Tác Giả Trần Lý Lê
Đối mặt với vấn nạn dịch Ebola, bộ Y Tế và cơ quan Kiểm Soát & Phòng Ngừa Bệnh Tật (Centers for Diseases Control & Prevention, CDC) của chính phủ liên bang Huê Kỳ đã quyết định đưa bệnh nhân người Hoa Kỳ về chữa trị tại quê nhà. Bác Sĩ Kent Brantly, 33 tuổi, và bà Nancy Writebol là hai người làm việc thiện nguyện trong tổ chức tôn giáo Samaritan’s Purse, đã nhiễm trùng Ebola trong khi làm việc tại Liberia. Đây là một trong ba địa phương nơi dịch Ebola đang hoành hành. Bác Sĩ Brantly từ Texas và bà Writebol từ North Carolina, cả hai được chuyển về Hoa Kỳ để chữa trị.
Ngày 2 Tháng Tám, Bác Sĩ Brantly đã về đến Georgia. Từ Liberia, ông này được di chuyển bằng máy bay riêng của quân đội đến Dobbins Air Reserve Base, rồi từ phi trường này di chuyển bằng xe cứu thương về bệnh viện Đại Học Emory tại Georgia, Hoa Kỳ. Ngoài việc kiểm soát chặt chẽ với dàn cảnh sát hộ tống xe cứu thương, khúc phim thu hình việc di chuyển cho thấy Bác Sĩ Brantly có thể tự mình đi vào bệnh viện. Ông Brantly mặc bộ quần áo bọc kín từ đầu đến chân, protective suit, di chuyển chậm với chút trợ giúp của một người khác cũng trong trang phục cách ly tương tự. Đây là một chi tiết khá ngạc nhiên khi bản tường trình về tình trạng [trầm trọng?] của hai bệnh nhân kể trên lan truyền khắp nơi nói rằng họ cần được di chuyển để được chữa trị với các phương tiện y khoa mới mẻ nhất. Việc ông Brantly có thể tự mình đi lại cho thấy là sức khỏe đã hồi phục phần nào dù ông ấy vẫn còn trong tình trạng nhiễm trùng và có thể truyền bệnh cho người chung quanh.
Bác sĩ Brantly được chữa trị trong khu cách ly tại Bệnh viện Đại Học Emory . NGUỒN SAMARITANSPURSE.ORG
Bà Writebol sẽ được di chuyển về Hoa Kỳ trong tuần tới và cũng sẽ được chữa trị tại bệnh viện Đại Học Emory trong cùng khu cách ly.
Ở nơi này, mọi phương pháp kiểm soát để phòng ngừa truyền nhiễm sẽ được áp dụng. Theo Bác Sĩ Bruce Ribner, chuyên viên về bệnh truyền nhiễm và dịch tễ học, người chịu trách nhiệm điều hành khu bệnh cách ly, tất cả mọi vật dụng từ bên ngoài đem vào cũng như những thứ mang ra từ khu cách ly đều được kiểm soát và khử trùng. Bệnh nhân ở trong phòng có cửa kính và intercom để nhân viên y tế có thể trò chuyện theo dõi qua máy móc mà không cần vào phòng bệnh.
Khu cách ly gồm 3 giường tại bệnh viện Emory hình thành qua sự trợ giúp của CDC, trụ sở của cơ quan này ngay bên cạnh bệnh viện. Mục đích chính của khu cách ly là tìm kiếm, thử nghiệm cách chữa trị hữu hiệu nhất cho các căn bệnh truyền nhiễm nan y. Khu cách ly tại Emory là một trong bốn trung tâm cách ly tối tân nhất của nền y khoa Hoa Kỳ.
Siêu vi khuẩn Ebola không lan truyền qua không khí (airborne) hay nguồn nước (waterborne), mà lan truyền qua sự tiếp xúc với người, thú bị nhiễm trùng. Máu, chất lỏng trong cơ thể (bodily fluid, secretion) như nước miếng, tinh dịch, nước tiểu… là các medium (môi trường) chuyển siêu vi khuẩn từ người, thú bị nhiễm trùng sang sinh vật khác.
Ta chưa có phương cách chữa trị hiệu quả nên bệnh viện Emory sẽ áp dụng các phương tiện “trợ giúp”, “supportive care”. Nghĩa là theo dõi cẩn thận các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân, từ huyết áp, nhịp tim, nhịp thở đến mức nước tiểu, phân, hoạt động của các bộ phận như gan, thận…, để có thể trợ giúp cấp thời khi cần tiếp nước biển, truyền máu hoặc lọc thận… Các phương pháp này giúp bệnh nhân chống chỏi hữu hiệu với căn bệnh. Khi cơ thể đủ mạnh mẽ, ta có thể tự chống lại trận nhiễm trùng và hồi phục.
Hai bệnh nhân mang bệnh truyền nhiễm chưa có cách chữa trị là thử thách mới mẻ nhất cho nền y khoa hiện đại của Hoa Kỳ.
Theo phát ngôn viên của tổ chức y tế thiện nguyện Samaritan’s Purse, bà Writebol được chữa trị với một loại thuốc đang trong thời kỳ thí nghiệm (chưa biết có công hiệu hay không) tại Phi Châu. Mục đích và mức hiệu quả của loại thuốc đang được thí nghiệm này chưa được công bố.
Riêng tại Hoa Kỳ, viện Y Tế Quốc Gia, The National Institutes of Health hay “NIH”, sẽ bắt đầu thí nghiệm một loại thuốc chủng ngừa Ebola vào Tháng Chín sắp tới sau khi đã hoàn tất chương trình chủng ngừa Ebola trong thú vật và kết quả xem ra hữu hiệu.
