Dự Tri Thời Chí - HT. Thích Như Điển
Những người tu theo Pháp Môn Tịnh Độ, cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng không lạ gì với 4 chữ trên.
Bốn chữ ấy có nghĩa là: “Biết Trước Giờ Chết”. Chỉ có 4 chữ thôi; nhưng người ta phải chiến đấu với tự thân, phải hành trì miên mật mới có thể đạt đến cảnh giới an nhàn khi hơi thở không còn tự mình làm chủ được nữa.
Đa phần khi sống, chúng ta ít để ý hay quan tâm đến những gì đang hiện hữu bên ta hay trong ta. Ví dụ như hơi thở hay tế bào. Kể từ khi còn nằm trong thai mẹ, ta đã thở cùng nhịp thở của mẹ và khi ta chào đời cho đến ngày nhắm mắt, khi nào hơi thở cũng ởbên ta; nhưng nào ta có quan tâm và chú ý đến.
Trong khi ta thức hay ngủ, hơi thở vẫn tồn tại với đất trời và vạn vật để thải thán khí ra và buồng phổi của ta sẽ nhận khí Oxy vào, nhằm nuôi sống cơ thể nầy. Nhưng mấy ai để ý tận tường suốt cả một giòng đời về hơi thở trong 50, 60, 70 hay 80 năm ấy đâu.
Để một ngày nào đó hơi thở dồn dập, đứt khoảng và cho đến khi không còn hít vào thở ra được nữa thì ta lại lo toan cho biết bao nhiêu nổi khác nữa. Người còn sống lo cho người đang chết nằm đó và người chết đang lo chọn nghiệp để đi đầu thai.v.v. .
Khi còn trẻ, ai trong chúng ta cũng nghĩ rằng cái già và cái chết chưa đến với mình; nếu nó có đến, nó đến với người khác già hơn mình, bệnh hơn mình, chứ chưa đến phiên mình đâu mà lo, mà sợ. Rồi cứ như thế, dong ruỗi theo giòng đời trong sóng gió ba đào ấy, trồi lên hụp xuống không biết bao nhiêu lần, để rồi một ngày nào đó nhìn lại thân thể của chính mình đã không còn đẹp đẽ như ngày nào nữa.
Bây giờ da đã nhăn, tóc đã bạc, răng đã bắt đầu đau, lưng không còn ngồi thẳng được như xưa nữa và nhất là sắc diện của da, của các tế bào đâu còn hồng hào đẹp đẽ như lứa tuổi 20, 30 nữa. Lúc bấy giờ người ta mới ngồi để nhẩm lại thời gian và quyết làm cái gì đó cho thật có ý nghĩa, trước khi từ giả cõi đời nầy.
Nhưng đa phần nhiều người đến lúc chết vẫn chưa biết quan tâm về sự vô thường, lẽ sinh diệt cũng như định luật thành, trụ, hoại, không. Họ cứ thế chạy mãi theo vật chất và lợi danh, khiến mình trở thành con thiêu thân trong sự luân hồi sanh tử lúc nào cũng chẳng hay biết nữa.
Có nhiều người đi xuất gia lúc còn trẻ. Vì căn duyên đời trước họ đã có nhơn lành với Tam Bảo; nên đời nầy họ sớm bỏ tục để xuất gia và vào chùa học đạo, lúc tuổi còn thiếu niên. Cũng có lắm người sống ở đời đã kinh nghiệm và đã từng trải với bao nhiêu cuộc bể dâu của nhân thế rồi, nên sau đó mới xin thế phát quy y, xuất gia đầu Phật. Việc nầy xưa nay đã xảy ra rất nhiều.
Hôm nay tôi muốn viết bài nầy để gởi đến quý độc giả xa gần, nhằm giới thiệu một “Hiện tượng vãng sanh” đã biết “Dự tri thời chí” để cho mọi người xuất gia cũng như tại gia có một ít bằng chứng, nhằm tô bồi thêm cho niềm tin của mình khi phát nguyện vãng sanh.
Từ năm 1982 đến năm 2010, trong gần 30 năm đó, tôi đã độ cho 50 người đệ tử xuất gia. Người Đức có, người Việt có, người Việt gốc Hoa, gốc Mỹ cũng có và sau gần 30 năm ấy có 4 Sư Cô đã ra đi với hình hài vóc dáng của mình là một Tăng nhân; khoảng 10 người đã trả lại áo cho Thiền Môn và gia nhập lại đoàn quân thế trần để tiếp tục chiến đấu với sanh tử. Số còn lại 36 người vẫn còn tiếp tục tu hành và đa phần thực tập cũng như hành trì theo pháp Môn Tịnh Độ.
