Tuesday, 1 April 2014

Một xã hội thiếu vắng lòng tự trọng - Song Chi

Một cô gái trẻ mới ngoài 20 tuổi, đi du lịch bụi qua nhiều quốc gia, sau đó viết sách kể lại những trải nghiệm của mình, kiếm được kha khá tiền nhuận bút. Tiếc rằng khi cuốn sách ra đời, rất nhiều độc giả nhận ra sự vô lý, cường điệu, dối trá của một số chi tiết. Chưa kể một số việc làm của cô gái tường thuật lại trong sách có thể bị xem như vi phạm pháp luật của nước khác như đi lậu vé, lao động “chui,” nhập cảnh trái phép vào xứ người…

Cô gái bị dư luận “ném đá,” nhiều người đòi tác giả và nhà xuất bản phải thu hồi cuốn sách, trải lại tiền cho người mua, như một hình thức “xin lỗi” độc giả. Nhưng rồi cuối cùng sự việc cũng qua đi, cuốn sách không bị thu hồi, tác giả cũng chẳng bị gì, và không chừng vài năm sau, cô còn có thể viết thêm vài cuốn sách khác. Cuộc sống ở Việt Nam vốn ngày nào cũng tràn ngập thông tin mới, nhiều chuyện khác lớn hơn, nóng hơn nên mọi người chóng quên

Một biên tập viên khá nổi của đài truyền hình quốc gia VTV, đã từng hai lần, tại hai quốc gia khác nhau, bị bắt quả tang ăn cắp hàng trong siêu thị, nhưng vẫn tiếp tục được làm việc, phụ trách một chương trình thuộc về lĩnh vực văn hóa. Ai biết chuyện thì biết, mà có biết cũng chẳng làm gì được nhau!

Một nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng một thời, do đầu tư làm phim bị thất bại, thua lỗ dẫn đến phá sản, ngôi nhà đang ở bị ngân hàng thu hồi, liền lên báo kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người. Những phát ngôn của nhân vật chính, những sự thật dần dần được tiết lộ xung quanh thông tin vỡ nợ và nhiều chi tiết khác đã khiến dư luận từ sự thương cảm ban đầu chuyển sang những phản ứng trái chiều, thậm chí phẫn nộ.

Câu chuyện đang lùm sùm làm nóng các trang báo lẫn các diễn đàn xã hội. Nhưng chắc chắn, chỉ cần một thời gian ngắn nữa, mọi chuyện sẽ lại bị lấp dưới hàng núi thông tin mới. Người nghệ sĩ dù có ê ẩm vì đã tự đánh mất hình ảnh của chính mình trong lòng người hâm mộ, nhưng cũng đã đạt được điều mà mình mong muốn khi công khai “cởi cả đời tư” (một cụm từ mới trên báo chí trong nước về chuyện này.)

Ðó là được tiếp tục ở lại trong ngôi nhà của mình thêm một thời gian, nhận được sự giúp đỡ từ quần chúng.

Một ví dụ khác, thông tin về những biệt thự “khủng,” nhà đất, tài sản của một ông nguyên tổng thanh tra chính phủ mới đây khiến dư luận xôn xao. Bởi vì ai cũng hiểu rằng với tiền lương của một quan chức, cho dù là tổng thanh tra chính phủ, cả đời cũng không thể có được những tài sản như thế, hơn nữa đây lại là người giữ chức vụ thanh tra các vụ việc tham nhũng, từng có những phát biểu rất hùng hồn về chống tham nhũng.

Nếu nhìn vào mức độ quan tâm của báo chí dư luận lúc thông tin vừa bị lộ ra, cứ ngỡ như ông nguyên tổng thanh tra chính phủ sẽ bị Ban Nội Chính Trung Ương cho điều tra ngay, từ khối tài sản đáng ngờ đến việc ông này ký bổ nhiệm hàng chục người một cách bất thường trong thời gian ngắn trước khi về hưu… Nhưng rồi vài ba bữa sau mọi chuyện lại chìm xuồng.

Nói cho ngay, nếu bây giờ mà truy ra thì quan to quan nhỏ ở nước này mấy ai không tham nhũng, không có biệt thự “khủng,” tài sản “khủng” trong và ngoài nước, biết bỏ tù bao nhiêu cho hết? Còn nói theo kiểu ông Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng trước đây tại phiên chất vấn của Quốc Hội sáng 12 tháng Sáu, 2010: “Hôm nay thấy sai một chút chỗ này xử lý, ‘cách chức đi, kỷ luật đi,’ ngày mai thấy sai chỗ kia, ‘cách chức đi, kỷ luật đi,’ lấy ai mà làm việc các đồng chí ?”

Từ sự dối trá, thiếu đi lòng tự trọng cho đến tình trạng tham nhũng trong xã hội đã trở thành… phổ biến, bình thường. Khi bất cứ một sự việc, một cá nhân cụ thể nào bị “lộ sáng,” dư luận chĩa mũi dùi, phẫn nộ, “ném đá“…tưng bừng, nhưng chỉ vài bữa, mọi chuyện lại lắng xuống, nhường chỗ cho sự việc tiêu cực khác lại vừa xảy ra.

Những cá nhân bị lôi ra mổ xẻ kia chỉ cần “nín thở chịu đựng” một chút, mặt dày một chút là qua, ai còn nhớ nữa, trong một đất nước có quá nhiều điều tệ hại? Lòng tự trọng, nỗi xấu hổ lâu dần trở thành của hiếm, cứ dày mặt mà sống để đạt/giữ được điều mình muốn, nhìn quanh có ai tốt đẹp hơn ai?

