Thursday, 4 September 2014

Tôi Biết Nhà Văn Mai Thảo Như Thế

ORCHID LÂM QUỲNH 
 
Tấm bảng lớn bự, dựng trước khu Song Long. Hàng thứ hai, kẻ chữ xanh, loại chữ in to, rõ: “Nhà may Thảo”. Tức nhà may áo quần tên Thảo. Vậy mà tôi đọc làm sao không biết, thành là “nhà Mai Thảo”.

Nhà văn Mai Thảo (Hình: Cao Lĩnh)
Làm nhà văn lớn oai thật, nhà ở trong hóc bò tó, nhỏ xíu, chỉ là căn phòng chật hẹp trong dãy nhà dài như một bệnh viện tỉnh lẻ. Vậy mà, được ghi tên trên bảng chỉ dẫn lớn bự ở ngoài đường “Nhà Mai Thảo!”
 Tôi nghĩ vậy và giữ kín trong lòng, đâu dám bép xép, bác lại mắng cho: “Ê! Con nhóc kia, mày thì biết cái đếch gì”. Cái gì Bác cũng "đếch" hết. Mà hình như khi nào để tỏ dấu âu yếm, thương mến Bác mới dùng chữ "đếch"
Tôi làm sao quên được, những ngày đầu đến Mỹ, trời đông lạnh buốt, Bác đưa cho tôi cái mền và càm ràm: “Tao chia cho mày cái mền. Có hai vết cháy vì thuốc lá, Nhưng không sao! Vậy là tối nay ông sẽ bị lạnh, nhưng bù lại ông đếch còn lo cho mày nữa”. Một tháng sau, tôi chính thức vào trường. Vào ngay lớp 9, tôi học gấp đôi những đứa bình thường. Học không khổ lắm, cái mà tôi sợ nhất là, mỗi ngày phải chạy hai vòng quanh sân trong giờ thể dục.
Bác Mai Thảo nói với bố tôi.
- “Vào trong trường bảo với chúng nó, con tao chỉ bằng cái kẹo, đâu có to béo như chúng mày. Để cho nó chạy nửa vòng thôi”.
Bố tôi dạ vâng nhưng lơ đi. Lần sau, tôi không dám than gì nữa. Tôi sợ có ngày, bác Mai Thảo sẽ lừng lững vào trường nói với thầy hiệu trưởng của tôi, nói bằng tiếng Việt kiểu Bắc kỳ hẳn hoi: “Này ông để cho tôi dẫn nó đi ăn đã. Nó bé thế, học làm đếch gì cho nhiều”.

Tờ lịch ngày Bác Mai Thảo mất
Sáng nào bác cũng đưa tôi hết quán này đến quán khác. “Ông phải cho mày đi ăn chứ! Món ngon vật lạ ở Cali, mấy năm ở Canada, làm đếch gì mày có mà ăn”.
Bác có một tập hồ sơ các quán ăn, trong đó bác cắt những mẫu quảng cáo của các nhà hàng. Mỗi lần bố mẹ đưa tôi đến thăm, bác lại giở ra. “Bún Viễn Đông nhá! Ở đây có món miến lươn rất ngon. Nhưng thế nào cũng phải nghe ông chủ quán Nghị Viên Tony Lâm. hát: “Chỉ hai đứa mình thôi nhé! Đừng cho trăng hé bên thềm” thì cũng kinh lắm, lại còn phải chuẩn bị trả lời câu: 'Nghĩ thế nào về tình hình thế giới?' của ông Nghị Viên”. “Phở Nguyễn Huệ nhá! Ăn phở ở đây thì lại được ông chủ nói 'Xong rồi, đi đi'”.
Bác Cảnh, chủ nhân phở Nguyễn Huệ, chẳng bao giờ lấy tiền của Bác Mai Thảo và cả Bố tôi. Lúc nào thấy chúng tôi, bác cũng sà vào bàn, cười hào sảng “Đi, đi. Xong cả rồi”.
Có một lần tại quán Viễn Đông bàn rất đông văn nghệ sĩ, có cả hai ông chủ tiệm Bún Viễn Đông và Phở Nguyễn Huệ. Bác Mai Thảo khủng khỉnh nói:
“Quán Viễn Đông là nơi tụ tập của anh em văn nghệ. Anh em văn nghệ khắp nơi về, bao giờ cũng muốn đến Viễn Đông và Viễn Đông bao giờ cũng đón tiếp anh em văn nghệ”.
Nghe thế ông chủ Viễn Đông cười tít tát, rót nước lia lịa vào ly của khách, thì bác Mai Thảo tiếp:
“Tuy nhiên, phở Nguyễn Huệ là nơi... chả bao giờ lấy tiền của anh em văn nghệ”.
Ông Chủ Quán Viễn Đông quê cơ quá đi, Nói là nói vậy chứ ông Nghị Tony Lâm cũng giúp đở rất nhiều người. Mẹ tôi vẫn nhắc hoài chuyện ông Nghị giúp Mẹ có giấy tờ chính thức để ở lại Mỹ.
Cả Bác Cảnh chủ nhân Phở Nguyễn Huệ cũng là một ân nhân lớn của gia đình tôi. Lúc tôi mới đến Mỹ, vì không có giấy tờ, sợ không đi học được. Bác Cảnh đã nói với Mẹ tôi: “Em cứ lo cho con nó học trường tư, anh sẽ trả tiền cho”. Dù sau đó tôi học được trường công, nhưng chẳng khi nào tôi quên những gì bác đã dành cho gia đình tôi. Bác luôn cho tiền tôi mỗi kỳ nhập học, để mua sắm sách vở áo quần. Ngay khi thấy Mẹ tôi hằng ngày phải lên shop để may, bác cũng mua cho Mẹ tôi máy để Mẹ tôi có thể may ở nhà.
Bác Mai Thảo là người sành ăn và hình như bác chuộng sự cầu kỳ của món ăn hơn là hương vị của món ăn. Bác khen vợ bác Mặc Thu, làm món chả cá Thăng Long rất ngon, bác nhắc hoài chi tiết, nếu không đủ các loại rau yêu cầu, là cô ấy không chịu nấu. Bác khen nhà bác Thăng có món lòng luộc tuyệt vời, dồi phải nhồi đúng cách và nướng lên, đủ bộ mới thơm giòn.
Có hai điều bác say sưa kể là thơ và món ăn. Bác hay nhắc đến Hồ Dzếnh và Vũ Hoàng Chương. Đôi khi bác cũng nhắc đến Chinh Phụ Ngâm, càng uống càng đọc thơ. Bác không thuộc Chinh Phụ Ngâm mấy, đọc vài câu, sau đó ờ... ờ lướt đi. Chữ nào thuộc thì đọc lớn, chữ nào không thuộc thì hạ thấp giọng ờ ờ, làm như ngang đó phải ờ ờ như vậy mới đúng cách. Bao giờ bác đọc cũng minh họa bằng cách giơ tay chém vào không khí, chém mạnh hay nhẹ tùy theo câu thơ thuộc hay không.
Bác cũng hay kể chuyện chưởng. Tôi đâu ngờ bác cũng mê chuyện chưởng, kể say sưa. Bác khoái Trương Vô Kỵ và Diệt Tuyệt Sư Thái. Về các chi tiết trong chuyện chưởng có vẻ bác thuộc nhiều hơn Chinh Phụ Ngâm. Bác và bố tôi, hai người huơ tay múa chân say sưa với những màn luyện Cửu Âm Chân Kinh, những màn vừa “tuyệt” vừa “diệt” của Sư Thái, những pha quần thảo trên núi, những màn quần hùng tụ họp. Bác Mai Thảo múa, nói đúng hơn là khều khào trong không trung. Bố tôi mặc dù hai lá phổi đã teo tóp vì thuốc lá cũng cười to sảng khoái. Hai bác nói toàn chuyện lấp biển vá trời, toàn chuyện xẻ băng bửa núi. Có phải đó là niềm mơ ước thầm kín của hai con người thực tế chỉ có thể cầm nổi cây bút, trói gà không chặt.
 
