Thursday 4 September 2014

Nhớ về 60 năm Ngày chia xa Hà Nội (8/1954 - 8/2014)

Hà Nội -1954. Mùa xuân với khung cảnh ngoạn mục hoa đào, liễu rủ, muôn hoa khoe sắc màu muôn hồng ngàn tía và những thú vui, hội hè tuyệt vời trong những ngày Tết của người dân Hà Nội dần qua khi những búp lá non, nõn nà màu đọt chuối phát triển trưởng thành mang màu xanh đẹp tươi, cùng với những nụ hoa hàm tiếu trên cành báo hiệu mùa hè đang đến.

Học sinh chúng tôi tựu trường sau những ngày nghỉ tết tràn đầy niềm vui để bước vào học kỳ Đệ Nhị Lục Cá Nguyệt, những bài thi thường kỳ trong lớp để rồi chuẩn bị cho kỳ thi tiểu học đang đến. Vào thời gian này, tôi đang học Lớp Nhất, Trường Tiểu Học Mạc Đĩnh Chi, nằm ven bên bờ hồ Trúc Bạch, Hà Nội. Đây là năm thứ hai tôi học ở đây; trước đó, tôi học tại Trường Tiểu Học Nguyễn Công Trứ, Hàng Than, cũng hai năm. Vì sĩ số học sinh Trường Nguyễn Công Trứ quá đông và Trường Mạc Đĩnh Chi mới được thành lập nên một số học sinh khá lớn tuổi từ các trường khác được tuyển chọn chuyển qua trường mới mở.
Bố Mẹ, hai chị, hai em và tôi

Sống với gia đình, ăn học êm đềm, yên ấm ở Hà Nội thật là sung sướng, lý tưởng, nhưng tôi đã khá lớn để hiểu biết chiến tranh Việt Minh-Pháp mỗi ngày thêm ác liệt. Mỗi buổi tối, Bố Mẹ, hai Chị và Anh Em chúng tôi quây quần bên mâm cơm gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Bố tôi thường kể chuyện xã hội, chuyện lịch sử Việt Nam thời cận đại, chuyện Tổ Tiên, chuyện Công Dân Giáo Dục, chuyện Việt Minh là Cộng Sản trá hình; những câu chuyện do Bố tôi kể chính là những bài học vô giá đối với tuổi thơ của tôi.

Một buổi chiều, sau khi từ sở làm trở về nhà, Bố tôi kể cho cả nhà nghe về trận chiến đẫm máu giữa một bên là Việt Minh và bên kia là Quân Đội Pháp tại một cứ điểm do Quân Đội Pháp thiết lập tại khu lòng chảo Điện Biên Phủ, cách xa Hà Nội 300 km về phía Tây. Trận chiến này ngay lập tức thu hút mọi sự chú ý của người dân Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội.

Hàng ngày, sau khi tan học về nhà, tắm rửa xong xuôi, tôi ôm tờ nhật báo Giang Sơn do Bác Sĩ Hoàng Cơ Bình làm chủ, đọc say mê tin chiến sự. Kế đó, buổi tối, chúng tôi nghe các đài phát thanh Hà Nội, BBC, Pháp Á loan tin sốt dẻo về trận đánh tại Điện Biên Phủ. Bố tôi cho biết Quân Đội Pháp chuyển quân rầm rộ, liên tục bằng đường hàng không từ các phi trường Bạch Mai, Gia Lâm, Hà Nội; Cát Bi, Hải Phòng lên Cứ Điểm Điện Biên Phủ. Trận đánh Điện Biên Phủ làm lu mờ tình hình chiến sự tại Miền Trung, Cao Nguyên Trung Phần và Nam Phần.