Trong 4 Sư Cô đã ra đi đó có 3 Sư Cô lớn tuổi là: Sư Cô Hạnh Niệm, Sư Cô Hạnh Tịnh và Sư Cô Hạnh Châu. Ba vị nầy ra đi ở tuổi trên 70 và gần 90. Riêng Sư Cô Hạnh Như trẻ hơn và khi Cô ra đi không bị cái già, cái bịnh nó chi phối. Vì lẽ Cô chỉ biết cái khổ của khi sinh và khi chết; còn 2 giai đoạn của tuyến đường sanh tử trong 4 cái khổ ấy, Cô đã thoát được khỏi cả hai.
Câu chuyện hôm nay đặc biệt tôi viết về Sư Cô Hạnh Châu, người mới theo Phật vào mùa Vu Lan Báo Hiếu năm 2009 nầy để mọi người cùng chiêm nghiệm. Tôi sợ để lâu ngày tháng qua đi, sẽ quên dần những điểm chính yếu trong sự vãng sanh thì uổng phí cho những người muốn tìm hiểu đến việc nầy.
Sư Cô đến chùa Viên Giác tại Hannover kể từ khi chùa còn bên đường Eichelkampstr. Lúc ấy Sư Cô đã ngoài 60 tuổi rồi. Người Huế ăn nói nhỏ nhẹ và lễ phép như xưa nay vậy. Sau một thời gian làm công quả ở chùa, Cô có ý muốn xuất gia. Tôi hơi do dự; nhưng cuối cùng lại đồng ý. Vì lẽ Cô đã lớn tuổi rồi, muốn cầu giải thoát sanh tử mà mình không cho, quả là hẹp hòi.
Nhưng cái lệ của người muốn xuất gia tại chùa Viên Giác là phải thuộc hai thời công phu bái sám trước khi xuống tóc, mà khó nhất là Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm. Trong khi Cô không rành mặt chữ mấy. Vì thế hệ của nhiều người Việt Nam mình, khi sanh vào đầu thế kỷ thứ 20, đôi khi ngày sanh ra đời, cha mẹ còn không nhớ, có đâu nhớ đến việc cho con cái đi học ở trường.
Người Việt mình sinh con hơi nhiều, là vì xứ nôngnghiệp và muốn có người chăm lo đồng áng cho gia đình. Chứ ngàyxưa khi sinh con ít có người quan niệm rằng: phải lo cho con cái ăn học thành tài. Ngay cả ngày nay những dân tộc văn minh nhất nhì trên thế giới; nhưng người không biết chữ cũng không phải là ít.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 nhiều lúc trong khi giảng pháp Ngài cũng có nhiều lần đề cập đến Mẹ của Ngài. Ngài cho biết rằng: Mẹ Ngài cũng không biết chữ; nhưng cái tình thương từ mẹ Ngài đã nuôi Ngài lớn như ngày hôm nay và sở dĩ lòng từ bi mà Ngài có được hôm nay không phải từ Tôn Giáo Ngài nhận được, mà chính là từ tình thương của người Mẹ không biết chữ kia.
Như vậy có nghĩa là văn hóa nó chỉ giúp cho con người mở rộng tầm hiểu biết; chứ chữ nghĩa không sinh ra từ tình thương và lòng từ bi được. Vì đây là những việc tự nhiên, không cần phải đi học ở trường đời hay trường Đạo mới có được.
Mỗi tuần hay hai tuần tôi thường hay dò bài quý Cô, quý Chú một lần và lần nào thấy Cô Hạnh Châu cũng thuộc bài; Tôi có hỏi Cô cách học Kinh như thế nào khi không làu chữ quốc ngữ, thì Cô bảo rằng: “con nhờ Sư Chú đọc qua 1 câu rồi 2 câu cho đến 5 câu và con lắp vần lắp chữ, lắp câu lại để nhẩm đi nhẩm lại nhiều lần. Cho nên con thuộc được”.
Đó là cách học của Cô. Còn nhiều người ỷ mình thông minh,giỏi chữ nghĩa; nhưng không định tâm để học thì 3 năm, 5 năm hay nhẫn đến 10 năm cũng khó mà thuộc được Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm. Vì đây là loại Kinh khó đọc, khó tụng và khó hiểu nhất.
