Saturday, 8 August 2015

Có nhất thiết phải có một lãnh tụ? - Đức Thắng ửi tới BBC từ Hà Nội

Việc xây tượng đài để vinh danh lãnh tụ đã gặp phải nhiều chỉ trích tại Việt Nam trong thời gian qua
Có lẽ người Việt Nam hiện nay coi việc mỗi đất nước có một lãnh tụ là điều đương nhiên, nhưng điều đó có thật sự chính xác?
Nếu chú ý, việc sùng bái cá nhân lãnh tụ dường như chỉ tập trung ở một vài quốc gia mà sự phát triển đất nước không cao.
Những nước đi đầu về mọi mặt: kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật…, những nước luôn được các quốc gia nhỏ lấy làm tấm gương để phát triển, ở những nước này lại hầu như không thấy sự hâm mộ tập trung vào một cá nhân.
Đầu tiên là Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama rất được hâm mộ, nhưng chủ yếu vì ông là người da màu đầu tiên nắm chức vụ này chứ chẳng phải vì quá xuất sắc so với những người tiền nhiệm.
Mới đây vị Tổng thống Mỹ đã nhắc khéo giới lãnh đạo châu Phi (vốn nổi tiếng về tham quyền cố vị) rằng ông yêu thích công việc này và hoàn toàn có thể làm thêm nhưng hiến pháp Mỹ không cho phép.
Không chỉ là luật pháp, thực tế nước Mỹ đúng là không cần một vị Tổng thống nào cầm quyền lâu dù người ấy có xuất sắc thế nào đi nữa. Tổng thống Mỹ cũng chỉ là người có nhiều quyền quyết định nhất chứ không thể một mình làm nên tất cả.
Vẫn còn những cơ chế quyền lực khác như Quốc hội để đảm bảo nền dân chủ của nước Mỹ và đảm bảo rằng mọi quyết định của người đứng đầu đất nước hợp với đa số những người đại diện nhân dân.
Nước Mỹ đã trải qua bao đời Tổng thống, cũng có nhiều ông nổi tiếng, nhưng chẳng có ông nào được cho là lãnh tụ vĩ đại để đem ra ca ngợi mọi lúc mọi nơi cả.
Sau khi Franklin D. Roosevelt – một trong những Tổng thống vĩ đại nhất qua đời khi đang làm nhiệm kỳ thứ 4, Mỹ ra luật người đứng đầu Nhà Trắng chỉ được nắm quyền tối đa 2 nhiệm kỳ.
Từ đó cứ đều đều ông 1 nhiệm kỳ, ông 2 nhiệm kỳ. Có ông xuất sắc, có ông kém hơn một chút. Nhưng nước Mỹ có thay đổi gì không? Chẳng có gì cả, vẫn dẫn đầu thế giới.
Quay sang Nhật. Nếu chỉ nhìn vào mật độ thay Thủ tướng thì nước này có thể bị đánh giá là bất ổn nhất thế giới.
Ông Kim Jong-un là lãnh đạo tối cao của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.
Trước khi Junichiro Koizumi lên nắm quyền, Nhật Bản có 10 Thủ tướng trong 12 năm. Sau khi ông rời nhiệm sở, đất nước mặt trời mọc cũng có 6 người đứng đầu đất nước trong 6 năm. Đến nay mới có một người có thể tái đắc cử là đương kim Thủ tướng Shinzo Abe.
“Bất ổn chính trị” như thế nhưng Nhật vẫn là nền kinh tế hàng đầu thế giới. Ngay cả thời kỳ phát triển thần kỳ trước đây, người ta cũng không tìm ra một vị lãnh tụ có công lao to lớn nhất đối với đất nước Nhật để tôn làm thần thánh. Thành quả của nước Nhật là của một tập thể nhiều người xuất sắc.
Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada… cũng vậy, sự phát triển của họ cũng không gắn liền với một tên tuổi cụ thể nào.
Singapore là một trường hợp hiếm hoi khi cố Thủ tướng Lý Quang Diệu được coi là người khai quốc công thần. Nhưng ở đây người ta cũng không dựng tượng tràn lan để “đời đời nhớ ơn” dù công lao của Lý Quang Diệu là không phải bàn cãi.

Các nước “chưa phát triển”

Các lãnh tụ vĩ đại đặc biệt phổ biến ở những nước kém phát triển hơn. Có thể kể ngay ra đây: Triều Tiên, Cuba, Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc.
Ở Triều Tiên là cha con Kim Nhật Thành và Kim Jong Il, Cuba là Fidel Castro, Việt Nam là Hồ Chí Minh, Lào có Kaysone Phomvihane, Campuchia có Norodom Sihanouk, Trung Quốc có Mao Trạch Đông.
Đây phần lớn đều là những nước Xã hội Chủ nghĩa và đều nghèo cả. Trung Quốc có thể có tổng sản phẩm quốc nội lớn, nhưng bình quân đầu người còn thấp, phát triển nhanh nhưng không bền vững.
Có thể ai đó sẽ nói rằng, vì kém phát triển nên cần phải có những con người vĩ đại để làm chỗ dựa tinh thần và soi đường chỉ lối. Nghe thì cũng có lý nhưng thực tế những nước này đã trải qua gần nửa thế kỷ hòa bình mà không phát triển được nhiều.

