Tuesday, 14 October 2014

CICERO VÀ TIỂU LUẬN DE SENECTUTE, VỀ TUỔI GIÀ - người lính già oregon

      Lần trước, NLGO tôi đã tản mạn nhiều chuyện về những người đẹp đã, đang, hay sắp già, trong vế thứ nhất của câu nói rất quen thuộc: Mỹ nhân tự cổ... Hôm nay xin gửi quý bạn một bài điểm sách về tuổi già, và đối tượng được hiều là các cụ ông, thuộc vế thứ hai ...như danh tướng, mà các triết gia Tàu bắt không cho nhân gian kiến bạch đầu. Vào thời của họ, hai câu thơ ấy có giá trị triết lý thực tiễn, pha màu lãng mạn, để trở thành danh ngôn. Ngày nay, với sự tiến bộ của ngành Y-Dược, với dao kéo, Botox và thuốc nhuộm tóc, người ta sống dai lắm, trên bảy bó vẫn được xem còn trẻ, cho nên suy nghĩ của chúng ta về câu ấy và câu “thất thập cổ lai hi” phải xét lại. Lên Mạng Ảo, ta phải đọc mệt nghỉ những bài viết về tuổi già, bệnh người già, tâm lý người già, tình dục người già, tuổi già cô đơn, tuổi già hạnh phúc, và về những hệ quả, tỷ như nhà dưỡng lão, nursing home, Medicare, hội cao niên, phòng tập dưỡng sinh, tài chi, yoga, thậm chí, song song với bác sĩ nhi khoa, phụ khoa, còn có những bác sĩ lão khoa (gérontologue) chuyên trị tim gan phèo phổi ruột thận cho các cụ.

Chưa kể, những dịch vụ quảng cáo gửi đến tận nhà thân chủ từ 50 trở lên, nào là máy điếc, đo đường, đo áp huyết, nào là lò hỏa thiêu, nhà quàn, nghĩa địa nào rẻ, và gần nhà nhất v.v... Mới đây, một tờ báo giới thiệu chiếc “ghế bình an”, do hãng Unicare Nhật thiết kế, dành cho các cụ già neo đơn, ngồi vào là được một cháu búp bê ôm trong vòng tay ấm, và cháu này thỉnh thoảng lên tiếng nhắc các cụ uống thuốc, đi tiểu tiện. Hoặc một bài báo của một bác sĩ  quan đến chất đạm Whey rẻ hều, bổ hơn sâm nhung, rất tốt cho tuổi già. Không thiếu món gì. Rồi thuốc Viagra, Cialis, từ Canada, India, tam tinh hải cẩu bổ thận hoàn tại tiệm thuốc bắc thuốc nam, ngầu pín tại các tiệm ăn Tàu. Được làm người già ở ngoại quốc sướng quá trời, khác hẳn với các cụ ta đang sống bầm dập, cơ cực, bị hất hủi, lãng quên dưới chế độ gian ác, phi nhân của lũ Việt Cộng.

      Thường thì người già buồn nhiều hơn vui, so với người trẻ, về nhiều phương diện. Lo lắng, ưu phiền, cô đơn, tủi thân, chán chường, mà quên rằng thời trẻ mình cũng đã yêu đời ra rít như ai. Về điều này, tiện nhân thấy cảm động bởi hai câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến khóc cụ bạn Dương Khuê vừa mất: Tuổi già hạt lệ như sương /  Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan.  Thế Lữ sau này cũng viết một câu tương tự, nhưng không hay bằng, vì thiếu ngữ thơ: Không khóc, vì chưng mắt đã khô. Tuy nhiên, nhiều người không nhìn tuổi già một cách bi quan như thế. Chẳng hạn, Đức Giáo hoàng François, 78, ngày Chúa Nhật 28/9 vừa qua, tại Vatican, đã mừng Lễ Người Già, cùng với cựu Giáo hoàng Benoît XVI, 84, và một lô chức sắc. Trong bài diễn văn, trực tiếp trên TV bằng tiếng Ý, ngài bày tỏ mối quan tâm đối với người già, và đặc biệt, “luôn ước mong được sống chung tại Vatican với một ông già đầy khôn ngoan, như Giáo hoàng Benoît”. Liên Hiệp Quốc cũng đã chọn ngày 1 tháng 10 làm Ngày Người Già. Mỹ và các nước khác không biết đã có ngày này chưa? Tất cả làm tiện nhân nhớ trong thời cổ đại, một văn hào Latin, cách chúng ta gần 22 thế kỷ, đã không những ca tụng, mà còn viết hẳn một tiểu luận dành riêng cho tuổi già mến thương: Đó là Cicero.

I. Tiểu sử:

Cicero

      Cicero (Marcus Tullius Cicero, tiếng Pháp phiên âm là Cicéron, tên Latin phát âm tại Pháp hay Mỹ theo hai cách: xi-xê-rô hoặc ki-kê-rô), là một nhà hùng biện tài danh, chính trị gia nổi tiếng, và nhà văn Latin cổ điển lỗi lạc, sinh năm 106BC tại thị trấn Arpinum, cách Rome khoảng 50 dặm, thuộc một gia đình thứ dân, chưa ai giữ chức lớn trong chính quyền trước đó hoặc đương thời. Bước chân vào chính trường khi còn trẻ, Cicero được xem là một “người mới” (novus homo), nên cảm thấy bao nhiêu chông gai trước mắt, nếu muốn vươn lên. Năm 75BC, ông được bổ nhiệm vào chứcquaestor, tước quan điều hành tài chính tại tỉnh đảo Sicile, được dân chúng tin tưởng, đến nỗi năm năm sau, 70BC, họ phải chạy đến nhờ ông tố cáo giùm viên “thống đốc” tham nhũng tên Verres của họ. Ông soạn sẵn năm bài để “đánh” (in Verrem), nhưng chỉ mới đọc xong bài đầu, Verres đã phải bỏ trốn, và không bao giờ trở lại Sicile. Sau đó, năm 63BC, ông nhanh chóng tiến lên nấc thang danh vọng cao nhầt là chức consul (một trong hai thẩm phán có quyền hạn tối thượng, nhiệm kỳ một năm). Trong năm ấy, ông phải đương đầu với âm mưu đảo chánh của Catilina (in Catalinam), một nhà quý tộc bất mãn vì không được bổ nhiệm làm consul. Âm mưu bị phá vỡ, Catilina trốn chạy và những đồng lõa bị xử tử hình.