Hai “chưởng môn” mà bác Nguyên Sa có thơ rằng:
Mai Thảo:
Ông ngồi với hai ông Tây
Ông kia tên Mạc (Martel), ông này tên Cô (Cognac)
Buổi sáng ông chỉ say vừa
Nửa khuya mới tới đúng mùa nho ngon.

 
Du Tử Lê
Bạn ta bằng nửa cò
Vác trên vai cái đền thờ con voi
Con voi nặng cũng vừa thôi
Có em người đẹp lại ngồi bên trên.

Khi còn tờ báo Văn, bác Mai Thảo hay phàn nàn, tụi Mỹ nó không xài dấu, nên người ta cứ nhầm, không biết “văn” hay “vân”. Đây là tòa soạn báo Văn mà ngày nào cũng có người gọi đến đặt bánh xèo Vân. Bác cũng chúa ghét tiếng alarm của xe. “Ở Mỹ cái gì cũng được, chỉ thỉnh thoảng trong không khí tỉnh lặng, êm đềm, tự nhiên lại nghe đâu đó oạo oạo hú... hú tò te... tò te nghe đếch chịu được”. Lại "đếch"!
Bác nhất định không lái xe, không xài computer và không nói tiếng Mỹ.
Sau này thấy bác yếu quá, chú Khánh Trường có đề nghị, chú sẽ in sẵn những label có tên và địa chỉ của những độc giả dài hạn, bác chỉ việc dán vào bì thư gởi đi. Nhưng bác không chịu, cho là, như thế không đủ trân trọng, không nói được tấm lòng của mình, như đích thân viết tay. Bác nói, người nhận sẽ thích biết bao, khi đọc tên họ bằng chính nét chữ của Mai Thảo. Bác vẫn miệt mài hàng tháng viết tay, tên và địa chỉ những độc giả dài hạn, và gửi đi.
Sau này khi bác quá yếu, Mẹ tôi đã làm thay cho bác. Thỉnh thoảng, trong số độc giả của tờ Văn, mẹ tôi nhận ra tên và địa chỉ của những người yêu cũ, mới của bố tôi. Mẹ tôi không ghen bao giờ, nhưng chắc là đá chảy mồ hôi, đôi khi phải chảy trộm. Tôi tâm đắc vô cùng ý này từ cô Bùi Bích Hà, tôi than với mẹ “Để giữ thể diện cho chồng và cho mình, sau này bé cũng phải làm đá chảy mồ hôi sao? Mẹ nói: “đến đời con, sẽ không còn cảnh đó”.
Những ngày bác Mai Thảo còn tờ Văn, một người nữa cũng bận bịu vì bác, đó là chú Phan Tấn Hải. Một tháng 2 lần, chú Phan Tấn Hải phải chở bác Mai Thảo xuống tận Los, để bỏ báo in và đem báo về. Chú Phan Tấn Hải có một đứa con trai chừng 6, 7 tháng, những lần chú đi Los, mẹ và bố tôi phải đến trông thằng bé. Thằng bé đầu trọc lóc, tròn quay và lành như cục đất, chỉ phải cái tội, đòi ẵm suốt trên tay. Nó như một cái máy điện tử tối tân, chỉ cần để nó xuống giường là lập tức nút “on” bật lên. Nó thét nhanh và nhọn như có kim đâm vào người. Ôm nó lên, lập tức nút “off” hoạt động, nó nín bặt. Nay thì nó lớn xồ, lại còn học võ, người to khỏe đến độ có thể ẵm mẹ tôi, để đền cái ơn ẵm nó năm xưa.
Những lúc ngồi riêng với gia đình tôi, bác Mai Thảo hay tẩn mẩn kể về những người phụ nữ trong đời bác. Cô Phụng, bác quen từ hồi còn ở Hà Nội, cô còn một người em tên Loan. Hai chị em đẹp nổi tiếng ở làng Bình Hồ. Về sau người em trở thành vợ của bác Quỳnh, anh ruột của nhà thơ Du Tử Lê. Còn cô Phụng sau là vợ của ông Xuân Thiêm, một người bạn chí thân của bác Mai Thảo. Dạo đó, thấy bác Mai Thảo quá nghệ sĩ, ông Xuân Thiêm đã nói thẳng: “Cậu và cô Phụng sẽ chẳng đi đến đâu, như vậy tội người ta, cậu nên để tớ cưới cô ấy”.
Vậy là cô Phụng trở thành bà Xuân Thiêm. Sau biến cố năm 75, ông Xuân Thiêm là cán bộ CS cao cấp, ông vào Nam rất sớm, tìm gặp bác Mai Thảo. Hai người bạn xưa đã nằm gác chân lên nhau nói chuyện quá khứ, họ vẫn vui vẻ, thân thiết như ngày xưa. Chỉ đến khi ông Xuân Thiêm nói: “Thôi để tớ “tranh thủ” đi tắm cái đã” thì bác Mai Thảo ngán ngẫm. (bác "đếch" chịu được). Lần thứ hai ông vào, ông đem cho bác một cuộn băng cassette:
“Vợ tớ nó khóc, nó nhắc đến cậu, nó gởi cho cậu cái này”.
Trong cuộn băng cô Phụng kể lại những ngày cũ, rồi bác Mai Thảo vào Nam, cô ở lại cơ cực biết chừng nào.
Điều mà bác Mai Thảo sợ đã không xảy ra, vẫn cái giọng Hà Nội chậm rải, đài các, ngọt ngào, không hề lẫn một chữ nào của thời đại mới. Cô vừa nói vừa khóc.
Tất cả những điều này, bác Mai Thảo ghi lại trong một tùy bút có tên “Người Hà Nội cuối cùng” trong tập “Ngọn hải đăng mù” do Làng Văn xuất bản năm 1986.
Một người nữa mà bác Mai Thảo luôn nhắc bằng một giọng trân trọng, lưu luyến, là cô Th. Thanh. Hằng năm, sinh nhật cô, bác thường bảo Mẹ tôi mang hoa đến. Có một lần tôi được hân hạnh là người mang hoa đến cho cô, và được nghe cô, vừa đàn vừa hát những bài tình ca bất hủ của Phạm Duy và Phạm Đình Chương.

