Lời giới thiệu: Tôi được đọc câu chuyện về cựu trung
úy Đỗ Lệnh Dũng đã khá lâu, cách đây cũng trên 10 năm dưới cái tên “Chuyện người
Đỗ Lệnh Dũng”, lúc đó mới chỉ là “chuyện
viết từng kỳ” vì tùy theo cái hứng có thể nói khá bất tử “không lường trước” của
Lê Thiệp, tôi hãnh diện lắm vì mình lại
được ông bạn và cũng là ông anh “tin yêu” giao bản thảo với lời nhắn “ông muốn
làm gì thì làm”. Bài đã được đăng nhiều kỳ và khán giả rất say mê khi tôi còn
phụ trách tờ báo của người Việt tại Nhật. Đến năm 2006, thì nhận được truyện ký
“Đỗ Lệnh Dũng” từ tác giả. Với cảm nghĩ đã có xem qua, tôi không mấy chú ý đến
nội dung quyển sách mà sau này tôi mới biết là đã được “hiệu đính” khá cẩn thận
và phong phú khác hẳn so với “chuyện viết từng kỳ”. Mấy hôm trước nhận được bài
viết dưới đây từ một thằng bạn, tôi bị lôi cuốn theo rồi đọc lại quyển sách và
cũng cảm thấy bất ngờ vì mình say mê đọc lại với tốc độ quá nhanh đúng như tên
bạn nhận định: “Một
tốc độ đọc khá nhanh so với tuổi về chiều….”.Xin mời quí vị theo dõi bài tóm tắt dưới đây của Nguyễn Hữu Nghiêm và sau
đó nếu có ….. điều kiện xin quí vị vào thẳng
Truyện ký “Đỗ Lệnh Dũng” của Lê
Thiệp
Tủ sách Tiếng Quê Hương phát hành
P.O.Box 4653 – Fall Church
VA 22044 - USA
Tủ sách Tiếng Quê Hương phát hành
P.O.Box 4653 – Fall Church
VA 22044 - USA
Vũ Đăng Khuê
Câu
chuyện về một người lính
Phải chờ đến 8 năm kể từ khi quyển sách được xuất bản, và sau khi tác giả
là nhà văn nhà báo Lê Thiệp qua đời vì chứng bệnh nan y thì tôi mới có dịp đọc “Đỗ lệnh
Dũng”. Một phần vì cuộc sống khá bận rộn,
và phần khác tôi đã đọc sơ qua phần giới thiệu về tác phẩm này được đăng tải
trên vài tờ báo địa phương khi quyển sách ra mắt độc giả.
Quyển truyện kể lại một câu chuyện rất thật của một cựu trung uý tên
là Đỗ lệnh Dũng. Qua gần 400 trang sách tác giả đã ghi lại cuộc đời của nhân vật
chính từ những ngày sắp bước chân vào
quân trường, những tháng ngày trong binh nghiệp, lúc sa cơ bị bắt trong trận
đánh cuối cùng ở Đồng Xoài, Phước Long, rồi bị đày ải trong các trại tù CS, cuối cùng được
phóng thích và sang đoàn tụ với thân nhân tại Hoa Kỳ. Quyển sách được viết ra
không nhằm mục đích vinh danh, đề cao cá
nhân hay viết về tiểu sử nhân vật Đỗ lệnh
Dũng. Nhưng là câu chuyện về những nghiệt ngã, oan khiên của những người dân Việt Nam, mà Đỗ lệnh Dũng là một trường hợp điển hình, đã phải gánh chịu suốt mấy mươi năm trong và
sau cuộc chiến tương tàn của hai miền Nam, Bắc. Và cũng qua quyển sách này
chúng ta có thể hình dung được phần nào mức độ khốc liệt của cuộc chiến lúc bấy
giờ. Xen vào giữa các chương, tác giả cho
vào các tin tức, tài liệu cập nhật hoá tình hình chính trị, quân sự, xã hội của
cả 2 miền trong thời chiến tranh và cả
sau khi miền Nam bị thất thủ. Nhờ đó mà độc giả dễ dàng nắm bắt được bối cảnh
không gian và thời gian của câu chuyện.
