Tuesday 14 October 2014

Bố của các con tôi - Đỗ Dung

Chả hiểu cái duyên tiền định ra sao mà tôi lại gật đầu khi chàng ngỏ lời hỏi tôi làm vợ. 

Chàng là dân Chu Văn An Hà Nội, từ thời xa xưa, từ khi trường còn tọa lạc ở phố Hàng Cót. Chàng theo nghề giáo lại hơn tôi một con giáp nên tôi thường gọi chàng là Anh Giáo Già. Tôi là dân Trưng Vương, lại là tay ăn quà có hạng; chàng, con nhà đứng đắn nghiêm túc, chẳng bao giờ ăn ngoài đường, ngay cả ở nhà cũng rất ít khi ăn vặt. Dân TV thì nổi tiếng hay lê la quà chợ, thoạt đầu đi theo tôi chàng còn nhìn trước, ngó sau vì sợ gặp học trò, vài lần quen nết thế là đi chơi khát nước là ghé xe đậu đỏ đầu đường; bánh cuốn Tây Hồ Dakao, tai heo mắm nêm ở chợ Vườn Chuối, bún ốc trong nhà lồng chợ Bến Thành... chàng cũng bị tôi kéo đi, cũng ngồi xuống xơi tuốt. Có hỏi thì chàng nói cũng hơi ngán gặp người quen nhưng sợ mất vợ đành phải liều và sau thấy cũng thú vị càn khôn.

Khi chúng tôi sanh thằng con trai, ai nhìn cũng khen thằng bé khỏe mạnh, đẹp trai và giống bố. Bà nội cháu phán ngay câu:

– Nó giống bố nhưng không bằng bố nó!

Sợ vợ buồn chàng tủm tỉm cười nói nhỏ vào tai tôi:

– Con mình sao bằng được con của cụ. 

Lấy nhau hơn ba năm, chúng tôi mới được hai đứa con, con bé lớn chưa đầy ba tuổi, thằng em chưa biết bò thì Tháng Tư đem tang thương cho cả nước. Chàng cũng phải đi cải tạo vì cái tội là quân nhân biệt phái. Gần năm trời mới nhận được lá thư với lời nói xa xôi: “Chiều chiều sau khi lao động tốt anh nhìn về ánh đèn thành phố mà nhớ em và con vô cùng”. Cả nhà ngồi giải mã đoán là trại tập trung không xa Sài Gòn. Khi được phép thăm nuôi thì đúng là chàng học tập ngay ở Thành Ông Năm, Hóc Môn. 

Anh Giáo Già thật thà như đếm. Khi gửi tiếp tế vào trại tôi có dán tờ năm chục tiền Cụ sau lưng khung ảnh polaroid của thằng con, cuộn tờ hai chục vào giấy nilon rồi nhét xuống đáy hũ mắm ruốc, viết thư căn dặn là khi nào mệt nhọc cứ đem hình con ra mà ngắm, lọ mắm ruốc ráng tiện tặn ăn để giữ sức khỏe. Thế mà chàng cứ đem hình con ra ngắm mãi đến gần ngày được phép thăm nuôi chính thức mới tìm ra chân lý.

Ngày mấy mẹ con đi thăm tù lần đầu tiên mới thảm. Chàng như bộ xương khô trong bộ đồ nhà binh cũ. Con bé cứ vuốt mặt bố mà than: “Sao bố lạ quá, bao giờ bố mới học xong?” Quay qua tôi chàng dặn: “Em cố lo làm ăn với dì Hạnh, dì Thuận mà nuôi con còn anh đã có nhà nước lo rồi” (hai cô em ở bên Mỹ) và nói nhỏ vào tai tôi: “Hòm thư của anh là bảy năm không chín” ( sự thực là 7590) Sợ cơm nấu mãi không chín thì không chắc có ngày về. 

Rồi cũng đến ngày được thả, năm ấy thằng con trai của chúng tôi mới lên bốn, học mẫu giáo trường Bác Ái. Thằng bé hiền lành như củ khoai, chẳng hề gây hấn với ai, chỉ quanh quẩn chơi với chị và các dì, các cậu nhỏ. Một hôm đón con về tôi thấy con bị cào cấu xước mặt mũi. Thương con xót cả ruột, sáng hôm sau khi đưa con đến trường tôi vào lớp gặp cô giáo để hỏi nguồn cơn, cô ta hứa sẽ để ý. Buổi chiều đến đón con về thấy thằng bé bị cào cấu, đấm đá nặng hơn. Không những sứt mặt mà còn bầm cả hai cánh tay. Vừa giận, vừa thương con, tôi đem con vào hỏi ngay cô giáo và bà hiệu trưởng. Hai người rối rít xin lỗi, nói là chuyện xảy ra vào giờ các cháu ngủ trưa nên họ không biết! Thỉnh thoảng lại thấy con không bị cào mặt thì cũng sưng môi! 

Sau đó tôi thấy hai cha con cứ đưa nhau lên sân thượng, thằng bé lén lén nhìn mẹ, còn bố nó thì cứ nói “Em để anh dạy con”.
Ngày nào sau khi đi học về cũng thấy hai cha con ngồi thủ thỉ. Tôi thấy thằng bé không bị thương tích gì nữa nên cũng không quan tâm. Khoảng vài tuần sau, cô giáo chờ sẵn lúc tôi đến đón con thì ra nói rằng dạo này thằng bé “hung” quá, ngày nào cũng đập lộn (sao tôi không thấy dấu vết?)

