Thursday, 4 September 2014

Thịt Rừng (Gửi các người thích ăn của lạ) - Trần Mộng Lâm



Quý bạn có ăn thịt rừng chưa? Tôi thì ăn rồi, và ăn rất nhiều, khi còn trẻ, và hoang đàng, cái gì cũng ăn thử cho biết..

Thịt rừng là thịt của các loài động vật, sống ở nơi hoang dã. Các con vật này bị người ta đi săn, hay gài bẫy, bắt về để làm thành món ăn, hay món nhậu.

Người Việt Nam, nhất là người miền Trung, rất thích loại thịt này. Người ta cho rằng những ngày đầu xuân, nếu được ăn vài miếng thịt rừng, thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn.

Ăn, chính là một trong tứ khoái, nhưng nhậu lại còn đứng trên ăn một bực.

Người tây phương thì chỉ ăn một vài loại thức ăn, quanh đi quẩn lại, vẫn chỉ có thịt bò, thịt heo, tôm hùm, cá, hay gà mà thôi. Người Á Châu, về phương diện ăn uống, món ăn phong phú hơn nhiều. Tôi chưa có dịp sang vùng rừng rập Phi Châu, nhưng nghe người ta kể lại, bên Phi Châu, người ta cũng ăn nhiều thịt của thú rừng. Ăn nhiều đến nỗi làm tuyệt chủng một vài loài.



Thú rừng thuộc nhiều loại, đại để có thể kể ra: bò rừng, trâu rừng, nai, heo rừng, khỉ, dê núi, chồn, voọc, rắn, kỳ đà, gà nước, nhím, sóc, cầy hương, hoãng. Khỉ, có khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, vượn. Rắn, có rắn hổ, rắn ráo, rắn nước, trăn. Còn nhiều loại thú rừng nữa, kể không xiết. Dĩ nhiên, món ngon là nhờ tài chế biến của các bà nội trợ. Nào nướng ngũ vị hương, nướng mọi, xào lăn, nấu chao, tái dấm, hấp….v.v. thịt rừng trở thành phương tiện giúp các ông chủ nhà hàng làm giầu bạc triệu. Trong các thực đơn của các nhà hàng danh tiếng Việt Nam, các món ăn chế biến từ thịt rừng luôn luôn có mặt, và được ưa thích.

Người Á Châu có thể nói là cái gì cũng ăn được. Trước đây, Hoàng Tế nước Anh, quận Công Philip, chồng bà nữ hoàng Elisabeth có nói: Họ ăn tất cả loài có cánh, trừ máy bay, tất cả loài có chân, trừ cái bàn… Lời nói của ông hoàng này bị chỉ trích năng nề vì nhục mạ người Á Đông.

Ngay từ khi tôi còn nhỏ, đã thấy tại Sài Gòn người ta bán dơi chín món, còn rùa rang muối, cua đinh, rắn, thì thường xuyên.

Không chỉ ăn thịt, người ta lại còn ăn mật của các thú rừng, pha với rượu , để làm thành một thứ nửa đồ ăn, nửa thuốc, để làm hưng phấn các ông bị chứng «trên bảo, dưới không nghe». Mật, thì có mật gấu, mật rắn hổ, mật khỉ, mật bò tót….mua bao nhiêu cũng có, tại Việt Nam ta.

Hiện nay, theo như người ta viết trên mạng, thì tại thành Hồ, nhiều nhà hàng cất giữ thịt rừng trong tủ lạnh lớn, bọc kín trong nilon, cứng như đá. Ai không thích thịt đông lạnh, thì có thể đặt hàng, sẽ có người cung cấp, có khi là cả một con khỉ còn sống.

Thuở còn trẻ, tôi rất thích món «rùa rang muối», nhưng sau này, được chứng kiến cảnh người ta rang con rùa còn sống nguyên, bất nhẫn quá, tôi bỏ, không ăn món này nữa.

Heo rừng là một thứ thịt được mọi người ưa chuộng. Hiện nay, vì nhu cầu, người ta kinh doanh bằng cách nuôi heo rừng. Không hiểu hương vị có kém heo rừng thiệt hay không.

Ngay cả con nhím cũng được chăn nuôi. Tại Thủ Đức, có trang trại nuôi hàng ngàn con nhím.

Điều đặc biệt rằng nói chung, thì thịt rừng ít mỡ, thịt săn, chắc, ăn lạ miệng. Người ta lại đồn thổi nhiều huyền thoại, không thể kiểm chứng, như bao tử nhím ngâm rượu, giúp việc tiêu hóa, chân nhím chưng, hầm thuốc bắc, bồi bổ sức khỏe, cho đàn ông.


Voọc Việt Nam

Nói đến thịt rừng, tưởng cũng nên nhắc tới một câu chuyện bên lề, liên quan đến con voọc. Voọc là một loại khỉ có mông trắng, và có nguy cơ diệt chủng. Một người Đức, tên Tilo Nadler sang Việt Nam năm 1991 để đi tìm con voọc. Ông đi tìm nhiều ngày trong rừng, chặt cây, chặt chuối, dựng lều trong vùng núi đá đợi voọc. Ông mỏi công tìm kiếm một thời gian rất lâu, không thấy bóng một con voọc nào. Ông thối chí, muốn bỏ cuộc. Nhưng sau cùng, ông cũng tìm được con vật hiếm quý này. Điều trớ trêu là con voọc ông tìm thấy, không phải trong rừng mà là trong một cái lồng. Con voọc bị thương và đang bị đem bán ngoài chợ!! Ông kể lại :

Đầu năm 1993, nhờ có người mách bảo, tôi đi chợ Nho Quan, và tìm được 2 con voọc mông trắng đang bị nhốt cùng nhiều động vật khác, tất cả đều mang thương tích.