Nhân vật chính Đỗ lệnh Dũng thể hiện nhân dáng
điển hình của người lính chiến miền Nam. Cầm súng chiến đấu vì bổn phận, trách
nhiệm chứ không phải vì hận thù, thích bắn giết nhau. Bản chất của họ là những
người nhân ái, giàu tình cảm. Khía cạnh
nhân bản này đã được biểu hiện bởi người lính Đỗ lệnh Dũng khi anh ngậm ngùi kể
lại: “...Có lần
chúng tôi bắt được hai tù binh từ Bắc xâm nhập. Họ trẻ quá, hiền lành quá như
những cậu học trò trung học. Tôi có thể làm tình làm tội họ, hoặc nữa là bắn họ.
Tôi đã rùng mình trong suy nghĩ rằng mình có quyền định đoạt cái chết của người
khác..”
Nhưng không vì thế mà người lính miền Nam chiến
đấu thiếu hăng say, thiếu dũng cảm, can cường. Và cũng vì muốn là một người lính
đúng nghĩa, Đỗ lệnh Dũng đã từ bỏ một
chức vụ an nhàn, tùy viên cho một ông tỉnh trưởng, để xin ra được tác chiến cùng với các đồng đội của mình. Khi được giấy chấp thuận sang Hoa kỳ thăm gia đình, thay vì ở lại Sài
Gòn chờ ngày ra đi , nhưng vì tình chiến hữu, đồng đội ông đã trở về thăm đơn vị
của mình lần cuối, để rồi bị kẹt lại trong trận đánh mở màn cho cuộc tấn chiếm
miền Nam một thời gian không lâu sau đó. Để rồi đến khi bị bắt làm tù binh, bị
kẻ thù ngược đãi, hành hạ, ông thản nhiên chấp nhận, chịu đựng, không lời oán
trách.
Khi bị bắt
cầm tù, không phải phía đối phương tất cả đều là những kẻ hiếu chiến, khát máu.
Đâu đó chúng ta vẫn còn thấy lấp lánh điểm sáng của lương tri, của tình người ở
những người lính miền Bắc “...Không ngờ một sĩ quan trẻ tốt nghiệp Võ Bị Đà Lạt lại
thuộc và hát vọng cổ hay như vậy. Những người lính ngồi chồm hổm phía ngoài đôi
khi nổi hứng quăng thuốc lá cho tụi tôi, và có lần một người xông vào giữa đám
tù vừa đi vừa chìa bao thuốc lá quăn queo mời. Anh ta nghênh ngang vừa đi vừa
nói: “-Sợ đéo gì. Kỷ luật thì kỷ luật, ông đéo sợ...”
Thật
ra họ cũng chỉ như là những con ngựa bị che mắt, nạn nhân của sự lừa phỉnh, dối
trá: “Em tin là anh kể chuyện thật. Nhưng như vậy thì tụi em bị lừa, lừa từ lúc mới
đẻ ra cho đến khi lớn, bị lừa cho đến già. Cả đời bị lừa, cả nước bị lừa.”
Quyển sách mở đầu với trận đánh tấn chiếm Đồng
Xoài, Phước Long vào những ngày cuối năm 1974. Trận chiến này đã mở màn cho cuộc
cưỡng chiếm miền Nam mấy tháng sau đó và cũng là trận chiến kết thúc cuộc đời
binh nghiệp của Trung Úy Đỗ Lệnh Dũng. Trận đánh rất khốc liệt từ lúc mở màn, quân trú phòng chiến đấu thật dũng cảm, nhưng dần dần trở nên yếu thế vì sự chênh lệch quân số và vũ khí giữa hai
bên:
“Và người lính thám báo nhảy
hẳn lên khỏi hàng bao cát, quay khẩu M72 bắn. Chiếc T54 trúng đạn chao sang một
bên nhưng vẫn chầm chậm lăn về phía hàng rào, pháo tháp trên với nòng đại bác
100 ly hướng về phía chúng tôi. Tôi nhìn thấy họng đại bác khạc lửa và sau đó
là tiếng nổ. Người lính M72 lãnh nguyên trái đạn, chiếc áo giáp bay ra như bươm
bướm, trắng cả một khoảng giao thông hào.
