Tuesday, 1 April 2014

Nghị Sĩ Virginia đến Quận Cam phổ biến nghị quyết vinh danh VNCH & QL/VNCH


alt

Nghị Sĩ Dick Black phát biểu tại buổi họp mặt ở nhà hàng Emerald Bay.
 
 
LITTLE SAIGON - Gần 40 năm sau khi Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử, ngày 20 và 21-2-2013, lần đầu tiên lưỡng viện Quốc Hội Tiểu Bang Virginia Hoa Kỳ đã chấp thuận Nghị Quyết J.R.455 do Nghị Sĩ Dick Black soạn thảo và đệ trình, công nhận và vinh danh thể chế VNCH và Quân Lực VNCH.

Ngày thứ Bảy 29-3-2014, Nghị Sĩ Dick Black và giáo sư Nguyễn Ngọc Bích (Chủ Tịch Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt) đã từ Virginia đến Little Saigon, Nam California, mở cuộc họp báo tại Câu Lạc Bộ Văn Hóa Báo Chí trên đại lộ Bolsa.

Sau đó, vào sáng 30-3 phái đoàn đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ ở Westminster, và chiều cùng ngày, Nghị Sĩ Dick Black được Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt và Việt Nam Cộng Hòa Foundation mời đến dự cuộc họp mặt tại nhà hàng Emerald Bay ở Santa Ana. Cả hai cuộc họp báo và cuộc gặp mặt đều có chung mục đích là phổ biến Nghị Quyết J.R.455.

Tại cuộc họp báo cũng như buổi họp mặt tại nhà hàng Emerald Bay, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích là người giới thiệu NS Dick Black, tác giả Nghị Quyết J.R.455.

Là một cựu phi công trực thăng thuộc Sư Đoàn TQLC Mỹ, ông Dick Black đã bay tất cả 269 phi vụ chở binh sĩ đồng minh và VNCH ra chiến trường cũng như tải thương. Phi cơ của ông đã 4 lần trúng đạn Việt cộng, một lần người lính truyền tin đã chết ngay trên phi cơ vì trúng đạn Việt cộng từ dưới đất bắn lên, ông cũng đã cùng tham dự những cuộc hành quân với QL/VNCH, vì thế ông đã tận mắt chứng kiến sự chiến đấu dũng cảm, kiên cường và bền bỉ của các chiến binh VNCH.

Sau phần chào mừng và giới thiệu của GS Nguyễn Ngọc Bích, Nghị Sĩ Dick Black cám ơn sự đón tiếp nồng hậu và cho biết, ông là người nghị sĩ duy nhất của Quốc Hội Virginia được tặng thưởng Bronze Star (Chiến Thương Bội Tinh Ngôi Sao Đồng) khi bị thương tại chiến trường VN.

Với tấm lòng yêu mến VNCH và QL/VNCH, từ khi trở thành nghị sĩ , trên bàn làm việc trong văn phòng của ông luôn có hai lá cờ Hoa Kỳ và VNCH.

Ông cũng rất trân trọng kỷ niệm, ông còn giữ một chiếc nón sắt bị đạn Việt cộng bắn lủng lỗ, chỉ cách vài li nữa thì người đội chiếc nón đã tử thương. Sau khi VNCH bị bức tử, ông vẫn giữ liên lạc với các chính giới VNCH và nhất là các đồng đội của ông trong QL/VNCH .

Nghị sĩ Dick Black nói rằng, ông rất bất mãn khi các phần tử phản chiến và một số người nói rằng các chiến binh VNCH hèn nhát, không dám đương đầu với địch quân, và khi Hoa Kỳ rút quân họ đã bị thua trận một cách nhanh chóng. Ông nói, những nhận xét và những câu nói hàm hồ đó là do bọn phản chiến và những người không thực sự chiến đấu bên cạnh các chiến binh VNCH nên không hiểu và phát biểu bừa bãi. Ông là người đã cùng chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ VNCH từ Nghĩa Quân, Địa Phương Quân đến các binh chủng như Nhảy Dù, TQLC, Biệt Động Quân, Lực Lượng Người Nhái v.v.. Họ rất anh dũng chiến đấu, không hề lùi bước trước quân thù, ông dẫn chứng rằng, ở một đồn binh nọ, trong khi những người lính bị tử thương và bị thương, chính người vợ của họ thay chồng cầm súng bắn lại Việt cộng, những đứa con tải lựu đạn cho bố tung vào hàng ngũ địch.

