Nguyên nhân khiến giới tư bản, giới doanh nhân, giới triệu phú và tỉ phú Mỹ, không ưa đạo luật ObamaCare là TIỀN; họ thờ tiền, triết lý sống của họ -cũng như triết lý sống của mọi người khác- là "đồng tiền dính liền khúc ruột."
Họ thích tiền, và họ đứt ruột mỗi khi mất tiền, mà ông Obama lại không biết điều đó, hoặc biết mà cứ tỉnh bơ, cứ cắt từng khúc ruột của họ, cắt hết tỉ mỹ kim này, sang tỉ mỹ kim khác của nhà giàu để chỉ mua được cho những anh nghèo có một tấm thẻ bảo hiểm y tế bé tí tẹo; ông thực hiện cái chính sách mà ông lẩm cẩm gọi là tái phối trí lợi tức -véo của anh nhà giàu một tí, đem dúi cho anh nhà nghèo.
Ông tổng thống đen của người Mỹ trắng, Mỹ đen, lại không hề biết là người Mỹ nghèo, chỉ thích thẻ “dzàng,” thích ngồi chờ suốt ngày để tới phiên được bác sĩ nhìn nhỏi tới, và thích được trị bệnh bằng những y lý, những dược phẩm rẻ tiền vừa khít với ngân sách của nhà thương thí.
Chính sách tái phối trí lợi tức của Obama đang tạo phá sản chính trị cho đảng Dân Chủ; trong cuộc tuyển cử tháng 11 vừa rồi, các chính khách Cộng Hòa đã oai dũng tóm gọn cả 2 tiền đồn Thượng Viện lẫn Hạ Viện, và đang chuẩn bị để 2 năm nữa, phát động trận tấn công dứt điểm, tràn ngập pháo tháp Bạch Cung.
Giáo sư luật Linda Greenhouse
Họ không sợ "hở môi, lạnh răng" như Việt Cộng sợ mất vài chục chữ vàng mạ nữa, vì ObamaCare đang làm cổ phần của những hãng heo-ke (healthcare) tăng hơn gấp đôi, và làm trị giá của Standard & Poors 500-stock tăng 70%.
Ông Michael J. Tuffin -nguyên phó chủ tịch tổ chức Americas Health Insurance Plans- hít hà tuyên bố, "chỉ tính trong vòng 10 năm sắp tới thôi, thì số tiền tài trợ nhà nghèo mua bảo hiểm y tế đã lên tới $2 trillion -2,000 tỉ mỹ kim; con số này là kim chỉ Nam của nghề heo-ke -tiền ở đâu, họ bâu vào đó." Con ba ba đã cắn câu thì trời có gầm, có sấm, có sét đến đâu nó cũng không nhả mồi ra được.
Trong cuộc họp với giới heo-ke tháng Mười vừa rồi tại Hoa Thịnh Đốn, ông Kevin J. Counihan, giám đốc điều hành thị trường bảo hiểm y tế của chính phủ, tâm tình với đại diện giới bảo hiểm, "Vai trò của quý hãng là vai partners của chính phủ; chúng tôi tri ân quý hãng."
Hiện tượng đại tư bản "yêu" ông Obama không những đang trở thành một sự thật -dù tréo cẳng ngỗng- nhưng dễ dàng chứng minh. Họ không thể không yêu ông, vì họ yêu tiền, mà ông lại là người đang đem đến cho họ gần chục triệu thân chủ, và đem tiền premium đếm bằng số tỉ mỹ kim đổ ngập đầu họ.
UnitedHealth Group là hãng bảo hiểm lớn nhất Hoa Kỳ; tuy nhiên, toàn bộ tài sản, lưng vốn của hãng tính tổng cộng cũng không hơn 68 tỉ mỹ kim, vậy mà chỉ riêng năm ngoái -2013- họ thâu vào $122 tỉ, lời nét gần 6 tỉ. Tình trạng doanh vụ như vậy khiến UnitedHealth Group đang săn tay áo, sẵn sàng bỏ phiếu bầu Obama ở lại ghế tổng thống thêm nhiệm kỳ thứ 3, thứ tư, hay thứ bao nhiêu nữa cũng được.
Mới bốn tháng trước UnitedHealth Group còn bỏ công, bỏ của ra để giúp chính phủ sửa lại cái website trục trặc gây trở ngại cho người nghèo muốn đăng tên xin trợ cấp y tế. Ông Michael F. Cannon, giám đốc nghiên cứu về chính sách ObamaCare của viện Cato, nhận xét tương quan giữa chính sách heo-ke của chính phủ và tình trạng sung túc đột phát của các hãng bảo hiểm y tế, đã dùng đến chữ symbiotic relationship -liên hệ cộng hưởng- có lợi cho cả đôi bên.