Do theo dõi những trận đánh giữa Việt Minh và Quân Đội Pháp, và Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, trên báo chí, radio, tự nhiên, tôi bỏ hết không đọc tiểu thuyết kiếm hiệp Tàu với những tráng sĩ suốt đời phò nguy cứu khổ, diệt kẻ gian tà như Võ Mộng Giao, Thường Ngộ Không, Thần Hành Vô Ảnh, Phán Quan Bút… múa kiếm như tia chớp, phi hành như chim bay. Tôi thích thú nhìn ngắm Anh Kiểm, người anh láng giềng ở ngôi biệt thự lầu kế bên số 29 Hàng Bún Dưới, Hà Nội. Anh Kiểm là một Hạ sĩ Quan thuộc một đơn vị Nhảy Dù Việt Nam. Mỗi khi Anh về phép, mặc bộ quân phục hoa dù, mũ đỏ, giầy saut trông Anh thật hiên ngang oai hùng không chịu được. Tôi cũng chú ý đến Anh Giao, Trần Hữu Giao, từ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam-Đà Lạt, hát bài “Người Em Nhỏ” của Anh Nguyễn Hiền, được tiếp âm trên làn sóng đài Phát Thanh Hà Nội; Anh Nguyễn Quang Đính, Tốt Nghiệp Trường VBQGVN, ngành Thông Vận Vinh; Anh Anh Hoa, nhạc sĩ: tất cả là những người Anh Quân Đội, ở Hà Nội. (1)

Đầu tháng 5, tôi đã thi xong kỳ thi tiểu học và nghỉ hè, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào Trung Học.

Bất ngờ, tin Điện Biên Phủ thất thủ được loan truyền, Tướng Tư Lệnh chỉ huy cứ điểm Điện Phủ, de Castries đầu hàng tại Hầm chỉ huy. Lập tức người dân Hà Nội bị chấn động, bàng hoàng, thất vọng sâu xa. Trong số những người dân ghê sợ Việt Minh có gia đình chúng tôi. Và từ đó, gia đình tôi cũng như bao người dân quốc gia khác sống trong lo lắng bất an.

Trước đó, vào cuối Tháng 4, khi quân Việt Minh-Pháp đang quần thảo với nhau ở Điện Biên Phủ, các cường quốc đã họp tại Genève, Thụy Sĩ để bàn luận về Hòa Bình ở Triều Tiên và Đông Dương. Nhưng đến đầu Tháng 5, hội nghị chỉ bàn về Đông Dương. Ngay khi Điện Biên Phủ thất thủ, Hội Nghị Genève về Đông Dương được khai mạc chỉ một ngày sau. Trong thời gian này, chính phủ Việt Nam do Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lãnh đạo đã chuẩn bị cho một cuộc di cư vĩ đại cho hàng trăm nghìn người dân từ Miền Bắc vào Miền Nam, chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.              

Cả thế giới và đặc biệt người dân Việt Nam theo dõi hội nghị Genève, Thụy Sĩ được thảo luận giữa các nước tham gia Anh, Pháp, Hoa Kỳ, Xô Viết, Trung Cộng, Việt Minh, Quốc Gia Việt Nam, Lào, Campuchia, đến ngày 20/7/1954, Hội nghị Genève bế mạc với một bản hiệp định ra đời. Trong đó có một điều khoản rất quan trọng: Nước Việt Nam tạm thời chia hai, lấy Vĩ Tuyến 17 (Sông Bến Hải) làm giới tuyến quân sự tạm thời. Việt Minh ở Miền Bắc. Quân Đội Liên Hiệp Pháp và Quốc Gia ở Miền Nam. Người dân có quyền lựa chọn, và đến miền nào mình muốn sống. Thời gian thi hành cho người dân hai miền, vào Nam, ra Bắc là 300 ngày.

Mọi chuyện đã trở nên rõ ràng cho kẻ ở, người đi. Bố Mẹ tôi không phải suy nghĩ gì, không có chọn lựa nào khác, quyết định vào Nam sống dưới chính thể quốc gia, tự do.

Đây không phải là lần di cư đầu tiên của gia đình Bố Mẹ tôi trốn chạy và lánh xa Việt Minh. Lần thứ nhất, Tháng 8 năm 1949, sau khi trốn tránh Việt Minh trong 2 năm dài, Bố tôi đã can đảm dẫn Mẹ tôi và chị em chúng tôi ra đi từ tờ mờ sáng ở một ngã ba ven sông gần quê hương của Hai Bà Trưng (Làng Hạ Lôi, Huyện Đông Anh, Tỉnh Phúc Yên) để đến một đồn của Quân Đội Pháp nằm ven Sông Hồng, để xin hồi cư về Hà Nội. Trên chuyến tàu được ghép lại bằng ba chiếc sà lan của QĐ Pháp xuôi giòng Sông Hồng về Hà Nội, gia đình chúng tôi trắng tay. Chỉ chạy lấy người, không vật dụng, tài sản, đồ tế nhuyễn.

