Tuesday 25 November 2014

Nhân ngày lễ Thanksgiving - Người Mỹ Bầy Tỏ Lòng Biết Ơn

· Hàng năm cứ vào cuối Tháng Mười Một, người Mỹ nướng gà tây, ăn bánh bí đỏ, và bầy tỏ lòng tri ân về những gì Thượng Đế, đã ban cho. Năm nay báo TIME sưu tầm một số lời tri ân của những nhân vật nổi tiếng, như lời cảm ơn của cựu Tổng Thống Bush (ông Bush cha, số 41),của nhà vật lý được giải Nobel về khoa học năm 2014,của giám đốc cơ quan kiểm soát và phòng ngừa bệnh, và của Ngoại trưởng John Kerry. Chúng tôi chọn ra một số lời tri ân đặc biệt sau đây.

 
George H.W. Bush:  Tổng thống thứ 41 của Hoa KỳTôi xin được cảm ơn “nhà tôi”  sống chung với tôi suốt 70 năm trời, cảm ơn những người con có hiếu chăm sóc hai vợ chồng tôi, đã sinh cho chúng tôi những đứa cháu ngoan, và bây giờ có thêm bốn đứa cháu cố cho chúng tôi (một cháu cố nữa sắp ra đời). Ly rượu tạ ơn của tôi tràn đầy những ân sủng. Tôi xin được tiếp tục nói lời cảm ơn tinh thần đùm bọc giúp đỡ nhau của người dân trong xã hội Mỹ, một điều mà thế giới gọi là Ánh Sáng Soi Đường. Tôi xin đặc biệt tri ân không những đối với những quân nhân nam nữ mang quân phục quốc gia, đang hy sinh để bảo vệ sự tự do và hạnh phúc cho chúng ta, và cảm ơn gia đình của những quân nhân này, họ là người chia sẻ gánh nặng với các chiến sĩ nơi tiền đồn. Những người lính Mỹ  hy sinh thân mình, làm nghĩa cử cao qúi không phải vì họ muốn nổi tiếng, hay để xây dựng sự nghiệp tương lai, họ làm chỉ vì tấm lòng yêu nước. Với những ân sủng vừa kể, và nhiều cơ duyên may mắn khác, cho tôi có dịp phục vụ đất nước, cho tôi những dịp được nhảy dù từ trên máy bay xuống, cũng như quen biết những người bạn cùng tôi làm cho cuộc đời thêm vui. Tôi xin được chân thành cảm ơn, và xin được tiếp tục được cảm ơn thêm nhiều lần nữa trong tương lai.

 
John Kerry:  Ngoại trưởng thứ 68 của Hoa Kỳ, từng làm Thượng Nghị Sĩ bốn nhiệm kỳ: Khi tôi 11 tuổi, tôi được ăn Lễ Tạ Ơn ở Berlin, trong một tình thế hết sức căng thẳng, chia rẽ. Băn khoăn không hiểu vì sao có tình trạng như vậy, tôi đạp xe xuyên qua cổng Brandenburg , ngăn chia nước Đức, để tò mò khám phá khu vực Đông Đức. Mười lăm năm sau, tôi kỷ niệm Lễ Tạ Ơn với năm thủy thủ trên chiếc tầu tuần tiểu ở Việt Nam. Chúng tôi cùng nhau ăn dĩa trứng bắc, đánh nát. Năm 2007, tôi được hưởng ngày nghỉ cuối tuần trong dịp Lễ Tạ Ơn với ông Nelson Mandela.

Tôi cảm ơn khi thấy năm nay, thế giới đã thay đổi một cách kỳ diệu: Chiến Tranh Lạnh  đã không còn nữa, và hai nước Đức được thống nhất, các nước trong vùng Đông Nam Á trước đây bị chiến tranh tàn phá, nay trở thành khu vực trù phú, phát triển rất mạnh, và tình trạng phân biệt chủng tộc ở Nam Phi không còn nữa, thay vào đó là kỷ nguyên hoà giải, hợp tác.