Theo Bác Sĩ Thomas Frieden, sếp lớn của CDC, ngay cả khi mọi chương trình thí nghiệm tiếp diễn một cách hoàn hảo, ta cũng cần ít nhất từ 5-6 tháng sau đó mới có thể ngăn chặn trận dịch Ebola.
Siêu vi khuẩn Ebola gây sốt xuất huyết, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể và gây xuất huyết, nội cũng như ngoại. Xuất huyết nội (bên trong cơ thể, internal bleeding) có thể bao gồm đường tiêu hóa trong khi xuất huyết ngoại (trên da, external bleeding) cho thấy các vết bầm tím vì bể vi mạch. Sốt xuất huyết có thể dẫn đến suy gan, suy thận… trong khi tiêu chảy, ói mửa dẫn đến khô nước, suy thận…
Tính đến hôm nay, theo bản tường trình của the World Health Organization trận dịch Ebola tại Liberia, Sierra Leone và Guinea đã khiến số người nhiễm trùng lên đến 1,323 người; trong số này, đã có 729 bệnh nhân tử vong.
Nancy Writebol là một trong hai nhà truyền giáo tại Liberia đã được chẩn đoán là bị nhiễm Ebola. NGUỒN: AP
Đây là hai ca bệnh Ebola đầu tiên được chữa trị và theo dõi tại Hoa Kỳ. Ngoài sự kiện Ebola là bệnh nan y, ta chưa có cách chữa trị hữu hiệu ngoài việc trợ giúp bệnh nhân chống chọi bằng các phương tiện phụ, việc mang bệnh nhân về Hoa Kỳ đã khiến dư luận xôn xao, bàn luận rầm rộ. Người gật đầu bảo rằng đây là việc nên làm, kẻ chống đối kêu la chê trách chính phủ mang bệnh truyền nhiễm [từ ngoài đường] về “nhà” khiến 300 triệu người khác có thể bị nhiễm bệnh! Và xa xôi hơn nữa, có kẻ còn cho rằng chính phủ Hoa Kỳ “dùng” hai bệnh nhân kia để che giấu mục đích kiểm soát dân chúng, nôm na là mang bệnh về nhà để gây truyền nhiễm rồi mượn cớ mà kiểm soát dân tình!
Người đồng ý thì cho rằng mang người “mình” về nhà để chữa trị với mọi phương tiện là điều nên làm, nhân đạo như việc hai bệnh nhân làm việc thiện nguyện phụng sự tha nhân. Trợ giúp người tốt là cách khuyến khích kẻ khác làm việc thiện. Vả lại với mọi phương tiện sẵn có, nếu Hoa Kỳ không thể chữa trị thì đây là một tín hiệu rõ ràng hơn cho những người khác. Như “đừng đến những nơi nguy hiểm”, “Tính toán việc lợi / hại trước khi dấn thân”…
Kẻ chê trách dựa trên sự kiện “chưa biết” để ngăn cản, như mang căn bệnh nan y về nhà sẽ gieo rắc mầm bệnh cho cư dân, nếu Ebola lan tràn thì chính phủ sẽ làm sao? Còn nhớ vụ “Anthrax” năm xưa không, biết bao nhiêu là chính sách, luật lệ để kiểm soát căn bệnh kia mà vẫn xảy ra việc giết người ấy? Đâu có cái chi an toàn tuyệt đối đâu? Chưa kể những lời chê trách có tính cách cá nhân như hai người tình nguyện kia lựa chọn việc an nguy của họ khi dấn thân, cớ chi mà tiêu xài một ngân quỹ khổng lồ vào việc chữa trị cho họ, còn các người bệnh khác thì sao? vân vân và vân vân…
Tất nhiên, các viên chức chính phủ kể cả Bác Sĩ Ribner bảo vệ ý kiến và hành động mang bệnh nhân về “nhà” để chữa trị. Họ tin rằng việc tiếp xúc với hai bệnh nhân ông Brantly và bà Writebol không nguy hiểm như bá tánh nghĩ với các phương tiện cách ly, khử trùng tối tân nhất. Ngoài ra, mang bệnh nhân đau nặng về nhà để chữa trị với mọi phương tiện sẵn có là việc làm nhân đạo và cần thiết.
Trong khi đồng ý với kế sách của bộ Y Tế là nên tìm đủ mọi phương cách để chữa trị bệnh tật, điều Dế Mèn chưa hiểu là tại sao ta không mang máy móc đồ nghề sang Phi Châu nơi trận dịch đang hoành hành để có thể chữa trị cho nhiều bệnh nhân hơn? Có thể vì các vùng đất kia quá lạc hậu và kém an ninh, ta không thể bảo đảm sinh mạng của các chuyên viên chịu dấn thân? Máy móc, vật liệu, thuốc men cần thiết và quý giá sẽ bị đánh cắp đem bán chợ đen? Cư dân nóng lòng được trị bệnh sẽ tràn vào bệnh viện dã chiến?
Dù đồng lòng hay chống đối ta vẫn có thể an tâm hơn, việc di chuyển bệnh nhân về Hoa Kỳ để chữa trị sẽ không tạo ra một trận dịch Ebola tại địa phương vì Ebola không dễ truyền nhiễm như bá tánh lo âu. Với các phương pháp cách ly hữu hiệu, ta có kiểm soát và ngăn ngừa sự truyền nhiễm tương đối dễ dàng. Nhất là khi được chỉ dẫn rõ ràng, bệnh nhân sẽ không cố ý truyền bệnh cho kẻ khác. Vả lại, khi thành công trong việc chữa trị bệnh nhân trong “nhà”, người Huê Kỳ sẽ an tâm hơn khi mang chuông đi đánh xứ người?
TLL