Từ ngày người dân Việt Nam được (bị) nghe 2 tiếng "Cách Mạng" và được nghe các đấng đi làm Cách Mạng luôn mồm luôn miệng nói với toàn dân rằng thì là: "Nước ta bi gờ đang phải chiến đấu đánh đuổi ngoại xâm nên chúng ta phải chịu kham khổ đôi chút. Sau khi dẹp xong ngoại xâm thì đảng sẽ đưa dân từ ĂN NO MẶC ẤM tiến lên ĂN NGON MẶC ĐẸP..." Thế là một số người dân đang Ăn Ngon Mặc đẹp và đa số là đang được Ăn No Mặc Ấm đều được các đấng làm cách mạng lột sạch sẽ tất cả xuống bằng nhau nghĩa là ĂN ĐÓI, MẶC RÁCH bằng nhau để cho các đấng là cách mạng tổ chức lại từ bước một được Ăn No Mặc Ấm chờ sang bước hai là được ĂN NGON MẶC ĐẸP.
Vậy mà hơn nửa thế kỷ dưới bàn tay của các đấng nàm cách mạng vẫn còn để 2 phần 3 người dân ĂN KHÔNG ĐỦ NO, MẶC KHÔNG ĐỦ ẤM phần còn lại thì nếu muốn ĂN NGON thì phải MẶC KHÔNG ĐỦ ẤM, hoặc ngược lại muốn MẶC ĐỦ ẤM thì CHẲNG ĐƯỢC ĂN NGON. Nhưng các bố làm cách mạng thì thằng nào cũng dư thừa đồ ăn, dư thừa đồ mặc, nhà ở không hết, tiền gởi ngân hàng không đếm xuể.
Vì thế mà người dân ngày nay mỗi lần nghe 2 tiếng mạng là run lên cầm cập vì nghe phát âm 2 tiếng cách mạng là cứ như là hai tiếng "cắt mạng". Mà quả thật các đấng nàm cách mạng bi giờ muốn CẮT MẠNG thằng dân lúc nào cũng được.
Thôi xin mời Quý Vị đọc bài viết "THÈM" dưới đây của Ông Tiểu Tử, rồi Quý Vị muốn cười hay muốn khóc thì... tuỳ hỉ nhé. Vậy mà hơn nửa thế kỷ dưới bàn tay của các đấng nàm cách mạng vẫn còn để 2 phần 3 người dân ĂN KHÔNG ĐỦ NO, MẶC KHÔNG ĐỦ ẤM phần còn lại thì nếu muốn ĂN NGON thì phải MẶC KHÔNG ĐỦ ẤM, hoặc ngược lại muốn MẶC ĐỦ ẤM thì CHẲNG ĐƯỢC ĂN NGON. Nhưng các bố làm cách mạng thì thằng nào cũng dư thừa đồ ăn, dư thừa đồ mặc, nhà ở không hết, tiền gởi ngân hàng không đếm xuể.
Vì thế mà người dân ngày nay mỗi lần nghe 2 tiếng mạng là run lên cầm cập vì nghe phát âm 2 tiếng cách mạng là cứ như là hai tiếng "cắt mạng". Mà quả thật các đấng nàm cách mạng bi giờ muốn CẮT MẠNG thằng dân lúc nào cũng được.
Uyên Vũ
Tụi bây biết không? Bây giờ tao đi làm bằng xe đạp. Tụi bây đừng cười. Tao không giỡn đâu. Hồi xưa, trong bọn mấy đứa tụi mình, tao là thằng tếu nhứt. Tao hay kể chuyện tiếu lâm, hay bịa chuyện này chuyện nọ để chọc cười, để phá phách cho vui với nhau. Nên tụi bây thường nói: “Coi chừng! Nó nói cái gì mình phải xin keo coi có đúng không, rồi hãy tin”. Hồi đó, khác. Bây giờ, khác. Tụi bây đi hết rồi, chỉ còn mình tao kẹt lại. Nói thiệt hay nói dóc đều không còn ý nghĩa gì nữa, cũng không còn giá trị gì nữa đối với tao. Bởi vì không còn ai để giỡn, không còn lòng dạ đâu để giỡn, và cái cười của tao đã vượt biên đâu mất từ lâu ...