Nhà cô Th. Thanh, tôi không tìm ra một hạt bụi, chỗ nào cũng tinh tươm ngăn nắp. Bác Mai Thảo kể: “Th. Thanh rất thích 'nhiều', cái gì nhiều là thích. Những lần đi chơi ở Chợ Lớn, khi thấy người ta để cả dãy lu, Th. Thanh reo lên thích thú. Ngày tôi đến Mỹ, đi vào các siêu thị, thấy người ta sắp hàng hóa từng dãy dài. Tôi nhớ đến Th. Thanh và chỉ ước ao có cô ấy ở đây”. Tôi chảy nước mắt khi nghe Bác nói như vậy. Đơn giản, nhưng chí tình đến thắt ruột gan.
Sau này trí nhớ Bác kém đi, cô Th. Thanh có năm nhận đến hai lần hoa sinh nhật.
Bác cũng hay nhắc đến một người ca sĩ nổi tiếng khác, là cô Hà Thanh, cô người Huế. Đáng lẽ đã có một đám cưới giữa Bác và cô. Bác biết đến cô qua Bác Vũ Quang Ninh, bấy giờ là Giám Đốc Đài Phát Thanh Huế. Bác kể cứ mỗi lần đi chơi là cô Hà Thanh rủ tất cả chị em đi theo, “mà tôi thì đếch muốn đi đông như thế”. Khi đến gặp bố mẹ cô để xin hỏi cưới. Bác đã nói: "Thưa hai bác, tôi là Mai Thảo, tôi muốn xin hỏi cưới em Lục Hà. Nếu hai bác đồng ý thì vài hôm nữa tôi sẽ nói bố mẹ tôi vào thưa chuyện cùng hai bác". Thời đó khi muốn cưới vợ, phải nhờ một người mai mối, người này phải quen biết cả hai gia đình và quan trọng là người này phải cùng vai vế với hai bên bố mẹ. Không ai tự mình thưa chuyện như thế. Nên đương nhiên bố mẹ cô Hà Thanh không chịu được cái lối hỏi cưới đường đột của Bác, nhất là gia đình cô Hà Thanh là gia đình trâm anh thế phiệt ở đất Thần Kinh!
Một người nữa, bác Mai Thảo cũng hay nhắc là cô Cúc. Cô là một vũ nữ đẹp nổi tiếng. Có hôm mẹ tôi hỏi bác Nguyên Sa “Có phải hoa cúc trong thơ anh là Cúc của anh Mai Thảo” “Bậy! Cúc của anh không dính dáng gì đến Mai Thảo hết”. Hôm đám tang bác Mai Thảo, khi hạ quan tài xuống, người ta có làm một lễ đổ rượu. Mọi người rót rượu mời bác uống, xong đổ rượu xuống huyệt. Bác Nguyên Sa có nói về điều này rất thú vị, nhưng tôi không dám kể ra đây.
Trở lại chuyện cô Cúc. Có một lần bác Mai Thảo nói, nếu bác không ép buộc cô Cúc đi nhà thương, thì nay bác đã có một người con. Bác rất hối hận về chuyện này, nhất là những ngày cuối đời bác cứ than: “Vậy là hết, chấm dứt Mai Thảo, không còn gì tiếp nối nữa. Tôi yêu cái hình ảnh người cha đội mũ lưỡi trai xoay đằng sau, cõng một đứa con trên vai và thơ thẩn ở bãi biển”.
Bao nhiêu năm ở Mỹ bác đã nhắn tin nhiều lần để tìm tông tích cô Cúc, nhưng vẫn biệt tăm. Về sau hình như bác Hoàng Anh Tuấn đã gặp được cô Cúc, còn ở Việt-Nam, bán chuối chiên ngoài chợ. Nhưng lúc này bác Mai Thảo đã vào nursing home ở đường Haster, khi tỉnh khi mê.
Bác nói về cô Cúc: “Cái con bé đó, nó cứ ưa lấy áo sơ mi của tôi để mặc, nó thì bé, mặc cái áo thùng thình, trông hay đáo để”.
Trong câu chuyện, bác Mai Thảo hay nhắc đến người này người kia, phần nhiều là những điều tốt đẹp. Tôi quý bác Mai Thảo nên hầu như những chuyện bác kể, tôi cũng vui buồn theo như bác. Tôi cũng nhớ ơn cô Nhã Ca như Bác đã nhớ ơn cô. Khi cô Nhã Ca cho sắp hàng các con cô để hỏi ý kiến “Bác Mai Thảo đang bị công an lùng bắt, các con có đồng ý cho bác trốn ở nhà mình không?” Tất cả những bàn tay nhỏ xíu đồng loạt giơ lên.
Bác cũng kể ca sĩ cổ nhạc Thành Được, vẫn thường cung kính gọi bác là “Thưa Văn Nhân”. Mặc dù bác Mai Thảo đã bao lần nhắc là đừng làm thế, nhưng lòng quý mến người có chữ nghĩa khiến nghệ sĩ Thành Được cho rằng không chữ nào xứng đáng với Mai Thảo bằng chữ "văn nhân"
Không chỉ giới văn nghệ quý mến bác. Kể cả những nơi công sở Mỹ họ cũng dành cho bác sự ưu ái đặc biệt. Mẹ tôi kể có một hôm bác Mai Thảo làm mất hết giấy tờ. Bố mẹ tôi chở bác lên DMV, đang sắp hàng rồng rắn, thì có một người Mỹ chạy đến mời bác vào sớm hơn số thứ tự. Sau này hỏi ra mới biết có người nhận ra bác, nên họ xin với boss cho bác vào sớm hơn.
Những ngày cuối đời, bác sống rất là thương. Bác dời phòng từ lầu một xuống tầng trệt, vì bác không còn lên nổi cầu thang. Phòng lúc nào cũng mở cửa, để anh em có thể vào bất cứ lúc nào. Bác nằm trên giường chờ ngóng bước chân anh em. Bác bảo: "Chúng nó cũng rầm rập đến, nhưng chúng nó lên phòng Khánh Trường nhậu vui hơn, chúng đếch ghé vào đây, đi ngang đây chúng rón rén sợ làm phiền tôi. Tôi biết hết! Tại sao chúng nghĩ chúng làm phiền tôi, thì chúng cứ vào đi chứ, cửa tôi mở mà!"

