Có một câu chuyện tôi chưa từng kể với ai. Câu chuyện vẫn thỉnh thoảng gợi nhớ về những ngày đầu tiên tôi bị lôi xềnh xệch vào một xã hội chính trị, lôi vào một thế giới mà tôi luôn loạng choạng đứng ở lằn ranh mong manh, giữa những điều vĩ đại nhất hoặc ô trọc nhất.
1997, lần đầu tiên tôi bị an ninh đưa đi làm việc vì những lá thư mà tôi chuyển giùm cho mẹ của một người bạn. Nhiều năm sau tôi mới ý thức rõ hơn tầm quan trọng của người phụ nữ ấy, bà Trần Thị Thức, phu nhân của ông Đoàn Viết Hoạt. Đó là một trong những vụ án chính trị đầu tiên của Việt Nam những ngày đầu mở cửa, có cái tên là vụ án Diễn Đàn Tự Do. So với facebook hôm nay, cái bản tin chia sẻ tin tức xã hội chính trị ấy chỉ là hạng chấm phẩy. Nhưng vào năm tháng đó, nó là một trái bom.
Tôi biết lờ mờ những cái tên Hà Sĩ Phu, Tiêu Dao Bảo Cự, Bùi Minh Quốc… qua những bì thư mà tôi được nhờ đi gửi minh bạch qua bưu điện thay cho cô Thức và những người bạn của cô. Có khi đó là một phần của tờ Thông Luận, hoặc một tâm thư của ai đó trong Câu Lạc Bộ Kháng Chiến cũ. Tôi coi mọi thứ đó là chuyện thư tín bình thường, cũng như cô Thức đơn giản chỉ là mẹ của người bạn cùng tên, nhỏ tuổi hơn mà chúng tôi gặp nhau trong khoa Anh ngữ, Đại học Tổng Hợp lúc đó.
Không ít lâu sau, tôi đối diện với việc một đợt điều tra của an ninh Việt Nam về những bức thư đó. Sau nhiều ngày thẩm vấn, do cuối cùng nhận ra tôi chỉ là một thằng nhóc sinh viên không đảng phái, thích làm chuyện bao đồng, phía an ninh dịu giọng và chuyển tôi vào dạng giáo dục tư tưởng. Hồ sơ tiết lộ tôi là một sinh viên khoa báo chí, nên phía an ninh quyết định để tôi nói chuyện với một người lớn tuổi hơn, cùng trong nghề báo.
Cuộc gặp gỡ diễn ra ở số 258 Trần Hưng Đạo, quận 1, Sài Gòn. Người chủ trì là anh Hải, đại uý PA25, còn người đến để giáo dục tư tưởng cho tôi là nhà báo Đoàn Thạch Hãn, lúc đó là cây viết của báo Công An TP với số ấn bản ngất trời 500.000 số/kỳ.
Hôm đó, phía công an nói rất ít, nhường lời cho anh Hãn, một người dáng thô, khoẻ, nói giọng miền Trung Việt Nam.
Anh Hãn nói với tôi rất nhiều thứ về chính trị, tư tưởng, mà thật lòng, tôi bỏ ngoài tai hầu hết. Chỉ đến khi anh hỏi rằng “Em có biết trước đây anh là gì không?”. Câu chuyện trở thành phần giới thiệu về anh Hãn, là người sống trong chế độ miền Nam Việt Nam Cộng Hoà, từng là một cây viết của báo Điện Tín. Sau này tôi còn được biết thêm anh Hãn, với ngày 30-4-75 là cột mốc tác động nhiều thứ đến đời anh, kể cả tù tội, khiến hôm nay anh như thế này.
Anh Hải, công an quê ở Củ Chi có đôi mắt đẹp và giọng nói mềm mỏng xin ngắt lời anh Hãn, và kể rằng vào giờ phút anh Hãn tuyệt vọng nhất, cán bộ cách mạng tìm thấy anh ở đường rầy xe lửa như định chọn cái chết. Cán bộ thuyết phục và khuyên giải nên anh Hãn đã hồi tâm và hôm nay trở thành một công dân tốt, phục vụ cho chế độ, đất nước. “Em nên coi chuyện anh Hãn như một tấm gương để sống và phục vụ cho tổ quốc”, anh Hải nói.
