Ngày Thứ Bảy vừa qua, tôi ngồi đợi máy bay ở phi trường Hồng Kông suốt mấy giờ, cho nên đọc gần hết một tờ báo South China Morning Post (Hoa Nam Ðán Báo). Thấy lạ, vì có mấy trang trên tờ báo này đăng toàn tin tức Trung Quốc, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Thật không ngờ dân Hồng Kông lại thích nghe tin lạ trong lục địa đến thế.
Dân Hồng Kông chắc thích đọc những chuyện lặt vặt vui buồn; loại tin mà làng báo Việt Nam gọi là “tin xe cán chó.” Cho nên tờ Post hôm đó thuật tới hai chuyện đám cưới trục trặc. Một xẩy ra ở thị xã Ích Dương (Yiyang), tỉnh Hồ Nam. Cặp uyên ương dắt nhau đến tòa hành chánh ký hôn thú, nhưng kẹt vì chú rể họ Tiêu (Xiao) đã mất các giấy tờ. Chú được mời qua bàn giấy khác, làm lại giấy “chứng minh nhân dân.” Khi cảnh sát cho chạy tên họ chú rể trên máy vi tính, họ mới khám phá ra anh này đang trốn sau khi bị truy tố ra tòa. Chú rể bị bắt ngay, tờ Post không nói tiệc cưới có tiếp tục hay không. Chuyện này chứng tỏ nhân dân xã ta chưa biết cái computer nó biết nhiều chuyện đến thế nào! Một đám cưới khác ở Hợp Phì (Hefei). Ðám cưới gián đoạn, chỉ vì trước hôn lễ hai ngày chú rể 24 tuổi đi ăn trộm, bị bắt tại trận. Ngày cưới đã được chọn từ trước, đúng ngày lành tháng tốt, không đổi được. Cậu em trai phải tạm đóng vai chú rể trong bữa tiệc, chỉ thay mặt ông anh.
Thêm một tin vặt khác, kể chuyện một bà mẹ ở Quảng Châu (Giangzhou) mua cho con cái máy “vừa học vừa chơi bằng computer.” Ba tuần sau, bà mẹ hiền về nhà thấy ba đứa bé, từ hai tới sáu tuổi, đang ngồi con phim con heo. Ðem máy tới cửa tiệm, người bán giải thích rằng cái máy này mua lại của người ta; chắc một trong số các chủ nhân cũ đã cho phim con heo vào đó rồi quên không xóa trước khi đem bán lại.
Trong số tin vặt, cũng có một tin vui. Có hai vợ chồng nông dân cần tiền đóng học phí cho hai con đã đi xin bố thí. Họ đi bộ từ tỉnh An Huy qua tỉnh Hồ Bắc; trên đường dài 500 cây số, tới đâu lại ăn xin ở đó, tốc độ chậm vì họ bị khuyết tật. Sau hai tháng, Thứ Năm tuần trước họ đến nhà ngân hàng bưu điện tại thị xã Hoàng Thạch, ôm theo mấy bao đựng hơn 3,000 đồng “bạc cắc,” nhờ ngân hàng chuyển về nhà cho các con. Sau ba giờ ngồi đếm, tổng cộng họ kiếm được 300 đồng Nguyên, tức là gần 50 đô la Mỹ.
Chỉ trong trang tin vặt tờ Post, tức Hoa Nam Ðán Báo đã thuật ba tin liên can tới tham nhũng. Một tin nói tới đường lối về tôn giáo của đảng Cộng sản. Một quan chức đứng đầu ủy ban sắc tộc và tôn giáo trong Hội nghị Tham vấn Chính trị mới viết trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo một bài cực lực bác bỏ những ý kiến nói rằng vì sống thiếu tín ngưỡng cho nên bây giờ đạo đức của con người xuống dốc và chính quyền đầy tham nhũng. Ông Chu Duy Quần (Zhu Wei Qun) nhấn mạnh một nguyên lý của đảng Cộng sản Trung Quốc từ khi thành lập đến nay là các đảng viên không được theo tôn giáo nào cả. Nhưng viết như vậy thì ông Chu Duy Quần tự chống lại mình: Ông đã chứng minh điều ông muốn phản bác. Người ta sẽ bảo chính vì các đảng viên cộng sản không theo tôn giáo nào, cho nên những tay tham nhũng nhất mới toàn là đảng viên cả!