      Thập niên 50BC, quyền lực của César bắt đầu vững mạnh, và Cicero, mặc dù kính trọng, nhưng không ưa thích César, cho nên lui về ở ẩn, và trong thời gian này ông hoàn thành hầu hết những tác phẩm quan trọng. Sau đó xảy ra sự tranh giành quyền hành giữa hai người hùng César và Pompée, và họ kết hợp với Crassus nắm quyền lãnh đạo đất nước, dưới danh xưng triumviri, tức tam đầu chế. Cicero lúc đầu phân vân, cuối cùng quyết định ủng hộ Pompée, theo ông này đến Hy Lạp, và sau khi Pompée thua trận Pharsale năm 48BC, ông trở về Ý tiếp tục sống ẩn dật cho đến khi César bị ám sát năm 44BC –biến cố đẫm máu làm ông kinh hoàng, vì dù là bạn với thủ phạm Brutus, ông ghê tởm sự tàn bạo của nó. Một lần nữa, ông chọn sống ẩn dật, và viết hai tiểu luận Cato Maior de Senectute, Về Tuổi Già, và Laelius de Amicitia, Về Tình Bạn, cùng với một số tác phẩm triết học khác. Khi ba người hùng mới, Octave (tức Octavien, con nuôi của Jules César, sau khi thắng trận Actium, 31BC, đã lên ngôi hoàng đế tiên khởi dưới tên Augustus), Marc-Antoine (tức Marcus Antonius, người tình của Cléopâtre) và Lepidus thành lập đệ nhị triumviri, Cicero theo phe Octavien. Chẳng những ủng hộ Octavien, ông còn viết 14 bài tấn công Marc-Antoine dữ dội (Philippiques), chuốc lấy hận thù của ông này. Sau đó, Octavien và Marc-Antoine tạm thời bắt tay nhau và cùng nhau thiết lập một danh sách những công dân bị đặt ngoài vòng pháp luật. Octavien làm mọi cách để gạt tên Cicero ra, nhưng Marc-Antoine còn quá căm giận, không chịu, và Octavien bỏ mặc với sự hối hận khôn nguôi vì cảm thấy mình quá hèn nhát. Cicero tính chuyện đi trốn, nhưng bị một học trò tâm phúc phản bội, và ngày 7 tháng 12 năm 43BC, bị bọn thủ hạ của Marc-Antoine đến bắt, chặt đầu và hai bàn tay, đem đi đóng đinh tại Công trường Rome (Forum Romanum) theo lệnh chủ –hành động dã man mà người Romains, dù tình cảm rất hời hợt, cũng phải kinh hãi và không bao giờ tha thứ.   
                                
II. Tác phẩm:        
                                                                                   
      Cicero được xem là một nhà văn lớn –về lời văn trong sáng, lập luận vững vàng, cũng như giá trị đạo đức cao về nội dung và cách nhận định– của nền văn chương cổ điển Latin, từ 70BC đến AD14, cùng với hai thi hào đương thời, Horace (người đã đem thể thơ trữ tình của Hy Lạp áp dụng thành công vào thơ Latin) và Virgile (tác giả thiên anh hùng ca tuyệt vời, L’Énéide), sau khi lãnh thổ Rome được vươn dài và ổn định và văn chương Latin trở thành cực thịnh với những tên tuổi lẫy lừng khác. Tác phẩm của Cicero đồ sộ, phong phú và đa dạng, gồm: a) 81BC-44BC, khoảng 58 bài mà người đời sau còn giữ được trong số 88 diễn văn và biện hộ, pro (cho, ví dụ  pro Sulla) và in (chống, ví dụ in Verrem), b) 84-44BC, 6 tiểu luận còn được giữ về thuật hùng biện (ars oratoria), trong đó có, chẳng hạn, De inventione (phương cách lý luận để thuyết phục người nghe) và De oratore (về nhà hùng biện, tài diễn thuyết), c) 54BC-44BC, 45 tiểu luận triết học, tất cả được viết trong thời gian ông tự rút lui khỏi chính trường, sống ẩn dật: De Republica (Về Nền Cộng Hòa), De legibus (Về Luật pháp), De natura Deorum (Về bản thể của các Thần linh), De divinatione (Về thuật chiêm đoán, tiên tri), Paradoxa Stoicorum (Mâu thuẫn của phái Khắc Kỷ), và tiểu luận Về tuổi già, dĩ nhiên, mà ta sẽ bàn sau... d) Thư tín (epistula), rất phong phú, dàn trải suốt cuộc đời ông, nhưng chỉ còn lại 800 lá vừa công vừa tư, và 100 thư trả lời, từ cuối 68BC đến năm ông chết, tức 43BC, được gửi cho nhiều người khác nhau. Những lá thư này cho thấy sự chuyển biến và thay đổi của ông về quan niệm triết lý, lập trường chính trị, sự liên hệ tình cảm giữa ông và một số người đương thời, và cùng với những bàidiễn văn, cung cấp cho lịch sử những bằng chứng hùng hồn về các khía cạnh khác nhau của thời đại ông đang sống. e) thơ: Cicero còn là một thi sĩ, và hầu hết những bài thơ được làm vào tuổi đôi mươi, hoặc sau khi ông “hòa giải” với César (De temporibus meis, Về những thăng trầm của đời tôi, 56BC, 3 tập, được gửi cho César xem và được khen ngợi). Dĩ nhiên, so với Virgile, Horace, Ovide, Propertius, hay Catulle, những vì sao bắc đẩu trong thi ca Latin, thi sĩ Cicero chỉ ngồi chiếu dưới.

