Đôi lời gọi là ... cuả Hoàng Yến :
Cảm ơn nhà báo , nhà văn Huy Phương đã đồng ý về chữ Xử lý ( chữ này thường được các đầu bếp trong nước dùng rất nhiều trong các chương trình dạy nấu ăn mà tôi vẫn cho rằng nó nặng nề và không cần thiết như nói xử lý cá , xử lý rau , tôi có nhắc đến vài lần trước trong những dòng tạp ghi gởi đến các diễn đàn )
và chữ Cá thể ( một "cá thể bọ xít" tôi đọc thấy trên một bài báo trong nước và có nói đến khi viết một bài về chữ nghiã vc hơn nửa năm trước đây , trong đó tôi còn nói đến chữ địa bàn bị lạm dụng tối đa)
Hôm nay , nhân nghe nhà báo Huy Phương và cô Ngọc Lan trong vidéo này nói về câu chuyện : Đau Lòng Tiếng Việt , tôi xin góp thêm vài ý nhỏ :
Ông Huy Phương có lưu ý đến chữ Dòng trong câu " Dòng kem dưỡng da "mà tôi hoàn toàn đồng ý . Chữ Dòng này rất khập khiểng ngay cả trong những câu như :
Dòng nhạc tiền chiến , dòng nhạc Lam Phương ... Sao không nói đơn giản là nhạc tiền chiến , nhạc trẻ , nhạc Lam Phương ? Cần gì phải dòng này , dòng nọ . Cô Ngọc Lan thì cho rằng chữ DÒNG trong câu " Dòng kem dưỡng da " là đúng vì theo cô , đó là để chỉ nhiều thứ kem dưỡng da , tức là một lô ( un lot ) . Cô còn nhắc ông Huy Phương : "bác về hỏi bác gái thì biết ".
Thưa , nói các loại kem dưỡng da , hay là nói : Kem dưỡng da này có nhiều thứ khác đi kèm để bổ sung , hay gì gì đó , sao lại phải là Dòng mới chịu được ( dòng sông hay dòng suối ? ) Theo thiển ý thì dòng là để chỉ những cái gì trôi chảy như nói dòng thời gian , dòng lịch sử , dòng đời ... chứ mấy cái lọ kem dưỡng da , nó chẳng dính dáng gì đến ý nghiã lưu chuyển cuả chữ dòng cả . Vừa rồi tôi mới đọc được một bài viết về dầu thơm Chanel n°5 cuả Pháp , tác giả cũng lại "sính" dùng chữ DÒNG này , trong câu mở đầu :
" Dòng nước hoa Chanel n° 5 ... " Tôi không hiểu tại sao CẦN PHẢI cho chữ dòng này vào đây để làm gì ? Ý tác giả muốn cho người đọc "hiểu" rằng : " Coi chừng nghen , nước hoa này nó CHẢY à , nó tuôn thành dòng đó chớ không phải thường " có đúng vậy không ? Tôi thật sự không hiểu được , tại sao người Việt bây giờ lại thích thêm râu ria vào cho câu văn nghe ... lãng nhách !!!
Nói đến chữ Dòng thì tôi nhớ tới chữ Luồng mà người VN bây giờ rất thích dùng :
Những luồng tư duy , luồng thông tin , luồng văn hoá , khám bệnh ngoài luồng ... và rất nhiều nữa mà ngay bây giờ tôi chưa nhớ ra hết để thưa cùng quý vị .
Chúng ta chỉ cần nói những tư tưởng , những suy nghĩ , những tin tức ... là rõ nghiã .
Cũng như chữ Chùm ( chùm ảnh ) Sao không nói một tập ảnh , một bộ ảnh , mà phải là CHÙM ( chùm khế , chùm nho hay chùm chôm chôm ? )
Chùm là hình dáng cuả một cái gì kết tròn lại xúm xít mà thành , như chùm nho , chùm nhãn . Còn vài bức ảnh , nó làm sao kết thành ... một chùm cho được , mà cứ cố "ép" cho nó thành chùm hoài , kỳ cục quá .
Dường như người Việt bây giờ rất thích nói cho nổ , cho vang , cho dòn . Một câu nói đơn giản , rõ ràng , dễ hiểu thì không được ... ưa chuộng cho lắm . Đây chính là cái đau khổ cuả tiếng Việt !
Riêng chữ " thông tin " thì tôi dị ứng 100% ( tôi đã có dịp thưa chuyện cùng quý vị nhiều lần rồi ) vì nó sai bét mà hiện nay người ta dùng tràn lan đến chóng mặt , trên báo chí cũng như trên các đài truyền thanh , truyền hình trong nước cũng như ngoài nước .