Tin thứ hai, lấy từ Sơn Tây Vãn Báo, cho biết hơn một phần tư tiền trong quỹ “Xóa đói giảm nghèo” tỉnh Sơn Tây (Shanxi) trong năm ngoái đã bị các quan chia nhau “chôm.” Số tiền thâm thủng khoảng 570 triệu Nguyên, gần 100 triệu đô la Mỹ, và có tới hơn 400 người bị bắt điều tra, tức là trung bình mỗi quan nuốt gần 250 ngàn Mỹ kim. Họ là những đảng viên đã tự xóa đói giảm nghèo cho chính mình; mà chắc đều không có tôn giáo. Một bản tin mươi dòng khác kể chuyện một quan chức bị truy tố về tham nhũng, bà mẹ ông ta hết lời bênh vực con, quả quyết con bà không bao giờ tham nhũng. Hỏi tại sao ông ta có một tài sản kếch xù lớn gấp hàng ngàn lần so với lương bổng của ông? Bà mẹ trả lời: Tiền bố cháu để lại! Nhà báo không hỏi tiếp ông bố đã làm gì mà tạo ra tài sản đó, nếu hỏi chắc bà mẹ sẽ nói đó là di sản của ông nội hoặc bà ngoại.
Báo Post cũng loan tin cảnh sát ở thành phố Vũ Hán đã tịch thu hàng hóa của một công ty bán đồ xa xỉ (Wuhan), trị giá 200 triệu đồng Nguyên, tiền Trung Quốc, vì toàn là hàng thật, nhưng trốn thuế. Số hàng trị giá tương đương 50 triệu đô la, mang tên những nhãn hiệu đắt tiền như Prada, Gucci, Louis Vuiton và Chanel, mua ở Hồng Kông chuyển về theo đường lậu thuế. Ở Trung Quốc chính các quan chức tham nhũng tiêu thụ đồ xa xỉ nhiều nhất. Các mặt hàng xa xỉ đang ế vì chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Các quan to không dám nhận quà biếu của cấp dưới nữa. Trong nửa đầu năm 2014, số bán của công ty Hermes ở Trung Quốc đã giảm 7 phần trăm, phần lớn vì thị trường Trung Hoa xuống. Một cái túi xách tay hiệu Hermes của Pháp, làm bằng da cá sấu, bán ở Thượng Hải giá 80,000 đô la Mỹ. Công ty rượu Mao đài ở Quế Châu (Kweichow) than rằng năm ngoái số bán tăng thêm 14% nhưng trong sáu tháng đầu năm nay tiền lời đã tụt xuống.
Nhưng nhiều vị tham quan đã biết cách chuyển tiền đi ngoại quốc. Báo South China Morning Post (số báo Thứ Bẩy vừa qua) đăng một bài dài về thị trường địa ốc miền Nam California. Các đại gia Trung Quốc đang chiếu cố vùng này. Ðọc bài báo quý vị sống ở Little Saigon sẽ hiểu tại sao giá nhà cửa chung quanh mình đang lên. Trong một năm, tính đến cuối Tháng Ba năm 2014, dân Trung Quốc mua nhà ở Mỹ tổng cộng trị giá hơn 22 tỷ Mỹ kim, theo tin Hội Ðịa ốc Toàn quốc Mỹ (National Association of Realtors). Một chuyên viên địa ốc giải thích làm sao họ chuyển được tiền qua Mỹ để mua những căn nhà bạc triệu. Chính phủ Bắc Kinh hạn chế mỗi năm một công dân Trung Quốc chỉ được đem tối đa 50,000 đô la ra nước ngoài. Người ta bèn nhờ bè bạn, mỗi người chuyển giúp 50,000 qua một trương mục ở Hồng Kông. Chỉ cần có 20 người bạn tốt là chuyển được một triệu, rồi từ Hồng Kông sẽ chuyển qua Mỹ. Nhưng ở Mỹ cũng có luật bắt các ngân hàng phải đòi người gửi tiền chứng nhận do đâu mà có nhiều tiền như vậy. Nhưng luật nào cũng có lỗ hổng. Chỉ cần một ngân hàng ở Trung Quốc ký giấy chứng nhận lợi tức của người mua nhà, là ngân hàng ở Mỹ chấp thuận.
