Tòa án xét xử Khmer Đỏ ở Campuchia do Liên Hiệp Quốc hỗ trợ sáng ngày 7/8 đã công bố phán quyết kết án hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ tù chung thân. Đỏ.
Chánh án của Tòa án xét xử Khmer Đỏ (ECCC), ông Nil Nonn đã công bố bản án của vụ kiện đầu tiên trong vụ án 002 nhằm vào hai cựu quan chức cấp cao của chính quyền Khmer Đỏ với các cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người bao gồm bắt cóc và các cuộc tàn sát vi phạm phẩm giá con người.
Hai bị cáo gồm có Nuon Chea, 88 tuổi, biệt danh ‘Anh Hai’ là cựu Chủ tịch Quốc hội Campuchia và Khieu Samphan, 83 tuổi, cựu Chủ tịch nước trong thời Khmer Đỏ. Hai bị cáo này là những người nằm trong số các quan chức cấp cao còn sống sót dưới thời Khmer Đỏ phải chịu trách nhiệm đối với sinh mạng của 1,7 triệu người do bị chết đói, lao động cưỡng bức, tra tấn, hành hình và thảm sát trong giai đoạn 1975-1977.
Theo Chánh án Nil Nonn, tòa thấy hai bị cáo đã phạm tội ác chống lại loài người, giết dân thường có hệ thống, cưỡng bức và đàn áp bởi những lý do chính trị cùng những hành vi vô nhân đạo khác.
Chánh án Nil Nonn: “Tòa tuyên án chung thân bị cáo Nuon Chea và Khieu Samphan. Hai bị cáo bị buộc tội có thể kháng cáo. Nhưng do tính chất nghiêm trọng của các tội ác, cả hai sẽ vẫn bị giam giữ tại ECCC.”
Hai bị cáo này là những người nằm trong số các quan chức cấp cao còn sống sót dưới thời Khmer Đỏ phải chịu trách nhiệm đối với sinh mạng của 1,7 triệu người do bị chết đói, lao động cưỡng bức, tra tấn, hành hình và thảm sát trong giai đoạn 1975-1977
Trong vụ án 002 nhằm vào hai bị cáo Nuon Chea và Khieu Samphan của chế độ diệt chủng này được chia thành hai vụ xét xử. Sáng ngày 7/8, ECCC đã hoàn tất xét xử thứ nhất.
Còn vụ xét xử thứ hai vừa mở phiên xử lần đầu tiên hồi ngày 30/7/2014 với các cáo trạng cáo buộc diệt chủng, cưỡng bức hôn nhân, hiếp dâm, ngược đãi tín đồ Phật giáo và thanh trừng nội bộ đối với người Việt Nam và dân tộc Chăm.
Trong vụ xét xử thứ hai này, hai bị cáo Nuon Chea và Khieu Samphan bị cáo buộc giết hại khoảng 20,000 người Việt Nam và từ 100,000 đến nữa triệu người Chăm trong thời gian Khmer Đỏ nắm quyền từ 1975 đến 1979.
Vụ án 002 này, phiên tòa đã chấp nhận gần 46 nguyên đơn dân sự từ phía nạn nhân người Việt Nam và nhiều nguyên dân sự khác của người Khmer Krom đang sống tại Campuchia vì gia đình, bà con, và dòng họ của họ bị giết dưới thời đó.
Kết án chung thân là quá nhẹ
Một nguyên đơn dân sự người Campuchia gốc Việt là bà Tan Sita nói với RFA sau khi phiên tòa kết thúc rằng bà không chấp nhận cáo trạng trên: “Tôi không chấp nhận được bởi vì tù suốt cuộc đời quá ít. Xứng đáng phải bỏ tù một trăm năm, chết đi phải còng. Thứ hai, chừng nào được giết hai bị cáo trước mặt tôi…tôi cũng chịu chết luôn. Chuyện vui thì nó mau quên lắm còn chuyện cay đắng thì nó vẫn còn mãi mãi. Tôi không chịu phán quyết này. Tôi đi về phải làm đơn nữa. Tôi xin phải bỏ tù một trăm năm và chết đi phải còng.”
Bà Sita vừa nói với chúng tôi vừa lau nước mắt, bà kể lại về hành động tàn sát và gây hấn của Khmer Đỏ: “Có một lần là giết em trai của tôi trước mặt tôi. Lấy cái dao lớn cắt đứt cái đầu rớt xuống luôn. Cái đó là chính đôi mắt của tôi nhìn thấy. Thứ hai, là Khmer Đỏ lấy tôi đi giết mà giết không chết. Cái đầu của tôi còn bị nè, cái sọ của tôi nứt. Vậy sự chết của gia đình tôi làm tôi nhớ mỗi ngày, giống cuồn phim quay đi quay lại… Vậy cái đau khổ này tôi sẽ nhớ suốt cuộc đời bởi vì một gia đình tôi gồm có cô, cậu, thím…chỉ có một người tôi về lại thôi. Chết hết cả trăm người…”
Có một lần là giết em trai của tôi trước mặt tôi. Lấy cái dao lớn cắt đứt cái đầu rớt xuống luôn. Cái đó là chính đôi mắt của tôi nhìn thấy. Thứ hai, là Khmer Đỏ lấy tôi đi giết mà giết không chết. Cái đầu của tôi còn bị nè, cái sọ của tôi nứtBà Sita
Còn ông Chau Ny, nguyên đơn dân sự Khmer Krom cho biết đã có 16 người trong gia đình của ông bị giết chết dưới thời Khmer Đỏ. Ông nói các nạn nhân Khmer Krom đã không hài lòng với bản án này, đồng thời kêu gọi sự đền bù cho những đau khổ và mất mát gây ra bởi Khmer Đỏ.
Theo ông, các nạn nhân Khmer Krom đã thất vọng với phiên tòa vì không được mời các nguyên đơn dân sự Khmer Krom tham dự. Ông Chau Ny mong muốn được xây dựng một đài tưởng niệm dành riêng cho các nạn nhân Khmer Krom và xây dựng trung tâm về sức khỏe tâm thần trên cả nước.
Ông Chau Ny nói: “Chúng tôi không biết tại sao các bên dân sự Khmer Krom không được mời nghe bản án. Dù quan tòa kết án chung thân hai bị cáo này nhưng chúng tôi không thể chấp nhận. Chúng tôi muốn đền bù tiền để chúng tôi có khả năng làm lễ cầu siều cho những người chết.”
Trước những cáo buộc trên, cựu Chủ tịch nước thời Khmer Đỏ là ông Khieu Sampham đã bày tỏ xin lỗi chân thành tại tòa nhưng ông nói không hề biết về những hành động tàn ác của các nhà lãnh đạo khác.
Còn ông Nuon Chea nói trong phiên tòa: “Tôi không hề có tội giống các cáo buộc trên. Tôi không bao giờ giáo dục hoặc chỉ đạo người dưới cấp cư xử tệ bạc hoặc giết người.”
Được biết, ECCC đã bắt đầu hoạt động từ năm 2006 với mục đích tìm lại công lý cho các nạn nhân dưới thời Khmer Đỏ. Đến nay, ECCC mới chỉ đưa ra được một bản án chung thân đối với Kaing Guek Eav (Duch), cựu Giám đốc nhà tù Tuol Sleng phạm tội ác chiến tranh và chống lại loài người.
Hiện chưa rõ phiên xử vụ kiện thứ hai bao giờ sẽ kết thúc nhưng phía ECCC nói rằng vụ xử này nhiều khả năng kéo dài đến năm 2016.