Về nhà kể lại cho nhà tôi thì chàng cười gọi con ra nói: “Thôi đủ rồi nhé, từ mai con khỏi nộp nữa”. Tra hỏi thằng bé thì nó kể là ngày nào hai bố con cũng lên sân thượng tập võ mà bố dặn không được nói với mẹ, mới đầu bố ngồi cho con đánh, thằng bé tha hồ đấm đá bố, sau đó bố mới dạy con cách đánh thế này, đấm thế kia... Khi thấy con nhuyễn rồi bố bắt con nộp bố mỗi ngày một mạng (!)
Tôi trách chàng tại sao lại dạy con kiểu đó thì chàng nói: “ Chuyện trẻ con phải để chính trẻ con giải quyết “ và: “ Phải cho nó tự tin vì có tự tin nó mới không sợ và không đứa nào dám đụng vào nó nữa”. Từ đó thằng bé không còn bị bắt nạt, thấy đứa nào yếu mà bị ăn hiếp anh cu ta còn ra tay nghĩa hiệp. 

Khi chàng đã thành ông ngoại, ông nội, ngày ngày phải chăn hai thằng cháu lên năm và lên bảy, một hôm hai đứa cù nhằng, cù nhầy với ông, ông bắt nằm xuống quất cho mỗi đứa ba roi quắn mông, hai thằng mếu máo vào mách bà. Ngược lại mỗi lần thành tích biểu được toàn A thì ông cho cháu làm “Boss” của ông một bữa.

Tôi cũng ngại không biết ý tứ con rể, con gái ra sao. Hỏi chúng nó thì cô con gái nói: “Chúng nó hư ông cứ đánh thoải mái, miễn là đừng đánh ngoài đường, có đứa nào mét thì ông mệt”.

Anh Giáo là dân sư phạm chính gốc, không biết chàng ta áp dụng phương pháp sư phạm nào mà chỉ thấy là “IT WORKS!”

Bây giờ đã đến tuổi về hưu chúng tôi ở nhà chăm lo các cháu, nhà tôi rất chịu khó tập thể thao, khi nhận được đĩa Suối Nguồn Tươi Trẻ chàng tập rất đều đặn không bỏ một ngày nào, chàng tập đủ năm thế, mỗi thế hai mươi mốt cái, kết quả rất khả quan. Khi một anh bạn đến chơi chuyện vãn là các nhà sư Tây Tạng hàng ngày tụng kinh theo thế xoay vòng tròn, càng xoay nhiều càng tốt, chàng thử tập lên, quay đến năm mươi cái vẫn không chóng mặt, chàng chơi luôn một trăm cái! Cứ thế quay đều cả tháng trời. Đến một hôm tự nhiên ngủ dậy thấy choáng váng, mọi vật quay vòng không phải theo chiều ngang mà quay tròn từ trên xuống dưới. Chàng hoảng quá ngưng tập xoay, uống đủ thứ thuốc. Đi Bác sĩ thì BS nói bị “pressure” trong tai. Khi tạm bớt lại đọc trên internet có phương pháp tập khí công, thế là lại ráo riết luyện công và thêm tập thở bụng. Bệnh chóng mặt thuyên giảm nhưng đầu óc vẫn lùng bùng không như cũ.

Một ngày chàng đang mặc quần đùi ngồi dậy hai thằng cháu ngoại, thấy hơi lạnh cẳng nên đứng lên xỏ chân vào chiếc quần dài, bất ngờ chiếc ghế đổ, chàng không biết còn lên tiếng quát mắng cháu làm ồn rồi thản nhiên ngồi phịch xuống đất... Trời giáng! Hồn vía lên mây, anh con rể đến đỡ bố lên cũng xanh máu mặt. Ai dè chàng đứng lên tỉnh bơ cười khà khà thấy như kinh mạch được đả thông, hết ù tai lẫn chóng mặt. Bây giờ lái xe thoải mái chứ không e ngại như năm ngoái.

Một ông bạn nghe kể ngẫu hứng làm tặng bài thơ: 

Ông Thọ ơi, ông Thọ!
Tên ông là “sống lâu”,
Còn luyện công lắm thứ,
Muốn bất tử hay sao?
Luyện xong Hiệp Khí Đạo
Đất trời đã lao đao,
Luyện Suối Nguồn Tươi Trẻ
Khí lực càng thêm cao.
Hai mốt vòng đủ quá,
Lại ham quay ngót trăm!
Tránh sao không tẩu hoả
Đến mặt mày tối tăm!
Nếu không nhờ bàn tọa
Đỡ khối thịt của ông
Giúp kinh mạch giải tỏa,
Chắc là ông... không xong!
Chúc mừng ông thoát họa
Nhưng xin mách thêm đây:
Lần sau còn tẩu hỏa,
Phải nhớ thực hành ngay.
Nhớ ngồi phịch xuống đất
Để bà chị nắm đầu
Nhấc lên rồi thả mạnh,
Bảo đảm khoẻ lại mau!
D.H.Minh 

Có ông bà tình nguyện trông nom các cháu hai cô con gái và con dâu chúng tôi thi nhau đẻ, khi chúng tôi về mới có ba đứa bé nay nhân số gia tăng, chúng tôi có cả thảy sáu cháu, ba cháu nội, ba cháu ngoại. Lợi dụng thời cơ hai đứa lại rủ mua nhà gần nhau để ông bà trông nom một thể. Thế là ông làm xe chuyên chở học sinh, chạy như đèn cù, cả ngày lo việc đưa rước. Những lời nói ngọt ngào khi xưa biến đâu mất, chỉ thấy gắt gỏng nhặng xị. Thêm tật lãng tai nên nói thì hét như còi tàu hỏa vì tưởng rằng ai cũng điếc!

Tôi có nhắc nhở: ”Mắm Mắm… lại gắt gỏng như mắm” Thì chàng ngỏn ngoẻn giả lả: “Hình như là lẩu mắm, bún mắm cũng ngon lắm… hì hì hì”.
 

Đỗ Dung