Bên cạnh bản tin tức địa ốc trên, tờ Post cũng đăng một tin tòa án địa phương liên can tới tham nhũng, dù họ không nói ra. Một quan tòa Hồng Kông đã tuyên phạt một ông chủ tiệm mấy năm tù vì trong mấy tháng năm ngoái ông ta đã lập ra mấy công ty mà không cần làm gì cả vẫn có tiền ra tiền vô. Ba công ty của ông này chỉ mở trương mục trong nhiều ngân hàng, rồi liên tiếp nhận các ngân phiếu chuyển tiền từ trong lục địa ra. Bị cáo giải thích rằng ông không hề biết những món tiền đó từ đâu ra, chỉ thú nhận ông đã làm theo lệnh của một “đại ca,” được số tiền nào gửi vào ngân hàng lại ký ngân phiếu trả cho người khác ngay. Quan tòa mắng bị cáo là “ngu,” vì đã chuyển giúp số tiền mấy triệu đô la Mỹ mà mỗi tháng chỉ được trả công có một ngàn đô la! Tòa án không tiết lộ danh tính của “đại ca,” vì đó không phải là phận sự của họ!
Vẫn chưa hết chuyện địa ốc. Trong số báo ngày Thứ Bảy, tờ Post còn một bản tin dài về chương trình của chính phủ Bồ Ðào Nha thu hút các nhà đầu tư ngoại quốc. Ai bỏ tiền ra mua một ngôi nhà trị giá 500 ngàn đồng Euro và giữ nhà trong năm năm không bán, sẽ được công nhận làm di dân hợp pháp. Mà các di dân này chỉ cần sống thực thụ ở Bồ Ðào Nha mỗi năm tối thiểu bảy ngày thôi. Bản tin cho biết 80% những di dân địa ốc này là công dân Trung Quốc! Ðứng hàng thứ nhì là dân Nga, rồi tới Angola, một thuộc địa cũ của Bồ Ðào Nha.
Trong số các di dân địa ốc, nước Mỹ cũng chứa chấp 150 người Hoa đang trốn tránh để khỏi bị truy tố về tham nhũng. Ở Pháp thì có ngôi biệt thự ở thành phố biển Riviera nước Pháp, trị giá ba triệu đô la, của gia đình Bạc Hy Lai, ông bí thư thành phố Trùng Khánh bị Tập Cận Bình bỏ tù năm ngoái. Ngôi nhà này do một “người bạn” tặng cho vợ chồng Bạc Hy Lai.
Cơ quan Global Financial Integrity, một tổ chức tư nhân bất vụ lợi ở Washington DC, đã điều tra để ước tính được từ năm 2005 đến 2011 số tài sản bất chính được chuyển từ Trung Quốc ra nước ngoài đã lên tới 2,830 tỷ đô la. Chúng ta thường chỉ chú ý đọc những tin tức nói cán cân thương mại của Trung Quốc mỗi năm thặng dư hàng trăm tỷ đô la, tức là tiền thu vào nhờ xuất cảng cao hơn tiền trả ra nước ngoài khi nhập cảng. Nhưng không mấy ai biết số tiền dân Trung Quốc đem ra nước ngoài mua nhà cửa cũng lên tới hàng trăm tỷ đô la!
Ðọc báo South China Morning Post tôi không ngờ họ đăng nhiều tin vặt về đời sống trong lục địa như thế; mà điều ngạc nhiên hơn nữa là trong cùng một số báo họ có tới bốn, năm bài về chuyện quan chức Trung Cộng tham nhũng, chuyện rửa tiền, chuyện ôm tiền bỏ chạy! Có lẽ đó là một cách báo cho dân Hồng Kông biết rằng nếu họ không tranh đấu giữ lấy quyền tự trị thì sẽ có ngày xã hội của họ cũng đầy tham nhũng như vậy.