Thật đẹp mặt cho người VN XHCN, đỉnh cao của nhân loại

Tôi không hiểu ai có can đảm ăn thịt con voọc này.

Điều an ủi là Nadler sang Việt Nam với mục đích tìm con vọc, nhưng sau đó ông tìm được một cô gái Việt Nam nhỏ tuổi hơn ông rất nhiều, kết làm chồng vợ, sanh con, đẻ cái, cũng nhờ cái con voọc này.


Con voọc đã vậy, nhưng có một con vật còn khủng khiếp hơn mà người ta cũng làm thành một món ăn độc đáo. Tôi muốn nói tới con dơi. Con dơi là một con vật xấu xí, ghê tởm, nhìn không có một chút cảm tình nào, tiếng kêu lại càng dễ sợ hơn. Vậy mà dân nhậu nhiều người ưa thích, nhất là món rượu huyết rơi. Dơi có nhiều loại, như dơi quạ, dơi sen, dơi chó, dơi hương. Người ta dùng vợt để bắt dơi, khi chập tối, chúng bay đi tìm mồi. Người bắt dơi phải biết cách thổi để dụ dơi đến. Thổi là bắt chước tiếng dơi kêu. Bắt được dơi, người ta cho vào giỏ đem về. Trước khi làm thịt, người ta cắt tiết dơi. Theo người sành điệu cho biết, huyết dơi có tính hàn, uống rất mát, pha vào rượu trắng, uống đã hơn rượu huyết dê hay huyết rắn. Khi làm thịt, không được rửa nước, vì làm như thế, sẽ mất đi mùi vị thơm ngọt. Dơi càng hôi thì thịt càng đậm đà. Dơi nướng chao là một trong những món ngon độc đáo miệt vườn. Nếu quý vị tò mò, sau đây là cách làm dơi: Chặt bỏ hai cánh và đầu. lấy 2 cục xạ trắng cứng dưới nách liệng bỏ, lột da, vứt bỏ bộ lòng. Thịt còn lại ướp với nước tương, chao đỏ, rượu, dầu mè, dầu hào, bột ngọt, sau đó cho dơi lên bếp than, nướng vàng đều, vừa nướng, vừa thoa mỡ. Dơi chín, thịt dơi vàng rộm. giòn, thơm, ăn một lần không thể nào quên được.

Ngoài món nướng chao, còn có dơi xào lăn, dơi nấu cháo. Cháo dơi ăn với giá sống, rau đắng đồng, cho ít chanh ớt, ngon tuyệt cú mèo. Món này giúp người già ngủ ngon, tiêu hóa tốt.


Một món nữa cần nói đến là mật con kỳ đà. Con kỳ đà sống ở núi rừng, loài bò sát. Kỳ đà được ưa chuộng là kỳ đà mốc, hay kỳ đà vằn. Con kỳ đà này thân dài đến 2 mét, mõm dài, cổ to, lưỡi chẻ đôi. Kỳ đà mốc có vẩy nhỏ, chân có móng sắc, trên thân có các vằn vàng và đen xen lẫn nhau. Người ta lấy mật con kỳ đà mốc, cho vào túi, treo trước gió, dùng vôi bột để hút ẩm, sau đó đem dùng, trị bá bệnh, kể cả bệnh suyễn, sài giật trẻ em, hay bệnh phụ nữ tắc kinh, ấy là y học Việt Công nói vậy, trong internet.

Không phải chỉ người Việt Nam mới ăn dơi, ăn kỳ đà. Người Phi Châu cũng ưa loại thịt này, nhưng không hiểu họ có uống huyết dơi và có ướp chao hay không, nhưng hiện nay, dịch Ebola, người ta đưa ra giả thuyết là dơi truyền virus Ebola cho người, tuy chẳng có gì chứng minh được đâu là sự thực. Chỉ biết là HIV và Ebola đều là những bệnh hiểm nghèo, do virus gây ra, rất khó điều trị, và là tai họa cho Phi Châu.

Khi tôi học Y Khoa, thấy nói đến nhiều virus trong cơ thể các loài bò sát, không làm phát bệnh ngay, nhưng phải nhiều năm sau đó.

Bây nhiêu đủ để thấy là lời phát biểu của Hoàng Tế nước anh, ông Philip là «có cơ sở» hay chưa, hay cần tìm kiếm thêm ??

Kết luận của bài này là chuyện thịt rừng còn nhiều điều ly kỳ hơn, nhưng bài viết đã khá dài, chỉ nên kêu gọi bà con : Bỏ ngay cái tật đó đi.

Khoa học đã chứng minh là những con vật hoang dã nhiều khi rất nguy hiểm cho sức khỏe chúng ta. Lại nữa: Mọi sinh vật đều có quyền sống, sao ta lại vì một chút khoái cảm, cắt đứt đời sống chúng đi. Nếu không còn gì để ăn nữa, thì còn hiểu được, đằng này, chúng ta còn có nhiều thức ăn khác. Cái gì chúng ta cũng ăn, thì có nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng.


Kẻ viết bài này không có mục đích làm văn nghệ hay bàn luận chuyện khoa học gì, chỉ muốn  bà con suy nghĩ lại, tránh một nguy cơ không ngờ trước được, có thể làm thiệt mạng hàng triệu người vô tôi đang sống đời anh lành bên cạnh chúng ta. Rất mong các bợm nhậu thông cảm.

Trần Mộng Lâm