Điều ngộ nghĩnh là, bây giờ, bất cứ chuyện gì tao kể ra chắc chắn tụi bây đều không tin ráo! Bởi vì tụi bây đã di tản trước ngày 30 tháng tư 1975, không thấy không biết những gì đã xảy ra ở trong nước, làm sao mà tin? Vả lại “những gì đã xảy ra” đã không xảy ra theo quy luật thông thường. Tất cả đều bị xáo trộn, đảo lộn một cách nghịch lý đến nỗi tao là người sống trong đó mà lắm khi tao phải tự hỏi: “Làm sao có thể như vậy được?”. Vậy mà nó đã “như vậy được” tụi bây à! Khó tin nhưng có thật! Cho nên, những gì tao viết ở đây cho tụi bây hoàn toàn là những chuyện có thật mà ... khó tin đó.
Ngoài ra, trong cuộc sống hằng ngày, tao cứ phải nghe ra rả nói láo nói dóc, cứ phải luôn luôn nói láo nói dóc ... Nào là “Đã vượt chỉ tiêu 150%” (Chỉ tiêu là con số đã được ấn định trước cho mức sản xuất, không biết là bao nhiêu, nhưng thấy tháng nào cũng vượt, năm nào cũng vượt, ngành nào cũng vượt - tao phải ... dịch những chữ mới rõ ràng ra như vậy cho tụi bây hiểu, bởi vì bây giờ mình không còn nói giống như hồi trước nữa). Nào là “Đã hồ hởi phấn khởi đi làm nghĩa vụ” nghĩa là đi làm cái nghĩa vụ gì đó một cách ... khoái trá sôi động bởi vì biết chắc rằng không đi cũng không được. Nào là “Hoàn toàn nhất trí” (Bây giờ không nói “nhứt” nữa, mà nói “nhất”. Nghe... cách mạng hơn), nghĩa là “đồng ý hoàn toàn”, cho nó rồi, kẻo không thì ... kẹt lắm. Mọi người đều “nhất trí” hết mà mình không “nhất trí” thì nó ... lòi ra coi không giống ai. Thành ra “nhất trí” cũng có nghĩa là “phải làm như mọi người”. Tụi bây hiểu chưa? Nào là “Làm việc rất là năng nổ”. Tao nghĩ chắc khỏi cần dịch. Tụi bây cứ nghe “nó ... lốp bốp” là đoán ra cái nghĩa của nó rồi. Đại khái là làm việc giống như có cờ phất trống khua, có loa trên loa dưới ồn ào, còn lè phè suốt buổi hút thuốc uống trà là chuyện khác ... vân vân và vân vân ... Kể không hết!
Sau bao năm dài sống trong môi trường như kể trên, “cái thèm” rất lớn của tao là được sống thật, nói thật. Cho nên, viết cho tụi bây giống như tao được ... giải phóng. V ậy những gì tao kể ra đây, tụi bây khỏi phải xin keo!
Bây giờ, tao đi làm bằng xe đạp. Vẫn làm ở sở cũ. (Còn được làm việc ở sở cũ là may đó nghen. Nhiều người bị đổi đi nơi khác xa hơn và thường thì ở một ngành nghề không dính dấp gì với phần chuyên môn của mình hết. Cách mạng mà!). Cái xe hơi con cóc , tao đã cho nó lên nằm trên bốn gộc cây để bán lần bán hồi bốn bánh xe, cái bình điện, cái đề-ma-rơ ... Hầu như tháng nào tao cũng phải bán một món gì trong nhà, bởi vì lương của tao cộng với những gì vợ tao và hai con gái lớn kiếm được hằng tháng ... không đủ sống. Tình trạng đó bắt đầu từ sau hai “trận” Nhà Nước đổi tiền.