Lần này cũng thế, quyết định di cư vào Nam, gia đình tôi không bán tài sản, đồ đạc, vật dụng gì. Âm thầm sống như bình thường, không cho ai hay biết, bất kể thân sơ, trong khi đó, tin di cư đã loan truyền công khai, chẳng ai cần dấu diếm. Những gia đình sẽ di cư mang đồ đạc, thôi thì đủ thứ thượng vàng, hạ cám như tủ chè, sập gụ, giường, bàn ghế, nồi niêu xoong chảo bày la liệt tạo thành chợ trời trên hè phố Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn vật Việt Nam. Kẻ bán người mua tấp nập. Có những người thấy đồ đạc đẹp, sang trọng mua về để dùng, những người khác thì mua đi bán lại kiếm tiền. Nhiều gia đình thượng lưu, trí thức quanh hồ Ha Le (hồ 7 mẫu) cũng đem đồ vật, hàng hóa quý giá bày ra la liệt bên bờ hồ. Riêng những gia đình ở Phố Hàng Bún Dưới sống trầm lặng, không tỏ ra dấu hiệu động tĩnh gì về việc đi hay ở. Khu phố Hàng Bún Dưới không có ai mang đồ đạc ra bán ngoài chợ trời.
Chợ trời ở Hà Nội
Bà Nội tôi, một Cụ bà 80 tuổi nghe tin di cư, từ quê nhà Tiên Xá, Tiên Lữ, Hưng Yên lên Hà Nội thăm con, cháu. Bố tôi là con trai út trong ba người con trai, do đó Bố tôi được Ông Bà Nội nuông chiều hơn các Bác. Bà Nội tôi dáng dấp gầy yếu, mặc áo the dài màu đen, tóc chít khăn đen, tay xách một túi xách đựng nhãn, vải Hưng Yên làm quà cho con, cháu. Vừa bước vào nhà, Bà tôi đã khóc, nước mắt của Mẹ già phải xa lìa con cháu vì loạn nước. Không đợi cho Bố Mẹ tôi mở lời, Bà Nội tôi nói chuyến này Bà ra HàNội để thăm các con, các cháu. Bà Nội tôi nói: “Mẹ đã già rồi không thể ra đi với các con và không thể bỏ làng quê ra đi vì phải chăm sóc mồ mả Tổ Tiên.” Bà Nội Tôi, Mẹ tôi cùng khóc. Những giọt nước mắt nhỏ xuống vì tình thiêng liêng máu mủ ruột mềm, vì tình quê hương làm buốt nhói tim tôi và và niềm uất hận Việt Minh suốt đời tôi. Vài ngày sau, Bà Nội chúng tôi về quê. Từ đó, chúng tôi vĩnh viễn mất Bà Nội. Vĩnh viễn không bao giờ gặp nữa!

Môt tuần sau, Cậu tôi, người Em trai duy nhất của Mẹ tôi trong một gia đình có bốn chị em gái và một em trai từ nhà quê ở quê ngoại, Phúc Yên ra Hà Nội thăm gia đình tôi. Trước đây, Cậu tôi là sĩ quan Bảo Chính Đoàn, đồn trú ở Gia Lâm, sau đó giải ngũ về quê.

Trong bữa cơm chiều, Cậu tôi nói: “Thưa Anh Chị, nước nhà đã độc lập, hòa bình, Em ra đón Anh Chị và các cháu về quê xum họp với gia đình. Đừng di cư vào Nam xa xôi cách trở. Thầy cũng đã già quá rồi!”

Bố tôi buồn rầu, yên lặng không nói gì, nhưng Mẹ tôi trả lời: “Cậu về thưa với Thầy, để Anh Chị tính.”

Qua ngày sau, Cậu tôi trở về quê. (2)

Biết bị săn đuổi và Cậu tôi chỉ là một con tin trong tay Việt Minh, Bố tôi lo hồ sơ thu xếp cho gia đình ra đi càng sớm càng tốt. Cầu không vận cho cuộc di cư do QĐ Pháp bắt đầu vào ngày 10/8/1954, thì cuối hạ tuần Tháng 8 gia đình tôi được báo tin lên đường.