Tôi nhìn sang anh Hãn, hai ánh mắt chạm nhau im lặng, vô hồn. Anh không nói gì, tôi cũng không nói gì. Tôi không biết câu chuyện đó của anh Đoàn Thạch Hãn có thật hay không, nhưng trong suy nghĩ của tôi lúc đó chỉ là không biết buổi làm việc hôm nay có kịp cho tôi lao đến Đại học Tổng hợp sau giờ lên lớp chiều, rồi qua Nhạc Viện cho giờ học kế hay không.
Nhiều năm sau đó, tôi không gặp lại nhà báo Đoàn Thạch Hãn, mà chỉ thấy qua các bài viết của anh trên báo Công an TP. Là một người có máu văn nghệ, tôi đọc rất nhiều các bài viết của anh về Khánh Ly, về Duyên Anh… Thậm chí cả những bài viết hoàn toàn đầy chính trị về những người không chấp nhận Cộng sản mà ra đi. Trong giai đoạn chỉ có một tờ báo với một giọng điệu nói mà không có nơi phản hồi, anh là một cây viết sáng giá, lấp lánh như một bảo đao. Văn của anh lạnh và khinh miệt khi nói về những người cùng thời với mình. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, bỏ nhiều thời gian để đi tìm hiểu về sự sắc bén của anh Hãn, để cuối cùng tâm nguyện rằng, dù phải chết, tôi cũng không chọn nghề viết, như cách của anh.
Có lẽ đã phí thời giờ của anh Hãn vào một ngày của năm 1997, năm mà rất nhiều người Hồng Kông đã không xuất ngoại vì bị thuyết phục rằng Trung Cộng sẽ đối xử với vùng đất của mình tử tế, rất tiếc, tôi muốn mình khác.
Bất ngờ tôi nghe tin nhà báo Đoàn Thạch Hãn mất vào một ngày tháng 9/2014. Đời người vinh quang hay tủi nhục có lúc rồi cũng đến điểm cuối cùng là phu du, vô nghĩa. Tất cả những kỷ niệm của tôi bật ra. Trên các trang blog hay facebook, tôi đọc nhiều điều tranh cãi về anh, có lẽ vì anh là một nhà báo lớn hoặc anh có quá nhiều bạn bè lẫn kẻ thù. Trên đất nước này, cũng có hàng triệu người như nhà báo Đoàn Thạch Hãn nằm xuống và lại gây tranh cãi – bởi đất nước của chúng ta là một phác đồ của nghịch cảnh, phác đồ của mỗi cá nhân bị buộc phải chịu trách nhiệm thay cho các nền chính trị đã điều khiến dân tộc này, chưa thấy đủ yêu thương đã ngập hận thù.
Tất cả chúng ta đã hoặc đang là nạn nhân của chính trị. Nhưng chắc chắn chúng ta cũng có một phần trách nhiệm, không thể chối cãi trong những bước đi của đời mình. Tôi cũng vậy, và anh cũng vậy.
Trên facebook của nhà báo Huỳnh ngọc Chênh, tôi thấy anh ghi lại một mẩu trò chuyện với nhà báo Đoàn Thạch Hãn rất thú vị. Trong đó, câu nói đáng nhớ của anh Hãn rằng “mình rất tiếc đã tự bôi đen đời mình quá nhiều”, khi nhắc đến những gì đã làm, đã viết. Trong ký ức cỏn con ập về, tôi nhớ lại những bài báo của anh Đoàn Thạch Hãn viết về văn nghệ sĩ đã tị nạn, về những cộng đồng Việt ngoài Việt Nam với khả năng nhuần nhuyễn của ngợi ca và phỉ báng. Tôi cũng nhớ đến đất nước này, với nhiều con người tự thú điều bí mật vào những phút cuối đời. Tôi cũng nghĩ về một ngày rất cũ, rằng không biết anh có thật sự muốn tôi học bài học ngày hôm ấy, trước mặt viên sĩ quan PA25 hay không.
Nhưng mẩu đối thoại từ facebook của anh Huỳnh Ngọc Chênh, là phần kết quý báu của bài học mà tôi nhận được từ nhà báo Đoàn Thạch Hãn, cho việc chọn một lẽ sống đúng trên đất nước này.
Người Việt hay nói đến câu “nghĩa tử là nghĩa tận” để bày tỏ sự hoà ái cho một người đã ra đi. Nhưng “tận” không hoàn toàn có nghĩa là hết hẳn. Nếu chúng ta im lặng và chối bỏ những gì đã có, và chôn vào quên lãng tất cả là giả dối và khốn nạn với lịch sử con người. Đúng là có những thứ cần phải quên, nhưng có những thứ cần phải nhớ. Thậm chí chính người đã mất cũng ước muốn chúng ta phải nhớ.
