Tuesday 15 April 2014

TẠP KÝ - Phạm Chu Ẩn

Thành phố Charlotte là một thành phố có bốn mùa thật rõ nét rất dễ thương. Thế mà năm 2013 này cũng phải chịu ảnh hưởng của sự thay đổi khí hậu. Thời tiết rất bất thường, mùa hè cũng có những trận mưa nhiệt đới, nghĩa là mưa rào ào ào, gió cuốn ầm ầm vài mươi phút rồi ‘trời lại sáng’. Rồi mùa thu tới cũng đặc biệt có những ngày mưa rả rich, trời u ám, lần đầu tiên kể từ ngày tôi rời Việt Nam đến thẳng thành phố này, tôi có thì giờ ngồi ngắm mưa rơi vì tôi đã nghỉ hưu. Không phải là mưa rơi trên mái tranh, trên mái tôn, trên lá trong sân sau, hay tí tách trước và sau hiên nhà, mà là mưa giăng mắc mênh mông từ đồi cao rải đều qua những sân golf phủ xuống thung lũng xa mờ dần vào tít cánh rừng bất tận. Mưa ngoài kia như chuyển vào tận tâm hồn tôi qua ý của nhà thơ Verlaine :

" Il pleure dans mon Coeur !
Comme il pleut sur la ville,
Quelle est cette langueur,
Qui penetre mon Coeur"

trong bài thơ ngắn ‘Il pleure’ mà ngày xưa thày dạy Pháp văn bắt chúng tôi học thuộc lòng. Trong tâm trạng ấy, quá khứ và hiện tại tương tác thành hoài niệm. Giọt mưa miên man từ trong lòng trải khắp không gian là những sợi tơ trời kéo quá khứ về hiện hữu.

Thế là những kỷ niệm một thời thanh xuân ùn ùn hiển hiện trong tôi với những rung động đầu đời, từ thủa học trò qua những lớp học đầy ắp hình ảnh đẹp với bạn cùng lớp không bao giờ phai mờ trong ngôi trường Trần Lục thân yêu ngày xa xưa ấy. Thời trung học tôi trải qua nhiều thày dạy môn Pháp văn này, nhưng có một thày gây ấn tượng nhất trong tôi là thày Trần Văn Tuyến. Thày nói tiếng pháp không hay bằng những thày từng du học Pháp về như thày Nguyễn Tăng Chương nói giọng Parisiene. Thày Tuyến rất thích nói tiếng Pháp, có những giờ thày giảng say sưa đến nỗi nước miếng của thày phun tùm lum như mưa phùn, những tên ngồi bàn đầu lãnh đủ, trong đó có kẻ viết bài này. Thày Tuyến có lối giảng bài hấp dẫn, có lúc thày nhỏ nhẹ như thì thầm khiến lớp học phải cố gắng im lặng lắng tai nghe, rồi có khi thày cố tình nói thật lớn, giọng thày sang sảng, những lúc hứng lên, đến chữ thú vị thày cố tình nhấn rất lớn tiếng và còn co chân đạp xuống bục gỗ một cái ‘rầm’ làm chúng tôi đang buồn ngủ hay lo ra giật nẩy người. Thày khoái trí cười, chúng tôi cũng cười theo, cơn buồn ngủ biến mất. Khi thày nghiêm, nhất là những khi thày gọi trả bài, cả lớp im lìm, chúng tôi nghe rõ cả tiếng chim hót trên những cây phượng vĩ trong sân trường, riêng tôi dù rất tự tin là đã thuộc bài, nhưng vẫn thấy hồi hộp. Khi cởi mở, thày hay kể chuyện vui, nhất là những chuyện có tính Pháp Việt đề huề, nghĩa là tiếng Pháp pha lẫn tiếng Việt rất kỳ khôi, ấy thế mà người nghe hiểu được mới vui lạ chứ. Thày kể thế này: Ngày xửa ngày xưa, chúng tôi nghe cứ như thày sắp kể chuyện thần tiên vậy, nước ta trong thời Pháp thuộc, viên công sứ người Pháp tại miền thượng du Bắc Việt có mướn một nông dân người Việt bản xứ làm vườn trong tư dinh. Một hôm, có con hổ (cọp) lọt qua hàng rào vào vườn, đạp nát các luống hoa của tên Pháp thực dân, rồi nó lừng lững vô tư biến mất về rừng. Buổi chiều, khi viên công sứ về nhà, theo thói quen ra vườn ngắm hoa, hắn thấy những vết chân lạ khổng lồ trên những luống hoa quý hóa, hắn không hiểu là trâu bò nhà ai đã dám cả gan vào tận tư dinh công sứ phá phách như thế. Hắn tập họp gia nhân lại hỏi cho ra nhẽ. Người làm vườn bản xứ kia với vốn tiếng tây giả cầy, tây bồi tức thứ tiếng Pháp ba láp đã giải thích cho viên công sứ rõ là hổ (cọp, hay ông ba mươi) đấy chứ chẳng phải là trâu bò nào đâu. Ông ta nói như thế này: " Lúy tí ti dôn, tí ti noa, lúy gầm lúy gừ, lúy măng giê me sừ, lúy măng giê cả moa" (nó tí ti vàng ,tí ti đen ,nó gầm nó gừ, nó ăn cả ông, nó xực cả tôi). Vậy mà tên tây thuộc địa chợt hiểu ngay, hằn há hốc miệng, hắn vung tay lên trời nhìn chòng chọc vào người làm vườn như hỏi và chỉ nói được hai chữ "un tigre ?" rồi té xỉu lăn đùng. Dĩ nhiên người Việt làm vườn phải dìu tên tây vào nhà và trong bụng mừng tở mở vì rõ ràng là tên tây công sứ đầy uy quyền đã hiểu ông nói gì, nghĩa là ông đã biết nói tiếng Pháp mà tên tây ‘chính cống bà lang trọc’có học, làm lớn hiểu được, ông tự hào lắm.