Cho nên trong chùa hay nói rằng: “Làm lính sợ ải, làm sãi sợ Lăng Nghiêm” là vậy. Ai đi lính rồi, qua đèo qua ải mà chẳng sợ. Ai đã một lần cạo tóc làm nhà Sư rồi, thì biết Lăng Nghiêm nó khó vào bực nào.
Nhưng sau Lăng Nghiêm lại còn Kinh Di Đà, Hồng Danh Sám Hối, Mông Sơn Thí Thực, và 2 quyển luật Tỳ Ni, Oai Nghi nữa. Quả là một núi chữ; nhưng cuối cùng Sư Cô đã vượt qua hết, để được thọ Sa Di Ni, Thức Xoa Ma Na (Nữ học giới). Từ Thức Xoa muốn thọ Tỳ Kheo Ni phải ít nhất 2 năm nữa và phải thuộc hay trả lời rành rẽ luật của Sa Di Ni, Thức Xoa và Quy Sơn Cảnh Sách.
Đây là những cái ải cuối cùng của những người muốn dự vào chốn: “tuyển Phật Trường”. Nghĩa là người đi xuất gia, thọ giới là người muốn tham dự vào chốn tuyển người làm Phật; nên không có cái khó nào của thế gian có thể sánh được cho cùng.
Dầu cho tuổi lớn đến bao nhiêu đi chăng nữa; nhưng khi đã phát tâm xuất gia, thọ giới thì phải thức khuya, dậy sớm, học Kinh, Luật, Luận hằng ngày và làm công quả trong những giờ rảnh để vun trồng phước đức cho chính tự thân của mỗi người. Công việc tuy nhẹ. Vì thấy hơi nhàn hạ. Cho nên có nhiều người mới buộc miệng bảo rằng: “Muốn rảnh rang thì vào chùa mà ở”. Điều nầy hẳn lầm! ở chùa thân và tâm lúc nào cũng bận rộn hết. Người nào muốn tìm sự nhàn hạ thì không nên ở chùa. Khi vào chùa với tâm niệm “xúc sự diện tường”như vậy, quả là tạo thêm gánh nặng cho nhà chùa và làm hao mòn cơm gạo của Đàn Na Tín Thí.
Cuối cùng rồi Cô cũng đã thọ được giới Tỳ Kheo Ni và mỗi sáng sớm Cô vẫn thường hay ngồi thiền, tụng Kinh Lăng Nghiêm, đi kinh hành nhiễu Phật trên chánh điện của chùa mới từ năm 1991 đến năm 2005. Suốt trong gần 15 năm ấy Sư Cô Hạnh Châu vẫn tinh tấn tu học. Giờ học nào của quý Thầy dạy cũng đều có mặt Cô.
Giờ tụng giới Bồ Tát, An Cư kiết hạ . . . cho đến mùa An Cư sau cùng của năm 2009 Sư Cô vẫn tham dự. Quả là một sức chịu đựng dẻo dai của người gần 90 tuổi như vậy.
Những năm sau nầy tôi thấy Sư Cô già yếu quá; nên bảo Cô và Sư Cô Hạnh Ân mỗi sáng khi chư Tăng tụng Kinh tại Chánh Điện quý Sư Cô có thể hành trì niệm Phật tại phòng riêng của mình; chứ già rồi, lên xuống thang cấp của chùa nhọc nhằn lắm. Thế là những tiếng trì Kinh và niệm Phật của quý Sư Cô lớn tuổi lại vang vọng hằng đêm và vào mỗi sáng tinh sương tại liêu phòng ở tầng một của quý Sư Cô không sót một ngày nào.
Dầu cho có bịnh cũng không về nhà, cốt làm phiền con cháu. Lúc nào cũng tâm niệm rằng: sống cũng ở chùa mà chết cũng ở tại chùa. Do đó lúc nào quý Sư Cô cũng chỉ nhiếp tâm trong câu niệm Phật hiệu A Di Đà.
Những năm gần đâyCô hay thưa với tôi rằng: “Khi con chết con muốn mất tại chùa và lúc ấy có chư Tăng đông đủ cùng Sư Phụ nữa”. Tôi hay cười và trả lời rằng: “ Cô cứ nguyện như thế đi, biết đâu đủ duyên thì được. Còn tôi hay đi chỗ này chỗ nọ, làm sao mà biết trước được”. Cô cũng cười chỉ còn trơ lại hai hàm nướu và răng chẳng còn sót lại cái nào; nên tôi hay nói với Cô rằng: “Pháp Danh của Cô bây giờ là: Hăng rết (hết răng) chứ không còn là Hạnh Châu nữa”. Cô vẫn cười và tiếp tục chống gậy đi, trên tay luôn luôn có mang theo một tràng hạt.