Vào một buổi tối khi đường phố đã lên đèn, gia đình chúng tôi âm thầm chuẩn bị ra khỏi nhà. Bố Mẹ, các chị tôi mỗi người xách một tay nải (túi vải) đựng quần áo. Tôi xách theo một cặp táp, đựng 4 cuốn vở, mỗi cuốn là tập vở học của tôi ghi Việt Sử, Địa Lý, Khoa Học Thường Thức và Công Dân Giáo Dục, lớp Nhất, Trường Tiểu Học Mặc Đĩnh Chi. Đấy là tài sản yêu quý của tôi, những kỷ niệm thân ái của tôi. Một hộp giấy các tông, trong có một con chim sáo đen còn non, tôi đã nuôi từ khi nó còn nhỏ; con sáo chưa biết bay, tôi không thể thả cho nó về khung trời thiên nhiên tự do, lại càng không thể cho bạn bè vì Hà Nội đang cơn đại họa.

Tôi ra cổng, đứng trên thềm vỉa hè, giơ tay đón lần lượt 4 chiếc xe xích lô. Ngay lập tức, Bố Mẹ tôi, các Chị và hai Em tôi từ trong nhà ùa ra, lên xe. Bốn chiếc xe xích lô chạy nối đuôi nhau đi ngược phố Hàng Bún Dưới, quẹo trái trên đường Quan Thánh, qua Vườn Hoa Hàng Đậu, qua phía sau chợ Bắc Qua, đi dọc theo bờ Sông Hồng, qua Vườn Hoa Con Cóc, chẳng bao lâu, đến Tòa Thị Chính Hà Nội. Đây là địa điểm tập trung dân Hà Nội di cư vào Nam. Gia đình tôi vào khuôn viên Tòa Thị Chính, vào một phòng tạm nghỉ để chờ sáng mai có xe cam nhông của QĐ chở ra phi trường.

Trời về khuya, không muốn ngủ, tôi xin phép Bố Mẹ ra ngoài chơi. Từ Tòa Thị Chính, tôi lần ra Hồ Gươm. Nơi đây từng là chốn thân mến, quen thuộc của chúng tôi: khi thì đi dạo chơi vào thời gian Tết, khi thì cùng các bạn học cùng trường đi gắn anh-xi quyên tiền cho các nạn nhân bị thiên tai bão lụt, khi thì đi dạo quanh hồ xem người ta câu cá bống ria bờ vào cuối tuần.

Tôi đứng yên dưới chân Tháp Bút, gần đó là Cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn; Chính giữa là Tháp Rùa, giữa sóng nước trong xanh, trơ gan cùng tuế nguyệt. Phía sau, bên kia đường là rạp ciné Philharmonique, nơi tôi thường xem phim trong những ngày nghỉ lễ, cuối tuần. Phía trước mặt, bên kia bờ hồ là Nhà Thủy Tạ, Quán Mụ Béo, đèn màu sao sa, lấp lánh. Sâu hơn nữa, rạp Ciné Lửa Hồng, nơi tụ họp thân thiết của thanh thiếu niên Hà Nội để xem phim Tarzan, Cow Boy, Zorro, Giác Đấu La Mã thời xưa.

Tôi, một thiếu niên mười bốn tuổi, được đi học rất trễ, vừa học xong bậc tiểu học. Trong một đêm khuya giữa đất trời Hà Nội, đứng đây bên Hồ Gươm lịch sử, trái tim của đất Thăng Long nghìn năm văn vật, cảm thấy tâm hồn mình tan nát, trái tim tôi rướm máu, uất hờn.

Tôi nhớ lại, Tháng 8 năm 1945, tuổi thơ của tôi bị Việt Minh cướp đoạt khi họ nổi lên cướp chính quyền, Bố tôi đã bị chúng bắt, may nhờ có một thanh niên là con một người tá điền của Ông Ngoại tôi cứu thoát.

