Tuesday 14 October 2014

Một "phiên toà" cải cách ruộng đất - Trần Đức Thảo

Sau khi về VN, GS Trần Đức Thảo có dịp chứng kiến cuộc Cải cách ruộng đất (CCRĐ) ở Vĩnh Phúc. Ông mô tả một cách sinh động "phiên toà" CCRĐ, với những dàn dựng của những kẻ đứng đằng sau mà sau này chúng ta biết là các viên "cố vấn" Tàu cộng. Tất cả những trò đấu tố, thành phần tham gia đấu tố, thậm chí câu chữ dùng đều được lên kế hoạch cẩn thận và không qua được con mắt của các viên cố vấn Tàu. Dĩ nhiên, tất cả chẳng có luật pháp gì cả, chỉ là trò đấu tố dưới danh nghĩa "đấu tranh giai cấp". Dưới đây là trích đoạn một phiên toà đấu tố trong CCRĐ. Đọc để biết một thời mông muội ra sao. Thật ra, cho đến ngày nay trò đấu tố này thỉnh thoảng vẫn còn xuất hiện đây đó.
=====
[...]
Sau một tuần lễ chuẩn bị, một phiên toà cải cách ruộng đất đã được tổ chức trước sân gạch lớn nhất của đình làng.

Dọc hai bên sân đình có treo la liệt biểu ngữ lên án bọn trí, phú địa hào là tàn dư của phong kiến, thực dân, là kẻ thù của giai cấp công nông, là kẻ phá hoại xã hội, là kẻ muốn nối giáo cho giặc …

Khoảng 2 giờ trưa hôm ấy, trời nắng chói chang. Từ cả tiếng đồng hồ trước, dân chúng đã được điều động tới ngồu xổm trên gạch trước sân đình, Ông già, bà già, người lớn, trẻ con, bồng bế nhau đi coi xử địa chủ! Đám đông nói cười ồn ào, trẻ con khóc inh ỏi.

Nhưng rồi từ ngoài, một cán bộ dẫn tới một toán "thanh niên và nhi đồng cải cách", sắp xếp cho toán ấy ngồi trước mặt quần chúng và bắt đầu công tác văn hoá tuyên truyền để tạo không khí cách mạng, gồm có hô khẩu hiệu và ca hát. Cứ hô vài khẩu hiệu đả đảo tàn dư phong kiến thực dân xong, lại vỗ tay làm nhịp hát một bài. Lối hát cũng đặc biệt, vì thực ra đây là một bài vè ngắn đã thuộc lòng, rồi đọc lên cho có vần, có điệu theo nhịp vỗ tay, cứ y như cùng nhau niệm kinh theo nhịp mõ trong chùa. Hỏi ra mới biết đây là kiểu hát dân dã của sắc tộc miền núi bên Trung Quốc, gọi là "sơn ca", nội dung bài hát cũng là theo phong cách "đấu tố ca" bên Trung Quốc, Thảo thấy hay nên cũng lắng tai nghe. Nghe mấy đợt rồi cũng thuộc lòng một bài, rồi cũng vỗ tay ba nhịp để hát từng câu. 

Nước chảy dưới dòng sông
Ai múc lên thì uống
Cũng như là đất ruộng
Ai có công thì hưởng bốn mùa
Mấy câu ca trên đây 
Của nông dân Trung Quốc
Anh em ơi! Hãy học lấy cho thuộc!
Để vung tay phát động đấu tranh!
Nhưng nay vì quốc gia, vì đảng
Vì bước trường kì cách mạng
Nên ta còn cho chúng hướng phần tô 
Nếu chúng còn gian dối mưu mô
Thì quyết liệt. Anh em ơi! Đấu mãi! 

Đám đông hát xong, một cán bộ tuyên truyền hô lớn:

- Đả đảo địa chủ, con đẻ phong kiến, thực dân!

Quần chúng cách mạng cũng hưởng ứng hô tiếp:

- Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo! 

Rồi lại hát. Rồi lại hô khẩu hiệu. Cứ như vậy khoảng hơn nửa giờ thì ngưng để bắt đầu "phiên toà án cải cách".