Giáo sư kinh tế Paul Krugman
Nói theo ngôn từ tử vi thì thủy sinh mộc, mộc thủy tương sinh; chính quyền Obama đem hàng chục triệu khách hàng mua bảo hiểm đến cho kỹ nghệ heo-ke, thì heo-ke bênh vực Obama.
Nhưng giới nhà giàu -ngoại trừ những hãng bảo hiểm y tế- vẫn thiệt thòi, vì Obama lấy tiền của họ đóng premium bảo hiểm cho giới nghèo; họ bảo các chính khách Cộng Hòa kiện Obama ra trước tòa cao nhất -Tối Cao Pháp Viện- xin phân xử.
Bới từng cọng lông, quý vị chính khách Cộng Hòa tìm mãi mới thấy một vết sơ xuất nhỏ trong cách hành văn; họ trích một câu trong luật ACA, câu này viết là luật ACA bảo trợ tiền mua bảo hiểm y tế tại những trạm bán bảo hiểm của tiểu bang; và như vậy, chỉ có 14 tiểu bang ủng hộ luật ACA tổ chức những trạm bán bảo hiểm; tại 36 tiểu bang khác, cư dân phải mua ObamaCare qua những trung tâm bán bảo hiểm của Liên Bang, do đó không được quyền hưởng tiền bảo trợ.
Giới heo-ke, theo phe Obama, thấy cái vết tích do các chính khách Cộng Hòa moi móc ra được đó, nó vừa dựng đứng, vừa quá nhỏ, nên họ sẵn sàng ra hầu tòa, bênh vực ông Obama; bên cạnh họ còn có giáo sư kinh tế Paul Krugman thuộc viện đại học Princeton và tờ nhật báo New York Times; họ dán cái nhãn hiệu "corrupt" lên lưng các chính khách thiên hữu vận động loại bỏ khả năng của chính phủ tài trợ tiền mua bảo hiểm y tế cho dân nghèo, và tấn công luật heo-ke để bảo vệ quyền lợi cho giới tư bản -chủ nhân của các chính khách cực hữu.
Tình hình căng thẳng đến mức giới bảo hiểm y tế có thể va chạm với khối Cộng Hòa đang chiếm đa số tại Thượng Viện, mặc dù đôi bên vẫn cùng một chiến tuyến từ ... ngày khai thiên, lập địa.
Giáo sư Krugman dùng danh từ "sự tàn ác khó hiểu" để mô tả việc các chính khách Cộng Hòa tấn công heo-ke, trong lúc giáo sư Linda Greenhouse thuộc viện đại học Yale Law School gọi quý vị chánh án TCPV là "những chính khách mặc áo chánh án."
Bà phân tách 3 đặc điểm của luật ObamaCare là (1) luật cấm các hãng bảo hiểm không được từ chối không bán bảo hiểm cho người đang sẵn mắc bệnh; (2) luật bắt buộc mọi công dân Mỹ phải mua bảo hiểm y tế -giống như mọi chiếc xe lăn bánh trên công lộ phải mua bảo hiểm tai nạn- để các hãng bảo hiểm thu lời trên những thân chủ khỏe mạnh, hầu có tiền bù đắp những con số chi phí cho thân chủ bệnh hoạn; và (3) tài trợ cho những thân chủ nghèo."
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, thành quả nhân đạo và kết toán của ObamaCare đang vượt quá mọi mức dự đoán -mọi người nô nức rủ nhau đi mua ObamaCare -nửa mua, nửa xin.
Phe Cộng Hòa không quan tâm đến những thành quả đó; họ nêu lên góc cạnh phi pháp của việc tài trợ người nghèo mua bảo hiểm y tế tại 36 tiểu bang Cộng Hòa.
Sắp nắm toàn quyền lập pháp Liên Bang qua việc họ nắm thế đa số trong cả 2 viện quốc hội, đảng viên Cộng Hòa mạnh miệng cho là ngay cả TCPV cũng không có quyền làm luật hay sửa luật, mà phải đưa đạo luật ObamaCare trở về cho Quốc Hội viết lại.
Dân nghèo tại 36 tiểu bang Cộng Hòa có thể đành trở lại với quy chế thẻ vàng, và nhà thương thí để đền cái tội không biết định luật "đồng tiền dính liền khúc ruột", nếu các hãng bảo hiểm y tế cũng bó tay, không tìm ra cách nào hữu hiệu để bảo vệ 2 trillions tiền premium mà luật ObamaCare đang đổ trước cửa các hãng heo-ke. (nđt)