Cuối đời của Cô, Cô hay để dành tiền và dùng tiền già, tiền lì xì của con cháu và Phật Tử cho Cô, Cô đem ấn tống Kinh sách, giúp người nghèo tại Việt Nam hoặc giả để dành lo cho hậu sự; nhưng lúc nào cũng vui vẻ, hoan hỷ. Chưa bao giờ thối thác khi có người đem sổ đến quyên tiền,Cô cúng không nhiều thì ít lúc nào cũng có.
Trước mùa Vu Lan Báo Hiếu năm 2009 Sư Cô thưa với tôi rằng: “con muốn đi trong mùa Vu Lan nầy quá và sau khi thiêu xác, con muốn đem về nơi đất Phật để rải cốt tại đó”. Tôi bảo: “ Cô còn mạnh; sao nói đến chuyện chết được”. Việc nầy cũng có nhiều lý do: Vì ở tuổi 90 Cô chưa hề lẩn và quên một việc gì, ai đến thăm Sư Cô, Cô đều nhớ tên hết.
Điều đặc biệt hơn nữa là không làm phiền quý Cô khác khi đêm đến hay sáng ra, mà Cô tự lo chăm sóc cho thân già của Cô về việc vệ sinh cá nhân; chứ không trách móc, tủi thân hay buồn bực, mà lúc nào trên môi Cô cũng có câu niệm Phật. Đôi khi người ta còn trẻ mà vẫn mê muội lú lẩn như thường; còn ở đây già ngần ấy tuổi mà vẫn còn sáng suốt như vậy thì ai mà chẳng muốn sống lâu.
Đến ngày 04 tháng 09 năm 2009 nhằm ngày 16 tháng 07 âm lịch năm Kỷ Sửu thì sức khoẻ của Sư Cô yếu dần thấy rõ. Bác Sĩ Dienemann khuyên đem vào bệnh viện để chuyền nước biển, nhưng Cô chối từ và muốn được ở lại chùa. Cuối tuần đó là Lễ Vu Lan của chùa Viên Giác tổ chức nên chùa cũng bận rộn không phải là ít. Kẻ đến người đi, kẻ vào người ra nhộn nhịp vô cùng.
Những giờ cuối của ngày thứ sáu nhằm 04 tháng09 năm 2009 ấy tuy Cô rất mệt, thở ra vào khó khăn lắm; nhưng ai đến Cô cũng biết và Cô muốn được ra đi trong mùa Vu Lan nầy. Ý nghĩ ấy hiện ra rõ trên nét mặt của Cô nhiều hơn nữa, nhất là sau những cái trở mình và ngồi dậy như người chẳng có chuyện gì đã xảy ra trước đó.
Khoảng 21 giờ đêmngày 04 tháng 09 năm 2009 sau thời giảng pháp của Hòa Thượng Thích Kiến Tánh trên chánh điện, tôi và Ngài vào phòng Sư Cô để trợ niệm vãng sanh mấy tràng hạt niệm Phật hộ niệm và tụng một biến Kinh A Di Đà. Tiếp đó Thầy Hạnh Vân, Hạnh Hòa, Hạnh Giới, Hạnh Lý và quý Sư Cô cũng như quý Phật Tử trợ niệm suốt cả đêm tối ấy cho đến sáng ngày thứ bảy nhằm ngày 17 tháng 07 âm lịch. Lúc nầy mọi người về chùa càng lúc càng đông và ai nghe nói Sư Cô sắp ra đi cũng đều đến phòng để chung lời hộ niệm. Thế là tiếng niệm Phật vang dội khắp nơi dưới tầng một của chùa.
Đúng 3 giờ chiều ngày thứ bảy sau khi tôi giảng pháp và cầu nguyện trên Chánh Điện xong, thì Sư Cô Hạnh Bình lên báo tin là: Sư Cô Hạnh Châu đã ra đi rồi và tất cả mọi người hiện diện đều đồng thanh hộ niệm: “Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật” ba lần và giờ ấy tôi chính thức báo tin rằng: chúng tôi xin vô cùng hoan hỷ báo tin cùng chư Tôn Đức và quý Phật Tử xa gần rằng: “Sư Cô Thích Nữ Hạnh Châu đã thuận thế vô thường ra đi trong trạng thái vãng sanh vào lúc 15 giờ ngày 05 tháng 09 năm 2009 nhằm ngày 17 tháng 07 năm Kỷ Sửu với thế thọ 90 tuổi; hạ lạp 14 và xuất gia niên lạp 22”. Ai ai cũng tỏ vẻ vui mừng. Vì Sư Cô đã chọn đúng theo điều ước nguyện của mình.