Nhân ngày Lễ Tạ Ơn, chúng ta ghi nhận rằng sức mạnh tập thể là vũ khí để giải quyết những vấn đề tưởng như không thể làm được. Tôi xin được cảm ơn những người từng bị mang tiếng là  “kẻ gây rắc rối”, và những nhà tranh đấu khắp nơi  trên thế giới, họ đã can đảm đứng lên đòi hỏi chính quyền phải làm tốt hơn, và phải cai trị theo nguyên tắc của luật pháp. Tôi xin được cám ơn những người đã liều mình đứng ra bênh vực cho quyền lợi và nhân phẩm của những người bị cô thế. Tôi xin được tri ân những quân nhân trong quân lực của chúng ta, những nhà ngoại giao, và những người đã can đảm phản đối những  ý kiến chủ bại, khuyên can họ đừng chống đối. Những người làm cách mạng nhìn ra cơ hội thành công, trong lúc nhiều người khác cho rằng không thể làm được.

 
Shuji Nakamura:  Nhà Vật Lý đoạt giải Nobel về khoa học năm 2014.  Tôi cảm ơn về những kết quả loại đèn LED đem lại cho thế giới: Tiết kiệm năng lượng, chất lượng cao. Ngoài ra, nhờ ít tốn tiền, đèn này đem lại ánh sáng cho nhiều người nghèo trên thế giới.

 
Tom Frieden:   Giám đốc Trung Tâm Kiểm Soát và Ngăn Ngừa Bệnh Tật của Hoa Kỳ:  Vào ngày Lễ Tạ Ơn năm nay, 170 chuyên gia đặc biệt, chuyên viên y tế công cộng, và các thanh tra bệnh dịch của Trung Tâm Ngăn Ngừa và Kiểm Soát Bệnh Tật sẽ có mặt ở vùng Tây Phi, để giúp ngăn chặn, chữa trị bệnh dịch Ebola. Những nhân viên này làm công tác nguy hiểm, khó khăn đó không phải để mưu cầu danh lợi, và cũng không phải để nhận những lá thư cảm ơn của hàng triệu người Mỹ, hay những nơi khác trên thế giới. Nhưng họ làm công tác này để tránh cho mọi người không bị vướng bệnh, bị thương tật. Tất cả chúng ta đều mang ơn những người này, nhờ việc làm của họ mà chúng ta được an toàn và mạnh khoẻ.

 
Lawrence Lessig:   Giáo sư trường Luật Havard , nhà hoạt động tranh đấu bằng luật pháp:  Tôi cảm ơn những người đã sẵn sàng chấp nhận mang tiếng là kẻ điên khùng trong thời đại của họ  -  không phải chỉ vì họ muốn chơi ngông, hay vì đi ngược với trào lưu thời đại – mà chỉ vì họ nghĩ đến tương lai sẽ phải xảy ra như vậy. Những người chủ trương phải tiêu diệt chế độ nô lệ (abolitionists), hàng chục năm trước khi Tu Chính Án thứ 13 chấm dứt chế độ nô lệ. Những người phụ nữ tin rằng Tu Chính Án thứ 14 bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ, một thế kỷ trước khi Tối Cao Pháp Viện đưa ra phán quyết tương tự. Hay nhân vật của thời đại hiện nay, tôi rất mến chuộng là cụ Doris Haddock, còn được gọi bằng mỹ danh là Lão Bà D, ở tuổi 88 cụ vẫn oai hùng đi bộ khắp nước Hoa Kỳ với khẩu hiệu trên ngực: “Cần Phải Cải Tổ Lề Lối Tài Trợ Tranh Cử.”. Những cá nhân này đã phải hy sinh điều họ hiện đang có để đổi lấy điều quan trọng trong tương lai. Đúng như ông Vaclav Havel (Cựu Tổng thống Hung Gia Lợi) đã nói rằng những nhân vật này không hẳn là người theo chủ nghĩa lạc quan, nhưng họ hy vọng. Chính niềm tin vững chắc của họ khiến cho chính nghĩa họ giương cao mang ý nghĩa đặc biệt. Điều đó chính là công lý.
Sau cùng, tôi trân trọng ghi ơn tất cả những ai đã can đảm đứng lên bênh vực cho công lý, vào bất cứ thời điểm nào.
 
Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 1/12/2014