Đạp xe riết rồi cũng quen. Khoảng cách trên mười cây số từ nhà đến sở, tao coi như “pha”. Chỉ bực mình là xe đạp của tao hay sút sên khi nó “nhảy” ổ gà. Mà đường sá bây giờ, ổ gà ở đâu nó ... lòi ra nhiều quá. (Người ta nói Mỹ rút đi, để lại toàn là đồ giả không - tao nghe sao chép vậy!). Cho nên, ở nhiều đoạn đường, tao lái xe tránh ổ gà giống như người say rượu! Vậy mà có hôm vẫn “nhảy” ổ gà cho nên hai tay tao thường lấm lem dầu, đất, mà quần áo thì ướt đẫm mồ hôi.
Bây giờ, tao làm việc “thông tầm”, nghĩa là làm suốt tới chiều rồi về sớm không có về nhà ăn cơm nghỉ trưa như hồi trước. Vì vậy, mỗi sáng tao mang theo một lon ghi-gô cơm với vài miếng cá mặn để ăn tại bàn viết buổi trưa. Chiều về sớm, tao có bổn phận nấu cơm làm đồ ăn, bởi vì giờ đó vợ con tao còn làm việc ở tổ may thêu cách nhà cũng khá xa.
Mỗi sáng đi làm, lúc nào tao cũng đem theo cái giỏ đi chợ treo tòn ten ở ghi-đông, giống như đi chợ chớ không giống đi làm! Bởi vì trong sở thường hay ... bất thần bán cho nhân viên (gọi là “phân phối” chớ không gọi là “bán”, nghe có vẻ ... chia xẻ hơn là trao đổi) cá, rau cải ... v.v... Tuy không nhiều và không được lựa chọn vì phải ... bắt thăm trúng lô nào lấy lô đó, nhưng rẻ hơn ngoài chợ thành ra cũng đỡ. Cho nên, đi làm việc mà ngày nào cũng nhóng nhóng hỏi thăm “coi bữa nay có phân phối gì không?” và chiều về đến nhà, thằng con tao — thằng út đó, tụi bây nhớ không? bây giờ nó lớn đại rồi - chạy ra mở cổng lúc nào cũng hỏi: “Bữa nay có mua được gì không ba?”. Và hôm nào thấy trong giỏ có đồ gì để ăn là mắt nó sáng rỡ. Tội nghiệp, sống trong sự thiếu thốn triền miên, có đứa nhỏ nào, có người lớn nào mà không nghĩ đến miếng ăn?
Bây giờ, tao hút thuốc lá vấn tay. Tao tự vấn lấy. Không phải tao muốn lập dị mà vì tao không đủ sức mua loại thuốc điếu kỹ nghệ thông thường. Mới đầu, tao vấn thuốc rê Gò Vấp. Nó nặng muốn ... tét phổi! Về sau, tao bắt chước thiên hạ mua thuốc lá Lạng Sơn đã xắt sẵn - nghe nói là giống thuốc Virginia, mấy ông ngoài Bắc bảo thế! - đem trộn với thuốc Gò Vấp, hút thấy được. Vậy là mỗi khi muốn hút, tao cứ tà tà xé một miếng giấy quyến, tà tà rứt một miếng thuốc kéo cho dài dài ra khi để lên lòng giấy, rồi đặt hết tâm tư vào mấy ngón tay (của cả hai bàn tay đang chụm đầu lại nâng nhẹ giấy và thuốc!) để ém, lận, cuốn, xe ... cho điếu thuốc được tròn đều trước khi đưa lên lưỡi liếm. Xem thật “ung dung nhàn hạ”. Giống như một nghi thức. Và tao có quyền tà tà vấn thuốc như vậy bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào: trong khi làm việc, trong các buổi hội họp học tập, và cả ngay trước mặt ông xếp của tao nữa (Bây giờ gọi là “thủ trưởng”, nôm na là “cái đầu đứng đầu”. Còn cái đầu có cái óc hay không lại là chuyện khác). Cho nên, hút thuốc vấn - đối với tao - giống như là một cách thoát tục, cái “tục” quá ... tục mà tao đang sống bây giờ. Tuy nhiên, sao tao vẫn nghe thèm điếu thuốc ba số năm là loại thuốc mà mấy chục năm tao đã hút! Làm như mùi vị của nó còn nằm ở đâu trong máu trong xương. Nhiều đêm trở giấc, tao nghe thèm ray rứt, thèm chảy nước mắt!