* Nỗi buồn người Việt “xấu xí”

Dường như lâu lắm rồi những thông tin về Việt Nam trên các cơ quan truyền thông quốc tế, trong con mắt người nước ngoài chả mấy khi tốt đẹp, mà ngược lại. Về phía nhà cầm quyền, thì chỉ thấy những “thành tích” tệ hại về điều hành kinh tế, về nhân quyền, tình trạng đàn áp tôn giáo, đàn áp tự do ngôn luận, với số blogger, nhà báo bị bắt vì bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa chỉ thua Trung Quốc trong khu vực Ðông Á, hiện tượng công an sử dụng nhục hình khi điều tra xét hỏi dẫn đến chết người trở thành phổ biến v.v…

Quan chức Việt Nam thì “nổi tiếng” nhũng nhiễu, đòi hối lộ khi làm ăn với các đối tác nước ngoài. Mấy ngày nay báo chí Nhật, báo chí Việt Nam đang “nóng” nghi án một số quan chức lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam nhận hối lộ 16 tỷ Việt Nam đồng, tức hơn 780,000 USD, từ công ty Tư Vấn Giao Thông Nhật Bản (JTC) để họ được trúng thầu thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật.

Ðây không phải lần đầu tiên. Năm 2008 báo chí Nhật đã khui ra vụ công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương của Nhật (gọi tắt là PCI) đưa hối lộ 820,000 USD cho nguyên phó giám đốc Sở Giao Thông-Vận Tải thành phố HCM, ông Huỳnh Ngọc Sỹ, để thắng thầu dự án đại lộ Ðông-Tây ở TP.HCM, từ vốn ODA. Vụ việc này bị Việt Nam “ngâm tôm” suốt một thời gian dài, mãi cho tới khi phía Nhật tức giận, tuyên bố tạm ngưng cấp vốn viện trợ, nhà cầm quyền Việt Nam mới đem ông Huỳnh Ngọc Sỹ ra xử.

Còn trong vụ hối lộ các quan chức Việt Nam có liên quan đến việc in ấn tiền polymer của công ty Securency, Úc, bị báo chí Úc khui ra từ năm 2009, với số tiền lên đến 10 triệu USD, và nhân vật cao cấp nhất dính tới vụ việc là thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam lúc đó là Lê Ðức Thúy thì hoàn toàn chìm xuồng cho tới nay.

Nhà cầm quyền thì như vậy, số đông quan chức thì như vậy, còn hình ảnh người dân Việt Nam?

Cũng lại liên quan đến Nhật. Thông tin nóng hổi về việc một tiếp viên hàng không Vietnam Airlines bị bắt tại Nhật cùng một số tiếp viên, cơ phó khác đang bị điều tra vì vận chuyển, mua bán hàng hóa có nguồn gốc ăn cắp, làm người Việt cảm thấy hết sức xấu hổ. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên, đội ngũ tiếp viên, kể cả phi công Vietnam Airlines bị dính vào những vụ buôn lậu, tiêu thụ hàng ăn cắp tại Nhật.

Rồi nào câu chuyện về một số cửa hàng, siêu thị ở Nhật, Ðài Loan, Thái Lan có gắn bản thông báo bằng tiếng bản xứ và tiếng Việt để cảnh báo nạn ăn cắp vặt của người Việt, bức tâm thư của một du học sinh Nhật về những điểm chưa hay trong văn hóa Việt… chỉ là những ví dụ gần đây nhất.

Ðối với dân Anh và một số quốc gia Ðông Âu thì cộng đồng người Việt nổi tiếng bởi nạn trồng “cỏ” tức cần sa, bị cảnh sát sở tại bắt nhiều vụ, hoặc vượt biên trái phép, ở lậu trên xứ người… Với Hàn Quốc, Ðài Loan là tình trạng cô dâu Việt bằng mọi giá lấy chồng xứ họ, với Thái Lan, Cambodia lại là hình ảnh những cô gái Việt, thậm chí cả trẻ em gái, chấp nhận bán phấn buôn hương ở xứ người v.v…

Nên đừng trách vì sao đôi khi người Việt có cảm giác không muốn nhận mình là người Việt khi đi ra nước ngoài. Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt từng phát biểu ông cảm thấy nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, câu nói đã bị cắt ra khỏi ngữ cảnh, bị chỉ trích dữ dội bởi báo chí Việt Nam lúc đó, trong khi ai cũng biết đây là một sự thật và lẽ ra chúng ta phải nhìn vào đó để sửa đổi.

Nhưng có lẽ, cũng như những câu chuyện đáng buồn về việc thiếu lòng tự trọng, nạn tham lam, tham nhũng ở trong nước, những sự việc đáng xấu hổ, làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bè bạn quốc tế rồi cũng sẽ qua đi, sau vài ngày gợi lên đủ trạng thái giận dữ, nhục nhã, buồn rầu trong chúng ta. Sẽ lại có thêm những chuyện khác. Và mọi thứ cứ thế tiếp tục tồn tại.

Chỉ cần 40 năm, kể từ khi Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của đảng cộng sản, đã quá đủ để biến đất nước này thành một quốc gia lạc hậu thua xa lắc các nước láng giềng về mọi mặt và người dân thì trở nên “xấu xí” như vậy!