Ở chùa Viên Giác với những đám cưới thân quen, tôi thường hay chia buồn với cô dâu và chú rể. Những người tham dự hơi ngạc nhiên; nhưng sau khi giải thích, thấy và biết được lý do chính đáng rồi, mọi người mới gục đầu và nhoẻn miệng cười một cách ý vị. Tôi bảo rằng: Sở dĩ Thầy chia buồn, vì cô cậu lâu nay sống tự do thoải mái, đi đâu và làm gì cũng không bị ràng buộc; ngay cả việc chi tiêu tiền bạc của ai nấy xài, chẳng ai hỏi ý ai. Còn bây giờ tất cả đều mất hết sự tự do. Vậy có gì vui mà chung vui. Cho nên Thầy xin chia buồn hay nói đúng hơn là chia sẻ với cô cậu sự mất mát ấy vậy.
Hiện tượng được vãng sanh của Sư Cô Hạnh Châu được thể hiện qua những sự kiện sau đây:
Việc thứ nhất là Sư Cô biết trước ngày ra đi của mình và chọn ngày lễ Vu Lan như đã dự định trước cũng như Sư Cô mong muốn có đông đảo chư Tăng Ni và Phật Tử hộ niệm cho Sư Cô trong lúc ra đi, thì điều nầy đã đạt thành sở nguyện.
Việc thứ hai là sau khi tắt thở miệng Sư Cô hả lớn; nhưng sau khi niệm Phật độ một tiếng đồng hồ thì miệng Sư Cô tự động đóng kín trở lại. Sau 8 giờ liên tiếp niệm Phật như vậy, quý Sư Cô khác trông lo việc lau mình tắm rửa cho Sư Cô; nhưng tuyệt nhiên cửu khiếu (gồm chín đường ra vào của hai con mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi, miệng và đường đại tiện và đường tiểu tiện) không tiết ra một chất dơ nào cả và thân thể Cô vẫn mềm mại như khi còn sống, mặc dầu để xác của Cô tại phòng ở chùa cho đến sáng thứ hai ngày 07 tháng 09 năm 2009 nhà quàng mới đến, để làm lễ tẩn liệm cho Sư Cô. Như vậy là sau hơn 40 tiếng đồng hồ mà thi thể vẫn không thay đổi.
Việc thứ ba là vào ngày 10 tháng 09 năm 2009 quan tài của Sư Cô được đưa trở lại chùa để tụng Kinh Địa Tạng qua hai đêm, chờ đến sáng thứ bảy ngày 12 tháng 09 năm 2009 thì đưa đám. Trong thời gian nầy trời quang mây tạnh, nhưng vồng cầu năm màu xuất hiện trên đỉnh tháp bảy tầng của chùa Viên Giác. Đây cũng là một hiện tượng của sự vãng sanh. Giống như trường hợp của cố Thượng Tọa Thích Thiện Thông mà tôi đã viết trong quyển: “Có và Không” trong những năm trước.
Trước khi Sư Cô tắt thở vào lúc 15 giờ chiều ngày thứ bảy 05 tháng 09 năm 2009 có một trận mưa rào thật lớn; giống như hoa rơi mà cả bằng ngàn người tham dự lễ Vu Lan hôm ấy tại chùa Viên Giác đều đã chứng kiến. Ngoài ra sau khi thiêu Sư Cô có để lại một ít xá lợi. Như vậy những điều như trên cho chúng ta thấy và hiểu ra được rằng sự thể hiện như vậy là hiện tượng của sự vãng sanh.
Theo như trong các kinh điển của Phật Giáo và kinh sách của Tây Tạng có cho biết rõ ràng về thân trung ấm của một chúng sanh như sau:
Nếu chúng sanh ấy sống trong đời nầy giữ tròn năm giới cấm của Phật chế. Đó là không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu thì khi lâm chung, thần thức sẽ xuất ngay ra khỏi thi thể và tùy theo nghiệp lực cứ đi theo đó mà chọn nghiệp để đầu thai kể từ ngày thứ nhất cho đến 21 ngày và trể nhất là 49 ngày.