Hai năm sau, 1947, toàn thị xã Phúc Yên, trong đó có nhà Bố Mẹ tôi bị Việt Minh phá hủy thành bình địa dưới chính sách ‘Tiêu thổ kháng chiến’. Từ đó, tôi mất ngôi nhà thân yêu có cây phi lao reo vui ngoài cổng, có giàn hoa chùm ớt đỏ tươi che nắng từ cổng vào nhà. Tôi mất Phố Đệ Nhị Phúc Yên, mất sân chơi là khuôn viên Dinh Tuần Phủ, nơi Cha Mẹ đỡ đầu tôi làm việc, mất Giòng Sông Tiền Châu hiền hòa, bên kia sông khi mùa vải về, có tiếng chim ‘Tu hú’ kêu vang. Tôi mất ngôi chùa đầu thị xã có sân gạch tàu rộng từng là nơi những người bị nạn đói kéo đến tập trung để được phát cháo trắng qua ngày mà tôi là một cậu bé năm tuổi đi theo Bố tôi đến nấu cháo phát chẩn; mặc dù còn bé, nhưng tôi cảm thấy rất vui khi được mang từng bát cháo trắng cho mỗi người; và tôi biết tôi đã làm được điều gì tốt lắm. Sau đó, tôi đã mất hẳn nơi chôn nhau cắt rốn, ngôi nhà thân yêu của tuổi thơ. Vĩnh viễn!

Để rồi bây giờ năm năm sau, 1954, tôi lại mất Hà Nội.

Hà Nội với muôn nghìn kỷ niệm trong sáng, đẹp tươi đầu đời của một thiếu niên vừa được hồi sinh dưới chính thể quốc gia tự do.

Từ ngôi trường tiểu học Nguyễn Công Trứ ban đầu, tôi được khai tâm, mở trí: tập đọc, tập viết; được nhiều thầy giáo truyền dạy những môn kiến thức phổ thông, vệ sinh thường thức, công dân giáo dục, toán. Tôi yêu thích môn địa lý với lời mở đầu “Nước Việt Nam hình chữ S trải dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, có hàng nghìn cây số dọc theo bờ biển Thái Bình Dương với biết bao tài nguyên, khoáng sản quý giá.”

Đặc biệt, môn lịch sử đã hun đúc cho tôi một tình yêu nước vô bờ, một lòng tôn kính Tổ Tiên bất diệt bởi vì trùng trùng những bậc Anh Hùng, Liệt Nữ đã đổ biết bao mồ hôi, tim óc, máu xương để đánh đuổi ngoại xâm, mở mang đất nước. Tâm hồn tôi thắm đượm giòng lịch sử Việt, khởi đi từ huyền sử ‘Con Rồng Cháu Tiên’, với một bọc trăm trứng, trăm con triều đại Hồng Bàng, 18 đời Vua Hùng. Tôi say mê học huyền sử sự tích ‘Thánh Gióng,’ cậu bé đánh Giặc Ân, với dấu tích hàng trăm ao, chuôm mang hình móng ngựa xung quanh vùng Sóc Sơn, nơi Thánh Gióng về Trời. Truyện Sơn Tinh - Thuỷ Tinh, Truyện Trầu Cau, Bánh Dày, Bánh Chưng đời Vua Hùng. Tôi cũng đã say mê với mối tình lãng mạn, đau thương của Trọng Thủy, Mỵ Châu với lông ngỗng rắc dọc đường bôn tẩu theo vua cha, và giếng ngước oan tình trong thành cổ Cô Loa, nơi quê hương tôi. Trong tâm hồn trẻ thơ, tôi nao nức khi Hai Bà Trưng cùng nghĩa quân đánh đuổi viên Thái Thú Tô Định tham tàn, khai mở nền độc lập tự chủ đầu tiên cho dân tộc Việt sau bao năm nhà Hán cai trị nước ta. Tôi khâm phục hào khí anh hùng của tể Tướng Lữ Gia, chém đầu tên nội gián Cù Thị. Tôi hồi hộp theo dõi những cuộc nổi dậy chống lại giặc ngoại xâm của những anh hùng Lý Bôn, Lý Bí, Phùng Hưng; Bà Triệu với câu nói khẳng khái bất hủ ngàn thu: "Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng-kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu còng lưng làm tì thiếp cho người."Tôi thích thú với chiến thắng quân Hán trên giòng sông Bạch Đằng của Ngô Quyền. Chỉ một trận ra quân, đánh tan chiến thuyền giặc, bắt sống Thái Tử Hoằng Thao, chém đầu để tỏ rõ tinh thần không khiếp sợ của dân tộc; dựng nên triều đại Nhà Ngô, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ cho dân tộc sau hơn 11 thế kỷ bị quân Tàu xâm lược, cai trị. Kế tiếp, Đinh Bộ Lĩnh với Cờ Lau tập trận, dẹp yên 12 Sứ Quân, dựng nên cơ đồ Nhà Đinh; rồi Lê Hoàn, dựng nên Nhà Tiền Lê, phá Tống, phạt Chiêm, chém đầu Hầu Nhân Bảo tướng nhà Tống ở Chi Lăng. Sau đó, Lý Công Uẩn lập ra Nhà Lý, tuyên bố thấy Rồng Vàng ở Thành Đại La, nên nhà vua rời kinh đô cũ ở Hoa Lư về La Thành, đổi tên là Thăng Long, mở ra nền thịnh trị lâu dài với chiến công hiển hách, phá Tống, bình Chiêm. Trong thời đại này, danh tướng Lý Thường Kiệt đã để lại bài thơ bất hủ khi đánh Tống “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư, Tiệt Nhiên định phận tại Thiên Thư, Như Hà nghịch Lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thử bại hư.” Bài thơ như một bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam với quân thù phương Bắc. Qua đời Nhà Trần với ba lần đại phá Quân Nguyên-Mông, với những danh tướng lẫy lừng thiên cổ như Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải… “Đoạt giáo Chương Dương Độ, Cầm Hồ Hàm Tử Quan,” những trận chiến thắng dữ dội trên Sông Bạch Đằng của đạo quân ‘Sát Thát’. Tiếp theo là nhà Hậu Lê với người Anh Hùng áo vải Lê Lợi cùng danh thần Nguyễn Trãi, sau mười năm nằm gai nếm mật, đã đánh thắng quân thù dựng nên nghiệp cả, chỉ một trận ra quân chém bay đầu danh tướng Liễu Thăng, nhà Minh tại Ải Chi Lăng.

