Wednesday 26 March 2014

Thơ Ý NGA

Điên điên cả Đảng Khùng Khùng
Đưa dân đến tận đường cùng tối tăm!


300475_19.jpg

VÁC TRỤ, NÀO ĐÂU VÁC NGÀ
*
            Kính tặng trưởng TTM (San Jose)
*
Phe… Ta, hổng phải Phe… Tà
Bù loa chức vụ, thật thà bù lu
Vác hoài toàn “Trụ” Lu Bu
Muốn mau giứt Trụ-Cao-Su mịt mù
Vác hoài e ngại khó tu
Có ai rảnh rổi, lù đù vác cho?

Ý Nga, 25-3-2014
           
Chức vụ > đọc theo cách người Nam
Chức dụ. nói lái thành “giứt chụ” > (“chụ” có thể đọc thành “trụ’ nếu là người miền Bắc)

300475_16.jpg

Biếm thi chính trị

TIÊN: “ĐẠI GIA” TA: DẠI, ĐIÊN?

“Tiên ông” giá võ đằng vân*
“Tiên cô” bận rộn lần khân Sở, Tần*
“Tiên bà”: bà Tú* bất nhân
“Tiên anh, tiên chú”: cung tần mấy trăm!
 
Người dân xúm lại hỏi thăm:
“Thiên đường” tiên lắm, dân bầm dại điên?

Ý Nga, 24-3-2014.
           
*Giá võ đằng vân: đem tiền gửi nước ngoài và cho “con ông cháu cha” chạy trước
*Đảng bận quỳ mọp Hán Cộng trong mối tình Môi Hở Răng Lạnh
*Bà Tú: tú bà chuyên buôn bán gái thơ cho ngoại nhân


KHÁCH… KHỨA

Vết đau binh lửa nào thưa!
“Hòa bình” tắm máu, tang đưa cả Nhà!
Khách vào, cấm… khứa cù cưa
Chiêu lừa Việt Cộng, kế thừa đã xưa
Nằm vùng, thừa mứa dây dưa
Quả… Lừa chỉ lọc lừa… Lừa! Biết chưa?
Nói lời thừa mứa ai ưa?

Ý Nga, 24-3-2014



TỔ QUỐC CHỈ MỘT MÀ THÔI!

Mi nhớ quên điều gì
Từ bỏ nước ra đi?
Đứng bên lề lịch sử
Khi đất nước lâm nguy?
 
Mi thúc thủ chờ thời,
Xem dân như trò chơi
Cộng kêu là mi ới
Luôn răm rắp vâng lời?
 
Bên chén rượu đầy vơi
Mi tâng bốc dở hơi
Giặc vào còn tư lợi?
Vận mạt mi tới nơi!

Ý Nga, 25-3-2014

image

TÔI ÐI… HỌC
 
Các em học sinh Ý Ðại Lợi của tôi mà đọc được tiếng Việt thì chúng sẽ không thể nào mường tượng ra người vừa viết 3 chữ này là ai đâu.
 
Còn nhớ ngày đầu tiên, sau khi thi trầy da, tróc… lưỡi với cái thứ ngôn ngữ lạ hoắc, tôi được nhận vào dạy Toán và anh Văn ở một trường bán trú Công Giáo bên Ý, lúc ấy tôi chưa có xe hơi, gia tài chỉ có một chiếc xe gắn máy phân khối  nhỏ tí (dân ăn Spaghetti vẫn quen gọi là motorino). Xe đã nhỏ thì người cũng chẳng lớn lao gì vì tôi lúc ấy chỉ có 33 kg, vừa qua những cuộc giải phẫu thập tử nhất sinh với đứa con duy nhất đã mất trên biển Thái, sau chuyến hải trình kinh hoàng.
 
Khi vào nhận lớp, bước lên bục cao rồi mà tôi vẫn thấy mình nhỏ bé vô cùng trước những em học sinh trung học cao hơn 1m70, em nào em nấy to con như lực sĩ điền kinh đang tham-dự thế vận hội Olympic.
 
