KIÊN GIANG (NV) .- Nhà cầm quyền CSVN vừa trả tự do và giao ông Nguyễn Hữu Cầu cho người con trai, ngụ ở U Minh Thượng, Kiên Giang. Ông Cầu là tù chính trị phải ngồi tù lâu nhất dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Hữu Cầu khi gặp con và cháu hồi giữa năm ngoái trong tù. (Hình: Gia đình cung cấp) Ông Cầu, 67 tuổi, vốn là sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau tháng 4 năm 1975, bị “cải tạo” 5 năm. Năm 1980, ông Cầu được trả tự do lần đầu. Năm 1982, bị bắt trở lại, bị đưa ra tòa và bị kết án tử hình vì bị vu cho tội chống chính quyền CSVN. Dù chứng cớ mơ hồ và ông phản bác rằng ông vô tội nhưng chỉ được giảm án xuống chung thân rồi ngồi tù suốt từ năm 1982 đến nay. Tính ra, ông Cầu bị giam tổng cộng 38 năm.
Cho mãi đến đầu thập niên 2010, từ thông tin của một số người tù chính trị từng bị giam chung với ông Cầu, người ta mới biết về trường hợp bi thảm này. Theo nhiều bạn tù, sở dĩ ông Cầu ở tù lâu đến như vậy vì ông dứt khoát không nhận ông có tội.
Ngay khi ông Cầu được áp giải về nhà, thân nhân của ông đã đưa ông vào Bệnh viện U Minh Thượng chăm sóc song nơi này đề nghị nên chuyển ông đến Bệnh viện Kiên Giang vì họ không đủ khả năng điều trị. Do Bệnh viện Kiên Giang không có chỗ, con cháu ông chỉ có thể đưa ông vào một bệnh viện tư ở Kiên Giang. Họ chưa biết làm thế nào để chạy chữa cho ông do bế tắc về tài chính.
Hàng năm, nhà cầm quyền làm vài đợt “đặc xá” nhân dịp Tết, 30 tháng 4, Quốc khánh nhưng những cá nhân “được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước”, chỉ là các viên chức vào tù do tham nhũng, nhận hối lộ hoặc những người phạm các tội hình sự như giết người, cướp của, lừa đảo, hiếp dâm,… Những người bị tống giam vì bất đồng chính kiến hoặc hoạt động cho nhân quyền, tự do tôn giáo hiếm khi được “đặc xá” nếu không có áp lực từ bên ngoài.
Tết âm lịch vừa qua, công an từng tìm gặp con trai của ông Nguyễn Hữu Cầu, thông báo ông Cầu sẽ được phóng thích vào dịp Tết nhưng đến nay ông mới được thả, sau khi đại diện nhiều chính phủ, tổ chức quốc tế liên tục kêu gọi nhà cầm quyền CSVN nên hành xử nhân đạo đối với những người tù chính trị mà sức khỏe đã hoàn toàn suy sụp như ông Nguyễn Hữu Cầu và ông Đinh Đăng Định. Cháu gái của ông Cầu, 15 tuổi, gần đây thấy ông không được thả như đã được hứa hẹn, đã viết thư tới các lãnh tụ chế độ xin đi tù thay cho người ông bệnh hoạn và già nua.
Ít ngày trước khi phóng thích ông Cầu, CSVN “đặc xá” cho ông Đinh Đăng Định. Tòa án Đắk Nông vừa trao quyết định “đặc xá” cho ông Định, sau khi ông rời khỏi Bệnh viện Ung bướu ở Sài Gòn về Đắk Nông, chờ chết dưới mái nhà của mình.Ông Định, 60 tuổi, từng là một sĩ quan của quân đội CSVN.
Sau khi giải ngũ, ông trở thành giáo viên dạy Hóa của trường trung học Lê Qúy Đôn ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Ông là một trong những người ký tên vào kiến nghị yêu cầu không khai thác bauxite tại Tây nguyên, vừa để bảo vệ môi trường của Tây Nguyên và vùng Đông Nam bộ, vừa nhằm ngăn chặn Trung Quốc đặt chân vào khu vực này. Ông cũng là tác giả một số bài viết kêu gọi đa đảng, sửa điều 4 Hiến pháp, thực hiện phi chính trị trong giáo dục.
Ông Định bị bắt năm 2011. Năm 2012 bị hệ thống tư pháp kết án 6 năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước”. Nhiều lần ông Định được khuyến dụ nhận tội để hưởng “chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và nhà nước” song ông cương quyết từ chối. Trong tù, sức khỏe của ông suy kiệt trầm trọng và giờ chót mới được thăm khám, kết luận là ung thư bao tử.
Ông Định bảo rằng, quyết định đặc xá là vô nghĩa khi ông đã cận kề ngưỡng sinh – tử. Ông đề nghị mọi người hướng sự quan tâm vốn vẫn dành cho ông vào cuộc đấu tranh chống sự độc tài của chế độ cộng sản. Ông Định nhấn mạnh, thế giới cần phải biết rằng, nhân quyền ở Việt Nam chưa thể gọi là nhân quyền.
Đặc biệt là trong môi trường tù tội. Tù chính trị bị tra tấn không phải bằng đánh đập mà là không cho chữa trị khi đau bệnh, để họ thiếu thốn trong chuyện ăn uống, cô lập họ với bên ngoài, không cho xem sách, đọc báo. Ông đề nghị các tổ chức nhân quyền, các cơ quan giám sát việc thực thi nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hãy tìm cách “mở cửa các trại tù” để tận mắt chứng kiến điều đó.
Đáng lưu ý là đến vẫn còn nhiều quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng hòa, bị giam giữ do bất đồng chính kiến và rất nhiều người bỏ mạng trong tù. Người thiệt mạng trong tù gần đây nhất là ông Bùi Đăng Thủy, Thiếu úy Không quân. Thiếu úy Thủy bị bắt trở lại hồi tháng 7 năm 1997, do tham gia Đảng Nhân dân Hành động Việt Nam. Ông bị kết án 18 năm tù và qua đời trong tù hồi tháng 11 năm ngoái.
Năm ngoái, còn có hai sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa từ trần trong tù là ông Trương Văn Sương và Nguyễn Văn Trại. Do sức khỏe hai ông suy kiệt, gia đình của hai ông nhiều lần làm đơn xin cho hai ông được về nhà, chết giữa những người thân, song những thỉnh cầu này không được chính quyền Việt Nam – phía thường xuyên kêu gọi “hòa hợp, hòa giải” đáp ứng.(G.Đ)