Đã hai lần Sông Bạch Đằng là mồ chôn mộng xâm lăng của quân Tàu, cũng đã hai lần những danh tướng Tàu Hầu nhân Bảo, Liễu Thăng bị chém bay đầu tại Ải Chi Lăng, nhưng các nhà quân sự Tàu vẫn không chịu học những bài học thất bại đắng cay, vẫn xua quân vào chỗ chết. Tôi đã ngậm ngùi biết bao khi học lịch sử về Trịnh Nguyễn phân tranh. Vua Lê, Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Những cuộc sát phạt tương tàn giữa Chúa Nguyễn Ánh và người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ, trải dài từ Nam ra Bắc; để rồi lịch sử Việt Nam chống ngoại xâm lại bùng lên sáng chói với Anh Hùng Nguyễn Huệ, đánh tan thù trong, giặc ngoài. Trong Nam phá tan quân Xiêm La, ở Rạch Gầm, Xoài Mút; ngoài Bắc đánh tan đạo quân Thanh 20 vạn củaTổng Đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị, dưới triều đại lẫy lừng Nhà Thanh của Hoàng Đế Càn Long. Trong trận chiến thần tốc đại quân Nam đã phá tan các tiền đồn Hà Hồi Ngọc Hồi, kế tiếp tướng Sầm Nghi Đống thắt cổ tự vận tại Gò Đống Đa. Ngày 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, Hoàng Đế Quang Trung cùng đại quân đã vào thành Thăng Long. Chấm dứt vĩnh viễn tham vọng xâm lược Việt Nam của Nhà Thanh.

Chẳng bao lâu sau, Dưới triều đại Nhà Nguyễn, quân Pháp từ bên kia đại dương đã đánh phá và xâm chiếm Việt Nam, những vị vua Anh hùng Nhà Nguyễn Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân và Phong Trào Cần Vương thất bại, những Anh hùng hào kiệt kháng Pháp trong Nam có Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân; ngoài Bắc có Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thái Học, Cô Giang, Cô Bắc; miền Trung có Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng, Trần Quý Cáp, đều thất bại, đền nợ nước; những vị quan Anh hùng Hoàng Diệu, Tổng Đốc Hà Nội; Phan Thanh Giản, tuẫn tiết để tỏ lòng trung quân, ái quốc. Tất cả những vị Anh hùng, Liệt nữ hữu danh hoặc vô danh đều là những tượng đài uy dũng trong lịch sử Việt Nam.