Sáng nào bố mẹ tôi cũng đến, đưa bác ra Nguyễn Huệ. Mẹ tôi phải dìu bác, bác không còn vững nữa. Ban đầu bác còn hất tay mẹ tôi, nhưng sau đó bác không còn sức nữa nên phải ngã cả khung xương lòng khòng của bác trên hai vai mẹ tôi. Mỗi lần bác vào, tấc cả  khách trong quán đều buông đũa lặng người đi, như thấy nếu mình không ngưng sẽ rất mang tội với một người có chữ nghĩa như bác. Thỉnh thoảng buổi chiều tối bố mẹ tôi cũng đưa bác ra ngoài, có hôm bác năn nỉ bố mẹ tôi ngủ lại. Ban đầu Bác còn nói xa gần "Hai bạn về làm đếch gì. Ở lại đây đi, mai sáng mình lại đi tiếp, Lê và tôi ngủ dưới đất, để cho cô ấy nằm khò trên giường tôi". Về sau bác không nói thế nữa, mà thú thật: "Cứ đến khuya là tôi sợ, tôi cứ thụt lùi, thụt lùi, khi tôi đụng vào tường hết đường chạy thì tôi sợ quá! cái thằng cha thần chết nó cứ ám tôi về đêm".
Phòng bác sau này bừa bộn, hôi thối. Tội bác quá! trong restroom, hàng áo quần khi nào cũng đưa ra tiệm giặt ủi, vẫn thẳng tắp. Lâu lắm rồi, bác không đụng đến, những chiếc áo mang hơi hướm Mai Thảo, những chiếc khăn quàng điệu đà của công tử Hà Thành.
Trên bàn thờ gia đình, ngoài hình của bà nội, ông ngoại, là hình của bác Mai Thảo. Mẹ tôi cất giữ rất nhiều trang báo viết về Bác khi Bác mất, cả những trang cáo phó, phân ưu, cùng với mảnh vải đen nhỏ để những ai muốn để tang Bác, Mẹ tôi cất như của gia bảo. Ngoài ra Mẹ tôi cũng giữ kỹ thủ bút cuối cùng của Bác, đó là vài chữ nguệch ngoạc của Bác viết trên miếng băng của hospital. Cả nhà tôi yêu Bác. Chẳng những thế, rất nhiều nơi trong nhà có hình bác Mai Thảo.
Như thế, chúng tôi chẳng bao giờ không có Bác Mai Thảo trong cuộc sống.




-


 



 
  


mai_thao-cao_linh


Mai Thảo, anh tôi

Nguyễn Đăng Khánh

Mai Thảo (1927-1998)
Gia đình chúng tôi có mười bốn anh chị em, gồm năm anh em trai và chín chị em gái. Anh Mai Thảo là người thứ năm trong gia đình. Hai người chị và một người em gái mất sớm. Tới năm 1975, chúng tôi còn lại là mười một người. Tính theo anh em trai, anh là con trai thứ ba. Anh cả tôi là Nguyễn Đăng Thiện, anh kế là Nguyễn Đăng Viên rồi đến chị Tuyết là người chị gái đã mất vì bệnh thương hàn năm chị hai mươi tuổi. Tiếp đến là anh Mai Thảo. Sau đó là chị Mai, chị Oanh (đã mất), rồi đến tôi. Tiếp theo là Yến, Hồng (đã mất), Vân hiện còn ở Việt Nam, Loan và Thành. Thành là em trai út trong gia đình. Trên Thành là một em gái tên Phượng, mất lúc em mới một tuổi. Cha mẹ chúng tôi đều mất ở Việt Nam. Cha tôi qua đời năm 1977, mẹ tôi mất mười năm sau.

Mai Thảo sanh ngày mùng 8 tháng 6, năm 1927 tại làng Chợ Cồn, xã Quần Phương Hạ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Nhưng sinh quán của tổ tiên tôi là làng Thổ Khối, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Thổ Khối là một làng nhỏ bên bờ sông Hồng Hà và cách Hà Nội chín cây số. Vì thế có nhiều người cho là văn anh Mai Thảo có hai nét đặc thù: một là của Nam Định, hai là trong tâm hồn đã ươm sẵn nền văn học Bắc Ninh, ở đó đã có nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử văn học. Đa số người làng Thổ Khối đều rời làng đi học hay đi làm phương xa. Cha mẹ tôi rời làng Thổ Khối lúc ngoài hai mươi tuổi và về lập nghiệp ở Nam Định.

Sau khi hết tiểu học, anh Mai Thảo lên học ở thành phố Nam Định, tôi không nhớ rõ đó là trường Saint Thomas hay trường Jules Ferry, và học cùng trường với anh Vũ Quang Ninh. Xong đệ nhất cấp trung học, anh lên Hà Nội. Lúc đó hai anh tôi là Nguyễn Đăng Thiện và Nguyễn Đăng Viên đang học ở Lycée Albert Sarraut. Anh Mai Thảo vào học ở trường trung học Đỗ Hữu Vị, sau này trở thành trường trung học Chu Văn An. Cha mẹ tôi mướn cho năm anh em tôi một căn nhà ở đường Đỗ Hữu Vị. Xế cửa trường Đỗ Hữu Vị. Mỗi sáng, anh Mai Thảo chỉ bước qua đường là tới trường. Hai anh Thiện và Viên đi học ở Albert Sarraut bằng xe đạp. Tôi đi bộ tới trường tôi là trường Saint Pierre, một trường của các bà sơ người Pháp ở gần nhà thờ Quan Thánh, Hà Nội. Trong suốt thời kỳ chiến tranh Pháp-Nhật, anh em chúng tôi ở căn nhà này và cha mẹ chúng tôi mướn bồi, bếp để lo vấn đề ăn uống cho chúng tôi. về sau, các trường đều phân tán ra khỏi Hà Nội để tránh máy bay đồng minh oanh tạc. Anh Mai Thảo theo trường về Hưng Yên. Khi chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, năm anh em trai chúng tôi lại di tản từ Hà Nội về căn nhà của gia đình ở Nam Định.