15 phút đầu, từ trên bục giảng nhìn xuống, âm thanh bài giảng của tôi được đáp lại bằng những quả bong bóng mà các em thổi to từ những miếng kẹo cao su các em vẫn nhai đi nhai lại trong miệng. Tôi giã vờ đến gần một em ở hàng ghế đầu, rồi bằng một cách bất ngờ nhất, tôi giật mạnh miếng kẹo trong miệng em ra và đưa cao lên hỏi cả lớp:
-          Em nào biết tiếng Anh gọi cái bong bóng này là gì cô sẽ thưởng cho kẹo đủ nhai trong 1 tháng, nhưng các em chỉ được nhai nó ở ngoài lớp học và trong giờ chơi mà thôi. Điều kiện đặt ra là các em phải trả lời ngay bây giờ và lên bảng viết cho cô chữ này.
Tôi chờ mãi không em nào biết cả, tôi liền đi 1 màn nói khích các em rất nhẹ-nhàng:
-          Ngay cả miếng kẹo nhai trong miệng vào lúc không được phép nhai mà các em cũng không biết tên gì thì học Anh văn để làm chi?
Thế là cả lớp nhao nhao đưa tay, em thì trả lời “Chung gà” (Ciungga), em thì cãi lại “chung gom” (ciunggom) Chung… “” hay.... riêng “gom” gì thì các em cũng sai tuốt luốt vì đây là 1 chữ rất khó phát âm đối với người Ý nên tôi cứ cố-gắng… xoáy cho các em… cười một trận mê tơi với cách phát âm của chữ “chew” rồi mới đổi đề-tài thật uyển-chuyển:
-          Ở xứ tôi, học trò kính trọng giáo sư lắm! Không bao giờ có cảnh vào lớp mà nhai ngồm ngoàm thế này.
 
Rồi tôi xin những phong kẹo của các em, bỏ vào miệng nhai 1 miếng, còn bao nhiêu tôi xé 5, xé 7 chia cho các em khác và mời tất cả cùng... nhai. Tôi nói:
-          Động từ nguyên mẫu “to chew” là “masticare” (nhai). Còn cái “bolla” (bong bóng) này là “bubble”.
Ðây là lần đầu và cũng là lần cuối chúng ta nhai kẹo chung trong lớp, vì có nhai các em mới nhớ chữ “chew” có nghĩa gì. Về sau các em đừng nhai trong giờ học nữa nhé, kẻo không những dì Phước sẽ không cho tôi dạy nữa đó!
 
Ðó là bài học đầu tiên tôi học cách “làm quen” với các em vốn nổi tiếng bướng bỉnh trong trường bán trú này.
20 năm trôi qua, lúc nào tôi cũng nhớ những ánh mắt, những nụ cười của các em ngày ấy!
 
*
Cũng như đã hơn 1 năm rồi mà tôi vẫn không quên được Sói Con Nguyễn Trí (David) ở Liên Đoàn HỒN VIỆT Calgary, Canada này.
Trí với 2 tay luôn luôn thọc vào túi quần với 1 thế đứng khiếm nhã: 2 chân dang ra. Trí xem trời bằng vung của những ngày đầu mới đến với Ấu Ðoàn Phù Ðổng. Tuy không có kẹo cao su “chung, riêng, gà, vịt” gì cả, nhưng tôi cũng đã đưa được Trí vào nề nếp kỹ-luật bằng những “mẹo vặt nhà giáo” rất đơn giản, mà ở tuổi các em, những trò chơi HÐ luôn luôn có sức hút rất mãnh-liệt.
 
Sói con Trí sau này đã là một trong những Sói con rất giỏi của tôi, tuy rằng số điểm cao của Trí cũng thường bị trừ vì những lần vi-phạm kỹ-luật của Sói, nhưng Sói con này đã lên đến chức Đội Phó và biết dạy cho các Chim Non tuân theo kỹ-luật của Ðoàn một cách rất thông-thạo.
 