Tôi không thấy thịt xương
của anh ta, có lẽ cả người bị đạn 100 ly đẩy tuốt đi tận đâu. M72 không đủ sức
hạ T54 vì chiến xa của địch đã được cải tiến thành xe hạ thấp và có độ nghiêng
khiến đạn M72 bị trượt đi.”
…………………………………………………………………………………………………
“…Vừa lui cui chạy dọc theo
phía bao cát tôi thấy hai nghĩa quân đang đứng ôm M16 hướng ra ngoài. Một trái
122 ly nổ giữa sân, đất cát bắn tung toé. Chiếc cột cờ gãy ngang, lá cờ vẫn
vướng vào dây rách lỗ chỗ. Người nghĩa quân quay sang nói với tôi:
- Tội lá cờ, để em ra lấy.
Tôi chưa kịp cản thì anh ta đã lao ra giữa
sân. Một trái 122 ly nữa nổ tung. Người nghĩa quân ngã gục trên lá cờ và chỉ
một giây sau đó, xác anh bật tung lên vì trái lựu đạn của anh có lẽ đã tuột kíp
nổ. Người nghĩa quân nằm đó bất động, cờ tẩm máu đỏ rách bươm quấn lấy đầu anh….”
Những cái chết thật bi hùng của người lính chiến VNCH. Sau
đó Đồng Xoài thất thủ và trung úy Đỗ lệnh Dũng bị giặc bắt khi trên đường tháo
chạy. Và từ đó ông bắt đầu những năm tháng bị giam cầm đày ải trong ngục tù CS
được mỹ từ hoá bằng tên trại cải tạo. Trong những ngày đầu bị cầm tù, ông ngồi
tưởng nhớ lại những ngày tháng trước của mình. Ở đây tác giả Lê Thiệp đã dùng kỹ thuật flashback khá tài tình. Đây là con dao
hai lưỡi, nếu dùng một cách khéo léo sẽ làm cốt truyện thêm sinh động, nhưng
ngược lại nếu vụng về sẽ làm người đọc dễ bị lầm lộn về thời gian, không gian,
không biết chuyện nào xảy ra trước, chuyện nào xảy ra sau.
Nhưng quyển sách không chỉ toàn là những máu lửa giết chóc
trong chiến tranh, những đày đoạ tàn bạo của ngục tù và cai tù CS. Trong quyển
sách không thiếu những đoạn văn thật đẹp, thật ướt át đầy tình cảm. Như cuộc tình đầu tiên:
“Dung
siết nhẹ tay tôi không nói năng gì. Tôi ngửi thấy mùi thơm của hơi thở. Tôi
nghe thấy cả tiếng tim mình hay tiếng tim Dung đang đập. Đá ở bãi Ô Quắn nhiều
và lớn. Hai đứa mò mẫm, tôi đưa tay cho Dung níu, kéo nàng lên.
Sóng biển rì rào đập vào đá, bọt tung trắng
xóa. Đêm thẫm mầu ngoài xa. Khi tôi hôn nàng, mới đầu Dung như muốn đẩy tôi ra
nhưng ngay sau đó, tay nàng vòng qua cổ tôi. Hai đứa hôn nhau như thể đã chờ
đợi từ kiếp nào. Môi Dung nóng bỏng, đượm vị mặn của biển. Tôi lùa tay trong
tóc nàng. Dung từ từ ngả người trên tảng đá, hai tay xỏa ra, ngực phập phồng
trong chiếc áo pull xanh mầu lá chuối. Tôi chống tay cúi xuống. Mặt nàng lung linh
trong đêm, như thật, như mơ, như từ cõi xa xăm nào hiện về, tôi nhẹ nhàng và
rồi chúng tôi quấn lấy nhau. ..”