Chiều hôm qua, trên đường về nhà, đạp xe tới chợ Tân Định thì trời bỗng đổ mưa. Tao tấp vô đụt mưa dưới mái hiên tiệm nước nằm ở góc đường dọc hông chợ (tao quên tên) và đường Hai Bà Trưng. Lúc đó, cỡ gần năm giờ (đồng hồ tay, tao đã bán từ lâu, nên từ lâu, tao chỉ ... đoán giờ thôi!). Trong tiệm thấy lai rai có người ăn uống.
Tao đã đứng sát vào vách vậy mà gió cũng tạt mưa vào ướt hết phía dưới chân. Một lát, tao nghe lạnh chân. Rồi tao nghe đói. Cái đói đến một cách đột ngột, giống như nó chui từ dưới chân chui lên. Hồi nãy đạp xe trên đường, tao có thấy đói đâu, mặc dù buổi trưa tao chỉ ăn có một lon ghi-gô cơm với ít mắm ruốc - dĩ nhiên là tao có uống thật nhiều trà, thứ này, loại thường thôi, trong sở (Bây giờ gọi là “cơ quan”) có chị nhân viên tối ngày cứ châm đầy bình cho mình uống “líp” - Vậy mà bây giờ tao lại thấy đói. Có lẽ tại vì lỗ mũi tao nghe mùi hủ tiếu, mùi mì. Ờ ... tụi bây không biết chớ từ lâu rồi - tao không nhớ là bao nhiêu lâu, nhưng chắc là lâu lắm - tao chưa được ăn mì. Bây giờ đứng đây phía đường hông chợ Tân Định, phía trên gió, vậy mà vẫn “đánh hơi” rõ mồn một mùi nước lèo của xe mì nằm bên đường Hai Bà Trưng, phía dưới gió, rõ như hơi của nước lèo đang bốc lên ngay trước mũi! Tao nuốt nước miếng.
Thèm quá! Tao thèm ăn ngay một tô mì! Thọc tay vào túi quần, tao đụng hai tờ giấy bạc. Móc ra xem thì ra là hai đồng. Tao chỉ có ngần đó thôi! Nhưng hai đồng, đủ để ăn một tô mì rồi! Thì ăn ... đại một tô cho nó đã! Tao dợm bước vào tiệm nước bỗng nhớ lại vợ tao hồi sáng khi trao cho tao hai đồng đó, có dặn: “Chiều, anh ghé chợ Cây Quéo mua 6 cái hột vịt và nửa giỏ rau. Về, anh bắc nồi cơm bỏ vô luộc trước. Chừng mẹ con em về, em làm nước mắm rồi dầm cho nhà ăn.” Hình ảnh cả nhà tao 7 đứa quây quần bên “nửa giỏ rau và 6 cái hột vịt” và hình ảnh tao một mình ngồi ăn tô mì ... làm tao khựng lại. Tô mì mà tao muốn ăn, thèm ăn, là cả một bữa ăn của gia đình! Tao không thể đổi được. Thà là tao nhịn thèm. Thà là tao chịu đói để về ăn chung với vợ con. Ăn thứ gì cũng được, ít nhiều gì cũng được, dở ngon gì cũng được. Miễn là ăn chung với tụi nó. Để thấy rằng cuộc đời tao bây giờ chỉ còn lại có tụi nó là quí thôi! Tao nghe thương vợ thương con vô cùng. Và tao cũng nghe thương thân tao vô cùng...
Tao đứng yên nhìn ra mưa bỗng nghe hai má của mình ướt lạnh. Đưa tay lên vuốt mặt mà nghĩ rằng mình vuốt nước mưa trên má...
(Trên đây là lá thơ viết lỡ dở, của ai viết cho ai, tôi không biết. Thơ viết trên những tờ giấy tập học trò, chữ nhỏ li-ti, nhưng đẹp và rõ nét. Tình cờ, tôi nhìn thấy “nó” trong xấp giấy gói hàng của bà bán xôi đầu ngõ nên tôi xin...)
Tiểu Tử