Nếu chúng sanh ấy sống trong đời nầy và đời trước hoàn toàn làm những việc thiện trong 10 thiện nghiệp. Có nghĩa là: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời hung ác, không tham, không sân, không si thì những người như thế sau khi mất, thần thức sẽ được bay cao lên và sanh về cõi chư Thiên.
Ngay cả những người làm phước bố thí, cúng dường, tin vững lý nhân quả và Đại Thừa cũng sẽ được sanh vào ở những thế giới cao hơn.
Nếu chúng sanh ấy trong đời nầy hoặc trong những đời trước chỉ toàn làm những ác nghiệp như: giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp Tăng và làm thân Phật ra máu cũng như Nhất Xiển Đề, khi chết không biết tàm quý và không có những Thiện Hữu Trí Thức hộ niệm thì thần thức sẽ rơi vào ngay nơi cõi Địa Ngục.
Còn những chúng sanh nào sau 49 ngày mà vẫn chưa đi đầu thai được thì sẽ trở thành cô hồn lang thang đây đó đầu ghềnh, thác nước, cây đa, bến đò, chùa, miễu .v.v.. những hồn cô độc nầy rất cần đến nhiều nơi cúng kiếng và nương tựa để được giải thoát.
Người Phật Tử phải tin vào nhân quả, vì nhân nào thì quả nấy, không sai mảy may chút nào cả.
Nhân quả xưa nay không lầm lẫn bao giờ.
Trong kinh Phật dạy rằng: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Điều ấy có nghĩa là: Mọi pháp trong thế gian nầy cái gì cũng trở thành không hết cả; nhưng nhân và quả là những mắc xích dây chuyền với nhau, khi đã gây ra rồi thì phải chịu quả báo lành hay dữ là tùy theo hành động lành dữ, thiện ác của mình trong quá khứ dẫn dắt lại.
Sư Cô Hạnh Châu cũng đã chọn ra đi đúng với những ngày mà cá nhân của tôi tạm rảnh rỗi, không có Phật sự ở đâu cả. Ví dụ như ngày ra đi của Cô nhằm lễ Vu Lan và ngày tiển biệt Sư Cô vào sáng sớm ngày 12 tháng 09 năm 2009 cũng vậy.
Một điều khác khó nghĩ nữa là vào ngày 24 tháng 10 năm 2009 nhằm ngày mùng 07 tháng 09 âm lịch (thứ bảy) ngày ấy là ngày làm tuần 49 ngày của Sư Cô, tôi một lần nữa lại có mặt tại chùa và hôm đó chùa Viên Giác cũng như gia đình của Cô có làm lễ Trai Tăng và cũng có rất đôngTăng Ni, Phật Tử về tham dự.
Điều cuối cùng theo ước nguyện của Sư Cô Hạnh Châu là đem tro về rải trên đất Phật. Việc nầy cũng lại hy hữu nữa. Thông thường thì mỗi năm tôi đi Ấn Độ một lần và thường định trước chương trình cả năm và vé máy bay đã đặt trước đó ít nhất là 3 đến 6 tháng. Nhưng đây lại là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nữa. Sau tuần 49 của Sư Cô 1 tuần thì tôi đi Ấn Độ.
Do vậy tôi có nói cho Thầy Hạnh Giới rõ biết việc nầy và Thầy ấy đã liên hệ nhà quàn để lo giấy tờ thủ tục xuất gởi đi Ấn Độ. Vào ngày 01 tháng 11 năm 2009 vừa qua sau khi tham dự lễ Thọ Bát Quan Trai tại Chi Hội Nurnberg Tôi tiếp tục đi đến phi trường Munchen và máy bay cất cánh tại đó cùng với hài cốt của Sư Cô mang sang Thái Lan và cuối cùng đã đến Bồ Đề Đạo Tràng vào ngày 03 tháng 11 năm 2009 và tất cả đều thông suốt, không bị một trở ngại nhỏ nào cả.
Gần một tuần lễ để hài cốt của Sư Cô tại Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng đến ngày 08 tháng 11 năm 2009 Cô được cúng chung với Sư Phụ của chúng tôi là cố Hòa Thượng Thích Long Trí đã viên tịch ở Hội An từ 11 năm về trước và sau lễ Trai Tăng, chư Tăng Ni đã lên xe, mang hài cốt của Sư Cô rải xuống sông Ni Liên Thiền; nơi Đức Phật đã tắm gội ở đây để trước khi lên đất liền, ngồi tỉnh tọa dưới gốc cây Bồ Đề trong vòng 49 ngày và sau đó ngài đạt được đại ngộ với danh hiệu là Phật Đà.