Thưa , Hai chữ thông tin ghép lại không có nghiã là một tin tức .
Thông tin là chuyển hay báo một cái TIN cho ai , cũng giống như nói Truyền Tin là loan ra , truyền ra một tin . Ngày xưa VNCH có các Phòng Thông Tin ở các cấp xã , tỉnh , quận ... Chúng ta nói :
Bữa nay ở Phòng Thông Tin có chiếu phim ngoài trời .
Vậy cái nhà được đặt tên là Phòng Thông Tin ấy , nó làm nhiệm vụ loan tin , thông tin cho dân , chứ nó không có báo hay loan đi , thông đi một cái thông tin .
Văn phạm VN phân biệt : danh từ , động từ , tĩnh từ , trạng từ ... Động từ thông nó làm cái việc chuyển tải , và chuyển tải cái gì ? Chuyển tải cái tin = là một danh từ .
Không thể nói :
Tôi có thông tin về vụ đó .
Mà phải nói :
Tôi có tin , hoặc tin tức về vụ đó ( không cần nói vụ việc như ngày nay người quá thích nói )
Không thể nói :
Nhận được thông tin cuả anh .
Mà phải nói :
Nhận được tin anh ( giản dị quá )
Và một câu mà tôi thấy khó chịu nhất , xin lỗi quý vị phải nhắc lại lần nữa là :
Bà ấy đi không để lại thông tin . Nghiã là người Việt hiện nay muốn nói :
Bà ấy đi mà không để lại điạ chỉ hay số đ/t để tiện liên lạc .
Tiếc rằng chữ nghiã sai , nặng nề , cầu kỳ và vô ích cuả vc hiện nay đang lan tràn . Nếu các nhà làm truyền thông , làm báo chí , ca nhạc , phim ảnh không chú ý để giữ gìn , trau dồi cho tiếng Việt ngày càng trong sáng , tươi mát mà truyền đạt lại cho thế hệ mai sau , thì ai sẽ làm công việc này ?
Tôi nhớ ngày xưa , thời VNCH , tuy chúng ta chưa có Hàn Lâm Viện nhưng quý vị học giả , quý bậc cao niên lão thành , quý vị văn sĩ , nhà báo , nhà thơ cũng như nhà giáo nhiều kinh nghiệm , thường phê phán hay chú thích , bàn luận những cách viết , câu cú , điển tích , cách hành văn sai , hay cách viết mới ... rồi đem ra phân tích , nhiều khi trên nhiều loạt bài bình luận và có khi đi đến những cuộc bút chiến nho nhỏ như trường hợp chữ Y và I một thời gian . Điều đáng ghi nhớ là hồi ấy , nếu người ta thấy mình sai thì họ lắng nghe và tự sửa lỗi . Nhà trường cũng dự phần rất lớn vào công việc chấn chỉnh và sửa đổi ấy . Bởi vì may mắn thay , nhà trường thời VNCH được xây dựng từ một nền Giáo Dục Khai Phóng và Nhân Bản . Nền Giáo Dục ấy đã được quý Thày Cô , quý vị Giáo Sư khả kính ngày trước làm rường cột nâng đỡ , dìu dắt , cưu mang . Một nền Giáo Dục mà ngày nay không còn chút bóng dáng nào trên quê hương nữa , do dép râu nón cối đã dẫm đạp , chà nát tới tận cùng !!!
Chúng ta ra đi mang theo văn hoá dân tộc , mang theo cách ăn , cách nói , cách sống cuả người miền Nam , bên này sông Bến Hải . Người ở lại bị thế cuộc xoay vần , bị nhồi sọ , bị đầu độc bởi thứ văn hoá lai chệt và lai căng khác . Khoái nói ảnh nudehơn là ảnh khoả thân , khoái nói VIP hơn là nhân vật quan trọng , khoái nói nội yhơn là áo quần lót , khoái nói sở hữu hơn là có , khoái khẩn trương hơn là nhanh lên, khoái nói nội tạng hơn là lòng hay ruột , khoái tuổi teen hơn là tuổi thanh niên , tuổi trẻ ... v.v... Hơn nữa kẻ thắng ( ?! ) lúc nào cũng "mạnh" hơn kẻ "bị bắt" phải thua cuộc , và dần dần người Việt bắt chước , nói riết theo rồi thành quen .
Những năm gần đây , một số " người Việt " sinh sau 75 từ từ ra đi , đem theo lối nói " mới " nhưng mà sai ấy , ra nước ngoài . Và cứ thế , tiếng Việt mới , làm đau lòng người Việt xưa , người -Việt- không- cộng- sản !
HY