      Là triết gia, Cicero không có tư tưởng gì độc đáo. Chỉ là một kết hợp quan niệm và lý thuyết từ những triết gia Hy Lạp mà ông đã học, đã đọc, và được hệ thống hóa, đem thực hành trong một môi trường nhiễu nhương và thù hằn, mà người ta phải đương đầu, như Rome lúc ấy. Tựu trung, ông theo ba trường phái triết lý rất thịnh hành vào thời ông: a) Platon vàL’Académie thành lập tại Athènes (được người đời sau đổi tên thành La Nouvelle Académie) với chủ trương dung hòa, không vội phê phán, đưa ra kết luận ngay, và thiện ý chấp nhận mọi lý thuyết thích hợp của những trường phái khác, b)phái Khắc Kỷ (Stoïciens), với quan niệm đạo đức và dấn thân vào công vụ như là cứu cánh cao đẹp cho sinh hoạt của một người, c) phái Khoái Lạc chủ nghĩa (Épicuriens) mà mục tiêu chính là kiếm tìm lạc thú làm ông bận tâm, lo lắng, nhưng ông nói, nếu được định nghĩa đúng thì khoái lạc là mục đích quan trọng của đời sống.

III. De Senectute, Về tuổi già:

A. Cicero viết tiểu luận Về Tuổi già lúc tuổi 62 (như vậy là già rồi vào buổi “thất thập cổ lai hi”), giữa những xâu xé chính trị của nền Cộng Hòa Rome và sự lo âu cho chính bản thân. Ông gửi tặng người bạn thân thiết nhất, Titus Pomponius Atticus, lớn hơn ông ba tuổi (109-32BC), một “đại gia”, một đồ đệ của Khoái Lạc chủ nghĩa –chủ nghĩa mà Cicero không mặn mà với– để nâng đỡ tinh thần bạn mình trước tuổi già và cái chết, nghĩa là qua đó tự an ủi chính mình. Ngoài ra, chính trong thời gian sống khủng hoảng và sợ hãi này, Cicero đã viết đa số những tác phẩm triết lý với tinh thần tự do, phóng khoáng, tao nhã và cao thượng.

     De Senectute là tiểu luận được viết, cũng như De Amicitia, dưới thể đối thoại –mà văn chương thời đó, tại Athènes hay Rome, rất ưa chuộng cùng với kịch nghệ. Ba nhân vật trong cuộc đối thoại tưởng tượng này về tuổi già là hai người bạn trẻ tên Lélius và Scipion, và Cato Maior (Marcus Porcius Cato, còn gọi là Caton l’Ancien, 234-149BC), lúc ấy 84 tuổi, đã biết thế nào là kiếp già. Xin trích và dịch một đoạn nhỏ trong phần mở đầu:

      I. "O Tite, si quid ego adiuero curamue leuasso, quae nunc te coquit et uersat in pectore fixa, ecquid erit praemi? [...] Et tamen te suspicor eisdem rebus quibus me ipsum interdum grauius commoueri, quarum consolatio et maior est et in aliud tempus differenda. Nunc autem uisum est mihi de senectute aliquid ad te conscribere. Hoc enim onere, quod mihi commune tecum est, aut iam urgentis aut certe aduentantis senectutis et te et me etiam ipsum leuari uolo; etsi te quidem id modice ac sapienter, sicut omnia, et ferre et laturum esse certo scio. Sed mihi, cum de senectute uellem aliquid scribere, tu occurrebas dignus eo munere, quo uterque nostrum communiter uteretur. Mihi quidem ita iucunda huius libri confecto fuit, ut non modo omnis absterserit senectutis molestias, sed effecerit mollem etiam et iucundam senectutem. Numquam igitur satis digne laudari philosophia poterit, cui qui pareat, omne tempus aetatis sine molestia possit degere. Sed de ceteris et diximus multa et saepe dicemus; hunc librum ad te de senectute misimus”[...] 

      “Titus ơi, nếu tôi đến giúp bạn và đánh tan những lo âu đang làm lòng bạn giao động, bạn sẽ thưởng công tôi như thế nào? [...] Tuy nhiên có những điều buồn mà tôi tưởng tượng cũng làm bạn thở than như tôi; hàn gắn những vết thương như thế không phải là một việc dễ mà tôi muốn nhận làm hôm nay. Bây giờ tôi chỉ tự nguyện bàn với bạn về tuổi già. Tôi muốn cả hai chúng ta trút đi gánh nặng chung của tuổi già đang đe dọa hoặc đã thúc bách chúng ta; mặc dù tôi biết bạn chịu đựng gánh nặng đó, giống như tất cả những người khác, một cách khoáng đạt và không buồn phiền, và bạn luôn luôn có sự khôn ngoan đó: nhưng vì tự nguyện viết về tuổi già và tìm xem ai là người xứng đáng để tặng một công trình mà chúng ta có thể hưởng được kết quả chung, thì chính hình ảnh bạn đã hiện ra trong trí tôi. Bố cục của quyển sách này đối với tôi là điều thích thú đến nỗi không những nó làm tan biến trước mắt tôi những phiền toái của tuổi già mà còn cho tôi thấy tuổi già dễ thương và dịu dàng. Không bao giờ người ta có thể ca ngợi đủ một triết lý nào mà, đối với người nghe, chịu bỏ đi tất cả những cay đắng của mọi tuổi trong đời. Tôi đã nói nhiều và sẽ còn nói nhiều hơn nữa khi có dịp về những tuổi khác: tuổi già là đề tài của quyển sách tôi gửi cho bạn [...]”