Bàn chủ toạ đặt phía trong đình cũng đã bắt đầu đông đủ. Trên bãi sân trước bàn ngăn cách xa với đám đông bên ngoài là một cột cờ cao 6 thước, rồi tới hàng cọc tre. Ai cũng biết mấy cọc đó dành cho những tên phản động sắp bị mang ra đấu tố. Nhưng chính mấy cọc tre đó đã làm cho đám đông hồi hộp muốn chờ xem những tội nhân bị mang ra đấu tố là ai, sẽ trừng trị như thế nào. Càng hiếu kì hơn là ngay cạnh bên trái đình, là một mô đất nâu sẫm vì mới được đắp, là một hàng cọc tre khác với một tấm bảng ghi rõ "trường bắn"!

Bổng trống cái trong đình nổi lên ba tiếng: Thùng! Thùng! Thùng!

Bên ngoài, có tiếng quát liên tiếp:

- Tránh ra! Tránh ra! Tránh ra!

Đám đông tụ tập ngồi trước đình bị sáu dân quân tự vệ cầm súng trường có gắn lưỡi lê dẹp qua hai bên để mở đường cho đoàn cán bộ, đội viên đội cải cách vào đình. Chỉ có năm đội viên cải cách được vào ngồi trước bản nhìn xuống hàng cọc tre ở bên trái, và xa hơn là dân chúng. Số cán bộ đi phát động thì được mời ngồi ở hàng ghế phía sau. Một trong những cán bộ ngồi đầu bàn bên trái, có vẻ là người nắm công việc tổ chức, lớn tiếng ra lệnh cho một dân quân:

- Nổi trống lên để làm lễ khai mạc!

Ba hồi trống rền vang dậy báo hiệu phiên toà cải cách ruộng đất sắp bắt đầu. […] Sáu dân quân cầm súng ban nãy giơ súng thẳng ra trước ngực để chào cờ. Ba dân quân khác tiến ra: một người hai tay trịnh trọng mang lá cờ còn gấp vuông vức bước tối cột cờ, theo sau là người kéo cờ và chót hết là người bắt nhịp hát:

- Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc …

Bài quốc ca được hát vang dội. Lá cờ được từ từ kéo lên tới đỉnh cột cờ lúc bài ca chấm dứt. Người dân quân lại hô:

- Tất cả! Nghỉ! Tất cả! Ngồi!

Đám đông lao xao ngồi trên guốc, dép, số còn lại thì ngồi xổm hoặc ngồi bệt xuống gạch. Cán bộ cải cách ngồi giữa trước bàn đứng dậy tuyên bố khai mạc phiên xử 6 tên ác ôn phản động gồm 5 tên đều là địa chủ, phú nông. Còn một tên là lí trưởng cũ.

Bỗng có tiếng khóc lóc. Rồi từ bên ngoài hai dân quân dẫn 6 người bị trói quật tay ra sau lưng. Cả sáu bị buộc thành một chuỗi bằng những khúc dây thừng to vòng quanh cổ, người nọ tiếp nối người kia, cách nhau khoảng 2 thước. Dân quân đi đầu đeo súng trên vai, tay cầm đoạn dây thừng kéo chuỗi 6 người bị mang ra đấu tố, dân quân thứ nhì cầm súng đi bên cạnh. Tội nhân mặc quần áo xốc xếch, có vết bùn và vết máu, có kẻ vừa đi vừa khóc lóc. Trong số đó, có một bà cụ ngoài 60 tuổi, khi đi ngang qua đám đông thì gào khóc thật to:

- Con ơi là con ơi! Con ở đâu thì về cứu mẹ với con ơi!

Dân quân đi cạnh bước tới dùng báng súng đánh ngang vào bụng bà già và quát:

- Con mụ già này có câm mồm đi không? Câm ngay đi!

Bà cụ bị báng súng phang mạnh vào bụng, ngã chúi xuống, kéo hai người đi trước và sau cùng ngã ra làm tất cả chuỗi người chùng lại suýt cùng ngã theo. Hai dân quân vội nắm cổ lôi họ đứng dậy một cách vất vả. Đám nhi đồng thấy vậy cười khúc khích. Cán bộ chủ toạ đứng dậy quát lớn:

- Các cháu nhi đồng không được cười đùa!