Nhớ, để đó là một bài học dành cho chúng ta về kiêu hãnh hay điếm nhục trong cuộc sống, nhưng hãy quên, vì độ lượng thứ tha trong trái tim của mỗi con người, để chia sẻ về những điều cay đắng thầm kín của người dành lại, trong gia tài khốn khó của quê hương này.
Giá của một nghệ sĩ cung đình
Thành Long (Jackie Chan) rất bình tĩnh nói rằng mình chịu mọi trách nhiệm về việc con trai mình bị bắt vị tội sử dụng và buôn ma tuý. Ông nói trách nhiệm rất lớn thuộc về ông, với tư cách là một đại sứ chống nạn ma tuý do Trung Quốc đề cử từ năm 2009.
Phòng Tố Danh (Jaycee Chan), người con trai 32 tuổi của Thành Long bị bắt vào ngày 14 tháng 8 vừa qua, tại quận Đông Quan, Bắc Kinh, trong một cuộc bố ráp đầy chủ ý của công an trong việc ‘dằn mặt’ ngôi sao điện ảnh Thành Long, mà lâu nay vẫn được coi là nhân vật công chúng làm đẹp cho nhánh Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Giang Trạch Dân.
Viết trên trang blog của mình thuộc hệ thống mạng Vi bác (Weibo), Thành Long vẫn rất bình tĩnh như một chính trị gia “Tôi và Danh cúi đầu xin lỗi xã hội”. Trang blog có đến 23 triệu người theo dõi của Thành Long quan trọng không kém như một cơ quan văn hoá của nhà nước vì sự theo dõi chặt chẽ của công chúng, và cũng là nơi mà Thành Long nhiều năm nay sử dụng nó như một công cụ để bày tỏ các quan điểm có lợi cho chính sách cầm quyền của Nhà nước Bắc Kinh hoặc cho các nhân vật chính trị mà Thành Long nương tựa vào đó.
CNN dẫn lời của Thành Long, cho biết ngôi sao điện ảnh này “hết sức giận dữ” trước việc làm của con mình. Thế nhưng trái lại với cảm giác mà ông ta trình bày, người ta vẫn nhận thấy sự bình tĩnh và khôn khéo của Thành Long trước công chúng, không khác gì cách mà ông lấy được lòng nhà nước Bắc Kinh, trở thành một trong những nghệ sĩ có quyền lực riêng trong bóng tối chính trị, dù xuất thân của ông là một người thành đạt từ Hương Cảng, từ lúc vùng đất này thịnh vượng trong tay của người Anh.
Những lời đồn đãi và tin tức thực tế ở Hương Cảng lúc này, cho thấy thời đại những người hoạt động nghệ thuật mượn chính trị để tiến thân như Thành Long đang đứng trước bờ vực thẳm, nền chính trị thanh toán lẫn nhau, tiếm quyền, vây cánh riêng của Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Giang Trạch Dân… khi sụp đổ, đã để lộ những hình ảnh những vương triều bí mật, trong đó những người như Thành Long đã sớm chọn phe và biến mình thành những nghệ sĩ cung đình. Báo chí Trung Quốc đã ám chỉ nhiều về chuyện Chương Tử Di dính líu đến các quan chức cấp cao, hoặc trực diện tấn công vào hệ thống tuyển mỹ nữ cho các ‘ngài’ từ CCTV, đài truyền hình lớn nhất Trung Quốc.
Hơn một thập niên nay, từ khi thế lực chính trị của Thành Long vững chắc hơn, các bộ phim của ông cũng dần nhạt hơn, và không còn dấu ấn nào như thời kỳ các bộ phim Tuý quyền (1978) hay Quán ăn lưu động (1984). Những phát ngôn lấy lòng chính quyền Bắc Kinh về cai trị đã khiến dân chúng Hương Cảng, Đài Loan… ngày càng bất mãn. Ngày 1/6 vừa rồi, khi nửa triệu người Hương Cảng xuống đường đòi dân chủ và tự do, Thành Long đã nhắc lại câu nói từng làm thất vọng hàng triệu người hâm mộ “sai lầm của chúng ta là đã để cho Hương Cảng có quá nhiều tự do”. Nhưng đó không chỉ là một lần, Thành Long nhiều lần chứng minh vai trò nghệ sĩ cung đình khi nói những điều như “Người Trung Quốc cần bị kiểm soát” hay “Đài Loan bầu cử à? Thật là một trò cười”.