Vì sao?

Tượng Lenin bị kéo đổ tại Ukraine và nhiều nước từng thuộc Liên Xô cũ.
Thứ nhất: Các nước phát triển đều là những nơi tự do thông tin, nên bất kể nhân vật nào cũng được đánh giá theo nhiều chiều. Mà trên đời không ai hoàn hảo, nên một phần cũng vì lý do này mà các nước lớn ít sùng bái chính trị gia – một nghề luôn cần nhiều thủ đoạn.
Ngược lại, vì bị che dấu thông tin nên các nước nhỏ luôn cảm thấy lãnh tụ của mình vĩ đại hơn lãnh đạo nước lớn, dù khả năng nước nhỏ sản sinh ra người tài hơn nước lớn là không nhiều.
Thứ hai: Ở các nước phát triển, các học thuyết, hệ tư tưởng luôn phải được đổi mới, bổ sung, phát triển cho phù hợp với thời đại. Nên các nước này không bám lấy một hình ảnh nào mãi.
Những cá nhân đó nếu quả thật có vĩ đại thì cũng mất rồi, sau khi họ qua đời mà cứ bám vào quá khứ liệu có sáng suốt?
Tư duy của một người ở nửa thế kỷ trước liệu có còn thích hợp với thời hiện tại? Ở đây không có ý chê bai lãnh tụ, nhưng tầm nhìn của một con người nhìn chung cũng có giới hạn. Làm sao bắt một người phải thấy được tương lai của loài người trong 100 năm tới?
Điều này lãnh đạo các nước Xã hội Chủ nghĩa cũng thừa hiểu, nhưng họ cần một biểu tượng hoàn hảo để chống đỡ cho chế độ, để người dân luôn trong nỗi lo sợ bị người khác đánh giá là suy thoái đạo đức khi dám động đến tấm gương sáng ngời của lãnh tụ.

Hậu quả

Thực tế chứng minh, việc đề cao một cá nhân hầu như không ích lợi gì cho nhân dân và đất nước, nó chỉ tốt cho nhà cầm quyền muốn duy trì sự độc tài. Các nước Xã hội Chủ nghĩa đã thế, sau này lại thêm một số lãnh tụ thời hiện đại như Putin, Hugo Chavez... và đều không thể đưa đất nước tiến lên.
Những quyết định độc đoán không dựa trên ý kiến của một hội đồng hiếm khi mang lại kết quả tốt đẹp. Putin nóng đầu sáp nhập Crimea vào Nga, nhưng chỉ sau một thời gian đã cho thấy: đối đầu với phương Tây là một việc làm duy ý chí. Hugo Chavez quốc hữu hàng loạt những ngành kinh tế lớn để rồi bây giờ nền kinh tế nước này sụp đổ.
Phương Tây có thể chia rẽ, tranh cãi gay gắt về nhiều vấn đề, trong đó bao gồm cả phương cách đối đầu với kẻ thù, những cái đó luôn được trưng ra khiến cho các nước độc tài “luôn nhất quán trong mọi hành động” chê cười.
Nhưng về lâu dài, phần thắng luôn thuộc về phía “không đoàn kết” kia khi mà mỗi hành động của họ đều trải qua thảo luận và phe có nhiều sự hợp lý hơn luôn chiếm đa số, mọi thứ luôn được đặt lên bàn cân để tính toán kỹ lưỡng chứ không phải sau một phút bốc đồng hoặc chỉ vì một lý tưởng mù quáng.
Trung Quốc là một trong các quốc gia cộng sản khác cũng tôn thờ lãnh tụ
Một khi đã quyết định chiến đấu với Nga là phương Tây đã suy tính đủ rồi, nên Putin không thể đương đầu lại.
Tóm lại, thời mà một cá nhân với quyền lực vô song quyết định tất cả đã xa rồi.
Truyền hình Việt Nam đang chiếu lại bộ phim “Tể tướng Lưu gù” vào 20h hàng ngày trên VTV2. Phim có đoạn Lưu Dung kịch liệt phản đối quyết định của Hoàng đế Càn Long khi vị vua cho xây dựng một ngôi chùa tiêu tốn 8 triệu lạng bạc trong lúc dân ở lưu vực sông Hoài đang đói kém vì lũ lụt, người chết đói đầy đường.
Chỉ với một lý lẽ: “Phật thì cần ở chùa, dân thì cần gạo ăn, bên nào cần hơn trẫm khắc tự biết” của Hoàng thượng, mọi lời kêu gọi của vị Tể tướng đều vô vọng. Cứ mỗi câu “Hoàng thượng, hãy lấy dân làm gốc!”, Lưu Dung lại bị hạ thêm vài cấp bậc, nhưng ông vẫn không ngừng lời cho đến lúc bị lột hết mũ áo, tống ra khỏi cung điện.
Vào thời đó, “kháng chỉ” là tội chém đầu và Lưu Dung may mà chỉ bị đuổi về quê, còn việc xây dựng thì vẫn cứ phải tiến hành vì thánh chỉ một khi đã ban ra là không thể thay đổi được.
Hiện tại ở Việt Nam cũng có một việc như vậy, chuyện tưởng chừng chỉ có ở những năm 1700, cách đây đã 3 thế kỷ.