Mái tóc kiểu buôn lậu Trung Quốc. Ảnh: BBC VN |
Du học Ba Lan về nước (1977), có công ăn việc làm, tôi bắt đầu để ý các em. Tìm mãi mới được một cô ưng ý trên phố vì người đẹp thích mái tóc dài hippie dài quá vai của tôi.
Dẫn về nhà giới thiệu, bà mẹ, một cán bộ tổ chức ở bộ, thở dài, thằng này hư hỏng, theo tư bản, đầu tóc thế kia không thể nên người được.
Tôi nghiến răng cắt cho ngắn, cô người yêu lại chê, không có tóc dài trông anh quê lắm.
Ăn mặc tóc tai, mốt sành điệu hay không, luôn là đề tài tranh cãi của các thế hệ mọi thời đại. Nhưng qui định mái tóc ngắn dài ở tầm quốc gia thì thật kinh hoàng.
Mới đây, báo chí nhạo báng tin từ Bắc Triều Tiên, nam sinh viên trong các trường đại học Bắc Hàn phải cắt kiểu đầu giống như nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Đầu của Kim Jong-un là kiểu tóc dùng loại tông đơ có số 1-2-3-4. Dưới cùng cạo trắng hếu, lên một chút là số 1 hơi lơ thơ, và trên đỉnh đầu tóc dài hơn chút. Xem lại những tấm ảnh thời 1930-1940 sẽ thấy kiểu tóc tương tự.
BBC VN cho hay, một người Bắc Hàn nay sống tại Trung Quốc nói rằng kiểu đầu này thực ra rất không được ưa chuộng tại nước ông vì đó là “kiểu đầu buôn lậu Trung Quốc.”
Theo đồn đoán, người dân Bắc Triều Tiên được phép chọn trong 18 kiểu tóc cho phụ nữ và 10 cho nam giới. Truyền thông mở chiến dịch chống tóc dài và kêu gọi “Hãy để cho chúng tôi cắt cho bạn kiểu tóc phù hợp với lối sống xã hội chủ nghĩa.”
Nghe thật khôi hài. Nhưng thật ra, nước mình cũng qua thời kỳ như Kim Jong-un. Ai thuộc thế hệ U50-60, từng sống ở Hà Nội những năm 1975-1990, chứng kiến đảng và nhà nước can thiệp từng sợi tóc và vào từng ống quần của dân như thế nào.
Những năm 1960-1970, thế giới có phong trào hippie. Đó là những thanh niên tóc dài, râu không cạo, quần loe, ăn mặc bất cẩn, nghiện ngập ma túy, và bất cần đời. Lứa tuổi baby boomer (trẻ em sinh bùng nổ sau chiến tranh thế giới thứ 2 từ 1946-1964) tham gia vào phong trào này rất nhiều.
Phương châm của họ là đấu tranh bất bạo động, yêu hòa bình, sống cho tình yêu. Theo Timoty Leary “Hippie khởi đầu phong trào sinh thái học. Họ chiến đấu nạn kì thị chủng tộc. Họ giải phóng những thành kiến kì thị giới tính, khuyến khích sự thay đổi, tự tin vào bản thân. Họ chất vấn chủ nghĩa vật chất máy móc. Trong bốn năm, họ đã thành công trong việc chặn đứng cuộc chiến Việt Nam.”
Nhiều người không hiểu nên đã cho rằng hippie là loại bỏ đi. Họ không biết rằng, chính hippie đã đóng vai trò rất lớn trong việc phản đối Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Sinh viên VN (khóa 1971) ở Ba Lan. Ảnh: Khóa 1971 |
Những năm 1970-1975 sinh viên Việt Nam du học Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Nam Tư… thường bắc chước kiểu hippie trong trường hay ký túc xá. Sau này lây lan sang đám sinh viên Việt học ở Liên Xô, Rumani, CHDC Đức và cả Cuba. Ai để tóc ngắn sẽ bị chê là cổ hủ, nhà quê. Quần càng loe càng tốt, áo chim cò, tô vẽ càng ngố, càng sành điệu.
Mỗi lần có họp với sứ quán, bọn sinh viên chúng tôi ở Warsaw rủ nhau cắt tóc, để không bị khiển trách. Vì tiếc của, nhiều bạn cắt qua loa, thế là bị kiểm điểm, nhắc tên ngay trên hội trường.
Tuy nhiên có bạn hỏi, cắt ngắn như thế nào là vừa. Vị cán bộ già phụ trách lưu học sinh bí quá, chống chế “Cắt như tôi là tạm ổn.” Cả hội trường cười ồ, vì đầu ông ấy giống củ su hào, gáy trắng, mái xanh, đúng kiểu nông dân lúa nước sông Hồng.