      Dĩ nhiên, trong một bài điểm sách ngắn ngủi, tiện nhân không thể dịch hết một tiểu luận dài 40 trang gồm 23 đoạn, mà chỉ xin tóm lược ý chính. Thực ra, đây không hẳn là một cuộc đối thoại, mà đúng hơn, là mẩu độc thoại của Cato  –những người khác chỉ được dùng như cái cớ, hoặc bàn đạp, để Cato, và qua Cato, chính tác giả Cicero, có dịp trình bày quan niệm của mình về tuổi già. Cato l’Ancien là một nhân vật lịch sử của Rome được giới trẻ ngưỡng mộ và tin cậy như thần tượng.

      Tựu trung, đối với Cato, tức Cicero, có bốn vấn đề mà cổ nhân đã và sẽ luôn luôn trách cứ và than phiền về tuổi già –điều mà Cato cho là tầm bậy, vô căn cứ, và phản bác lại, dựa trên kinh nghiệm cá nhân và những bài học triết lý, phong tục của Rome và đời sống của nhiều người Romains trước đó, bắt đầu với Appius Claudius, và kết thúc với hai triết gia Hy Lạp Socrate và Platon.

1) Tuổi già làm con người xa lánh công việc (VI, A rebus gerendis senectus abstrahit): Về lời trách cứ này, Cato trả lời ngay: Nếu không đủ sức đảm đang công việc của người trẻ thì người già cũng có thể nhận nhiệm vụ khác, có khi quan trọng hơn. Gia đình và chính quyền cần sự thận trọng, khôn ngoan của tuổi già. Tất cả mọi việc cần được giải quyết bởi những lời khuyên bảo đúng đắn, và cái gì làm một người già trở thành cố vấn tốt, nếu không phải là sự chín chắn của tuổi? Vả lại, ngay cả khi không tham gia việc công, một ông / bà già cũng không thiếu cơ hội hoạt động tích cực, đó là học hỏi cho cá nhân và bắt trí óc làm việc, như Solon [NLGO: một luật gia Hy Lạp đã sửa đổi hiến pháp Athènes để chính quyền có căn bản rộng rãi và công bằng hơn] là người yêu thích học thêm mỗi ngày trong tuổi già.

Lời bàn: Người già nên hoạt động bằng trí óc. Chí lý thay! Làm thơ, viết văn, hoặc thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng, nhà thờ, nhà chùa, trường học v.v..., hoặc mỗi ngày mở emails, đọc và làm ơn trả lời, dù chỉ một lời làm tan nát lòng nhau. Tất cả, để khỏi bị sa vào tay hung thần thời đại, có tên là Alzheimer, tức bệnh lú lẫn. Cũng vậy, những văn nhân, thi sĩ nổi tiếng thường viết sách, làm thơ trong thời gian rời khỏi thế sự. Lấy ví dụ tiêu biểu: Montaigne (1533-1592), văn sĩ Pháp thời Phục Hưng, tác giả ba tập Les Essais, trong đó ông ghi chép những cảm nghĩ cá nhân sau khi đọc những tác phẩm của nhiều văn gia, đặc biệt của Cicero, Platon, Socrate. Trong những lúc tuyệt vọng và cô đơn tại lâu đài, nơi ông lui về ở ẩn, ông nhận thấy viết là một nhu cầu cấp bách và lấy đề tài, nhân vật từ chính ông (cf. Essais, II, 8). Cùng thời với Montaigne, bên ta, có Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) với Bạch Vân am tập, gồm những bài thơ Nôm, ca tụng chữ nhàn và phong hoa tuyết nguyệt: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ / Người khôn người đến chốn lao xao là vì vậy. Còn hàng trăm văn thi nhân khác trên thế giới, ở mỗi thời đại, cũng vui thú hưởng tuổi già như thế. Trong số phải kể Victor Hugo (1802-1885), nhà văn, nhà thơ vĩ đại của nền văn chương Pháp, cho đến gần cuối đời vẫn yêu, vẫn viết, vẫn hoạt động chính trị.  
                
      Về sự khôn ngoan của tuổi già, điều đó hiển nhiên, không chối cãi. Bây giờ, ở các cộng đồng, người trẻ thường tình nguyện đứng ra gánh vác việc chung, ăn cơm nhà vác ngà voi, thay cho người già yếu sức. Rất tốt. Tuy nhiên cũng có một số người trẻ đôi khi coi thường, rẻ rúng người già, cho là lỗi thời, cố chấp, thủ cựu, lẩm cẩm, thậm chí nhà quê, và ngược lại, một số người già cho người trẻ là kiêu căng, hỗn láo, thiếu kinh nghiệm. Mâu thuẫn giữa già và trẻ, che giấu hay công khai, trong các cộng đồng hải ngoại là có, đừng lẩn tránh sự thật. Ví dụ, Ban Chấp Hành lựa vài ông già làm cố vấn cho có lệ, nhưng lờ đi ý kiến của họ, khiến họ thấy bất mãn, buông xuôi, âm thầm chịu đựng vì sợ nói ra, người trẻ buồn bỏ việc, sẽ không kiếm ai lo cho cộng đồng. Ví dụ nữa, ở một vài cộng đồng khác, các ông già, đa số là cựu quân nhân, đề nghị nên lấy danh xưng Cộng đồng người Việt tỵ nạn (Vietnamese Refugees), thay cho Cộng đồng người Việt gốc Mỹ (Vietnamese-Americans), để tuyên dương lý tưởng quốc gia cao cả, lòng yêu chuộng tự do của người Việt tỵ nạn, khác với những cộng đồng thiểu số khác đến Mỹ vì muốn tìm miếng cơm manh áo. Nhưng khi biều quyết, những người trẻ, sinh trưởng hoặc lớn lên tại ngoại quốc, không chịu hiểu như vậy, không cho điều đó quan trọng, đã bác bỏ. Vân vân...