Ngồi dãy ghế hàng đầu và hàng thừ hai có nhiều bạn học giỏi và chăm, nhưng cũng nghịch ngầm đáo để như bạn Trần Huy Ánh, Trần Công Anh Dũng, Phạm Quý Hiệp, Hoàng gia Kỳ, Nguyễn Quý Ngọc, Bùi Quý Quang, Nguyễn Nhất Lang, Dương Trọng Việt, Nguyễn Hữu Dục... thường chuyền nhau những từ tiếng Pháp buồn cười và độc đáo làm nhiều bạn khúc khích cười với nhau trong giờ Pháp văn, nhiều khi bị phạt sảng mà các bạn khác không biết tại sao. Có một lần người viết không nhớ là bạn nào chuyền tới hai động từ "remoudre" và "recoudre" viết đúng cách chia động từ đàng hoàng mà còn chua nghĩa và âm đọc bằng tiếng Việt kiểu dân gian nữa. iếng tây và tiếng Việt đề huề như sau:

Je remous ( Tôi rờ mu)
Tu remouds ( Anh rờ mu)
Il remoud (Nó rờ mu)
Nous remoulons ( Chúng ta rờ mu lông)
Vous remoulez ( Các anh rờ mu lẻ )
Ils remoulent ( Chúng nó rờ mu lén )


Je recouds ( Em rờ cu)
Tu recouds ( Chị rờ cu)
Elle recoud ( Cô ấy rờ cu)
Nous recousons ( Chúng em rờ cu song)
Vous recousez ( Các chị rờ cu xệ)
Ils recousent ( Mấy cô đó rờ cu sến)

Ở tuổi trững dỡn, thích cười vui, gặp trường hợp quỷ, ma, thứ ba là học trò này cũng vui.

Đó là một trong muôn vàn những kỷ niệm buồn vui thân thương thủa học sinh vô tư với thày Tuyến mà còn với các vị thày khác như thày Thiên Phụng, thày Bảng, thày Giáp cô Oanh, thày Hợp, cô Phạm Thị Côn… như những giọt mưa dày đặc trên thành phố, trong thiên nhiên, day dứt không ngừng trong con tim trai đá làm thổn thức tâm hồn lão niên được trẻ hóa trong tôi. Các bậc Thày phần lớn đã khuất, số ít còn lại rải rắc khắp các châu lục. Bạn bè người còn kẻ mất tứ tán muôn phương. Một số có tâm huyết muốn tạo cơ hội gặp gỡ nhau, nhưng mỗi người một hoàn cảnh, thật khó hội tụ như ý muốn. Tưổi đời chồng chất, vô thường bủa vây, ‘lực bất tòng tâm’ở bất cứ ai, không gì có thể tiên liệu chính xác trước được, thôi đành chịu lỗi bất lực. Bạn thông cảm thì mừng, còn không thì cũng đành chịu. Mưa ngoài kia vẫn giăng mắc trong bầu trời ảm đạm và lòng tôi vẫn nặng trĩu mang mang những kỷ niệm vàng thời đến trường thú vị nhất: Thời trung học. Thời của dục dã, hối hả đầy tích cực nhiệt huyết như trong bài thơ Le Lac:

"Aimons donc, aimons donc, de l’heure fugitive.
Hatons-nous, juissons!"

Nhưng giờ đây, năm mươi năm sau, cũng cùng trong bài thơ "Le Lac" ấy của đại thi hào A. de Lamartine, câu kết bài với ý tiêu cực chính xác tuyệt đối:

" L’home n’a point de port, le temp n'a point de rive.
Il coule et nous passion"

Đúng như vậy, loài người cũng như thời gian thì cứ trôi và chúng ta rồi cũng qua đi như sự tuần hoàn của mây nước.

Phạm Đức Chuẩn B2