Những năm 1973-1975, đoàn tầu chở sinh viên và công nhân về nước, người nhà ra đón choáng với kiểu tóc dài quá vai, quần loe nửa mét, áo hoa xanh đỏ, mặt mũi xanh rờn. Bố mẹ than trời, gửi con đi học, chúng theo lối sống tư bản đế quốc, ăn chơi trác tang, hư hỏng hết rồi.
Những năm 1960, mốt ở Hà Nội là quần côn, bó chẽn, ống tuýp và nhẩy đầm. Cờ đỏ được lệnh, ai mặc quần bó sẽ bị rạch, dù thời đó vải simili rất đắt, mua theo phiếu vải, cả năm chỉ được hai mét theo tiêu chuẩn.
Đang đi xe đạp, bỗng còi toét, đám băng đỏ cùng công an lôi thanh niên mặc quần chật vào đồn. Họ lấy cái chai bia Hà Nội, đút từ dưới cổ chân lên, nếu chai không chui vào được, nghĩa là ống quần quá bé so với qui đinh. Cho bốn nhát kéo bốn góc, cái quần thành phấp phới, người mặc thành trò cười cho cả phố.
Mốt ống côn cũng chỉ được một thời gian, khi hippie bên Ba Lan và nước ngoài về, đã đổi thành ống loe, tóc dài.
Cờ đỏ phát động cắt quần loe, thấy ai đi xe đạp, ống quần bay phấp phới, liền bị gọi vào đồn. Vì cái chai, họ lấy thước đo, theo quy định, ống không thể rộng quá 20-22 cm, bất kể già trẻ, cao to, thấp lùn. Nếu quá qui định, lấy kéo cắt phăng ống quần, chẳng cần biết hậu quả ra sao.
Tóc dài không được che kín tai, trùm quá cổ áo. Ai vi phạm bị lôi vào đồn, một ông thợ cắt tóc đeo băng đỏ, với tông đơ, cho vài nhát nham nhở, thế là xong cái đầu mất cả năm nuôi tóc.
Những năm đó, dân chơi đợi tối nhá nhem, đi đường tránh né công an, đầu đội mũ che kín tóc, tới chỗ ăn chơi, dự sinh nhật mới bỏ ra khoe. Nhưng rồi cũng không thoát. Cờ đỏ, công an chặn ở cửa Nam, bờ Hồ, Nhà Hát lớn, những nơi thanh niên hay tụ tập.
Thỉnh thoảng một cu cậu bị cắt nham nhở cả tóc lẫn quần, xấu hổ không có đường chui. Ở văn phòng, thủ trưởng cũng phải nhắc thanh niên không được diện kiểu hippie.
Sau 1975, quần loe tóc dài ở Sài Gòn còn kinh hoàng hơn Hà Nội. Để đảm bảo HN có CNXH tươi đẹp, quần loe tóc dài vẫn bị cấm, nhưng ở Sài Gòn thì đỡ hơn vì cấm sao cho xuể.
Thời trang Sài Gòn xưa. Ảnh: Internet |
Mãi tới năm giữa1980 trở đi, kinh tế đi xuống, nghèo quá, họ chẳng còn vải mà may quần loe nữa, tiền ít nên cắt tóc cũng bớt đi. Miền Nam chạy loạn ra biển. Dần dần, chẳng còn ai quan tâm đến cái mốt hippie.
Nhân chuyện anh Kim Jong-un bắt thanh niên cả nước theo kiểu đầu của anh ấy, tôi ghi lại vài chuyện. Mong các bạn đóng góp cho vui về một thời kỳ mà người câm cân nẩy mực chỉ đạo cả cái ống quần hay mái tóc, thay vì ngồi nghĩ chiến lược phát triển.
VN từng qua giai đoạn đó. Kết quả là dân đói rã họng, phải nhập bo bo cho gia súc từ nước ngoài về cho dân ăn thay gạo.
Một khi lãnh đạo quốc gia phải đo tóc, đo quần, nghĩa là sự độc tài đã tới hạn, báo hiệu sư suy vong của một thể chế.
Ở phương tây chẳng cấm đoán hippie thì đất nước vẫn phát triển, phong trào này sau tự tan rã. Bill Clinton, John Kerry, Tony Blair và nhiều chính khách quốc tế từng mặc quần loe tóc dài, hát nhạc rock, nằm vạ vật biểu tình, trốn lính, phản đối chiến tranh. Nay họ thành những người nổi tiếng, được trân trọng.
HM. 29-3-2014
Vài hình ảnh về Hippie thời xưa