2) Tuổi già lấy mất sức lực của một người (IX, Ne nunc quidem uires desidero adulescentis...)Cato trả lời rằng, đúng thế, tuổi già làm giảm đi sức lực thể xác, nhưng ông không bao giờ thấy nó làm hư hại sức lực tinh thần. Tập thể dục không thích hợp với các cụ ông, cụ bà, và luật pháp cũng như phong tục không bắt họ biểu dương sức mạnh thể xác. Nhưng nếu khi còn trẻ ta không làm hao mòn sức khoẻ do trụy lạc, thì vào tuổi xế bóng ta vẫn còn tìm thấy đủ nghị lực để góp ý kiến, lo cho việc nhà, việc nước, và nhất là soi sáng và hướng dẫn những người trẻ –là một việc tốt đẹp nhất của một lão gia. Không ai chối cãi thời gian cuối đời là một sự tàn suy về thể xác cũng như tinh thần; nhưng phải chiến đấu với nó để khỏi bị đè bẹp bởi điều mà người ta cứ tưởng là gánh nặng thời gian –chỉ thấy trên đôi vai gầy của những kẻ yếu đuối.

Lời bànLặp lại một phần ý #1 trên. Vào thời Cicero, dĩ nhiên, không có những trung tâm thể dục, La Fitness hay Cascade, với những máy đi bộ, xe đạp tại chỗ, treadmill v.v... như bây giờ. Không có bác sĩ bắt bệnh nhân tập thể dục cho hạ cholesterol, hạ đường, tiêu mỡ, không có những bệnh gây nên bởi thực phẩm “văn minh” đầy hóa chất, đặc biệt made in China, mà ai cũng kinh sợ. Mà chỉ có những nơi tập luyện cho cơ thể cứng cáp, cường tráng, vai u thịt bắp, thích hợp với thanh niên, lính tráng, nhất là ở Rome, một đế quốc chuyên đi chinh phục thiên hạ và rất mê đấu trường (harena) và những trận giác đấu (gladiator). Cho nên, Cicero mới có lời khuyên các cụ không nên tập thể dục trong nghĩa trên, sợ bị tẩu hỏa nhập ma. Chứ nếu tập cho khỏe, tùy theo sức lực, tuổi tác thì có sao đâu?

3) Tuổi già tước đoạt sự khoái lạc (XII, Sequitur tertia uituperatio senectutis, quod eam carere dicunt uoluptatibus): Nếu đó là khoái lạc thể xác (uoluptatem corporis), thì chúng ta, Cato nói, nên cám ơn tuổi già, thay vì kết án nó. Vì sao?  Vì nó giải phóng ta khỏi ách độc tài tàn ác của đam mê  –làm tàn suy tâm hồn, đui chột tinh thần, ném ta vào những dày vò khổ nhục. Để thay thế, còn có những cách hưởng (khoái) lạc một cách yên tĩnh, nhẹ nhàng, tuyệt diệu mà tuổi già có thể tìm thấy. Cato không sống như một lão gìa buồn khổ trên đất đai miền Sabine của ông. Ông hưởng niềm vui và tự tạo những lạc thú mà dân dã đã biết trước khi có nền văn minh tinh tế, mà ngưới ta gọi là lạc thú đơn giản của thời xưa. Vả lại, ông khẳng định vẻ quê mùa của ông không phải là cổ lỗ, thiếu lịch sự. Nhưng đối với ông, còn có những khoái lạc cao hơn tất cả những khoái lạc mà tuổi trẻ quan tâm và thuộc về mọi lứa tuổi. Đó là khoái lạc tinh thần, càng gây thú vị hơn khi càng được hưởng nhiều hơn. Chúng ta cũng đừng quên số đông dân quê đang sống trên đồng nội và sự hấp dẫn của một cuộc sống xa rời vòng danh lợi ồn ào, để chiêm ngưỡng những kỳ quan của thiên nhiên, bận rộn và chu đáo, tâm hồn bình an, không bị chi phối bởi nỗi phiền lo nào.

Lời bàn:  Ta nên hiểu “khoái lạc” mà Cicero nói người già bị “tước đoạt” trong nghĩa xác thịt, tức nhục dục. Montaigne, tự về hưu và cho mình già lúc mới 37 tuổi, vào năm 1570, còn sung sức, đã phản đối mạnh mẽ ý kiến của Cicero, thì cũng dễ hiểu thôi. Montaigne viết: “C’est injustice d’excuser la jeunesse de suivre ses plaisirs et défendre à la vieillesse d’en chercher” (Essais, II, 9: "Thật là bất công khi dung thứ cho tuổi trẻ theo đuổi khoái lạc nhưng lại cấm tuổi già đi tìm nó”). Tuy nhiên, Cicero cũng đúng khi cho rằng “tuổi già tước đoạt sự khoái lạc”, vào thời của ông. Nghĩa là, ông hàm ý, theo định luật sinh lý tự nhiên, tình yêu và đòi hỏi xác thịt giữa đôi nam nữ rất cao khi còn trẻ, vì có vậy, loài người mới được tồn tại. Về già, ham muốn nhục dục giảm đi, teo dần, cho đến khi không còn gì hết. Lão ông than phiền về vấn đề “trên bảo dưới không nghe”, trơ gan cùng tuế nguyệt, còn lão bà sợ chuyện ấy như sợ... chuột cống.