Tôi nghiên cứu bài vở của các Trưởng Canada và các Trưởng VN chia sẻ kinh-nghiệm trong sinh-hoạt với các Sói Con và Chim Non, thấy ai cũng khuyên nên chia 2 ngành Ấu và Nhi ra riêng, nhưng tôi lại tổng hợp 1 chương trình chung và vẫn để các em sinh hoạt chung vì chúng tôi thiếu Trưởng, (không có người nào thật nhiệt tình và thật thương trẻ ra gánh vác cả). Vậy mà nên việc! Nên, vì tụi nhỏ khi được ra oai với bầy Chim Non thì hách xì xằng vô cùng. Càng hách, chúng càng dễ… bị mách nếu vi phạm kỷ luật. Thế là tôi lời to! Lời, vì danh sách tổng cộng là 61 em lớn nhỏ: em đi, em vắng thì tuần nào tôi cũng ôm đồm một mình 40 đứa, mệt rã rời! (chưa kể trên dưới 120 phụ huynh, mỗi người một ý khác nhau) Dưng không chúng tự nguyện …kiểm soát hàng Đội lẫn nhau, theo phương pháp Hàng Đội Tự Trị của Hướng Đạo, thì không lời sao được?
 
Tôi từng là trẻ con, từng là chị Cả, từng ham chơi và từng thích chẽ chữ để học nữa nên “em út” làm sao mà… qua mặt nỗi!
Nhớ ngày xưa, mỗi lần tôi  nói sai một chữ tiếng Việt là Ba tôi bắt con gái phải học thuộc lòng nguyên 1 trang tự điển có chữ ấy để tôi tự định nghĩa sự phong phú của tiếng nước mình.
 
Phải nói là tôi đã học nơi các em rất nhiều. Tôi đi học là vậy!

Ý Nga.

Canada, 7-1-2005.


30 LẦN NHÌN LẠI

Anh lê bước trên đường về thăm mẹ
Dép đứt quai khâu đen, đỏ, vàng, xanh
Trên hình hài mỏng tựa chiếc lá chanh
Anh bối rối đứng tần ngần đầu ngỏ.
 
Thưa bà lão nửa quen, nửa ngờ ngợ
Dáng mỏng manh, kham khổ, chít khăn tang
Tưởng mẹ hiền, mắt điều tiết, là… nàng
Anh òa khóc, thương vợ hiền hiếu thảo.
 
Tim ứa máu ôm tấm lòng khổ não
Nhìn mặt nhau mà đầu váng, mắt hoa
Ghê gớm quá bàn tay bọn gian tà
Ôi nghiệt ngã! Dân làm chi sằng bậy?
*
Anh đau đớn ba mươi năm nhìn lại
Cứ giỗ em là ủ rủ nhớ nhung
Ba mươi năm vẫn nhớ phút trùng phùng
Ngày trở lại có em yêu đứng đó.
 
Trong biển khổ: Cộng làm mưa, làm gió
Mình vật vờ lo cao chạy, xa bay
Có ngờ đâu em chuốc phải sầu này:
Không qua ải, biển Đông đành thủy táng!
 
Ý Nga, 28-1-2011.




Thơ: Linh Đắc 
BA MƯƠI NĂM 

Chiều len mái tóc, 
Mưa khóc một mình.
Đông qua phố lặng thinh, 
Khúc nhạc tình lạc giọng.

*

Ba mươi năm, mỏi mắt nhìn cố quận, 
Áo vàng xưa một thuở lộng trời xanh. 
Guốc gỗ khua con đường dài canh cánh, 
Sỏi đá cùng mòn mỏi nắng vàng hanh. 

Mimosa mong manh, 
Ngọt thơ tình em dệt.
Êm đềm chiều Đà Lạt, 
Mây trắng miệt mài trôi ... 
Ngọn thông già đơn côi, 
Bên đồi Cù thấp thoáng ...

Rồi một hôm, giặc tràn về hốt hoảng, 
Khúc rẽ đời tan tác giữa dòng sông.
Nhạc trổi khúc buồn, 
Lệ tuôn bối rối ...
Em lặng lẽ cùng đoàn người bước vội.

Giữa tiếng bom, mìn, đạn nổ tung bay.


Tiếng khóc nghẹn ngào rơi, 
Lầm than đày đọa kiếp.
Em theo họ đi qua thành phố khác, 
Tưởng sẽ về khi đất nước bình an.

Nhưng ...