Tuy nước sông Ni Liên Thiền mùa nầy không có nhiều, vì là mùa nắng của Ấn Độ; nhưng khi mùa mưa đến sẽ mang cốt thiêu của Sư Cô hòa tan cùng với đất trời vạn vật để trở về cõi vô tung mà Sư Cô vẫn hằng mong ước. Vì đến đã không mang được gì ở cõi Ta Bà nầy ngoài nghiệp lực, thì sau khi đi cũng xin gởi lại tất cả ở chốn trần ai phiền lụy nầy.
Vì Lẽ:
“Trăm năm trước thì ta chưa có
Trăm năm sau có cũng như không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi”.
Đúng là như vậy. Dẫu cho Sư Cô sống gần một thế kỷ ở trên cõi đời nầy; nhưng thử hỏi trước 100 năm ấy Sư Cô là ai và từ đâu đến? Chắc chắn Sư Cô không thể trả lời được; nếu có, chỉ là một cái nhoẻn miệng cười. Rồi sau gần 100 năm ở trên trần thế nầy Sư Cô cũng đã có tất cả, không thiếu một thứ gì; nhưng khi chết đi hai bàn tay cũng buông xuôi, đâu có mang theo được một vật dụng tùy thân nào đâu.
Cũng may là khi còn sống Sư Cô đã thức thời, biết cắt ái ly gia, biết làm phước, bố thí, cúng dường, biết nhơn quả, tội phước, biết gieo trồng căn lành cho đời sau . v.v. . chính nhờ tấm lòng từ bi ấy mà trên từ chư Tôn Đức thương tưởng, dưới đến các Phật Tử khắp nơi đều quý mến Sư Cô; cho nên cái còn ấy không hình tướng, mà nó lại còn hoài với đời, với Đạo. Cái mất có hình tướng, là cái mất của sự đối đãi, nó không bền chặt với thời gian và năm tháng.
Có nhiều vị Tôn Túc sau khi dự đám Tang của Sư Cô thì buột miệng nói rằng: “Chưa chắc quý Hòa Thượng, quý Sư Bà khi ra đi mà phước ít, thì làm sao có được một sự ra đi giải thoát như vậy!”. Đây là sự thật; vì khi còn sống, nắp quan tài chưa đậy lại, ai muốn nói gì thì nói.
Bởi nhân quả chưa hiện ra rõ ràng; nhưng khi hơi thở cuối cùng đến với mọi người, lúc ấy mới rõ biết là:
“ Lênh đênh qua ải thần phù
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm”
Bất cứ một việc làm gì, khi nhìn kết quả của sự việc, ta sẽ biết nguyên nhơn của việc ấy và ngược lại, nếu muốn biết kết quả của một việc xảy ra cho được tốt đẹp, thì ngay trong hiện tại phải lo gây cái nhân thật tốt là vừa. Câu kệ ngày xưa chư Tổ Sư truyền thừa cho đến ngày nay chắc vẫn còn hữu hiệu:
“Dục tri tiền thế nhơn
Kim sanh thọ giả thị
Dục tri lai thế quả
Kim sanh tác giả thị”
Nghĩa là:
“Muốn biết nguyên nhơn của đời trước
Thì xem cái kết quả của đời nầy
Muốn biết cái quả ở ngày sau
Xin xem cái nhân đang gây ra trong hiện tại”.
Đây được gọi là nhân quả trong 3 đời. Nếu nói nhân quả trong nhiều đời, nó lại càng chằng chịt nhiều hơn nữa; nhưng nói cho cùng thì kết quả của cái nầy, sẽ chính là cái nhơn của cái kia. Cái nầy sanh, cái kia cũng sanh; cái nầy diệt, thì cái kia cũng diệt. Nó biến đổi liên hoàn như vậy.
Mỗi chiều hay mỗi tối, có nơi mỗi khuya ở tại các chùa, khi tụng Kinh đến phần Sám thì hay cử các bài Sám: “Nhất tâm quy mạng” hay “ Sám Khể thủ” .v.v.. đại ý của những bài Sám nầy chư vị Tổ Sư muốn trùng tuyên lại ý nghĩa của việc cần cầu vãng sanh của chúng ta, đang sống ở thế giới Ta Bà đầy dẫy những oan khiên nghiệt ngã như thế nầy và ý nguyện của chúng ta, qua nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, sẽ được tiếp dẫn về thế giới Tây Phương Cực Lạc; nơi đó sẽ không còn sanh, già, bệnh, chết và luân hồi sanh tử nữa.
