Kính thưa quý thính giả,
Triều đại Tây Sơn – Nguyễn Huệ xuất hiện nhiều danh tướng lẫy lừng, được ghi danh trong sử sách. Trong số đó có một tướng lãnh đầy tài năng và mưu lược, được sự tin cậy của vua Quang Trung và lòng thương mến của quân sĩ. Dưới sự cai quản của ông, tình hình miền Bắc sau thời Vua Lê – Chúa Trịnh đã dần dần ổn định. Ông cũng xem trọng văn học, mở khoa thi để thu dụng kẻ sĩ, kính trọng người quân tử và khoan dung đối với kẻ tiểu nhân. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Đại tư mã Ngô Văn Sở" của Việt Thái qua sự trình bày của Tam Thanh để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Ngô Văn Sở người làng Bình Thạnh, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay thuộc phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Tổ tiên ông là người ở Trảo Nha, huyện Thiên Lộc (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) di cư vào huyện Tây Sơn. Thuở nhỏ theo học võ với Đô thống Ngô Mạnh.
Nǎm 1784, Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm, Nguyễn Huệ dùng phục binh tại Xoài Mút, tiêu diệt 2 vạn quân Xiêm và đánh chìm 300 chiến thuyền.
Nǎm 1786, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, thắng nhiều trận liên tiếp ở Thuận Hóa, Quảng Trị, Quảng Bình. Sau đó, giương cao ngọn cờ "Phù Lê diệt Trịnh", chiếm Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn Nam và đến ngày 21/7/1786, đại quân của Nguyễn Huệ tiến vào Thǎng Long.
Ngày 31/7/1786, Nguyễn Huệ và các tướng sĩ Tây Sơn cùng các quan vǎn võ Bắc Hà vào triều chúc mừng vua Lê Hiển Tông và Nguyễn Huệ được sắc phong làm "Nguyên soái Phù dực chính vũ Uy quốc công", được vua gả công chúa Ngọc Hân. Sau đó, Nguyễn Huệ được phong làm Bắc Bình Vương và được lệnh rút quân về Nam, đóng tại Thuận Hóa.
Khi Nguyễn Huệ rút quân, miền Bắc trở nên loạn lạc. Vua Lê Chiêu Thống nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh đánh dẹp tay chân của họ Trịnh, nhưng sau đó thì Nguyễn Hữu Chỉnh cậy công nên lại chuyên quyền. Từ Huế, Nguyễn Huệ sai Vũ Vǎn Nhậm - con rể Nguyễn Nhạc - mang quân ra diệt Nguyễn Hữu Chỉnh.
Thời gian sau, Ngô Văn Sở báo cho Nguyễn Huệ biết âm mưu phản loạn của Vũ Văn Nhậm nên Nguyễn Huệ bất ngờ kéo quân ra đất Bắc giết Vũ Vǎn Nhậm, giao trọng trách trấn thủ thành Thǎng Long và cai quản 11 trấn Bắc Hà cho Ngô Văn Sở.
Khi Tôn Sĩ Nghị kéo 20 vạn đại quân sang xâm lược, Ngô Văn Sở kéo quân vào đóng giữ vùng Tam Điệp để bảo toàn lực lượng, rồi cắt cử Nguyễn Văn Tuyết về Phú Xuân cấp báo.
Nhận được tin, Nguyễn Huệ lập tức chọn ngày, lập đàn tế trời đất tại núi Bân Sơn, lên ngôi lấy danh hiệu là Quang Trung hoàng đế và tuyên bố: "Chỉ trong vòng 10 ngày sẽ quét sạch quân xâm lược, cùng quân sĩ ǎn Tết trong thành Thǎng Long vào mùng 7 tháng Giêng". Ngài đích thân chỉ huy đại quân tiến ra Bắc. Khi đến núi Tam Điệp thì Ngô Văn Sở ra đón và xin chịu tội "không đánh quân Tàu mà lại lui quân". Vua Quang Trung mỉm cười nói rằng, khi nghe quân Tây Sơn lui về lập phòng tuyến tại Tam Điệp, Ngài biết ngay đó là kế của Quân sư Ngô Thời Nhậm và ra lệnh cho Đại tư mã Ngô Văn Sở phải lập công chuộc tội với nhiệm vụ chỉ huy quân tiên phong tiến ra đất Bắc.
Đến mùng 5 Tết, vua Quang Trung và đại quân Tay Sơn tiến vào thành Thăng Long, sau khi đánh trận Ngọc Hồi giết chết Hứa Thế Hanh, phá quân Tàu ở trận Đống Đa làm cho Sầm Nghi Đống tự tử và Tôn Sĩ Nghị phải vứt bỏ cả ấn tín trốn chạy về nước. Sau khi đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung ra lệnh Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân ở lại Thăng Long, tiếp tục phụ trách cai quản và bình định 11 trấn Bắc Hà.
Khi vua Quang Trung mất, vua Quang Toản lên ngôi khi còn nhỏ, quyền hành bị rơi vào tay người cậu là Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Kể từ đó, triều đình Tây Sơn phát sinh nội loạn. Trong một cuộc đấu tranh nội bộ, Đô đốc Võ Văn Dũng đã sai quân bắt cha con Bùi Đắc Tuyên hạ ngục. Cho rằng Ngô Văn Sở là người cùng phe cánh với Bùi Đắc Tuyên nên Võ Văn Dũng đã giả chiếu chỉ triệu Ngô Văn Sở về Phú Xuân. Sau đó, Võ Văn Dũng khép Ngô Văn Sở vào tội mưu phản rồi đem đóng cũi dìm xuống sông Hương.
Vua Quang Toản biết Ngô Văn Sở bị oan ức nhưng không cứu được tính mạng của ông.
* * *
Triều đại Tây Sơn, đặc biệt là cuộc đại phá 20 vạn quân Thanh vào Tết Kỷ Dậu năm 1789 là một dấu ấn lớn trong lịch sử VN. Không chỉ có tên tuổi vua Quang Trung – Nguyễn Huệ đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc mà một loạt các tướng lãnh xuất sắc cũng được lưu truyền suốt 200 năm qua, bất chấp nỗ lực bôi xóa triều đại Tây Sơn của vua Gia Long khi lập ra triều Nguyễn.
Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, bất cứ học sinh nào ở miền Nam cũng được giảng dạy về triều đại Tây Sơn, và đều biết đến những cái tên như Quang Trung, Đại tư mã Ngô Văn Sở, Đô đốc Lộc, Đô đốc Tuyết, Trần Quang Diệu hay Bùi Thị Xuân. Thế nhưng chỉ trong vòng 70 năm dưới sự thống trị của tập đoàn cộng sản VN, nhiều người đã rớt nước mắt khi thấy và nghe các học sinh trung học ngây ngô trả lời trên đài truyền hình "Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em", hay "Nguyễn Du là anh em với Nguyễn Huệ". Cũng may là chưa hỏi về danh tướng Ngô Văn Sở, nếu không thì câu trả lời có thể khiến nhiều người bụm mặt vì xấu hổ.
Thế nhưng điều xấu hổ nhất là chính ông tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng cũng chẳng khá gì hơn các học sinh không được học Sử đó, khi vênh váo tuyên bố "thời đại Hồ Chí Minh là thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc", trong khi cả nước đang băng hoại về đạo đức và ngư dân Việt thì liên tục bị quân Tàu tấn công, cướp bóc và đánh đập trên Biển Đông!
Việt Thái