Tháng 8 năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, giòng lịch sử Việt Nam sang trang. Một trang sử khác vô cùng thê thảm và đen tối bắt đầu. Một kỷ nguyên mới của tàn phá, hủy diệt lộ nguyên hình dưới một học thuyết ngoại bang và một chế độ phi nhân đầy tham vọng. Trên bước đường thực hiện tham vọng cầm quyền toàn trị, Việt Minh đã thẳng tay tiêu diệt bất cứ cá nhân hay tổ chức nào không theo chủ nghĩa Mác-Lê của chúng; Việt Minh đã hủy diệt nhà cửa, ruộng vườn, sự sống của người dân dưới chiêu bài đánh Pháp Giành Độc Lập của chúng. Bố tôi, một người dân bình thường cũng suýt nữa trở thành nạn nhân của chúng; thị xã Phúc Yên trở thành bình địa dưới chính sách ‘Tiêu Thổ Kháng Chiến’của chúng; những người dân bị chúng xử tử hình tại Phúc Yên đều đã trở thành những nạn nhân điển hình của sự huỷ diệt của Việt Minh thời đó; đã gieo vào đầu óc non trẻ của tôi một ấn tượng không nhạt phai.

Thực sự, tôi biết Việt Minh là kẻ huỷ diệt từ Tháng 8 năm 1945; một ‘Mùa Thu Chết’ từ dạo đó.

Bây giờ tôi đang đứng bên Hồ Gươm lịch sử với Rùa Thần và thanh bảo kiếm, với người Anh hùng nông dân Lê Lợi, trong một đêm khuya giữa lòng Hà Nội. Chỉ còn vài giờ nữa, khi ánh bình minh chiếu sáng rạng ngời trên mặt nước hồ Gươm trong xanh, là chấm hết một ‘Giấc Mơ Hà Nội’.

Tôi sẽ mất hết không còn gì (chỉ còn trong tâm tưởng) Núi Nùng, Sông Nhị, Hồ Trúc Bạch, Hồ Tây, Hồ Bảy Mẫu, Nghi Tàm, Quảng Bá, Đường Cổ Ngư rợp bóng phượng vĩ nở hoa tươi màu đỏ, tiếng ve reo như một dàn nhạc đại hòa tấu bất hủ trong mùa hè; không còn nghe chuông Chùa Trấn Quốc vang xa; không còn tới lui vui chơi Đền Quan Thánh, Sở Thú, Ao sen với muôn nghìn con cá đuôi cờ Tam Tài Xanh Trắng Đỏ xinh đẹp; Chùa Một Cột có từ thời cuối triều đại nhà Lý; trại Hàng Hoa, Làng Đào Nhật Tân, Trường Viễn Đông Bác Cổ, Chợ Đồng Xuân, Đền Voi Phục, Gò Đống Đa, Ô Cầu Giấy, địa danh nổi tiếng do Quân Việt và Quân Tưởng đánh thắng Quân Pháp hai trận, khiến cho Đại Uý Francis Garnier tử trận đầu tiên và Đại Tá Henri Rivière, tử trận lần thứ hai.

Tôi không còn được nhìn ngắm tường thành Cửa Bắc thành phố Hà Nội được xây dựng bằng những tảng đá xanh to lớn, có chỗ đã thủng một lỗ to do đạn đại bác tấn công, Hà Thành thất thủ, khiến Tổng Đốc Hoàng Diệu tự ải. Tôi không được đi dưới những tàn lá me xanh rợp bóng trên đường Quan Thánh; không được nghe tiếng chuông tàu điện kêu leng keng; không ra chơi ngoài đê Yên Phụ, bãi Phúc Xá ven sông Hồng để nhìn ngắm ngôi thánh đường loang lổ vết đạn dấu tích của cuộc chiến tranh Việt Pháp tại Hà Nội năm 1946 đến nay; không còn đến thăm Quốc Tử Giám và Văn Miếu, chiêm ngưỡng hàng chục bia đá khắc tên và sự nghiệp của các Tiến Sĩ thời xưa và xem những họa sĩ miệt mài vẽ tranh trên khung vải dưới những tàn cây xoài cở thụ cành lá xum xuê; không còn được ngửi mùi thơm thanh khiết của hoa lan Tây bên biệt thự hai tầng số 25 và ngắm hoa nhãn, hoa ngâu bên biệt thự hai tầng số 29 Hàng Bún Dưới; không còn được nghe chim chích chòe, chim vàng anh hót trên chót vót cây bàng lá xanh đổi màu tía khi mùa thu đến và tiếng chim khuyên hót ríu rít líu lo trên cành cây hoa sữa trước cửa nhà các bạn Lê Bá Điệp, Lê Bá Chữ số 20 và nhìn cây hoa Ngọc Lan trổ hoa thơm ngát trong vườn nhà bạn Trường, số 22 cùng phố. (3)