Trong đời mạt pháp nầy pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn tối thắng. Do từ lực của Đức Phật A Di Đà mà ta sẽ được sanh sang nước Cực Lạc; nếu chúng ta chí tâm tha thiết muốn được sanh về thế giới của Ngài.
Các vị Bồ Tát như Ngài Phổ Hiền cũng đều phát nguyện sau khi lâm chung đều được sanh về thế giới của Đức Phật A Di Đà. Hoàng Hậu Vi Đề Hy, sau khi thấy A Xà Thế giam Vua Tần Bà Sa La vào ngục thất, Bà cầu Đức Phật Thích Ca giúp bà sanh về thế giới nào mà không bị những chướng duyên như thế. Cuối cùng qua “Kinh Quán Vô Lượng Thọ” chúng ta biết rằng Hoàng Hậu Vi Đề Hy phát tâm sanh về thế giới nầy.
Rồi đến các vị Tổ của Trung Hoa như Ngài Huệ Viễn, Ngài Thiện Đạo, Ngài Ấn Quang Đại Sư .v.v. . tất cả đều nguyện sanh và đã sanh về thế giới Tây Phương. Ở tại Nhật Bản Ngài Pháp Nhiên, Ngài Thân Loan là những vị Tổ của Tịnh Độ Chơn Tông cũng đã nguyện sanh về cảnh giới giải thoát nầy. Ở Việt Nam chúng ta có Ngài Đàm Hoằng tu tại núi Tiên Du, Bắc Việt vào thế kỷ thứ 4 cũng đã vãng sanh về Tây Phương Tịnh Độ.
Những vị ở thế kỷ thứ 19, 20 tại Việt Nam cũng như Thái Lan viên tịch trong tư thế chấp tay niệm Phật và thác hóa như Ngài Hổ Phách Thiền Sư, Ngài Phổ Tế Thiền Sư (Thái Lan) v.v......
Ngày nay nhục thân các Ngài vẫn còn ngồi đó. Hay Sư Bà Đàm Lựu viện chủ chùa Đức Viên ở San Jose Hoa Kỳ, tu theo pháp môn niệm Phật, sau khi thiêu quả tim vẫn còn và hiện đang thờ tại chùa Đức Viên và còn vô số chư Tăng, Ni và nhiều Phật Tử khác cũng đã thực chứng được pháp môn nầy.
Vậy không có gì để nghi ngờ nữa, mà qua 6 chữ Hồng Danh
“Nam Mô A Di Đà Phật” chúng ta nên cố gắng hành trì qua ba điều quan trọng là Tín, Nguyện, Hạnh. Theo như Phật Giáo Trung Hoa và Việt Nam, chúng ta đã thực hành lâu nay; hoặc qua 5 tiến trình của sự giải thoát theo Tịnh Độ Tông Nhật Bản là: chí tâm, tín nhạo, dục sanh. Ba tâm nầy do hành giả tự phát nguyện và hai tâm sau như: nhiếp thủ và bất xả là do chư vị Bồ Tát và chư Phật gìn giữ chúng ta khi chúng ta đã được sanh về nơi Cửu Phẩm Liên Hoa.
Nay tôi viết bài nầy không chỉ để tán dương Sư Cô Thích Nữ Hạnh Châu, mà còn để giới thiệu một hành giả tu Tịnh Độ với tâm cương quyết vãng sanh, thì trước sau lời nguyện ấy cũng sẽ được chư Bồ Tát và chư Phật tế độ cho. Có nhiều người nói rằng: những gì không thấy không nghe, không hiểu không rõ biết thì khó tin theo và thực hành. Nhưng cũng có lắm điều chúng ta không thấy, mà chúng ta vẫn tin rằng: Nếu không có chúng thì chúng ta sẽ chết. Ví dụ như không khí chẳng hạn.
Do Vậy đây cũng là lời cuối, xin nhắn gởi đến những ai chưa phát tâm thì hãy phát tâm và khi đã phát tâm rồi, nên dõng mãnh tinh tấn hơn nữa để được dự vào “Liên Trì Hải Hội” của Đức Phật A Di Đà đang chờ đợi chúng ta.
Thích Như Điển