Đám trẻ con sợ hãi, vội lấy tay bịt miệng lại cho tiếng cười khỏi bật ra. Khi chuỗi tội nhân tội nhân bị đưa tới gần hàng cột tre, hai dân quân lần lượt tháo từng khúc giây thừng ra và bắt mỗi người quì xuống, mặt hướng về bàn chủ toạ, tay bị trói chéo ra sau dính vào một cột. Bà cụ già vẫn khóc lóc, nhưng không dám khóc to tiếng, vẫn than van:

- Con ơi là con ơi! Con ở đâu thì về cứu mẹ với con ơi!

Cán bộ chủ toạ lại đứng dậy, nói thật to:

- Hôm nay toà án cải cách ruộng đất huyện ta về đây để mang ra xét xử 6 tên phản động ở các xã thôn ta, do đồng báo tố cáo. Chúng thuộc giai cấp thống trị đã nổi tiếng là những tên địa chủ, phú nông, cường hào chuyên đè đầu dân, bóc lột bần cố nông, đánh đập dân nghèo. Vậy tất cả đồng bào, ai đã bị chúng bóc lột, hành hạ thì nay đều có quyền đứng ra làm nhân chứng kể tội chúng, rồi sau đó toà sẽ xét xử theo những bằng chứng và những lời buộc tội của đồng bào. Đồng bào có nhất trí xét xử 6 tên phản động này không?

Bị hỏi bất ngờ, đám đông lao xao:

- Nhất trí!

Thấy đám đông có vẻ thụ động, cán bộ chủ toạ lại quát hỏi thật to tiếng hơn nữa:

- Đồng bào có nhất trí không?

Hiểu rõ câu hỏi là một mệnh lệnh, đám đông vung nắm tay phải lên đáp đồng thanh hơn:

- Nhất trí! Nhất trí! Nhất trí!

- Bây giờ toà bắt đầu xét xử tên phản động đầu tiên là Nguyễn Văn Minh, y đã làm lí trưởng từ 12 năm nay, tên cường hào này là đày tớ của phong kiến và thực dân, đã nhiều lần ép buộc dân làng đi phu khổ sai, để đắp đường, đào kinh, lên rừng chặt cây nộp để làm đường xe lửa, chính tên lí trưởng này đã đốc thúc nhân dân phải nộp đủ các thứ thuế, từ thuế thân, thuế gạo, thuế muối, v.v. cũng chính tên này đã đánh đập những người cùng khổ vì không đủ sức lao động khổ sai, nghèo túng không nộp thuế … Vậy nay ai đã từng bị tên lí trưởng Nguyễn Văn Minh này hành hạ, bóc lột thì cứ xung phong đứng ra làm chứng để hạch tội tên phản động này để toà căn cứ vào đó mà xét xử.

Từ nãy, đã có một toán thanh niên gồm 12 người, tuổi độ trong khoảng từ trên 20 đến 30, đứng ở hàng đầu của đám đông, bên trái, ngay cạnh đám nhi đồng, toán này luôn luôn hô hoán mạnh nhất. Khi được hỏi có ai muốn là nhân chứng hạch tội thì cả toán đồng thanh giơ tay đáp:

- Tôi! 

- Tôi! 

- Tôi!

Chủ toạ ra lệnh:

- Mời nhân chứng số một!

Một người trong toán ồn ào ấy bước tới trước bàn định nói, nhưng cán bộ chủ toạ đưa tay ra lệnh:

- Nhân chứng ra gần chỗ tên lí trưởng để hạch tội!

Khi đứng ngay trước người lí trưởng bị trói và quì ở cột đầu phía trái, nhân chứng vỗ vào ngực đề trần và nói lớn:

- Mày có biết tao là ai không? Tao là Nguyễn Văn Đê, 27 tuổi, chuyên làm mướn y như bố tao và ông nội tao. Vì vậy, tao là bần cố nông từ 3 đời nay. Thế nên tao biết rất rõ tung tích của mày, là tên lí trưởng Nguyễn Văn Minh. Vì bố mày trước cũng làm lí trưởng và cả ông nội mày cũng vậy. Cả bố mày, ông nội mày và mày đều đã được phong kiến ban thưởng hàm cửu phẩm, vì có công thay mặt thực dân, phong kiến để đốc thúc dân đi phu, đốc thúc dân đóng thuế, và chính mày mới đây thôi, đã dùng roi mày đáng đập tao đến chảy máu lưng, mang thương tích còn đến bây giờ vì tội không thu mua đủ số lượng cây gai để mày giao nộp cho quân Nhật!