      Đến đây thì Cicero không đúng nữa. Vì vào thời hiện đại, có thần dược Viagra, cứu tinh của hàng triệu cụ ông. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, người ta thường hiểu lầm về công dụng của Viagra và dòng họ cường dương của nó. Thuốc này không có tác dụng kích thích sự ham muốn nơi đàn ông từ tuổi sồn sồn, mà chỉ làm sự ham muốn ấy, nếu có, khi đã tiến lên “thời kỳ quá độ” như xã hội chủ nghĩa, được bền bỉ, theo tên gọi của nó. Thế thôi. Kích thích hay không cũng còn “tùy người đối diện”. Đàn ông, già hay trẻ, luôn thèm cái mới, do “vũ khí” được thiết kế riêng, hướng ngoại, lúc nào cũng trong thế biểu dương lực lượng, rất “hoành tráng”, sẵn sàng tấn công, nhất là đối với “tàu lạ” (cf ca dao bình dân: “Trai [hay ông già] thấy [tàu] lạ như quạ thấy gà con”). Cho nên, cổ nhân ta có câu châm ngôn để đời: “Văn mình, vợ người”. Diễn nôm: ai cũng tự khen thơ văn của mình, tự mê, tự sướng, tự phong là số một. Còn vợ mình, trẻ đẹp không cần biết, nhưng bởi cái tội quá quen đường xưa lối cũ, quá nhàm như cơm bữa, luôn thua vợ của thằng cha hàng xóm. Ông chồng nào mà bỗng dưng đem vợ mình ra khen nức nở, thề sống thề chết rằng dù mưa, dù nắng, dù bão tố, “anh vẫn chỉ yêu em” là xạo, là có “ý đồ” gì đó, hoặc something wrong trong não bộ. Các cụ ta nói gì ít khi, hoặc không bao giờ, sai. Chả thế mà trong Thánh Kinh, quyển Exodus (và phim The Ten Commandments, 1956, do Cecil B. DeMille đạo diễn với tài tử Charlton Heston và Yul Brynner), kể việc dân Do Thái sau khi thoát khỏi gông cùm nô lệ từ Ai Cập được Moïse dẫn về miến đất hứa, Chúa đã hiện ra trên núi Sinaï, ban bố cho dân Mười Điều Răn phải giữ, và điều thứ 9 là: “You shall not covet your neighbor’s wife” (dịch nguyên văn: “Ngươi không được ham muốn vợ của người hàng xóm”, không phải câu “Chớ muốn vợ chồng người”). Rõ ràng, Chúa chỉ cảnh cáo đám đực rựa, mà lờ đi các bà các cô. Vì sao? Do hệ thống tâm sinh lý có tính cách phòng thủ, kín đáo, hoặc kẹt lắm, giam giữ tù hàng binh, phụ nữ có chồng nói chung –dĩ nhiên, trừ những luật trừ– thường xem tình yêu, tình nghĩa quan trọng và hấp dẫn hơn nhu cầu thể xác, và không dễ gì mê và muốn ngả vào vòng tay của anh hàng xóm, dù đẹp trai, giàu có cách mấy, đừng tưởng bở. Theo trả lời của một số phụ nữ quen với tiện nhân, nếu có một thằng chồng thô bạo, thất học, say xỉn, lười biếng, thì các bà cũng chỉ tủi thân, so sánh với người chồng hiền lành, chịu làm ăn, lịch sự, chân chỉ hạt bột của chị hàng xóm tốt phước mà thôi, và điều đó không hẳn là có ý ngoại tình, dù là trong tư tưởng. Lục trong kho tàng cách ngôn, châm ngôn Việt Nam ta, không có câu nào dính líu đến cái vụ “chồng người” với nghĩa thèm muốn tình dục. Chỉ có câu: Ông ăn chả bà ăn nem, nhưng trong cảnh huống khác (tại ông “gây sự” trước). Ngoài ra, thì: Chồng em áo rách em thương / Chồng người áo gấm xông hương mặc người, hoặc: Không thương dù có đeo vàng / Bằng thương chiếc áo vá quàng cũng thương.

      Cách đây vài năm, tiện nhân được đọc trên Mạng bài của một ông bác sĩ, có lẽ ế khách, rảnh quá, kể chuyện hai vợ chồng già trên tám bó mà vẫn làm yêu dài dài, và khỏi cần thuốc Minh Mạng. Lúc ấy và bây giờ, tiện nhân không tin, không phải vì ông cụ mất khả năng tác xạ, trái lại thế, nhưng không tin vì địch quân không phải “tàu lạ”, mà chính bà cụ, tàu quen, đã sống với nhau bao năm qua rồi mà bây giờ vẫn đêm bảy ngày ba, vô ra không kể, như hồi còn mơn mởn đào tơ, thì quả là quá xạo, hoặc họ là một cặp vợ chồng già over hot, một cách bệnh hoạn?  