Sau cùng là xa cách các bạn cùng phố: dãy bên số chẵn có các bạn Trương Văn Chinh, Trương Trọng Trác, Lê Bá Điệp, Lê Bá Chữ, Uy, Trường, Tuyên, và các bạn Thông, Tòng, Bách, Bang bên số lẻ. Xa hơn một chút là các em Đinh Thị Kim Oanh, Đinh Thị Kim Yến, Đinh Mạnh Tuấn, Đinh Mạnh Dũng ở Phố Phạm Hồng Thái. Tất cả rất gần mà lại hóa ra nghìn trùng xa cách.

Tôi nghĩ đến Phúc Yên thành phố quê nhàcủa tôi, giờ đã thành bình địa; người Phúc Yên tan tác chia ly từ năm 1947. Bây giờ đến lượt Hà Nội. Hà Nội sẽ không bị san bằng vì chiến tranh đã chấm dứt, nhưng người Hà Nội sẽ ra sao khi Hà Nội đổi chủ. Bọn răng đen mã tấu Việt Minh sẽ ồ ạt về Hà Nội, sẽ có người bị bắt, sẽ có nhà bị tịch thu, cướp đoạt và rồi Hà Nội sẽ điêu tàn, cách này hay cách khác, bởi vì Việt Minh từ bản chất chỉ là kẻ hủy diệt.

Mang tâm trạng buồn bã không nguôi, tôi trở về Tòa Thị Chính. Chẳng mấy chốc trời hừng sáng. Mọi người thức giấc sửa soạn cho một chuyến đi không hẹn ngày về. Khoảng xế trưa, gia đình chúng tôi được đọc danh sách đi tàu bay tại Phi Trường Gia Lâm. Chúng tôi lên xe cam nhông của Quân Đội Pháp, chạy giữa lòng Hà Nội, ra khỏi thành phố, lên cầu Long Biên vượt qua Sông Hồng đến Phi Trường Gia Lâm. Những chuyến tàu bay lần lượt cất cánh chở từng đoàn người di cư. Đến xế chiều, Bố Mẹ tôi được báo đã hết chuyến bay, phải trở về Phi Trường bạch Mai, Hà Nội. Chúng tôi lại lên xe chạy trên Cầu Long Biên trở về Hà Nội, đi qua bao phố phường thân yêu đến Phi Trường Bạch Mai. Chẳng bao lâu, gia đình chúng tôi lên một tàu bay của QĐ Pháp, chiếc C119 hai đuôi để bay vào miền Nam.

Tàu bay rời phi đạo, cất cánh lên cao, bỏ lại Hà Nội phía dưới. Nhìn qua khung cửa sổ nhỏ của tàu bay, Hà Nội chỉ còn là một cái chấm nhỏ, nhỏ dần, mất hút. Tôi không cầm được nước mắt. Thật sự tôi đã mất tất cả.

Hà Nội! Hà Nội! Hà Nội! Một phần đời tôi ở đó.
Giao Châu Phúc Yên
Tacoma, Washington, ngày 25 tháng 8 năm 2014

1.    Nhạc Sĩ Nguyễn Hiền, Anh Trần Hữu Giao, Nguyễn Quang Đính, Nhạc Sĩ Anh Hoa, di cư vào Nam

2.    Sau Tháng 4/1975, người làng cho biết, Ông Ngoại tôi đã bị bức tử trên Lầu Ngắm Trăng của Ông Ngoại tôi và Cậu tôi bị Việt Minh đuổi về sống nơi quê vợ. Toàn bộ nhà đất, ruộng vườn, trâu bò của Ông Ngoại tôi bị chúng tịch thu).


3.    Các bạn Trương Văn Chinh, Trương Trọng Trác, Thông, Tòng, Bách, Bang theo gia đình di cư vào Nam.