Sau khi vạch lưng ra để lộ mấy đám sẹo mờ mờ, nhưng rõ ràng không phải là vết roi mây, Đê tiến tới vung tay đấm mạnh vào mồm lí trưởng, miệng nói:

- Mày đã đánh, đã chửi tao, đã hà hiếp bao nhiêu đồng bào khác, mày nhớ không?

Thấy nấm tay vung tới gần miệng, lí trưởng vội né đầu xuống tránh, nhưng nấm đấm đánh trúng vào phía mắt phải, làm bật máu chảy ròng ròng ướt cả một bên mặt.
[…]
Một người khác, cũng trong nhóm nhân chứng, bước tới lí trưởng, kể các tội thật mơ hồ và mông lung:

- … Mày có thói đánh người khi say rượu. Mày đã ép người ta phải bán mấy sào ruộng thuộc loại tốt cho mày, rồi ép phải bán cả trâu khoẻ nhất cho mày, rồi mày vu cáo người ta nấu rượu lậu, để mày tịch thu tài sản, khiến cho bao người sạt nghiệp vì mày, rồi phải đi làm thuê, mò cua, mót lúa mà nuôi gia đình … Tội của mày kể ra không thể hết! Mày có nhận tội không?

Bị cáo cuối đầu im lặng.

Kể xong tội, nhân chứng tiến tới tát vào má bên trái lí trưởng, và nói:

- Chính mày đã dùng thủ đoạn, mưu kế để cướp đoạt hết tài sản của bao gia đình, mày có nhận tội hay không? Mày còn …

Bị hạch tội vu vơ, người lí trưởng không câm nín giữ im lặng được nữa, hỏi lại:

- Người ta là ai? Bao gia đình là gia đình nào cơ?

Cán bộ chủ toạ thấy buộc tội mơ hồ quá, nên quyết định:

- Tội lỗi của tên cường hào lí trưởng này như vậy đã rõ rồi. Bây giờ xử lí tới tên địa chủ Hoàng Văn Quân. Nhân chứng đâu?

Một người gầy còm tiến tới trước tội nhan bị trói quì ở cột thứ nhì, nêu rõ tên mình rồi lớn tiếng bắt đầu kể tội:

- Mày có hơn hai mẫu ruộng, mà cả đời chân không lội bùn, tay không chạm tới hòn đất, toàn thuê mướn dân nghèo khổ phát canh cho mày thu tô. Làm xong việc thì mày chê bai để bớt tiền này công nọ. Trong nhà thì vợ mày đẻ con, mà không nuôi, toàn nuôi vú sữa, mày bắt người vú phải gửi con về nhà ông bà để nuôi nó bằng cháo trắng …

Cứ mỗi lần kể xong một tội, nhân chứng lại tát vào mặt tội nhân và hỏi:

- Có phải mày đã làm như vậy hay tao nói sai?

Lần lượt các nhân chứng tới cạnh các tội nhân để hạch tội một cách mơ hồ, toàn là những lời đồn đại. Thỉnh thoảng còn tát vào mặt các tội nhân theo cùng một cách, vì đã được huấn luyện như thế. Cả năm tội nhân đều bị đánh, và phải cúi đầu im lặng. Chỉ có tội nhân nữ là bà cụ Vũ Thị Thanh là dám cãi lại.

Hai nhân chứng chót là phụ nữ, nói xoe xoé kể tội:

- Mày có nhà gạch lớn như dinh thự nhà quan với vườn rộng mênh mông, nuôi tới 3 con chó Tây để trong nhà, có đời sống xa hoa sang trọng mà không nghĩ tới bao gia đình cùng khổ sống ở chung quanh! Mày nuôi hai đày tớ với lương rẻ mạt … Người nghèo đói đến xin ăn thì mày xua chó đuổi đi, có khi chó xông ra cắn người qua đường đến bị thương nặng, mày có nhận tội không?