Ông nói, ngay cả lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia, họ chỉ được trang bị súng Carbine, nhưng khi phải đối đầu với Việt cộng có những vũ khí tối tân do Nga, Tàu cung cấp, họ cũng vẫn can đảm chiến đấu, ông dẫn chứng những trận tổng tấn công của Việt Cộng ở Huế, ở Saigon và một số tỉnh, các chiến sĩ CSQG cũng như Nghĩa Quân, Nhân Dân Tự Vệ cũng là những đơn vị chiến đầu rất anh dũng.

Sau khi Hoa Kỳ rút quân, quân lực VNCH dù bị thiếu vũ khí dạn dược vẫn chống trả Việt cộng và có những trận chiến thắng oanh liệt mà không cần có sự tham chiến của binh sĩ Mỹ. Ông giải thích, sở dĩ VNCH bị bức tử vì Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon khi đề ra kế hoạch “Việt Nam Hóa Cuộc Chiến.”

Lúc đó, Tổng Thống Nixon đã thấy QL/VNCH đủ khả năng đương đầu với Việt Cộng, nên Hoa Kỳ cam kết sẽ cung cấp vũ khí, quân trang, quân dụng cho QL/VNCH một cách đầy đủ, nhưng chẳng may, Tổng Thống Nixon bị vướng vào vụ Watergate. Vì vụ này, Quốc Hội Mỹ đã bó chân bó tay Tổng Thống, các chương trình của ông đều bị cắt hết, vì thế VNCH bị bức tử là lẽ đương nhiên chứ họ không thể bị thua Việt cộng nếu còn được trang bị đầy đủ vũ khí, quân trang, quân dụng.

Trước khi đưa Nghị Quyết ra Quốc Hội, ông đã gặp gỡ một số người Việt gồm đủ mọi thành phần để tham khảo và chắc chắn rằng những điều ông đưa ra trong Nghị Quyết J.R.455 là hoàn toàn chính xác. Với tất cả sự thật và với tấm lòng muốn phục hồi danh dự cho đồng minh của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam mà trong thời gian khá lâu đã bị các lực lượng phản chiến xuyên tạc, Nghị Sĩ Dick Black đã thuyết phục các đồng viện của ông để Nghị Quyết được lưỡng viện Quốc Hội Tiểu Bang Virginia thông qua vào ngày 20 và 21.2.2013 với số phiếu áp đảo 139/140. Nghị Quyết gồm tất cả 25 điều khoản hoàn toàn ủng hộ và đề cao cuộc chiến đấu kiêu hùng của quân, dân miền Nam Việt Nam cũng như những đóng góp đáng kể của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ .

Tháng 2/2014, đánh dấu một năm Nghị Quyết được công bố, một phái đoàn khoảng 40 người Việt từ khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, trong đó có ông Hồ Văn Sinh và cô Diệu Chi từ Nam California đã về trụ sở Quốc Hội Tiểu Bang Virginia, và được lưỡng viện Quốc Hội đứng lên chào đón phái đoàn bằng một tràng pháo tay rất lâu.

Tại buổi tiệc họp mặt cũng như tại cuộc họp báo ở CLB/BC, NS Dick Black đều nói rằng, ông hy vọng, các tiểu bang khác sẽ noi gương Virginia đưa ra những Nghị Quyết tương tự để cuối cùng, trong một thời cơ thuận lợi, khi VNCH được phục hồi, ông sẽ là người Mỹ đầu tiên xin được làm “Công dân danh dự của VNCH.”

Trong cuộc họp mặt tại nhà hàng Emerald Bay, chúng tôi thấy có sự hiện diện của Thị Trưởng Tạ Đức Trí, Nghị viên Chris Phan và đại diện Giám Sát Viên Janet Nguyễn cũng như đại diện TNS Lou Correa. Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ và Ban Nhạc Moon Flower đảm nhiệm nghi thức chào cờ và nhạc đấu tranh. MC của buổi họp mặt là ông Đinh Quang Truật và ông Nguyễn Mạnh Chí. Kết thúc cuộc họp mặt, ông Phan Văn Chính (XDNT) đại diện ban tổ chức ngỏ lời cảm tạ và bế mạc.