Nhưng rồi cuộc tình
cũng không vẹn tròn, đôi tình nhân phải chịu cảnh ly tan, chia lìa theo vận
mệnh đau thương của đất nước. Anh bình
thản chấp nhận, cũng như đã chấp nhận cái số phận nghiệt ngã của định mệnh dành
cho mình. Tuy nhiên cuối cùng anh cũng
có được một người con gái thật lòng yêu thương anh, cảm thông những khổ đau,
bất hạnh mà anh đã phải gánh chịu. Nếu cuộc tình thời trẻ tuổi thật sôi nổi,
cuồng nhiệt thì mối tình sau cùng này, sau những đau thương, bão tố của cuộc
đời, thật dịu dàng, đằm thắm. Dịu dàng, đằm thắm như người con gái đã cùng với
anh đi suốt cuộc đời còn lại, từ khi anh còn bị cầm tù cho đến sau khi anh được
phóng thích.
“Chúng
tôi ngồi như vậy khá lâu, tay Thu úp lên tay tôi. Cả hai không nói năng gì. Một
niềm hạnh phúc tươi mát lan khắp người, tôi như không còn là tôi nữa. Tôi quên
hết những đoạ đày. Tôi coi thường những đau khổ đã trải. Từ bàn tay mát rượi của
Thu tôi thấy mình đã thực sự hồi sinh, đang ngoi lên, trồi lên để sống lại…”
Sau khi ra khỏi tù một thời gian thì ông kết hôn, tìm được
việc làm, đời sống gia đình tương đối ổn định. Những tưởng sẽ sống nốt cuộc đời
còn lại ở mảnh đất quê hương khốn khổ. Nhưng rồi vì tương lai của con, không muốn
chúng bị nhồi sọ bởi một nền giáo dục nặng về tuyên truyền, giáo điều, nhẹ về
kiến thức, luân lý, anh cùng vợ con đành
phải ngậm ngùi lià bỏ quê hương mến yêu để đi sang miền đất tự do Hoa kỳ, đoàn tụ với những thân sau nhiều năm chia cách.
Đóng quyển sách lại,
tôi không khỏi bâng khuâng nghĩ ngợi. Số mệnh của Đỗ lệnh Dũng cũng là số phận
của tất cả người dân VN gắn liền với vận mệnh ngả nghiêng, tăm tối của đất nước.
Dù sao anh còn có được một kết cục có hậu, được sang miền đất tự do, nhưng còn
nhiều người khác, mang số phận nghiệt ngã, bi thương cho đến ngày xuôi tay nhắm
mắt. Và cũng như nhiều người khác, Đỗ lệnh Dũng chỉ muốn là con người bình thường,
chẳng bao giờ muốn là một anh hùng. Khi mặc áo lính anh chỉ mong làm tròn bổn
phận của người lính chiến, chiến đấu để bảo vệ non sông và có trách nhiệm với đồng
đội, chiến hữu. Như chuyện cứu mạng Đại Úy cố vấn Sam Graves, anh chỉ xem
“không có gì ghê gớm, vì đó là bổn phận của
tôi, và hơn nữa vì chính mạng sống của tôi và binh sĩ dưới quyền”. Điều này thấy thật rõ nét ở
những giòng chữ cuối cùng của quyển sách. Sau khi dự buổi lễ nhằm tuyên dương những anh hùng
Mỹ quốc, mà anh là một trong số người được
tuyên dương bởi những công trạng trong trận chiến VN, khi trở về phòng anh đã tâm sự với người vợ
yêu thương :” Anh
đâu có muốn làm anh hùng…Anh chỉ muốn một đời sống giản dị, bình thường, không
bắn giết, không súng đạn. Ước ao đó từ hồi nhỏ nhưng rồi cả đời anh là chiến trận,
là tù đày, là khổ nhục. Làm anh hùng để làm gì? “. Điều anh thật lòng mong
muốn là được sống bình yên trong một xã hội công bằng, nhân bản, tôn trọng quyền
làm người. Đó cũng là ước nguyện chung của những người dân Việt trong đó có những
người đang bị đày ải, cầm tù vì đã dám lên tiếng nói tranh đấu cho dân chủ,
nhân quyền. Nhưng biết đến bao giờ.
Mùa Thu 2014,
Nguyễn Hữu Nghiêm