Trái với 5 tội nhân đàn ông, bà già này cãi lại chứ không nhận tội:

- Nhà tôi rộng vì con tôi ở Hà Nội gửi tiền về xây cho chứ tôi không bóc lột ai! Tôi sống ăn chay, tụng kinh Phật chứ không sống xa hoa! Tôi nuôi chó giữ nhà vì đã bị kẻ trộm vào nhà nhiều lần. Ngày rằm, mồng một, tôi đi chùa vẫn bố thí cho người nghèo. Năm đói Ất Dậu, chính tôi lo nấu cháo cứu người trong làng. Mỗi khi làng có việc, tới quyên góp, tôi là người xung phong ủng hộ nhiều nhất. Khi cách mạng về, tôi đã ủng hộ tiền mua súng cho đội dân quân của làng! Cả đời tôi không bóc lột ai, con tôi hiện đang đi bộ đội đang đánh pháp ngoài chiến trường …

- Mày nói láo! Mày không bóc lột ai, nhưng con mày ở Hà Nội có cày sâu cuốc bẫm đâu mà có của cải nhiều thế? Của cải ấy, không do bóc lột thì nó trên trời rơi xuống à. Câm mồm con đĩ già ngoan cố!

Nhân chứng vừa chửi vừa tiến lại tát mạnh vào mặt bà già! Bà cụ đau quá, càng gào khóc, gọi con cầu cứu:

- Con ơi là con ơi! Nó đánh mẹ, con ơi! Con về cứu mẹ với con ơi!

Người dân quân đừng đằng sau tiến tới lấy báng súng bổ vào lưng bà già quát:

- Câm mồm ngay! Còn khóc lóc nữa là tao nhét giẻ vào mồm đấy!

Bà già sợ hãi, khóc nhỏ hẳn đi nhưng miệng vẫn rên rỉ:

- Con ơi là con ơi!

Lần đầu tiên trong đời, Thảo được chứng kiến một "phiên toà" đánh đập thô bạo đến mức khủng khiếp như vậy. Đây là một trò hề công lí, chứ có luật lệ gì đâu! Bằng chứng tội lỗi toàn là do bần cố nông kể miệng như vu oan, chứ không do một văn bản điều tra nào. Không điều luật nào được nêu ra làm căn bản buộc tội. Bởi có ai biết gì, hiểu gì về công việc xét xử của một toà án bao giờ đâu. Thế nên đầu óc Thảo bị căng thẳng, tim đập mạnh, thân thể run lên vì xúc động ...

[…]

- Bắn bỏ mẹ chúng nó đi! Bọn phản động!

- Phải diệt hết lũ Việt gian phản động này!

- Con mụ đĩ già ngoan cố! Phải tịch thu nhà cửa của nó!

Toán nhi đồng coi cảnh hạch tội như thế cũng thấy vui nên cười nói vỗ tay theo. Cán bộ chủ toạ đứng lên tuyên bố:

- Bây giờ đồng bào có quyền góp ý quyết định án phạt trừng trị tội phạm.
Đám nhân chứng bên dưới đồng thanh hô to:

- Xử tử! Xử tử! Xử tử!

- Thế còn tài sản của chúng nó?

- Tịch thu! Tịch thu! Tịch thu!

Bỗng từ ngoài, một cán bộ đứng tuổi có vẻ quan trọng, hông đeo sắc cốt và súng lục chạy vào sát cán bộ chủ toạ, ghé tai nói điều gì. Rồi hai người thì thầm bàn luận với nhau có vẻ sôi nổi khá lâu. Cuối cùng cán bộ chủ toạ đứng dậy lớn tiếng nói:

- Nay toà long trọng tuyên án: tử hình đối với các tội nhân Nguyễn Văn Minh, Trần Văn Lễ, Nguyễn Sắc, Trần Văn Bắc, Đỗ Đình Lang và Vũ Thị Thanh! Tịch thu tài sản của chúng để chia lại cho nhân dân trong xã.
Đám nhân chứng và nhi đồng vui mừng vỗ tay và hét to:

- Hoan hô! Hoan hô! Hoan hô!

Có lẽ hai tiếng "tử hình" đã làm cho phần lớn đám đông sợ hải nên họ im lặng, Rồi cán bộ chủ toạ tuyên bố tiếp:

- Tiếp theo lời buộc tội và đề nghị án trừng trị của nhân dân, và toà tuyên án. Nay vì vừa có lệnh mới nên toà tuyên bố tạm hoãn thi hành án tử hình ngay tại chỗ! Vậy xin đồng bào tự động giải tán.