Tờ Epoch Times cho biết danh sách 10 cái tên thuộc hàng cặn bã lừng danh của Trung Quốc do dân chúng bầu chọn trên mạng, có tên Thành Long trong đó. Trong những ngày tháng Giang Trạch Dân cầm quyền, giết và mổ lấy nội tạng hàng chục ngàn người Pháp Luân Công, Thành Long đã né tránh khi được báo chí phương Tây phỏng vấn. Thậm chí, sau khi nói rằng mình không biết gì cả, Thành Long đã cười, nói thêm “ở Trung Quốc, người ta có thể nghe thấy rất nhiều tin đồn”.
Một người bạn người Hoa gốc Quảng Đông, đi du lịch Hương Cảng từ năm 2009, như một cách về thăm quê, đã kể rằng “Thành Long bị dân chúng xem như một kẻ khốn nạn, vì lên truyền hình kêu gọi bỏ tiếng Quảng trong trường học, chỉ nên cho dạy tiếng phổ thông, theo ý của Bắc Kinh”. Rất nhiều người Hoa ở Chợ Lớn, Sài Gòn, đã kể cho nhau nghe và tẩy chay Thành Long vì kiểu bám đuôi chính trị của ông ta. “Không hiểu sao báo chí tiếng Việt lại rất ít người nói về điều này”. Người bạn này nói.
Thành Long hôm nay khôn khéo và giảo hoạt hơn rất nhiều, không giống những bộ phim vào vai khờ khạo và đáng yêu mà ông đã chiếm được cảm tình khán giả. Người nghệ sĩ tự vẽ lên mặt mình nhiều màu sắc và nhăn nhó, múa may theo yêu cầu chính trị đã bóp chết tài năng của mình, thậm chí tự bóp chết giá trị sống như một người bình thường, để trở thành một bài học đáng nhớ cho đời sau, khi người có học tự bán mình cho quyền lực và danh lợi.
Điều mà người ta tự hỏi là giá nào để một người nghệ sĩ tự biến mình thành những tên hề ngắn hạn cho các sân khấu thô bỉ như vậy? Thật khó để định được giá như vậy từ những trái tim bình thường. Có thể giá chỉ được định từ những trái tim thô bỉ không kém các sân khấu ấy, mà không chỉ Trung Quốc, mà ở bất kỳ một quốc gia suy đồi nào cũng luôn có những kẻ chực chờ xin được bán mình để được làm nghệ sĩ chốn cung đình, làm văn nô như vậy.
Những gáo nước lạnh cho ý thức
Trong một nghiên cứu được công bố vào ngày 28 tháng 8, tổ chức ALS, tức nơi đang sở hữu trò chơi thách thức dội nước đá (Ice Bucket Challenge, tạm gọi IBC) cho biết họ lấy làm tiếc rằng có đến 73% số tiền gọi là tham gia trò chơi này để quyên góp từ thiện, đã hoàn toàn sai mục đích. Đã có quá nhiều người dùng trò IBC này để đánh bóng tên tuổi cũng mình, làm trò ruồi và cười vui ngớ ngẩn trên nghĩa cử của người tạo ra trò chơi này cho mục đích nhân đạo.
Cũng như mọi điều mới lạ ập đến từ thế giới bên ngoài, trong vài tháng nay, Việt Nam đã mau chóng bắt chước với những trò trình diễn IBC trên truyền hình cũng như trên các trang mạng xã hội, với mục đích tạo sự kiện cho chính bản thân mình hơn là một giá trị nhân văn. Tiền thu được của các cuộc IBC chỉ thường dùng vào các cuộc ăn nhậu hay giải trí – thay vì góp vào việc trợ giúp các bệnh nhân đang đau đớn.
Vì sao lại dội nước đá? Cơn lạnh buốt ập đến cùng sự tê dại, nhắc cho bạn biết rằng những bệnh nhân đang mắc chứng suy giảm thần kinh cơ hoạt (Amyotrophic Lateral Sclerosis) đã trãi qua những cảm giác như thế nào, ít nhất là vậy. Nó không giống với những lời thách thức ẽo ợt và trình diễn bản thân, sau đó là những thùng, tô nước đá để kết thúc cho vở kịch ngắn Việt Nam tệ hại mà chúng vẫn hay thấy trên youtube hiện nay.