      Trở lại với các cụ ta ngày xưa. Cũng như những văn nhân tài tử về già khác, cụ Nguyễn Công Trứ (1778-1858) trên bảy bó vẫn còn đi hát ả đào. Và còn cưới vợ lúc 73 (cf. giai thoại: khi bị vợ hỏi tuổi, cụ trả lời ỡm ờ, bằng câu thơ chữ Hán:“Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam”, nghĩa là “năm mươi năm trước, anh hai mươi ba”). Hoặc trước đó, cụ Nguyễn Trãi (1380-1442) về hưu rồi, còn cưới nàng Thị Lộ “xuân thu tuổi mới trăng tròn lẻ” làm thiếp. Bây giờ, thấy chung quanh, qua sách báo và trên thực tế, nhan nhản biết bao cụ Việt Kiều lãnh tiền già, tiền bệnh, tiền khùng giả, và welfare, hùng dũng hồi hương, viện cớ thèm chùm khế ngọt quê hương, hoặc xây mộ cho cha mẹ, ông bà, nhưng thực ra chỉ muốn trả thù dân tộc (mà Phạm Duy là một, đã thú nhận sáng tác bài Thiên Duyên Tiền Định, khi nằm trong khách sạn với một em chân dài), nghĩa là cặp kè, ôm ấp những cô đáng tuổi con tuổi cháu, khiến thiên hạ đàm tiếu, chế nhạo, không sai, là “trâu già gặm cỏ non”. Về kỹ thuật, chuyện “gặm cỏ non” ấy có thể thực hiện (trừ những cụ máy móc hư hại nặng, vô phương recycle) và một lần nữa chứng minh lời của tiện nhân: đàn ông già mà còn ham muốn xác thịt hay không, làm yêu có “chất lượng” hay không, là tùy “người đối diện”. Về mặt đạo lý, chê bỏ “cỏ già”, tìm gặm “cỏ non” lại là một chuyện khác.

      Ngoài ra, lời cảnh cáo của Cicero có lý lắm: thú vui nhục dục có tác hại trên sức khỏe của đàn ông nói chung, bất kể hạng tuổi, và đặc biệt các cụ ông nói riêng. Kìa xem, các vua chúa ngày xưa ham mê sắc dục quá độ, ông nào không chết sớm thì cũng trở thành “ngọa triều”, dù được hỗ trợ bởi thần dược. Thú vui, triết gia Latin gợi ý, mà tuổi già cần tận hưởng, đó là hưởng nhàn, thú vui tao nhã, sống đời bình dị của dân quê, viết văn, làm thơ, vui cùng trăng nước. Như hầu hết các cụ của ta ngày xưa đã làm theo.

4) Tuổi già là dấu hiệu tiên phong của cái chết (XIX, Quarta restat causa, quae maxime angere atque sollicitam habere nostram aetatem uidetur, adpropinquatio mortis, quae certe a senectute non potest esse longe): Cuối cùng, tuổi già không phải sợ cái chết, nhưng đó là lúc phải nhìn và thấy nó gần hơn, và nếu được đánh giá đúng, cái chết sẽ là chặng cuối mơ ước của một cuộc hành trình lâu dài và khổ sở. Ở tuổi hoa niên, người ta không có điều gì chắc về cuộc đời cho bằng khi bước vào thời kỳ xế bóng: Cái chết của một người già sẽ tự nhiên hơn và êm đềm hơn [cái chết của một người trẻ]: tuổi già như một trái cây chín rụng, rất nhẹ nhàng, thanh thản. Phải chăng tất cả mọi sự đều đi đến kết thúc đó ư và có phải chết là một điều tốt đẹp khi sự no đầy, chín muồi đã đến? Tuy nhiên điều đã tăng nghị lực cho con người để trực diện cái chết mà không sợ hãi, đó là hy vọng vào sự bất tử [ở đời sau]. Cato cho những bạn trẻ của mình thấy rằng tất cả những tâm hồn cao thượng đều đã linh cảm về sự bất tử và gặp được nó bên trên những nấm mồ; ông nhắc lại những lập luận của những triết gia phái Socrate và tất cả những chứng cớ hay nhất mà trong thời cổ đại người ta đưa ra để chứng minh chân lý cao cả –đưọc dạy bởi Platon và ông thầy siêu việt của mình. Cato nói: “Ôi đẹp thay cái ngày mà tôi sẽ được đi dự buổi gặp gỡ nơi thiên đình, buổi họp thần linh của các tâm hồn, sẽ được giải thoát khỏi sự chung đụng bẩn thỉu với đám người hèn hạ. Tôi sẽ được sum họp với tất cả những vĩ nhân mà tôi đã nói đến, và giữa họ, đứa con trai yêu quý của tôi, là người tốt nhất, nhân đức nhất trên đời.” (O praeclarum diem, cum in illud diuinum animorum concilium coetumque proficiscar cumque ex hac turba et conluuione discedam! Proficiscar enim non ad eos solum uiros, de quibus ante dixi, uerum etiam ad Catonem meum, quo nemo uir melior natus est, nemo pietate praestantior...) Tuổi già là gì, nếu không phải là bình minh của một ngày vĩnh cửu?

Lời bànKhác với Cicero, Montaigne đã dành nhiều đoạn dài để bàn về sự chết. Điều làm ông quan tâm không phải là tranh luận về câu hỏi chúng ta sẽ ra sao sau khi chết, mà là thái độ ta phải có trước khi cái chết xảy đến. Như vậy ông sống trong trạng thái phi thời gian: sống từng ngày và đợi cái chết từng ngày, biết chắc rằng mình không bất tử. Ông viết: “Le plus long de mes desseins n’a pas un an d’étendue: je ne pense désormais qu’à finir; je me défais de toutes nouvelles espérances et entreprises; je prends mon dernier congé de tous les lieux que je laisse, et me dépossède tous les jours de ce que j’ai” (Essais, II, 28, 29 “Kế hoạch dài nhất của tôi sẽ không đầy một năm: từ nay tôi sẽ chỉ nghĩ thực hiện nó cho xong; tôi cởi bỏ những hy vọng mới và công việc mới; tôi từ giã lần cuối những nơi tôi bỏ lại, và mỗi ngày tôi tự tháo gỡ những gì tôi đang có“).

