hoà giải" từ bấy lâu nay gì cả. Cái này thì láo toét thật. Mấy anh khoa bảng VN bên Mỹ nhiều anh cũng đang hò hét ủng hộ "3 hát 1 gờ" "HHHG" để lấy điểm với nhà cầm quyền ta, thì nên để ý một chút là nếu cho bà xã về VN coi chừng cũng bị ... đuổi ra như bà Hồ Quì đấy nhé. 
Cũng cám ơn Bà Hồ Quì bật mí là mấy ông công an ở Việt-Nam tuyên bố rằng các hội từ thiện hải ngoại khác muốn làm ăn dễ dàng tại Việt-Nam thì phải gia nhập "Mặt Trận Tổ Quốc". Việc quan trọng vậy, mà bao nhiêu "công ty" từ thiện bên Mẽo, không thấy ai khoe là Hội viên của "Mặt Trận Tổ Cò" của CSVN cả, chắc họ sợ bị đồng bào tỵ nạn bên Mỹ cạch mặt chăng? Chúng tôi chỉ dám đoán là họ "chi" 50-50 hay tứ lục rất bộn cho công an cán bộ nhưng đâu biết là bắt buộc phải gia nhập "tổ cò" của chúng nữa. Trời ơi!!!