Anh Mai Thảo đặt tên căn nhà này là “Căn Nhà Vùng Nước Mặn”, nơi đó chúng tôi đã sinh sống một thời niên thiếu đầy thương yên và hạnh phúc. Cái căn nhà đó ở làng Chợ Cồn, huyện Hải Hậu. Cả trăm năm về trước, Chợ Cồn là một vùng biển, dần dà đất bồi lên thành một bãi cồn. Một vị Thượng Thư triều Nguyễn đã xin chính phủ bảo hộ cho đắp một con đê ngăn chặn nước biển mặn để biến nó thành một vùng đất phì nhiêu. Hải Hậu là một huyện ở sau biển và là một trong những vùng trú phú nhất của Nam Định. 

Căn nhà chúng tôi ở là một dãy nhà gạch, mái ngói hai tầng, có cổng cao và tường gạch bao quanh nhà. Phía sau có kho chứa lúa gạo, kho chứa hàng, có nhà cho người giúp việc ở, có vườn cây ăn trái, và nhất là có một sân xi măng rất rộng. Vào dịp nghỉ hè, anh em chúng tôi dùng sân này để chơi quần vợt, đá banh hay bóng bàn. Tới mùa gặt lúa, sân dùng để phơi thóc. Những đêm trăng sáng, các tá điền đập lúa trên sân, vừa hát hay hò cho vui. Trước mặt và bên hông nhà là con sông đào, thuyền bè qua lại nhộn nhịp vào những ngày họp chợ. Cha tôi là một thương gia và là một địa chủ rất giàu có. Vì thế chúng tôi có một đời sống thơ ấu rất sung sướng, chỉ biết cắp sách đến trường không phải lo lắng chi cả về sinh kế. Lớn lên cả năm anh em chúng tôi đều xa nhà đi học ở Hà Nội, chỉ về thăm nhà vào những dịp Tết hay những kỳ nghỉ hè.

Khi kháng chiến bùng nổ, chúng tôi rời Hà Nội, về sống chung với nhau ở căn nhà vùng nước mặn. Dân làng đa số theo đạo Thiên Chúa. Gia đình chúng tôi theo Phật giáo, nhưng cha mẹ chúng tôi rất được kính trọng, không bị chính quyền cộng sản hay địa phương phiền hà gì. Tuy nhiên tình trạng ấy không thể kéo dài, bởi vì năm thanh niên như chúng tôi không thể không gia nhập các đoàn ngũ cộng sản được. Về sau, anh Thiện phải vào Thanh Hóa dạy học. Cha tôi và anh Viên dùng các ghe lớn của nhà để chuyển gạo và muối từ Nam Định lên bán ở các miền sơn cước. Anh Mai Thảo rời nhà để đi Thanh Hóa và gia nhập hàng ngũ kháng chiến. Một số bạn cùng học của anh Mai Thảo ở trường Đỗ Hưu Vị gia nhập Trung Đoàn Thủ Đô để bảo vệ Hà Nội. Một số khác ra hậu phương tham gia vào các đơn vị chiến đấu. Anh Mai Thảo gia nhập các đoàn văn nghệ đi khắp nơi, từ Liên Khu Ba, Liên Khu Tư tới chiến khu Việt Bắc. Sau này, Mai Thảo thấy một số bạn hữu chết trong cuộc chiến, một số khác bị cộng sản loại ra khỏi hàng ngũ kháng chiến, anh quyết định trở về thành. Sự nghiệp văn chương của anh bắt đầu một khúc quanh quan trọng từ đó.

Cha mẹ tôi muốn các con trai giống như anh trưởng chúng tôi là học Luật để đi vào con đường hoạn lộ, hoặc làm quan, hoặc làm với chính phủ. Anh Thiện đã theo đúng con đường đó, thay vì ra làm quan thì anh hành nghề luật sư. Anh thứ hai là anh Viên chỉ học năm thứ nhất trường Luật Hà Nội rồi bỏ và tham gia ngành hành chánh. Anh Viên làm tỉnh trưởng ở nhiều nơi Hưng Yên và Thái Bình. Khi anh làm tỉnh trưởng Hưng Yên, anh chưa tới 30 tuổi. Chỉ có một người duy nhất trong gia đình tôi theo đuổi sự nghiệp văn chương là anh Mai Thảo.

Tôi nghĩ anh Mai Thảo là người mang dòng máu thơ văn Bắc Ninh của mẹ tôi. Ông ngoại tôi là mộ đông y sĩ, rất giỏi về y, lý, số, thích nuôi và cưỡi ngựa. Ông ngoại tôi tới lập nghiệp ở Vĩnh Yên khi mẹ tôi còn nhỏ. Anh Mai Thảo đã viết một truyện ngắn rất hay về ông ngoại tôi, về Vĩnh Yên và vùng đồi Tam Đảo. Mẹ tôi không viết văn, không làm thơ nhưng bà rất yêu mến văn chương. Bà thuộc rất nhiều cổ văn: từ Truyện Kiều, Nhị Độ Mai, Tống Trân -Cúc Hoa, cho đến Tam Quốc Chí và giải thích từng chi tiết trong những bữa cơm gia đình. Mẹ tôi rất thích đọc báo Phong Hóa, Ngày Nay, đọc từ trang đầu đến trang cuối không bỏ một mục nào, kể cả rao vặt. Mẹ tôi thích bàn luận về thời cuộc chính trị, nói về Nguyễn Thái Học, Cô Giang, Cô Bắc, những anh hùng liệt nữ Việt Nam một cách tường tận. Mẹ tôi có một giọng nói dịu dàng và truyền cảm. Sau này, đôi khi nghe anh Mai Thảo nói chuyện về văn thơ tại các hội trường, tôi liên tưởng tới mẹ tôi. Anh cũng có lời nói dịu dàng và truyền cảm ấy, nhất là khi anh không say.

Trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, quân đội Pháp cố gắng nới rộng vùng kiểm soát ở Nam Định. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Các đơn vị dân quân du kích, với vũ khí thô sơ, tìm mọi cách để ngăn chặn các cuộc hành quân càn quét của quân đội Pháp. Các chiến thuật táo bạo được áp dụng. Và các đội cảm tử ôm bom ba càng ra đời. Bom ba càng là một khối thuốc nổ hình nón, đầu nhọn gắn vào một cây gậy dài, đầu đáy hình nón gắn vào ba cọc sắt bằng ngón tay út và dài chừng 5cm, một đầu cọc sắt gắn liền với hạt nổ của trái bom. Khi lâm chiến, các cảm tử quân ôm bom ba càng, đợi chiến xa địch tới gần, lao mình vào chiến xa cùng với trái bom. Ba cọc sắt đập mạnh vào hạt nổ và trái bom nổ tung cùng với chiến xa và cảm tử quân. Chợ Cồn được chọn làm nơi trình diện đội cảm tử 12 người với đồng bào trước khi các Kinh Kha Việt Nam này lên đường hy sinh cho tổ quốc. Lúc ấy, mẹ tôi là Chủ Tịch Hội Phụ Nữ, và bà được đề cử đứng ra đọc bài diễn văn tiễn đưa các chiến sĩ bom ba càng “vị quốc vong thân”. Trước hàng ngàn người im lặng, mẹ tôi ứng khẩu nói rất cảm động bày tỏ lòng tri ân của đồng bào hậu phương đối với các chiến sĩ hy sinh cứu nước và dựng nước. Cuối bài diễn từ, mẹ tôi ngâm hai câu thơ trong Truyện Kiều:

“Tiễn đưa là bữa hôm nay,
Ngày về xin đợi ngày rày năm sau.”

Khi mẹ tôi dứt lời, mọi người đều òa khóc. Vì mọi người đều biết, chiến sĩ bom ba càng một đi là không trở lại, nói chi tới “ngày rày năm sau”.

Những năm gần đây, ai cũng công nhận là anh Mai Thảo làm thơ rất hay, nhưng anh bắt đầu làm thơ từ bao giờ, thì ít người biết. Sự thực anh Mai Thảo khởi đầu sự nghiệp văn chương của anh bằng thơ. Anh đã viết thơ từ hồi anh học trung học, khoảng 18 tuổi trở đi. Anh yêu thích thơ, thuộc thơ, đọc thơ và viết rất nhiều thơ. Anh làm thơ dễ dàng. Những bài thơ đầu tay của anh rất dài, khoảng từ ba đến năm sáu trang giấy. Anh có thử viết kịch thơ như kịch thơ Hoàng Cầm. Anh làm thơ, thấy không vừa ý, xé đi, rồi viết tiếp. Anh chép tay trên giấy, nét chữ đẹp và đóng thơ thành tập. 
Hồi ấy, gia đình anh Văn Phụng tản cư về ở gần nhà chúng tôi. Anh Văn Phụng là em chú bác với anh rể tôi. Anh Văn Phụng viết chữ lớn và vẽ đẹp. Anh Mai Thảo bảo tôi đưa tập thơ đến anh Văn Phụng để anh Văn Phụng kẻ chữ và minh họa. Những hình vẽ của anh Văn Phụng thường là khuôn mặt thiếu nữ Việt Nam với suối tóc dài. Một vài ngày sau tôi trở lại lấy tập thơ đưa về cho anh Mai Thảo. Không biết anh Mai Thảo có giữ những tập thơ này không, và nếu có, bây giờ thất lạc ở đâu? Anh Nguyễn Hưng Quốc nói “ít thấy ai yêu thơ như Mai Thảo”. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thích Mai Thảo nói chuyện về thơ, sau khi đã “ngà ngà”. Phải là người yêu thích thơ, nghiên cứu về thơ, làm thơ từ nhiều năm mới có một tâm hồn thơ phong phú như Mai Thảo.

Bề ngoài Mai Thảo là một người cô độc, không gia đình, không vợ con. Những người trong gia đình tôi, ai cũng yêu mến anh. Anh rất tình cảm, rất thẳng thắn và thực tình. Về mặt riêng tư, anh giữ kín cho anh đời sống của riêng mình, không hề thố lộ tâm tình với ai kể cả những người rất thân. Cho nên không ai biết được tình cảm của anh dành cho gia đình như thế nào. Mai Thảo muốn có một đời sống tự do, dưới mọi hình thức. Anh viết:

“Tôi tự do phơi phới một đời
Sao từng lúc lòng còn nhỏ lệ…”

Có một lần trong gia đình tôi có giỗ. Cha mẹ tôi bảo đi gặp anh Mai Thảo và nhắc anh ngày mai nhà có giỗ, anh nhớ về. Tôi lên tòa báo gặp anh, nói cho anh biết, cha mẹ muốn anh về để cùng họp mặt. Ngày hôm sau, cả nhà đợi hoài từ trưa cho đến chiều đến tối, hết cả ngày cũng không thấy anh về. Thế là cả nhà làm giỗ không có anh. Ngày kế tôi lên quán Chiều Tím hỏi anh:
“Sao hôm qua cả nhà đợi mà không thấy anh về?”

Tôi nhớ, lúc đó, một buổi chiều Sài Gòn, anh ngồi nhìn qua cửa sổ trong căn phóng phía trên quán Chiều Tím, anh nói:
“Tôi nghĩ là tôi cũng bậy quá. Chiều qua, lúc về tới nhà, tôi say quá. Đến khi tôi tỉnh dậy thì đã trễ rồi. Tôi chỉ mong cha mẹ và gia đình coi tôi như chiếc lá đã lìa cành, chim đã ra khỏi tổ rồi. Khi lá lìa cành, chim ra tổ, không có nghĩa là lá đã quên cành, chim không nhớ tổ. Nhưng mà cái lá đã quen phương trời của nó rồi, con chim có thương có nhớ tổ cũng đành mà thôi. Gia đình cũng hiểu là tôi còn có bạn bè, còn có sự nghiệp của tôi mà tôi không muốn đời sống và sinh hoạt của tôi bị ràng buộc. Sống với bạn bè, nhiều khi tôi vắng nhà cả hai ba tuần. Vì thế, nếp sống ngăn nắp của gia đình không thể giữ tôi lại được.”

Mai Thảo có một vẻ lạnh lùng, một dáng điệu chừng mực, nhưng thật ra anh là một người rất giàu tình cảm thương quý gia đình và nhất là đối với anh em, các cháu. Đọc những truyện ngắn, truyện dài của anh, những truyện hay nhất vẫn là những truyện anh viết về gia đình. Ở đó, tuy không nhắc tới tên, nhưng anh em chúng tôi đọc và biết rõ là anh đang nói đến ai. Anh viết rất nhiều về gia đình tôi, về căn nhà ở vùng nước mặn, về những ông bác, những người cháu, những đứa em của anh. Viết với một ngòi bút sâu sắc và tình cảm.