Montaigne

      Montaigne chống quan niệm của phái Khắc Kỷ, mà triết gia Latin Sénèque (4BC-AD65, thầy dạy của Néron, sau bị hôn quân ép tự tử) là một tín đồ trung thành, rất thịnh hành vào cuối thời Trung Cổ, theo đó công việc duy nhất của một người già là cam phận, chuẩn bị chết như thế nào (Essais III, 12). Cũng như Cicero, Mnntaigne không sợ chết, trái lại xem cái chết như một biến cố tự nhiên. Điều làm ông sợ nhất là cái mà ông gọi "le masque de la mort" (Essais, I, 20, "mặt nạ của sự chết"), tức là những nghi thức, lễ lạt chung quanh người chết, tiếng gào khóc của mẹ, vợ, con cái, sự thăm viếng của bạn bè, người thân, một căn phòng thiếu ánh sáng, hàng nến thắp, bác sĩ và những vị tu hành; “Somme toute horreur et tout effroi autour de nous. Nous voilà déjà ensevelis et enterrés” (cf sđd. “Tóm lại, thật là khiếp sợ và kinh khủng chung quanh chúng ta. Chúng ta đã thấy bị tẩm liệm và chôn cất rồi”).

      Thời Montaigne chưa có vụ phủ cờ. Đây là một vấn đề “thời sự” vô cùng tế nhị, nhậy cảm. Trên Mạng và báo giấy, có nhiều tranh cãi gay gắt về việc này, và tiện nhân thấy bên nào cũng có lý. Phủ hay không phủ cờ là sự quyết định tối hậu, lúc nào cũng đúng, của người sắp lìa đời hoặc tang gia, mà ta phải tôn trọng. Riêng tiện nhân, tự nhận mình không bao giờ xứng đáng với vinh dự cao quý ấy mà tổ quốc dành cho, càng không xứng đáng khi đã không làm tròn nhiệm vụ đối với đất nước (như hai câu thơ não lòng của thi sĩ Hà Huyền Chi: “Mẹ ơi con mẹ đã già / Giữ quê quê mất giữ nhà nhà tan”), dù có biện minh cách nào chăng nữa. Và nếu muốn (như một cô còn trẻ chưa bao giờ là quân nhân phát biểu trên diễn đàn) có một lá cờ trên hoặc trong quan tài để biểu lộ lý tưởng quốc gia và tình yêu đất nước, tiện nhân sẽ yêu cầu gia đình tự tay thực hiện điều ấy trong vòng riêng tư, không dám làm phiền toán chung sự hải ngoại, gồm những đồng đội sĩ quan rất oai hùng trước đây.

BTiểu luận được kết thúc, phần XXIII, bởi những câu như sau mà tiện nhân xin trích dịch nguyên văn:

      “Quod si non sumus inmortales futuri, tamen exstingui homini suo tempore optabile est. Nam habet natura, ut aliarum omnium rerum, sic uiuendi modum. Senectus autem aetatis est peractio tamquam fabulae, cuius defatigationem fugere debemus, praesertim adiuncta satietate. Haec habui, de senectute quae dicerem, ad quam utinam perueniatis, ut ea, quae ex me audistis, re experti probare possitis”.

   (“Cho dù chúng ta không bất tử, nhưng đó luôn luôn sẽ là một ân huệ cho con người được an nghỉ đúng thời điểm. Tất cả do sự tính toán bởi thiên nhiên, tất cả phải kết thúc, ngày tháng của con người cũng như tất cả những cái khác. Tuổi già là hồi kết của tuổi đời cũng như của một vở kịch, mà nếu kéo quá dài sẽ làm ta mệt, phải bỏ sân khấu, đi trốn sự chán chê. Đó là điều mà tôi muốn nói với các bạn về tuổi già. Cầu mong các bạn một ngày sẽ đến giai đoạn đó và kinh nghiệm của các bạn sẽ chứng minh điều tôi mới nói”).
Lời bàn: Cicero đã nói quá rõ, và quá đúng, về tuổi già cũng như cái chết. 

Những triết gia thời cổ đại Hy Lạp và sau này các nhà thần học Công giáo từ Trung Cổ thường ví đời sống là một cuộc hành trình trên cõi trần gian tạm bợ. Triết lý của Cicero không khác gì, chỉ thêm ẩn dụ độc đáo của một nhà hùng biện: đời là một vở kịch lớn, mà tuổi già là màn kết thúc, cần phải được chấm dứt bằng sự rút lui khỏi sân khấu hoặc cái chết, đúng thời điểm, của nhân vật trước khi khán giả bắt đầu thấy chán ngán, hoặc trước khi những em-xi đám cưới vô duyên lải nhải “xin quý vị cho hai họ nhà trai nhà gái một tràng pháo tay thật lớn ạ...”.

      Và đến đây, NLGO tôi, dù chưa muốn bước xuống, cũng đành tắt máy trước khi bị thiên hạ lên tiếng mắng mỏ, “Không biết tên Người Lính Giòa ni hén làm cái chi lọa, mà hén nói dài, nói dai, nói dở như rứa hè?”

Ghi chú: NLGO dịch Cicero và Montaigne từ nguyên bản trong:

1- Cicero, Œuvres complètes de Cicéron, publiées sous la direction de M. Nisard, tome IV, chez Firmin Didot Frères, Fils et Cie, Libraires, Paris, 1869,                                                                                        2- Montaigne, Œuvres complètes (textes établis par Albert Thibaudet et Maurice Rat. Introduction et notes par Maurice Rat), Bibliothèque de la Pléiade, Gallimard, Paris, 1962.