Đất Khách đón chào người tỵ nạn 
Ba mươi năm những bẽ bàng, phiền muộn, 
Cũng đi qua theo nắng sớm, mưa chiều.
Em ở đây có muôn vạn tình yêu, 
Có nhà ở, có việc làm thường nhật ...
Mùa Thu lất phất, 
Vàng lá rụng bay ...
Đông đến đóm lửa say, 
Xuân mơ đầy mộng ước.
Hạ về trong tiếng hát, 
Thần thoại hiện ban trưa, 
Câu hát Mẹ ầu ...ơ ...  
Ru con từng nhịp võng.

Ba mươi năm! 
Tóc ươm màu mây trắng, 
Em vẫn hoài ngọn gió gởi tình xa.
Ngày Dân Tộc vùng lên trên Đất Mẹ.

  
Tiếng đàn rung nhẹ. 
Khe khẽ giữa đêm, 
Em cầu nguyện bên đèn, 
Cho Việt Nam, cho nhân loại, 
Và những người nghèo đói, 
Trong tay Đấng Bình An! 

Ba mươi năm! 
Mơ một ngày trở lại 
Giữa thật sự Thanh Bình, Hạnh Phúc và Tự Do! 

Linh Đắc 
Georgia, Đầu Xuân Năm Tuất 2006 


From: LAM V 
Sent: Sun, Mar 23, 2014 3:48 pm

...Ngàn tây nổi áng phong trần, 
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên..

(Việt Nam Quốc Sử Diễn Ca)



Thơ: VoPhuBong
HAI BÀ TRƯNG 


Giáp bạc yên vàng giục giã cương, 

Cờ bay kiếm bạt dậy sa trường.

Biên thành [1] gót ngọc an bờ cõi, 

Nam quốc [2] má hồng định nghiệp vương. 


Nợ nước duyên chồng thề một dạ, 

Tình em nghĩa chị nguyện chung đường. 

Ngàn thu gái Việt còn kiêu hãnh, 

Má phấn muôn đời tỏa sắc hương  

VoPhuBong

Chú thích

[1] Biên thành [thành Long biên địa danh Hà nội bấy giờ.]
[...Ngàn tây nổi áng phong trần , Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên...] 
[2] Nam quốc đất Lĩnh Nam thời bấy giờ. 

[... Kinh kỳ đóng cõi Mê linh, Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta...]

=====================================
Việt Nam Quốc Sử Diễn Ca

Bà Trưng quê ở Châu Phong

Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên [3]

Chị em nặng một lời nguyền

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân

Ngàn tây nổi áng phong trần

Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên

Hồng quần nhẹ bước chinh yên

Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành

Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

Ba thu gánh vác sơn hà

Một là báo phục hai là Bá Vương

Uy danh động tới Bắc Phương

Hán sai Mã Viện lên đường tấn công

Hồ Tây đua sức vẫy vùng

Nữ nhi địch với anh hùng được sao!

Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo

Chị em thất thế cùng liều với sông!

Trước là nghĩa, sau là trung

Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn...



Thơ 
Ý Nga





THUYỀN NHÂN VIỆT NAM

Đàn cá mập đã no nê năm trước
Có bao giờ thương xác héo thuyền nhân?
Có gian manh lo đút lót thánh thần
Để chạy tội chút mồi… màng tàn nhẫn?
 
Người tận mạng có kêu ca nổi giận?
Bể trầm luân đã siêu thoát hồn chưa?
Có gặp được người thân phút tiễn đưa?
Hay vẫn cứ biển Đông chờ… trở lại?
 
Người không thể là ma, đau thất bại
Là thần thiêng phù trợ kẻ nãn lòng
Hồn còn trông cố quốc, xin góp công
Giệt cho sạch loài bất nhân bán nước.

Ý Nga, 28.6.2010.


NGHỀ MAY ÁO QUAN

*
Viết thay nén hương đưa tiễn một người lính.
*

Tôi là lính ra tù không manh áo 
Vượt qua bao lửa máu tìm bình an, 
Mưu sinh nghề đánh bóng những áo… quan 
Đổi bát gạo nuôi đàn con nheo nhóc.

Mỗi chiếc “áo” làm ra tôi đều khóc 
Nhớ bạn bè đất Bắc da bọc xương 
Chiếu rách tìm, dù nhỏ hẹp tầm thường 
Cũng không có bọc xác thân cùng cực.