Trong căn phòng số 209 của anh ở đường Bolsa có cây đèn ở đầu giường. Tôi lên dọn phòng, thấy cây đèn đã cũ và chụp đèn bị vỡ, tôi đòi vứt đi và mua cho anh cây đèn khác. Anh bảo tôi:
“Cậu để đấy cho tôi. Cây đèn này là của cháu Dung (con gái lớn của tôi) cho tôi đã nhiều năm và tôi muốn giữ để làm kỷ niệm. Tôi yêu thích cây đèn này, dù chụp đèn vỡ, nhưng cứ để đó, đừng vứt đi.”

Cả khối gia đình chúng tôi yêu quý anh. Chị Kiều Chinh đã thấy điều đó trong khoảng thời gian anh Mai Thảo lâm trọng bệnh. Các cháu, các con lúc nào cũng sẵn sàng túc trực bên anh, ngày cũng như đêm, chỉ mong sao sức khỏe của anh, của bác được trở lại bình thường. Anh Mai Thảo có gia đình theo cái nghĩa gia đình của một người nghệ sĩ, chứ không phải trong một trật tự gia đình bình thường. Cha mẹ tôi cũng hiểu điều đó, nên dù cái lá đã lìa cành, chim đã bay ra khỏi tổ, nhưng lá vẫn là của cành và chim vẫn nhớ hoài về tổ. Chúng tôi tôn trọng tự do của anh và để anh được sống riêng với nếp sống nghệ sĩ của anh.

Về vấn đề gia đình anh Mai Thảo đã nói nhiều lần với cha mẹ tôi và với cả chính tôi. Anh quan niệm đời sống của nghệ sĩ không thể ràng buộc với gia đình. Anh kính trọng đàn bà, nhưng anh nghĩ, không người đàn bà nào có thể chịu đựng được một người chồng cứ nay đây mai đó. Anh nói: “Chiều nay tôi về nhà, ngày mai tôi có thể đi một nơi khác. Tôi có thể qua Âu châu, tôi có thể đến nhà một người bạn và ở lại mấy tuần. Không một gia đình nào có thể chịu đựng được một người chủ gia đình, một người chồng như vậy. Nên tôi chấp nhận đời sống độc thân.” Có một lần, trong thời kháng chiến, cha mẹ tôi đã đi hỏi vợ cho anh, nhưng vì chiến cuộc, lần đi hỏi vợ này không thành. Từ đó, anh không còn đề cập việc lập gia đình với cha mẹ tôi nữa.

Mai Thảo đã dành cả cuộc đời anh cho văn học nghệ thuật và bạn hữu. Khi anh vượt thoát khỏi Việt Nam, tôi là người bảo lãnh cho anh. Lúc đó gia đình tôi còn ở Syracuse, một thành phố của các trường đại học thuộc tiểu bang New York, gần biên giới Canada. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên, buổi sáng gia đình tôi đón anh ở phi trường về, buổi chiều tôi đưa anh tới một kho rượu. Anh thích lắm vì ngoài cửa kho nó treo tấm bảng với hàng chữ: Chúng tôi không sản xuất rượu, nhưng chúng tôi có sẵn trên sáu triệu chai rượu ở khắp nơi trên thế giới để cung ứng nhu cầu của quý vị. Chúng tôi bước vào kho rượu và thấy họ đã nói đúng. Anh Mai Thảo ngạc nhiên vì nó đã không thiếu bất cứ một thứ rượu gì mà anh biết cả. Anh mua rượu, một số các fromages anh thích, và một số đồ hộp. Về nhà anh nói với vợ chồng tôi:

“Sau những năm bị Cộng sản truy nã ở Sài Gòn và sau những lần chiến tranh ở Việt Nam tôi không còn thấy ham muốn gì nữa. Tôi sẽ ở lại với gia đình Khánh, và tôi sẽ không đi nữa.”

Anh nói thì tôi cũng chỉ biết vậy thôi. Tôi mừng, vì có lẽ anh nói đúng. Sau những khủng hoảng chiến tranh, đây là lúc anh cần nghỉ ngơi, rồi mọi việc nó sẽ ổn định. Sau bữa ăn sáng, vợ chồng chúng tôi đi làm, các cháu đi học, anh ở trong căn phòng dành riêng cho anh. Buổi trưa anh đi bộ ra quán ăn người Ý ở gần nhà, ngồi uống rượu, cà phê. Mọi việc trôi chảy như thế được một tháng. Sau đó, bắt đầu có thư từ mọi nơi gởi về. Mỗi sáng, anh nhận được từng cọc thư dầy cộm và điện thoại từ các nơi gọi về. Cho tới tháng thứ ba thì tôi thấy anh thường ngồi trong phòng nhìn ra ngoài vùng tuyết phủ. Anh viết thư cho bạn bè và thư từ, điện thoại ngày một nhiều hơn. Tôi có cảm tưởng là tôi không giữ anh Mai Thảo ở lại với Syracuse được bao lâu nữa. Và một buổi chiều, anh đã tần ngần khi nói với vộ chồng tôi:

“Khi mới tới Mỹ, sống một đời sống đầy đủ với gia đình Khánh, tôi không còn nhu cầu gì nữa. Nhưng bây giờ, tôi thấy điều tôi nghĩ trước, không còn đúng nữa. Tôi sống cần phải có bạn bè. Tôi không thể sống không có bạn bè được. Ở đây tôi không thiếu bất cứ một thứ gì, nhưng bạn bè tôi ở các nơi khác, tôi cần tới với họ. Vợ chồng Khánh để tôi qua các tiểu bang miền Tây. Sau một thời gian đi thăm bạn bè, nếu tôi thấy muốn trở lại đây thì tôi sẽ trở lại và chắc chắn lúc ấy tôi sẽ không đi đâu nữa. Nhưng bây giờ, Khánh và Linh nên để cho tôi tới gặp bạn bè và sinh hoạt với họ đã.”

Gia đình tôi tiễn anh ra phi trường Syracuse. Anh tới California ở lại một thời gian ngắn, sau đó anh đi Seattle cộng tác với tờ Đất Mới. Cuối năm 79 chúng tôi cũng rời Syracuse dọn về California. Anh Mai Thảo từ Seattle trở về ở chung với gia đình chúng tôi được sáu năm, trong căn nhà gần khu Bolsa. Tôi đã được gặp hầu hết các bạn thân, sơ của anh tại căn nhà này. Sau đó, vì các cháu đã lớn, gia đình tôi cần một chỗ ở rộng rãi hơn, nên chúng tôi dọn về phía Nam quận Cam, cách xa khu Bolsa. Vì bất tiện cho việc làm báo nên anh Mai Thảo ở lại với Bolsa, không dọn theo chúng tôi. Các bạn hữu của anh ngạc nhiên vì Mai Thảo không thể ở với ai được hơn sáu ngày thế mà anh đã sống chung với gia đình tôi được hơn sáu năm. Có lẽ vì chúng tôi tôn trọng đời sống tự do và bạn bè của anh.

