Monday 2 June 2014

Phạm Huỳnh Tam Lang và những nỗi buồn sau ánh hào quang

Người hâm mộ biết đến một Tam Lang tài năng và đức độ cả trong lẫn ngoài sân cỏ, nhưng ít ai hiểu được tường tận những u uẩn trong đời ông.

Phạm Huỳnh Tam Lang từ nhỏ đã đam mê đá bóng. Khi lên Sài Gòn học trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký, chàng trai sinh năm 1942 được ông Nguyễn Văn Tư, vốn là một người có tên tuổi trong làng bóng tròn Sài Gòn, hướng dẫn và cho tập luyện chung với đội AJS nổi tiếng thời bấy giờ.
Niềm đam mê trái bóng tròn lớn đến nỗi Tam Lang quyết định bỏ kế hoạch thi vào đại học để theo nghiệp cầu thủ. Năm 1960, khi mới 18 tuổi ông đã được gọi vào đội tuyển miền Nam. Sáu năm sau, ông cùng đồng đội tạo ra kỳ tích khi giành chức vô địch Merdeka Cup ở Kualur Lumpur - giải đấu danh tiếng được thành lập năm 1957 để chào mừng ngày quốc khánh của Malaysia.
Ngày đó, Merdeka là một giải đấu tiếng tăm, luôn quy tụ những đội mạnh nhất của châu Á. Việc được mời tham dự đã là một vinh dự. Chính vì vậy, sau khi đoạt chức vô địch, Tam Lang và các đồng đội được chào đón như những người hùng. Mỗi người được đứng trên một xe mui trần diễu hành về tòa đô chính - nơi có hàng nghìn người hâm mộ chờ đón. Sau đó từng cầu thủ còn được tặng một chiếc lắc năm chỉ vàng.

tam-lang-5223-1401696923.jpg
Đội trưởng Tam Lang với chiếc Cup Merdeka năm 1966.
Sau chiến tích trên đất Malaysia, Phạm Huỳnh Tam Lang được truyền thông quốc tế gọi với biệt danh "Mũi tên vàng". Ông Thới Vinh, người đồng đội cùng được bầu vào đội "Ngôi sao châu Á" với Tam Lang năm 1967, nhớ lại: "Biệt danh đó xuất phát từ việc ông ấy thường xuyên cầm bóng băng lên, hướng tới khung thành đối phương với tốc độ dũng mãnh dù là một hậu vệ".
Sau năm 1975, hậu vệ quê Tiền Giang thi đấu cho đội Cảng Sài Gòn, rồi giải nghệ hai năm sau.

Năm 1981, Tam Lang được ngành thể dục thể thao cử đi tu nghiệp lớp huấn luyện viên quốc tế tại Cộng hòa dân chủ Đức. Sau khi nhận tấm bằng loại ưu, ông về dẫn dắt Cảng Sài Gòn và cùng đội bóng giành được nhiều danh hiệu cao quý, như bốn chức vô địch năm 1986, 1994, 1997, 2002, Cup quốc gia năm 1992 và 2000...

Ông cũng nhiều lần được các huấn luyện viên nước ngoài mời vào vị trí trợ lý ở đội tuyển Việt Nam, bên cạnh một số lần đảm trách vai trò huấn luyện viên trưởng đội tuyển ở các kỳ SEA Games và Tiger Cup. Năm 2003, sau khi đội bóng Cảng Sài Gòn xuống hạng, Tam Lang chính thức giã từ sự nghiệp huấn luyện viên, kết thúc 28 năm nắm đội.

Là tượng đài của bóng đá Việt Nam nhưng cuộc đời của Phạm Huỳnh Tam Lang cũng trải qua nhiều nốt trầm. Sau này nhớ lại, ông từng phải thốt lên: "Số phận của tôi hẩm hiu lắm chứ không đầy rẫy vinh quang như nhiều người lầm tưởng".

tam-lang-2-9052-1401696924.jpg
HLV Tam Lang trong bức ảnh chụp năm ngoái tại nhà của ông. Ảnh: Lê Phương.

Nỗi buồn lớn nhất của ông là mồ côi cha. Suốt cuộc đời ông không thể biết tường tận gương mặt cha mình, ngoài cảm nhận qua bức di ảnh còn sót lại. Nỗi đau đáu lúc sinh thời của Tam Lang là tìm mộ của cha, nhưng không thành.

Đường tình duyên của cựu hậu vệ sinh năm 1942 cũng không được vẹn toàn. Ông quen nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết ba ngày trước khi đi Malaysia dự Merdeka 1966, và họ thành vợ thành chồng một năm sau. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài bảy năm. Lần lập gia đình thứ hai với người vợ sau này để lại nhiều uẩn khúc.

Trong nghiệp cầm quân, cựu danh thủ cũng nếm trải không ít chua chát - nhất là khi đội tuyển Việt Nam ba năm liền thất bại khi ông làm trợ lý cho Alfred Riedl ở Tiger Cup 1998, SEA Games 1999 và Tiger Cup 2000. Bên cạnh đó là nỗi đau về việc đội bóng mà ông coi như máu thịt Cảng Sài Gòn phải xuống hạng năm 2003 rồi bị xóa sổ năm 2009.

Những năm cuối đời Tam Lang phải chống chọi với bệnh tim bằng tất cả sự kiên cường của một người trải nhiều sương gió. Tuy nhiên, sáng nay (2/6) người cựu cầu thủ ấy đã ra đi sau một cơn đột quỵ.

Ngày mai 3/6, thi hài của cố HLV Tam Lang sẽ được chuyển về nhà tang lễ và tổ chức lễ viếng tại đây. Ông được chôn cất ở nghĩa trang Đa Phước, Bình Chánh, ngày 6/6.

Hải Thịnh