Tay xóc dằm, gò từng manh ký ức 
Đóng, đục, cưa cho người lạ nằm vừa, 
Lót vải êm bao hòm gỗ cài hoa 
Và nước mắt cứ ứa… ngày bi lụy.

Tôi sáng, tối gò từng manh gỗ quý 
Thương bạn thân, những thằng đã ra đi 
Xót vợ hiền tần tảo bao hiểm nguy 
Nuôi con dại chờ chồng, không thấy mặt.

Ngày em mất trời mưa râm bi đát 
Hai thằng con ráp những mảnh ván giường 
Giữa ruộng nương “kinh tế mới”, thắp hương 
Nhường mẹ… ngủ bình an nơi cõi Phật.

Tôi "may áo, áo' cho người hoàn tất 
Mà dân tôi áo rách đỏ “thiên đường” 
Người lạ xa, thân được tẩm thơm hương 
Xong một "áo, áo" nào tôi cũng khóc!

Tôi 'may áo" bằng mưu toan đại cuộc 
Buộc thân tàn phải âm ỷ lòng son 
Dạy các con: -Chiếc Áo Mộng chưa tròn 
Còn ấm áp, phải yêu hoài Tổ Quốc!

Ý Nga, 2.1.2010.
 
                                      

Đức Hùng 
họa:
 
ÁO QUAN TRONG TÙ.
 *
( HOẠ BÀI THƠ RẤT HAY CỦA NỮ SĨ Ý NGA,
MANG TỰA ĐỀ “ NGHỀ MAY ÁO QUAN “ , SÁNG TÁC NGÀY 02/01/2010 )
 *

Từ những Binh Đoàn nêu cao  màu áo
Đem máu xương cho Tổ Quốc binh an
Từ Mũi Cà Mau, mong đến Ải Nam Quan
Kính hiếu Mẹ Già, chăm sóc trẻ thơ nheo nhóc
 
Ngày mất nước, đứng âm thầm lặng khóc
Chiến xa buồn đã nhuộm thắm máu xương
Bỏ chiến y mặc lại áo dân thường
Nuốt tủi nhục, mãi căm hờn cùng cực !
 
Cảnh tù xưa hiện về trong ký ức
Không bút nghiên nào viết đủ cho vừa
Làm sao được cờ ôm hòm gỗ cài hoa?
Thà chết  đứng, không bao giờ quỵ lụy!
 
Vẫn biết rõ mạng, thân này hiếm quý
Nhưng sức tàn, hành hạ . . . phải ra đi
Chí anh hùng từng vượt mọi gian nguy
Nay lúc chết không người thân nhìn mặt !
 
Xưa thắng Nguyên Mông, cùng thề Thát Đát !
Nay sa cơ, thất thế vẫn chung giường
Vuốt mắt bạn tù, thắp một nén hương
Cầu cho bạn anh hồn về cõi Phật !
 
Lửa Quốc Thù, chí đấu tranh không hề tắt
Đánh thức toàn dân, gào tuổi trẻ lên đường
Đập tan Cộng Sản đã tàn hại quê hương
Hãy tìm đến dân lành đang than khóc
 
Quan tài trong tù, dù chết , không hề bỏ cuộc
Hồn bất tử, lòng yêu nưóc, dạ sắt  son
Dẫu ngàn năm, nhiệm vụ sẽ vuông tròn
Sáng nòi Việt  trên Đài Thiêng Tổ Quốc !

Đức Hùng

Hai Ngàn Mười Hai
Sydney, NSW, Úc Châu, 10/03/2012


VẪN CÒN NGƯỜI ÐỂ CÁM ƠN

Thằng hèn đi với thằng gian
Cả hai đều bảo: “Tao ngoan hơn người!”
Con “khỉ” đi với “đười ươi”
Hai con leo mãi mà trời vẫn... xa.
 
Chú “chống Cộng” đánh “Quốc Gia”
Cả hai tơi-tả, chuyện Nhà vẫn đau
Người về hưởng thụ đâu đâu
Nước bùn chúng khuấy đục ngầu tang thương.
 
Cám ơn Trời, vẫn còn đường
Bao nhiêu chiến-sĩ một phương tìm về
Cám ơn đời dẫu nhiêu khê
Gươm thiêng vẫn bén lời thề quyết tâm.
 