Cũng cần nói thêm, ALS cũng chưa hề nhận được đồng nào từ Việt Nam, cho các màn biểu diễn rầm rộ gần đây.
Nhưng ngoài các câu chuyện tự làm rõ bản thân đó, mà chúng ta vẫn thấy hiện nay, ý nghĩa của trò chơi có bản quyền IBC như đang gợi ý rằng, có lẽ Việt Nam cũng nên tạo ra một kiểu trò chơi thách thức như vậy, đại loại như CWC (Cold Water Challenge), nhằm đánh thức bản thân mình, đánh thức một giá trị sống tử tế.
CWC, tạm diễn giải theo tiếng Việt, là trò “tạt một gáo nước lạnh”. Có rất nhiều loại người, có rất nhiều sự kiện mà người Việt vẫn chứng kiến hàng ngày chung quanh mình, đang thật sự cần một trò chơi tự tạt một gáo nước lạnh vào mặt, để nhận ra mình đang làm gì, và điều gì đang diễn ra trên đất nước này. Việc tự tạt một gáo nước lạnh vào mặt mình, hay thách thức nhau cùng làm, có lẽ sẽ là một động thái nhắc nhở cần thiết trong một xã hội đang quá ù lì, con người phô diễn với nhau nhiều hơn là thật lòng, những điều dối trá thì được che đậy bằng nguỵ ngôn tầm thường đến mức, ở mỗi quán cà phê vỉa hè, cùng mở tờ báo sáng ra đọc, ai ai cũng dễ dàng nghe thấy chung quanh tiếng phản ứng bật lên bất kỳ.
Chẳng hạn như trong sự việc tự xử mình thắng kiện của Toà án nhân dân tỉnh Cà Mau với khiếu nại của bà Nguyễn Ánh Minh về việc bà bị xử oan, bị giam 562 ngày, tán gia bại sản. Cũng cần ai đó trong ngành luật thách thức những người chịu trách nhiệm của vụ án này tại Cà Mau, hãy tạt một gáo nước lạnh để nhận rõ vị trí và giá trị của mình trong xã hội, giữa tiếng than van của dân chúng.
Hay chuyện về ông Phùng Văn Cung bị Toà án Nhân dân Gia Lai – Kon Tum xử tù về tội lường gạt, 30 năm sau mới giải oan được thì ông đã chết. Trong quá trình xét xử, con của ông Cung là bà Phùng Thị Kim Oanh quỳ lạy trước cổng toà án để xin hai chữ công tâm, sau đó cũng bị tù vì tội “hành hung nhân viên toà án”. Cả một gia đình đã có người chết, nghèo đói, sụp đổ vì oan khiên này. Những người tham gia xét xử vụ án chắc cũng cần tham gia trò chơi tạt nước lạnh vào mặt mình để biết rằng số phận con người là ý thức hàng đầu phải có, khi nắm trong tay quyền lực.
Trong trường hợp ông Bùi Thắng, ở Tân Phú, TP.HCM thì có lẽ khác. Có lẽ ông cần thách thức công an viên ở phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP.HCM tự tạt một gáo nước lạnh vào mặt, về việc con của ông tố cáo vô cớ bị bị công an phường này chận giữa đường, đánh đập trọng thương, sau đó đòi phải nộp 20 triệu đồng mới được chuộc ra. Hoặc chị Lý Nguyễn Minh Nhị, ở quận 3, TP.HCM, cũng nên thách thức nhóm cảnh sát giao thông chốt Hàng Xanh tự tạt gáo nước lạnh vào mặt, khi chị nghe thấy họ trả lời “Đây là việc của chị, không phải cùa chúng tôi”, khi chị lên tiếng cầu cứu giữa đêm khuya. May ra, những gáo nước lạnh có thể giúp họ nhận ra sợi dây liên kết của con người với đời sống văn minh là đâu. May ra, một gáo nước lạnh có thể cứu vãn được một điều gì đó. May ra!
Chúng ta đang thật sự cần những gáo nước lạnh cho đời sống hừng hực nóng đầy tính duy lợi này. Những nhà trí thức nguỵ quân tử, những quan chức vội tuyên bố rồi quên, những tập thể chỉ biết vỗ tay và bấm nút cho những đề án cưỡng bức túi tiền người dân… Những gáo nước lạnh cần thiết để tạo nên cú sốc, nhắc về lòng tự trọng và nhân cách mà mỗi người cần phải có.