Theo tôi, Mai Thảo là một người tốt. Tốt với gia đình, tốt với bạn bè, tốt với tất cả mọi người. Anh không nói xấu ai sau lưng. Nếu anh giận, anh không vừa lòng, anh nói trước mặt người đó, bất luận người đó là ai. Nhưng sau cơn giận, anh trở lại với bản tính dễ thương của anh. Nhiều lần đọc báo thấy người ta mạt sát anh thậm tệ, tôi nóng ruột tới hỏi anh:

“Tại sao người ta chỉ trích anh nặng nề như thế mà anh không lên tiếng?”
Anh nói:
Sống với người, với đời, phải có lòng. Tấm lòng ở đây là la bonté. Con người không có la bonté là vứt đi. Phải sống thành thật với người, với đời. Vì thế nên tôi không bao giờ dùng ngòi bút của tôi để phê phán, chỉ trích hay nói một điều xấu về ai hoặc để trả lời lại những kẻ mạt sát tôi. Người ta muốn chỉ trích, muốn nói xấu tôi, cứ nói. Khánh thấy người ta chỉ trích tôi trên báo chí vì họ muốn độc giả thấy tên họ đứng trên cùng một trang báo với Mai Thảo. Họ thích như vậy, cứ để cho họ làm, tôi sẽ không bao giờ viết lại.”

Tại sao anh lại chọn bút hiệu Mai Thảo, chính gia đình tôi cũng chưa hỏi anh điều này. Anh muốn mọi người gọi anh là Mai Thảo. Anh còn một bút hiệu nữa mà anh ít dùng là Nguyễn Đăng. Nguyễn Đăng là tên dòng họ gia đình tôi. Điểm đặc biệt của dòng họ Nguyễn Đăng là không bao giờ thay đổi tên đệm. Anh Mai Thảo chỉ thỉnh thoảng dùng bút hiệu Nguyễn Đăng khi anh viết cho tờ Điện Ảnh và Kịch Ảnh ở Sài Gòn. Tôi nghĩ, có lẽ căn nhà vùng đất mặn của gia đình tôi ở Nam Định đã gợi ý cho anh chọn bút hiệu Mai Thảo. Căn nhà đó ở bên bờ một con sông đào. Từ cửa sổ trên lầu hai nhìn qua bên kia sông là một vùng ruộng lúa bao la xanh mát tới tận chân trời. Mỗi bình minh, nắng vàng rực rỡ, cây cỏ hoa lá nở mầm tươi tốt. Như trong Tháng Giêng Cỏ Non.

Nhiều nhà phê bình văn học đã viết về văn thơ, về cuộc đời Mai Thảo, nhưng tôi chưa thấy ai đề cập đến mối quan tâm và lòng yêu mến của Mai Thảo đối với thế hệ tương ai và tuổi trẻ. Có một thời ở Sài Gòn, người ta gắn liền Mai Thảo với Sáng Tạo và thuyết Hiện Sinh. Lúc ấy, tôi làm việc ở Huế và là sinh viên Luật khoa Huế. Gia đình tôi mướn phòng trên lầu Hotel Morin – sau này trở thành Viện Đại Học Huế. Thỉnh thoảng anh Mai Thảo ra thăm Huế và ở chơi với chúng tôi. Bạn thân của anh là anh Vũ Quang Ninh, làm Giám đốc đài Phát thanh Huế. Một buổi sáng, đứng trên lầu nhìn xuống, tôi thấy sinh viên tụ tập dưới sân, mỗi người cầm trên tay một cuốn sách. Thấy lạ, tôi xuống sân hỏi một sinh viên:

“Anh cầm sách gì mà thấy anh nào cũng cầm một cuốn?”
Anh sinh viên trả lời:
“Đây là cuốn sách gối đầu giường của tụi tôi.”
Tò mò, tôi mượn coi thì đó là tờ Sáng Tạo. Tôi không nói với anh bạn kia tôi là em của chủ nhiệm Sáng Tạo. Tôi chỉ hỏi tiếp:
“Tại sao các anh thích đọc báo này?”
Anh nói:
“Anh không đọc Sáng Tạo tôi cũng hơi ngạc nhiên. Tất cả sinh viên trong trường này đều đọc Sáng Tạo. Tạp chí này đem đến cho chúng tôi một nhân sinh quan mới, một luồng gió mới cho thanh niên và thế hệ trẻ. Nhà văn Mai Thảo thỉnh thoảng có ra Huế nói chuyện với sinh viên. Chừng nào có, anh nên đi nghe.”
Một lần, anh Mai Thảo ra Huế, tôi hỏi anh:
“Chiều nay anh ăn cơm ở nhà hay anh đi đâu?”
Mai Thảo trả lời:
“Tôi có một cuộc họp mặt với sinh viên ở đây. Tôi ra đây là để nói chuyện với họ.”
“Tại sao anh lại nói chuyện với sinh viên ở đây?”
“Họ rất đáng yêu!”
“Mỗi lần họp với sinh viên, anh nói với họ những gì? Và thường thường những buổi họp đó diễn ra như thế nào?”
“Tại một đại giảng đường nào đó, sinh viên và tôi cùng ngồi với nhau dưới đất và tôi nói với những người trẻ đó về mọi vấn đề, và tôi nghe họ nói về các ước vọng của họ.”
“Trong những buổi nói chuyện đó, anh thấy phản ứng của sinh viên ra sao?”
“Tôi rất vui và mừng khi thấy các sinh viên bây giờ họ trưởng thành và có nhiều ý kiến rất tốt, rất xây dựng. Họ là niềm hy vọng của một Việt Nam trên đà tiến triển rất xa về văn hóa, văn học nghệ thuật và kỹ thuật. Hệ thống đại học bây giờ rất tuyệt. Tôi đã nói chuyện với họ nhiều lần và sẽ còn nói chuyện với họ nhiều lần nữa.”

Đó là thời điểm thập niên 60. Và những sinh viên nói về Mai Thảo và Sáng Tạoở trên là những nhân vật được mô tả sau này trong Mùa Biển Động của nhà văn Nguyễn Mộng Giác.

Nguyễn Đăng Khánh
(Văn, số đặc biệt Tưởng mộ Mai Thảo, tháng 2/1998)
(HỢP LƯU số 100,  Mai Thảo, tháng 4&5 năm 2008)