Cám ơn anh chị âm-thầm
Mài gươm nuôi chí, ươm mầm tự do.

Ý Nga, 24.4.2004





CŨNG ÐÀNH!

Người ta khen má em hồng
Khen da em trắng, lưng ong, chân dài...
Thơ người chỉ viết cho... ai
Chuốt trau óng ả, “thi tài” nhờ ...yêu
 
Thơ em, anh chê đủ điều:
“Cuốn nào cũng nhắc quá nhiều về dân.
Bài nào cũng chỉ một vần

Ðiệu bi thương gói nợ-nần quê-hương”

 
Anh ơi! Trái đắng tẩm đường

Làm sao như mật mà thương cho cùng!

Mời anh men đắng rất nồng
Chia đi anh nhé, cùng dòng Lạc Âu.
 
Mời anh lục bát đôi câu
Viết trong thao-thức đêm thâu gửi về
Người đi viết gửi cho Quê
Người-không-yêu, nếu có chê, cũng đành!

Ý Nga, 25.4.2004.

CÒ MỒI

Mật ngọt lắm mới giết ruồi êm ả
Ông Chua Ngoa Lươn Lẹo tính hù ai?
Khéo! Không thôi “mất chì” ln mất “chài”*
Tội nghiệp quá! Cân Đai cùng Áo Mão?
 
Khúm núm thế có nên cơm, nên cháo?
Mà Chùy Đao cứ chằng chịt đường đi?
Ông trơ trơ vô liêm sĩ cách chi
Ai để ý mà cứ quỳ mòn gối?
 
Bà, cờ phướng rình rang, trông bắt tội
Điếc, câm, đui nên theo bọn tà gian
Gởi lương tri vào những chỗ-có-ăn
Miệng hùm, rắn toàn những lời đao búa.
 
Chuyên ưỡn ẹo suốt đời trò ca múa,
Bà ‘’tái sinh’’ cùng một kiếp, Bìm Leo*
Đỏ lòm lom trên Giậu Đổ Tiêu Điều,
Bày ảo thuật toàn những điều Xôi Thịt
 
Huênh hoang kể bao “công trình” mù mịt
Kẻ Đói Meo, chút xương xẩu đãi bôi,
Bà “từ bi”, ông “bố thí” miếng mồi
Rồi inh ỏi rằng: “Chúng tao cứu nước!”
 
Thật chướng mắt! Lạy “ông bà” làm phước
Nát nước rồi, đừng hài hước thối hoăng
Xin làm ơn mài Vuốt, dũa bén Răng
Lật Cộng đổ cho dân nhờ chút tí!
 
Ý Nga, 15-2-2011.
           
*Tục ngữ:
-Mất cả chì lẫn chài
-“Giậu đổ, bìm leo”


NHẮC EM NHA ANH!

-Mỗi lần qua nhà em,
Thấy ai đứng bên rèm
Biết em đang tựa cửa,
Ngắm những vì sao đêm
 
-Là em nhớ trăng xưa
Có lời ru đong đưa
Từ xóm làng mộc mạc
Nhớ bao nhiêu cho vừa!
 
Ðông người, sao cô đơn?
Phải chăng em đang hờn?
Hờn em, người xa xứ
Hờn em, người phụ ơn.
 
Anh ơi! Trăng vẫn thế
Sao vẫn lấp lánh sao
Chỉ riêng em là tệ
Mỗi ngày mỗi xanh xao.
 
Nước non mình ai bỏ
Ai rồi người sẽ lo?
Ai cứu dân giùm cho?
Ai thay Vàng sắc Đỏ?
 
Mai anh có ngang nhà
Mắng giùm em với nha!
Ðừng cho em mơ mộng
Nhắc giùm “Chữ GIA GIA”
 
Ý Nga, 17.10.2003.

MỘNG VÀ THỰC

Ðêm nằm gối trên bài thơ
Nghe xào xạc giấy lơ mơ nhớ Nhà
Câu thơ viết về quê Cha
Hỏi thăm bụi chuối trổ hoa mấy buồng?
 
Giấy xạc xào, hoa chuối buông
Gối mềm lá chuối, thơ nhường... giọt mưa.

Ý Nga